Ngô Liêm Khoan là một nhà thơ sinh sau 1975, đăng thơ trên nhiều báo từ 1995, có thơ in trong nhiều tuyển tập ở Việt Nam. Hai tập thơ riêng đã xuất bản: Trở mình trong máng xối (NXB Hội nhà văn 2007), Những tấm ván trên cầu Hiền Lương (NXB Trẻ 2014).
NLK nói về Thơ: “Nhà thơ sống thêm một ngày nữa để làm gì?
Đơn giản vì ở đó/Biết đâu còn một bài thơ đang chờ đợi” (trích từ bản thảo tập thơ Thêm một ngày để sống)
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương*
Hơn ba mươi năm cỏ mấy bận ngút xanh
Chỉ ngại lòng người chưa bén rễ
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng có hay không câu chuyện của riêng mình
Chúng có phân biệt được sắc cờ
Giữa hai giới tuyến
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và gánh trên mình thương tích
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng không có tay
Để ký vào điều khoản chia đôi
Chúng không có chân
Để chạy về bên này, bên khác
Chúng không có mắt
Để phân biệt MIG với B52
Chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và nhận về phần mình tan nát
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Chúng biết hay không biết số thứ tự của riêng mình
Giữa 450 tấm bên này
Và trong 444 tấm bên kia
Chúng có thù oán nhau không
Chúng có sơn vẽ trên mình những màu những sắc
Chúng có xẻ thân mình làm củi làm chông
Để sập, để cháy nhau trên dòng Bến Hải
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Và cõng trên lưng mình lịch sử
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Sau mấy mươi năm
Tấm còn
Tấm nát
Tấm bên này vẫn nằm phía bên này?
Tấm bên kia vẫn nằm phía bên kia?
Chúng có biết vui không
Khi chỉ thấy một sắc cờ
Chúng có biết vui không
Khi không còn giới tuyến
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Làm phận lát cầu
Vài trăm tấm phía bên này
Mấy trăm miếng phía bên kia…
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Những tấm ván đã thành bụi thành tro thành rều thành rác…
Chúng có quên ánh mắt phía bên này
Chúng có nhớ chớp lửa phía bên kia
Chúng có nguôi ngoai vết cháy thẫm máu người
Hay chúng chỉ là gỗ thôi
Đã xong phận lát cầu
Hay chúng đâu chỉ là gỗ thôi
Vì còn thấm máu người
Vẫn day dứt khôn nguôi
Nhịp cầu đã gãy…
Những tấm ván trên cầu Hiền Lương
Những tấm ván xẻ từ dãy Trường Sơn
Trong một sáng rạng ngời
Bắc qua dòng Bến Hải**
Những tấm ván
Vượt tầm đạn
Khuất tầm bay
Không đau đớn gót giày
Nối triệu bước chân còn buồn
Tới những nhịp rất vui***
Có hẫng hụt
Có mong manh
Như vắt bụi tro qua vực thẳm?
30/4/2012
————————————-
* Tháng 5/1952 thực dân Pháp xây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải gồm 7 nhịp, dài 178m, mặt lát bằng gỗ thông.
Năm 1954, theo Hiệp định Genève. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự.
Theo đó, “cầu Hiền Lương chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm.” (Nguyễn Tuân)
Chiếc cầu này tồn tại được 15 năm (từ 1952 đến 1967) thì bị bom Mỹ đánh sập.
** Năm 2002 – 2003, tỉnh Quảng Trị đã xây phục chế cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải; cầu dài 182,97m gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim. (Wikipedia)
*** “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. (Võ Văn Kiệt)
Dấu gạch ngang
Mỗi người đều có một năm sinh
Và một năm mất
Khoảng giữa là một dấu gạch ngang
Dấu gạch ngang minh chứng cho sự thật
Có một người từng sống ở thế gian
Hai điểm nối – hành trình người đã khuất
Của một quả tim ngừng đập nhịp nhàng
Có năm tháng chỉ ghi trên bia mộ
Có ngày giờ được khắc ở nghĩa trang
Kẻ may mắn còn in trong ruột sách
Kẻ hẩm hiu chẳng vụn giấy hóa vàng
Khi nhớ đến một người đã mất
Có thể quên những con số lạnh lung
Nhưng dấu gạch ngang – vô hình nhất
Nhắc rằng đây tim từng đập nhịp nhàng
Nếu đang sống ai là người bất hạnh
Hãy tạm quên lá số của đời mình
Nếu chẳng thể có điều gì để lại
Hãy để lại nơi này một dấu gạch ngang.
(1977 – 20xx)
Câu hỏi tháng ba
Thanh minh trong tiết tháng ba*
Cỏ xanh dọn mình chờ nhát cuốc
Tảo mộ
Tảo mộ
Tảo mộ
Ngôi mộ tiền kiếp nằm ở nơi đâu?
Buổi sáng tháng ba dội về câu hỏi…
Bia đá từng hàng khói hương nghi ngút?
Đụn đất mối đùn Trường Sơn lũ quét?
Vạt cỏ rợn xanh phủ gai gò đống?
Tấm bia lở lói quên mùi bổi nhang?**
Ngôi mộ tiền kiếp nằm ở nơi đâu?
Hơn ba mươi năm tôi cầm nén hương
Biết cắm vào đâu: quá khứ?
Chỉ cúi đầu trước cỏ tháng ba
Ngôi mộ tiền kiếp nằm ở nơi đâu?
Ngôi mộ tiền kiếp nằm ở nơi đâu?
Ngôi mộ tiền kiếp nằm ở nơi đâu?
Nơi đâu?
Nơi đâu?
Nơi đâu?
Cám ơn dòng nước sông mê
Tri ân từng thìa cháo lú
Để tôi còn
Không được dịp nhận ra…
Tôi quỳ xuống
Bên từng ngôi mộ
Những viên đạn ngược chiều nhau
Nếu còn sức bay
Hãy ghim ngay vào trái tim này
12/6/1977***
____________________________
* Thơ Nguyễn Du.
** Xin Người Đọc tự chú thích từng dòng cho khổ thơ này.
***12/6/1977 là ngày sinh tác giả. Không phải ngày viết bài thơ. Bài thơ được viết vào đầu Mùa tháng 4/2009, trong những ngày Lễ trọng 10/3 Âm lịch.
Nguồn: Những tấm ván trên cầu Hiền Lương, nxb Trẻ 2014