Cõi nhân sinh (2)

Charles Bukowski

T.Vấn chuyển ngữ

 

 

Charles Bukowski – 100 năm sau (Nguồn: kenneturner.com)

 

 

TRƯỚC CƠN SAY*

Tôi đã từng gặp đủ các tay làm văn hóa: nhà văn, họa sĩ, biên tập viên, giáo sư, nghệ sĩ, chẳng có ai thực sự xứng danh đàn ông ở nghĩa nguyên thủy, tức những con người có sức lôi cuốn kẻ khác. Họ trông ngon lành hơn khi ở trên những trang sách, trên mặt những họa phẩm. Trong khi chúng ta khó lòng phủ nhận tầm quan trọng của những hình ảnh vừa kể nhưng vẫn cảm thấy rất không thoải mái khi ngồi đối diện với họ, lắng nghe họ nói chuyện hay quan sát khuôn mặt của họ. Cái gọi là mầm sống, nếu có, thì cũng chìm nghỉm mất tăm trong những tác phẩm họ viết, vẽ ra. Để giải trí cho chính mình, để được no đủ về tâm hồn, để được nét thanh nhã cần có và thúc đẩy trái tim  hướng thượng, tôi buộc lòng phải đi tìm ở một nơi khác. Và trong cái thế giới đàn ông ấy, với một vẻ ngoài trông chẳng khác nhau mấy, vẫn có đây đó rải rác một vài cá nhân riêng lẻ nổi bật nhờ vào bản chất hoặc điên khùng hoặc thánh thiện của họ. Tôi đã gặp khá nhiều người như thế, nhưng sẽ chỉ kể lại ở đây một vài thí dụ điển hình.

Đó là cái khách sạn ở khúc đường Beverly và Vermont. Chúng tôi – một người bạn phái nữ và tôi – ngồi đó uống vang. Jane bẩm sinh là một người không hề biết đến màu mè, giả tạo. Nàng có cặp giò hết sẩy, tuy trên đó cũng có một vài vết trầy nhỏ; khuôn mặt nàng lộ một vẻ đau khổ kín đáo. Nàng biết tôi quá rõ. Nàng đã dạy cho tôi vỡ ra được nhiều điều hơn cả hàng chục pho sách triết học truyền đời từ nhiều thế kỷ. Ngồi đó, chúng tôi quan sát bọn đàn ông, đàn bà đi ngang qua hành lang khách sạn. Từ cơ thể những người này toát ra một mùi tử khí, mùi của bệnh dịch hạch và từ miệng họ những lời nguyền rủa thậm tệ được tuôn ra. Tôi ngửi được sự sa đọa ấy, nhưng thấy mình tốt nhất nên lặng thinh với cảm giác mơ mòng ngầy ngật của buổi sáng sau đêm nhậu quắc cần câu chứ bửa đầu mình ra làm chi với cái thứ nhân loại khốn cùng đang tự nguyện lao đầu xuống dốc kia. Tôi đang suy nghĩ lung tung thì chợt có tiếng của nàng: “Thằng chó đẻ! Tôi chịu nó hết nổi rồi! Đến bịnh mà chết vì nó thôi!”. Rồi nàng cười, kèm theo là thói quen như thường lệ, nêu lên đủ thứ tên tục mà nàng đặt cho “thằng chó đẻ” như – Hàm Râu Xanh hoặc Mắt Kiến(g) hoặc Tai Điếc.

Hồi đầu, một lần chúng tôi ngồi trong phòng của tôi uống rượu vang đỏ, nàng bảo, “Anh nè, em nghĩ anh sẽ khoái được gặp nhân viên F.B.I.”. Nàng làm công việc lau chùi phòng ốc ở đó nên rành rẽ bọn họ.

“Dẹp tụi nó qua một bên đi cưng,” tôi bảo nàng, “Anh gặp tụi F.B.I. rồi.”

“Vậy thì thôi!”

