Bằng hữu đến với ra mắt sách “40 năm thơ Việt hải ngoại”(44): Phạm Phú Minh-Phạm Xuân

Nguyễn Đức Tùng

Nhà văn, nhà báo, điều hành Diễn Đàn Thế Kỷ, người ủng hộ nồng nhiệt tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại, bên cạnh Đinh Quang Anh Thái, Phan Tấn Hải, Đỗ Quý Toàn và nhiều vị khác, từ Người Việt và Việt Báo.
Các anh chị đã dành cho chúng tôi, nhà thơ Hoàng Hưng và các nhà thơ sự tiếp đón đầy tình cảm.
Cám ơn quý anh chị. Hẹn gặp lại.
NĐT.

Phạm Xuân Đài – Hà Nội Trong Mắt Tôi

Bài này tác giả viết năm 1989 khi còn ở Việt Nam. Đã được đăng trên báo Xuân Người Việt (Hoa Kỳ) năm 1990 và sau đó in trong cuốn tùy bút Hà Nội Trong Mắt Tôi, do Thế Kỷ (California) xuất bản năm 1994. Đây là cảnh tượng Hà Nội, tuy đã bước vào con đường “đổi mới” được mấy năm, vẫn còn mang nặng dấu ấn xã hội chủ nghĩa trước khi đón nhận các đổi thay đến từ các nước tư bản. Có thể xem bài này là một tài liệu ghi lại chứng tích của một thời.
(Tác giả)

Ngày xưa khi Lãn Ông được Chúa Trịnh mời lên kinh đô chữa bịnh, lúc về có viết tập Thượng Kinh Ký Sự kể những điều mắt thấy tai nghe ở chốn kinh thành, nhất là cảnh trong phủ chúa. Nay tôi vì có việc riêng phải đi Hà Nội, cũng là một lần “thượng kinh,” mà lại là lần đầu tiên nên lòng ngổn ngang cũng muốn ghi lại ít điều nghe thấy và cảm xúc, mặc dù hoàn toàn không dám so sánh với việc viết ký sự của Lãn Ông.
Bây giờ thì Hà Nội chẳng còn xa lạ đối với người miền Nam như mấy mươi năm trước nữa. Thế thì còn gì để mà nói nữa không? Có lẽ còn, có thể còn nhiều, tùy theo mỗi cá nhân đến với Hà Nội. Nếu Hà Nội chỉ là một thành phố – dù là thành phố thủ đô nữa – bình thường thì quả chẳng có gì đáng nói mấy nữa, thế nhưng đối với mỗi người Việt Nam, Hà Nội luôn luôn vượt quá khuôn khổ một đô thị mà thành một tượng trưng tinh thần, một loại quê hương cũ trong tâm thức.
Sau gần hai giờ bay từ Tân Sơn Nhất, máy bay nghiêng cánh vòng vào đất liền, cho thấy một vùng biển xanh nhuốm một mảng màu đỏ, bất giác tim tôi đập mạnh và tôi trải qua cảm xúc đầu tiên khi thấy dấu hiệu của sông Hồng. Bao nhiêu bài địa lý tôi đã học về con sông này như chỉ để chuẩn bị cho giây phút xúc động bàng hoàng vì màu đỏ tươi của nước sông hiện ra trước mắt. Hồi nhỏ khi đọc Anh Phải Sống của Khái Hưng thấy tác giả ví chiếc thuyền con đi vớt củi trên sông Hồng như “con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son,” tôi biết tác giả nói đến màu đỏ của nước sông, nhưng vẫn không hình dung nổi con sông đỏ là như thế nào. Máy bay càng vào sâu, mắt tôi không rời con sông đẹp đẽ màu đỏ sinh động ngoằn ngoèo trên một nền xanh lơ. Một khai tấu khúc thật đắt cho bản nhạc dạo chơi Hà Nội sắp tới.
Cảnh tượng thành phố
Hồ Gươm, một trong những điểm trông đợi nhất của một du khách lần đầu tới Hà Nội, đã hiện ra trước mắt tôi bất ngờ và dễ dàng hơn tôi tưởng rất nhiều. Xe của Hàng không đổ khách tại một nơi rất gần hồ, xuống xe mới quanh quẩn mấy bước ngỡ ngàng đã tình cờ tới bờ hồ. Thăm những nơi danh tiếng, điều tôi ngại nhất là sự thất vọng; khi cảnh không đẹp và lạ như mình tưởng thì có vẻ như uổng phí cho bao nhiêu tưởng tượng đẹp đẽ mình đã dành cho nơi ấy. Thế nhưng Hồ Gươm không làm tôi thất vọng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hà Nội là một ấn tượng tốt: hồ rộng và êm dịu như chờ đón để làm tôi khoẻ khoắn sau chuyến bay dài, giữa một buổi chiều hè. Đưa mắt lướt xa trên mặt nước xanh, nhìn dãy cây cối xum xuê viền quanh hồ một cách thanh lịch như lối trang điểm đúng mức của một cô gái con nhà và nền nã, tôi thấy rất bằng lòng thoát ra hẳn nỗi lo sợ thất vọng. Tôi biết rồi đây khi nhìn hồ từ nhiều phía khác nhau tôi còn sẽ bị chinh phục nhiều nữa. Ô nhưng cái gì thế kia? Trên đỉnh Tháp Rùa có một ngôi sao! Cái này ra ngoài dự kiến của tôi về cảnh trí ở đây. Tôi chợt hiểu và liên tưởng ngay đến các ngọn tháp chuông ở điện Cẩm Linh mà tôi thấy trên báo chí Liên Xô, trên mỗi tháp cũng có gắn một ngôi sao. Dấu hiệu của Cách Mạng. Chỉ tiếc khi nhìn ngôi sao trên đỉnh tháp Rùa thì trí tưởng tượng của tôi về câu chuyện con rùa đòi thanh gươm của Lê Lợi không thể nào hoạt động được, nó tê cứng như con chuột bị con rắn thôi miên vậy. Tôi tự hỏi có phải trong trường hợp nào cũng cần phải đem cái hiện tại đè lên trên cái cổ truyền như thế không. Thỏa mãn một nhu cầu nhất thời có khi lại làm hại một sự thành tựu đã lâu đời. Và nếu “ý chí” muốn rằng cái nhất thời phải thành vĩnh viễn trong tương lai thì nên tạo ra một công trình mới, ở chỗ khác, chứ sao lại sống tầm gửi vào những gì đã thành lịch sử như thế.
