Lời trần tình đầu năm

T.Vấn

Tranh: Mai Tâm

1.

Thế là đã hết một năm nữa. Những con số điện tử trên tờ lịch đổi chỗ cho nhau nhanh đến chóng mặt. Thời gian cứ như bay như thổi. Bao nhiêu việc phải làm vẫn còn nguyên đó. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Thôi để ngày mai. Thôi để tháng tới. Thôi để năm tới. Thôi để… Cho đến khi không còn lần lữa được nữa. Nhìn những tờ lịch vơi dần như sinh lực của mình cũng đang vơi dần mà tôi bất giác rùng mình. Năm cùng tháng tận cũng có nghĩa là sức mỏn hơi tàn. Vậy mà có người bạn già vẫn còn chơi trống bỏi được. Tài thật. Nhưng mà có ích gì không khi cứ cố bám lấy cái mà mình không còn khả năng nắm giữ được nữa? Ngày vui đã qua mau, rồi thì ngày buồn cũng qua mau. Lâu rồi đời mình cũng… xong. Nhưng xong sao được khi còn bao nhiêu việc phải làm, còn bao nhiêu món nợ chưa trả hết? Chẳng lẽ bắt con cháu chúng è lưng ra gánh? Thật lạ lùng! Việc của cả năm lại cứ dồn vào tháng cuối cùng. Việc của cả đời cũng cứ dồn vào lúc sắp sửa chào vĩnh biệt cuộc đời. Phải chi có được một cuộc đời khác dự trữ thì tuyệt vời biết mấy! Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: liệu khi đã có một cuộc đời khác để dự trữ, người ta sẽ biết sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn hay lại cứ chứng nào tật nấy, vung phí nó khi còn trẻ và chỉ chịu dừng tay khi nhìn lại quỹ thời gian sắp sửa cạn và khi chính mình không còn đủ sức để mà vung phí nữa? Cuộc trần ai chỉ biết chảy về phía trước. Nó không cho người ta có cơ hội để làm lại, dù chỉ một lần thứ hai. Vì thế, trong giây phút chuyển mùa của thời tiết, của năm tháng, mấy ai không bùi ngùi nhìn lại con đường đã đi qua, chép miệng thở dài, và mắt đăm đắm nhìn về phía trước, khoảng thời gian sắp tới mà sợ hãi những bất trắc, những vô định.

Và sợ nhất là những khoảnh khắc vô nghĩa.

2.

Đứng trước con số ngày tháng thoăn thoắt nối đuôi nhau, tôi cũng giật mình nhận ra mình đã trụ trên trang web nhỏ này một khoảng thời gian không phải là ngắn. Nhớ lại không biết bao nhiêu đêm ngồi im lặng trước màn hình trắng xóa, đầu óc khô khốc như những khớp xương già nua không còn tiết ra thứ chất nhờn cần thiết để giúp cơ thể chuyển động dễ dàng. Nhiều lúc tôi tưởng mình đã khô máu, có cố lắm thì cũng chỉ nhỏ ra được những giọt máu vô hồn vô tình vô cảm như những giọt nước lã. Nhiều lúc, tôi đọc những hàng chữ mình viết mà thấy xa lạ như của một ai đó, hay cảm thấy nhạt nhẽo như nồi nước lèo chưa nêm nếm gia vị. Nhiều lúc tôi thấy mình chỉ biết sa đà với quá khứ, với những nỗi đau riêng, dù quá khứ ấy, nỗi đau ấy không phải chỉ của riêng mình tôi, mà có thể của nhiều người, có thể của cả một thế hệ. Nhưng rồi tôi lại tự trách mình (trước khi có người nào đó lên tiếng phàn nàn), có ích gì không khi cứ mãi sa đà với quá khứ khi mà hiện tại còn biết bao điều cần nói, cần làm, cần suy tư động não. Dòng sống như dòng sông, nó chảy về phía trước và chỉ có phía trước mới cần sự chú tâm của mọi người. Hồi ức chỉ có giá trị nếu nó giúp người ta nhìn kỹ hơn hiện tại và sẽ là điều tai hại nếu nó làm mất cân bằng cán cân hiện tại tương lai vốn dĩ khá chênh vênh.