Chúng tôi gom cái chai mới uống được một nửa và khoảng hai hay ba chai chưa khui khác theo nàng đi xuống sảnh đường của khách sạn. Khu vực này lúc ấy tối thui như hỏa ngục, có chừng một tá  người đang đứng dựa lưng vào vách tường – những người không có tiền trả tiền thuê phòng – kẻ đang đưa chai rượu lên tu, kẻ đang vê vê điếu thuốc lá. Họ chỉ ăn khoai tây hấp, cơm, đậu, bắp cải, nấu với đầu heo. Chúng tôi đi thêm một chút nữa, đến trước một căn phòng, Jane đưa tay gõ cửa, tiếng gõ cửa nhẹ nhàng nhưng liên tục như muốn nói: bồ bịch đây, không có gì phải sợ.

“Jane đây! Jane đây nè!”

Cánh cửa bật mở, trước mặt chúng tôi xuất hiện một mụ đàn bà nhỏ con nhưng mập phị, cái mặt xấu xí, trông ơn ớn vì cái vẻ man dại của thị; chắc cũng ổn thôi, tôi tự trấn an.

“Vào đi, Jane!”

“Đây là Hank,” nàng giới thiệu tôi cho thị.

“Xin chào,” Tôi nói.

Tôi bước vào, ngồi xuống một chiếc ghế dựa lưng thẳng đứng. Một trong hai người phụ nữ đi vòng châm đầy những cái ly với thứ rượu sặc mùi tử khí.

Trên giường bên cạnh, có một gã đàn ông trông trẻ hơn tôi chừng 10 tuổi. Gã ngồi đó, nhưng không ai buồn mở mồm giới thiệu.

“Ẩy chú em, làm gì ngồi đó?” Tôi hỏi.

Gã cũng không buồn trả lời. Chỉ giương mắt nhìn tôi. Gặp phải một thằng chó chết nó không tỏ ra chút hưởng ứng nào trong lời chào mời của mình, thế có nghĩa là nó là một thằng thứ dữ theo nghĩa bất cần đời, hoặc là một thằng mang bản năng hoang dã. Tôi biết mình đã bị sa lầy khi theo Jane vào đây.  Gã trai trẻ cứ nằm ườn ra trên đống chăn mền bẩn thỉu, ly rượu trên tay. Điều tệ hại hơn nữa là trông gã điển trai, rất điển trai là đằng khác. Mẹ kiếp! nếu những đứa ăn thịt (người) sống đều xinh trai đẹp gái thì thằng này là một điển hình. Không sai chút nào. Gã có cái mỏ nhọn và đôi mắt linh hoạt của con kền kền. Gã nâng cái ly lên dốc tuột một hơi cái thứ rượu nặng mùi tử khí ấy xuống đến tận cổ mà khuôn mặt chẳng hề một chút cảm giác. Tôi cũng là một đứa uống rượu có tầm cỡ trong suốt hai thế kỷ cuối cùng này của nhân loại. Cả đời tôi không biết làm gì khác cho ra hồn ngoài nốc cái thứ chất độc dơ dáy ấy vào trong bao tử, tay làm như bám chặt vào thành ghế cho ra vẻ, mặt thì lạnh lùng vô cảm như một tay chơi bài phé.

Rót đầy ly cạn. Gã đẹp trai chìa ly. Tôi cũng chìa ly. Hai mụ đàn bà chỉ ngồi và nhìn chúng tôi uống. Cái thứ rượu nhầy nhụa chảy vào trong nỗi buồn nhầy nhụa. Chúng tôi làm thêm vài vòng vơi đầy đầy vơi nữa. Gã điển trai bắt đầu nói lảm nhảm. Những câu nói mới nghe thì hay ho lắm nhưng nghe kỹ thì nội dung lộn xộn, đầu cua tai nheo. Dầu vậy, chúng cũng làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Suốt đêm, cái đèn điện bự tổ chảng sáng rực ở trên đầu cùng với một lũ xỉn lảm nha lảm nhảm như điên như khùng.