Hà Nội quả là một thành phố đẹp. So với những thành phố khác mà người Pháp đã xây dựng trên nước ta như Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt thì Hà Nội được xây dựng với một chủ đề văn hóa rõ rệt và công phu nhất. Họ xây dựng công thự, khu hành chánh, những “khu phố tây,” nhưng đồng thời cũng trân trọng giữ lại phần Hà Nội cổ với khu buôn bán, khu cổ thành và các di tích. Có thể thấy rõ sự cố gắng của họ để cái mới và cái cũ cùng tồn tại cạnh nhau mà không làm hỏng nhau, và để đạt được điều đó, mỗi một kiến trúc mới của họ đều có một trình độ mỹ thuật cao và mang đầy tính văn hóa, tính cổ điển, sao cho phù hợp với quần thể kiến trúc sẵn có nơi kinh đô chính trị văn hóa nghìn năm của ta. Các tòa nhà như dinh toàn quyền, viện Bác Cổ, nhà Hát Lớn… đều được vẽ kiểu tráng lệ mà có một vẻ đẹp sâu thẳm như gắng chứa đựng trong đó cả chiều dày đời sống tinh thần nghìn năm văn hiến của đất cố đô cùng cái rực rỡ của nền văn minh Pháp. Các biệt thự ẩn hiện sau các hàng cây rợp bóng ven đường thì mỗi cái có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật, liên kết cùng nhau thành một tổng thể hòa hợp, duyên dáng đến làm mê lòng người. Sài Gòn rộng lớn hơn nhưng không hề có dấu vết của một sự cố công như thế, mọi cái ở đây rất loãng và thờ ơ trong khí hậu nắng nóng quanh năm và trong sinh hoạt chủ yếu về thương mại, kỹ nghệ. Phải nhận rằng người Pháp là những tay cự phách trong thiết kế đô thị. Quanh hồ Hoàn Kiếm, với Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn nổi tiếng của lịch sử ta, họ đã không xây một tòa nhà nào cao quá hai tầng, như là một sự nghiêng mình kính cẩn tôn trọng những dấu vết của quá khứ; cũng nhờ đó hồ luôn luôn giữ được sự êm dịu, thoáng và đầy vẻ tôn kính vì không có những cái vượt cao đột biến, hỗn láo, kệch cỡm. Hiện nay bên hồ đã xuất hiện hai công trình cao trên ba tầng (có một cái đến năm sáu tầng) mới thực hiện, như vài nốt chõi lạc lõng trong một bản nhạc êm ái bậc thầy. Nhưng một vài thì còn khả dĩ chấp nhận được, nếu nhiều hơn thì cả cái hồn của vùng hồ Hoàn Kiếm ắt phải thay đổi. Cái hồn đó tuy không cụ thể, cũng cần trân trọng vì đó chính là truyền thống, cũng cần coi như một di tích được xếp hạng.
Phần cũ của cố đô được giữ gìn cẩn thận. Khu buôn bán cũ đường hẹp, phố nhỏ, dọc ngang chằng chịt, lại mang nguyên tên những cái “hàng” xưa, gợi nhớ sinh hoạt phường hội ngày trước. Nhiều nhà vẫn giữ dáng vẻ của những thế kỷ trước, với kích thước phần nhiều rất hẹp, đôi cái hẹp đến độ đáng kinh ngạc, tôi thầm nhủ cao trên 1.70m như tôi chưa chắc đã có thể nằm ngang trong những cái nhà ấy. Thế nhưng chúng vẫn có mặt với phố phường, và vẫn là một đơn vị cửa hiệu. Ngoài những Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Đào… đã được nghe nhắc nhở trong sách vở, còn có rất nhiều hàng khác, lắm cái nghe rất lạ, khiến ta không ngờ ngày xưa các loại hàng hóa được phân chia khu vực buôn bán chi tiết đến thế. Về thực phẩm có Hàng Bún, Hàng Cá, Hàng Cháo, Hàng Chuối, Hàng Dầu, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Đường thậm chí có cả Hàng Rươi. Tiểu thủ công nghiệp có các Hàng: Bạc, Bài, Cót, Da, Điếu, Đồng, Mã, Giầy, Giấy, Nón, Vải, Trống, Phèn, Quạt, Vôi, Thiếc, Mành, Tre, Thùng, Cân; trong mục này có lẽ phải kể thêm phố Hỏa Lò vốn ngày xưa bán lò để nấu nướng, nhưng ngày nay Hỏa Lò gắn chặt với tên nhà tù nằm trên phố ấy nên ít ai tưởng tượng được rằng nguyên thủy đây chỉ là một nơi bán một vật dụng rất hiền lành cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của dân chúng; thậm chí có người còn hiểu rằng Hỏa Lò là cái tên đích thực của nhà tù, nói lên tính chất chật chội, nóng bức, ngộp thở của nhà tù ấy. Một vài nơi để bán nông sản như Hàng Khoai, Hàng Gai, Hàng Đậu, Hàng Gà, lâm sản như Hàng Bè (ắt là nơi bán gỗ), Hàng Than, nhưng có một cái hàng rất lạc lõng chẳng biết bán gì, là Hàng Ngang – chắc chỉ là một phố nằm ngang, nhưng tại sao lại gọi là Hàng Ngang, thay vì phải gọi là Phố Ngang? Sự hình thành một cái tên gọi, trải qua nhiều thời gian, lắm khi trở thành một câu đố cho đời sau. (Một bà bạn của tôi, vốn dân Hà Nội cũ, đã nói đùa rằng Hàng Ngang là nơi bán… cua!). Đa số các hàng chỉ còn là cái tên gọi, còn hàng hóa thì đã “hiện đại hóa,” phố nào cũng đầy quần áo giầy dép, hàng Trung Quốc và hàng Thái Lan. Hàng Mã có lẽ là nơi duy nhất giữ nguyên truyền thống, bán toàn đồ mã. Một vài hàng khác giữ được một phần, như Hàng Da thấy bán nhiều sản phẩm da và giả da hơn các nơi khác, và nếu tôi nhớ không lầm thì Hàng Bạc có nhiều hiệu kim hoàn. Ở các khu phố cổ này hình như không có quốc doanh, đó cũng là một nét giữ gìn được không khí cổ truyền. Chợ Đồng Xuân không gây được một ấn tượng đặc biệt nào cho tôi về buôn bán, ngoại trừ nghề móc túi, nếu có thể gọi đó là một nghề. Lý do đơn giản là tôi đã bị móc túi tại đó, mặc dầu cảnh giác tối đa.
Từ lâu trước khi đi thăm Hà Nội, các di tích của Hà Nội đã nằm trong tâm khảm của tôi. Có một cậu bé nào học văn học và lịch sử Việt Nam lại không gặp và nhớ mãi những cái tên mà cậu ta lờ mờ thấy đó là một phần quá khứ của mình: hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Đống Đa, năm cửa ô, đê Yên Phụ, v.v…? Trong nước có nhiều nơi thắng cảnh nổi tiếng, một học sinh từ bé có thể đã nghe nói đến nhiều lần như Nha Trang, Đà Lạt, Hà Tiên, Sa Pa, nhưng những cái tên này không bao giờ mang được một trọng lượng tình cảm như các địa danh của Hà Nội.
Kinh đô của Việt Nam đã đóng tại Hà Nội từ đời nhà Lý, và chỉ chính thức chuyển vào Huế từ đầu thế kỷ 19, thế mà tại Hà Nội không còn một đền đài cung điện nào của vua chúa, ngoại trừ một vài dấu vết mơ hồ như cột cờ, được xây nhiều tầng, mà tầng dưới cùng nghe nói được xây từ đời nhà Lý, và cái thành cổ. Thành này được đóng khung bởi các con đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Điện Biên Phủ và Trần Phú, nay là nơi đóng của Bộ Quốc Phòng, và dân Hà Nội gọi đùa là Lầu Năm Góc Việt Nam. Dân thường dĩ nhiên không được phép vào trong thành, và đi giáp vòng bên ngoài thì dấu tích có giá trị duy nhất là Cửa Bắc với một vết đạn đại bác bằng cái nón lá, do quân Pháp bắn lần tấn công thành mà tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết.
