Vòng luẩn quẩn của sự đọc

Đinh Thanh Huyền

Dạo gần đây, thỉnh thoảng dư luận lại dậy sóng vì một văn bản trong sách Ngữ văn hoặc một đề thi ở tỉnh này tỉnh kia. Có những cuộc tranh luận căng thẳng đến mức tác giả sách giáo khoa hoặc chuyên viên môn Ngữ văn của một Sở, phòng giáo dục nào đó phải lên tiếng giải thích với công luận. Những ồn ào quanh chuyện dạy văn, học văn dường như không có hồi kết, thậm chí có sự việc trở thành quá khích, người ta chửi nhau, nhiếc móc nhau bằng đủ mọi kiểu ngôn từ nặng nề. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra với môn Ngữ văn, ít thấy ở các môn học khác. Lí do đầu tiên hẳn là vì văn chương là thứ dễ bị tấn công nhất. Phàm ai có thể đọc được chữ thì đều có thể tiếp nhận văn học dân tộc mình. Và khi đã đọc được văn bản thì ai cũng có thể phê phán, bình phẩm, khen chê đôi chút. Hệ quả là khi một văn bản nào đó được đưa vào giảng dạy hoặc làm đề thi, văn bản đó, tác giả của nó và người soạn sách, soạn đề đều trở thành nạn nhân tiềm tàng của những vụ “ném đá”, tấn công dữ dội trên mạng xã hội, trên báo chí. Từ hiện tượng này, nhìn sâu rộng hơn, ta sẽ thấy có những vấn đề lớn vừa là nhân vừa là quả.

1. Năng lực đọc của công chúng Việt hiện nay yếu chưa từng thấy.

Có thể tạm chia độc giả thành ba kiểu. Kiểu thứ nhất là những người đọc không thể tiếp nhận được các văn bản thông thường, nghĩa là họ hoàn toàn mù tịt khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn đơn giản nhất. Văn bản văn học trở thành bức tường câm lặng mà đứng trước nó, người đọc không thể nhìn thấy gì ngoài vật liệu (chữ). Số này lớn nhất và thường chạy theo ý kiến của những KOL to mồm, đồng thời cũng dễ “quay xe” để nhào theo người khác. Kiểu thứ hai là một số người đọc dù được học hành (chuyên ngành văn hoặc liên quan đến văn) thì chỉ có thể tiếp nhận những tác phẩm dễ đọc, nội dung và kĩ thuật viết có tính truyền thống. Với những tác phẩm có màu sắc hiện đại, hậu hiện đại, có sự phá cách về bút pháp, họ bó tay đầu hàng. Số này chính là những người luôn gây hấn, đốt lửa, châm ngòi cho các cuộc “đấu tố” văn chương. Cậy vào chút kiến thức có được từ học hành, những người này rất tự tin và nghiệt ngã khi chê bai, đả phá, phủ nhận các văn bản mà họ không thích. Tri kiến mù lòa khiến họ trở nên nguy hiểm bởi họ sẽ kích động kiểu độc giả thứ nhất tạo ra sóng gió. Kiểu thứ ba là những người đọc có khả năng tiếp nhận tất cả các hình thức sáng tạo, các hiện tượng nghệ thuật từ góc nhìn khách quan, từ nền tảng lí thuyết vững chắc, từ sự nhạy cảm nghệ thuật. Số này thường ít lên tiếng trong các cuộc tranh cãi om sòm trên mạng xã hội bởi họ biết không thể đấu lại đám đông mù quáng.

2. Vì sao năng lực đọc của công chúng yếu như vậy?

Nguyên nhân quan trọng nhất là do giáo dục. Năng lực đọc không từ trên trời rơi xuống, cũng không phải có sẵn trong mỗi người. Đó là loại năng lực được hình thành qua quá trình rèn luyện lâu dài. Lộ trình hình thành năng lực đọc phải được xây dựng trên cơ sở khoa học tiếp nhận.

