Huyền không sơn thượng

Ngô Bảo Châu

79E5849C-D813-41BB-9139-84E782E7021C

Hè năm ngoái tôi có dịp nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một tuần ở Huyền Không Sơn Thượng. Đây là ghi chép của tôi trong thời gian ở trong tu viện. Ghi chép lan man, không có nội dung gì đặc biệt, nhưng tôi muốn chia sẻ với nhiều người vì thời gian sống trong tu viện đã thay đổi tôi phần nào, có lẽ theo hướng tốt hơn.

Huyền Không Sơn Thượng là một thiền viện nằm trong địa bàn của huyện Hương Trà. Tu viện nằm sâu trong rừng, trên độ cao vừa phải. Tu viện lúc đầu là nơi Minh Đức Triều Tâm Ảnh chọn làm nơi lánh xa thế nhân, khi đó là đồi trọc hoang vu. Sau này, nhiều sư trẻ xin về theo, trong đó có sư Chơn Tín. Lúc đầu thầy Tâm Ảnh không nhận họ, nhưng họ quyết ở lại giúp thầy trồng cây, làm ruộng … Sau hai mươi mấy năm, xung quanh thiền viện đã hình thành một cánh rừng nguyên sinh. Ở trên cao là thông, phía dưới là keo, xung quang chùa và thiền viện có nhiều tre, trúc, bàng, lộc vừng và nhiều cây cảnh.

Anh Bi, anh Linh và anh Thuyết đưa tôi đến thiền viện chiều thứ hai 6/8/2018. Trên đường đi, anh Thuyết dừng xe ở phố buôn bán để anh Bi xuống mua cho tôi mấy gói mì đề phòng khi đói. Anh Bi chỉ kém anh Thuyết hai tuổi nhưng luôn gọi anh Thuyết là thầy. Anh Bi vốn là hiệu trưởng trường chuyên cấp hai Nguyễn Tri Phương là người có nhiều quan hệ và biết tổ chức sắp xếp công việc. Mọi việc lớn nhỏ của cộng đồng nhỏ các anh toán ở Huế đều do anh Bi sắp xếp. Anh Thuyết vì là thầy của anh Bi, và cũng là người có học vị cao nhất nên nghiễm nhiên là thủ lĩnh của nhóm. Lúc mới gặp, tôi không thích anh Thuyết lắm, có lẽ vì mái tóc nhuộm đen nháy của anh. Tôi có cảm tình với anh Hiếu ốm nhách hơn. Chơi với nhau lâu, tôi yêu quý tất cả các anh. Các anh luôn mong tôi vào Huế để các anh đưa đi chơi, đi ăn, uống ca phe nói chuyện toán. Dần dần tôi cũng thích chia sẻ thời gian của mình với các anh.

Trước khi đi, tôi có để số điện thoại của anh Thuyết cho mẹ tôi để mẹ liên lạc khi có việc gấp vì có thể mạng di động không phủ đến khu vực của thiền viện. Không bất ngờ lắm khi mẹ tôi gọi ngay cho anh Thuyết để dặn dò và nhờ anh mua cho tôi mấy thứ thuốc mà do vội tôi không mang đi. Mẹ tôi là như thế, một nỗi lo nho nhỏ trong đầu có thể làm bà bồn chồn, và phải giải quyết triệt để nó thì mới có thể nghĩ đến việc khác. Đặc biệt khi nỗi lo đó liên quan đến con trai của bà.

