Văn Hải ngoại sau 1975 (229): Hồ Trường An (kỳ 9)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG

Chương kết

Tám Kiệt vừa ngủ một giấc ngắn ở trên chiếc vạt bên ngoài hàngg ba dưới bóng cây mãng cầu xiêm. Trời đã xế chiều. Chàng, sau mùa lúa, lười biếng trồng khoai, làm lại chuyến đi buôn bên Vịnh Trà Bay. Hôm nay, hàng hóa hết, chàng nằm nhà, nhậu nhẹt lai rai và hủ hỉ với vợ.
Ở đây như ném về chốn khuất tịch nhất. Hàng rào tre gai tỏa bóng thâm u. Cây xương rồng, cây độc trụ mọc cao hơn đầu người cả sải tay người lớn.
Cuộc đất nầy còn nhiều chất phèn nên chỉ hạp với mãng cầu xiêm và chuối mà thôi. Trong vườn, ngoài vụ trồng rau, Năm Nhan trồng mía và khóm. Mía vườn lá sắc như lưỡi kiếm. Chuối phơi bóng mát chung quanh gốc nên làm mặt đất xanh rêu. Trong muơng, lũ vịt xiêm, vịt tàu bơi lội kiếm tép, kiếm cá ròng ròng. Trên liếp đất, gà mẹ dắt gà con bươi mồi. Một đàn ngỗng chạy lạch bạch qua mái hiên rồi lủi vào đám chuối.
Trong bếp, Năm Nhan đang làm thức nhắm cho chồng. Nàng vừa mua một con cá bông bự, nấu ám để ăn với bánh tráng nướng và tương xào.
Mấy hôm nay, nể lời dặn của Ba Kiểm, nàng đi guốc, mặc quần sa teng, áo túi màu hường, chải đầu láng. Tám Kiệt cũng nhận thấy sự thay đổi đó, lòng chàng cũng vui rộn lên vì thấy vợ như sáng hẳn ra. Nhưng chàng yêu Năm Nhan ở những điểm khác hơn màu mè trang điểm. Những điểm đó chàng không bao giờ phân tích nổi, và chàng chỉ biết ở Năm Nhan như tỏa ra một bóng mát kỳ diệu làm chàng ngập tràn thương mến mênh mông. Vợ chàng đó, lúc nào cũng hoạt động âm thầm bên chàng, bền chí, trung kiên. Nàng ít nói, nhưng cái nhìn của nàng nói lên thật nhiều và chàng cảm nhận được ngôn ngữ thầm lặng kia.
Tám Kiệt ngồi dậy, vào trong rót cho mình một tô trà quế đã nguội, ực một hơi, than vãn:
-Nóng nảy trong mình quá!
Năm Nhan ở dưới bếp chạy lên:
-Xong cả rồi. Anh phụ em đặt bàn. Còn em nấu nước lá xa kê cho anh uống. Thứ nước nầy uống mát, giúp cho bợm nhậu giải nhiệt.
Tám Kiệt nhìn chiếc áo túi bằng vải màu hường của vợ, rồi ngắm đôi bông mù u bằng vàng cùng chiếc vòng huyền của vợ, cười mơn:
-Mê ly quá ta! Người sao mà xinh tốt như phụng lộn rồng đoanh, như tranh tố nữ.
Năm Nhan nguýt chồng, cười ngỏn ngoẻn rồi lủi vô bếp. Nàng nói với:
-Anh đi tắm rồi đặt bàn. Em có nấu nước lá Thạch Xương Bồ cho anh. Còn cái áo sơ mi và cái quần tây em cũng vừa ủi xong. Có anh Ba hứa lại chơi, anh phải ăn mặc cho đàng hoàng.
