Ngoài khơi miền đất hứa, một huyền thoại thời hậu chiến

Phan Huy Đường

 

Không gian: 1,5 mét vuông, cao 1,2 mét. Thời gian: 212 ngày đêm luẩn quẩn trong cũi. Trần gian: một bầy rận đói. Nhân gian: một thân hình muốn thẳng lưng phải cúi đầu, một thể xác khao khát người yêu, một bộ óc quay cuồng trong vài dòng chữ khắc bằng móng tay trên bức tường đen cộm mồ hôi của tù nhân: Hận bu, thù bố….Phải trả thù… Ðứa nào vuốt tóc em ở nhà ?… Con nhớ lắm mẹ ơi… Muốn lắm… Ð. m. mày muốn cái gì ?

Một kiếp người Việt Nam hôm nay phải bắt đầu như vậy. Ðây không phải sự thực như chuồng cọp, chuồng bò ở Côn Ðảo xưa. Ðây là chuyện bịa đặt, là tiểu thuyết, là huyền thoại, hình hài mơ hồ nhất của con người, chỉ có thật trong trí tưởng tượng, là ngôn ngữ, là nghệ thuật, là nghệ thuật bằng ngôn ngữ. Chỉ đọc một chương Ngoài khơi miền đất hứa, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân, cảm nhận được ngay và nhập cuộc. Nhập cuộc dẫy chết của một thời đại qua cuộc dẫy sống của một thế hệ. Nhập cuộc với tất cả lý trí ngớ ngẩn của người đã biết: con người là loài sinh vật có vú, có đầu, có mình, có tứ chi, có bộ óc vận động theo lôgíc hình thức hay quy luật duy vật biện chứng, thông minh tuyệt vời, có thể hiểu tất cả, giải thích tất cả, giải quyết tất cả. Nhập cuộc để lạc vào một giấc mơ kỳ lạ, vừa xa lạ vừa thiết thân.

Nhà văn khác kẻ viết lách kiếm ăn ở điểm đó: làm nở được một giấc mơ, tạo dựng được một huyền thoại, âm ỉ tồn tại trong hồn độc giả. Giấc mơ ấy là gì ? Huyền thoại ấy là gì ? Làm thế nào nhét nó vào đầu người đọc ?

Cứ theo bước chân loạng choạng của Tuấn, sau cú nốc ao hiểm hóc và xảo quyệt của một thằng lưu manh giỏi võ Tàu, trở lại đời, là gặp.

Cuộc đời trước mắt chẳng có gì huyền ảo. Cái thế giới xoay quanh tiền mặt – tình yêu tiền mặt – lãi suất – chiếm lĩnh vốn – vay trả vòng vèo trong đó mọi người lao vào nhau, hôn nhau, làm tình, cắn xé, cười cợt và tước đoạt lẫn nhau, sẵn sàng đổi một mạng người để lấy chiếc xe đạp, cái thời đại mà đến Chúa cũng biết mua, biết bán, cái kiếp người như một cây mía đã cho vào che. Nó cứ bị cuốn tuột đi, đời chỉ còn là bã, cái xã hội không cần nhà phát minh, không cần nghệ sĩ. Vàng có khắp nơi… Bóp họng người khác là ra vàng. Hèn mạt, phản trắc, lừa lọc, ngậm miệng lại như hến cũng ra vàng, cái thân phận chỉ lo sao chường ra một bản mặt khiêm tốn, chín chắn và biết kính trên nhường dưới… chẳng thà không làm việc gì hết còn hơn hùng hục làm mà thất lễ với cấp trên ta nghe đã nhàm tai.

Thế giới ấy là thế giới thực. Chẳng cần tìm đâu xa. Ngay trong đời mình cũng kiếm được. Con người trong thế giới ấy rất thực. Nó cần ăn, ngủ, đụ, ỉa. Nó biết làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo sự tồn tại ấy, kể cả đạo đức. Tóm lại, một cuộc đời giả dối trong một xã hội giả dối, có gì lạ lùng ? Chẳng có gì lạ lùng khi ta đứng ngoài cuộc đời, đứng ngoài xã hội, khi ta chẳng còn là người, mà là Trí Tuệ, là Thượng Ðế. Nhưng nếu đứng trong cuộc đời, trong xã hội thì huyền bí thực. Anh là anh, tôi là tôi, xã hội là chúng ta, anh lừa tôi, tôi lừa anh, ai hơn thì thắng, đơn giản, trong suốt, làm gì có giả dối trong đời. Anh chỉ là cuộc đời của anh, tôi chỉ là cuộc đời của tôi, xã hội chỉ là sự tranh chấp, lừa lọc giữa chúng ta, rõ ràng, minh bạch, chắc nịch, dầy đặc, không có một khe nào cho sự giả dối chen vào.

