Vết thương chưa lành ở xứ vạn đảo

Bài và ảnh của Hồ Anh Thái

Những người đến Indonesia để du lịch hoặc làm việc đều được khuyến cáo có cách xử sự đúng mực ở một nước có cộng đồng đạo Hồi đông đảo nhất thế giới. Xã hội Hồi giáo có những quy tắc nghiêm ngặt mà dứt khoát người làm khách phải biết để tôn trọng và tránh gây bất bình, thậm chí gây xung đột.

Đặc biệt những người nước ngoài theo cánh tả còn phải lưu ý một vài cấm kỵ khác, chẳng hạn một cái hình búa liềm trên áo phông hay trong sách báo mang theo cũng có thể khiến người ta bị bắt, bị tống giam, gây ra rất nhiều phiền phức về pháp lý.

Thật là trớ trêu nếu ta đến Indonesia chỉ để du ngoạn hoặc xem một trận bóng đá tranh giải khu vực mà lại bị bắt giữ và ra tòa. Lý do rất đơn giản: chứa chấp hoặc truyền bá những thứ đó là vi phạm pháp luật Indonesia. Để lý giải vấn đề này, ta cần tìm về cội nguồn của nó trong lịch sử Indonesia thời hiện đại.

Sau nửa thế kỷ vẫn chưa làm điều phải làm

Đầu tháng 10.2015, một lão ông bảy mươi bảy tuổi đã bị chính phủ Indonesia trục xuất sau khi ông về vùng Tây Sumatra tìm mộ mẹ. Người mẹ bị giết trong chiến dịch thanh trừng những người cộng sản năm 1965, và ông lão là con trai, hiện định cư ở nước ngoài.

Mấy tháng trước đó, báo chí và dư luận khơi lại vụ thanh trừng, nhiều ý kiến đòi chính phủ phải chính thức xin lỗi. Có tin đồn trên mạng rằng tổng thống sẽ xin lỗi những nạn nhân vụ 1965, nhưng người đưa tin đồn liền bị bắt.

Cuối tháng 10.2015, chính quyền trên đảo Bali đe dọa sẽ rút giấy phép của một liên hoan văn hóa sẽ khai mạc từ ngày 28.10, nếu ban tổ chức vẫn cho ra mắt sách và công chiếu một bộ phim tài liệu về vụ thảm sát năm 1965. Liên hoan Nhà văn và Độc giả Ubud Writers and Readers dự định giới thiệu ba cuốn tiểu thuyết và bộ phim Cái nhìn lặng im (The Look of Silence) của Joshua Oppenheimer, những tác phẩm khơi lại câu chuyện năm 1965 mà chính quyền cho là nhạy cảm.

Sau những nửa thế kỷ, vụ thanh trừng 1965 vẫn còn là bí ẩn. Vẫn có giả thuyết rằng chính tướng Suharto đã dựng lên vụ ám sát bảy viên tướng quân đội đêm 30.9.1965 để lấy cớ đàn áp cộng sản. Không có bằng chứng khẳng định, cho nên đến nay đó vẫn là nghi án. Tính ra có hơn 500.000 người bị giết trong cuộc thảm sát.

Việc đưa lại nghi án và dấy lên phong trào đòi minh oan cho những người thân cộng sản, cũng như cách chính quyền xử lý vấn đề, cho thấy mức độ dân chủ và minh bạch ở đất nước Indonesia. Janet DeNeefe, người sáng lập và là giám đốc của Liên hoan Nhà văn ở Ubud viết trên tờ Sydney Morning Herald: “Cho đến nay chúng ta vẫn tự hào về danh tiếng dân chủ của Indonesia, nhưng giờ đây dường như đã có một quy tắc xử sự mới trong những người có quyền lực”.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-45.png

Đài tưởng niệm bảy nạn nhân trong vụ thanh trừng, Bảo tàng Monument Pancasila Sakti


Ngày 18.4 và 19.4.2016, một hội nghị được tổ chức, chủ đề: Giải phẫu thảm kịch 1965 – cách tiếp cận lịch sử (National Symposium: Dissecting the 1965 Tragedy, Historical Approach). Có mặt một số bộ trưởng và nhân chứng, bao gồm cả nạn nhân và người từng trong lực lượng quân đội đã đi đàn áp trong vụ 1965. Dư luận cho rằng đây chỉ là một hội nghị mang tính hòa giải, mà không phải là cuộc khảo sát thực tế, chính quyền cũng chưa nói lời xin lỗi mà họ cần phải nói.

