“Nói để mọi người đồng ý cả là điều hoàn toàn không cần thiết, với tôi”

Inrasara

2015-7-8-Heritage Space3
Heritage Space, Hà Nội, 15g-8-7-2015; thực tế: 15:20-17:40.

Cùng chủ đề như ở Cà phê thứ Bảy, số lượng người tham dự gần bằng nhau (Sài Gòn: 24, HS: 26). MC Mai Anh Tuấn thông minh và nắm vững vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi mang tính chuyên sâu để người thuyết trình làm rõ hơn điều cần bàn. Không khí trao đổi, thảo luận sôi nổi, thỉnh thoảng khán phòng bật lên tiếng cười.
Khác chăng, 1. phát biểu ở HP mang tính “chỉ định” nhiều hơn, 2. ở CPT7 cánh trẻ mạnh dạn hơn, 3. khách thính ở đó phát biểu ngắn hơn nên nhiều người phát biểu hơn, nói được nhiều lần hơn.
Cả hai đều thành công, nhưng so với CFT7, ở HS tôi “học” được nhiều hơn xíu.

*
PV. Ông có nhắc đến rất nhiều nguồn giúp ông đi tìm trào lưu thơ: thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa, thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng mạng, thơ của các nhà thơ là người dân tộc thiểu số… đặc biệt là thơ của người làm thơ chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam? Xin hỏi thơ của những cây bút chưa vào Hội nhà văn và đã vào Hội nhà văn khác nhau như thế nào?
Inrasara: Chắc chắn, đó là cách nhìn giải trung tâm hậu hiện đại. Cách nhìn mang đến sự công bằng cho mọi trào lưu văn chương…
Riêng thơ của người viết chưa [không muốn] là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì cần nhìn gần hơn, nhất là từ thành phần “không muốn”. Không muốn, dù bất kì vì nguyên do nào – không hi vọng vào, hay phản đối ai đó, hoặc muốn tỏ chính kiến… – cái khác biệt lộ rõ so với đại đa số nhà thơ ở trong Hội Nhà văn là họ viết thoải mái hơn, thoải mái cả trong đề tài lẫn cách thể hiện. Tôi không nói họ viết hay hơn, mà là họ không tự kiểm duyệt.

PV. Ông chia thành 7 trào lưu nhưng liệu có trùng lặp không khi trào lưu thơ nữ quyền cũng có sự cách tân? tân hình thức, cũng có thể xếp vào trào lưu tân hình thức?
Inrasara: Chắc chắn rồi, và tôi đã nói rõ ngay trong bài tham luận cho Hội thảo tại Viện Văn học ở Hà Nội tháng 5-2015 vừa qua: “30 năm đổi mới, các trào lưu thơ Việt ở đâu? Về đâu?” rằng trào lưu sáng tác trẻ Chăm chẳng hạn, có thể xếp Đồng Chuông Tử vào nhóm thơ cách tân, Trần Wũ Khang, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên vào trào lưu thơ hậu hiện đại, hay Kiều Maily vào nhóm thơ nữ quyền mà không vấn đề gì cả. Thế nhưng tôi muốn tách và xếp họ vào trào lưu riêng, bởi ở đó hội đủ yếu tố làm nên một trào lưu đáng kể.

PV. Trào lưu nào theo ông chỉ thoáng qua?
Inrasara: Không có trào lưu nào thoáng qua, mà chỉ có “nhóm” thơ thoáng qua, ở đó Nhóm Ngựa Trời là điển hình, cho dù phong trào thơ nữ quyền vẫn còn kéo dài và tạo ảnh hưởng, nhưng Nhóm thơ trên đã chết ngay khi tác phẩm đầu tay: Dự báo phi thời tiết xuất bản và bị thu hồi. Trào lưu thơ trình diễn khai mào mươi năm qua tưởng nhạt nhòa nhưng đến nay, nó vẫn còn có sức tác động riêng.

PV. Trào lưu nào sẽ trở nên mạnh mẽ, giúp văn học phát triển trong thời gian sắp tới?
Inrasara: Theo tôi, đó là phong trào hậu hiện đại. Bởi khác với tân hình thức, hậu hiện đại không chỉ là phong trào thơ mà là một trào lưu văn hóa toàn cầu tác động đến nhiều lĩnh vực xã hội. Trong lĩnh vực văn học, song hành với thơ hậu hiện đại là văn xuôi và phê bình hậu hiện đại, cạnh đó thơ trình diễn hay thơ nữ quyền là chỗ anh chị em với hậu hiện đại, nên chúng hỗ trợ hậu hiện đại không phải là ít.