Một năm 365 ngày, 12 tháng, 52 tuần lễ. Lẫn trong những con số bất di bất dịch là  những lần tôi đặt dấu chấm cuối cùng trên trang viết của mình. Rất nhiều khi, những điều tôi trang trải trong những bài viết của mình quay trở lại ám ảnh chính người viết, và để lại những dấu hằn như những vết chém khô khốc trong tim. Đôi khi, những vết chém ấy đau đến độ làm chảy nước mắt. Đôi khi, chúng chỉ nhoi nhói vừa đủ cho một cảm giác mãn nguyện của thú đau thương. Đôi khi, chúng làm tôi xấu hổ vì cái ngây thơ đến độ ngốc nghếch, đến độ hợm hĩnh rất buồn cười của mình. Có lẽ, đó là cái giá phải trả cho những đam mê chữ nghĩa. Nhất là khi người ta chấp nhận nỗi đam mê ấy với một thái độ nghiêm túc, thành khẩn và một lòng tin mãnh liệt không kém đức tin vào một tôn giáo.

Và cũng đã có lúc, tôi nghi ngờ lòng tin của chính mình vào… chữ nghĩa. Dù tôi không phải là kẻ làm văn chương. Và cũng chưa bao giờ tôi có ý định đó.

3.

Tổng số những trang viết, những bài viết sẽ chẳng là gì hết nếu chúng không chứa đựng được “chút gì”. Cái “chút gì” ấy khiến người đọc phải nhíu mày, suy nghĩ. Cái “chút gì” ấy có thể làm vui lòng một số người này, nhưng cũng có thể gây khó chịu nơi một số người khác, có thể được sự tán đồng, và cũng có thể gây nên tranh cãi. Cái “chút gì” ấy, chính là cái Nghĩa đi kèm theo với Chữ. Nếu không thế, chữ nghĩa sẽ trở thành món hàng xa xỉ, đôi khi rất không cần thiết với những cuộc sống đầy tất bật, lo toan. Nói cách khác, chữ là chiếc xe, và nghĩa là thứ mà chiếc xe chữ chuyên chở. Thời buổi xăng cộ mắc mỏ mà xách chiếc xe không chạy tới chạy lui chẳng hóa ra phí phạm lắm sao!

Phí phạm luôn cả những “mảnh đất” trang trọng của mặt tiền trang web. Phí phạm cả sự tin cậy mà bạn hữu đã dành cho tôi. Phí phạm cả những đêm ngồi im lặng giữa không gian tịch mịch, lắng nghe tiếng thở đều đặn trong giấc ngủ trẻ thơ say nồng của lũ con mà tự tra vấn chính mình về ý nghĩa của những hàng chữ đang nhảy múa trước mặt, liệu chúng có ích gì cho cuộc sống ngày mai trong đó có sự hiện hữu của con mình hay không.

Phí phạm nhất là thì giờ và tấm lòng người đọc. Không có người đọc, sẽ không có người viết. Chả lẽ viết xong rồi chỉ để đêm đêm lấy ra đọc lại những gì mình viết, như người điên cứ hay lảm nhảm nói một mình. Đã hết rồi cái thời người ta đóng cửa thư phòng, bịt tai nhắm mắt trước những nhiễu nhương của thế sự và bằng lòng với sự an bình riêng rất cỏn con, miễn hai bàn tay không nhuốm bùn nhân thế. Tôi tin rằng khi mình viết là viết cho một người nào đó, những người nào đó. Cũng như sống, là sống với ai đó, sống cho ai đó. Con người, chứ có phải thần thánh đâu mà sống riêng một mình giữa cõi trời hiu quạnh. Và Chữ, là để chuyên chở Nghĩa đến một địa điểm nào đó – người đọc, chẳng hạn. Vì thế, không có Nghĩa, Chữ chỉ là những cái vỏ khô khan, vô tích sự. Càng vô tích sự hơn, cái người viết ra chữ mà không có nghĩa.

