Sương Nguyệt Minh
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã về Cõi vĩnh hằng! Mấy chục năm nay, tôi đã coi ông là người thầy, người anh lớn. Một tuần trước, tôi đã biết rằng ông sẽ sớm về với Miền mây trắng sau khi đã làm xong mọi việc trên đời một cách thanh thản, nhưng nghe tin ông mất tôi vẫn thấy đột ngột. Thương quá! Xin chia buồn với chị Khang, với nhà báo Nguyễn Thiêm và toàn thể gia đình ta. Tôi xin đưa bài viết về nhà văn Nguyễn Khắc Trường như một nén hương tưởng nhớ ông da diết. Sương Nguyệt Minh |
Tôi biết bút danh Nguyễn Khắc Trường đầu tiên gắn trên trang bìa tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm này vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thân phận tình yêu” (“Nỗi buồn chiến tranh”) của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài. Đọc suốt đêm, trắng đêm, đọc cả ngày chủ nhật hôm sau, nhà văn Nguyễn Khắc Trường dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lúc thì chìm đắm vào mối tình của bà Son yêu một người, phải lấy một người khác, cả đời đàn bà sống như cái bóng. Khi thì thấy lão Quềnh như bằng xương bằng thịt đi lại ở làng, rồi thoắt cái lại thấy cô Thống Biệu dẫn tôi đi gặp ma… Buông sách, người thẫn thờ như vừa can dự một cuộc “nồi da xáo thịt” giữa hai dòng họ ở chính quê hương mình, chứ không phải xứ Thái Nguyên quê ông Nguyễn Khắc Trường. Lòng cảm phục vô cùng, và ước ao được gặp tác giả của “Mảnh đất lắm người nhiều ma” để kể cho ông nghe những lúc thót tim, những khi ngộp thở vì đọc tác phẩm của ông.
Dạo ấy, tôi còn trẻ và đang sục sôi những bước đầu tiên trên con đường văn chương nên chỉ cảm nhận được mà chưa nhận biết và phân tích rạch ròi những cái hay, cái đẹp, và sự hấp dẫn của tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Phải nhiều năm sau, tôi trưởng thành dần theo thời gian, đọc, quan sát và nghĩ ngợi, có một chút nghề, được gặp gỡ ông, tôi mới nhận ra cái cách nhà văn Nguyễn Khắc Trường dựng truyện rất khôn khéo, tài tình. Ông cho rằng truyện ngắn, tiểu thuyết phải có truyện, cho nên ông rất chú ý đến cốt truyện, đến chi tiết. Có lẽ vì thế mà người đọc hồi hộp, đôi khi ngộp đến ngạt thở bởi ông dẫn dắt đi hết tình huống này đến trường đoạn kia theo những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc đấu giữa hai dòng họ Vũ Đình – Trịnh Bá. Thạo nghề là lẽ đường nhiên, nhưng ông đột sáng khi dựng cá tính, và tính cách nhân vật đối lập trong hoàn cảnh đối nghịch khắc họa rõ nét thân phận nhân vật. Trong hệ thống nhân vật của Nguyễn Khắc Trường như: Trịnh Bá Hàm thọt chân, Trịnh Bá Thủ, Vũ Đình Đại, Vũ Đình Phúc, cô Thống Bượu, ông Sửu, ông Cao, bà Son, bà Cả, ông Khừu, Gái, Chỉnh, Quản Ngư, Đồ Ngật, Tùng, Đào, v.v., thì nổi bật nhất, có lẽ “sống” lâu nhất là… lão Quềnh. Có thể nói: văn chương Việt Nam, có những nhân vật để đời như Chí Phèo của Nam Cao, Xuân Tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, chị Dậu của Ngô Tất Tố, anh Pha của Nguyễn Công Hoan, Giang Minh Sài của Lê Lựu, lão Khúng của Nguyễn Minh Châu…, thì cũng phải nói đến lão Quềnh của Nguyễn Khắc Trường.
