Những tin tức về một ngôi làng (kỳ 4)

Tiểu thuyết Nguyễn Thanh Hiện

22.

ở làng tôi có thứ tiếng động có vẻ đều đều như tiếng mưa rơi, nhưng không hoàn toàn như tiếng mưa rơi, mà như ai vỗ nhịp trên rừng, tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác, có vẻ như không thể khác đi được, cứ thế, có vẻ đều đều như tiếng mưa rơi, đôi khi lại quên, như thể chẳng còn tồn tại, nhưng không phải, quá khứ có vẻ như thứ vật thể rất bền bĩ trong ký ức tôi, tôi vẫn nhớ ở làng tôi có thứ tiếng động như ai vỗ nhịp trên rừng, còn tôi thì ra đồng làng để đuổi chim, tôi ra đồng làng để đuổi lũ chim ăn trộm lúa, tháng chạp, lúa trì chín, lũ chim lại về, bầu trời xám cứ thấp xuống, như thể có nỗi niềm bí mật nào đó đang đè lên vai tôi, tháng chạp, ruộng lúa chín, tôi, lũ chim, và thứ tiếng động như ai vỗ nhịp trên rừng, ngôn ngữ của thứ vật thể tạo dựng tự buổi con người nhận ra mối liên quan giữa các sự vật, ngôn ngữ cái mõ gió, thứ âm thanh như thể có ai vỗ nhịp trên rừng, hiện hữu giữa dòng sống đầy khiếm khuyết, con nai cướp giật của rừng, con chim cướp giật của người, tháng chạp, lúa trì chín, lũ chim kéo về, bầu trời trên đồng làng có vẻ quên mất thời phân chia tách bạch, những hữu thể chao động, lầm lạc, bất ưng giữa các ranh giới phù vân, một người đi giữa cuộc bể dâu mang theo cả hình hài bầu trời rộng lớn lẫn những tỉ mỉ của thứ chủ thể chật cứng niềm thiển cận trần gian, tôi ra đồng làng giữ không cho lũ chim ăn trộm lúa trên đám lúa đang chín của nhà tôi, nhưng lại bị lũ chúng mê hoặc, cứ ngóng cổ lên bầu trời trên đầu coi thử có con chim trong câu chuyện cổ tích mẹ tôi kể hay không… một hôm chim lại về đậu ở bờ giếng nước sau nhà, có khách… có khách (con chim đậu bờ giếng nước kêu trong lời kể của mẹ tôi) sao chim lại xưng là khách với con người nhỉ, sao mình lại ra đồng làng để đuổi khách của con người nhỉ, tôi ra đồng làng đuổi chim lại nghe thắc mắc trong lòng, gió sớm mai chợt nổi lên, cái mõ gió khua lên như ai vỗ nhịp trên rừng, lũ chim đang sà xuống ruộng lúa nhà tôi vội vã bay lên, sao khách của con người lại đi ăn trộm lúa của con người nhỉ, gió lại ngừng, cái mõ gió không còn khua, lũ chim lại sà xuống ruộng lúa nhà tôi, mãi sau này, khi đã có chút vốn liếng kiến thức sách vở, tôi mới nghiệm ra nhịp điệu của tồn sinh, gió làm rung cái mõ gió, lũ chim từ ruộng lúa bay lên, tả tơi một cõi đi về, huyễn mộng quyện lấy cây cột chống ngôi nhà hữu thể, ý thức, hay nghĩ ngợi, cũng là nó, ai đó lại đem đặt tên cho cây cột chống nhà, ý thức là cây cột chống ngôi nhà hữu thể, một sớm đi về nghe gió thổi đầu non, không phải, gió thổi qua đồng làng tôi làm cho cái mõ gió rung lên những âm thanh như ai vỗ nhịp trên rừng, lũ chim ăn trộm lúa, và không ăn trộm lúa, tôi ngồi ở bờ ruộng lúa nhìn lũ chim, cái mõ gió khua lên như có ai vỗ nhịp trên rừng, tôi vội vã giơ tay lên trời, tôi giơ tay lên trời vẫy, bấy giờ tôi cũng không biết là tôi đang đuổi chim hay vẫy gọi lũ chim, như thể vẫn còn sót lại nơi đây một cái gì đó chung của trời đất, tất cả là một, như ông Parmenid của nước Hy Lạp cổ đại nói, có vẻ như ruộng lúa đang chín, lũ chim, cái mõ gió và tôi là cùng thoát ra từ một cuộc sinh nở

23.