Năm Nhan bắt ấm nước lên bếp than hồng. Nàng gom đống chén dĩa dơ ra ngoài sàn nước để rửa. Từ hôm nghe lời Ba Kiểm, nàng không rửa chén bằng nước cơm vo, hay bằng tro mặn và không có kỳ cọ bằng xơ dừa nữa. Nàng dùng xà bông và bông đá. Phiến bông đá mềm, tẩm xà bông nổi bọt trắng, chuồi lên chén dĩa bằng sứ êm êm, trơn nhẹ. Ba Kiểm dù còn giữ bản chất gái quê, nhưng đã được thầy Năm Kỳ Phụng biến dần thành một phụ nữ tiêm nhiễm nếp sống đô thị. Ba Kiểm không còn xông pha ra sương nắng để buôn bán mà chỉ lúc thúc ở trong nhà lo việc dọn dẹp, bếp núc. Thầy Năm Kỳ Phụng hết làm vườn thì lo tổ chức đời sống mới trong một ngôi làng kiểu mẫu. Thỉnh thoảng, Ba Kiểm tháp tùng theo chồng đi thăm mọi người trong vùng và các gia đình tá điền. Nghe lời chồng, nàng mua tặng cho con cái họ chút ít quần áo. Nhưng phiền một nỗi, tánh Ba Kiểm vốn tào lao, ưa ngồi lê đôi mách, nên đi tới đâu, thầy Năm Kỳ Phụng cũng bực mình về chuyện đầu cua tai nheo của vợ. Dù mặc áo bà ba đen, quần vải xiêm đen trong các cuộc đi thăm viếng, nhưng Ba Kiểm hầu như đã lột xác từ lâu. Da nàng trắng đỏ, mịn màng, móng tay, móng chân, lòng bàn tay, gót chân đều ửng hồng. Và mỗi khi có tiệc tùng, Ba Kiểm tiếp khách bằng chiếc áo bà ba bằng vải phin thêu hoa, quần sa teng tuyết nhung, đôi giày quai nhung thêu cườm, nên vẻ trắng trẻo mượt mà càng tăng thêm lộng lẫy. Khách khứa ai mà không thích ngắm thím Năm Kỳ Phụng với sưu bộ: bông tai, nhẫn, chuỗi hột, vòng toàn bằng ngọc thạch xanh biêng biếc? Ai mà không thích ngắm dáng dấp lanh lẹn, nụ cười linh hoạt, thái độ niềm nở của thím lúc tiếp khách? Thầy Năm đã khéo chăm sóc uốn nắn một người phụ nữ như uốn nắn một cây ngâu thô lậu thành một cây kiểng.
Bà Bảy Hương thì thầm với vợ Ba Khía:
-Lẩm rẩm, con Kiểm lấy chồng già mà có phước.
Năm Nhan nghĩ rằng chị mình phải như vậy. Trời sanh Ba Kiểm phải là đặt Ba Kiểm vào một khung cảnh sáng sủa, vẻ vang hơn khung cảnh nàng. Còn Tư Diễm nữa. Chị ấy đã sanh cho chồng một đứa con trai, hiện giờ còn nằm duỡng sức ở nhà bà Bếp Luông. Bụng vừa xẹp là Tư Diễm đi ra Vàm Xáng đem vải lụa đến tiệm may, đo áo để kịp ăn Tết. Sáu Thoại sơn vách ván, lót trần nhà, biến đổi căn nhà tân thời hơn, và sắm một chiếc nôi có phủ màn tuyn từ trên buông xuống như một búp hoa huệ khổng lồ để đón đứa con. Căn buồng dành cho đứa con có trổ cửa sổ, có rèm màn, tủ kiếng đựng đồ chơi. Tư Diễm tuyên bố là sau khi sanh nở xong, chị ta sẽ ăn mặc “đồ bộ” tức là quần và áo đồng một thứ vải, nhưng mà “bộ đồ tàu” cho giống mấy cô “xiểu chẻ xẩm” ở Chợ Lớn. Ba Kiểm đã tặng cho Tư Diễm đôi dép quai nhung.
Năm Nhan nhìn đôi bàn chân to phè và đôi guốc vông của mình, chúm chím cười. Tám Kiệt thích ăn chắc, mặc dày, không hề nghĩ tới những cái tẳn mẳn của người đàn bà. Nhưng biết đâu sẽ có ngày chàng nhìn hai bà chị vợ rồi nhìn vợ để so sánh? Ba Kiểm thường khuyên Năm Nhan:
-Mầy đừng để u tệ quá mà có ngày chồng mầy sẽ chán mầy, khi đi làm vườn, hay xách nước thì mầy nên đi chân đất, còn ở trong nhà thì nên đi guốc, chải gỡ tóc tai, ăn mặc bóng bẩy hơn.