Để “viết được một cái gì đó cho ra hồn” thì phải có bản lĩnh và dấn thân, phải không muốn đi mãi con đường đã đi. Năm 1988, Nguyễn Khắc Trường xin nghỉ trực văn xuôi, để dành thời gian đi thực tế ở các vùng nông thôn bắc bộ, ủ mưu viết lớn viết khác. Ông bảo với tôi: “Dạo ấy, không khí văn chương sôi động, nóng bỏng lắm, mọi người muốn thay đổi, nghĩ khác, viết khác. Tớ cũng còn trẻ, rất muốn đi khỏi Hà Nội để viết một cái gì đó cho ra tấm ra món”. Ông trở về Thái Nguyên quê hương, ông sang Hưng Yên, Hải Dương, ông vào Thanh Hóa và cắm sâu nhất ở các làng của huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân và Nga Sơn… Ông nằm vùng, cùng ăn cùng ở cùng làm với dân như một người người nông dân thực thụ để cảm, để nhận ra cái mùi, cái vị, cái hồn của làng quê. Dạo ấy, nông thôn đang “vỡ ra”, cái cũ chưa qua mà cái mới còn manh nha. Câu chuyện mâu thuẫn các dòng họ vốn sẵn hàng năm ở nông thôn lúc lắng xuống, lúc trồi lên thì đang có cơ hội mới bùng lên sục sôi. Người nông dân dân dã, mộc mạc, bình dị và lương thiện bị cuốn vào những mâu thuẫn nội tại của các dòng họ, và lũ cường hào mới đã nổi lên như rươi. Những câu chuyện, nhân vật ngoài đời và hiện thực xã hội xứ Thanh gây cảm hứng nghệ thuật cho ông mạnh mẽ nhất. Nhưng, với người non tay và nệ thực, thì không gian nghệ thuật sẽ là xứ Thanh, cụ thể là nông thôn đồng bằng bắc trung bộ mà Thanh Hóa là chốn phát lộ nhất. Nhưng Nguyễn Khắc Trường khi ấy đã qua Trường Viết văn Nguyễn Du, đã có thâm niên biên tập văn xuôi ở một tờ tạp chí lớn, và đặc biệt là đang nóng bỏng khao khát đổi mới, khao khát “viết một cái gì đó cho ra hồn”. Chuyện thực nóng bỏng, ngồn ngộn, nếu cứ viết về nơi nó xảy ra sẽ bại ngay, vì văn hóa, ngôn ngữ xứ Thanh thì ông hiểu lơ mơ. Nguyễn Khắc Trường mang luôn hiện thực ấy về không gian đất và người quê mình bên sông Công, Thái Nguyên, nơi ông thạo từ lời ăn, tiếng nói, phong tục, tập quán vào tiểu thuyết, cho nhân vật nó hoạt động trong trường không gian văn hóa ấy… là một khôn ngoan, sáng suốt và tài tình của người sáng tác. Bởi xét cho đến cùng, nhà văn phải viết những gì mình thuộc nhất, hiểu nhất, và biết nhất.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một bút danh một thời đậm mùi lính tráng là… Thao Trường. Cái bút danh ấy dường như khẳng định ông rất yêu đời lính và đời lính tác động sâu sắc đến những năm tháng tuổi trẻ cầm bút. Các tác phẩm sinh ra từ cái bút danh này như: truyện vừa “Cửa khẩu” năm 1972; cùng hai tập truyện “Thác rừng” năm 1976 và “Miền đất mặt trời” năm 1982 đã đi vào di sản văn chương Nguyễn Khắc Trường, chứ không mấy người biết, đời văn chỉ cần bạn đọc nhớ đến “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và cái tên Nguyễn Khắc Trường là đã đủ lắm rồi. Bút danh Thao Trường và các tác phẩm khác của ông đến bây giờ chỉ dành cho những người nghiên cứu văn học, học viên cao học…, thế cũng tròn đầy cho một đời văn.