Tại Hà Nội công trình có tính cách quốc gia duy nhất xây dựng từ các triều đại trước còn lại nguyên vẹn cho đến ngày nay có lẽ là Văn Miếu. Các đền đài cung điện lăng tẩm ở Huế mặc dù hoàn chỉnh hơn, rực rỡ hơn vẫn không cho ta một cảm giác sâu thẳm về thời gian, niềm hãnh diện về văn hiến và tình cảm về tổ tiên mạnh mẽ như Văn Miếu. Di tích Huế chỉ mới như một kẻ vào độ tráng niên, trong khi Văn Miếu là một cụ già thông thái và hiền từ râu tóc bạc phơ đang mỉm cười với con cháu. Bước vào cổng tam quan đi dưới bóng cây cổ thụ um tùm, qua một lớp thành nữa, rồi đến hồ, bia đá và rùa đá sắp hàng, rồi một lần cổng, rồi sân đá rộng thênh thang, rồi đền thờ, cứ vào, vào mãi như đi vào cái hun hút của lịch sử, như lần đến vùng thông tuệ của tiền nhân. Nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc có văn hiến là một điều rất trừu tượng, nhưng đi vào Văn Miếu thì tức là đắm mình vào và hít thở chính cái văn hiến ấy. Tôi nghĩ không riêng người Việt Nam mà cả người ngoại quốc cũng có thể cảm thông điều ấy khi đi vào đây, giống như ta có thể sờ thấy nền văn minh cổ Hy Lạp khi thăm viếng các di tích Athènes vậy. Những nơi thật sự biểu hiệu cho một nền văn hóa và văn minh cao đều có thể gợi cho tất cả những con người văn minh trên quả đất này cảm tưởng bắt gặp một cái gì đó quen thuộc, thuộc vào một kho chung của nhân loại. Những con rùa đá kiên nhẫn đội những bia đá tiến sĩ hàng ngàn năm là để làm chứng rằng vào năm mão tháng mão của một triều đại có những con người đã vươn tới bậc thang cao nhất của trí tuệ vào thời đó. Làm chứng không phải để con cháu lấy đó làm chỗ ỷ lại mà luôn miệng rằng cha ông ta đã thế này thế khác, mà chỉ như ghi một cái mốc tiến bộ để đời sau phải vượt cao và xa hơn nữa. Nơi đâu trên trái đất loài người cũng mở mang dần từ thấp tới cao, cũng ghi dấu tiến lên như thế, và nếu gộp lại thì thành nền văn minh chung của hành tinh dù mỗi nơi vẫn có cái tiểu dị. Một nước dù tài giỏi đến đâu mà tách riêng ra khỏi cái chung ấy, đóng cửa lại để cứ ngắm nghía mình mà khen ngợi rồi thì sẽ cô độc ghê gớm, rồi sẽ xanh xao bệnh hoạn.
Tôi không ngờ Hà Nội là xứ có nhiều nước đến vậy, điều rất quí cho một đô thị. Ngoài con sông Hồng nước đỏ chảy xuôi ngay bên cạnh, Hà Nội còn có rất nhiều hồ nước xanh lặng lẽ như mặt gương. Được biết đến nhiều nhất dĩ nhiên là Hồ Hoàn Kiếm nằm ngay khu trung tâm, rồi đến hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Trúc Bạch, hồ Tây và vô số các ao hồ không tên khác, nếu cộng tất cả diện tích mặt nước lại có lẽ sẽ lớn hơn một phần năm diện tích của bốn quận nội thành (là các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng). Hồ nào cũng đẹp và thơ mộng, cũng có vô số cây cối ven bờ soi mình dưới bóng nước. Đặc biệt hồ Tây rộng lớn như biển, lúc có gió lớn thì sóng cuồn cuộn làm lật thuyền như chơi. Có lẽ nhờ cái tính chất vừa hiền vừa dữ, vừa êm dịu, vừa mạnh mẽ đó mà hồ Tây đã là nơi phát sinh ra hai bài phú nổi tiếng Tụng Tây Hồ và Chiến Tụng Tây Hồ giữa một thời đất Bắc Hà trải qua những rung động lớn lao do thời cuộc chính trị phức tạp.
Cầu qua sông Hồng
Vì thủ đô nằm ngay bên hữu ngạn, tức bờ Nam của con sông Hồng nên cầu bắc qua sông Hồng là nhu cầu tối cần thiết để liên lạc với phần đất quan trọng nằm phía Bắc. Từ Hà Nội muốn đi Lào Cai, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng đều phải qua sông Hồng. Ngày xưa Tôn Sĩ Nghị chiếm xong Thăng Long là làm ngay cầu phao qua sông Hồng – cái cầu chiến lược – nhờ thế mới thoát thân chạy kịp về Tàu, nhưng vẫn không tiên liệu được nhu cầu quá lớn của quân Thanh tranh nhau chạy qua cầu trước sức tấn công của vua Quang Trung nên mới có cảnh “lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông.” Cầu Paul Doumer, nay là Long Biên, người Pháp làm đầu thế kỷ này, dưới mắt tôi là một công trình nghệ thuật hơn là một phương tiện giao thông huyết mạch, mặc dù qua chiến tranh cầu đã không còn được nguyên vẹn như xưa. Toàn ghép bằng sắt Eiffel, cây cầu uốn lượn nhấp nhô như các đợt sóng, nối hai bờ con sông đỏ, làm tôn vẻ đẹp kiêu kỳ của Hà Nội lên nhiều lắm. Từ lúc cất xong cho đến cuối cuộc chiến tranh vừa qua, đó là phương tiện đi lại duy nhất cho xe lửa, xe hơi, xe thô sơ và người đi bộ. Hiện nay đã có thêm hai cầu mới là Chương Dương và Thăng Long nên Long Biên chỉ còn dành cho xe lửa và người đi xe đạp. Cầu Chương Dương được cất song song và cách cầu Long Biên không xa, hiện đang gánh chịu hết trọng lượng của mọi loại xe có máy, từ xe vận tải khổng lồ đến chiếc Honda 50 phân khối, nhưng những thứ thô sơ như xe đạp, xe bò thì bị cấm. Cầu này là niềm hãnh diện của kỹ thuật xây cầu miền Bắc, niềm hãnh diện được truyền tụng trong nhiều giới Hà Nội như là một công trình “hoàn toàn Việt Nam.” Xem kỹ thì đó quả là một cái cầu khá lớn bắc qua một con sông lớn, nhưng cũng chỉ là một cái cầu bình thường về nhiều phương diện, nhất là về mỹ thuật, và chắc là bất cứ hãng thầu làm cầu nào của miền Nam trước đây cũng có thể làm được. Ở Bắc hay có khuynh hướng “thần thoại hóa” nhiều cái thực ra chỉ là rất bình thường ở các nơi khác. Khuynh hướng ấy đang ngày càng bớt dần khi nhãn quan của người dân ngày càng được mở rộng.
