Đảo chính Myanmar: Cách người dân biểu tình bằng nghệ thuật

Yvette Tan, BBC News, 7/3/2020

Anh Hồng dịch

clip_image002

Một bầu khí sợ hãi và giận dữ lan rộng khắp Myanmar trong tuần này khi hàng triệu người thức dậy và nhận ra quân đội đã nắm quyền kiểm soát, lật đổ chính phủ do dân bầu.

Nhưng làm thế nào để chống lại một quốc gia mà các cuộc biểu tình đã bị đàn áp dữ dội trước đây?

Đối với một số người, nó có nghĩa là đặt bút lên trang giấy và tham gia trận chiến trực tuyến.

Gõ xoong nồi

clip_image004

Nghệ sĩ Miến Điện, chỉ được biết dưới bút danh Pen Holder, nói rằng họ tin đó là “nghĩa vụ” của họ khi biểu tình bằng nghệ thuật.

Họ nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại chính phủ cho đến khi nhà lãnh đạo thực sự của người dân chúng tôi trở lại”.

Bức vẽ của họ mô tả cả một gia đình Miến Điện – từ già đến trẻ – tất cả tụ tập nhau đập xoong nồi để biểu tình, một cảnh tượng có thể nhìn thấy vào các buổi tối trên khắp đất nước kể từ sau cuộc đảo chính.

Bức vẽ lan truyền từ đó, được người dùng mạng xã hội chia sẻ hàng nghìn lần.

“Người dân của chúng tôi không có vũ khí – chúng tôi không thể tiếp cận vũ khí. Thay vào đó, với tư cách là một nghệ sĩ, tôi chiến đấu bằng ngòi bút”, họ nói với BBC.

“Tôi sợ hãi. Nhưng tôi cũng không muốn hối tiếc về những gì mình đã không làm. Tôi muốn chiến đấu chống lại chuyện này”.

“Lời chào ba ngón” [The three-fingered salute]

clip_image006

“Tôi vẽ bức này với tư cách là một công dân bất mãn với sự bất công”, Mg Pyi Thu – không phải tên thật – nói với BBC.

Trong bức vẽ của mình, Mg Pyi Thu làm nổi bật cụm từ “Hãy nhớ, hãy nhớ ngày 1 tháng Hai”, một gợi nhắc [nod] đến câu nói nổi tiếng “Hãy nhớ, hãy nhớ ngày 5 tháng Mười Một” – ám chỉ đến nỗ lực thất bại trong việc làm nổ tung Thượng nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh [British Houses of Parliament] năm 1605.

Ông nói, điều này là để nhắc nhở người dân Myanmar về những gì đã xảy ra vào ngày định mệnh đó.

“Quân đội đã giam giữ chính phủ và cố vấn nhà nước của chúng tôi Aung San Suu Kyi, đi ngược lại ý muốn của người dân”.

Ông cũng vẽ kiểu chào bằng ba ngón tay, với những giọt nước mắt chảy dài.

Ông nói: “Những giọt nước mắt là nước mắt của những người dân Myanmar trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng tôi bị đe dọa dưới các nhóm vũ trang do [Tướng] Min Aung Hlaing lãnh đạo”.

Khi được hỏi vì sao lại quyết định bắt đầu biểu tình bằng nghệ thuật, ông nói: “[câu trả lời] rất rõ ràng”.

“Tôi muốn mọi người từ khắp nơi trên thế giới chú ý đến [hoàn cảnh của chúng tôi]. Tôi muốn họ biết rằng chúng tôi cực lực lên án hành động của quân đội. Tôi không muốn sống dưới một chế độ độc tài. Tôi muốn sống một cuộc sống yên bình”.

Liên minh trà sữa

clip_image008

Liên minh trà sữa quy tụ những người biểu tình ở Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và gần đây là Ấn Độ. Hashtag chống độc tài [anti-authoritarian] – lấy cảm hứng từ thức uống cổ điển được yêu thích ở cả bốn quốc gia – bắt đầu như một cách thể hiện tình đoàn kết với các phong trào ủng hộ dân chủ của nhau.

Giờ đây, một nghệ sĩ Thái Lan cho rằng nên thêm Myanmar vào danh sách này.

Hình ảnh này, được cho là đã trở thành một trong những hình ảnh được những người trẻ chia sẻ rộng rãi nhất trên mạng xã hội, cho thấy một cốc trà sữa Miến Điện – còn gọi là laphet yay – được thêm vào liên minh đang phát triển.

Nghệ sĩ Sina Wittayawiroj cho biết ông làm tác phẩm này vì muốn ủng hộ các cuộc biểu tình ở Myanmar giống như cách Đài Loan và Hồng Kông ủng hộ những người trẻ biểu tình vì dân chủ ở Thái Lan.

Ông nói với BBC: “Thật dễ khi nhìn vào người hàng xóm của bạn và hiểu hoàn cảnh [của họ], tình trạng tương tự đang xảy ra trên khắp lục địa này. Chúng tôi cùng chia sẻ lý tưởng về dân chủ … [Tôi nghĩ] mọi người bắt đầu nhận ra rằng quân đội và giới tinh hoa đã [quá] hủ bại”.

Ông ca ngợi những người biểu tình theo cách riêng của họ ở Myanmar, nói rằng “họ bắt đầu bất tuân dân sự chỉ trong 24 giờ sau cuộc đảo chính – tôi nghĩ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở Myanmar ngay lúc này”.

Comments are closed.