Năm 2006, tôi tham gia ban biên soạn tập sách bìa cứng, khổ to, dày cộp gần 1000 trang “Nửa thế kỉ truyện ngắn Văn nghệ Quân đội”, và chọn truyện ngắn “Chuyện chép trên đầu nguồn sông Hồng” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Những dòng đầu tiên của truyện ngắn thu hút tôi không phải một cái mở đầu bất ngờ, hay mới lạ, mà là… ngôn ngữ và giọng văn: “Nhỏ bé và cheo leo, làng như một chiếc tem dán nghiêng vào vai núi. Ruộng bậc thang xếp dọc theo làng như đấy là bậc lên xuống của những bàn chân khổng lồ trong chuyện xưa. Làng vốn quen với không khí thanh bạch, ẩn mình vào thiên nhiên pha đậm màu sắc cổ tích, giờ bỗng đùng đùng bốc cháy! Tiếng lửa reo ù ù, tiếng nứa nổ toác ra chói đanh làm anh tỉnh cơn mê. Anh đã ngất bao lâu? Trung đội dân quân của anh đâu cả rồi?”. Ví von “làng” giống “cái tem”, mà cái tem ấy lại “dán nghiêng vào vai núi”. Núi có chân, có sườn, có đỉnh, có vách là chuyện thường, nhưng núi của Nguyễn Khắc Trường có vai thì lạ quá. Truyện ngắn này kể về một anh bộ đội thời chống Mỹ bị thương, xuất ngũ, về bản làm trung đội trưởng dân quân, phụ trách đội ươm cá đẻ. Cô gái bản tên Miêng thầm yêu anh nhưng anh không để ý chỉ tập trung vào công việc. Thế rồi giữa lúc cá con sắp nở “như mưa sao” thì cô gái Hoa Sinh học trung cấp thủy sản trở về. Hàng ngày phải nhìn anh và cô gái Hoa kiều béo trắng, “đường nét cựa quậy, núng nính” làm việc với nhau thân mật, tâm đầu ý hợp, và thường xuyên bên nhau, Miêng “bất ngờ đến váng vất”. Cô mặc cảm mình xấu hơn, trình độ văn hóa thấp hơn cô Hoa kiều mới về, nhưng cô cũng nhận ra họ vừa đôi phải lứa. Vốn quen nhường nhịn, bao dung, hiền hậu đến mức khi có chuyện người Hoa bỏ về bên kia biên giới, cô còn lo lắng cho Hoa Sinh. Chiến tranh biên giới phía bắc xảy ra, anh bị thương, lạc vào rừng. Miêng đi tìm, và tìm được anh, nhưng bất ngờ gặp Hoa Sinh cùng một toán quân địch. Cũng may viên đạn từ nòng súng của Hoa Sinh không trúng anh và Miêng. Hoa Sinh hiện ra gương mặt thật “nội gián”, dẫn quân xâm lược về bản, và ông bố nuôi Hoa Sinh cũng cùng một duộc. Quân chủ lực tràn lên cứu viện. Địch rút. Cô gái Hoa Sinh chạy vào đúng ổ phục kích của lính Tàu, và bị chết bởi chính viên đạn của lính Tầu. Anh trung đội trưởng dân quân nằm trạm xá “thắc thỏm mong Miêng đến” và anh chợt nhận ra cô là một cái gì đó vô giá ở bên mà anh bây giờ mới biết.
Ngày tạp chí Văn nghệ Quân đội kỉ niệm 50 năm truyền thống, nhà văn Nguyễn Khắc Trường về dự, nhận sách biếu tặng. Ông giở lật lật đến trang in tên mình, tên truyện, rồi bảo tôi:
“Cái truyện này – truyện của một thời, tớ viết nôm na, mách qué, các cậu in làm gì.”
Nói xong, ông cười ha hả. Tôi cũng cười, trêu đùa lại ông:
“In chứ. In cho bác chết. In để thấy một thời bác viết “ta thắng địch thua, cả nhà sum họp”, in để thấy tiểu thuyết của bác hay bao nhiêu thì truyện ngắn của bác dở bấy nhiêu.”
Ông lại cười, cười ha hả vang cả một góc sân đang có nhiều người đứng chờ vào hội trường. Tôi giải thích rằng, tiêu chí làm tập truyện ngắn kỉ niệm nửa thế kỉ thành lập tạp chí đầu tiên là 28 nhà văn đã và đang công tác ở tòa soạn đã có tác phẩm in ở tạp chí nhà. Sau đó mới chọn 32 nhà văn tiêu biểu ở bên ngoài cho đủ 50, nhưng cũng chỉ chọn tác phẩm đã in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Rằng, không chọn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Trường thì ban tuyển chọn có lỗi bỏ sót người nhà.
Không hề tự ái, không hề giận, ông không cười nữa, trầm ngâm, rồi hạ giọng:
“Thôi cũng được. Chắc bạn đọc cũng chia sẻ được, cái thời ấy mình viết thế.”
