Chuyện cũ lịch sử (kỳ 7):

QUAN LẠI TRONG THỜI HẬU CHIẾN

Vương Trí Nhàn

Thời nay ta quen nghĩ ai làm chiến tranh được thì ra làm kinh tế cũng được. Mà chiến tranh ta đã chiến thắng như thế thì quản lý mấy cái mỏ, hay vận động nông dân sản xuất để nuôi sống xã hội, bộ máy của ta vốn hình thành trong chiến tranh làm gì không làm nổi. Lớp quan chức cũ có già đi thì con cái họ, nối tiếp truyền thống của cha anh sẽ tiếp tục một cách xứng đáng.

Chẳng những tình hình hơn bốn chục năm nay mà nhiều bài học lịch sử cũng bác bỏ quan niệm này.

Nghiên cứu về triều Lê thế kỷ XV, sau khi khái quát vấn đề chính của sự phát triển xã hội hậu chiến là bộ máy quan lại, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Kế ( trong bài mở đầu cho sách “Quốc triều hình luật—Lịch sử hình thành nội dung và giá trị ” NXB Khoa học xã hội 2004 ) cho biết:

Tài năng, đạo đức, chất lượng làm việc của đám người quản lý đất nước này rất tệ hại.

Lê Thái Tổ từng khái quát là nhiều công thần chung quanh ông ” không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi”.

Lê Thái Tổ làm vua từ 1423 đến 1433.

Tiếp đó là Lê Thái Tông 1433-1442, rồi Lê Nhân Tông 1442 -1459.

Cả hai vị nối tiếp Lê Lợi đều lên ngôi lúc còn trẻ, người mới 11 tuổi, người mới 2 tuổi, nên quyền hành đều ở trong tay nhóm cận thần.

Chính Lê Thánh Tông, người làm vua từ 1460,và nổi tiếng là anh minh, đã nhận xét đại ý trong khoảng thời gian hai vua nói trên trị vì, ”trên thì tể tướng dưới thì trăm quan bừa bãi hối lộ ( Sách QTHL…đã dẫn, tr.14 . Mà ở đây cũng như ở trên, nhà sử học đương thời chỉ dẫn lại từ bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”)

Vẫn theo cuốn sách QTHL…, tiếng là các quan đầu triều, nhưng các loại đại thần thời đó may lắm chỉ thạo việc binh đao, còn quản lý đất nước thì không rành việc.

Yếu kém sinh ra hư đốn mọi bề trong đó tệ hại nhất là tham nhũng.

Nguyễn Hải Kế có dẫn lại từ bài “Trung Hưng ký”:

”Tể thần Lê Khuyến, Lê Sát thì dốt đặc. Chưởng binh như Lê Duyên Lê Luyện thì mù tịt”

” Phường dốt đặc như ong nổi dậy, kẻ xiểm nịnh được nghe theo”

Nói thêm về Lê Sát.

Sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim ghi ông từng theo vua lập được công to, làm quan đến Đại tư đồ.

“Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế thì ghi ông này đứng hàng thứ hai trong 53 công thần được khắc tên trong “bảng vàng danh dự” — nói như ngày nay là bảng tuyên dương công trạng sau chiến tranh. Thời Thái Tông, ông từng giữ chân thừa tướng.

Nhưng vẫn theo Trần Trọng Kim ” Lê Sát là người ít học… lúc làm Phụ chính thường hay cậy quyền trái phép, làm nhiều điều kiêu hãnh, hễ triều thần ai là người không tòng phục thì tìm cách làm hại ” ( VNSL bản Tân Việt 1951, tr 238)

***

Tôi nghe nói ở nhiều nước trong chiến tranh, các trí thức — tức các chuyên gia cao cấp — thường ra nước ngoài học hỏi, rồi đến khi chiến tranh kết thúc, họ sẽ quay về tiếp nhận công việc quản lý nhà nước và xây dựng lại xã hội theo những bài bản mà mọi nước phải theo.

Ở Nhật, thắng xong shogun, vua Minh trị cũng đã áp dụng chính sách trả cho các tướng lĩnh một số tiền lớn để các vị ấy về nghỉ hay đi buôn thì tùy, chứ việc nước thì giao cho người khác.

Ta có lý riêng khi làm theo cách của ta: sau chiến tranh phải trao các chức tước cho những người có công trong chiến tranh và con cháu họ, lý do là cần làm thế để đền đáp phần đóng góp quá lớn của họ trong thời chiến.

Nhưng kết quả sự phát triển chung của xã hội như thế nào thì chúng ta đều biết.

Lịch sử không biết đến chữ NẾU. Nhưng tôi có cảm tưởng rằng nếu đặt sự phát triển kinh tế sau chiến tranh vào tay các nhà chuyên môn — bất kể có tham gia chiến tranh hay không, nhưng bắt buộc phải là người có kiến thức và thạo việc quản lý — để đất nước trở nên thịnh vượng, thì chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để làm công việc ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA rất chính đáng nói trên.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1949878931954035&id=100007958417043

Comments are closed.