Năm Nhan chỉ nghe lời chị mình là đi guốc, mặc áo túi, quần sa teng. Nàng không dám mặc chiếc áo cổ sơ mi, tay phùng mà Ba Kiểm tặng nàng trong kỳ rằm tháng bảy vừa qua, vì aó nầy có vẻ trai lơ quá, hở một phần ức. Nàng xếp chiếc áo tay phùng ở tận đáy rương, lâu lâu lôi ra ngắm, lòng dạ nhột nhạt, rờn rợn.
Tám Kiệt tắm xong, sạch sẽ, sáng mát, thơm tho. Chàng hút gió theo điệu “Thủ Bình Bán”, lòng vui vui. Hôm nay, sau giấc ngủ trưa ngon lành, chàng bắt gặp vợ mình như đổi mới trong chiếc áo túi màu hường, chiếc quần sa teng và với đôi guốc vông. Năm Nhan da đen hồng, như phết lên một lớp mật ong thẫm màu. Nàng nhỏ nhắn người, nhưng lồ lộ vẻ khỏe mạnh, vững chãi. Hôm nay, nàng đổi mới như con sâu hóa bướm. Lâu lâu nàng ăn diện coi cũng hay hay. Chàng tự giận mình bấy lâu nay không khuyên bảo nàng tìm đôi chút giải trí qua cách chăm sóc mặt mũi, tóc tai, áo quần. Vì nhỏ xương, đôi bàn chân dù thường đi trần, to phè ra, nhưng trông chúng không đến nỗi thô lậu lắm, quai guốc to bản che một phần nào các ngón chân hơi lớn so với tỷ lệ gan bàn chân.
Từ lâu, Tám Kiệt xem vợ mình như một kẻ cộng sự nhiều hơn là kẻ mà mình trao đổi tim óc, phách hồn. Hôm nay, tìm ra cái duyên đằm thắm, nét bóng bẩy của tuổi thanh xuân ở vợ, chàng cảm thấy mình bất công với vợ, và mình ngu ngốc không chịu khai thác cái độc đáo của vợ để thưởng thức. Nàng tròn trịa chỉ mập để xinh xinh thôi, eo lại thon, mặt bầu bĩnh, cử chỉ thong dong, sắc mặt điềm đạm, đẹp lòng chàng biết bao?
Chàng xuống bếp, âu yếm đặt tay lên vai vợ, âu yếm gọi:
-Mình ơi!
Năm Nhan đang lau chén, ngẩng đầu lên hỏi:
-Gì vậy, anh?
Tám Kiệt muốn nói trăm ngàn lời ân tình, nhưng không tìm được lời nào, chàng đành nói:
-Có gì đâu.
Năm Nhan tươi cười. Nàng chỉ nhìn ánh mắt chồng thôi, cũng đã hiểu hết, nàng mắng yêu:
-Thằng cha nầy kỳ.
Nàng ngừng ngay ở đây, cũng không biết nói gì thêm, chỉ biết nhìn chồng. Tám Kiệt ôm chặt vợ, nựng cằm vợ, mắng:
-Con mẹ nầy… hỗn quá!
Bên ngoài ngõ có tiếng gọi ơi ới. Tám Kiệt buông vợ chạy ra. Hai Cường áo sơ mi trắng, quần tây, tóc chải dầu sáp, chân đi giày “xăng đan” cười ngượng nghịu. Tám Kiệt chào anh, rồi mở cửa ngõ, mời:
-Anh Hai !Mời anh vào nhà.
Năm Nhan lật đật chạy ra, nhìn anh rồi khóc. Khi vào nhà, Hai Cường nói:
-Con Năm với dượng nó chắc chẳng lấy làm lạ khi tui tìm đến đây. Tui muốn hai người năn nỉ bà già giùm tôi, để bả cho phép con vợ tui đem trầu rượu lạy bả chịu lỗi. Bề gì vợ chồng tui ăn ở có hai mặt con rồi? Tụi tui về đây là bởi cây có cội, nước có nguồn, người phải có tổ tông, chớ ở Vịnh Trà Bay tụi tui sướng như tiên vậy.