có một cuộc sinh nở không phải từ người phụ nữ, người mẹ, qua bàn tay phép màu của tạo tác, mà từ cha tôi, cuộc sinh nở diễn ra rất chậm, hình như hai ba hôm gì đó, đứa trẻ lên chín là tôi lúc bấy giờ có vẻ như không còn gì thu hút tôi hơn là theo xem công cuộc tạo tác của cha tôi, đây là hai chân con ạ, cha tôi nói, tới lúc đó tôi mới biết ngoài những việc làm khác như đi cày, đi rừng, hay đọc các cuốn sách luôn cất cẩn thận trên giá sách, cha tôi còn biết làm ra hình thể con người, mới đầu là hai chân, cuộc sinh nở bắt đầu từ hai chân, đẻ ngược, theo cách nói của người đời, không phải bắt đầu bằng thịt xương, mà bằng rơm rạ, chỉ là lấy rơm rạ sắp xếp lại thành hình dạng chân người, rồi cột lại bằng lạt tre (dây buộc làm từ tre) rồi tôi cũng làm được thôi, trong lúc nhìn cha tôi dùng rơm rạ để tạo ra hình thể con người, tôi cứ nhớ câu chuyện kể về ông cụ tổ thứ chín nhà tôi, cha tôi là cháu tám đời, còn tôi là cháu chín đời ông Thông Thống, tóm được hết thảy lũ ma trốn trong làng ông Thông Thống còn làm được thì sá gì việc cháu chín đời của ông dùng rơm rạ để tạo ra hình thể con người, lũ bây không thể thoát được đâu, tôi như cứ thấy ông cụ tổ thứ chín nhà tôi đứng giữa sân, quát, và những cơn gió xào xạc cuốn về chiếc túi càn khôn, cả đời ông cụ tổ thứ chín nhà tôi chỉ với mỗi chiếc túi càn khôn đã bắt được ma quỉ, nhốt được mưa gió, sang sông nước lũ không cần có đò, lúc bấy giờ tôi cứ muốn hét lên với cha tôi, hãy để con làm cho, bấy giờ tôi cứ nghĩ con cháu ông Thông Thống thì làm chuyện gì cũng được hết, sự bồng bột của tuổi thơ khiến tôi kiêu căng, ngạo mạn, lúc đầu tôi cứ tưởng cha tôi muốn tập cho tôi một trò chơi mới, làm thằng người rơm, nhưng không phải, hãy đi với cha ra đồng làng, ông nói, theo cha tôi ra đồng làng có cả thằng người rơm, buổi sáng tháng chín (âm lịch) lúa trì đang trỗ, lúa trì là loại lúa cổ truyền được gieo trồng trên đồng tôi lúc ấy, lũ chim đã kéo về trên bầu trời đồng làng, đông lắm, trên đồng làng, những đứa trẻ cùng tuổi tôi đang đuổi chim, những tiếng ùi hụi vang lên đây đó, có lẽ cha tôi là người đầu tiên trong làng đã thiết kế ra công trình bảo vệ mùa màng ấy, một lần nữa cha tôi làm tôi ngạc nhiên, ông lấy từ trong túi vải ra những áo quần giày mũ cũ (mà lúc ra đi tôi nào để ý) khi thằng người rơm đã vận tất cả những thứ ấy vào người tôi lại thét lên trong nghĩ ngợi: ai vậy hở cha, khi cha tôi đem đặt kẻ xa lạ ấy xuống đám ruộng lúa nhà tôi thì tôi mới biết kể từ hôm nay thằng người rơm đã chính thức thay tôi làm công việc đuổi chim, tôi lại thấy tự hào ở trong lòng là con cháu của kẻ hô phong hoán vũ, những ngày đầu, quả tình lũ chim đã tránh xa đám ruộng lúa nhà tôi, vừa trông thấy kẻ xa lạ ở trên ruộng lúa là lũ chúng vội vã bay đi, nhưng sau đó chuyện đâu lại vào đó, lũ chim lại bay đến ăn lúa ruộng nhà tôi, và tôi lại tiếp tục ra đồng làng để đuổi chim, rồi một biến cố nữa đã xảy ra có tính cách tư duy triết học hơn là tư duy kinh tế, buổi sáng sớm, tôi đang sẵn sàng chờ lũ chim kéo tới thì thấy cha tôi xuất hiện trên đồng làng, tôi có lấy làm lạ vì không bao giờ cha tôi lại cùng tôi làm công việc đuổi chim, mỗi mình con đủ rồi, cha hãy về đi, tôi nói, lũ chim đã bắt đầu sà xuống đám ruộng lúa nhà tôi, từng bầy, và tôi bắt đầu gân cổ lên hét, cha tôi lặng lẽ lội xuống chỗ thằng người rơm đang đứng, mày hãy trở về chốn cũ thôi, ông vừa nói vừa tháo tung những lạt buộc để cho thằng người rơm trở về trạng thái rơm rạ ban đầu

24.

những tin tức về làng tôi luôn hàm súc nhiều ý nghĩa như thế, ví như chuyện đương giữa trưa núi Voi Nằm (*) thò cánh tay của mình vẫy gọi người làng tôi cầu cứu, nằm trong dãy núi Mun ở phía nam làng, núi Voi Nằm như kiểu bình phong ở trước nhà, hay như cách con sphinx nằm nhìn đất nước Ai Cập cổ đại, núi Voi Nằm đang nằm nghe làng xóm tôi (cả cổ đại lẫn đương đại), tiếng tơ lòng lắng từ cõi người đi nửa cuộc hoàng hôn, hoặc trù phú hơn, con đường quằn bóng trăng vẳng tiếng nghìn trước, sang sảng giọng mài gươm, khách mặc áo chiến cũ vào làng, nỗi đau vận nước tràn lên trang sử bằng đất 

ẩn mật và hùng tráng đến nỗi khi người Pháp thực dân xâm chiếm xong đất nước tôi đổ con đường quan ngang qua làng tôi (con đường mang số thứ tự thứ mười chín) cảm thấy sợ hãi lúc nhìn về phía nam thấy có con voi đá nằm phục giữa lịch sử đương đại, lập tức nhà cầm quyền địa phương được lệnh truyền bắt dân làng tôi đương những chiếc bồ bằng nan tre, học theo cách yểm long mạch của người Tàu thực dân cổ đại, người Pháp thực dân hiện đại đã mang những chiếc bồ nang quét vôi trắng đem đặt trên đỉnh núi Voi Nằm

vẫn âm thầm chảy, nguồn mạch, và cuộc sinh hóa, tiếng dệt cửi, hát ru, tiếng cười đùa của trẻ thơ… vẫn cứ cất lên, giữa những vòm tre, buồn nhưng kiên nhẫn, là những lời của những ngày và đêm, chiếc áo đẫm sắc màu kiêu bạc khóac lên những từ vựng kiêu sa, sự đan xen giữa tiếng người và tiếng những con vật nuôi bạn hữu tự những triệu năm trước của con người là thứ từ vựng kiêu sa, có một nền văn minh núi Voi Nằm được nói thế này: con người sinh ra là phải biết làm ra áo mặc, cả chiếc áo mặc lúc sống để làm lụng và cả chiếc áo để mặc lúc chết (năm tôi lên bảy, ông nội tôi vẫn còn sống, và tôi đã nhìn thấy chiếc áo quan của ông đặt ở căn giữa nhà trên) triết học về chiếc áo quan như muốn nói thêm điều gì nữa về con người