Cầu Thăng Long do Liên Xô giúp xây dựng là một công trình lớn, một trong những cái cầu đặc sắc mà tôi đã từng thấy. Nằm tít trên mạn tây bắc thành phố, cách trung tâm Hà Nội dễ cũng gần 20km, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng gồm có hai tầng, tầng dưới là đường xe lửa và một lối cho xe thô sơ, tầng trên bằng bê tông rộng thênh thang dành cho xe hơi và xe gắn máy. Điều nghịch lý ở đây là tuy cầu có nhiều ưu điểm như thế nhưng xe cộ rất thưa thớt, xe lửa thì không chạy, và đường dành cho xe thô sơ thì trống rỗng. Sau mười năm xây dựng, cầu Thăng Long chỉ mới được khánh thành khoảng vài năm nay và nó chứng tỏ không đáp ứng gì cho nhu cầu “qua sông” của Hà Nội và các nơi muốn về Hà Nội. Xe lửa vẫn qua cầu Long Biên và các loại xe khác thích dùng cầu Chương Dương hơn vì lý do giản dị là gần gụi và nhanh chóng. Muốn qua cầu Thăng Long, tàu lửa từ ga Hàng Cỏ phải đi xuống mạn nam, đâu như đến Phủ Lý mới bắt đầu vòng lên phía Bắc và lấy trớn để qua cầu, và từ các nơi bên kia sông dĩ nhiên cũng phải làm một vòng xa xôi như thế mới đến được ga Hàng Cỏ. Ngay xe của Hàng Không đi về sân bay Nội Bài, thuận đường với cầu Thãng Long, thế mà vẫn không dùng nó mà thích qua cầu Chương Dương. Người ta không thể tự hỏi: Thế thì xây cây cầu Thăng Long để làm gì? Luận chứng kinh tế ra sao? Tôi không có một tài liệu nào trong tay, cũng chưa nghe ai có thẩm quyền giải thích, nhưng có thể đoán ý đồ xây cầu là nhằm vào tương lai hơn là hiện tại. Đến một tương lai dự kiến nào đấy thành phố Hà Nội sẽ phát triển rộng lên vùng ngoại thành tây bắc chẳng hạn, và cây cầu Thăng Long sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại lúc ấy. Chỉ có cái “lúc ấy” là lúc nào thì tôi không thể nhìn thấy được, vì với đà phát triển và kinh tế của Hà Nội như hiện nay thì tôi có cảm tưởng Hà Nội sẽ chẳng bao giờ lan rộng đến cây cầu ấy cả. Với nhiều cái khác, cây cầu cũng đang ở vào thời kỳ quá độ. Một thời kỳ vô tận. Còn một giả thuyết cuối cùng tôi mới nghĩ ra, nhưng chắc nhiều người đã nghĩ ra rồi, là cầu này được xây chẳng cần luận cứ gì cả, mà chỉ vì ý thích làm một cái gì lớn lao, thế thôi.
Người Hà Nội
Về người Hà Nội và nếp sống Hà Nội, từ nhỏ qua sách vở tôi hiểu là đồng nghĩa với thanh lịch: lời ăn tiếng nói bao giờ cũng văn vẻ và lễ độ; cử chỉ ân cần lịch thiệp; áo quần tề chỉnh, đẹp đẽ; món ăn thức uống ngon miệng, tinh tế; trẻ con ngoan ngoãn “con nhà”; còn các cô gái thì…phải chăng “con gái Hà Thành” đã là cái nổi tiếng nhất của Hà Nội xưa, các cô xinh đẹp kiêu sa mà tự nhiên cộng với một nền giáo dục gia đình và xã hội rất nền nếp, một thời là biểu trưng cho cái đẹp của Hà Nội. Có thể tôi đã tưởng tượng quá đáng, con người của Hà Nội tiền cách mạng có lẽ không hoàn hảo đến như vậy, nhưng cái xã hội mà tôi gặp bây giờ thì khác xa điều mà tôi đã tưởng từ trước. Thanh lịch, đúng là chuyện thuộc về lịch sử, đó là thứ xa xỉ ngày nay. Đi quanh khu trung tâm đông đúc với những phố buôn bán sang trọng ngày xưa mà nay thay thế bằng cửa hàng mậu dịch quốc doanh, hầu như tôi không gặp một người nào ăn mặc đẹp đẽ một tí. Y phục phổ biến của đàn ông là đầu đội nón cối, quần áo bộ đội hoặc giống như bộ đội, nghĩa là sẫm màu và nhàu nát. Đàn bà thì hơi kiểu cách hơn, thường là quần tây, áo sơ mi, nhưng màu sắc rất khiêm tốn, lối may cắt đơn giản. Có thể nói ở thành phố này không có ý niệm về mặc đẹp, ít nhất là trong ngày thường (còn ngày lễ tết ra sao thì tôi chưa được gặp). Thỉnh thoảng cũng có thấy các cô các cậu thanh niên ăn mặc theo mốt mới, nhưng hầu hết không đạt được sự đồng nhất giữa áo quần và cốt cách. Hà Nội có nhiều cô gái đẹp, đẹp tự nhiên, không son phấn, nhưng tôi vẫn thấy không được “Hà Nội” lắm, có lẽ do phong cách của họ.
Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, đừng nói gì đến văn vẻ. Mua một cái tem ở Bưu Điện, ăn một cốc kem bên bờ hồ đã được nghe những câu trả lời chỏng lỏn lạnh lùng, có khi thiếu lễ độ, như mình là người đến để làm phiền người ta vậy. Một cử chỉ ân cần, một thái độ tử tế là biểu hiện trực tiếp của một người có lòng ân cần, tử tế, và một sự hòa hợp mà xã hội tạo ra cho các thành viên của nó; đó là điều hiếm hoi ngày nay. Có lẽ vì thế mà điện ảnh Trần Văn Thủy mới bỏ tâm huyết làm hai cuốn phim Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế, có tính cách cảnh tỉnh người Hà Nội. Thái độ lạnh lùng hoặc dữ dằn thô lỗ rất thường gặp, nhất là trong giới trẻ làm ăn. Tôi có ngỏ các nhận xét này với một người Hà Nội lớn tuổi khả kính, ông buồn rầu bảo tôi: “Quả có thế, tính cách người Hà Nội ngày nay đổi khác nhiều. Theo tôi có nhiều lý do: người Hà Nội gốc, đã một thời làm nên cái phong cách Hà Nội, hiện nay còn lại ở thành phố này không bao nhiêu, họ đã ra đi hầu hết qua các biến cố của lịch sử. Dân Hà Nội mà ngày nay ông thấy đông đúc đấy là từ các nơi đổ về sau 1954: ở miền Nam ra, từ vùng Thanh Nghệ đến, và từ hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, họ thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau, trình độ khác nhau và cùng nhau tạo nên một lớp ‘dân Hà Nội’ mới. Đâu phải một sớm một chiều mà có được một nền nếp như trước đây, thưa ông, phải nhiều thế kỷ, phải hàng nghìn năm! Mà phải là ở trong một môi trường văn hóa chính trị có văn hiến kia, mới được như thế. Còn Hà Nội mấy mươi năm qua thì chưa có được sự ổn định đó đâu, nó sống trong một sự thay đổi tận gốc rễ, và luôn luôn ở trong tư thế đang thành hình một cái gì đó, nhưng cái sẽ đến thì chưa định hình, nghĩa là tất cả còn đang thử nghiệm, cho nên cả tính cách con người nó cũng trôi nổi lắm. Tôi có cảm tưởng tính cách đó chỉ là tập hợp một số phản ứng thông thường của con người với đời sống, có khi rất bản năng, chứ chưa bắt rễ vào một nền tảng vững chắc nào về tinh thần. Trong khi đó lại thêm chiến tranh, lại thêm nghèo cực, những thứ chẳng tốt lành gì cho một đời sống ổn định và tốt đẹp.”