Thầy Chơn Tín đợi chúng tôi ở Am Mây Tía. Thầy Chơn Tín dáng vóc phương phi, ít cười, nhưng vẻ mặt toát ra sự khảng khái, chân thực. Thầy phổ biến cho tôi một số nội quy cho cuộc sống trong thiền viện. Ở đây, các sư tụng kinh hai lần mỗi ngày, một lần lúc 4:30 sáng khi vừa ngủ dạy, một lần lúc 6:00 chiều, xong rồi mọi người về am cốc của mình nghỉ ngơi. Chùa nấu cho ăn vào buổi sáng và buổi trưa. Ở đây các sư theo Phật giáo nam tông, có thủ tục đi xếp bát khất thực. Khi đi khất thực người ta cho ăn gì phải ăn nấy, cho nên các sư ăn mặn, không ăn chay. Thầy Chơn Tín đã để sẵn trong cốc nhiều mì gói, bánh quy, sữa đề phòng đói bụng vào buổi tối. Sau đó thầy phăng phăng xách cái va li nhỏ và đưa tôi về cốc.

Cốc là một ngôi nhà nhỏ, nằm trên vách núi. Các sư trẻ ở trong khu nhà chung. Các sư tu tập lâu ngày ở trong cốc như vậy. Cốc tôi ở gọi là Cốc Sư Thiện. Sư Chơn Hạnh, em trai của sư Chơn Tín nói với tôi rằng sư Thiện đã vào miền nam. Để đi lên Cốc Sư Thiện phải dò theo những bậc đá gập ghềnh mà các sư đẽo vào núi. Leo chừng ba mươi bước thì đến một tấm đá nhẵn thín, bắc ngang qua ao cá nhỏ uốn vòng quanh cốc. Ao nhỏ nhưng nước rất trong. Trong đó có ếch, nhái, rắn nước và những con cá nhỏ sống. Xung quanh ao, sư Thiện trồng nhiều cây dương xỉ, một loài cây tôi mà tôi ưa thích. Ở bên trái am còn có một bụi trúc vàng, thân trúc vàng óng, khoẻ mạnh. Chếch góc ao, có cả một cây chuối rất đẹp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cả buồng chuối và hoa chuối. Thông thường ở các loài cây khác, hoa rụng thì mới kết quả. Cây chuối của sư Thiện mang một buồng chuối đã chín lắm, màu đã chuyển sang đen xì, vậy mà ở cuống của nó vẫn còn một bông hoa chuối rất tươi.

Cốc có hai phòng. Phòng trong là phòng ngủ, có cả điều hoà nhiệt độ. Phòng ngoài có một cái bàn đá màu trắng để thưởng trà và đọc sách. Ở góc phòng có một cái bàn nhỏ nơi thầy Chơn Tín đã xếp đủ sữa, nước, mì gói, bánh quy cho tôi đủ dùng cả tháng. Sau khi chia tay anh Bi, anh Linh và anh Thuyết, tôi đóng cửa và suy nghĩ mình sẽ làm gì với thời gian năm ngày ở trong thiền viện. Vào lúc đó, tôi để ý thấy ba quả thị mà thầy Chơn Tín để lại cho tôi ở trên cái bàn đá. Cầm một quả thị lên ngửi thấy hương thật thơm. Tâm trí tôi bỗng trở nên thanh thản lạ lùng. Tôi tự bảo mình thay vì việc đặt ra cho mình một thời gian biểu chặt chẽ, hay là tôi cứ ngồi đây ngắm ba quả thị, dõi theo quá trình biến đổi của nó. Bây giờ còn đang tươi tắn, thơm hương như thế, năm ngày nữa thì sẽ thế nào.

Chiều hôm đó, tôi đi bộ dọc theo con đường mòn vào sâu trong rừng trước giờ tụng kinh. Đi đường bị muỗi cắn khắp người mới sực nhớ ra rằng mình vào rừng ở mà quên không máng thuốc sức chỗng muỗi. Đường khó đi, thỉnh thoảng lại có cây đổ ngang đường. Ven đường có các cốc còn đang xây dở. Không quá lâu, con đường mòn đẫn đến một cái cốc khá khang trang, trồng nhiều hoa theo hàng lối. Ngại làm phiền, tôi không dám đi xuyên qua cái cốc đó để xem đường mòn còn tiếp tục hay không.