Năm Nhan cảm xúc quá, lau nước mắt, hỉ mũi. Anh nàng có vẻ tươi tỉnh khỏe mạnh lại diện theo tỉnh thành, có bịt cái răng vàng bên mép. Chắc vợ chồng ảnh làm ăn khá. Nàng ấp úng:
-Chị… Sáu Quyên đâu rồi?
Ý chừng câu nói đó không làm đẹp lòng anh, nàng nói:
-Vợ anh đâu rồi? Chị… Hai đâu rồi?
Hai Cường tỉnh khô:
-Vợ qua ở dưới ghe… với hai đứa con. Vợ qua sanh đôi, Năm à.
Tám Kiệt thân mật nói giỡn:
-Anh Hai làm thợ đúc giỏi quá! Chưa chi mà đúc một lượt hai trự mới là hơn người. Tôi cũng mong vợ chồng tôi sẽ có con đàn, cháu đống.
Nam Nhan hối:
-Anh đưa em tới kiếm chị và cháu. Mình nên đem tụi nó lên nhà cho khoản khoát. Ở dưới ghe, nóng hầm, ai chịu cho nổi.
Hai Cường hăng hái:
-Để anh đi cho. Chị Hai em cũng cần lên bờ để đỡ tù túng. Ở Vịnh Trà Bay, chị Hai em cứ nhắc tụi em luôn.
Sáu Quyên lưng đèo đứa con trong cái đai vải, tay bồng đứa kia, tay xách giỏ đựng tả lót, bình sữa, thuốc men. Hai đứa con giống nhau như đúc, chỉ khác là một thằng có nốt ruồi ở cổ, còn đứa kia, trên ót có một cái bớt nhỏ màu chàm. Vừa thấy Năm Nhan, Sáu Quyên nựng đứa con đang bồng:
-Con biết ai đó không, con? Cô Năm của con đó đa. Cô Năm sẽ năn nỉ bà nội cho ba má con về phụng dưỡng bà nội, cho bà cháu con sum hiệp nhau. Cô Năm thương con lắm. Bà Địch Thiên Kim hồi trào Tống thương thằng cháu Địch Thanh của bà bao nhiêu thì cô Năm con giờ đây cũng thương anh em con như vậy. Con cười một cái cho cô Năm con mừng đi con. Con mà cười thì cô Năm con dầu mệt cho thế mấy cũng khỏe liền.
Thằng nhỏ chói nắng, ré lên khóc. Sáu Quyên cười:
-Tổ mẹ mầy, mầy chào mừng cô Năm mầy kiểu đó hả? Đồ bất hiếu, chẳng biết cô nó gì ráo trọi.
Năm Nhan mặt đỏ ửng, mắc cỡ vì Sáu Quyên vồn vã một cách trơ trẽn quá. Nàng mời Sáu Quyên vào nhà, cùng chị dâu săn sóc hai cháu. Nàng khuyên chị ta thay áo mát để chuẩn bị ăn cơm.
Sáu Quyên thay đồ mát, thăm thú đó đây rồi xuống ghe lấy một cân lạp xưởng, một con khô cá sửu để tặng Năm Nhan. Chị ta khen nức nở:
-Thằng Tám Kiệt giỏi, mới có hơn một năm mà sắm nhà cửa xuê xoang. Nhà trên thì tủ cẩn, liễn mun, lư đồng, nhà dưới thì có nồi đồng, mâm thau, chén kiểu, dĩa kiểu, xoong nhôm… Đủ hết! Cô Năm, cô được thằng chồng giỏi, cô phải nhớ ơn làm mai của tui nghe không? Cô ráng năn nỉ bà già giùm vợ chồng tui, kẻo tui bị ăn chổi chà xui lắm.
Ở nhà trên, Tám Kiệt bày bàn để bày rượu và món nhậu. Hai Cường băn khoăn hỏi, mặt tràn ngập băn khoăn, lo lắng:
-Chẳng hay dượng có nói với bà già về chuyện vợ chồng tui hay chưa, dượng Năm?
Tám Kiẹt rót rượu ra ly mời anh vợ:
-Khoan lo, khoan tính, anh Hai à. Cứ thong thả mà nhậu. Bề gì cũng có anh Ba. Bà già nể ảnh, chắc không xô đuổi vợ chồng anh đâu mà sợ. Nhưng muốn cho chắc ăn, anh em mình nên năn nỉ bác Bảy Hương nói giúp. Má nể bác ta lắm.