Tháng 7.2016, Tòa án Nhân dân quốc tế ra phán quyết về cuộc thảm sát 1965, khuyến nghị chính phủ Indonesia sửa sai và xin lỗi các nạn nhân. Phán quyết này bị chính phủ Indonesia bác bỏ.

Bộ trưởng Chính trị, Luật pháp, An ninh Indonesia là Luhut Panjaitan nói trong một cuộc gặp các gia đình nạn nhân rằng đất nước cần tưởng nhớ các nạn nhân của sự kiện này, nhưng chính phủ sẽ không có lời xin lỗi chính thức.

Thanh trừng nội bộ hay có bàn tay CIA?

Nhắc lại cuộc đảo chính đêm 30.9 rạng sáng ngày 1.10.1965, người ta nhớ ngay đến hình ảnh ghê rợn của Hố Cá Sấu. Bảy viên tướng bị quân đảo chính xông đến nhà lúc nửa đêm. Chỉ một người trốn thoát. Ba người bị giết tại chỗ. Ba người bị đưa đến một căn cứ không quân ở Jakarta, bị giết, bị chặt khúc tháo khớp rồi ném xuống giếng. Cái giếng từ đấy khét tiếng, gọi là Hố Cá Sấu.

Ngay lập tức, lúc rạng sáng, tướng Suharto, người chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh Kostrad đã ép Tổng thống Sukarno trao quyền lực khẩn cấp cho ông ta. Lý do là để xử lý kịp thời nguy cơ có thể làm đất nước sụp đổ. Tướng Suharto nhanh chóng tiến hành một cuộc thanh trừng đối với đảng Cộng sản Indonesia PKI, bị coi là chủ mưu đảo chính. Trong sáu tháng sau đó, hơn 500.000 người bị giết. 100.000 người bị bắt giam cho đến vài chục năm sau. Cuộc thanh trừng đã xóa sổ đảng cộng sản lớn thứ ba trên thế giới, có hơn ba triệu đảng viên và hai mươi triệu người cảm tình đảng trong các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ.

Các nhà sử học coi đây không chỉ là trận thanh trừng mà là một cuộc đàn áp ý thức hệ. Tướng Suharto nhờ đó đã cầm quyền suốt ba mươi ba năm bằng một chế độ độc tài quân sự. Suharto bị đổ năm 1998, đến năm 2004 tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp ông ta đứng đầu danh sách tham nhũng mọi thời đại, với số tiền biển thủ của đất nước lên đến 35 tỷ đô la Mỹ.

Không có bằng chứng cho thấy những người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản đã vạch ra kế hoạch đảo chính. Người ta phỏng đoán, có thể đó là những lãnh đạo trẻ cấp thấp hơn và quá khích hơn đã bí mật hành động.

Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng chính tướng Suharto gây ra vụ tàn sát sáu viên tướng quân đội, lý do hữu hiệu nhất để đàn áp đảng Cộng sản. Chẳng lẽ ngẫu nhiên cánh đảo chính đi lùng bắt bảy viên tướng sừng sỏ mà lại trừ ra một người nguy hiểm như Suharto. Cánh đảo chính không thể không biết Suharto là người chỉ huy lực lượng phản ứng chiến lược, nổi tiếng có nhiều thủ đoạn.

Mặt khác, sau này một số chỉ huy đảo chính khai rằng họ thậm chí đã báo trước với Suharto và được ông ta hứa sẽ ủng hộ. Cho nên có thể Suharto đã làm động tác giả để khích lệ cho cuộc đảo chính xảy ra.