Trở lại sân chùa trước giờ rung chuông, tôi thấy một Tỳ kheo tươi tắn, đi cùng hai con chó đi đến chào. Sư tự giới thiệu mình là Chơn Hạnh, em trai của sư Chơn Tín. Chơn Hạnh hỏi tôi có thiếu gì trên cốc không. Tôi nói không hiểu sao trên đó không có màn, mà có nhiều muỗi quá. Chơn Hạnh nói muỗi rừng ra nhiều tầm 5-6 giờ, trước giờ tụng kinh. Sau giờ đó chúng về rừng, đêm không cắn người. Tôi nghe lạ quá vì muỗi ở Hà nội cắn người bất kể giờ giấc. Nhưng quả thật đêm đó tôi ngủ ngon, không bị muỗi cắn. Ngồi đọc sách ở trong cốc chỉ bị muỗi đến quấy vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Chuông trên tháp gióng độ 10 phút thì một tỳ kheo bắt đầu thỉnh chuông trong chánh điện. Các tỳ kheo khác lục tục về chỗ mình ngồi. Tôi được xếp ngồi ở góc bên phải cùng các novice. Các sư đọc kinh pali chừng 15 phút rồi chuyển sang ngồi thiền. Tiếng tụng kinh pali của các tỳ kheo vảng vào đầu tôi như ngọn gió Tây nóng và khô thổi sạch đi những bụi bặm, ẩm ướt lưu cữu lâu ngày trên bề mặt của tâm hồn. Đèn phụt tắt khi các tỳ kheo đưng tụng kinh để thiền. Tôi cố bất động thân và tâm, tập trung theo dõi nhịp thở nhưng vì gối tê, lưng mỏi, tâm phiêu diêu, tôi cảm thấy mệt mỏi muốn đứng dạy chi sau 10 phút. Vì không muốn làm xáo trộn sự tập trung của các tỳ kheo, tôi cố chịu đau ngồi đến cùng. Tôi nhận ra rằng học thiền cơ bản là phải kiên nhẫn, chứ không cần nỗ lực gò ép mình quá đáng. Đến cuối tuần, tôi có thể ngồi được lâu hơn, không còn cảm giác đau mỏi như hôm đầu. Tâm vẫn khởi lên những suy nghĩ này nọ, nhưng nó cũng mau quay lại với nhịp thở hơn.

Buổi tụng kinh và thiền ở chánh thất kết thúc sau 7 giờ tối. Lúc đó ngoài trời đã tối đen. Lúc đấy tôi mới nhớ tới điều anh Bi nói lúc chia tay: đáng ra phải mang cho Châu cái đèn pin. Không đợt tôi hỏi, thầy Chơn Tín vào Am mây tía lấy cho tôi mượn một cái đèn pin. Nhờ vào nó tôi mới dò dẫm đi về cốc của mình.

Đêm ở trong rừng không hề yên tĩnh như ta nghĩ. Chỉ về đêm ta mới thấy rừng là nơi trú ngụ của trăm ngàn sinh linh. Ồn ào nhất là tiếng ễnh uông. Nó kêu như tiếng thanh tre gõ lên một dãy ống tre, từng đợt cách nhau chừng nửa phút. Bắt nhịp là một tiếng chim, hơi thảng thốt, nhưng vì rất đều đặn, nên không gây ra cảm giác bi ai. Con ễnh uông và con chim nhỏ hoà tấu với nhau như thế cho đến lúc toàn bộ dàn nhạc rừng oà lên cùng một lúc để rồi lại lặng đi ngay. Trong đêm rừng tối đen, ta chỉ còn thính giác để tiếp nhận các tín hiệu của rừng. Tâm hồn ta lắng xuống trong cảm giác dễ chịu đã được rừng tiếp nhận, dường như đã trở thành một phần hữu cơ của rừng.