Thực ra, “Chuyện chép trên đầu nguồn sông Hồng” chưa phải truyện hay (nếu hay là cái hay của thời ấy), càng không phải tác phẩm toàn bích, nhưng nó không hề dở. Nói “nôm na, mách qué”, có thể ý ông diễn đạt rằng chuyện còn đơn giản, sơ lược. Nhưng tác phẩm này được in trân trọng ở tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 12 năm 1984. Bây giờ, nếu bản thảo vào tay tôi biên tập, thì tôi vẫn chọn để in, in tốt mà không hề đắn đo, không hề phải chiếu cố, ưu tiên vì bất cứ lý do nào. Có thể dạo đó, tạp chí rất cần những tác phẩm thuộc đề tài này, nhưng chắc chắn nó được in vì chất lượng, vì ông viết đầy cảm xúc và rất thạo nghề. Thạo nghề ở nghệ thuật dựng truyện, và sử dụng chi tiết độc đáo. Tác phẩm quyến rũ người đọc bằng cái lấp lánh hấp dẫn của ngôn ngữ từ mở đầu và suốt truyện, còn kết truyện thì đột ngột, bất ngờ. Ông viết về kỹ thuật chăm cá đẻ, ươm cá bột trong bể, rồi thả ra ao rất tinh tế, cứ như đã từng là người của ngành chăn nuôi thủy sản. Ông sử dụng nhiều từ và cụm từ mới, lạ, gây hiệu quả nghệ thuật bất ngờ: “tối sờ sẫm”, “tiếng nói loẻng xoẻng”, “thân cây dỏng dớt”, “doãi đờ ra”, “ánh trăng muộn héo mờ”, “nhón nhén từng bước”, “nhấm nháy ranh mãnh”, “con cón tung tẩy”, “nhón nhén bước”, “se se buồn”, v.v. Một truyện ngắn như thế cũng đáng mừng lắm chứ. Cái thời ông coi ông viết “nôm na” mà ngôn từ đã tinh như thế, đã mới mẻ như vậy đấy. Tôi dồ rằng, nhà văn Nguyễn Khắc Trường là người sáng tác luôn nung nấu, đổi mới quyết liệt. Ông dám từ bỏ cái cũ, cái truyện ngắn không ưng ý của một thời để chỉ giữ lại tác phẩm tinh túy, tinh hoa của đời văn, không phải ai cũng làm được.
Có lẽ đời văn Nguyễn Khắc Trường những gì viết trước năm 1986 chỉ là giậm chân khởi động, là những bước chạy đà đầu tiên báo hiệu một cái gì đó bất ngờ, đột phá đang chờ ở phía trước, và phải đến “Mảnh đất lắm người nhiều ma” mới là cú vọt lên cao, bay xa. Nhưng, tôi đồ rằng cú rướn nhảy lại là thiên bút ký “Gặp lại anh hùng Núp”. Anh hùng Đinh Núp là nhân vật trung tâm, ngờm ngợp các chi tiết làm nên các câu chuyện về ông Núp và các mối quan hệ của ông đặt vào không gian văn hóa sinh động, ăm ắp hương sắc, hồn vía Tây Nguyên. Chất truyện dày hơn chất ký, và kho tri thức về văn hóa bản địa hiện lên trên từng trang viết. Về thể loại, tôi có cảm giác như thiên bút ký chỉ là chiếc áo quá chật không chứa nổi hiện thực vạm vỡ. Thú thực lại một nữa tôi bị thuyết phục bởi ngôn ngữ và giọng văn của Nguyễn Khắc Trường. Bút ký “Gặp lại anh hùng Núp” đoạt giải nhất cuộc thi bút ký do tuần báo Văn nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tổ chức cũng không lạ.