đêm, ta thức cùng nỗi ám ảnh, bao nhiêu chữ nghĩa cũng không nói hết, có lần, vào mùa thu, ta leo lên đỉnh núi Voi Nằm, không có lá vàng rụng thành lớp như trong các khu vườn trong làng, hay núi là chốn đã ra khỏi luật lệ của mùa, trong lúc ta còn đương bối rối thì nghe gió thổi, đám cây trên núi như cứ nghiêng vai, rỉ tai nhau, toàn một lời, như tiếng thở của một hòn đá nơi bến suối, ta chợt thấy ngưỡng mộ vô cùng cách hành xử của tự nhiên, tự buổi vô cùng xa đã có lời hay sao, từ ngày biết sự huyền nhiệm của chữ nghĩa, ta đã cố mô tả ánh mắt của núi, nhưng không thể, chỉ có điều luôn cảm thấy núi luôn nhìn ta, ánh mắt của nghìn năm huyễn diệu, đấy là nỗi ám ảnh ta luôn lo sợ bị mất đi, đến khi tự nhiên làm ngơ với mình thì sẽ sống ra sao nhỉ…

(trích trong văn tập Rối Rắm của ông nghè Quân)

nay, từ làng tôi đứng nhìn, thấy núi Voi Nằm như con voi đá đã bị lột hết da, hơn hai mươi năm, bọn hung tàn của xứ sở ngày nào cũng đem máy móc hiện đại cào cấu da thịt của núi, người ta đã xếp núi Voi Nằm của làng tôi vào hạng mục mang hơi hướng công nghệ: mỏ đá granite, đất nước non sông đang hoàn chỉnh bỗng có kẻ ngăn nắng, chặt gió, núi Voi Nằm khóc không ra nước mắt

người làng tôi, hơn hai mươi năm buồn lòng, chẳng còn muốn biết người ta đục núi đem bán cho ai, vào một hôm, đang giữa trưa, cả làng xôn xao, hết thảy đều hướng mắt về phía có tiếng kêu cứu, thì thấy có bàn tay đầy máu me thò ra từ đỉnh núi Voi Nằm, vẫy gọi.

________________

[*] Nói thêm về núi Voi Nằm:

tôi theo cha tôi lên núi Voi Nằm, đấy là mảnh ký ức tôi còn thấy rõ nhất, tháng tư, sau này, khi hồi phục đầy đủ mảnh ký ức ấy, tôi thấy hoa muồng tháng tư nở đỏ ối núi rừng, trưa, cha con tôi leo lên tới gộp đá lớn nhất nơi đỉnh núi.

mặt trời là cái vòng tròn to lớn ở trên đầu vẽ lên mặt đất những hạnh phúc và khổ đau …

đó là lời của đá, cha tôi nói, sau này, khi hồi phục đầy đủ mảnh ký ức ấy, tôi nhìn thấy những dòng chữ ấy hiện lên nơi gộp đá trên đỉnh núi Voi Nằm, nhưng sao đá cũng biết nói, bấy giờ tôi thắc mắc, ba mươi tuổi con sẽ nghe được đá nói, cha tôi nói, và bắt đầu trò chuyện với đá, thực ra, chỉ cha tôi nói, còn đá thì im lặng lắng nghe, sau này, khi hồi phục đầy đủ mảnh ký ức ấy, tôi thấy cuộc trò chuyện hiện lên trong tâm trí,

ai nói là ngươi không biết nói, có một thuở ngươi đã gầm lên, hết thảy lũ ngươi trên mặt đất là gầm lên, trời lở đất lở, một thuở bể dâu cho sông núi hình thành trong nỗi đoạn trường, phải rồi, khi có con người chen chúc nhau nơi mặt đất, thì ngươi bắt đầu im lặng, là ngươi chỉ im lặng lắng nghe những nỗi đoạn trường,

bấy giờ, đá có nghe hay không, tôi chẳng biết, tôi chỉ nghe cha tôi nói, có vẻ chân thành, như rất mong muốn ai đó nghe lời ông nói, có mấy con chim bay đậu nơi gộp đá, nhảy nhót, không hề biết có một thứ thông điệp của tồn tại ở dưới chân, có nhiều tiếng kêu rống của những con thú hoang nào đó ở mé núi phía tây, chẳng việc gì đâu, lũ chúng đang tranh nhau miếng ăn đấy, thấy tôi có vẻ sợ sệt, ông nói, tôi cũng chỉ hiểu đại khái, là lũ cọp hay lũ sói gì đó, đang giành nhau miếng thịt con mồi, cha tôi lại dẫn tôi đi về mé núi phía đông, có rất nhiều người đang tụ tập ở đấy, những người quen biết ở làng tôi, sau này, khi hồi phục đầy đủ mảnh ký ức ấy, tôi nhìn thấy trong tâm trí mình cảnh trí có vẻ lạ thường ấy, người ta đang cầu nguyện hay cúng tế gì đấy, hãy tan đi những bóng tối đang lảng vảng trong làng, cha tôi thét lên, những người làng cùng nhặt những viên đá núi ném vào khoảnh đất trước mặt, vẻ giận dữ, tới lúc ấy tôi mới hiểu không phải cha tôi dẫn tôi lên núi ngắm cảnh mà để làm công việc ấy, đó là việc gì, tôi không biết, chỉ thấy cha tôi và những người làng có vẻ đang giận dữ, tôi chỉ biết, ở làng tôi, những ngày trước đó xảy rất nhiều việc, với tuổi thơ của mình, bấy giờ tôi chỉ thấy lo sợ, cũng chẳng biết nó là thế nào, chuyện có rất nhiều người làng bị bắt, nghe nói là những người ở kinh về hợp với ông trưởng làng đem những người làng ấy đi, chẳng ai biết là đem đi đâu, chỉ nghe ông trưởng làng nói đó là những kẻ có tội, trời đất hãy tru diệt hết chúng đi, cả những đứa ca ngợi mặt trời lẫn những đứa nguyền rủa mặt trời, cha tôi lại quì, khấn, những người làng đốt những cây hương đem cắm ở chung quanh, chỗ này thì tôi chẳng hiểu gì cả, mọi người đã về hết cha con tôi vẫn còn ở lại trên đỉnh núi, ăn cơm vỡ xong, cha con tôi nằm nghỉ dưới bóng cây minh linh đang trùm lên gộp đá nơi đỉnh núi, nằm trên những lời của đá, tôi không ngủ được, dù rất muốn ngủ, một chặp tôi nghe cha tôi nói, thì cũng do một thứ thế lực nào đó xui khiến chúng ta thôi, ông nói gì tôi chẳng hiểu, chỉ biết là cha tôi đang trong mơ, cả đời cha tôi chỉ làm có hai việc, cày ruộng, và đọc sách, ông đi cày ruộng cho đến lúc không còn cày nổi, và đọc sách cho đến lúc chết, về sau, tôi hiểu được cái khoảnh khắc lên núi với cha tôi ấy là nhờ đọc những ghi chép hằng ngày của cha tôi để lại cho anh em tôi.