Phải là dân Hà Nội chính cống, rất ý thức về bản thân mình và dõi mắt quan sát Hà Nội qua suốt cuộc đời của mình mới có được các nhận xét như thế. Tôi được biết tại Hà Nội bây giờ có một số gia đình nền nếp gia phong, mặc cho xã hội biến chuyển họ vẫn giữ niềm tin chắc chắn vào cái tốt đẹp của nền tảng gia đình, và có thể những năm trước họ bị phê phán là còn nặng tư tưởng phong kiến, nhưng càng ngày sự thật càng nghiêng về phía họ. Liệu con cái của họ có đủ sức đóng vai những tế bào lành mạnh còn sót lại và từ đó nhân ra để tái tạo sự lành mạnh cho cơ thể xã hội? Người ta có thể dễ dàng gặp những câu nói khá tục tĩu từ cửa miệng nhiều người, kể cả các cô gái xinh xắn. Nhất là từ “đ…” thì đã đến lúc dùng phổ biến như một từ ngữ phủ định để thay thế cho tiếng “không”. Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ với bạn: “Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.” Cái chữ tục khá cấm kỵ đó đã được đối đáp rộng rãi đến nỗi trong giới trí thức người ta đã đố nhau dịch ra chữ nước ngoài câu này: “Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho! Mẹ mày xin lửa bố tao đ… được.” Thật là một trò chơi chữ gay go. Trong một câu mà chữ ấy vừa được hiểu như từ ngữ phủ định vừa như một động từ chỉ sự làm tình thì làm sao dịch ra một thứ tiếng nào được! Âu cũng là một tiếp nối truyền thống tiếu lâm của dân tộc giữa một biến đổi lớn về cốt cách và ngôn ngữ thông dụng trong quần chúng.
Không biết cái gì đã dẫn dắt rất nhiều người đến cái tâm lý mà tôi cho là bệnh hoạn: người ta có thể thản nhiên phá hoại nhiều cái rất quý của xã hội chỉ để thủ cho mình một cái lợi rất nhỏ.
Ví dụ một người đã phá vỡ một cái ống nước để chỉ cốt hứng mấy xô nước. Hà Nội thiếu nước trầm trọng. Một nước phương Tây đang giúp xây dựng một hệ thống nước máy, nhưng mới làm được một nửa thì họ phải ngưng vì cái nửa vừa lắp đặt xong ống sao mà tiêu thụ nước dữ quá, ra ngoài mọi dự kiến cung cấp nước của họ. Họ đâu có biết là bao nhiêu người đã đập vỡ ống nước mới đặt xong chỉ cốt để lấy nước cho gia đình mình, rồi sau đó bỏ mặc cho nước tha hồ chảy 24 trên 24 tiếng! Ăn cắp nước chỉ là chuyện vặt, mà thái độ thản nhiên phá hoại như thế thì đúng là tội ác. Người ta có thể kể vô số những việc tương tự xảy ra hằng ngày trong xã hội.
Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút ít tiền, có thể đốt hết một kho hàng hóa để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao, ngay cả một xí nghiệp của nhà nước có thể chỉ vì tiện lợi cho việc xây cất của xí nghiệp mình, phá hỏng cả một hệ thống đường cống khiến cho cả một vùng bị ngập lụt mỗi khi trời mưa. Đấy là đối với của cải vật chất. Đối với mạng người cũng có một sự thản nhiên không kém để tàn hại nhau. Một người kể với tôi rằng một hôm trên đường đi làm về bà ta thấy một kẻ nọ đang cầm búa phá ống nước, xót quá bèn can ngăn, thì được trả lời rất lạnh: “Đi đi, muốn cho một búa không?” Các nhà xã hội học và đạo đức học có lẽ phải nhức đầu tìm cho ra nguyên do phức tạp nào dẫn đến sự băng hoại con người đến như thế, mà theo tôi kinh tế là động lực quan trọng nhưng không phải là tất cả, còn phải kể đến tình trạng luật pháp, về hệ thống giáo dục, về quan niệm nhân đạo, và xa xỉ một chút, cả tình hình tôn giáo trong một xã hội nữa. Nhưng có lẽ ai cũng đồng ý điều rõ rệt này là con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá. Anh tốt lành với tôi thì cớ gì tôi lại phá nát anh ra như vậy? Chỉ vì anh tước đoạt của tôi mọi thứ, anh chèn ép tôi nghẹt thở, anh không cho tôi sống ra con người thì đến phiên tôi, tôi cho anh biết tay! Giữa anh và tôi không còn tình nghĩa gì, chẳng còn mối tương quan tốt đẹp nào, thôi đó cũng là luật gieo gì thì gặt nấy vậy.
Thời gian ở Hà Nội tôi được đi xem vở kịch Trái Tim Chó trình diễn tại nhà hát lớn. Vở kịch này do một nhà viết kịch Liên Xô viết từ năm 1925, và đã bị cấm tại quê hương của nó từ bấy đến thời kỳ đổi mới gần đây mới được xuất hiện trước công chúng. Đó là một câu chuyện nửa khoa học viễn tưởng, nửa ẩn dụ, mượn cớ một thành tựu khoa học lạ lùng để báo động về sự suy vi của con người trong một thời đại. Một người bị tai nạn vừa mới chết, được một giáo sư bác sĩ thay cho một trái tim chó và được cứu sống, nhưng sau đó với tính cách nửa chó nửa người, kẻ ấy đã thâu thái tất cả những cái kệch cỡm, vô giáo dục, vô nhân đạo đã một thời là nét nổi bật của xã hội chung quanh và thành một “người” không thể nào chịu nổi, đến nỗi cuối cùng vị bác sĩ đã quyết định giải phẫu vứt bỏ trái tim chó kia đi và tuyên bố: đã có các bà mẹ tạo ra con người, khoa học không được làm chuyện ấy. Các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mới tiến bộ có chút xíu, con người đã có ảo tưởng mình đã nắm được mọi thứ qui luật, và đã có thể “thế thiên hành đạo,” và thế là sa vào tai họa, như vị giáo sư kia đã làm. Các nghệ sĩ sân khấu Hà Nội đã nhanh nhạy nắm bắt được sự liên quan giữa tình hình con người ở đây, bây giờ và cái con người vong thân do vị bác sĩ tạo nên trong vở kịch, đưa ra trình diễn vở Trái Tim Chó rất sớm sủa như một mũi tên bắn trúng đích.
