Tính đương đại (kỳ 1)

(trích từ sách “Lịch sử của tính hiện đại”, NXN Tri Thức 2017)

Jaques Attali

Hiếu Tân dịch

Bắt đầu từ cuối những năm 1960 và hơn nữa từ năm 1989, tính hiện đại của Lí trí trước đó bị phê phán và bị đánh, đã ổn định trong một phần ngày càng rộng lớn của thế giới. Khắp nơi, người ta muốn tự do hơn, đến mức thất thường. Người ta lại nói về sự kết thúc của Lịch sử, bằng sự phổ biến của tiến bộ của nền dân chủ thị trường, được coi như dự án tương lai của toàn thế giới, là mô hình duy nhất có thể thành công.

Ở phương Tây cũng như nhiều nơi khác, hình thức này không dự kiến cũng không mong muốn về tương lai, tự coi nó đúng như một sự thụ hưởng tự do của mỗi thời điểm. Tự do, thoát khỏi tất cả mọi ràng buộc, khỏi mọi hợp đồng, khỏi mọi mối bận tâm về những người khác và về các thế hệ tương lai. Kể cả về bạn bè, vợ chồng, con cái.

Giai đoạn khác này của tính hiện đại của Lí trí kết tinh với sự xuất hiện của một thế hệ trẻ mới của phương Tây những năm 1960. Trước hết nó tự thể hiện bằng tự do trong lối sống, mà hai trong những phương tiện bất ngờ là radio trên ô tô và máy ghi âm xách tay, cho phép tuổi trẻ thoát khỏi sự có mặt của cha mẹ trong các buổi ăn chơi nhảy múa.

Những âm nhạc mới tự khẳng định. Sau rock‘n’roll[1] năm 1953, các nhóm The Beatles[2] và Rolling Stones[3] bắt đầu từ 1962, làm cho cả châu Âu phải nhảy múa. Chiến tranh Việt Nam tạo ra lí do mới để nổi loạn[4], ở châu Âu và Mỹ, chống lại thế giới của người lớn. Muốn tất cả, ngay lập tức. Các phong trào ở Mỹ và châu Âu, kết tinh sự đòi hỏi hưởng thụ của hiện tại, không vì thế mà chất vấn mô hình tư bản chủ nghĩa. Và cho dù dường như họ bị dập tắt bởi các lực lượng bảo thủ, những người trẻ này đã nhanh chóng áp đặt được các qui tắc và quan điểm của họ. Các mối quan tâm hàng đầu và các giá trị của họ. Đầu tóc, quần áo, những hành vi phóng túng. Liên hoan quốc tế ở Woodstock tháng Tám năm 1969 tập hợp hơn 500.000 thanh niên, là cực đỉnh của nó.

Hiện thân mới này của nền dân chủ thị trường vì thế trở nên hàm súc và chuyên chế đến mức nó áp đặt danh từ “đương đại” thay thế cho “hiện đại.”

Tính đương đại

Thật ra, khi chỉ tính đến hiện tại thì tương lai trở nên không thể đoán trước, vì nó phụ thuộc quá nhiều nhân tố. Trong những điều kiện này, không ai còn lo lắng về điều có thể là một tương lai bấp bênh đến thế. Không ai còn quan tâm đến gì khác ngoài việc hưởng thụ trong chốc lát: từ lúc này trở đi không ai còn giữ được lòng trung thành, cũng không ai duy trì lâu một ý kiến, một quan niệm, một dự tính, một mối quan hệ nữa. Chỉ còn khoảnh khắc là đáng kể, trong tình yêu, trong công việc, trong những mối quan hệ với người khác. Những quyết định chính trị, những hành động trong mua bán và trong sản xuất đều dựa trên mối bận tâm duy nhất trước mắt. Người ta muốn tất cả ngay lập tức. Người ta mua bằng ý muốn thất thường, người ta muốn giao hàng ngay lập tức, theo ý khách hàng. Những người tiêu dùng bị xui khiến lúc nào cũng muốn cái mới, vứt bỏ đồ dùng vẫn còn dùng được, vứt bỏ quần áo vẫn còn mặc được. Để thoả mãn họ, trong công nghiệp và trong các ngành dịch vụ vẫn tồn tại một đòi hỏi ám ảnh nâng cao tính hiệu quả, thế phẩm cuối cùng của một dự án tương lai.

Tính đương đại là cái mới để mà mới, trong mọi khoảnh khắc. Không có nghĩa gì. Không có cái nghĩa tăng tốc hiểu biết hay sự giàu có. Không có cái nghĩa nâng cao phúc lợi. Chỉ là lí do cho sự thay đổi vì chính nó. Như thể một khoảnh khắc kế tiếp có thể cho ta ảo tưởng về sự vĩnh cửu.