Khi cúng chè bánh xong, bà Bảy Hương nói với bà Bếp Luông:
-Hôm nay là ngày đưa ông Táo về Trời, tức là cũng gần Tết rồi, mọi việc cũ nên bỏ qua đi chị Bếp.
Bà Bếp Luông rót thêm một tuần trà trên bàn thờ, liếc xéo bà bạn hàng xóm, hỏi:
-Ý gì chị nói vậy, chị Bảy?
Bà Bảy Hương hỏi:
-Chị có nghe vợ chồng thằng Hai về đây chưa?
Bà Bếp Luông vốn đã biết từ hai hôm rày vợ chồng Hai Cường về ở đậu bên nhà Năm Nhan, tận ngọn rạch. Bà nghe đồn cháu nội bà mập mạp, trắng trẻo, dễ thương. Bà muốn bay tới ngọn để nựng cháu. Nhưng chợt nhớ trong vòng hai năm nay, bà ăn thảm nuốt sầu vì chuyện bỏ nhà theo đàn bà góa của Hai Cường. Đành rằng bà sẽ tha thứ cho con dâu, nhưng bà không tha thứ một cách dễ dàng đâu, mà phải làm cho tụi nó bầm dập, chớ không chúng sẽ lờn mặt bà. Bà nghĩ tới mình đã trải qua nhiều đêm âm thầm khóc và cầu khẩn Trời Phật cho con mình hồi tâm. Bà nghĩ tới những bữa cơm tẻ ngắt, cảnh nhà quạnh hiu khi không có Hai Cường ở đây. Bao nhiêu cơn giận hờn bà trút lên đầu Sáu Quyên. Đúng là con chồn chín đuôi hiện lên báo oán gia đình bà. Cơn giận bà sôi sùng sục, làm bà muốn nghẹt thở, tức ngực. Nhưng nghĩ lại, bà tự hỏi tại sao ở Vịnh Trà Bay, Sáu Quyên thảnh thơi biết bao, sao chị ta về đây đút đầu làm dâu?
Hôm nay là lễ đưa ông Táo mà cũng là lễ đầy tháng cho con của Sáu Thoại. Ngoài các con gái và ba chàng rể, bà Bếp Luông chỉ mời Bảy Hương, và gia đình chú Bảy Cá Trê. Bà Bảy Hương đợi dịp nầy nói giúp lời cho Hai Cường.
Trời đứng bóng, Tư Diễm lấy cớ chóng mặt nằm trong buồng. Nàng không muốn giáp mặt Tám Kiệt. Cô Hai Lý giờ đây là vợ Bảy Tường, chị em bạn dâu của Tư Diễm, nên cứ vào ra săm soi cháu hoài. Cô Ba Đào thì đeo khít Ba Kiểm vì sự xuất hiện của Ba Kiểm làm chói chang cả lễ đám.
Bà Bảy Hương hỏi gặng:
-Bộ chị không nghe thằng Hai đắt vợ con nó về đây sao?
-Thằng Hai nào?
-Thì thằng Hai Cường, trưởng nam của chị đó, chớ thằng Hai nào vô đây?
Bà Bếp Luông xí một tiếng dài:
-Không Cường, Cang gì ráo trọi á. Tui coi như nó chết hồi mới lọt lòng rồi.
Bà Bảy Hương nói:
-Chị giận, chị nói vậy chớ nó chỉ mong về đây phụng dưỡng chị, dẫu ở Vịnh Trà Bay nó làm ăn khá, sắm được cái giàn máy, mua được chiếc ghe bầu…

Bà Bếp Luông têm cho mình một miếng trầu:
-Nó mê con Đắc Kỷ đó nên quên mẹ, quên cửa, quên nhà thì nó theo con đĩ đó luôn đi. Bây giờ bày đặt hiếu đạo, vác thây về đây làm gì? Hèn gì ông bà mình thường nói: “Nóc nhà xa hơn chợ, đít vợ gần hơn cái mả cha”. Thiệt tui nghĩ lại, tui vô phước mới sanh thứ con mãng xà, hổ lửa đó. Phải dè trời cho tui đẻ hột gà, hột vịt ăn còn bổ hơn.