Thế rồi việc gì phải đến đã đến – hình ảnh ườn người trên giường của gã đẹp trai đã kết thúc. Bây giờ thì gã ngồi thẳng người lên, dù vẫn còn trên giường. Đôi mắt kền kền đẹp tuyệt vời và chiếc bóng điện to tướng chiếu thẳng vào chúng tôi. Gã nói bằng một giọng nhẹ nhàng, êm ả nhưng đầy thẩm quyền.

“Tôi là nhân viên F.B.I. Các người đã bị bắt.”

Gã sẽ bắt tất cả chúng tôi, những người ở trong phòng: mụ đàn bà của gã, mụ đàn bà của tôi, tôi, không chừa một ai. Chúng tôi sẽ phải chịu khuất phục và đêm rồi cũng sẽ qua đi. Tôi không biết trong năm tới đây, gã sẽ bắt tôi thêm bao nhiêu lần nữa, nhưng cái khoảnh khắc của mỗi buổi tối khi mà việc bắt giữ xảy ra, luôn luôn là khoảnh khắc mang tính ma lực khác thường. Tôi chưa bao giờ thấy gã rời khỏi chiếc giường. Gã đái ỉa, ăn uống, cạo râu lúc nào thì tôi không biết. Suy nghĩ mãi, tôi chỉ còn có thể kết luận rằng gã không có những nhu cầu này. Có thể chúng hiện hữu với gã dưới một hình thức nào khác chăng, như ngủ hoặc chiến tranh nguyên tử hoặc tuyết tan. Gã đã khám phá ra rằng chiếc giường là phát minh vĩ đại nhất của con người – hầu như tất cả chúng ta đều được sinh ra ở đó, ngủ ở đó, làm tình ở đó và chết ở đó. Vậy thì tại sao lại phải ra khỏi giường? Một đêm tôi tìm cách ngọ nguậy với mụ đàn bà của gã, nhưng mụ bảo gã sẽ giết tôi nếu biết được tôi đã đụng đến con đàn bà của gã. Đây cũng là một cách để dụ cho hắn ra khỏi tấm mền cáu bẩn lúc nào cũng phủ kín lên người gã. Và tôi sẽ được chết dưới tay một nhân viên sở Cảnh sát Điều Tra Liên Bang trong lúc trên người chỉ độc một chiếc quần lót dơ dáy. Nghĩ vậy, tôi tha cho mụ. Trông mụ chẳng đáng để phải chấp nhận rủi ro như vậy.

Một đêm khác, Jane lại gài tôi vào một tình huống khác. Bọn tôi đang ngồi nhậu. Cũng vẫn cái thứ rượu rẻ tiền như thường lệ. Tôi với Jane đã vài lần lên giường với nhau nên khi thấy chẳng còn gì khác vui hơn để làm với nhau nữa, nàng hỏi tôi: “Mún gặp một thằng giết người hôn?”

“Hổng ngán,” Tôi đáp, “hổng ngán thằng tây nào hết!”

“Ừa,  mình đi!”

Trên đường đi, nàng kể cho tôi nghe từng chi tiết về thằng sát nhân này. Hắn đã giết những ai và vì sao. Hiện bây giờ thì hắn đang được tạm tha. Viên chức cảnh sát  trực tiếp kiểm soát hắn là một người rất tốt, luôn cố tìm công việc rửa bát cho hắn làm nhưng thằng khốn cứ say sưa bét nhè tối ngày nên bị đuổi việc hoài.

Jane gõ cửa, cửa mở, chúng tôi bước vào. Giống hệt như tôi không bao giờ thấy gã nhân viên F.B.I. ra khỏi giường, thì ở đây tôi cũng không bao giờ thấy con bạn gái của thằng sát nhân ra khỏi giường. Con nhỏ có mái tóc đen tuyền và làn da trắng khủng khiếp, trắng nhễ nhại, trắng lạ trắng lùng. Nó đang hấp hối. Y khoa tân tiến chết tiệt ở chỗ nào đâu không thấy, còn ở đây thì con nhỏ được níu giữ sự sống bằng rượu vang đỏ.

Tôi được giới thiệu cho thằng sát nhân:

“Ronnie, đây là Hank. Hank, đây là Ronnie.”