Nhìn lại môn Ngữ văn trong trường phổ thông Việt Nam từ đầu thế kỉ XXI đến nay, chúng ta thấy gì? Đã có hai chương trình được thiết kế theo hai tư tưởng chủ đạo: Chương trình 2002 định hướng dạy nội dung, Chương trình 2018 định hướng phát triển năng lực. Trong đó, chương trình 2002 được hiện thực hóa bằng một bộ sách thống nhất trên toàn quốc. Nội dung thi (kiến thức và kĩ năng) đều nằm trong sách giáo khoa. Như vậy, trong một thời gian rất dài, học sinh chỉ biết đến những văn bản trong sách. Dù những văn bản đó đều là tinh hoa của văn học Việt Nam thì cũng không thể cho người học một cái nhìn rộng mở, đa chiều về cả một nền văn học trong chiều dài lịch sử và phổ rộng văn hóa của nó.

Quan điểm học để thi khiến cho giáo viên và học sinh “nhai đi nhai lại” những văn bản quen thuộc, không hề có nhu cầu đọc mở rộng. Việc khám phá văn bản dừng ở mức phân tích lại những gì đã được học. Mỗi văn bản trong sách được cày đi xới lại nát nhừ ra nhưng giáo viên vẫn sợ chưa dạy hết nội dung. Dù các bài thi/kiểm tra điểm cao chót vót thì trình độ đọc của học sinh vẫn cực kì non kém. Rời khỏi văn bản trong sách, học sinh không thể tự đọc được các văn bản mới. Mặt khác, những văn bản được dạy trong sách giáo khoa đều rất an toàn. Trong hệ thống văn bản đó chỉ có duy nhất bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca (Thanh Thảo) thoát khỏi thi pháp truyền thống nhưng sau này Bộ Giáo dục cũng đưa vào diện giảm tải (nghĩa là trên thực tế, bài này không không được dạy nữa).

Toàn bộ đời sống văn học đương đại sinh động của Việt Nam và thế giới vắng bóng trong chương trình học tập. Học sinh chỉ biết đến những tác phẩm của một nền thi pháp học truyền thống. Học sinh quen với thơ lục bát, thơ Đường luật, thơ lãng mạn, thơ cách mạng, quen với văn xuôi lãng mạn, văn xuôi hiện thực phê phán mà không biết đến thơ siêu thực, thơ phi lí, truyện đa tuyến, truyện giả tưởng, văn học sinh thái, văn học chấn thương, bút pháp giễu nhại,… Ra khỏi hệ thống thi pháp quen thuộc, học sinh gần như bất lực trong hoạt động đọc. Và quan trọng nhất, học sinh chỉ được dạy để hiểu một vài tác phẩm, một vài trường phái, xu hướng văn học mà không được dạy cách đọc. Thơ là gì? Truyện là gì? Kịch, kí là gì? Làm cách nào để đọc được một bài thơ, một tiểu thuyết, một vở kịch, một bài kí? Những điều ấy không có trong chương trình học. Như vậy, năng lực đọc của học sinh gần như không có. Và nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, trở thành lượng công chúng đông đảo, phần lớn xếp vào kiểu độc giả “mù” về đọc hiểu như đã nói ở trên.

Nhiều học sinh trở thành thầy cô giáo dạy văn. Họ tiếp tục nối dài cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của sự đọc, tiếp tục hành hạ học sinh bằng vốn kiến thức hạn hẹp, khả năng đọc gần như bằng không của chính mình, triệt tiêu niềm yêu thích văn chương vốn có của học trò và biến học trò thành bản sao của mình trong tương lai.

3. Chương trình Ngữ văn 2018 đã tác động thế nào đến hoạt động đọc?

Với định hướng phát triển năng lực (đọc, viết, nói và nghe) cho người học, chương trình Ngữ văn 2018 đã thay đổi triệt để quan điểm dạy học. Có ba bộ sách giáo khoa cho các nhà trường lựa chọn. Các văn bản trong sách được chọn theo tiêu chí phù hợp với mục tiêu giáo dục (chứ không phải để tôn vinh nền văn học và các tác giả). Phạm vi văn bản mở rộng, đảm bảo cho học sinh được học cách đọc theo đặc trưng thể loại và chủ đề. Ngoài những văn bản kinh điển, nhiều văn bản hoàn toàn mới được đưa vào dạy để học sinh được tiếp cận rộng rãi với nhiều kiểu văn bản, nhiều chủ đề, nhiều bút pháp nghệ thuật. Điều đó có nghĩa giáo viên buộc phải là người thông thạo kĩ năng đọc. Nhưng đến đây bắt đầu xuất hiện vấn đề.

