Độc lập và/hay Dân chủ?[*]

Lưu Trọng Văn

Chuyện 1

Tối qua tại một quán cơm Việt rất nổi tiếng Sài Gòn bên thố cơm vừa nhoẹt vừa sượng, gã chuyện đời với một đồng chí cộng sản… cụ. Gọi vậy vì đồng chí này có 60 năm tuổi đảng.

Cụ kể, năm 1960 chuẩn bị Đại hội đảng lần ba, cụ Hồ cho các đảng viên lấy ý kiến có nên đưa hai cụm từ Độc lập, Dân chủ vào Văn kiện Đại hội đảng không.

Chi bộ của cụ có 50 đảng viên, bỏ phiếu kín, 28 đảng viên đề nghị đưa từ Độc lập vào Văn kiện, 22 đảng viên đề nghị đưa từ Dân chủ vào Văn kiện.

Cụ kể, các chi bộ khác đa số đều đề nghị đưa từ Độc lập.

Tao, cụ xưng mày tao với gã, bỏ phiếu cho từ Độc lập vì hồi đó tao và hầu hết đảng viên tin rằng có Độc lập sẽ có tất cả mày ạ.

Gã xía vào, chả qua lúc đó xảy ra phong trào Nhân văn Giai phẩm đòi dân chủ nên các bác sợ cụm từ Dân chủ chứ gì?

Đúng là cơm sống mày ạ. Quán cơm VN nổi tiếng toàn khách Tây ăn vậy mà để cơm sống. Mà mày nói gì? Nhân văn Giai phẩm hả?

Hề… đúng là hồi đó ai cũng dị ứng với từ Dân chủ. Bây giờ gần xuống lỗ rồi tao mới nhận ra có Độc lập chưa chắc có tất cả nhưng có Dân chủ thì chắc chắn sẽ có tất cả.

Chuyện 2

Sáng nay tí tởn làm vườn, ngồi lau mồ hôi… mèm mẹp tự dưng gã nhớ đến cụ Nguyễn Trãi. Cụ có câu thơ “Lật thuyền mới biết dân là nước”. Gã nhớ lần về Côn Sơn thắp nhang tưởng nhớ cụ, rồi lọt vào một vườn vải, một lão nông kể lại gã nghe vụ án Lệ Chi Viên. Thương quá Ức Trai ơi! Gã giật mình khi lão nông Côn Sơn kia hỏi gã: “Chú đi nhiều nơi, đọc nhiều sách, quen nhiều người trả lời dùm lão câu hỏi này. Lê Lợi, Lê Sát, Nguyễn Trãi đều là người yêu nước nằm gai nếm mật với nhau chống giặc Minh, vì sao sau này lại hại nhau, giểt nhau?”

Một câu hỏi của… nước mắt.

Một câu hỏi đến giờ vẫn hôi hổi thế sự.

Hôm qua gã đã kể chuyện một cụ công sản thời trẻ cho rằng có Độc lập sẽ có tất cả. Nhưng rồi cuộc đời cụ đã chứng kiến, có Độc lập rồi dân chủ, tự do, hạnh phúc vẫn xa vời. Để rồi cụ nhận ra chỉ có Dân chủ mới có tất cả. Chao ôi hơn 600 năm trước cái điều Nguyễn Trãi nói: Lật thuyền mới biết Dân là nước đâu phải ai cũng thấu, cũng hiểu đâu.

Ừ nhỉ, vì sao cùng là người yêu nước khi thái bình rồi lại có thể giết nhau?

Gã đã trả nhời lão nông Côn Sơn kia thế này:

Lê Lợi, Lê Sát cũng yêu Nước như Nguyễn Trãi nhưng khác Nguyễn Trãi ở chỗ Nguyễn Trãi trước hết và trên hết còn là người yêu Dân, biết Dân là nước chở thuyền, lật thuyền, Dân cũng chính là Đất Nước.

Lão nông rít một cuộc thuốc lào, từ từ nhả cuộn khói lên cành vải rồi chẹp miệng.

Lão cũng nghĩ vậy. Xưa nay người yêu Nước chưa chắc đã yêu Dân, thương Dân, biết Dân là gốc. Nhưng người yêu Dân, thương Dân thì chắc chắn cũng sẽ yêu nước.

Gã thêm một lần nữa thót giật mình khi nhớ lại mới tối qua thôi một cụ công sản gộc nói với gã về Độc lập và Dân chủ. Thời trẻ cụ hăng hái cho rằng có Độc lập sẽ có tất cả, nhưng rồi thực tế cụ đã thấy có Độc lập rồi nhưng tự do, hạnh phúc, dân chủ vẫn xa vời. Để rồi cuối đời cụ mới nhận ra có Dân chủ mới có tất cả.

Rõ rồi. Vì sao bao người yêu nước khi giải phóng được đất nước khỏi ngoại xâm lên cầm quyền đã đàn áp ý dân, đã bóp nghẹt dân chủ.

Sự khác biệt giữa Lê Lợi, Lê Sát với Nguyễn Trãi là đây. Chỉ vì Nguyễn Trãi vẫn đau đáu chuyện khát khao muốn có áo dài vạn dặm để đắp cho muôn Dân xung khắc với những kẻ chăm chăm giữ lợi ích cầm quyền coi mình là cha Dân dẫn đến cái chết thảm khốc của con người vĩ đại nhất đất nước gã.

Chỉ có ai biết yêu Dân, thương Dân như Nguyễn Trãi mới hiểu rằng cái gốc trj Nước, cái gốc vững bền cho một Quốc gia chính là và chỉ có thể là: Dân chủ.

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1991643677827526&id=100009457401127

[*] Tựa đề của Văn Việt

Comments are closed.