Thằng sát nhân ngồi đó với chiếc áo lót bẩn gớm ghiếc trên người. Dường như hắn không có mặt, chỉ là bộ da chảy xệ với những mạch máu. Đôi mắt nhỏ một cách lạ thường. Chúng tôi bắt tay, bắt đầu cụng ly. Tôi không biết chúng tôi ngồi uống với nhau bao lâu. Một, hay hai tiếng đồng hồ gì đó. Càng uống, hắn càng tỏ ra vẻ giận dữ hơn. Đó cũng là chuyện thường xảy ra với người uống rượu, nhất là uống rượu vang. Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi vẫn tiếp tục. Nhưng tôi không thể nhớ chúng tôi đã nói với nhau về những chuyện gì.

Bỗng nhiên, hắn nhoài người về phía chiếc giường, túm lấy người vợ tóc đen da trắng của mình, nhấc con nhỏ ra khỏi giường rồi vung vẩy con nhỏ như người ta vung vẩy một cành cây, khiến đầu con nhỏ đập vào thành giường, phát ra những âm thanh: bang bang, bang bang bang… bang bang bang…

Tôi bảo, “Ngừng tay lại!”

Hắn nhìn tôi hỏi. “Hả? Cái giề?”

“Mày dộng đầu con nhỏ vào thành giường lần nữa là tao sẽ giết mày.”

Tôi nghiệp, trông con nhỏ đã trắng lại còn trắng hơn nữa. Hắn đặt con nhỏ nằm lại trên giường, dùng tay vuốt lại mái tóc cho vợ hắn. Trông con nhỏ có vẻ vui sướng hẳn ra. Rồi chúng tôi lại tiếp tục nhậu, cho đến khi dòng xe điên cuồng bắt đầu chạy lên chạy xuống những khu phố đông đúc bên dưới. Rồi mặt trời lên. Sáng rực. Tôi đứng dậy, bắt tay hắn. Và nói, “Tớ phải đi; tớ không muốn đi chút nào hết đâu; chú mày là một thằng ngoan đấy. Nhưng dù sao tớ phải đi.”

***

Tới câu chuyện của Mick. Chỗ đó ở ngay đại lộ Mariposa. Mick không đi làm, chỉ có vợ nó làm thôi. Tôi và Mick thường nhiều lần ngồi uống rượu với nhau. Có lần tôi trả nó 5 đô la để nó đánh bóng chiếc xe của tôi. Lúc đó, xe của tôi không bẩn lắm và Mick cũng chẳng đánh bóng đánh biếc gì chiếc xe. Tôi thấy nó ngồi trên bậc cầu thang. “Trời có vẻ mưa. Trời mưa thì đánh bóng xe làm gì. Tui mà làm thì hết sẩy. Nhưng không muốn thấy công trình của mình bị mưa phá nát.” Nó ngồi trên bậc thang đó say xỉn. “Được rồi, Mick”.

Lần kế nữa, nó cũng ngồi đó say xỉn, thấy tôi nó bảo. “Tui ngồi đây ngó chiếc xe của anh để xem có thể làm được gì với nó. Anh thấy hôn, có mấy chỗ trầy xước nè. Điều đầu tiên tui sẽ làm là tui sẽ sơn lại mấy chỗ trầy xước đó nghen. Tui sẽ đi mua sơn…”

“Trời đất ơi, Mick. Bỏ mẹ chuyện đó đi!”