Điện thoại reo báo thức lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị đi tụng kinh lúc 4:30. Không đủ can đảm để chui ra khỏi giấc ngủ say để xuyên rừng đi lên chánh điện, tôi duỗi chân ngủ tiếp. Khi tỉnh dạy thì trời ở ngoài đã sáng. Tôi cố tìm ra con ếch đêm qua kêu to thế mà không tìm ra. Con ếch duy nhất mà tôi tìm thấy là con vật tý hon này. Vì một lý do riêng, tôi rất quan tâm đến loài ếch và rất mong muốn gặp một con ếch với kích thước đủ lớn. Mong muốn này sẽ được toại nguyện vào ngày cuối cùng tới hai lần.

Tuy không tìm thấy ếch, mục tiêu ban đầu, tôi tìm thấy một vài con vật rất đáng yêu luôn quanh quẩn cái ao nhỏ nằm trước mặt cốc. Đây là một con mèo hoang, rất dạn người, sẵn sàng lẻn vào cốc ăn vụng bánh quy của tu sĩ. Bên cạnh bánh quy, bọn mèo hoang tỏ ra quan tâm đến các con cá bé li ti bơi trong ao.

Một con vật khác, ít thù địch hơn với loài cá là con tắc kè. về hình tướng, tắc kè có lẽ là sinh linh khôi ngô nhất mà tôi gặp ở trong rừng. Nó có cái cổ màu xanh biếc và cái đuôi rất dài.

Điều lạ nhất xảy ra với tôi vào buổi sáng đầu tiên ở trong chùa là cảm giác trìu mến đặc biệt dành cho con tắc kè này bỗng dưng khởi lên trong tâm. Lòng trìu mến đó phát triển cả sang con kiến, con muỗi.

Một tâm trạng bình an dần dần định hình trong tôi. Cả ngày tôi không ra khỏi cốc trừ lúc các chú tiểu gõ kẻng gọi ăn trưa, và cuối giờ chiều khi chuông chùa gióng lên gọi các tỳ kheo lên chánh điện tụng kinh.

Đây là ngày đầu tiên ở chùa, tôi chủ định chỉ làm nhưng gì để tạo cho mình cảm giác bình yên, để dành nhưng vấn đề khó khăn phải suy nghĩ cho nhưng ngày sau. Tôi dành cho mình niềm vui đọc thật kỹ bài báo của Deligne về giả thuyết Weil, một viên ngọc của toán học hiện đại. Tôi thấy một cảm giác khoan khoái khi hiểu trọn vẹn lập luận cùa Deligne, khá ngắn gọn, nhưng thật tinh tế. Định đọc thêm toán nhưng đầu óc cảm thấy hơi mệt nên lại thôi. Thay vì việc bắt mình làm việc liên tục như thói quen, bây giờ mỗi lúc cảm thấy mệt mỏi, tôi cho phép mình ngừng lại, ngồi vào tư thế thiền và đếm hơi thở của mình.

Buổi tối sau giờ tụng kinh, sư Chơn Hạnh qua cốc thăm tôi. Sư mang cho tôi một đôi dép nhựa để đi trong phòng tăm cho khỏi ướt chân, một chai sữa đậu nành và một ít bánh quy. Sư kể chuyện cốc tôi ở trước là của sư Thiện, nay sư Thiện đã đi vào Nam. Trong cốc có một giá sách nhỏ, có lẽ do sư Thiện để lại. Nhìn nhưng quyển sách sư Thiện để lại có thể cảm thấy một tâm hồn hiền thiện, giản đơn: ngoài quyển sách Phật pháp căn bản mà sau đó tôi đọc hết trong thời gian ngồi một mình trong cốc, còn có sách tự học tiếng Trung, tự học đàn guitare, mấy tập thơ Huế … Hôm sau sư Chơn Hạnh mang cho tôi mượn thêm hai quyển sách của sư trụ trì Minh Đức. Hai quyển đó giảng pháp dưới hình thưc kể chuyện. Mặc dù không thích lắm thể loại hư cấu tôn giáo, khi rời tu viện tôi xin phép mang theo một trong hai quyển để đọc trên đường, như một cách nhớ lại những ngày ở trong tu viện.