PV. Theo ông, trào lưu thơ cách tân hình thức có bị ảnh hưởng quá nhiều bởi văn học nước ngoài không? Có bị tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn như nhiều người lo ngại?
Inrasara: Có gì mới mà không là “ngoại nhập” đâu! Một nền văn học không thể nào tự đầy đủ cho nó. Nó cần biết đến thế giới bên ngoài, giao lưu và tương tác. Không tiếp cận nền văn hóa khác [trong đó có văn học] thì không thể có cái mới. Đất nước [và văn học] mãi ở lại với cũ kĩ và lạc hậu. Xưa, ta tiếp thu [và sáng tạo] “Đường luật”. Thơ Mới tiếp nhận hiện thực và lãng mạn Pháp để làm nên cuộc cách mạng thơ Việt lớn nhất thế kỉ XX. Thơ tự do mà đại đa số nhà thơ hôm nay đang xài có phải là truyền thống Việt Nam đâu!
Còn “chuẩn”, toàn cầu hóa, đâu là “chuẩn” để quy chiếu từ đó đánh giá tác phẩm văn chương? Trong triết học, F. Nietzsche cuồng nộ đập nát bảng giá trị cũ [đang lưu hành] để dựng lên bảng giá trị mới, qua đó tác động rộng lớn đến nền triết học thế giới thế kỉ XX. Bên thơ ca, thần đồng [đích thực] thơ ca Pháp A. Rimbaud dũng mãnh phá tan mọi chuẩn tắc thơ đương thời để lập nên chuẩn mới, ảnh hưởng cả nền thơ nhân loại sau đó. Sau đổi mới, văn chương tiếng Việt phát triển đa khuynh hướng, đa giọng điệu, đa phong cách, chúng cần đến nhiều chuẩn khác nhau để đánh giá. Khác nhau, thậm chí đối chọi, phản bác nhau.

PV. Sự cách tân, mới mẻ của các nhà thơ trẻ đương đại được ông so sánh dựa vào tiêu chuẩn nào? So sánh với ai? So sánh với thời đại nào?
Inrasara: So sánh với các loại thơ Việt có trước đó, đương nhiên. Ngoài trào lưu thơ cách tân đơn lẻ các loại có dính dáng đến thơ của Nhóm Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc và thơ Sáng Tạo ở miền Nam, còn lại các trào lưu thơ tân hình thức, thơ thị giác trong đó thơ trình diễn là một nhánh nổi bật, hay thơ hậu hiện đại là các loại thơ chưa hề có ở Việt Nam trước đó.

PV. Giới trẻ làm thơ hiện nay có cách thể hiện, cách suy nghĩ nào khiến ông ngạc nhiên?
Inrasara: Nhiều, khá nhiều. Cách giễu nhại của Bùi Chát, lối sử dụng thủ pháp siêu hư cấu sử kí của Phan Bá Thọ, thơ phụ âm của Đặng Thân, thơ kí sinh trên tin tức báo chí của Lý Đợi, các bài thơ phân thân vô cùng độc đáo của Nguyễn Hoàng Nam, thơ kết hợp với nghệ thuật trình diễn tạo ấn tượng mạnh của Lê Anh Hoài, và cả thơ đầy sự liên tưởng bất ngờ của Lê Vĩnh Tài nữa…

PV. Trong 7 trào lưu có trào lưu thơ trẻ Chăm, vậy thì cũng sẽ có trào lưu thơ của các dân tộc thiểu số vùng miền khác, chẳng hạn như dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc như Mường, Thái, Ê đê…?
Inrasara: Không, các nhà thơ người Dân tộc Thiểu số ở vùng miền khác chưa tạo nên sự cách tân đáng kể, nói chi là làm nên trào lưu. Sau thế hệ Đổi mới như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Dương Thuấn… thơ của người viết là Dân tộc Thiểu số đang chững lại. Hoàng Chiến Thắng dân tộc Tày ở Bắc Cạn có cố gắng làm mới, nhưng đó chỉ là nỗ lực đơn lẻ, rời rạc.
Chăm thì khác. “Đây là thế hệ [nhóm] thơ đồng hương, xuất hiện cùng thời (từ năm 2005-2012) thường sinh hoạt chung, có xu hướng làm mới thơ Việt bằng tinh thần và tâm cảm Chăm, có diễn đàn riêng là đặc san Tagalau, họ có tác phẩm in chung: Văn học Chăm hiện đại, thơ (2009), thì việc dành một dòng chảy riêng cho họ, không phải không chính đáng”.