Bà khóc rống lên. Bà Bảy Hương hướng ra phía ngoài cửa, ngoắc tay ra hiệu. Ba Kiểm, Năm Nhan, mỗi người bồng một đứa trẻ, đứa nầy giống đứa kia như hai giọt nước, mình mẫy sổ sữa nên mập mạp và trắng phau, da thịt thơm mùi sữa mẹ, khác với tụi hài nhi nuôi bằng sữa bò, thường có mùi chua.
Bà Bảy Hương nói;
-Khoan, chị khoan khóc đã. Hãy nhìn hai thằng cháu nội rồi muốn khóc thì mặc sức mà khóc. Thiệt hai thằng nhỏ mập tốt… thấy ghét quá! Hai đứa giống nhau như một đôi đũa mà đũa ngọc đũa ngà, khó kiếm lắm đa chị. Tụi nầy coi có mòi tươi tốt hơn lũ cháu nội của tôi.
Ba Kiểm cười ngỏn ngoẻn:
-Thôi mà má cũng đại xá cho vợ chồng anh Hai đi. Bề nào ảnh cũng là con trưởng nam mà. Thiệt hai thằng cháu đích tôn, ai thấy cũng muốn hun ráo trọi.
Cô đặt thằng cháu vô lòng bà Bếp Luông. Bà sửng sốt, bàng hoàng. Trời ơi, nó giống ông Bếp quá chừng. Cả thằng kia cũng vậy. Bà luống cuống, không nói được lời nào. Thằng nhỏ nhìn bà cười hệch hạc, mắt đen như hai hột nhãn. Còn thằng kia ở trên tay Năm Nhan, khóc ré lên, càng làm bà rối hơn. Năm Nhan cũng đặt cháu vô lòng bà. Bà run rẩy, khóc càng nhiều, nhưng ôm chặt hai đứa cháu, khóc vì giận, trộn lẫn mừng vui. Bà Bảy Hương kêu:
-Tụi bây kêu vợ chồng thằng Hai Cường đem trầu rượu vào.

Hai Cường xẻn lẻn thưa:
-Thưa má, con mới về. Xin má bỏ lỗi cho con.
Chàng quì xuống lạy. Còn Sáu Quyên thì ngồi bẹp xuống đất vừa lạy, vừa khóc rống, miệng xổ một hơi:
-Lạy má, xin má thương anh Hai, thương hai đứa cháu mà cho phép tụi con về đây phụng dưõng má, để má hủ hỉ với hai thằng cháu nội. Tụi con đã ăn ở quấy, làm má rầu buồn, tức giận nên ngày đêm tụi con ăn năn, đau đớn lung lắm. Má mà không thương thì vợ chồng con biết nương tựa vào đâu? Tụi con về đây hủ hỉ với má để chuộc tội bất hiếu.
Bà Bếp Luông nạt:
-Thôi đi cô. Ai dám nhận cô là dâu chớ? Cô là oan gia của tui, tui sợ cô lắm mà. Thằng con tui hiếu hạnh, cô dụ dỗ nó làm nó mang tiếng bất hiếu. Nay cô còn bày chước gì nữa đây? Tui mời cô đứng dậy để tui lạy cô, xin cô đừng theo tui báo oán nợ tiền kiếp giữ cô với tui nữa. Thấy mặt cô là tui sợ rợn tóc gáy, muốn ngã lăn ra chết giấc. Cô không đi, tui la làng cho cô coi…
Bà Bảy Hương nói:
-Thôi mà chị. Bề nào tụi nó cũng đã ăn ở có hai mặt con rồi. Chị nhận lời nó đi, uống miếng rượu, ăn miếng trầu cho vợ chồng nó mừng. Tuy tụi nó không đợi cưới hỏi, lại chim chuột ngang xương. Nhưng tụi nó ăn nên làm ra, xu tiền rủng rẻng, gẫm lại bằng mười cái thứ có cưới hỏi rỡ ràng, mà vợ chồng xung khắc, mần ăn tàn mạt. Chị nghe lời tui, uống miếng rượu, ăn miếng trầu cho thấm miệng, rồi nựng cháu. Hơi đâu mà giận cho tổn sức, để sức mà hun hai thằng cháu nội có hơn không.