Ðể vẽ cho xã hội một bộ mặt giả dối, để tạo cho con người một vẻ mặt giả dối, phải có một cái gì khác khiến anh không chỉ là cuộc sống của anh, tôi không chỉ là cuộc sống của tôi, xã hội không chỉ là cuộc chém giết, lừa gạt nhau để tồn tại, đàn ông không chỉ là đực, đàn bà không chỉ là cái. Khắp chân trời góc biển, không có gì làm được việc đó. Phải có một huyền thoại, một giấc mơ, một nhịp cầu giữa giấc mơ và thực tại. Từ muôn thuở huyền thoại ấy có một vẻ mặt: Người. Ngày nay giấc mơ ấy có một cái tên: tự do, có một âm hưởng: hạnh phúc. Muôn đời, giữa người với người, giữa giấc mơ và hiện thực chỉ có một nhịp cầu: đồng loại là đồng lõa.

Khẳng định, chấp nhận sự đồng lõa đó là hoà nhập con người vào cuộc sống, là nện vào mặt đất một giấc mơ, lồng vào vũ trụ một huyền thoại: con người tự do, hạnh phúc. Chuyện đó, ta thực hiện hàng ngày khi kiếm cơm mà thấy phấn khởi hay nhục nhằn, khi tính toán mà vẫn say mê, khi do dự làm một đứa con. Chuyện đó, tác giả cũng khẳng định ngay mấy trang đầu truyện:

– Nếu coi con người không ra gì thì tất cả sự nghiệp này vứt đi hết.

Làm sao tin được một giấc mơ, một huyền thoại ?

Tiểu thuyết là chuyện bịa đặt. Không bịa đặt ở sự vật, sự kiện. Những thứ ấy góp nhặt trong đời, có thừa. Cái bịa đặt rõ ràng nhất là cốt truyện. Cốt truyện khiến mọi sự vật, sự kiện dường như gắn liền với nhau, phát triển có đầu có đuôi, có ngọn có ngành, theo một lôgic nào đó. Không gian, thời gian và nhân gian rất trật tự đó do nhà văn bịa ra. Nó đáp ứng một nhu cầu của con người, kẻ suốt đời sắp xếp vũ trụ theo mục đích của mình. Về mặt này tác giả có kỹ thuật dựng truyện khéo. Chỉ liên tưởng sự bồi hồi của Tuấn, trong mấy trang đầu, khi tưởng tượng tới nhan sắc của Bích nổi lều bều trên sông với cảnh Thảo đi nhận xác Bích từ biển rạt vào, ở cuối truyện, cũng thấy tay nghề và công phu dựng truyên. Nhưng nếu chỉ có cốt truyện tinh vi, hập dẫn, chỉ đủ giải trí vài giờ như truyện trinh thám.

Tiểu thuyết bắt đầu hay khi ta hết thao thức: sự việc rồi sẽ ra sao ? mà bồn chồn: con người ấy sẽ thế nào ? Con người núp sau hàng chữ lem nhem là giấc mơ, là huyền thoại của tiểu thuyết. Giấc mơ, huyền thoại ấy, ta chỉ có được, tin được khi chính ta là tác giả của nó, khi tác giả đã đồng lõa ta với sáng tác của mình. Nghệ thuật viết tiểu thuyết là nghệ thuật đồng lõa độc giả. Ðiều kiện thực hiện nó: tác giả với ta là đồng loại. Phương tiện thực hiện nó: ngôn ngữ. Qua ngôn ngữ ta là đồng loại, và do đó, có thể đồng lõa với tác giả.

Ngôn ngữ trong Ngoài khơi miền đất hứa là ngôn ngữ thường ngày, thực dụng, thô bạo, lột trần mặt nhau, lột trần mặt đời, lột trần mặt mình. Nó giống con người ngày nay, cặn bã của một thế kỷ bất nhân, của một giấc mơ phi nhân, của một bộ máy diệt nhân. Nó nói: chúng ta là những con chó. Con người tưởng mình là người có khi chẳng hơn con chó không biết mình là chó. Con chó biết mình là chó là con chó đang lột xác chó để làm người, là con người đang hình thành từ phận chó.