Trước đảo chính, cuộc đấu tranh nội bộ đang vào lúc gay gắt. Tổng thống Sukarno có xu hướng cảm tình với đảng Cộng sản, đồng thời tìm cách giảm ảnh hưởng và tác động của Mỹ. Trước việc nước láng giềng Malaysia trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1965, Indonesia thậm chí đã phản ứng bằng cách tuyên bố rút khỏi tổ chức này. Kinh tế Indonesia xuống dốc, cùng lúc đảng Cộng sản khuếch trương vai trò đang lớn mạnh, thực hiện chủ trương chia lại ruộng đất của đám địa chủ Hồi giáo, bắt đầu từ vùng Java. Việc chia lại ruộng đất có khi dùng đến cả bạo lực.

Trong khi đó, quân đội lại có tham vọng thống lĩnh nền kinh tế, đồng thời phát triển quan hệ với Mỹ, muốn được Mỹ cùng phương Tây trang bị và đào tạo. Sĩ quan quân đội phần nhiều được đào tạo ở Mỹ, gặp đúng thời cơ Mỹ đang kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và can thiệp trực tiếp vào Việt Nam để ngăn chặn cộng sản. Nhưng mục tiêu của quân đội Indonesia gặp phải sự cản trở đáng kể của phía đảng Cộng sản, dẫn đến việc quân đội cần phải thanh toán đảng này. Cuộc thanh toán này có thể cũng là một sản phẩm của CIA.

Di chứng nặng nề

Ở phía đông nam thủ đô Jakarta có một khu bảo tàng đặc biệt về biến cố 1965. Danh nghĩa của nó là Monument Pancasila Sakti, đài kỷ niệm bảo vệ năm nguyên tắc thiêng liêng của nền Cộng hòa. Nhưng trong Bảo tàng thì lại ghi những dòng chữ rất lớn rất nổi: Museum Pengkhianatan PKI (Komunis), bảo tàng sự phản bội của đảng Cộng sản Indonesia. Người ta giữ nguyên hiện trường chỗ mấy ông tướng bị tra tấn, giữ nguyên cái Hố Cá Sấu nơi xác họ bị ném xuống. Xây thêm một đài tưởng niệm có tượng của bảy người “hy sinh cho đất nước”. Bảy người, vì trong đó có một viên trung úy bị giết do nhầm lẫn.

Tôi đến Bảo tàng vào ngày 1.10.2016, đúng ngày xảy ra đảo chính 51 năm trước. Trùng hợp, vì trước đó mấy ngày, khi tìm kiếm thông tin thì được biết Bảo tàng chỉ mở cửa lại vào ngày 1.10 sau một thời gian dài đóng cửa. Người ta chọn ngày này để tổ chức lễ kỷ niệm bảo vệ năm nguyên tắc của nền Cộng hòa. Học sinh sinh viên nô nức đồng diễn hát ca và vào thăm Bảo tàng. Khu vực trưng bày chính có một chuỗi cảnh ba chiều sinh động, trình bày đầy đủ lịch sử của đảng Cộng sản Indonesia theo kiểu tuyên truyền về quỷ dữ. Không ngẫu nhiên mà một trang mạng du lịch xếp bảo tàng này vào loại du lịch đen tối (dark tourism).

