Từ Nguyên vẫn gió

Lê Minh Hà

Chưa bao giờ trong đời tôi hẹn gặp một người chưa từng gặp, khi đã biết người đó không còn bao lăm thời gian. Sự sống của anh, vào lúc chúng tôi hẹn nhau chỉ có thể tính theo ngày. Chính xác là chín ngày.

Tôi tin là anh cũng biết điều đó. Như tôi. Nhưng có sao đâu, khi hẹn nhau chúng tôi không cố an ủi nhau. Tôi tin, anh cũng nghĩ như tôi, chúng tôi có thể là bạn của nhau, ở cõi này, hay một cõi khác mà người trước người sau rồi cũng sẽ tới.

Tôi hẹn Lão thầy bói già Đinh Vũ Hoàng Nguyên.    

Biết nhau rất ngẫu nhiên, chỉ vì vô tình vấp phải chữ của nhau. Nguyên đọc được Tiếng trăng của tôi, và nhắn hỏi qua FB. Và chúng tôi trò chuyện với nhau lần đầu. Và rồi tôi đọc Nguyên. Không dứt ra nổi.

Chúng tôi sẽ còn gặp nhau mươi lần như thế nữa. Chỉ gõ chữ mà không nói được. Những đứa trẻ của chúng tôi không cho phép chúng tôi được toàn tâm toàn ý nói chuyện với nhau về những điều chúng tôi cùng quan tâm. "Chị ơi em phải vào. Bũm dậy." Cuộc chuyện trò đầu tiên giữa tôi và Nguyên đã kết thúc như vậy. Trong bao điều chị em trao đổi, nhớ cái câu này nhất từ Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Chỉ mấy tháng sau người sinh thằng cu Bũm – Mầm Nắng – Cục Phản Động ấy ra đi.

Không bao giờ tôi biết mặt người đã hẹn. Thương nỗi mừng của Nguyên khi nằm trên giường bệnh hẹn ngày anh chị em gặp mặt – lời hẹn mà tôi, vợ Nguyên – người gõ máy giùm Nguyên, và cả Nguyên nữa đều biết không kịp nữa rồi.

Nơi em về có mùa xuân không em? Mười năm rồi cứ tháng ba là tôi lại hỏi thầm chàng trai trẻ ấy câu đấy. Tôi nhớ những mùa xuân của Nguyên mà Nguyên đã kể cho nghe. Có chuyện là học sinh cá biệt. Ừ đúng rồi. Tâm tính ấy không cá biệt thì chẳng lẽ lại là tâm tính cộng đồng, tập thể? Những giáo viên được hoặc bị xã hội hóa toàn phần dung dưỡng làm sao nổi sự tự cá biệt hóa đến độ cao ấy ở học sinh. Tôi đọc Nguyên và ngẫm nghĩ. Nhưng tôi không nói với Nguyên điều ấy, chỉ gửi cho Nguyên icon tít mắt nhe răng thôi. Không cười thì biết làm thế nào. Dù gì thì tôi cũng từ cái lò giáo học có khả năng bào mòn tâm tính học trò ấy mà ra. Dù gì thì tôi cũng từng bị như Nguyên khi còn là một đứa trẻ được luyện trong lò ấy. Chỉ khác Nguyên, tôi không dám phá phách. Bảo là hiền cũng được, bảo là hèn cũng không sao. Dù sao thì tôi cũng đã bước qua được rồi, như Nguyên. Nhờ nghệ thuật mà mình tự dùi mài. Nguyên học vẽ. Nhưng đôi mắt của Nguyên không giữ được độ tinh nhạy, vì bệnh tật. Tôi không có thẩm quyền về hội họa nên không biết hội họa Việt đã thiệt thòi thế nào khi mất Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Nhưng nếu nghệ thuật thật sự là biểu hiện sâu sắc của tư duy cá nhân, thì với một tâm tính như Nguyên, tôi tin, nếu vẽ tiếp Nguyên sẽ là một tài danh, sẽ có một bảng màu đặc sản. Như đã là, với văn chương, dù khi ra đi Nguyên còn chưa có lấy một đầu sách.

Rất hiếm có người viết trở thành tác giả mà chưa từng in sách như thế này! Tôi nói là tác giả, không theo nghĩa thường đang lạm phát trên thị trường in ấn hiện giờ. Với tôi, tác giả văn chương trước hết, sau cùng phải là người sáng tạo, và do đó: không có nhiều.

Sách của Nguyên rồi cũng đã ra, tập hợp không đầy đủ những gì Nguyên viết. Những stt viết như bông lơn, dăm bài thơ, đôi ba khúc đoạn văn xuôi hứa hẹn tầm vóc thể loại khác, nếu triển khai tiếp và nếu. Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên: nếu còn thời gian. Có lẽ cuốn sách ban đầu chỉ là một hình thức tưởng niệm Nguyên của gia đình và bè bạn. Nhưng nó đã trở thành hiện tượng khi ra đời.

Như một bạn đọc bị chữ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên khuất phục, tôi nghĩ nếu Nguyên còn sống thì chúng ta sẽ không có cuốn sách này. Đơn giản: Không thiêng hóa nghệ thuật, nhưng Nguyên đòi hỏi quá nhiều từ nó, đòi hỏi quá nhiều từ mình. Kể với tôi khi bản thân còn là một sinh viên trường Mỹ thuật từng chơi với nhiều sinh viên trường viết văn Nguyễn Du, trong đó có những người đã được coi là tài danh qua một đôi tác phẩm, Nguyên đã ngỡ ngàng nhận ra lượng đọc của nhiều người mình kính ngưỡng còn chưa bằng mình. Nguyên viết, không với mục đích trở thành thi sĩ hay văn sĩ, mà chỉ là để buông xả những xung động nghệ sĩ của mình khi không còn vẽ được vì thị lực giảm. “Em bị rối loạn chuyển hóa chất”, Nguyên kể. Ai biết được đó chính là những biểu hiện đầu tiên của một căn bệnh trọng mà vì nó Nguyên sẽ phải ra đi sau đó có dăm năm, khi còn quá trẻ.