Năm 1982, nhà văn Nguyễn Khắc Trường được điều về làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khi ấy, nhà văn Nguyễn Khải vẫn chưa chuyển ra ngoài, nhà văn Nguyễn Minh Châu thì 7 năm sau mới mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Ông Nguyễn Khắc Trường may mắn được sống, làm việc và học hỏi được nhiều từ các nhà văn đàn anh tài năng. Ông đã từng “cắp tráp” đi theo nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đi thực tế sáng tác nhiều chuyến. Đi để xem bậc đàn anh hành nghề thế nào, để học được cái gì đó. Mỗi người một cách riêng thâm nhập thực tế, nhà văn Nguyễn Khải thì chăm chỉ ghi chép, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyễn Khắc Trường thì không mấy khi giở vở bút. Trong lúc ông Nguyễn Khải hỏi nhiều, ghi lắm, ghi cụ thể, ghi tỉ mỉ, thì Nguyễn Khắc Trường cứ nhởn nhơ như người đi theo, đi chơi. Nhưng, không có cái gì qua mắt ông, bởi ông quan sát, ghi nhớ cái đáng nhớ vào trong đầu, và nghĩ ngợi. Một cách đi thực tế, hỏi lắm, ghi nhiều như Nguyễn Khải vẫn ra những bút ký nóng hổi đời sống giàu suy tư, triết lý. Một cách đi tiếp cận đời sống như đi chơi, không ghi chép, chỉ hỏi, nghe, và quan sát, nghĩ ngợi như Nguyễn Khắc Trường lại cần có trí nhớ tuyệt vời.
***
Đời văn mỗi người đều có những bước đầu tiên chập chững. Một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, thậm chí một câu thơ của người đi trước đôi khi cũng là chất xúc tác, là cơn gió thổi bùng lên ngọn lửa khao khát sáng tạo để người cầm bút phấn chấn ngồi vào bàn viết. Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là xúc tác mãnh liệt, gây cảm hứng, và thôi thúc tôi viết về dòng họ, nông thôn quê tôi bằng truyện ngắn “Nỗi đau của dòng họ”. Truyện ngắn này tôi gửi mấy tòa soạn báo và không thấy hồi âm, mới rủ anh bạn yêu văn chương cùng đơn vị phóng xe đến tòa soạn tạp chí Văn nghệ Quân đội gửi bản thảo. Tòa soạn vắng lặng, tôi dừng lại một phòng trên tầng hai, gõ cửa. Một người cao lớn, nói giọng xứ Nghệ bước ra, nghe tôi trình bày (sau này tôi mới biết đó là nhà thơ Vương Trọng), bảo: “Đây là Ban Thơ, cậu đi sang phía bên kia cầu thang, đến phòng thứ ba, gửi cho nhà văn Nguyễn Khắc Trường”. Hôm ấy, tôi không gặp được nhà văn Nguyễn Khắc Trường vì ông xuống Đồ Sơn tổ chức trại sáng tác cho cuộc thi truyện ngắn của tạp chí, đành gửi lại bản thảo cho chị Lâm phòng hành chính.
Gần một tháng sau, tôi nhận được thư của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, đề ngày 25 tháng 6 năm 1992 ghi: Kính gửi đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn (Sương Nguyệt Minh). Phong bì thì lại ghi: Kính gửi anh Nguyễn Sơn (Sơn Nguyệt Minh) với nét chữ khác với lá thư viết tay có chữ ký của ông. Ông viết chữ nghiêng, đường nét phóng khoáng, bay bổng; nhìn chữ có thể biết được tính người nghĩ lớn, rộng lượng. Ông thông báo đã đọc cả hai truyện tôi gửi, và chọn truyện ngắn “Nỗi đau của dòng họ” in vào số tháng 8 năm 1992. Ông mong tôi tiếp tục gửi những sáng tác mới cho tạp chí và chúc tôi mạnh khỏe viết hay hơn nữa. Chữ nhà văn Nguyễn Khắc Trường có đặc điểm riêng rất dễ nhận ra. Chữ g, ông ngoáy tít như chữ s kéo dài xuống dòng dưới. Chữ t thì như chữ o dẹt thòi cái râu lên. Chữ c viết hoa mà sao nó giống như chữ m viết hoa, thế mới lạ. Còn dấu ngã không nằm ngang mà thành dấu hỏi với cái đuôi kéo dài 45 độ phóng lên trời, v.v. Có một số chữ ông viết tháu như vậy, nhưng vẫn luận ra, đọc vẫn nhanh và lĩnh hội nội dung dễ dàng. Thư này, tôi vẫn lưu giữ cho đến tận bây giờ với lòng biết ơn, trân trọng, nâng niu. Tôi cũng chưa kịp hỏi ông vì sao phong bì lại là nét chữ của người khác, mà có hỏi chắc gì ông đã nhớ.