Bà Bảy Hương rót rượu kề vào miệng bà Bếp Luông. Bà mẹ lúng túng ực hết ly rượu. Bà Bảy Hương hoan hỉ nói:
-Chị đã uống rượu thì ăn luôn miếng trầu cho tụi nó mừng. Thiệt, thấy gia đình chị hạnh phúc vuông tròn, con cái, dâu rể đề huề mà tui phát thèm. Con Sáu Quyên lóng rày coi trắng trẻo, non nheo nhẻo.
Bà đút miếng trầu têm sẵn vào miệng bà Bếp Luông. Bà mẹ đành nhai, trong khi thím Bảy Cá Trê hét:
-Hai đứa bây lạy chị bếp rồi đứng dậy, lo sửa soạn cơm nước. Thiệt cái con Sáu Quyên coi xứng cặp với thằng Hai quá chớ. Nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một.
Trong lúc vợ chồng Hai Cường lạy lục rồi lui vào bếp, thì bà bếp Luông ngắm hai thằng cháu nội. Lòng bà như mở cờ. Bà vuốt cầm từng đứa, nắn bắp đùi chúng.

Ba Kiểm hỏi:
-Má coi tụi nó giống ai? Mắt tụi nó xếch lên như mắt phụng vậy.
-Nó giống ông nội tụi nó, mầy không nhận thấy sao?
Bà kêu Út Biên:
-Con nhường căn buồng của con cho anh Hai con ở. Còn con ngủ đỡ ngoài bộ ván gõ. Mai mốt má dọn cho con cái buồng riêng, để sau nầy con cưới vợ. Con mà thành gia thất rồi thì má sẽ cạo đầu, ăn chay, tu tại gia vì má đã làm xong bổn phận làm mẹ rồi.
Xế chiều, khách khứa cùng vợ chồng của Ba Kiểm, và vợ chồng Năm Nhan ra về. Sáu Quyên xông pha khắp đó đây, dọn dẹp, quét tước. Chị nấu cơm, kho cá, nấu canh hầm giò heo với đu đủ cho Tư Diễm, chị nấu một nồi cháo bồi thật lớn cho cả nhà ăn giải lao. Chị cười nói với Út Biên, Tư Diễm, và lăng líu, nịnh nọt bà Bếp Luông, làm bà mắc cỡ, xẻn lẻn lắm. Tuy nhiên bà cứ mỉm cười… lén lút luôn. Bà mê hai thằng cháu nội, cho tụi nó uống sữa, ăn bột và ru cho tụi nó ngủ. Bà đề nghị với Sáu Quyên:
-Nè… con vợ thằng Hai. Tối nay, tụi bây nên để hai đứa nhỏ ngủ trong buồng của tao. Lóng rày tao khó ngủ, để tao coi chừng coi đổi tụi nó giùm cho. Hôm nay trời nực, mầy hái lá sả, lá ổi, lá me nấu nước tắm tụi nó để đề phòng sảy cắn da thịt tụi nó.
Hai Cường, trong lúc vợ coi sóc việc nhà, cùng Út Biên đem đồ đạc từ chiếc ghe lườn lên. Hai chiếc giường nhỏ cho hai đứa nhỏ, một tủ kiếng để đựng đồ sứ, một cái tủ áo có lát mặt gương bầu dục, một cái giường cho hai vợ chồng. Nhà đang rộng, giờ thêm đồ đạc của Hai Cường trở thành hơi chật. Nhưng nó rực rỡ hẳn lên ở cặp liễn mun, một vài món đồ cổ ngoạn. Nhưng lo gì! Hai Cường sẽ nới rộng căn nhà nầy, trước hết sẽ xây nền gạch, kế đó sẽ đóng vách bổ kho và… sau cùng sẽ lợp ngói. Giấc mơ làm chàng phấn chấn lắm.