4.

Ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn về phía trước, nghĩ đến 365 lần cập nhật bài vở của 365 ngày sắp tới ngày sắp tới mà chợt bâng khuâng lo lắng. Riêng phần tôi, trong góc của mình, tôi sẽ viết những gì? Những điều tôi viết là để cho người đọc hay chỉ để thỏa mãn chính mình? Tuổi của tôi năm nay đã bước vào “thất thập cổ lai hy”, liệu có còn đủ nhạy bén để “bắt mạch” được nhịp thở chính yếu nhất của cuộc sống đang sôi nổi và biến dạng từng giây, từng phút ngoài kia? Liệu tôi có trút bỏ được gánh nặng của quá khứ, của những công việc (có thật và tưởng tượng) còn tồn đọng từ năm ngoái, năm kia để thảnh thơi làm người ghi chép cần mẫn của hiện tại? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu những ưu tư. Có người bảo khi ngồi một mình trước trang giấy trắng là lúc người viết trở thành tự do nhất, anh ta sẽ mặc tình tự tung tự tác, tả xung hữu đột, lên đông xuống đoài với vũ khí là cây bút trong tay. Tôi không tin như vậy. Một người viết nghiêm túc sẽ thấy thấp thoáng trên trang giấy trắng bao con mắt nghiêm khắc của độc giả, nhận rõ hậu quả sai hay đúng của những điều mình viết tác động lên một con người, một tập thể, và quan trọng nhất, anh ta không được quyền buông thả, dễ dãi. Nói cách khác, chính cái trách nhiệm của người cầm bút với độc giả của mình đã giới hạn tự do của anh ta, hay đúng hơn, buộc anh ta sử dụng quyền tự do tư tưởng của mình một cách cẩn trọng. Chữ nghĩa vốn là gia sản của bao đời cha ông truyền lại, kẻ đi sau có bổn phận gìn giữ, phát triển và làm giàu có thêm kho tàng ấy cho thế hệ nối tiếp mình. Chính vì thế sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là phẩm chất không thể thiếu của một người viết nghiêm túc.

Đã có lúc tôi nghĩ đến việc nhường sân chơi cho những người trẻ tuổi. Nhưng, tâm trạng của tôi hệt như anh kép già về chiều thảm thương. Cả một đời say mê ánh đèn sân khấu, bao nhiêu đêm từng đứng giữa tiền trường nhìn xuống phía khán giả buồn thương giận ghét cùng với những vai diễn của mình, nay có người bảo anh kép hát già rằng anh đã hết thời rồi, tốt nhất là anh nên giải nghệ để còn giữ được những hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Hơn bất cứ ai, anh kép già hiểu rõ điều đó. Nhưng anh lại không đủ can đảm nhìn thấy sự tàn tạ của chính mình, không đủ can đảm dứt áo chia tay với nỗi đam mê của cả một đời. Bi kịch của anh kép hát già về chiều cũng là bi kịch của nhiều người, và tôi tin rằng mình không là ngọai lệ.

5.

Đêm giao thừa Tết Tây, như thường lệ hàng năm, tôi xem trực tiếp truyền hình buổi lễ Countdown trong phút cuối cùng của năm cũ từ thành phố New York. Những khuôn mặt hiện diện trên màn ảnh truyền hình, họ có thể đến từ khắp nơi trên nước Mỹ hoặc thế giới, những khuôn mặt trẻ trung háo hức. Năm mới đến ai cũng chờ đợi những điều tốt đẹp mới cho mình, cho người, cho đời. Ngoài cái háo hức chờ đợi được chứng kiến một trong những sự kiện trọng đại nhất trên thế giới là nghi lễ Countdown hạ quả cầu thời gian (time ball) trên nóc tòa nhà One Times Square có truyền thống hàng trăm năm, họ còn tin rằng họ đang ăn mừng thế giới ngày mai sẽ thay đổi để trở nên tốt đẹp cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, địa lý.