Tôi dành ngày thứ ba ở tu viện để suy nghĩ về những vấn đề còn khó khăn, còn tạo ra những xung đột trong nội tâm. Sự kiện đáng lưu ý của ngày này là cuộc gặp gỡ với một con nhện gớm ghiếc bò cạnh nơi tôi ngủ. Mặc dù cảm giác trìu mến dành cho con tắc kè xinh đẹp phần nào lan sang con nhện, tôi băn khoăn không biết con vật này có nọc độc hay không. Trên đường xuống chùa, gặp thầy Chơn Phúc, anh trai của thầy Chơn Tín, người luôn niềm nở chào hỏi, tôi hỏi thầy Chơn Phúc xem nhện ở đây có độc, có căn người hay không. Thầy cười bảo nhện ở rừng này lành lắm, không độc, không cắn người. Vậy là tôi yên tâm tiếp tục sống chung với con nhện. Thực ra sau đó tôi không gặp lại nó nữa, trừ một lần khi đang đọc sách thì thấy buồn buồn ở gáy. Sờ tay thì hoá ra một con nhện khác đang khám phá khu vực lưng gáy của mình. Tôi búng nhẹ cho nó rơi xuống đất, không làm nó tổn thương.

Nhớ đến lời khuyên của Phan Việt, tôi lẩm nhẩm đọc đi đọc lại lời kinh thực hành Thiền tha thứ:

“Vì lâm lạc và không minh mẫn nên tôi đã có những hành động, lời nói, ý nghĩ sai lầm làm thiệt hại, gây đau khổ cho những người khác, những chúng sinh khác. Xin tất cả mở lòng từ bi và trí tuệ để tha thứ cho tôi.

Tôi thành thật tha thứ cho những người đã có những hành động, lời nói ý nghĩ làm thiệt hại và gây đau khổ cho tôi.

Tôi thành thật tha thứ cho chính mình và nguyện từ nay làm lành, tránh dữ, giữ tâm trong sạch.”

Tuy chưa đi được tới tận cùng vấn đề muốn suy nghĩ tới, tôi cảm thấy một sự nhẹ nhõm thanh thản nào đó trong tâm hồn, trái với cảm giác nặng nề u uất thường có. Dường như việc để tâm vào quan sát chính mình một cách thiện chí, làm cho cái tâm được quan sát có được cảm giác bình an.

Ngày thứ tư ở thiền viện là ngày thứ năm của tuần. Trời mưa nặng hạt từ rạng sáng. Con đường lên xuống cốc trở nên trơn tuột. Xuống cốc khi chạng vạng vào giờ ăn sáng lúc trời mưa nặng hạt, tôi phải dò từng bước để khỏi ngã. Khi vừa vượt qua đoạn tưởng chừng nguy hiểm nhất, chỗ cầu thang làm bằng những phiến đá xếp nhấp nhô nghiêng ngả và dốc, khi đến đoạn cầu thang tưởng như bằng phẳng hơn, thì trượt chân. Mưa tiếp diễn cả buổi sáng. Chìm đắm trong suy nghĩ của mình nên quên giờ xuống chùa ăn trưa làm cho Chơn Hạnh phải mang một suất ăn lên cốc.