Như đã phân tích ở trên, toàn bộ giáo viên văn ở thời điểm này chính là những học sinh của chương trình cũ. Phần lớn số này không có hoặc có rất ít năng lực đọc. Họ không thể cho học sinh cái mà họ không có. Vì thế, giờ đọc văn bản trong các nhà trường phổ thông biến thành thảm họa khi giáo viên vật vã với những gì chính họ không hiểu nổi mà lại phải dạy cho những đứa trẻ ngơ ngác kia. Đó là bi hài kịch chứ không phải chuyện chơi. Những học sinh đầu tiên của chương trình Ngữ văn 2018 đang là “con cừu” để giáo viên thử nghiệm đủ thứ. Khi giáo viên không đọc nổi, không dạy nổi, họ sẽ lôi kéo, thu hút học sinh bằng những tiểu phẩm, trò chơi, dùng AI để thay thế hoạt động đọc. Một giờ đọc văn tiêu chuẩn là giờ đọc trong im lặng, thẩm thấu trong im lặng không bao giờ có trong nhà trường Việt Nam. Những chiêu trò ồn ào náo động như hội chợ diễn ra phổ biến. Cái còn lại chỉ là khoảng rỗng không trong tâm trí người học.

4. Những cuộc “đấu tố”

Đến đây xuất hiện câu chuyện về đề thi. Vì Bộ quy định các văn bản dùng trong những kì thi giữa kì, cuối kì, thi trung học phổ thông quốc gia bắt buộc phải nằm ngoài sách giáo khoa, giáo viên sa vào vũng lầy của việc chọn ngữ liệu. Lúc này, toàn bộ sự thiếu hụt về năng lực đọc của giáo viên hiện ra đầy đủ. Nhiều giáo viên không thể nhận biết được bài thơ, truyện ngắn, bài kí hay dở thế nào. Họ chọn theo tên tác giả, những cái tên quen thuộc, những tác giả nổi tiếng, những tác giả đang giữ chức vụ trong các hội địa phương, trung ương, các tờ báo lớn sẽ được chọn. Vấn đề ở chỗ không phải cứ nhà văn có tên tuổi thì tác phẩm nào cũng hay. Rồi hết nạc thì vạc đến xương, bất cứ tác giả nào có thơ văn đăng báo hoặc in sách đều có thể được giáo viên cân nhắc. Đó là lí do xuất hiện những đề kiểm tra, đề thi gây phẫn nộ vì ngữ liệu quá kém. Nhưng không chỉ người ra đề bị phê phán, tác giả của văn bản “bị” chọn cũng vạ lây. Có khi đám đông bỏ bóng đá người, lôi nhà văn ra xỉ vả một cách cay độc.

Nhưng hành vi “đấu tố” lại bắt đầu từ những văn bản được chọn trong các bộ sách. Do năng lực đọc yếu, do không hiểu mục đích, tiêu chí chọn văn bản, công chúng (bao gồm cả giáo viên) thỉnh thoảng lại lôi một văn bản trong sách ra “xẻ thịt”. Những ý kiến chê văn bản hầu hết trượt ra ngoài mục đích sử dụng của văn bản đó. Thậm chí, họ chê ngay cái hay, cái độc đáo của một tác phẩm văn học. Thực tế đáng buồn này lẽ nào không phải hậu quả của việc không có năng lực đọc!

5. Lời kết

Năng lực đọc yếu kém của công chúng trong nước vừa là nhân vừa là quả của quan điểm dạy học định hướng nội dung kéo dài trong nhiều năm. Giờ chỉ còn biết hi vọng một thế hệ người đọc mới (những học sinh được học chương trình phát triển năng lực) nhưng các em có phát triển được năng lực hay không lại phụ thuộc vào giáo viên. Cái vòng luẩn quẩn này chỉ có thể ngừng quay khi cắt được nguồn của nó. Chỉ khi nào nhân đổi quả mới đổi. Mà muốn đổi, không phải việc một cá nhân làm được.

Hà Nội, tháng 10/2024

Comments are closed.