Hòa cùng không khí lạc quan ấy, tôi cũng hy vọng rằng trong những lần trang trải chữ nghĩa trên trang viết quen thuộc, tôi sẽ tránh được những lối mòn cũ kỹ mà một anh kép hát già mắt mờ tai lãng vốn khó lòng nhận ra. Lặp lại chính mình, đi trên những con đường đã mòn vẹt, là những căn bệnh mà người không còn trẻ hay mắc phải. Chữ nghĩa, tuy là báu vật truyền đời của một dân tộc, nhưng luôn luôn mang khuôn mặt của thời hiện tại. Không có hơi thở và sức sống của thời đại, chữ nghĩa sẽ giống như bộ xuơng tiền sử nằm trong căn phòng bụi bặm của nhà khảo cổ học. Cuộc sống vốn thay đổi từng giờ từng phút, vậy mà cứ mỗi một năm qua, người ta còn mong đợi thêm bao thay đổi, huống gì chữ nghĩa, tấm gương phản chiếu trung thực nhất của thực tại.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cứ mỗi một bước chân thời gian qua đi, đều lấy mất ở tôi một chút cái cảm giác tự tin vốn vô cùng mạnh mẽ khi tôi còn trẻ. Và vì thế, ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn 365 ngày sắp tới với một nỗi băn khoăn của anh kép hát già vẫn chưa dứt được nỗi đam mê ánh đèn sân khấu, dù biết mình sắp về chiều.

T.Vấn

(Wichita 01-01-2008 – Houston 01-01-2020)

Tranh: Mai Tâm

1.

Thế là đã hết một năm nữa. Những con số điện tử trên tờ lịch đổi chỗ cho nhau nhanh đến chóng mặt. Thời gian cứ như bay như thổi. Bao nhiêu việc phải làm vẫn còn nguyên đó. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Thôi để ngày mai. Thôi để tháng tới. Thôi để năm tới. Thôi để… Cho đến khi không còn lần lữa được nữa. Nhìn những tờ lịch vơi dần như sinh lực của mình cũng đang vơi dần mà tôi bất giác rùng mình. Năm cùng tháng tận cũng có nghĩa là sức mỏn hơi tàn. Vậy mà có người bạn già vẫn còn chơi trống bỏi được. Tài thật. Nhưng mà có ích gì không khi cứ cố bám lấy cái mà mình không còn khả năng nắm giữ được nữa? Ngày vui đã qua mau, rồi thì ngày buồn cũng qua mau. Lâu rồi đời mình cũng… xong. Nhưng xong sao được khi còn bao nhiêu việc phải làm, còn bao nhiêu món nợ chưa trả hết? Chẳng lẽ bắt con cháu chúng è lưng ra gánh? Thật lạ lùng! Việc của cả năm lại cứ dồn vào tháng cuối cùng. Việc của cả đời cũng cứ dồn vào lúc sắp sửa chào vĩnh biệt cuộc đời. Phải chi có được một cuộc đời khác dự trữ thì tuyệt vời biết mấy! Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: liệu khi đã có một cuộc đời khác để dự trữ, người ta sẽ biết sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn hay lại cứ chứng nào tật nấy, vung phí nó khi còn trẻ và chỉ chịu dừng tay khi nhìn lại quỹ thời gian sắp sửa cạn và khi chính mình không còn đủ sức để mà vung phí nữa? Cuộc trần ai chỉ biết chảy về phía trước. Nó không cho người ta có cơ hội để làm lại, dù chỉ một lần thứ hai. Vì thế, trong giây phút chuyển mùa của thời tiết, của năm tháng, mấy ai không bùi ngùi nhìn lại con đường đã đi qua, chép miệng thở dài, và mắt đăm đắm nhìn về phía trước, khoảng thời gian sắp tới mà sợ hãi những bất trắc, những vô định.

