Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 66): Lê Yên: Ngựa Phi Đường Xa

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2019)

clip_image001[1]

clip_image002[1]

clip_image003[1]

clip_image004[1]

clip_image005[1]

Ngựa phi đường xa – Sáng tác: Lê Yên – Phạm Đình Chương tu soạn

Trình bày: Ban Hợp Ca Thăng Long (Pre 75)

*Chú thích: Nhạc Phẩm “Ngựa Phi Đường Xa” , như trên trang 2 của bản chụp đã ghi: “Trích ở nguyên tác : Kỵ Binh V.N của Lê Yên – Phạm Đình Chương tu soạn. Và bản chụp chữ ký ở trên là chữ ký của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Theo anh Hồ Đình Vũ, một độc giả đã đóng góp nhiều ý kiến giá trị cho chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, thì nhạc sĩ Lê Yên ở lại miền Bắc vào thời điểm năm 1965, tức năm bản nhạc ra đời ở miền Nam, nên phóng bản chữ ký mà chúng tôi giới thiệu trong bài chỉ có thể là của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Anh Hồ Đình Vũ cũng gởi kèm một phóng bản có chữ ký của nhạc sĩ Phạm Đình Chương để chúng ta đối chiếu. Xin cám ơn anh Hồ Đình Vũ. (TV&BH).

clip_image007[1]

Đọc thêm:

Ngựa phi đường xa (Lê Yên)

(Nguồn: dongnhacxua.com)

Tiếp nối hình ảnh ngựa trong dòng nhạc xưa, hôm nay chúng tôi mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam qua nhạc phẩm ‘Ngựa phi đường xa’ của nhạc sỹ Lê Yên. Theo nhiều nguồn thông tin mà chúng tôi sưu tập được thì bản này được nhạc sỹ Lê Yên cho phổ biến vào năm 1945. Có thể nói đây là bản nhạc đầu tiên đưa hình ảnh NGỰA vào âm nhạc.

Trước năm 1975, ‘Ngựa phi đường xa’ đã gắn liền với Ban Hợp Ca Thăng Long với khả năng giả tiếng ngựa hý độc đáo của ca sỹ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm, người anh cùng cha khác mẹ với nhạc sỹ Phạm Đình Chương).

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ LÊ YÊN
(Nguồn: Wikipedia)

Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917 – 1998) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa

Lê Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.

Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuân, Một ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.

Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC PHẨM ‘NGỰA PHI ĐƯỜNG XA
(Nguồn: tác giả Trầm Thiên Thu đăng trên ThanhLinh.net)

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi.

Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ.

Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa…

Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần:“Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”. Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.

Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng. Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”.

Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương!

Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi.

Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Comments are closed.