Một tính hiện đại ấu trĩ

Sau khi đã thỏa mãn những khát khao vật chất của người lớn, đàn ông rồi đến đàn bà, tính hiện đại phải đi tìm, trong những năm 1960, những nhu cầu khác để mà khêu gợi, để mà thỏa mãn. Nó đi tìm thị trường cuối cùng có thể có, thị trường cho trẻ em. Tính đương đại trở về trong những giá trị sâu xa của nó, những giá trị của trẻ em, những người chưa ý thức về sự cần thiết có một dự định cho cuộc sống.

Dần dần tính hiện đại đương thời hướng về vui chơi giải trí của những người trẻ hơn, thỏa mãn chúng bằng truyền hình, trò chơi vidéo, rồi mạng xã hội. Chính ở đây từ nay một số trong họ sẽ qua phần chủ yếu thời gian của ngày, trong khi lướt qua mọi khả năng tập trung, làm cho quá trình học hỏi nghề nghiệp ngày càng khó khăn, mở đường cho một thái độ tự kỉ tự mê sau này, trong một xã hội mà các giá trị cũng lạc quan giả dối như những câu chuyện kể cho trẻ em làm thành những mẫu mực cho chúng. Đối lại, những phim kinh dị và những trò chơi vidéo về cái chết, trong không thời gian ảo, chuẩn bị cho trẻ em đi đến kết thúc của chúng.

Tính hiện đại đương thời biến trẻ con thành người lớn. Và hơn nữa, nó biến người lớn thành trẻ con. Nó thỏa mãn những ý muốn thất thường của họ, nó không còn áp đặt lên họ những qui tắc nữa, mà phỉnh nịnh những ước muốn của họ, bất kể là ước muốn gì. Nó tạo ra một thế giới của quyền lực không có nghĩa vụ. Những người lớn đến đó như những trẻ con, để thấy thế giới theo cách của đạo thiện ác (manichéenne) để hi vọng một đấng cứu thế xuất hiện, người sẽ sửa chữa những lỗi lầm và tha thứ những ngu ngốc. Và để được thế, không cần tôn trọng những ràng buộc của cuộc sống cộng đồng nữa. Như vậy, món nợ riêng và chung, và cuộc khủng hoảng mà nó gây ra, kết quả của tinh thần 1968, là một tuyên ngôn của công cuộc ấu trĩ hoá tính hiện đại trong tinh thần đương đại. Điều này đặc biệt đúng trong xã hội Mĩ, mà toàn bộ những nhà sáng lập huyền thoại chuyển thành những chuyện kể, những truyện tranh liên hoàn, những phim hoạt hình, và những fanzine (tập san cho các fan) khác.

Điện ảnh và tương lai.

Cũng chính trong thời gian này người ta có xu hướng tiên đoán tương lai qua các câu chuyện kể về mai sau. Một mô hình toán học, hay trực giác. Những mô hình này đôi khi thành công lớn, như Asimov đã tiên đoán một cách phi thường năm 1914, trong một bài báo về năm 1964 (dự kiến những “bữa ăn được tự động hóa”, những ôtô không người lái, vô tuyến truyền hình 3D và truyền thông tức khắc trên toàn hành tinh nhờ vệ tinh nhân tạo) cuốn sách của Herman Kahn (1967) về một trăm tiến bộ kĩ thuật sẽ xuất hiện từ đó đến năm 2000, hoặc Báo cáo của Câu lạc bộ Rome năm 1972 “Ngừng tăng trưởng?”, lần đầu tiên đặt vấn đề đạo đức trong phát triển.

Điện ảnh vào cuộc chạy tiếp sức cho tầm nhìn kĩ thuật về tính hiện đại này với 2001, L’Odyssée de l’espace (1968- Odyssée du hành vũ trụ), La planete de singes (1968 – hành tinh của loài khỉ) Star wars Chiến tranh giữa các vì sao (1977) Blade Runner (1982 – Người máy nổi loạn) Doctor Who, Matrix (1999 Bác sĩ Who, Ma trận), Minority Report (2002 – Bản báo cáo thiểu số) giống như Blade Runner, chuyển thể từ tiểu thuyết của Phillip K. Dick[5].

Nghệ thuật trình diễn[6], những cảnh biểu diễn của người sống

Trong thế giới này, chỉ những gì là nguồn gốc của một niềm lạc thú tức khắc, thất thường là đáng giá. Thật ra, thời gian sử dụng cùng những người khác vẫn là khá hiếm. Thời gian của những màn biểu diễn nghệ thuật, những cuộc diễu hành, hòa nhạc và những tiết mục do truyền thông đại chúng cung cấp, và những hình thức của chúng nặng tính chất hàng hóa, quảng cáo nhất.