Và sợ nhất là những khoảnh khắc vô nghĩa.

2.

Đứng trước con số ngày tháng thoăn thoắt nối đuôi nhau, tôi cũng giật mình nhận ra mình đã trụ trên trang web nhỏ này một khoảng thời gian không phải là ngắn. Nhớ lại không biết bao nhiêu đêm ngồi im lặng trước màn hình trắng xóa, đầu óc khô khốc như những khớp xương già nua không còn tiết ra thứ chất nhờn cần thiết để giúp cơ thể chuyển động dễ dàng. Nhiều lúc tôi tưởng mình đã khô máu, có cố lắm thì cũng chỉ nhỏ ra được những giọt máu vô hồn vô tình vô cảm như những giọt nước lã. Nhiều lúc, tôi đọc những hàng chữ mình viết mà thấy xa lạ như của một ai đó, hay cảm thấy nhạt nhẽo như nồi nước lèo chưa nêm nếm gia vị. Nhiều lúc tôi thấy mình chỉ biết sa đà với quá khứ, với những nỗi đau riêng, dù quá khứ ấy, nỗi đau ấy không phải chỉ của riêng mình tôi, mà có thể của nhiều người, có thể của cả một thế hệ. Nhưng rồi tôi lại tự trách mình (trước khi có người nào đó lên tiếng phàn nàn), có ích gì không khi cứ mãi sa đà với quá khứ khi mà hiện tại còn biết bao điều cần nói, cần làm, cần suy tư động não. Dòng sống như dòng sông, nó chảy về phía trước và chỉ có phía trước mới cần sự chú tâm của mọi người. Hồi ức chỉ có giá trị nếu nó giúp người ta nhìn kỹ hơn hiện tại và sẽ là điều tai hại nếu nó làm mất cân bằng cán cân hiện tại tương lai vốn dĩ khá chênh vênh.

Một năm 365 ngày, 12 tháng, 52 tuần lễ. Lẫn trong những con số bất di bất dịch là  những lần tôi đặt dấu chấm cuối cùng trên trang viết của mình. Rất nhiều khi, những điều tôi trang trải trong những bài viết của mình quay trở lại ám ảnh chính người viết, và để lại những dấu hằn như những vết chém khô khốc trong tim. Đôi khi, những vết chém ấy đau đến độ làm chảy nước mắt. Đôi khi, chúng chỉ nhoi nhói vừa đủ cho một cảm giác mãn nguyện của thú đau thương. Đôi khi, chúng làm tôi xấu hổ vì cái ngây thơ đến độ ngốc nghếch, đến độ hợm hĩnh rất buồn cười của mình. Có lẽ, đó là cái giá phải trả cho những đam mê chữ nghĩa. Nhất là khi người ta chấp nhận nỗi đam mê ấy với một thái độ nghiêm túc, thành khẩn và một lòng tin mãnh liệt không kém đức tin vào một tôn giáo.

Và cũng đã có lúc, tôi nghi ngờ lòng tin của chính mình vào… chữ nghĩa. Dù tôi không phải là kẻ làm văn chương. Và cũng chưa bao giờ tôi có ý định đó.

3.