Tôi đã viết về cảm xúc khi nhận được thư viết tay của nhà văn Nguyễn Khắc Trường: “Chỉ ngần ấy chữ nhưng trong lòng tôi rộn rã niềm vui, có một chút rưng rưng và chờ đợi. Một người lính “vô danh tiểu tốt” ở đơn vị cơ sở mà được một nhà văn nổi tiếng biên tập truyện ngắn, lại viết thư tay báo tin, động viên, thật hiếm có hạnh phúc nào bằng. Bây giờ, liệu có được mấy biên tập viên làm được cái việc giản dị mà thiêng liêng như thế?”. Về sau, gặp nhau, nói chuyện thân mật, ông bảo: “Tớ bỏ chữ của, chỉ cần Nỗi đau dòng họ là đủ”. Tôi chịu và nể phục sự tinh tường biên tập của ông.
***
Khi tôi về tạp chí Văn nghệ Quân đội thì nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã chuyển sang báo Văn nghệ gần năm năm. Trong thời gian ấy, ông cũng đã kịp in cho tôi hai truyện ngắn trên báo của hội khi ông làm trưởng ban văn xuôi, sau đó là Phó tổng biên tập. Có một lần nhà văn Nguyễn Quốc Trung từ Sài Gòn ra, rủ tôi đến nhà ông chơi. Bước vào cửa đã thấy bà Khang – vợ ông bày mâm cơm đầy các món ăn thịt gà luộc rắc lá chanh thái chỉ, tôm hấp đỏ au, rượu cuốc lủi sủi tăm… như mâm tiệc, và đon đả chào mời. Bất chợt, tôi nghĩ: Ông Trường thật may mắn có một người vợ hiền. Quả thật! Sau nghe chuyện tình của ông, và nỗi gian truân ông bà yêu nhau xa đằng đẵng thời chiến tranh, lúc hòa bình rồi vẫn xa nhau, đến khi gần già mới sum vầy trong một căn nhà ở Thanh Xuân, Hà Nội thì tôi nể phục sức chịu đựng của bà Khang quá. Hai người cùng làng, hai gia đình đều bị quy là địa chủ năm cải cách ruộng đất, sau xuống thành phần trung nông. Cánh cửa đại học trước sau rồi cũng đóng lại, chị Khang trẻ trung dạo ấy biết thân biết phận phải xin đi học trung cấp bưu điện, ra trường phải lên tận Cao Bằng công tác. Anh thanh niên Trường học trường cấp 3 Võ Nhai, rồi cũng vào bộ đội, đi qua bom đạn chiến tranh, phải hơn 10 năm sau mới bước vào cổng trường Đại học Văn hóa học Trường Viết văn Nguyễn Du. Đời lính nay đây mai đó, trước khi vào lò lửa chiến trường, anh được nghỉ phép về thăm nhà mấy ngày, và họ đã kịp làm lễ cưới gọn nhẹ, chóng vánh. Chồng trở lại đơn vị, vào mặt trận Quảng Trị bom đạn mù trời, vợ tần tảo ở tít miền non nước Cao Bằng sinh con chờ chồng. Nghe chuyện xưa đã lui vào dĩ vãng mà xót xa ứa nước mắt.
Lúc ăn cơm, nhân trò chuyện văn chương, cuộc sống, tôi bảo: “Giá như bác cứ ở lại tạp chí Văn nghệ Quân đội thì em ít ra cũng được làm việc cùng bác hơn 10 năm bác mới nghỉ hưu”. Nguyễn Quốc Trung đế vào: “Còn tui sẽ được cùng cơ quan với ông Trường gần hai mươi năm đấy. Sao ông anh tui cứ phải sang báo Văn nghệ nhỉ?”. Ông cười, rồi bảo: “Có lý do cả đấy”. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường trầm ngâm, kể về chuyện gạt nước mắt rời nơi mình vốn rất yêu quý, và ai cũng quý yêu mình. Lúc ấy, ông đang rất nổi tiếng với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, ông được mời chào, đón rước từ nhiều nơi. Lãnh đạo tỉnh Bắc Thái (lúc ấy gồm Bắc Kạn và Thái Nguyên) thì xin ông về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ, hoặc Tổng biên tập báo tỉnh. Về tỉnh công tác, là quan đầu một ngành, với lời hứa hẹn được cấp đất, hoặc cấp nhà, có xe ô tô riêng. Về quê nhà còn được gần vợ con, ấm cúng, sum vầy, nhà cửa ấm êm, nhưng lại phải xa nhiều bạn văn chương thân thiết và rời môi trường văn chương kinh kì sôi động khiến ông mất ngủ. Hội Nhà văn thì xin ông về báo Văn nghệ. Sang báo Văn nghệ thì chỉ giữ chức Trưởng ban Văn xuôi thôi, nhưng lúc đó báo đang xin đất, chia cho cán bộ của báo, chắc chắn ông được chia một xuất cũng như các nhà thơ nhà văn Phạm Tiến Duật, Hoàng Minh Tường, Bế Kiến Quốc… Ở lại Văn nghệ Quân đội thì trước sau cũng được cấp một căn hộ 50m2 như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và cũng có cái sướng là làm biên tập một thời gian rồi sang ban sáng tác, hàng tháng chỉ lĩnh lương và viết, viết cái gì thì nhuận bút của mình, sản phẩm do mình sở hữu. Cuối cùng, ông chọn sang báo Văn nghệ. Tôi bảo: “Bác là nhà văn của nông dân, nông thôn. Cái tính sở hữu gắn liền với đất nó máu thịt lắm. Bỏ 50 m2 căn hộ chọn 50m2 đất, mà vẫn được sống giữa lòng Hà Nội với văn chương là một lựa chọn khôn ngoan. Trong hoàn cảnh ấy, là em, em cũng chọn đất”. Nguyễn Quốc Trung cũng gật gù: “Là tui, tui cũng chọn đất”. Ông bỏ đũa, vỗ đùi đánh đét một cái, rồi cười, cười ha hả như “địa chủ được mùa”. Quả thật! Công việc, sự nghiệp, và hợp lý hóa gia đình bao giờ cũng khiến người tình nghĩa đắn đo, lựa chọn, và thao thức. Ông được sống, làm việc giữa bầu không khí văn chương kinh kì, vừa được chia đất, rồi làm nhà, đưa vợ con xuống Hà Nội là có tình có lý nhất.
Tôi có 5 năm làm việc cùng nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi ông làm Chủ tịch hội đồng Văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam. Trí nhớ của ông khiến tôi vô cùng cảm phục. Xét kết nạp đến tác giả nào cùng thời với ông trở về trước và sau đó là thế hệ chúng tôi, ông đều nhớ vanh vách các bút danh, tác phẩm xuất bản năm nào, cốt truyện ra sao, nhân vật, chi tiết thế nào, rồi giọng văn, cá tính… Nhớ còn vì ông làm biên tập lâu năm, đã từng xử lý nhiều bản thảo của người sáng tác khắp nước. Có tác giả khi đưa ra bàn luận ở hội đồng, nhà văn Nguyễn Khắc Trường bảo: “Tôi cứ tưởng ông ấy vào hội lâu rồi, đáng lẽ phải vào hội trước cả tôi. Sao bây giờ chúng ta mới xét ông ấy nhỉ?”. Một lời của ông thuyết phục và có sức mạnh như mệnh lệnh sai khiến cả binh đoàn. Tôi cũng may mắn được chấm thi cùng ông ở một số cuộc thi cấp trung ương và cả địa phương nữa. Phải nói là ông có “uy lực văn chương”, dù ông ở cương vị Chủ tịch hội đồng giám khảo, hay chỉ là thành viên, dù ông nói trước hay phát biểu sau. Mạch lạc. Khúc chiết. Và khát quát đầy thuyết phục. Có cuộc chấm thi, ý kiến nhận xét, đánh giá của Nguyễn Khắc Trường có sức nặng đến mức hầu như các thành viên khác đều gật gù nhất trí, hoặc nếu phát biểu cũng chỉ là tiếng nói phản biện yếu ớt, cuối cùng cũng nhất trí vì nhận xét của ông tinh quá, chuẩn quá.