Nếp sống Hà Nội
Nếp sống của dân Hà Nội ngày nay không phải là nếp sống đô thị đích thực. Ngoại trừ các khu phố tây xưa còn giữ một phần nào cốt cách vì đây là nơi đóng các cơ quan cao cấp của nhà nước và các đại sứ quán, cùng là nơi ở của các nhân vật quan trọng, các nơi khác trong thành phố rất luộm thuộm, nửa tỉnh nửa quê. Hầu hết những ngôi nhà mà dáng vẻ của chúng cho thấy xưa kia là những biệt thự đẹp và bề thế nay đều tiều tụy với những tấm tôn che tạm, những tấm cót thay cho cửa kính bể, khói ám khắp nơi vì nhiều hộ ở chung đun nấu, tường mấy mươi năm chẳng hề quét vôi, cống rãnh lênh láng…
Chỗ nào cũng thấy chắp vá, như dựng thêm một chái nhô ra lề đường để buôn bán, làm thêm nhà phụ bằng vật liệu thô sơ, v.v… chứng có chẳng có luật lệ gì về thiết kế và thẩm mỹ đô thị, hoặc có mà chẳng ai theo, vì mọi người ai cũng chật vật và luộm thuộm như ai, từ người giữ luật cho đến dân thường. Càng đi xa khu trung tâm nhà cửa càng buồn tẻ. Những cái cất đã xưa thì cũ kỹ, cái cũ kỹ nhếch nhác chứ không phải có giá trị như một món đồ cổ như nhà cửa ở Huế, những cái mới thì xây cất tùy tiện, kiểu mẫu tự do, phần nhiều là đơn sơ và thô kệch. Người nơi khác đến đây thấy rất rõ là ở đây không có ý niệm về đời sống của một đô thị văn minh. Rất nhiều ngã tư có trang bị hệ thống đèn giao thông nhưng không nơi nào dùng cả. Heo gà nuôi trong nhà là điều phổ biến. Các mảnh sân, vườn nếu có đều được trồng rau thay vì trồng hoa. Sáng sáng có những người dáng dấp thôn quê đạp xe có hai cái sọt phủ lá kín cột phía sau: họ đi chở phân người, chắc hẳn lấy ở một cầu tiêu tập thể nào đấy. Có thể nói đây là một môi trường sống độc đáo trong đó hai yếu tố thành thị và nông thôn trộn lẫn với nhau một cách “nhuần nhuyễn” đến nỗi người ta không cảm thấy cái này làm khó chịu cho cái kia. Một hình ảnh đã thành cổ điển của thôn quê Việt Nam, đặc biệt là các làng ở Bắc Bộ, là quán nước chè: dưới tấm liếp che tạm, một nồi nước chè, ít cái bánh kẹo, mấy cái bát úp trên cái chõng tre, một cái điếu cày… Lạ thay, ở Hà Nội, chốn kinh kỳ, loại quán nước như thế này lại rất nhiều, vỉa hè nào cũng có. Nó gọn nhẹ và tân tiến hơn ở thôn quê một tí: nước đựng trong bình tích, uống bằng cốc, một cái đèn hột vịt vặn nhỏ, bên cạnh cái điếu cày có thể có thêm vài gói Hero, Craven “A”… nhưng cốt lõi thì không khác quán nước thôn quê. Và nếu ta nhìn vào các chợ như Chợ Hôm, Chợ Mơ… thì sẽ thấy một số đông người buôn bán rau quả, trứng và các đặc sản khác của thôn quê đều là người mang trực tiếp sản phẩm của mình từ quê lên. Sài Gòn, với hệ thống thu mua và phân phối chặt chẽ thành nề nếp đã lâu – cái gì cũng có “vựa” – làm sao có thể có cảnh một cô bé mang tới chợ một rổ lá mùng tơi nho nhỏ hái ở vườn nhà, hay một thiếu phụ đạp xe từ làng quê xa lắc mang một giỏ trứng đến bày hàng trên vỉa hè ngay ngoài cổng chợ! Cách bán hàng ở các chợ cũng rất xưa, rất nông thôn. Người đi chợ phải nhớ mang theo cái đựng những thức mình sẽ mua, từ trái cà muối đến con cá, miếng thịt, chứ người ta không gói hàng cho khách, mà thảng hoặc có gói cũng tượng trưng bằng một mảnh lá chuối, lá bàng và quấn sơ sài bằng một sợi lạt. Có một ông già về hưu một hôm đi phố tình cờ thấy cửa hàng quốc doanh có bán muối – ý hẳn giá có rẻ chút đỉnh so với thị trường tự do – ông bèn vào mua. Vì tình cờ nên ông không mang theo đồ đựng, cuối cùng ông phải “sáng tạo” lấy vạt áo sơ mi túm ký muối đem về nhà.
Các chúng cư được xây cất khá nhiều để giải quyết chỗ ở cho cán bộ nhà nước. Vì chúng cư là con đẻ của vấn đề nhà ở tại các đô thị văn minh nên tại đây nó càng làm nổi bật tính chất… phi độ thị của số người sử dụng nó. Họ nông thôn hóa đời sống apartment: lại chăn nuôi trong ấy, lại lấn chiếm xây cất thêm, lại trồng rau – lại rau! – tại những mảnh đất đáng lẽ có thể tạo thành một công viên nho nhỏ để mọi người trong chung cư, nhất là trẻ em, hưởng chung. Công thức sống tại thành phố này là: tôi là trung tâm, cái gì không phải tôi chỉ là phụ. Mọi cái xoay chung quanh là để phục vụ cho tôi, tôi tìm mọi cách khai thác cho mình tất cả những gì có thể khai thác được trong tầm tay. (Đây là tôi nói về tinh thần cốt lõi của cuộc sống, chứ không nói những gì người ta phát biểu. Lời phát biểu, nhất là trong các buổi họp, thường thì ngược lại, rất vị tha. Đó là một thói quen. Đã từ lâu, sự dùng mỹ từ đã thành một cái nếp quen thuộc trên mọi lãnh vực trong đời sống công cộng ở đây). Còn nếu cố tìm một chữ để diễn tả chung lối sinh hoạt của dân Hà Nội thì tôi thấy không chữ nào hơn là chữ “tùy tiện.” Từ việc lưu thông trên đường, đến mua bán, đến lấy nước, tắm giặt… tất cả đều theo một nguyên tắc: làm theo cách nào tiện lợi cho mình nhất thì làm. (Khi ống dẫn nước vừa được đặt đi qua gần nhà mình thì cách tiện nhất để lấy nước là đập vỡ nó ra, chẳng hạn như vậy.)
Tình hình ăn uống
Món ăn ngon cũng là một thành tựu văn hóa của con người, giống như mặc đẹp và cử chỉ lịch sự vậy. Khi sự thanh lịch của Hà Thành biến mất thì cái ngon truyền thống chắc cũng phải mất theo. Tôi đoan chắc không ai có lòng dạ nào để mà rình rang chuẩn bị cho đến đầu đến đũa một món ăn ngon khi bên hàng xóm đang rình rập để báo cáo, hoặc tìm được một “bát phở Nguyễn Tuân” trong bất cứ một tiệm phở quốc doanh nào. Cái ngon của Hà Nội đã mất đi là vì thế, và nay đang lúc hồi phục lại, nhưng chắc còn lâu mới đạt được phong vị cũ. Thực ra tôi đã “sành” món ăn Bắc từ hồi mười mấy tuổi kia khi khám phá ra cái tài hoa của Thạch Lam trong Hà Nội Băm Sáu Phố Phường, và thưởng thức hết món này đến món khác qua văn chương. Trễ hơn về sau, bài Phở của Nguyễn Tuân đã thực sự cho tôi một bài học thế nào là phở. Đợt di cư năm 1954 người Bắc đã du nhập vào Sài Gòn gần như tất cả món ngon Hà Nội cũng như nhiều mặt khác của đời sống, mà một cộng đồng người có văn hóa cao hơn thường ảnh hưởng lên một cộng đồng khác. (Trường hợp năm 1975 thì hoàn tòan khác hẳn, và ở đây không đề cập tới). Tôi dần dần nếm được các món ăn Hà Nội vốn trước kia chỉ là hàm thụ. Sự khác biệt của khí hậu và thiếu một vài thứ sản phẩm, gia vị chỉ có thể tìm thấy ở miền Bắc có thể hạn chế một phần nào các món Bắc made in Saigon, nhưng theo tôi người ta đã thể hiện được đặc tính chung, đó là cái ngon rất tinh tế trong các món xem ra giản dị. Không đạt tới một trình độ cao trong nghệ thuật ăn uống, người Bắc đã chẳng hãnh diện với câu “ăn Bắc mặc Kinh.”