Trời ngớt mưa sau giờ trưa. Cảm thấy suy nghĩ của mình bắt đầu đi vòng quanh, tôi chợt nảy ra ý muốn đi bộ. Nhìn trên bản đồ google thi thấy gần thiền việc có một cái hồ, tôi đặt nó làm đích cho cuộc đi bộ. Ra khỏi cổng thiền viện chưa đến 1km tôi thấy một lối rẽ nhỏ đi về hướng hồ mà không có trên bản đồ. Đi theo lối đó dẫn tôi đến một khu vực khá tiêu điều, nơi có hai ngôi mộ cổ hình như bị bỏ hoang, gần một khu vực ô nhiễm hình như để chôn rác. Trên bản đồ khu vực này đáng ra là một phần của lòng hồ nhưng có lẽ phạm vi hồ nước đã bị thay đổi. Xa xa có một ngôi nhà dựng tạm bơ, một chiếc xe máy đặt giữa sân, và một đàn bò con đứng con ngồi dáng vẻ uể oải.

Bỏ lại đằng sau khung cảnh thê lương này, tôi đi theo một con đường mòn không có trên bản đồ. Dọc con đường mòn có hai, ba cái lán chỏng chơ. Gặp một người đàn ông chừng ba mươi tuổi, vẻ mặt u uất, làm vẻ không nhận thấy sự hiện diện của tôi, nhưng khi đi qua thì liếc theo tôi với ánh mắt dò xét, như có ý đồ. Xung quanh lán có nhiều thùng nuôi ong, và có lẽ đó là lý do để người đàn ông kia ở đây. Trong đầu tôi xuất hiện một sự lo ngại, người đàn ông này dường như chẳng có gì để mất trên cuộc đời này nữa. Hắn ta có thể giết tôi để cướp số tiền tôi đem theo trên người mà không ai biết. Tuy nhien, Ý nghĩ đấy biến mất khi tôi nhìn thấy lá cờ nhà Phật bay phấp phới bên những cái lán.

Đi khoảng cây số dọc theo bờ hồ mà không thấy hồ đâu. Liên tục là rừng keo độc chỉ một loài cây. Sau từng keo là ruộng lúa. Đi qua một xóm nghèo thì hiện ra một con đê. Con đê này là lý do tôi không nhìn thấy hồ, hồ nằm ở phía bên kia con đê. Con đê chì còn cách tầm 20 mét nhưng không thể tiếp cận được. Giữa con đường mòn tôi đi và con đê là một cái đầm nông có sú vẹt, nước sâm sấp lên đến đàu gối. Loáng thoáng nhìn thấy ở đầu kia con đê có mấy người đang chạy chơi. Tôi đi về hướng đó. Sự tĩnh lặng của trưa hè chợt bị phá vỡ bởi động cơ của một chiếc xe máy cũ. Trên xe có hai người, người ngồi trước tay cầm một cái vợt, người ngồi sau vai đeo một cái ba lô có gì nặng. Chiếc xe máy đưng phía sau lưng tôi tầm 10 mét. Hai người lội về phía đầm nước. Bây giờ tôi nhìn thấy cái người kia vác ở trên lưng là một cái ac-qui điện. Đây là hai kẻ đánh cá bằng điện. Đánh cá bằng điện là một trong những trò chơi ngu xuẩn và độc ác nhất mà con người tạo ra. Chỉ để bắt một con cá, họ sẽ giết chết hàng trăm con cá con.

Hết vùng sình lầy thì con đường mòn gặp bờ đê. Bờ đê xây kiên cố, cứ độ 20 mét lại có nhưngz bậc thang để đi lên trên đê. Từ trên đê nhìn xuống mặt nước thoáng đáng trải dài đến tận chân núi. Đây là công trình thuỷ lợi hồ chứa nước Khe ngang. Đang ngắm để thu cả cái không gian khoáng đạt trước mắt vào cái màn hình điện thoại, thì một người đàn ông trung niên đến gần nói với tôi: nhờ anh chụp ảnh hộ mấy cháu, điện thoại tối quá không chỉnh được cho rõ mặt. Phải định thần mấy phút tôi mới hiểu ra yêu cầu của ông ta. Ở phía dưới chân đê bên hồ một tốp phụ nữ nông thôn đang tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm. Tôi vẫy tay gọi họ lên trên đê. Cái điện thoại rẻ tiền họ dùng để chụp ảnh bị ngợp bởi ánh sáng ngoài trời cho nên màn hình tối đen. Tôi gợi ý chụp họ bằng điện thoại của tôi rồi gửi ảnh qua nhắn tin. Lúc đầu các cô còn ngượng, mặt nghiêm trang như mấy anh lính canh lăng bác. Tôi nói các o nghêm trọng quá chụp không được. Vậy thôi là đủ để các nàng cười hết cơ số và tôi được một tấm hình thật ưng ý. Nụ cười ấm áp của những người phụ nữ nông thôn xua đi cái mùi tanh tanh còn đọng lại trong mũi tôi sau khi gặp hai gã đánh cá bằng điện.