Kho tàng bản thảo của nhà văn Nguyễn Khắc Trường còn hai quyển tiểu thuyết đã trích giới thiệu một phần trên tạp chí Nhà văn, nhưng đến nay nó vẫn chưa ra đời. Hỏi, ông bảo: “Không nên làm mất thời gian của bạn đọc.” Tôi nghĩ, ông là một nhà văn có trách nhiệm với bạn đọc, với xã hội, ông cảm thấy tác phẩm của mình chưa hay, chưa đạt đến sự mong muốn của mình, thì không nên đưa sản phẩm ấy đến với bạn đọc. Tôi cũng đồ rằng ông quá khắt khe với mình, ông kĩ lưỡng với con chữ nhà văn, với chi tiết nghệ thuật, một khi chưa làm chủ được chúng như mình muốn thì dừng in, dừng viết. Đôi khi tôi lại nghĩ về ông như một người leo núi, khi đã lên đỉnh núi rồi thì không muốn leo các đỉnh núi thấp hơn nữa. Khi nghe tôi tâm sự điều ấy với bạn văn, có người cười khà khà rồi bảo: “Đã lên đến đỉnh núi Trường Sơn rồi, thì cứ ngồi ở đó, nhìn các đỉnh núi lô nhô dưới chân mình, leo nữa là gì”.
***
Cách đây vài tháng, tôi và nhà văn Văn Giá đến tại gia thăm ông.
Vẫn ảnh hai nhà văn là Sôlôkhốp và Nam Cao trên giá sách, ông tôn thờ hai văn hào như bậc thầy. Ông ngưỡng mộ tác giả của “Số phận con người”, và “Sông Đông êm đềm”, nể phục người sinh ra “Chí Phèo” và “Sống mòn”. Nói chuyện cuộc sống xa gần, ông bảo: “Tôi tuổi Giáp Thân, con khỉ, 80 tuổi đấy. Sống dai thế này cũng đã đủ rồi, các ông ạ. Sống thêm nữa là chán lắm”. Nói rồi ông cười ha hả đầy vừa lòng, thỏa mãn. Cứ coi cái chết nhẹ bỗng như tiếng cười ấy. Văn Giá xuýt xoa: “Bác phải cỡ 100 hơn, chứ sao vừa lòng với bát tuần đại khánh được.” “Không! Đủ rồi… Sống thế là đủ rồi”. Rồi ông lại cười, cười sảng khoái như ông chánh tổng làng văn vừa chấm xong mùa vàng văn chương.
Thân thuộc với Nguyễn Khắc Trường từ thời làm báo Văn nghệ đầu những năm 1990, rồi gắn bó hơn 30 năm với nhau, nhà văn Hoàng Minh Tường viết về người bạn của mình rằng: “Tôi nghĩ, ít nhất có hai Nguyễn Khắc Trường mà tôi quen thuộc: Một người cô đơn, âm thầm như một nhà hiền triết, khi ngồi một mình trầm ngâm soi ngẫm chính mình, khi đối diện với trang bản thảo trước mặt. Một người hoạt náo, cười ha hả, tuôn trào những mạch nhớ, những ý tưởng, những bình luận sắc bén, uyên bác, hoặc vụt đứng trước đám đông, trước hội nghị dõng dạc và khúc chiết, mạch lạc và sắc sảo bảo vệ một tác giả, một tác phẩm, một vấn đề nào đó.” Hơn sáu năm, nhà văn Nguyễn Khắc Trường làm Phó giám đốc, Tổng biên tập ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ông cũng kịp ký cho ra đời hơn 20 quyển sách hay, nhưng được coi là “nhạy cảm”. Công lao này thật to lớn với bạn đọc, và cũng khiến nhà văn Tạ Duy Anh nể phục. Lúc ông rời nhà xuất bản, Tạ Duy Anh buồn ngẩn ngơ cả tháng, thấy nhà xuất bản trống hoác trống hơ, ông Tạ bảo: “Sống một thời gian với Nguyễn Khắc Trường, tôi nhận ra ông thuộc số không nhiều những người đàn ông đáng chơi nhất và khi đã chơi thì hoàn toàn tin tưởng nếu cần phải nói ra bất kỳ chuyện gì”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cả một đời trăn trở: “Ngồi vào bàn trong nỗi cô đơn, nhà văn nhìn sâu vào cõi người, nhìn sâu vào những thiện ác…” mà nghĩ ngợi, mà viết. Suốt cuộc đời, sống, làm việc và viết văn, ông chẳng ân hận điều gì. Ông là người biết đủ. Ông vừa lòng với cuộc sống của mình, vừa lòng với những gì mình làm được, và ông cũng làm tròn phận sự của một người chồng, người cha, người viết văn, vừa lòng với phận sự người lãnh đạo văn nghệ là Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ cũng như khi làm phận sự một người lính, một biên tập viên, một phóng viên. Vừa lòng. Thanh thản. Và an lành.
S. N. M.