Có lẽ không thể một sớm một chiều mà có thể thưởng thức hết cái ý nhị của món ngon một xứ, nhất là các món dân gian. Phải quen với khí hậu, phong thổ, cách sống xứ ấy mới nắm bắt được cái “thần” của món ăn. Trước, tôi đã biết nhiều món Hà Nội nhưng chưa ăn chúng tại đất Hà Nội như lần này: Bánh tôm Hồ Trúc Bạch, bún riêu chợ Đồng Xuân, phở Bùi Thị Xuân, mì, vằn thắn Mai Hắc Đế, cháo tim cật chợ Mơ, chả cá Lã Vọng, bún chả, bún ốc, bún bung, thậm chí xôi lúa, bánh dầy tôi đều chịu khó nếm qua để thưởng thức hương vị chốn kinh đô. Có món tôi thích thú, có món tôi thất vọng, nhưng quả là có một cái gì đó rất sâu lắng, có khi là một dáng vẻ tình cảm và tinh thần hơn là hương vị cụ thể của món ăn khiến tôi lúc thì cảm động, lúc lại nghẹn ngào. Có lẽ khó so sánh hơn thua giữa một tô bún ốc bà Ba Bủng ở cửa Bắc chợ Bến Thành trước đây với tô bún ốc ở một ngõ phố Tràng Tiền Hà Nội bây giờ, có thể chúng đều ngon như nhau khi tạo cho tôi những thích thú về khẩu vị, nhưng ăn ở Hà Nội thú hơn, vì “đúng gốc.” Vừa nhai miếng bánh tôm bột rất xốp dòn tan trong miệng vừa nhìn ra hồ Trúc Bạch gió nhẹ sóng lăn tăn mà tưởng ra rằng loại bánh này đã được chế ra từ nhiều thế kỷ trước và cũng đã được bán cho khách nhan tản bên hồ như bây giờ thì cái bánh tôm ở hẻm Casino Sàigòn ồn ào um khói làm sao mà có thể sánh được!
Lại còn chả cá Lã Vọng. Một căn nhà cũ kỹ ở phố Chả Cá, trước cửa có trưng bày tượng một lão ngư ông cầm cần câu; lão già lắm, như đã ngồi đó từ đời xửa đời xưa. Vào trong nhà khung cảnh càng cổ hơn; một cái bàn thờ tổ tiên nghi ngút khói hương, những cây cột và bàn ghế đen mun, cầu thang lên gác kêu cọt kẹt, cái gác gỗ khum khum ám khói vẫn giữ một cốt cách lịch sự xưa cũ. Chủ nhân cũng thế, lịch sự một cách xưa cũ, nghĩa là vồn vã, lễ độ, chân tình, với cái hãnh diện kín đáo mình là chủ nhân thừa kế thật sự của một món ăn gia truyền nổi tiếng, một cung cách đã một thời biến mất tại đất kinh độ ngàn năm văn vật. Đó là một thiếu phụ khoảng tuổi bốn mươi, với vẻ trân trọng coi khách như là chỗ thân tình, vừa bày biện món ăn vừa kể cho khách nghe lịch sử thăng trầm của quán Lã Vọng: Chính tại địa điểm này quán được thành lập đã hơn một trăm năm nay, trải năm đời gia tộc họ Đoàn, nổi tiếng đến nỗi dãy phố có quán này đã mang tên là phố Chả Cá. Nơi đây một thế kỷ qua đã tiếp bao tao nhân mặc khách. Sau khi chính quyền Cách mạng về Hà Nội một thời gian, quán đóng cửa khi cả xã hội đi vào con đường làm ăn tập thể và chỉ mới mở cửa lại vài ba năm nay theo yêu cầu của chính quyền thành phố, có lẽ để gây lại một chút hương vị Hà Nội cũ nhân dịp đổi mới tư duy. Người chủ quán kể với một giọng nhỏ nhẹ nhưng đầy tự tin của một kẽ biết rõ giá trị của mình. Các bí truyền xưa của nghề làm chả cá trong gia đình họ Đoàn lại được đem ra thi thố cùng thiên hạ với lời nhấn mạnh “chỉ có một nhà hàng Chả Cá Lã Vọng duy nhất ở Việt Nam” và khách các nơi nghe tiếng lại kéo về, kể cả khách nước ngoài và Việt kiều. Ngồi ăn trên căn gác nhuốm sẫm màu thời gian, tôi cứ nhìn quanh mường tượng những hình bóng đã qua: Thạch Lam ngày xưa thường ngồi chỗ nào nhỉ, Thế Lữ, Nhất Linh chắc hẳn đã nhiều lần đánh chén ở đây với các bạn làng văn?… Thật là một chỗ thích hợp cho một cây bút như Bình Nguyên Lộc viết về Hồn Ma Cũ… Trong khi các lát cá cắt vuông vức đang xèo xèo trên cái quánh mỡ, chủ nhân vẫn giọng thân mật đều đều: “Hình như ông ở miền Nam mới ra? Món này ăn tận gốc mới ngon. Ông dùng được mắm tôm chứ ạ?… Vâng, có cà cuống, ông dùng loại giọt hay loại băm nhỏ? Dạ, loại cá này chúng tôi phải đặt mua tận ngã ba sông Đà, chỉ ở đấy cá này mới nổi tiếng ngon…” Cung cách ân cần và tín cẩn của chủ nhân cũng là một nét gia truyền, và chính nó hình như cũng là một phần cái ngon của món chả cá này. Cái ngon thật sự không thể tách rời với một trình độ văn hóa nào đó được.
Những quán lề đường thức ăn hơi thô thiển, dường như mới gượng lấy lại phong thái cũ sau một thời gian dài xuống cấp hoặc biến mất. Một món như bún chả chẳng hạn, chắc là chưa đến nỗi thất truyền, nhưng khi ăn tôi không cảm thấy hài lòng vì nó thua hẳn cũng món này di cư vào Nam, và hẳn càng thua món bún chả Hà Nội xưa mà Thạch Lam đã tả, hấp dẫn đến nỗi đã khiến cho một ông đồ cuồng chữ từ quê lên xuất khẩu hai câu thơ:
Nghìn năm văn vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Các món có nước như phở, mì, cháo, người ta đã dùng bột ngọt đến một mức độ mà tôi phải nói là “kinh khiếp.” Những món này của Sài Gòn ngày trước và ngay bây giờ nữa nếu dùng bột ngọt một cách lộ liễu sẽ bị khách hàng chê ngay, thế nhưng ở Hà Nội, cô hàng cháo lòng chẳng hạn, có thể xúc hai muỗng cà phê bột ngọt bỏ vào tô, ngay trước mặt khách, trước khi múc cháo vào, và hình như cô hàng lấy làm hãnh diện mình đã dùng mì chính một cách hào phóng như vậy để “phục vụ” khách. Mặc dù hoàn toàn không đồng tình với cái “ngon” như thế, tôi vẫn thấy đây là chuyện tế nhị nên không có ý kiến gì với người bán cũng như với người Hà Nội. Đây không phải là một cái gu ăn uống, mà chỉ là sự lạm dụng hóa chất một cách quá đáng để đánh lừa vị giác, bắt nguồn từ một thời kỳ thiếu thốn trong quá khứ và có lẽ ảnh hưởng của nó đến ngày nay cũng chưa hết hẳn. Một nền nấu nướng chân chính vốn dựa vào sản phẩm thiên nhiên dành cho con người là thịt cá, rau quả và các loại hạt để cho con người sự ngon miệng và bổ dưỡng, ắt phải hổ thẹn với một sự lạm dụng có mục đích đánh lừa như vậy.