núi là một ví dụ sung mãn về thế giới, lên núi để nghe được nhiều giọng nói, của lá, của chim, của đá, của những dòng suối trầm mình giữa thời gian, và của những thế lực cảm nhận được qua hết thảy các dấu tích được lưu lại hay đang diễn ra trên núi. dấu tích, nó là những gì khiến ta nghĩ ngợi, nhìn lũ chim vui hót trên cành cây ta nghĩ đến sự lành lặn của thế giới, anh đã qua chín mươi chín miền đất đầy cám dỗ nhưng vẫn quay về làng với em, thấy con hổ vồ con mang, hay con sói xé xác con thỏ, ở trên rừng, là ta nhìn thấy thứ bản sao bạo lực hiện diện khắp nơi trên mặt đất, có vẻ như là ta chẳng biết vì sao đến lúc ấy thì ta ôm hôn người tình của ta, hay là siết cổ kẻ ta căm ghét, hôm ta đi chơi núi Voi Nằm với con trai ta, trưa, nằm ngủ nơi gộp đá trên đỉnh núi, thì cũng là do cái gì đó xui khiến, em là con gái của thần núi, cô gái nói, đẹp, và quyến rủ như loài hoa chỉ nở vào lúc giữa khuya, em yêu vô cùng kẻ nghĩ ra chữ nghĩa để làm cho mùa xuân thêm lưu luyến, cô gái nói, và như đang nhìn vào những xao động trong lòng ta, ta có ôm hôn người con gái của thần núi là cũng do một thứ thế lực nào đó thúc đẩy, ôm hôn người tình của ta, hay siết cổ kẻ ta căm ghét, hay là thù hận ngút trời, hết thảy là do một thứ thế lực nào đó xui khiến có vẻ như chúng ta không hề hay biết, nhưng thực ra thì hết thảy là đều nằm trong hiểu biết của chúng ta…

trong cuộc thanh trừng đẫm máu của xứ sở tôi năm ấy, người ta đã cho treo cổ hết thảy những kẻ chủ trương bầu trời là vô hạn, trong đó có anh Hai Lực tôi, năm ấy anh tôi bốn mươi lăm tuổi, còn tôi xấp xỉ tuổi hai mươi bảy, đứng nhìn anh tôi bị treo lủng lẳng trên chiếc xà làm bằng gỗ cây minh linh, tôi cứ nghĩ đến những gì cha tôi đã viết trong nhật ký của ông, và cứ có cảm tưởng như là mình đang sống trong sự điều khiển của cơn mê sảng.

25.

nếu tự nhiên lên tiếng với con người về cách thế tồn tại về những tai ương hay loan báo những tín hiệu tốt lành là chuyện có thật thì tôi phải viết lại lịch sử của loài chim trăm con, trăm con không phải là số lượng, mà là tiếng hót, trăm con khó cột, tiếng hót của một loài chim vùng sông Tượng núi Mun qua diễn giải trần gian trong câu chuyện (lâu đời) về ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, câu chuyện như một phần đời sống của tổ tiên người làng tôi, trải dưới chân dãy núi nơi như chuyện gì cũng có thể xảy ra, trong những năm tháng mù tăm, đẹp, nhưng có quá nhiều bất trắc, kẻ đời sau, buổi sớm tinh sương thức dậy, nghe chim trăm con kêu, không thể không nghĩ ngợi, cuộc chuyển ngữ như làm cho thế giới loãng ra, lưu chảy, khi vật thể nói, giọng nói, và ý nghĩa, nói là chảy đi những âm thanh và khái niệm, cũng có thể là chảy đi im lặng và những khái niệm về im lặng (như khi đá nói hay khi một cuộc tình nói) và luôn được tiếp nhận và thuật lại (nếu có) trong tư thế đa phương, kẻ tiếp nhận có thể nói giọng khác đi, tiếng hót của chim được nói lại bằng cách của con người, trăm con khó cột là cách nói khác của con người, ý nghĩa có thể đã bị mất đi, tâm trạng của chim có thể đã hoàn toàn mất hút vào khoảng đa thanh sắc của vũ trụ trời đất, ngôn ngữ là cuộc chơi phong lưu và nguy hiểm nhất của hiện tồn, cho nên thi ca luôn là cuộc chuyện trò bất tận, nói mãi về thế giới, không hết, cho nên ngộ nhận và hận thù, trăm con khó cột cũng chỉ là cách nói khu hẹp nơi nửa góc trần gian là ngôi làng tôi heo hút, buổi sớm tinh sương nghe chim trăm con kêu trên dãy núi phía nam làng (núi Mun) không thể không nghĩ về một người, trong nghĩ ngợi của hết thảy các thế hệ người làng tôi, ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi tối cỡi ngựa về, có một hôm, tối ông Cả Lựu không cỡi ngựa về làng, ở lại trong núi, và chết thành chim, con chim trăm con…