Sau khi sắp đặt xong xuôi, Hai Cường đem chiếc ghe bầu vào ụ rồi đi tắm và bước ra sở rẫy để đợi giờ cơm. Sở rẫy vắng chàng trong hai năm qua, được thu nhỏ lại, không trồng rau đậu, mà chỉ trồng mía, trồng khoai. Dù mía và khoai tươi tốt – loại khoai mỡ, khoai tím lá to bản che rợp luống đất – nhưng Hai Cường nhận thấy khung cảnh ở đây có vẻ ủ ê. Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn. Lũ chim sa sả gọi đàn bay về phía chân trời hồng lơ thơ những vệt màu cam sáng chói. Lũ sao đen sà xuống luống đất kiếm côn trùng. Dưới mương, ấu trổ xanh tươi. Một vạt đất giâm đầy cây bồ ngót, cây cao kỷ, lá non trổ lăn tăn. Gần bên là những cây bạc hà (dọc mùng) bụ bẫm vươn lên, lá rộng nghiêng nghiêng từ phía cuống. Bên phía bãi bùn là đám rau om xanh ngắt. Bãi trồng rau lưa thưa, rau thơm ăn sống thay thế bằng rau nấu canh chua như rau tần dày lá, lá quế, ngò gai. Giàn bầu, giàn mướp, giàn khổ qua đã dẹp đi. Dù được chăm sóc trong phạm vi thu nhỏ, nhưng chung quanh lau sậy, cỏ tranh trùng điệp, như bao trùm nơi đây bằng một không khí hoang vu. Lau sậy dày quá che bít bóng dáng con rạch ở phía xa mà từ ở sở rẫy nầy, trước kia Hai Cường có thể thấy một vệt nước xám bạc và duyên dáng vắt qua.
Hai Cường nhìn khung cảnh, cảm động. Chàng thấy mình có lỗi với cuộc đất nầy biết bao. Hai năm đi lập nghiệp ở Vịnh Trà Bay, chàng hằng thương nhớ nó. Giờ chàng về đây, với một ít vốn liếng, chàng sẽ khai thác thêm sở trồng mía. Chàng sẽ nuôi cá, trồng ấu thêm và canh cải lại ruộng đất hương hỏa. Sáu Quyên, vợ chàng đã đem lại cho chàng cái nghị lực đó. Dù chàng về đây, lũ em gái chàng đã đi lấy chồng, gia đình tuy phân tán, nhưng còn có Út Biên, và hai đứa con của chàng nữa chi. Giờ đây, hai đứa nhỏ được bà nội chăm sóc, vợ chàng và chàng sẽ có nhiều thời giờ để khai thác cuộc đất nầy.
-Anh Hai!
Út Biên từ ở xa đi xăm xăm về phía Hai Cường, dáng điệu chậm rãi, tự tin, ánh mắt như muốn nói một điều gì. Nhưng Út chỉ đến bên anh, yên lặng nhìn xung quanh. Hai Cường quàng vai em hỏi:
-Anh Hai về, Út mừng không?
-Mừng lắm, anh Hai.
-Mai mốt anh em mình khai thác thêm sở rẫy, Út chịu không?
-Chịu. Anh dạy thì em phải nghe chớ.
Hai Cường mỉm cười, nắm chặt tay em:
-Anh em mình ráng làm có tiền để cất nhà ngói và cưới vợ cho Út. Vậy Út nghĩ sao?
Út Biên chỉ cười lỏn lẻn, nắm chặt tay anh. Sau đó, Út đi thẳng về một góc rẫy, lối băng qua sở ruộng loáng nước. Trời rực rỡ nắng, nhưng về phía tây nền trời màu cam rực rỡ hơn. Vết mây hoàng kim lan rộng, lóng lánh, trong khi đó ba hướng chung quanh đổi thành màu xám xanh, rồi tím dần sau lớp sương mỏng. Trước mắt Út là một cái gò cao, trên đó có ngôi miếu nhỏ ẩn dưới gốc cây đa lớn. Ngoài cây da, không có một cây gì khác hơn. Bóng ẻo lả của người con gái đứng trước miễu. Ánh sáng màu hồng chiếu ngược, nên cái bóng càng đen thẫm. Út thì thầm hai tiếng: “Ba Đào”, chợt nghĩ tới câu nói sau cùng của Hai Cường, vui vẻ, huýt sáo nho nhỏ, nhưng rồi im ngay như sợ có ai rình rập. Bóng người con gái đưa tay ngoắc chàng, bàn tay ở xa trông thật mềm như cánh chim.

Nguồn:

https://vietmessenger.com/books/?title=lop%20song%20phe%20hung

Comments are closed.