Khoảng cách lờ mờ giữa những lời ăn nói thô bạo kia và những con người phát ra nó là nhân cách, là sự tự hào, quyết tâm làm người trong một hoàn cảnh chó má. Nó không có hình dạng, không có âm thanh, không có trong văn bản. Ta không thể thấy, không thể nghe. Ta chỉ có thể tái tạo nó trong hồn ta, và tự nhiên ta “thấy”: đúng thế, không thể thế, phải… Có nghĩa là ta bắt đầu ôm một đống chữ để nặn một vóc người, bắt đầu đồng lõa với tác giả. Cuộc chất vấn xã hội, chất vấn con người đã trở thành cuộc xuyên tạc lời nói, cuộc hồi sinh ngôn ngữ, khiến nó không chỉ là một công cụ thông tin có định nghĩa, mà còn là một tiếng kêu, một giọng cười, một lưỡi dao thọc vào nhân cách của người đọc: nó đã thành nghệ thuật.

Nghệ thuật tiểu thuyết cần lòng nhân ái, thái độ nhân bản, sự hiểu biết sâu rộng, tay nghề, và… một chút men. Chút men đó là con người sáng tạo hồn người, sáng tạo sự thật của con người. Nó khiến tình cảm, lý trí đọng lại trong nét mực. Phải có nó mới có Ðẹp. Trong Ngoài khơi miền đất hứa có đoạn còn thiếu chất men đó. Có lẽ vì tác giả còn bị ảnh hưởng của một quan điểm đã thắt họng thơ văn Việt Nam từ hàng chục năm nay, biến thành thói quen của ngòi bút: sứ mệnh… rọi chiếu Sự Thật, giải thích suy nghĩ, tình cảm…

Cơn sốt điên đầu của Thảo, nhà văn nửa đời nửa đoạn, có đủ yếu tố để thành một bản tình ca cuộc sống, thế mà chỉ thành một đoạn nghị luận về sự cần thiết và giới hạn của pháp luật, sự chân thành hay giả dối của nhà văn.

Änh hưởng này đặc biệt tai hại khi nó thường xuyên chen vào dòng văn, làm dòng văn đứt đoạn. Thí dụ, sau khi tả Tuấn ngày đêm luẩn quẩn với mấy dòng chữ trên tường cũi tù, tác giả phê: Sách của anh đó, những cuốn sách viết bằng nước mắt những số phận bất hạnh. Lời bày tỏ tình cảm của tác giả khác gì một con dao thọc tiết nhân vật ! Những câu giải thích tình cảm của nhân vật, bày tỏ sự cảm nhận của người này đối với người kia có tác dụng làm cụt hứng người đọc. Nhưng đó là nhược điểm nhỏ của một quyển sách hay, trong đó một con chó cũng thành nhân vật, một cái hôn cũng lột trần một thân phận.

Ngoài khơi miền đất hứa là một tiểu thuyết đẹp về tình yêu, tình bạn, tình người của một thế hệ không mặc cảm, sẵn sàng gánh lên vai gia tài của một lịch sử tàn bạo, của một giấc mơ tàn nhẫn, đấu tranh với một bộ máy man rợ để cướp lại tương lai, tự tạo nhân cách. Có những đoạn văn tuyệt đẹp, như đoạn văn tả Mai vừa dẫn bạn đi bán trinh cứu mẹ, vừa cổ vũ:

– Mày cứ đòi bằng được nửa chỉ đeo vào tay rồi hãy cho nó. Ðừng khóc !

Mai nói thế nhưng nó cũng dơm dớm nước mắt.

– Chúng mình sinh ra phải số chó mực. Cứ thở dài đi cho nhẹ mình, nhưng phải hy vọng. Không còn cách nào khác đâu Hương. Ai rồi cũng có lúc qua cầu. Thằng đàn ông nào mà chẳng khốn nạn. Nhất là bọn giàu sang. Nó càng cao sang thì nó càng dí mình xuống đất. Cho thằng nào thì cũng thế thôi. Chỉ đau một tí tẹo, như cái kiến nó đốt, chảy một tí máu là xong.

Hương cởi quần áo, ngắm mình trong gương lòng vẫn dửng dưng thấy Có hai Hương, Hương này và Hương kia, trong gương, chỉ nhìn thấy mà không sờ tới được. Tý nữa Hương này sẽ bị bán. Cái Hương kia còn như cũ được không ? Hương vừa dội nước múc trong cái vại lớn vừa nghĩ ngợi, vui vui, không sợ, không buồn.

Khốn nạn quá. Ðáng yêu quá. Ðẹp quá. Lột xác chó để làm người, hôm nay, phải như vậy.

1990

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.