Tổng số những trang viết, những bài viết sẽ chẳng là gì hết nếu chúng không chứa đựng được “chút gì”. Cái “chút gì” ấy khiến người đọc phải nhíu mày, suy nghĩ. Cái “chút gì” ấy có thể làm vui lòng một số người này, nhưng cũng có thể gây khó chịu nơi một số người khác, có thể được sự tán đồng, và cũng có thể gây nên tranh cãi. Cái “chút gì” ấy, chính là cái Nghĩa đi kèm theo với Chữ. Nếu không thế, chữ nghĩa sẽ trở thành món hàng xa xỉ, đôi khi rất không cần thiết với những cuộc sống đầy tất bật, lo toan. Nói cách khác, chữ là chiếc xe, và nghĩa là thứ mà chiếc xe chữ chuyên chở. Thời buổi xăng cộ mắc mỏ mà xách chiếc xe không chạy tới chạy lui chẳng hóa ra phí phạm lắm sao!

Phí phạm luôn cả những “mảnh đất” trang trọng của mặt tiền trang web. Phí phạm cả sự tin cậy mà bạn hữu đã dành cho tôi. Phí phạm cả những đêm ngồi im lặng giữa không gian tịch mịch, lắng nghe tiếng thở đều đặn trong giấc ngủ trẻ thơ say nồng của lũ con mà tự tra vấn chính mình về ý nghĩa của những hàng chữ đang nhảy múa trước mặt, liệu chúng có ích gì cho cuộc sống ngày mai trong đó có sự hiện hữu của con mình hay không.

Phí phạm nhất là thì giờ và tấm lòng người đọc. Không có người đọc, sẽ không có người viết. Chả lẽ viết xong rồi chỉ để đêm đêm lấy ra đọc lại những gì mình viết, như người điên cứ hay lảm nhảm nói một mình. Đã hết rồi cái thời người ta đóng cửa thư phòng, bịt tai nhắm mắt trước những nhiễu nhương của thế sự và bằng lòng với sự an bình riêng rất cỏn con, miễn hai bàn tay không nhuốm bùn nhân thế. Tôi tin rằng khi mình viết là viết cho một người nào đó, những người nào đó. Cũng như sống, là sống với ai đó, sống cho ai đó. Con người, chứ có phải thần thánh đâu mà sống riêng một mình giữa cõi trời hiu quạnh. Và Chữ, là để chuyên chở Nghĩa đến một địa điểm nào đó – người đọc, chẳng hạn. Vì thế, không có Nghĩa, Chữ chỉ là những cái vỏ khô khan, vô tích sự. Càng vô tích sự hơn, cái người viết ra chữ mà không có nghĩa.

4.

Ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn về phía trước, nghĩ đến 365 lần cập nhật bài vở của 365 ngày sắp tới ngày sắp tới mà chợt bâng khuâng lo lắng. Riêng phần tôi, trong góc của mình, tôi sẽ viết những gì? Những điều tôi viết là để cho người đọc hay chỉ để thỏa mãn chính mình? Tuổi của tôi năm nay đã bước vào “thất thập cổ lai hy”, liệu có còn đủ nhạy bén để “bắt mạch” được nhịp thở chính yếu nhất của cuộc sống đang sôi nổi và biến dạng từng giây, từng phút ngoài kia? Liệu tôi có trút bỏ được gánh nặng của quá khứ, của những công việc (có thật và tưởng tượng) còn tồn đọng từ năm ngoái, năm kia để thảnh thơi làm người ghi chép cần mẫn của hiện tại? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu những ưu tư. Có người bảo khi ngồi một mình trước trang giấy trắng là lúc người viết trở thành tự do nhất, anh ta sẽ mặc tình tự tung tự tác, tả xung hữu đột, lên đông xuống đoài với vũ khí là cây bút trong tay. Tôi không tin như vậy. Một người viết nghiêm túc sẽ thấy thấp thoáng trên trang giấy trắng bao con mắt nghiêm khắc của độc giả, nhận rõ hậu quả sai hay đúng của những điều mình viết tác động lên một con người, một tập thể, và quan trọng nhất, anh ta không được quyền buông thả, dễ dãi. Nói cách khác, chính cái trách nhiệm của người cầm bút với độc giả của mình đã giới hạn tự do của anh ta, hay đúng hơn, buộc anh ta sử dụng quyền tự do tư tưởng của mình một cách cẩn trọng. Chữ nghĩa vốn là gia sản của bao đời cha ông truyền lại, kẻ đi sau có bổn phận gìn giữ, phát triển và làm giàu có thêm kho tàng ấy cho thế hệ nối tiếp mình. Chính vì thế sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là phẩm chất không thể thiếu của một người viết nghiêm túc.