các xứ Cò Đen(?) Kẻ Dã (?) phủ Qui Nhơn thì sản xuất ngựa, ngựa sinh trong hang núi thành đàn hằng trăm nghìn con, có con cao tới hai thước rưỡi và ba thước trở lên, người địa phương tập dạy cho chở thồ hàng hóa sang Phú Yên, cho đến đàn bà buôn bán đi chợ hay đi xa cũng cỡi ngựa là thường (trích Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, quyển VI, nói về sản vật phong tục xứ Thuận Quảng) có thể khi ông Đôn được chúa Trịnh đề bạt làm quan Tham thị quân vụ đất Thuận Quảng, lúc ngồi ghế quan ở Phú Xuân, nghe câu chuyện kể về phủ Qui Nhơn của một kẻ thuộc hạ nào đó (làng tôi, thời ông Đôn làm quan ở Phú Xuân, là thuộc phủ Qui Nhơn, đất Thuận Quảng) ông liền cất bút chép và Phủ Biên Tạp Lục, ngựa của ông Cả Lựu, theo truyền thuyết của làng, cũng nuôi trong các hang đá ở núi Mun, cũng hàng trăm hàng ngàn con, nhưng không phải để thồ hàng hóa đi Phú Yên hay để cho đàn bà cỡi đi chợ, có thể, một thuộc hạ nào đó của ông Đôn đã kể cho ông nghe truyền thuyết về ông Cả Lựu ở phủ Qui Nhơn, nhưng những chi tiết gây bất lợi cho chính quyền họ Trịnh lúc bây giờ ông Đôn đã không chép vào Phủ Biên Tạp Lục, truyền thuyết đại khái như vầy: Đất Rừng Trên bỗng thức dậy với tiếng ngựa hí, và tiếng ca hát của con người, ngựa nuôi hàng trăm hàng ngàn con trong các hang đá ở rừng núi Tượng, ông Cả Lựu sáng cỡi ngựa đi, tối cỡi ngựa về, người Rừng Trên đi chăn ngựa với ông Cả Lựu mỗi ngày một đông, ta nói với những người anh em, ngựa là chiến mã và người chăn ngựa là chiến binh, ta và những người anh em một ngày nào đó sẽ nghe thấy được tiếng con chim núi hót vui hơn, ông Cả Lựu nói, ban ngày, lũ ngựa đi ăn cỏ trong núi, những người chăn ngựa đi làm cung tên, đêm, lũ ngựa ngủ rất ít vì phải cùng con người tập bắn cung, tập xông trận, vào một đêm cuối tháng, trời tối mịt mùng, ông Cả Lựu đọc thơ, bài nguyệt tận, rồi múa gươm với những người anh em chăn ngựa, bài thơ có đoạn: trăng trốn vào tuế nguyệt/ bỗng mặt trời hiện giữa vòng tay những người chăn ngựa, vào khoảng nửa đêm thì lũ người hung bạo tràn vào núi Mun, huyết chiến đã xảy ra, nhưng cuối cùng hết thảy những người chăn ngựa và hết thảy lũ ngựa đã bị giết chết, ông Cả Lựu cũng bị giết chết hóa thành chim trăm con, lịch sử đã lui về phía cũ, nhưng mỗi lần nhắc chuyện cũ, ánh mắt người làng tôi lại sáng lên, có vẻ niềm mơ ước của quá khứ vẫn còn nguyên trong lòng người làng tôi, tổ tiên người làng tôi đã chết (đến hằng chục hằng trăm) cho một ngày thấy được tiếng con chim núi hót hay hơn, mơ ước không thành, lại nghe con chim núi hót bưồn hơn, trăm con khó cột, niềm luyến tiếc lũ ngựa, hay luyến tiếc giấc mơ không thành…

sáng nay tôi nghe tiếng hót của chim trăm con có vẻ gì rất khác, những trăm năm qua, đối với người làng tôi, tiếng chim trăm con như thể một thứ sấm ngôn, nghe để đoán sự cát hung của làng, ta cũng thấy hơi khác, ông Tám Chửng (*) nói, tôi đã phải đến nhà ông Tám Chửng để nghe ý kiến của người từng mang tiếng là tác giả những câu chuyện kể và những bài đồng dao về cuộc sống ba chìm bảy nổi của làng tôi, lũ trẻ chăn bò ở làng tôi ngày nào cũng ê a hát những bài hát của ông, nhưng chưa bao giờ ông chịu thừa nhận với người làng rằng mình đã làm ra những thứ ấy, có vẻ như có gì đấy rất hệ trọng đang xảy ra, chú Tám, tôi nói, ông Tám Chửng nhìn tôi: hay là có đổ nát ở đâu đấy, tiếng chim nghe như đang nghẽn lại.

_____

[*] Ghi chú về ông Tám Chửng:

hôm nay có người đi làm đồng, đứng chống cuốc hát,

rốt cuộc đất đồng làng cũng chui vào miệng lũ cướp ngày, đám chim trời vói xuống, hỡi những bạn bè thân thiết của ta hãy đi mua áo gấm về khâm liệm nỗi buồn…

lập tức câu hát được truyền đi khắp đồng làng, hết thảy những người đi làm đồng buổi sáng nay đều đứng chống cuốc hát,

thần làng ta thời nay cũng thích làm ca sĩ để được hát bài ca về nỗi buồn của đất, 

làng tôi hôm nay bỗng xôn xao trước những lời ra tiếng vào của các bậc trưởng thượng trong làng, cái đám cày ruộng làng này điên hết rồi sao bỗng ca hát tràn đồng, các cụ già kháo nhau nhất định là cái đám cày ruộng ấy đã bị ma ám, nghe chuyện, tôi chỉ cười thầm trong bụng, rồi thẳng đến nhà lão Tám Chửng, cái cách lão nằm vểnh râu giả ngủ khi nghe tiếng chân của tôi là quá quen thuộc với tôi, đừng có giả ngủ nữa, thưa tiên sinh, tôi phải làm ầm lên để tạo khí thế, lão Tám Chửng ngồi dậy với vẻ mặt còn ngái ngủ, lần này thì tiên sinh làm được thứ thi ca sâu sắc, nhưng còn quá nhiều lủng củng, thi ca gì nhỉ, lão làm ra vẻ ngạc nhiên trước những lời nói khích của tôi, tiên sinh đã trông thấy ai trên đời này đi khâm liệm nỗi buồn bằng áo gấm chưa, tôi cố chọc tức lão, nhưng lòng nghe rất cay đắng, ai lại đi khâm liệm nỗi buồn bằng áo gấm nhỉ, lão vẫn tiếp tục làm ra vẻ ngạc nhiên, còn nữa, thần làng là đỉnh cao của trí tuệ của làng sao lại để cho kẻ cướp đến cướp đất đồng làng, rồi thần lại còn đi làm ca sĩ, thật vô lý, nghịch lý, tôi nói để cho lão tức mà để lộ ra bộ mặt tác giả của lão, hết sấm ngôn xuất hiện trên vách núi Voi