Nó nghe lời tôi, không nói gì nữa. Dù sao, nó là một thằng không tồi. Một tối, nó cứ khăng khăng bảo rằng tôi xỉn rồi, trong khi thực sự nó mới là thằng xỉn. Rồi nó cứ nhất định đòi giúp tôi leo lên ba cái cầu thang. Trong khi, chính tôi mới là đứa dìu nó lên. Chúng tôi cứ như đánh vật với nhau, đụng chỗ này, vướng chỗ nọ. Đêm đó tôi nghĩ chúng tôi đã đánh thức mọi người trong khu chung cư dậy vì những tiếng chửi thề, tiếng động khi va vào tường, khi ngã nhào trên lan can, lên cửa. Khi tôi mở được cửa thì lại vấp phải cái bàn chân to bè bè của Mick. Thế là cả người tôi đổ ập lên chiếc bàn cà phê có lớp kiếng dày một phần tư inch. Chiếc bàn sụm hẳn xuống sàn phòng – tôi cân nặng tới 218 cân. Bốn chiếc chân bàn gẫy lìa. Mặt bàn nứt bốn chỗ nhưng cái mặt kiếng còn nguyên, không hề hấn gì. Tôi gượng đứng dậy. “Cám ơn nhiều lắm nghen, bạn già!” tôi nói với Mick. Nó trả lời: “Có chi đâu!” Rồi tôi ngồi đó, nghe tiếng nó đâm sầm vào cánh cửa và lao thẳng người xuống mấy bậc cầu thang. Nghe như cả tòa nhà đang bị bom dội xuống. Nó bước ra bị hụt chân, mất thăng bằng vậy thôi.

Con vợ nó thì không chê được. Tôi còn nhớ có lần vợ chồng nó lấy bông băng và thuốc sát trùng chùi mặt cho tôi vì bị té dập mặt sau một buổi tối say xỉn. Vợ chồng thằng Mick có vẻ rất dịu dàng, quan tâm lo lắng cho tôi. Đó là điều khiến tôi có một cảm giác khá lạ lùng vì lần đầu tiên có người quan tâm lo lắng cho tôi.

Dù sao thì thói quen nhậu nhẹt đã có những hậu quả không hay với Mick. Và dĩ nhiên, thói hư này ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau. Với Mick, thì là cả người sưng tấy lên, có chỗ phồng lớn gấp đôi, có chỗ gấp ba. Thậm chí nó không kéo được phẹc-mơ-tuya quần lên và phải dùng kéo cắt xẻ ở ống quần ra. Theo lời nó kể lại thì bệnh viện dành cho cựu binh đã không còn giường cho nó nằm điều trị. Tôi thì cho rằng chẳng qua là nó không muốn vào đó chữa trị thôi. Thế rồi một hôm, nó điên khùng quyết định thử đến khám bệnh ở bệnh viện toàn khoa.

Sau chừng hai ngày, nó điện thoại cho tôi. “Mẹ ơi, tụi nó giết tui mất, ông ơi. Tui chưa bao giờ thấy một nơi nào như thế này. Bác sĩ thì không bao giờ có mặt còn y tá chẳng đứa nào buồn quan tâm đến bệnh nhân. Chỉ có bọn hầu phòng chạy lăng quăng như khỉ và tỏ vẻ vui sướng vì thấy mọi người đều bệnh sắp chết đến nơi rồi. Cái chỗ quỷ quái gì thế này hả? Thấy họ khiêng người chết ra một lần hàng tá! Đồ ăn thì để lộn xộn tùm lum trên khay. Đã vậy, chúng nó không để cho người bệnh ngủ nữa. Suốt đêm, chúng nó cứ đánh thức hết người này đến người khác dậy, để làm gì tui biết chết liền. Rồi đến sáng, vừa được nhắm mắt một chút thì lại bị gọi dậy. Chúng nó ném vào mặt chiếc giẻ ướt biểu rửa ráy súc miệng chuẩn bị ăn sáng vào lúc giữa trưa, nếu anh muốn gọi đó là ăn sáng thì tùy anh. Tui chưa bao giờ biết sao người ta có thể độc ác, tàn nhẫn với người bịnh, người sắp chết đến như thế! Hãy giúp đem tui ra khỏi đây anh Hank ơi! Tui xin anh, tui năn nỉ anh, bạn già của tui, hãy đem tui ra khỏi cái tầng đầu địa ngục này. Để tui chết ở căn phòng của tui, để tui chết như ý tui muốn anh Hank ơi!”

“Chú mày muốn tui làm gì đây?”