Tôi hỏi làm sao các o có thời gian đi tham quan hồ? Họ nói hôm nay chúng tôi đi ăn giỗ, ăn giỗ xong phải ra đây chụp ảnh trước khi đi về nhà các đây vài chục cây số.

Đường về tu viện xa hơn tôi tưởng. Trời nóng hơn, tuy đâu đây bắt đầu thấy mấy con gió. Sau mấy cây số lên dốc, người tôi mồ hôi vã ra như tắm. Tuy vậy không cảm thấy mệt, đầu óc cảm thấy vui phơi phới, thảnh thơi kỳ lạ.

Tôi cảm thấy thấm mệt sau giờ tụng kinh và thiền. Món bánh quy trở nên khó nuốt nên đành đi ngủ với cái bụng đói.

Ngày thứ năm ở thiền viện và là ngày thứ sáu của tuần, tôi định dành để suy nghĩ tiếp về cái vấn đề làm mình phiền não, và bắt đầu ghi chép lại ký ức về những ngày ở đây. Kế hoạch của tôi bị thay đổi. vào giờ thư giãn sau giờ ăn sáng kho các tỳ kheo ngồi nói chuyện trong Am mây tía, sư Chơn Tín cho tôi biết buổi chiều mọi người cùng xuống Huyền Không 1 nghe Hoà thượng Viên Minh giảng pháp.

Hoà thượng Viên Minh là một trong bốn người tu hành cùng thầy Minh Đức thành lập Huyền Không. Chùa này lúc đầu đặt ở Lăng Cô. Sau 75, chính quyền không cho phép các thầy ở Lăng Cô nữa, vì lý do an ninh, nên họ phải quay lại Huế. Đó là điểm xuất phát của chùa Huyền Không ở Huế. Sau một thời gian ở Huế, thầy Minh Đức muốn lánh khỏi nhân tình thế thái nên lên rừng ở. Từ đó mới có Huyền Không Sơn Thượng.

Sau giờ ăn trưa, trong lúc chờ xe bus đi xuống Huyền Không 1, tôi ngồi nói chuyện với sư Chơn Phúc. Buổi nói chuyện đó để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Sư Chơn Phúc thuật lại một phần cuộc đời của mình. Thầy vốn là một tay giang hồ có số má, đã từng đi tù bốn lần, lần cuối do vác dao đi chém phó công an Nha Trang. Chơn Phúc thuật lại những khoảnh khắc của cuộc đời mình khi mà cái sống và cái chết chỉ cách nhau một gang tay. Thầy nói thầy đi tu để trả ơn sâu của thầy Minh Đức, người tu hành có khả năng hiểu được tâm can của cả những kẻ giang hồ. Sư Chơn Phúc không định đi nghe thầy Viên Minh giảng pháp vì những lời của thầy Viên Minh tuy cao siêu, nhưng “viễn ly mặt đất” và không “lọt lỗ tai” giang hồ.