Cái này nuôi cái kia (nghệ thuật trình diễn và truyền thông), và làm ra vẻ khác nhau. Cả hai sống bằng đổi mới sản phẩm và sự kiện, bằng cách sắp đặt sự lỗi thời của những gì đã từng là mốt, trong những ngày, những giờ trước đó. Cả hai, phải bằng mọi giá, khẳng định rằng chúng đang công bố cái mới, cái duy nhất có thể thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Hết mục quảng cáo này đến mục quảng cáo khác, người mua tiềm năng lấp đầy nỗi thất vọng không mua được bằng ảo ảnh sẽ mua được trong tương lai: sự đổi mới những thèm muốn làm dịu bớt nỗi đau bị tước đoạt. Tương tự, những khán giả của truyền thông không ngừng đi tìm cái mới mà cánh báo chí hứa với họ.

Những nhãn mác làm cho người ta biết đến bằng quan hệ công chúng không nhiều bằng những chiến dịch khuyến mại của họ. Quảng cáo tài trợ cho truyền thông, và từ nay trở đi cũng tham gia vào phân vai diễn trong điện ảnh, trong quang cảnh náo nhiệt của thông tin.

Sự chuyên chế của cái mới mà quảng cáo áp đặt lên khách hàng gieo vào người đọc, người nghe niềm khao khát thấy sự phá bỏ những thần tượng của quá khứ để tiêu thụ cái mới.

Cái mốt đương đại, từ hiện diện đến hư vô

Chuyên chế ngắn hạn, đó cũng là chuyên chế mà người tiêu dùng áp đặt lên nhà sản xuất, lòng khao khát cái mới và từ chối mọi sự trung thành đối với nhà cung ứng của nó. Thời trang, đó là biểu hiện hoàn hảo nhất của cái đương đại, tự sắp đặt trong cái guồng vĩnh cửu quay quanh một tính chuyên chế cuồng nhiệt của cái mới. Được qui định bởi yêu cầu những bộ sưu tập theo lịch và bởi quang cảnh sống động của những cuộc diễn hành, nó bị điều tiết bởi những chu kì ngày càng ngắn, tính bằng nhiều tuần lễ, có khi nhiều ngày.

Đồng thời với việc lan truyền phổ biến, thời trang cũng tự làm giảm giá mình: càng ngày càng ít người nghĩ rằng cứ phải chạy theo theo mốt mới là lịch sự. Mỗi người nghĩ ra một phong cách riêng, không ngừng thay đổi. Tính đương đại chuyển sang cá nhân tự do, tự mê mình và cô độc.

Tính hiện đại, đó là phong cách, nó không lẫn với thanh lịch. Phong cách, đó là làm cho người ta chú ý, còn thanh lịch, là kín đáo. Để thử cưỡng lại tính thất thường loạn thần kinh và tự sát này, từ giữa những năm 1980 thời trang đã cố tự dựng nó lên thành nghệ thuật. Các chuyên gia đánh giá về các bảo tàng thời trang, trong khi các nhà may đang tìm cách khôi phục lại những lưu trữ của họ bằng cách mua các mẫu của những bộ sưu tập cổ. Nói một cách tổng quát hơn, chính trong thế giới đang thay đổi nhanh nhất này sinh ra cái nhu cầu tập hợp những lưu trữ, như con thuyển của Nôê trước Đại hồng thủy.


[1] rock‘n’roll : thể loại âm nhạc đại chúng nảy sinh và phát triển ở Mỹ cuối những năm 1940 đầu 1950, từ phong cách nhạc Mỹ gốc Phi, như gospel, jazz, rythm, blue, cùng với nhạc đồng quê.

[2] The Beatles: băng nhạc rock Anh thành lập ở Liverpool năm 1960.

[3] Rolling Stones: băng nhạc rock Anh thành lập ở London năm 1962.

[4] Nhắc đến các phong trào từ giữa những năm 1960, như phong trào Hippie (Hippy), phong trào phản chiến ở Tây Âu và Bắc Mĩ. Phong trào Hippie thật ra chỉ là phản ứng của thanh thiếu niên, chán ngán những định kiến, hệ tư tưởng và lối sống bị áp đặt; khao khát đi tìm một tríết lí mới và lối sống mới, gần gũi với thiên nhiên, chán ghét chiến tranh, đề cao tình yêu, hòa bình, lòng bao dung thể hiện trong câu nói “make love, not war.” Việc phản đối những giá trị cũ có thể đã bị các thế hệ già hơn và thiếu cảm thông cho là nổi loạn (ND)

[5] Dick (Phillip Kindred., 1928-1982) nhà văn Mỹ, chủ yếu viết khoa học viễn tưởng.

[6] Spectacle vivant, là những môn nghệ thuật trình diễn trực tiếp trước công chúng (trái với truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, vidéo) v.v.. Bao gồm: múa, nhạc, kịch, ca kịch, nhạc kịch, ảo thuật, kịch câm, múa rối, ngâm thơ, nói trước công chúng.

Comments are closed.