Nằm, đến lũ trẻ nít hát, rồi đám cày ruộng hát, thứ thi ca luôn có vẻ rất bí mật về xuất xứ làm đảo điên thế sự ai cũng nghĩ chỉ có lão Tám Chửng mới có đủ trình độ làm ra, thật vô lý hết chỗ nói, tôi lại nói khích, nhưng lão Tám Chửng vẫn cứ làm ra vẻ chẳng hay biết gì cả, ai lại đi làm ra thứ thi ca vậy nhỉ, thần làng ta thời nay cũng thích làm ca sĩ để hát về nỗi buồn của đất… tiếng hát từ đồng làng tôi lại vẳng lại, ai, mà cần chi phải biết nhỉ, chỉ biết một người hát truyền cả làng hát, rồi cả nước hát, không khéo cứ theo cái cách này người ta lật đổ cả thế giới, lão Tám Chửng nói, tôi hơi hoảng, hay là ông ấy muốn cứu giang san tổ quốc của ông theo cách của ông ấy

26.

và khi làng tôi tìm ra được giống lúa chỉ ba lần trăng tròn là có lúa chín để gặt (lúa ba trăng) thì ông già mù gảy đàn bầu làm được khúc trăng đầy/nguyệt mãn (bảy mươi năm ông cụ mù lòa vẫn sống nơi làng tôi với cây đàn bầu và gảy những khúc người ta làm sẵn) mới hôm qua thôi có người đến nói làng ta tìm được giống lúa mới, đêm, lại có kẻ đến đọc cho ta nghe khúc nhạc này, đây là khúc trăng đầy, kẻ ấy dặn, ông cụ nói, hay là từ lâu cụ vẫn ước mơ và bây giờ đã làm được, tôi nói, ta nửa chữ không nhìn thấy làm sao làm ra được một khúc nhạc, ông cụ nói, rồi tiếp tục đàn cho tôi nghe, tiếng đàn bầu có vẻ giống một bản tường trình về thế giới, rồi tôi như nhìn thấy được trong tiếng đàn ngọn gió làm rung rinh hết thảy những nỗi niềm thầm kín trong tôi, trong thứ âm vực ngân nga ấy như đang chìm xuống những lớp phù sa cuộc sống, những hoài bão bị ngăn chận tự lúc mới bắt đầu cuộc hành trình, ai ngã xuống giữa cuộc vui, dường những bất hạnh của mỗi con người trở thành thứ bí mật riêng tư, ông cụ mù lòa như đang nhập vào cuộc âm vang, và có vẻ như ông cũng chẳng hề hay biết là mình đang chùng xuống cùng thứ âm vang buồn chết ruột gan ấy, trăng đầy hay không đầy cũng vậy thôi, ông cụ bỗng cất tiếng hát làm tôi rất đỗi ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy ông làm ra được ca từ, sự mặc khải của tự nhiên, hay những dồn nén quá lâu đã đến lúc phải nói ra, con người là cuộc trăm năm, một chốn của qui hồi vĩnh cửu, rồi, tôi và em đứng nấp dưới trăng, không dám nói to, rồi, mẹ cha ta cũng có thời đứng nấp dưới trăng, cũng không dám nói to, ông cụ lại ứng khẩu hát, những ca từ về một thời của tuổi trẻ, những bí ẩn của cuộc đời một người, bấy giờ, với tôi, ông cụ là một niềm bí ẩn, tôi và em đứng nấp dưới trăng, không dám nói to vì sợ trăng nhìn thấy, với tôi, bấy giờ, ông cụ là một ví dụ về sự bí ẩn của cuộc sống, rồi lũ con trai con gái làng tôi kéo đến ca hát với ông cụ mù lòa, đêm, ở làng tôi, buổi ấy, có một cuộc phong lưu thôn dã, thì ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm đến lại kéo đến nghe đàn bầu và hát những khúc gió trăng lãng tử thì không phong lưu là gì, cứ tưởng cuộc phong lưu kéo dài vô tận, nhưng không, lịch sử có cách dẫn dắt con người theo cách của nó, có bao nhiêu hình dung từ để gán cho sự dẫn dắt của lịch sử khi người ta nổi giận, ở đây tôi chỉ mô tả, là lịch sử đã đề xuất với đám con trai con gái làng tôi hãy rời khỏi những lũy tre làng, thời của vinh danh sự giàu có (bằng cách ca ngợi hết lời những kẻ làm ra nhiều của cải) thời của vinh danh cá nhân, chưa bao giờ cá nhân lại được ca ngợi như những ngôi sao trên mặt đất (ai ngất ngưởng giữa chốn xướng ca vô loài, ai ngất ngưởng ở trên sân đá bóng, hay ngất ngưởng giữa chốn quan trường) lịch sử bỗng như thứ sức hút lôi đám con trai con gái làng tôi ra khỏi quê hương của chúng, riêng đám con gái thì có vẻ như rất mê làm ca sĩ, làm ca sĩ thì vinh quang hơn hát theo tiếng đàn bầu của ông già mù chăng, không còn ai hát với mình, ông già mù cũng thôi đàn, ít lâu sau thì chết, vì buồn

27.