Tôi theo xe của nhà chùa xuống Huyền Không 1 nghe giảng pháp trong tình trạng tâm lý mệt mỏ sau giờ nói chuyện với sư Chơn Phúc. Thời tiết nóng và ngột ngạt làm những chuyện khó chịu nhỏ trở thành rào cản để tâm trí thực sự lắng nghe. Sư MC mất gần nửa tiếng sắp xếp cử toạ theo thứ bậc tu hành, các tỳ kheo ngồi trước, tiếp theo là các sư sari, chỉ có hai hàng ghế phía sau là dành cho các phật tử. Sau đó một người của ban tổ chức bê cái lọng mầu vàng đặt bên phía phải khán đài đi, để rồi quay lại từ phía trái khán đài, che nắng cho Hoà thượng Viên Minh đi lên bục giảng pháp. Thầy Viên Minh giảng rằng bản chất của việc tu tập là làm thay đổi nhận thưc và hành vi, vàn bản chất của giác ngộ là đạt được nhận thức đúng và hành vi tốt. Khi đó là đến niết bàn, con người được giải phóng khỏi khổ đau và phiền não. Thầy nói đấy là lý do vì sao cuộc đời với nhưng khổ đau của nó chính là trường học để con người giác ngộ.

Trong phần Q&A, đợi đến cuối giờ khi không còn ai giơ tay đặt câu hỏi, tôi mạo muội hỏi thầy Viên Minh điều làm tôi bứt rứt trong giờ giảng pháp. Câu hỏi của tôi là lòng từ bi có đóng vai trò gì trong quá trình giác ngộ hay không. Câu trả lời của thầy rứt khoát đến mức làm cho tôi ngạc nhiên. Thầy nói rằng nếu hiểu từ bi như lòng yêu thương thì đó là một cản trở cho quá trình giác ngộ. Yêu thương hay căm ghét đều cản trở quá trình giác ngộ. Cũng như lý trí hay tình cảm cũng cản trở sự giác ngộ.

Phải chăng yêu thương, căm ghét đều là những ảo giác do tâm tạo ra?

Tôi cảm thấy khá suy sụp sau giờ giảng pháp, không đủ sức để đi tụng kinh nữa. Về đến cốc, tôi cố đi ngủ từ 6 giờ tối để thoát khỏi cảm giác buồn nôn và cơn nhức đầu.

Tôi tỉnh dạy lúc hai giờ sáng với cảm giác khoan khoái và minh mẫn lạ thường. Kịp tắm rửa để chuẩn bị tham gia buổi tụng kinh sớm lần đầu tiên.

Trên đường đi xuống chùa, tôi bất chợt cảm thấy ướt ở bên đùi trái. Cái ươn ướt bỗng chốc chuyển từ đằng trước đùi ra đằng sau. Đập đập vào chân thì một chú ếch rơi ra khỏi ống quần. Nhìn chú ếch chui từ chân mình ra tạo cho tôi một sự hứng khởi đặc biệt.

Đây là buổi sáng cuối cùng của khoá tu này. Sau khi ăn sáng, tôi ngồi lại Am mây tía ăn nhãn và trò chuyện với các tỳ kheo. Tôi cảm ơn họ đã tiếp nhận tôi trong những ngày qua ở thiền viện.

Sau đó tôi quay lại cốc, dọn dẹp đồ đạc và lau chùi nhà cửa sạch sẽ. Khác với mong đợi, tôi không cảm thấy vui hay buồn khi nhìn ba trái thị đã khô héo. Biểu hiện của sự vô thường không còn tạo cho tôi cảm xúc gì đặc biệt.

Lúc xỏ chân vào giầy chuẩn bị xuống cốc, toi thấy có cái gì như một cục đất rất to rơi vào giầy. Té ra là một con cóc cụ. Tôi tạm biệt cốc và con cóc với một niềm vui phơi phới trong lòng.

Khi đi xuống núi, tôi lẩm nhẩm lời dạy của Phật:

“Con hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa của chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.

“Con hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa của chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.

Comments are closed.