Đã có lúc tôi nghĩ đến việc nhường sân chơi cho những người trẻ tuổi. Nhưng, tâm trạng của tôi hệt như anh kép già về chiều thảm thương. Cả một đời say mê ánh đèn sân khấu, bao nhiêu đêm từng đứng giữa tiền trường nhìn xuống phía khán giả buồn thương giận ghét cùng với những vai diễn của mình, nay có người bảo anh kép hát già rằng anh đã hết thời rồi, tốt nhất là anh nên giải nghệ để còn giữ được những hình ảnh đẹp trong lòng khán giả. Hơn bất cứ ai, anh kép già hiểu rõ điều đó. Nhưng anh lại không đủ can đảm nhìn thấy sự tàn tạ của chính mình, không đủ can đảm dứt áo chia tay với nỗi đam mê của cả một đời. Bi kịch của anh kép hát già về chiều cũng là bi kịch của nhiều người, và tôi tin rằng mình không là ngọai lệ.

5.

Đêm giao thừa Tết Tây, như thường lệ hàng năm, tôi xem trực tiếp truyền hình buổi lễ Countdown trong phút cuối cùng của năm cũ từ thành phố New York. Những khuôn mặt hiện diện trên màn ảnh truyền hình, họ có thể đến từ khắp nơi trên nước Mỹ hoặc thế giới, những khuôn mặt trẻ trung háo hức. Năm mới đến ai cũng chờ đợi những điều tốt đẹp mới cho mình, cho người, cho đời. Ngoài cái háo hức chờ đợi được chứng kiến một trong những sự kiện trọng đại nhất trên thế giới là nghi lễ Countdown hạ quả cầu thời gian (time ball) trên nóc tòa nhà One Times Square có truyền thống hàng trăm năm, họ còn tin rằng họ đang ăn mừng thế giới ngày mai sẽ thay đổi để trở nên tốt đẹp cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, chủng tộc, địa lý.

Hòa cùng không khí lạc quan ấy, tôi cũng hy vọng rằng trong những lần trang trải chữ nghĩa trên trang viết quen thuộc, tôi sẽ tránh được những lối mòn cũ kỹ mà một anh kép hát già mắt mờ tai lãng vốn khó lòng nhận ra. Lặp lại chính mình, đi trên những con đường đã mòn vẹt, là những căn bệnh mà người không còn trẻ hay mắc phải. Chữ nghĩa, tuy là báu vật truyền đời của một dân tộc, nhưng luôn luôn mang khuôn mặt của thời hiện tại. Không có hơi thở và sức sống của thời đại, chữ nghĩa sẽ giống như bộ xuơng tiền sử nằm trong căn phòng bụi bặm của nhà khảo cổ học. Cuộc sống vốn thay đổi từng giờ từng phút, vậy mà cứ mỗi một năm qua, người ta còn mong đợi thêm bao thay đổi, huống gì chữ nghĩa, tấm gương phản chiếu trung thực nhất của thực tại.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cứ mỗi một bước chân thời gian qua đi, đều lấy mất ở tôi một chút cái cảm giác tự tin vốn vô cùng mạnh mẽ khi tôi còn trẻ. Và vì thế, ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn 365 ngày sắp tới với một nỗi băn khoăn của anh kép hát già vẫn chưa dứt được nỗi đam mê ánh đèn sân khấu, dù biết mình sắp về chiều.

T.Vấn

(Wichita 01-01-2008 – Houston 01-01-2020)

Comments are closed.