“Thiệt tình, tui có ráng xin họ cho tui dzìa nhà mà họ hổng chịu. Họ còn giữ hết quần áo của tui nữa. Tui đề nghị anh lái xe đến đây, đậu xe gần đó rồi dzô phòng dẫn tui chạy trốn nghe.”

“Chú mày có nghĩ là mình nên hỏi Mona trước thì tốt hơn không?”

“Mona chẳng biết mẹ gì hết trơn. Từ hồi tui không còn địt nó được nữa nó đếch thèm quan tâm đến tui. Cả người tui chỗ nào cũng sưng tấy lên trừ thằng nhỏ thì lại teo nhách anh ơi!”

“Mẹ Thiên Nhiên đôi khi cũng tàn nhẫn quá hén.”

“Ừa, ừa há! Giờ sao? Anh có chịu tới hôn?”

“Được rồi. Tui sẽ đến trong vòng 25 phút.”

“OK.” Mick nói

Tôi có biết cái bệnh viện đó, cũng từng vào đó hai hay ba lần gì đó để chữa bệnh. Tôi tìm được một chỗ đậu xe gần ngay lối ra vào chính rồi đi vô bệnh viện. Mick đã cho tôi số phòng. Một mùi hôi thối của địa ngục bốc lên. Tự nhiên tôi có cảm giác lạ lùng rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết ở chỗ này. Có lẽ là không. Tôi hy vọng là không.

Tôi tìm được Mick. Một thứ mùi bất lực ngột ngạt bao trùm lên không khí.

 “Mick?”

“Đỡ tôi đứng dậy với,” anh ta bảo.

Tôi giúp anh ta đứng dậy. Trông Mick không thay đổi bao nhiêu.

“Đi thôi.”

Chúng tôi bước dọc hành lang. Mick đang mặc cái áo bệnh viện trông thảm hại, phía lưng hở toang vì y tá không giúp cột dây lại cho anh ta. Các y tá bệnh viện không hề để ý quan tâm đến bất cứ điều gì ngoại trừ việc làm sao mồi chài cho được một anh chàng bác sĩ trẻ tuổi múp míp không bình thường nào đó. Và mặc dù bệnh nhân rất ít khi gặp được bác sĩ, nhưng các y tá thì gặp khá thường – trong thang máy, cấu véo nhau rửng mỡ và đủ trò – trong lúc mùi tử khí lẩn quẩn chung quanh.

Cửa thang máy bật mở ra. Trong đó đã đứng sẵn một cậu bé mập mạp mặt đầy trứng cá đang mút cà rem. Cậu ta nhìn Mick trong chiếc áo bệnh viện.

“Thưa ông, ông có giấy xuất viện không? Ông phải có tờ giấy ấy mới ra khỏi nơi đây được. Lệnh của tôi là…”

“Tôi tự cho phép mình xuất viện được không? Bây giờ thì anh đem ngay mấy thứ này ra ngoài trước khi tôi dộng mấy cây cà rem kia vào lỗ đít của anh đấy!”

“Cậu bé kia, cậu nghe lệnh rồi đấy chứ?” Tôi nói với cậu nhỏ.

Chúng tôi cứ thế đi thẳng ra ngoài cửa mà chẳng có ai hỏi han làm phiền gì hết. Tôi đỡ Mick bước vào trong xe. 30 phút sau, Mick đã ở trong phòng mình.

“Ôi, Trời ơi, cứt thiệt!” Mona kêu lên. “Ông làm cái trò gì vậy Hank?”

“Mick muốn vậy mà. Tui tin rằng một người phải được thỏa mãn ước muốn của mình nhiều chừng nào tốt chừng nấy.”

“Nhưng ở đây chẳng có gì có thể giúp được cho ảnh hết trơn đó.”

Tôi bỏ ra ngoài, đi tìm mua cho Mick một dây bia rồi để mặc cho hai vợ chồng cãi nhau tìm cách giải quyết.

Hai hôm sau, Mick vào bệnh viện dành cho cựu chiến binh. Rồi lại về nhà. Rồi lại vào đó. Rồi lại về nhà. Tôi gặp anh ta ngồi trên bậc cầu thang.