ở làng tôi, những nỗi buồn cũng giống như ngọn gió buổi chiều hôm, bất kể nắng mưa, thổi suốt, về sau thì em không còn đến với tôi nữa, coi như tôi mỗi mình sống với nỗi buồn như thể không chịu rời khỏi mảnh đất tổ tiên tôi đã nghĩ ngợi ở trên đó, và ngày nay, lớp con cháu chúng tôi cũng nghĩ ngợi ở trên đó, những thế kỷ vẫn cưu mang một gương mặt nếu được nhắc tới cũng chỉ vì đã lỡ hiện diện như có sự lầm lẫn nào đó hay có sự toan tính có vẻ keo kiệt nào đó trong chuyện phân bố của lịch sử về cách thế tồn tại của con người, mùa đông, con chim có thể ngã chết nơi bờ tre nào đó trong làng cho đến khi rã ra thành đất, và cũng có thể, cho đến khi, những mùa mưa bão tiếp sau đó làm ngã đổ bờ tre có con chim ngã chết, vẫn không ai hay biết có con chim đã ngã chết, bởi không có một con vật nào chuyên ăn thịt chim lại đi tìm một con chim đã chết, và loài người, dẫu yêu quí loài chim, cũng chỉ đủ thời gian để trồng lại bờ tre, thứ vật thể luôn gắn bó với cuộc no đói của làng tôi, về sau thì em không còn đến với tôi nữa, và như để đánh dấu cho một tiến trình tạo tác, một loài chim khác với loài chim đã chết đã được sinh ra, vào những đêm mưa bão thì cất lên lời than vãn, mùa đông ở làng tôi, đêm có con chim bìm bịp kêu mưa nghe buồn như thể thế gian sắp tắt, về sau thì em không còn đến với tôi nữa, hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác diễn ra ở trong làng, có bao nhiêu loài chim đã ngã chết cùng với con người, và như thể để nhắc nhở thứ chu trình nghiệt ngã của tồn tại, chu trình sinh diệt, một loài chim khác nữa đã được sinh ra như sứ giả của tàn nhẫn, con chim cú vọ ở làng tôi là sứ giả của tàn nhẫn, nhưng những nghìn năm qua người làng tôi đã quen với mảnh đất khó khăn do bàn tay keo kiệt của lịch sử trao cho, dẫu nửa khuya có con cú vọ đến đậu nơi cây vông đồng chỗ đầu làng báo tin sắp có người làng chết thì sáng hôm sau người ta vẫn vác cày ra ruộng, về sau thì em không còn đến với tôi nữa, mỗi mình tôi rồi cũng quen với những nỗi buồn như ngọn gió buổi chiều hôm, bất kể nắng mưa, cứ sập tối thì lại nghe như đang thoảng lên chút giá buốt, nói là ngọn gió buổi chiều hôm thật ra chỉ là nỗi hiu hắt nghìn năm tích tụ thành cuộc vô thanh

28.

tổ tiên người làng tôi những người mặc áo vải gai (cứ tưởng tượng thế) đi chân đất, ba mươi chứ không phải bốn mươi người như nhiều người nói, đến Rừng Trên, trong các trích lục đất đai, địa bạ (các thời trước cấp cho người có ruộng đất) đều ghi là Rừng Kiến xứ, làng tôi thời ấy là Rừng Kiến, có lẽ thế, Rừng Trên là Rừng Kiến, là phần kéo dài của dãy núi Mun, Rừng Trên, hay giang sơn của lũ kiến, ba mươi chứ không phải bốn mươi người đến Rừng Trên, một cuộc giành giật đất đai giữa con người với lũ thú rừng và lũ kiến, điều này có nghĩa bên dưới mặt đất làng tôi có cả xương cốt con người và cả xương cốt của lũ thú rừng và lũ kiến, lịch sử là bằng chứng rõ ràng nhất về những cái chết, tổ tiên người làng tôi những người cày ruộng, đất làng tôi (*), nhiều khi thân thiện con người, đôi khi bạc đãi con người, cày ruộng có nghĩa thiết lập dự án làm ăn với đất và chẳng có đảm bảo nào từ đất, đêm, có kẻ nằm mơ thấy vĩ nhân xuất hiện ở làng mình, đương hạn hán, lúa sắp chết trên đồng làng, giữa ngọ, người ấy ra ngồi giữa nắng, khóc, nước mắt người gọi được nước mắt trời, mưa, dự án làm ăn với đất không còn là nỗi lo âu, thực hư chẳng biết, về sau thì có lời truyền về bậc vĩ nhân, mấy trăm năm qua người làng tôi vẫn nghĩ ông Thông Thống làm được mưa (trong lúc khoa học hiện đại chưa làm được mưa) từ trong tư duy ai đó có người bước ra thành vĩ nhân, mấy trăm năm qua người làng tôi vẫn nghĩ tổ tiên xưa chúng tôi có ông Bảy Qui bước một bước qua khỏi dãy núi Mun, giao thiệp với lũ voi gấu trên rừng, cuối cùng, qua những cuộc trò chuyện với ông Bảy Qui, lũ thú chịu nhường đất cho con người, từ trong nghĩ ngợi ai đó bước ra (rất nhiều) những vĩ nhân, rồi ngưỡng mộ, con người ngưỡng mộ mình, mấy trăm năm qua người làng tôi vẫn ngưỡng mộ ông Chín Khúc, thi ca ông Chín Khúc thuở ấy giống như những xóm thôn chen nhau mà chở che nhau, âm thầm giấu cho nhau những mỏi mòn, u uẩn, ngóng đợi, trải dưới chân dãy núi Mun hoa gấm, đọc thi ca ông Chín Khúc thuở ấy có ông Cả Lựu, người cả đời cùng đồng đội cỡi ngựa đi tìm một thời mới cho xóm làng, đêm cuối tháng đọc thơ của tri kỷ và chết hóa thành chim, con người nằm mơ thấy vĩ nhân, trước là nằm mơ, giấc mơ của những người cày ruộng, có một nền văn hóa trải dưới chân dãy núi Mun, văn hóa núi Mun: con người luôn đam mê những giấc mơ của mình, lịch sử là những con người ngã xuống cùng với giấc mơ của mình

(*) Ghi chú thêm về đất làng tôi :

(Cuộc thương lượng với đất)

cha tôi muốn nặn tôi theo mẫu hình của ông: một kẻ thông chữ nghĩa cầm cày trên ruộng, nhưng con phải học cày trước đã, ông nói, chín tuổi tôi đã phải theo cha ra ruộng học cày, không phải kiến tập, mà thực tập hẳn hoi, bước đầu là tôi chỉ vịn tay vào chuôi cày do cha tôi nắm giữ, rồi cùng ông bước theo bò.