Cũng vì trọng chữ, đòi hỏi cao ở mình, Nguyên chưa từng nghĩ chuyện in sách. Dù, cũng chính Nguyên kể: có không ít lời mời từ các nhà sách, từ cả một đôi người viết ưa đóng vai đại ca trong nghề, chẳng biết vì lí do gì. Lời mời ấy tới, ngay cả lúc Nguyên đang nằm viện, chỉ còn đôi ba ngày sống với thế gian này. Và Nguyên đã từ chối. Lí do tưởng khác mà thực ra nhất quán hoàn toàn ở Nguyên. Vẫn là chuyện quan niệm về giá trị. Nguyên biết, người có nhã ý in sách cho mình không chia sẻ những giá trị nghệ thuật mà Nguyên chọn cho riêng mình để hướng tới.    

Tôi với Đinh Vũ Hoàng Nguyên biết nhau không lâu, chỉ bốn tháng. Trong những lần chat rải trong thời gian ngắn ngủi ấy chúng tôi đã nói với nhau về rất nhiều điều. Về sự Nguyên đã từng đều đặn xem tivi chương trình thời sự như cha mình và rồi một ngày ngỡ ngàng thấy ông bố bỏ hẳn thói quen đó, cũng như bỏ sinh hoạt Đảng. Về tình yêu của Nguyên với một người con gái đầy ý chí từng là học sinh trường tôi, học một ngành hoàn toàn xa lạ với nghệ thuật và cô ấy đã vì Nguyên mà rời nước Đức nước Mỹ trở về. Về đứa con nhỏ mà Nguyên gọi là cu Bũm, là Mầm Nắng, là Cục Phản Động. Cái tên gọi buồn cười này cho tôi hiểu sự nghiêm túc trong cách nhìn thế thời ở Nguyên, mà nếu như nó không ẩn đằng sau sự hài hước hiếm có thì tin rằng Nguyên sẽ gặp nhiều sự khó. Chúng tôi cũng nói với nhau về sự bức bách của xã hội mà văn chương Việt đương thời chỉ cảm ra được một cách nói thật là lớt phớt, về căn nguyên của những ngọ nguậy đòi cách tân có khi chỉ là những biểu hiện của bế tắc nội tâm, về hiện đại và đương đại, và hậu hiện đại, về cách đi tắt đón đầu ăn xổi chữ của không ít người được coi là nhà văn, tiếng cả như cồn trên thị trường chữ nghĩa. Và chúng tôi đã gặp nhau trong nhiều quan niệm về giá trị.

Không thế, chắc tôi đã không viết stt này, cách nay cũng tám năm rồi, khi bất chợt nhớ, từng có một Lão thầy bói già chết trẻ, từng có một thành phố chúng tôi cùng yêu đang  tự hủy dần, mỗi ngày một loè loẹt, cồng kềnh và người ta gọi đó là phát triển.

*    

Mình nhát, tự nhớ là chưa khi nào tuyên bố khuyến cáo theo kiểu đừng, mong rằng, hãy.

Nhưng có một lần định ra tuyên ngôn nghệ sĩ vị gì. Chẳng mấy người nghe ra cái điều to tát ấy từ mình. Có nhà văn được kha khá giải B của Hội Nhà văn Việt Nam mặc dù rất không hài lòng với cái giải ấy vì lẽ ra họ phải trao giải A CHỨ, có lần đọc xong cái tuyên ngôn ấy nhắn mồm rằng Lê Minh Hà là loại đéo biết viết văn

Nhưng có một người rất trẻ, mãi mãi tuổi ba mươi đọc xong cái hiểu liền.

Thì ăn của đời, phải vị đời chứ. Nhưng trước khi vị đời, phải để cho cái bọn dở hơi ấy vị chính mình.

Nó mà không biết vị chính mình, để tạo ra cái gọi là nghệ thuật thật sự, đời nào cần đến nó.

Thế còn nhỡ có người yêu cái bọn dở hơi ấy mà muốn nó vị mình thì sao?

Thì nó cũng toi.

Người hiểu ra điều mình đã hiểu từ bao người đi trước ấy là Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Hiểu, vì gã cũng nghĩ y như thế.

Nên gã hạ cố bắt quen với mình.

Cái duyên giữa mình với gã bắt đầu từ một cái duyên không thành giữa hai kẻ khác: Trương Chi với Mỵ Nương.

Tháng ba, post lại đây Tiếng Trăng, với mình là tuyên ngôn nghệ thuật riêng, như một tiếng thở dài nhớ người đi mãi. Mãi.”

(Rút từ FB)

Không thế, chắc tôi đã không viết Gió từ Nguyên, như một điếu văn viết sẵn cho người còn đó. Những dòng cuối cùng, tôi đã bỏ rồi viết lại bốn lần. Sợ sái. Vì Nguyên chưa đi. Vì Nguyên tỉnh táo đến tận phút cuối.

Nguyên đã đọc những dòng ấy và đã vui mừng hẹn gặp nhau, tháng bảy, mười năm trước. Tôi đã vui mừng vì Nguyên hiểu ý tôi – một người đọc ít nhiều có thẩm quyền khi định giá văn chương.

Tầm vóc ấy chấp nhận lời ai điếu ấy.

Cho một con người là chuyện nhỏ.

Lớn hơn: cho chữ nghĩa của bộ tộc Việt.

Comments are closed.