Đối diện với đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta có một bảo tàng nhỏ về ông đại tướng A. H. Nasution. Ngày nào cũng đi qua, chỉ nghĩ đấy là một vị tướng có công với đất nước cho đến một ngày tôi sang thăm Bảo tàng. Thì ra đó là ông tướng duy nhất thoát chết trong số bảy ông bị truy lùng. Trong các phòng, người ta dựng tượng to bằng người thật, cảnh quân đảo chính đạp cửa xông vào, cảnh bà vợ ôm đứa con gái năm tuổi chặn cửa và đứa con gái trúng đạn bê bết máu, cảnh ông tướng trèo qua bức tường sau nhà và trốn thoát.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-46.png

Viên tướng duy nhất trốn thoát nhờ trèo qua tường – tượng phục dựng tại nhà riêng, nay là nhà lưu niệm


Hơn năm mươi năm sau vụ thanh trừng năm 1965, hậu quả của nó vẫn còn in dấu trong xã hội. Con cái những người bị kết tội hầu như khó vào được đại học. Danh tiếng cộng sản bị hệ thống tuyên truyền biến thành đồng nghĩa với ác quỷ. Mãi đến năm 1995, những người từng vào tù ra tội mới được cấp lại chứng minh thư, nhưng bị ghi thêm chữ viết tắt ET, nghĩa là cựu tù chính trị. Những sự việc như thế này vẫn thường xảy ra: ngày 1.10.2016 cảnh sát Jakarta tịch thu sáu bản sách Tuyên ngôn của đảng cộng sản của Karl Marx, bày bán tại một hội chợ sách. Bốn người bị thẩm vấn để truy nguồn sách, trong đó có chủ quầy sách từ Malaysia sang. Những người này không bị bắt mà chỉ bị triệu đến để điều tra. Hành động được giải thích là để ngăn ngừa sự bất ổn xã hội, đề phòng các tổ chức Hồi giáo cứng rắn phản ứng thái quá.

Trước đó, tháng 5.2016 cảnh sát cũng bắt hai người bán áo phông có hình ban nhạc Đức Kreator dùng hình búa liềm để trang trí. Ở một số nơi, thỉnh thoảng vẫn còn xảy ra việc thanh niên các tổ chức Hồi giáo đốt cờ búa liềm. Ngày 19.1.2017 trong khi răn đe một số tổ chức Hồi giáo cực đoan, ông Yasonna Hamonangan Laoly, Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền nói: “Luật pháp hiện tại cấm những phe nhóm quảng bá chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Leninist, bên cạnh những tư tưởng khác, bởi những tư tưởng ấy xung đột với năm nguyên tắc tư tưởng của dân tộc là Pancasila”.

Trên mạng Jakarta Globe ngày 2.8.2016, học giả Airlangga Pribadi Kusman nhắc lại khái niệm “dân tộc ngóe” (kinthel nation). Kinthel là con ngóe hoặc ễnh ương, dễ lẩn trốn trong đám lá khô mục. Khái niệm này do vị tổng thống đầu tiên của Indonesia là Sukarno đưa ra. Nó hàm ý một dân tộc nhút nhát, sợ sệt mọi thứ. Học giả nói: “Nhà độc tài Suharto chính là người đã tạo ra một dân tộc như vậy. Giờ đây đến lượt chính phủ đương nhiệm thiếu can đảm trong việc đối diện với thực tế, đánh giá lại vấn đề, tiếp nhận phê bình để phát triển. Ngược lại, họ tiếp tục chôn vùi sự thật về sự dính líu của chính quyền trong vụ thảm sát năm 1965”.

Trang sử này về lâu dài vẫn còn là một vết thương không liền da và nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng người dân xứ vạn đảo. Tuy vậy, như lời của ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Chính trị, Luật pháp, An ninh thì chính quyền và nhân dân tưởng nhớ các nạn nhân bị thảm sát nhưng các chính phủ hiện tại vẫn chưa xem xét lại hồ sơ vụ việc và chưa thể đưa ra lời xin lỗi chính thức.

Giờ đây du khách đến Jakarta, có rất nhiều bảo tàng nổi bật để lựa chọn như Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Ngân hàng (thực ra là bảo tàng về lịch sử thông thương của Indonesia)… nhưng cũng có thể nên thực hiện một chuyến “dark tour” đến bảo tàng mang danh Monument Pancasila Sakti. Và người ta vẫn cần lưu ý những điều cấm kỵ ở một đất nước mà cánh tả ở ngoài vòng pháp luật.

Comments are closed.