Nhưng tôi vẫn luôn luôn cảm động với những món quà có gốc gác thôn quê như xôi lúa, bánh tro, bánh gai, bánh khúc, các loại bánh nếp, bánh tẻ gói bằng lá chuối… vì tôi gặp ở đấy sinh hoạt ngàn đời của nông thôn, sự cần mẫn và sự sáng tạo của con người Việt Nam. Từ những sản phẩm gặt hái từ đồng ruộng, họ đã đem lại cho cuộc sống thêm một chút thơm ngon, một chút tinh tế giữa thiên nhiên thô nhám. Tạo từ hột nếp, hột đậu, tấm lá thành cái bánh chưng vuông vắn ngon lành cũng là đi từ cuộc sống man dã đến chỗ có văn hóa. Vị ngon lành của những món quà mộc mạc luôn luôn ẩn một nét khôn ngoan và sắc cạnh của những người chế ra chúng, những người đã đạt được trình độ cao một cách kín đáo trong việc tổng hợp các hương và vị. Nhờ có được một phong vị giá trị thực sự, các món quà ấy đã đứng vững giữa thời đại mới, và chắc còn đứng lâu. Xôi lúa chẳng hạn, cách biến chế có lẽ vào hạn giản dị bậc nhất – bắp bung và ít đậu xanh hầm – nhưng theo tôi nó đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật phối hợp các hương vị tự nhiên của đồng nội để cho ta cảm giác ngầy ngậy bùi bùi rất là ưa miệng. Trong việc làm món ăn, sự cầu kỳ tất nhiên có giá trị của nó, vì đó là công trình phân tích và tổng hợp chi li đặc tính của các loại thực phẩm nhằm tạo hiệu quả ngon miệng tối đa. Thế nhưng đúng như người ta thường nói, cái lớn lao bao giờ cũng giản dị, chính những món ăn gần hương vị thiên nhiên của nó nhất là có cái ngon lâu bền nhất. Chính vì thế mà những thức quà của thôn quê tuy mộc mạc lại được người ta yêu mến lâu đời. Một nét đáng yêu của Hà Nội ngày nay là các thức ăn như vậy còn rất nhiều.
Kết
Tôi đã đề cập một cách khá tản mạn nhiều mặt của cuộc sống Hà Nội, nhưng có một “cuộc sống” u trầm hơn, có lẽ quan trọng nhất của Hà Nội mà tôi chưa nói đến, đó là các di tích. Các di tích chính là cái làm cho Hà Nội là Hà Nội, đó là hồn xưa của đất cố đô, tôi không muốn viết trong dịp này, chung với những cái khác. Tôi không thích không khí tôn nghiêm ấy ở bên cạnh mùi khói chả nướng hay những cái tạp nhạp đáng buồn của đời sống hôm nay. Những rung động và cảm nghĩ mà những đền Trấn Võ, chùa Trấn Quốc, đền thờ Hai Bà Trưng, gò Đống Đa hay thành Cổ Loa mang lại cho tôi, tôi sẽ viết riêng vào một dịp khác.
Tất nhiên tôi đã đến Hà Nội với một hình ảnh Hà Nội có sẵn trong tôi, nhưng tôi không ngờ hình ảnh đó lại sâu đậm, lại mến yêu đối với tôi đến thế, đến nỗi tôi gần như giận lẫy khi thấy những cái không đúng ý mình. Khi mới lớn đã từng mê Hà Nội qua câu hát:
Hà Nội ơi Hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu tung gió chơi vơi (1)
mà bây giờ đi mãi quanh hồ Gươm không thấy một cái áo màu nào tung gió cả, tôi thấy tiếc như bị mất một cái gì rất đẹp, mặc dù tôi thừa biết trước rằng ngày nay chẳng làm gì còn cảnh ấy, rằng sự vật phải biến đổi, không thể bắt một hình ảnh của cuộc sống ba bốn chục năm trước phải tồn tại tới bây giờ. Nhưng tôi vẫn có “Hà Nội của tôi,” lý luận thì ăn thua gì ở đây? Sự thanh lịch (trong đó có cả áo dài tung gió), cảnh đẹp, không khí cổ, món ăn ngon, đã ám ảnh tôi từ nhỏ, và bây giờ cứ thế tôi đi tìm. Tôi đã thấy được cảnh trí, nhưng không tìm được con người, nghĩa là tôi bị mất mát nhiều lắm, vì cảnh không người là cảnh chết. Tiếc nuối như tôi có phải là quá hoài cổ không, có phải là “vớ vẩn” không? Tôi chẳng biết. Chỉ biết rằng một cái đẹp mất đi mà thay vào đó không phải là cái đẹp khác thì tôi tiếc, thế thôi.
Khi máy bay lượn vòng trên Hà Nội một buổi sớm tinh sương để lấy hướng về nam, tôi lại bồi hồi nhìn bao quát thành phố để từ biệt, và mới nhận thấy mình biết về thành phố này còn ít quá. Không phải du khách nào cũng được ở Hà Nội lâu đến ba mươi ngày như tôi và lại được hướng dẫn đi lục lọi mọi ngõ ngách. Nhưng cái biết hãy còn ít và hời hợt. Qua kính máy bay, sông Hồng lượn khúc như ôm lấy thành phố xinh đẹp mờ mờ trong làn sương sớm như còn che giấu nhiều điều bí ẩn. Có lẽ tôi đã đến Hà Nội với nhiều lý sự và định kiến có sẵn quá. Nhưng giờ đây, từ trên cao nhìn xuống, thu hình ảnh bao la vào tâm trí trong một chốc lát ngắn ngủi, tôi chỉ thấy một tình cảm thương mến rất rộng rãi nhẹ nhàng, dường như có sẵn trong tôi đã lâu rồi. Đã có từ trước khi có tôi và sẽ tiếp tục tồn tại sau này khi tôi không còn nữa. Dường như trong phút chốc tôi hòa nhập vào một cái gì vĩnh viễn.
Mảnh đất dưới kia quả là “nghìn năm vượng khí nơi đô hội,” như một bài thơ xưa vịnh Hà Nội đã nói. Dòng sông Hồng vẫn trôi, khối nước vĩnh cửu trườn mình về phía đông, trên mặt sông bao nhiêu bọt bèo trôi theo chỉ là cái phù phiếm nhất thời. Bên cạnh sông Hồng, Hà Nội cũng thế, suốt lịch sử đã chứng kiến bao cuộc bể dâu của các triều đại, mỗi thời mỗi kiểu, nhưng những cái đó cũng chỉ là bèo bọt phù phiếm trên mặt sóng, còn sức sống thật của Hà Nội là một khối bền vững, luôn biến động như dòng sông, nhưng luôn luôn nó vẫn là nó, toát lên cái vượng khí ngàn năm. Tôi đến Hà Nội như một du khách, nhưng rời Hà Nội như một người đang phải rời bỏ một quê hương xưa, xưa lắm của mình.
Phạm Xuân Đài
Sài Gòn, mùa thu 1989

(photo 1 by Uyên Nguyên

photo 2: Hoàng Hưng, Trần Mộng Tú, Phạm Xuân Đài)

Nguồn: https://www.facebook.com/ductungducnguyen/posts/708241499380281?pnref=story

Comments are closed.