PV. Theo ông, các “cách tân” được Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn vinh danh vài năm qua, gần như rơi vào sự im lặng đầy nghi kị? Ông có thể nói rõ hơn?
Inrasara: Chứng cớ rành rành ra đấy.
Các “cách tân” của Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương hay Phạm Đương… được Hội Nhà văn Việt Nam mạnh dạn vinh danh vài năm qua qua giải thưởng thường niên gặp phải sự dè bỉu và công phá bởi cư dân mạng lẫn dư luận chính thống, không ai trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn đứng mũi chịu sào “minh oan” cho chúng. Tại sao? Không ai hiểu tại sao! Hội đồng Giải thưởng khinh thường miễn chấp, hay không đủ lập luận để bác lại các “phản bác” kia? Không ai buộc Hội Nhà văn phải trả lời các phản bác về giải thưởng cả. Thế nhưng sự im lặng – dù bất kì nguyên do nào – ở khía cạnh này, Hội Nhà văn Việt Nam rất dễ tạo hồ nghi về sự bất lực của mình. Qua đó, thơ cách tân thất bại. Và hệ quả là: nền văn chương Việt Nam chịu thiệt.
PV. Ông từng nói là thiếu diễn đàn độc lập để các trào lưu văn thơ thể hiện, vậy theo ông Hội nhà văn đang đứng ở đâu đối với sự ra đời và phát triển của 7 trào lưu thơ?
Inrasara: Hội Nhà văn Việt Nam không đứng ở đâu cả! Ví dụ hai trào lưu mạnh mẽ nhất là tân hình thức và hậu hiện đại, Hội Nhà văn chưa có một thao tác nào đáng kể. Trong khi đó, tạp chí Sông Hương đã làm hai chuyên đề về thơ tân hình thức, hai chuyên đề về phong trào hậu hiện đại. Cạnh đó họ còn có cả hội thảo và cuốn sách chuyện về thơ tân hình thức nữa. Báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ và tạp chí Thơ, tạp chí Nhà văn (sau này là Nhà văn & tác phẩm) của Hội Nhà văn – tuyệt đối không. Nó dở chăng? – Chưa đưa nó ra công chúng thì làm sao biết nó hay dở thế nào!

PV. Ông khẳng định rất chắc chắn, cách mạng văn học, nếu có – luôn bị dang dở. Chúng ta có thể làm gì để sự dang dở ấy chấm dứt?
Inrasara: Một cuộc cách mạng văn chương nào cũng cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ; thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.
Xét cả bốn yếu tố, nền thi ca Việt Nam hôm nay đang thiếu, thiếu lớn!
Còn làm gì ư? – Hãy cho kẻ sáng tạo tự do, tự do theo nghĩa mạnh nhất của từ này.

PV. Dưới góc nhìn phê bình, ông đánh giá thế nào về tương lai của thơ Việt?
Inrasara: Chúng ta sẵn sàng cho cuộc cách mạng chưa? – Chưa. Cuộc cách mạng văn học luôn bị dang dở, là bởi thế.
Dẫu sao, qua ý hướng cách tân thơ cũng như sự thâu thái các trào lưu nghệ thuật đương thời trên thế giới cùng việc tiếp nhận tinh thần dân chủ mới, thơ Việt đã có bước chuyển động mạnh. Chuyển động cả ở cách nghĩ, cách làm, và thái độ. Ở các cá thể và trào lưu. Hậu hiện đại giai đoạn đầu với thái độ quá khích [rất cần thiết] phản kháng lại mấy đại tự sự và nỗi hãnh tiến vô lối các loại qua những Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi… , khi bị phản ứng, đã biết phản tỉnh để tìm hướng đi nền tảng hơn trong hành trình đổi mới thơ Việt. Lê Văn Tài, Vương Ngọc Minh, Lê Vĩnh Tài, Lê An Thế, Lê Anh Hoài, Tú Trinh, Phan Quỳnh Trâm… đang đi trên con đường gập ghềnh và đầy hoan lạc ấy. Họ sẽ làm nên bước chuyển mới của thơ Việt ngày mai, hi vọng thế.

Nguồn: http://inrasara.com/2015/07/09/inrasara-noi-de-moi-nguoi-dong-y-ca-la-dieu-hoan-toan-khong-can-thiet-voi-toi/

Comments are closed.