đây là bước theo nhịp điệu của đất trời, nương theo đất trời mà sống, không có đất trời thì không có gì hết, lật đất lên gieo lúa là một cách thương lượng với đất hãy cho con người miếng cơm manh áo.

cha tôi cứ theo cái cách một kẻ thông chữ nghĩa đang cầm cày trên ruộng mà nói về ý nghĩa của việc cày, tôi chẳng biết cái quái gì về nhịp điệu của đất trời, nhưng khi nghe ông giảng thế tôi cứ muốn nhảy lên để reo cho thật to là tôi đang bước theo nhịp điệu của đất trời đây, bấy giờ là tôi và cha tôi bước theo lũ bò, hai con bò cày, những hôm lùa chúng đi ăn cỏ ở chân núi Mun, trưa đến là chúng lẽo đẽo theo tôi, cùng nằm với tôi dưới bóng cây, thân thiện thế, mà giờ đây, trong buổi cày, chúng bỗng tỏ ra nghiêm túc với tôi, vô cùng nghiêm túc, bước về phía trước, quành bên phải, quành bên trái, theo mệnh lệnh của cha tôi, không hề ngoảnh lại một lần để thử coi tôi có còn bước theo chúng nổi hay không, mà cũng phải thôi, đây là bước theo nhịp điệu của đất trời, chín tuổi tôi đã bắt đầu cuộc thương lượng với đất. 

này, chớ bao giờ để cho những ảo tưởng lung lạc ý chí của ta 

đấy là buổi sáng tháng giêng, chim trăm con trên núi Mun kêu sớm quá, tôi thức dậy bỏ rơm cho bò, không còn muốn ngủ nữa, đi súc miệng rửa mặt, rồi ra ngồi ở hiên hè chờ trời sáng, cái buổi sáng chết tiệt, ảo tưởng đã thâm nhập vào tôi để tôi lại nghĩ đến chuyện vác cày ra ruộng, thật tình thì tôi chẳng biết ảo tưởng là cái quái gì, tự dưng tôi thấy đôi chân mình không còn đứng vững, và quị xuống, khi ráng sức vác cây cày lên vai, và cha tôi thì cứ đứng ở tư thế một kẻ thông chữ nghĩa cầm cày trên ruộng mà mắng mỏ tôi, tôi bắt đầu cuộc thương lượng với đất lúc chưa vác nổi cây cày, nhưng chỉ vài tháng sau, nếu có ai ghi lại hình ảnh tôi vác cày lúc đó thì trông rất buồn cười, phải nói cho chính xác là tôi thay cha tôi tha (như kiến tha mồi) cây cày ra ruộng, nói tha cây cày thì chính xác hơn là nói vác cây cày, bấy giờ thì cha tôi thay tôi lùa bò, để cho tôi vác cày, và chẳng còn mắng mỏ tôi bởi ông biết đến lúc đó thì chẳng còn có ảo tưởng nào thâm nhập vào tôi

tháng giêng đọng lại nơi một kẻ đầy quyền lực, tôi bấy giờ chỉ hô một tiếng là hai con bò cày của tôi tiếp tục bước đi, hay dừng lại, tự bao giờ, tổ tiên tôi, những người gầy dựng nền văn minh nông nghiệp, đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ đặc thù dành cho việc điều khiển lũ bò cày, quành bên trái, quành bên phải, bước tới, dừng lại, ngay lúc bắt đầu mang cái ách cày lên vai là lũ bò cày phải bắt đầu làm quen với hệ thống ngôn ngữ ấy, khi tôi phát âm từ “dọ” thì lập tức hai con bò cày của tôi dừng lại, có một thứ huyền nhiệm ẩn giấu trong ngôn ngữ của cày  

buổi chiều tháng giêng, tôi dừng bò nghỉ, đất ải khỏa thơm lừng, nằm dài lên luống cày mới vỡ lắng nghe lũ chim hót ở trên trời, tôi lờ mờ hiểu ra cuộc thương lượng với đất là gồm cả việc buổi sáng vác cây cày ra ruộng đừng để bị ngã, gồm cả việc cùng lũ bò lật đất ruộng lên thành hàng thành luống, và gồm cả việc nằm dài lên đất dõi theo đôi chim chiền chiện từ trên trời cao bổ xuống miếng ruộng đang cày lượn qua lượn lại trên những luống đất mới vỡ không biết bao nhiêu lượt như để tạo ra một thứ mê hồn trận đối với những kẻ đang rình rập chúng, cái khoảnh khắc thiêng liêng của chúng, khoảnh khắc tạo nên tổ ấm trong đất ải tháng giêng, nơi chúng sẽ sinh con, và khi con người lật đất ải lên gieo lúa thì chúng cũng dắt díu đàn con trở lại bầu trời cao rộng. 

nằm dài trên đất ải tháng giêng, tôi mơ hồ hiểu ra đất là nơi nuôi dưỡng cả con người lẫn lũ chim trời. 

lặng lẽ những nỗi niềm và sự hiểu biết nông cạn của một kẻ tuy vác cây cày chưa nổi nhưng lại đầy quyền lực trong công cuộc thương lượng với đất.

và giờ đây, tôi biết, chữ nghĩa của tôi cũng thấm đẫm mùi đất ải đồng làng.

(Còn tiếp)

Comments are closed.