“Má ơi, tui thèm một miếng bia quá!”

“Sao hả, Mona?’

“Thì muốn chết cho chết, chả biết là không được mà!”

Tôi lại chạy đi kiếm một dây bia và Mick như được tái sinh trọn vẹn. Chúng tôi vào trong nhà. Anh ta lấy ra khoe tôi những bức hình chụp lúc mới gặp Mona ở Pháp. Lúc ấy Mick còn trong quân ngũ. Anh ta gặp vợ tương lai trên một chuyến xe lửa. Câu chuyện khởi đầu là từ chuyến xe lửa. Anh ta thu xếp được cho nàng một chỗ ngồi trên xe lửa trong lúc mấy tay có máu mặt trên đó muốn đuổi nàng xuống. Đại khái câu chuyện như vậy. Những bức hình chụp hai con người trẻ tuổi, xinh xắn yêu đời. Tôi không thể tưởng tượng được hai con người trẻ ấy bây giờ thảm não như thế này. Bụng tôi quặn thắt như như có ai lấy dao đâm vào. Họ mời tôi uống thứ rượu thì là mà Mick không thể chạm môi vào được nữa. Tôi nhanh chóng  thanh toán ngay chai rượu này. “Mick, chú mày đẹp trai hết biết nghe!”. Mick phổng mũi khoái. Nhưng đã hết tất cả rồi. Một thời ngang dọc đã qua rồi. “Này Mona. Một con búp bê đúng nghĩa! Tui thấy cô cũng còn xuân sắc lắm đó.” Mick nghe và khoái đã tỉ. Anh ta muốn tôi biết rằng anh ta đã cưới được một cô vợ ngon lành biết là chừng nào.

Khoảng chừng một tuần lễ sau đó tôi gặp Mona ở bên ngoài khu chung cư.

“Mick chết đêm hôm qua rồi,” cô ấy bảo tôi.

Tôi chỉ biết đứng chết trân nhìn Mona. “Cứt thiệt, tui hổng biết nói gì đây. Tui thiệt không nghĩ là ảnh chết cho dù người ảnh sưng phù lên như vậy.”

“Em biết,” Mona nói. “Cả hai vợ chồng em đều rất quý anh, Hank à!”

Tôi không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Tôi quay lưng bước về phía lối vào khu chung cư, ngay tại căn phòng số 1, nơi chúng tôi đã từng có nhiều đêm vui vẻ cùng nhau. Mick không còn ngồi đây nữa rồi. Chú mày đã đi như mùa Giáng Sinh năm ngoái đã đi, như đôi giày cũ đã vô nằm trong đống rác. Mẹ kiếp, sao cứt cứ tùm lum vầy nè. Tôi leo lên cầu thang và bắt đầu uống. Thằng hèn hèn hèn. Tôi uống, tôi uống, tôi uống. Trốn tránh thực tại. Những kẻ say rượu là những thằng hèn nhát, trốn tránh thực tại, không dám trực diện với nó.

Sau đó, tôi nghe nói Mona đã dọn đi Denver sống với một người chị của mình.

Và những anh nhà văn vẫn cứ tiếp tục ngồi viết, những anh họa sĩ vẫn tiếp tục đứng vẽ, nhưng ý nghĩa thì chả còn có được bao nhiêu.

 

 

* PHỤ ĐỀ do người dịch đặt để tiện theo dõi.

** Nguyên tác: THE WAY THE DEAD LOVE, trích trong tập truyện ngắn THE BELL TOLLS FOR NO ONE của Charles Bukowski do nhà xuất bản City Lights Books ấn hành (2015) và một truyện khác có cùng tên (THE WAY THE DEAD LOVE) trong tập SOUTH OF NO NORTH do nhà xuất bản Harper Collins ebooks ấn hành (1973). Chúng tôi đã tổng hợp hai truyện ngắn nói trên thành CÕI NHÂN SINH và lược bỏ đi các tiểu truyện trùng.

This entry was posted in Văn and tagged , . Bookmark the permalink.