Đường chiều lá rụng!

Phạm Hiền Mây

I. ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG BUỒN ĐẾN PHÁT KHÓC

Phạm Duy viết Đường chiều lá rụng vào năm 1958, tại Sài Gòn, sau khi đi du học từ bên Pháp về. Nghĩa là lúc ấy, ông chỉ mới vừa ba mươi bảy tuổi.

Ba mươi bảy tuổi, mà ông đã viết được một ca khúc, nói về sự chết, rất hay, thậm chí, trên cả tuyệt vời. Ca khúc có chút hao hao của nhạc thính phòng, dòng nhạc cổ điển của phương tây, hao hao như nhạc viết cho kịch, bởi nó có những chói vói, rồi lại tắt lịm, nên, chỉ những ca sĩ có giọng thiệt cao mới hát được, như Thái Thanh, như Hà Thanh, như Quỳnh Giao.

Tôi cũng có nghe nhiều ca sĩ trẻ hát, dẫu tiếng hát họ, vẻ như rất nội lực, vẻ như rất nhập tâm, rất cố gắng, nhưng vẫn không sao hay bằng, không sao làm lịm hồn bằng, không sao u uẩn bằng, không sao “kịch tính” bằng, không sao “siêu thực” bằng, không sao “tới” bằng; và cả không “sang” bằng, tức là không sang trọng, không đem lại sự sang trọng bằng.

Nhất là, không mang lại được một nỗi buồn, nỗi buồn của những giây phút cuối cùng trong đời, buồn và hờn dỗi, buồn và muốn khóc, buồn đến héo hắt ruột gan, bằng các ca sĩ mà tôi vừa nêu trên.

Cái chất phiêu ấy, chất say mê, đê mê và phá cách; cũng như chất tự do, tự do tuyệt đối của người hát, khi cất lên ca khúc và cả những tự do tuyệt đối của những phút giây ngẫu hứng, có thể đến bất ngờ, không báo trước – tất cả những chất ấy – tôi không tìm thấy được nơi những người hát trẻ, sau này, khi thể hiện ca khúc.

******

II. ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG – GIÂY PHÚT CUỐI CÙNG CỦA ĐỜI NGƯỜI: THIÊNG LIÊNG, RỰC RỠ

Ngay cả tác giả mà cũng còn phải nói: “Bài Đường chiều lá rụng rất khó hát, so với các ca khúc khác của tôi, nét nhạc và chuyển điệu của nó khá mới lạ, cho tới nay, chỉ có Thái Thanh, Kim Tước và Quỳnh Giao hát nó mà thôi” (Phạm Duy – Một đời nhìn lại).

Bài này, Thái Thanh diễn ca là số một, vì không ai có chất giọng điệu nghệ hơn bà, không ai làm cho ca khúc có thể nồng nàn, thổn thức và rũ rượi hơn bà. Bà Quỳnh Dao, tuy không thượng thặng như bà Thái Thanh, nhưng giọng cũng đủ thống thiết để người nghe, hình dung ra được, giây phút cuối cùng của đời người, mới thiêng liêng, rực rỡ và nghiêm trang làm sao. Còn bà Kim Tước, thì tôi không sao tìm được video bà hát.

******

III. ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG BUỒN CHỊU KHÔNG NỔI

Không chỉ kén người hát, Đường chiều lá rụng còn kén cả đối tượng nghe, ngay cả những khán thính giả ruột rà, ngay cả những fan hâm mộ Phạm Duy, thì không phải ai cũng biết đến bản này và không phải ai cũng thích nghe bản này.

Bởi vì, bản này không nghe lớt phớt được, không thể nghe giai điệu mà bỏ qua phần lời được. Nếu không nghe rõ lời, không cảm được phần lời, thì không thể suy tư được, không thể đi vào được, không chạm chân lên được – con đường chiều có lá rụng đó.

Kén người nghe, còn bởi vì, Đường chiều lá rụng buồn đến chịu không nổi!

******

IV. ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG, TUYỆT TÁC CẢ TỪ GIAI ĐIỆU ĐẾN LỜI CA

Không chỉ là một trong số ít ỏi các tuyệt tác của ca khúc, mà phần lời ca khúc, còn là một tuyệt tác của thi ca.

ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG

(1)

Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều

Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu.

Chưa nghe ca sĩ hát, chỉ cần đọc lời nhạc của Phạm Duy thôi, là cũng đủ để cho ta thắt hết cả ruột gan lại rồi, nhất là khi đọc đến cái chữ “rơi”. Hãy thử tưởng tượng cùng tác giả, trên con đường quạnh vắng của lối về, có một buổi chiều tà đang “rơi”, chiều tà đang “rơi” nắng. Và, có một thứ nữa, cũng đang “rơi”, đó chính là ta. Ta “rơi” theo cùng chiều nắng tắt, theo cùng làn gió đìu hiu.

**

Lá vàng bay, lá vàng bay

Như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai

Lá vàng rơi, lá vàng rơi

Như chút hương người, giã ơn đời, trên nẻo đường, hấp hối.

Trong Đường chiều lá rụng, ta thấy có bốn “nhân vật”, nhân vật thứ nhất là con đường, nhân vật thứ hai là buổi chiều, nhân vật thứ ba là lá, nhân vật cuối cùng là ta. Nếu ở hai câu trên, Phạm Duy giới thiệu về con đường, buổi chiều và ta, thì ở bốn câu kế tiếp này, Phạm Duy kể về lá, kể câu chuyện về lá.

Đó là chiếc lá vàng. Nó bay. Bay nhẹ như dĩ vãng gầy gò, ốm yếu. Bay nhẹ như mái tóc em bay, ngày nào, níu giữ hồn anh. Và khi bay ra khỏi mối tình phai, lá vàng rơi xuống. Rơi cũng nhẹ như bay. Nhẹ như chút hương em, còn váng vất quanh hồn anh, lúc anh đang giã biệt đời, lúc anh đang nói tiếng cảm ơn đời. Nhẹ như hơi thở anh đương lúc này, hấp hối.

**

Hoàng hôn mở lối, rừng khô thở khói, trời như biển chói

Từng chiếc thuyền hồn, lướt theo, neo đứt một lần cuối thôi

Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy.

Các bạn để ý, sẽ thấy, những điệp vần trong từ “lối”, “khói”, “chói” khiến câu hát trở nên dồn dập trước sự mênh mông được mở ra và chói lọi, khiến ta líu quíu, run rẩy cả châu thân. Chung quanh ta, những chiếc thuyền hồn, cùng với chiếc thuyền hồn ta, đang lướt theo, mê dại, cuống cuồng, dứt thuyền cho đứt neo, một lần này, lần cuối. Một lần cuối, rồi thôi. Cho cánh buồm được lộng gió, đầy vơi.

Siêu thực là đây sao. Một thời siêu thực của những Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương là đây sao. Vậy thì siêu thực đẹp quá. Vậy thì cái chết đẹp quá. Cái chết có gì đâu, mà tại sao, mình phải lo, phải sợ.

**

Chiều ôm vòng tay, một bó thuyền say, thuyền lơ lửng mãi

Từng tiếng xào xạc lắt lay, là tiếng cội già khóc cây

Hay tiếng lòng mình khóc ai, giờ đây.

Thì không lo, thì không sợ, nhưng vẫn buồn, nỗi buồn của đôi lứa phải lìa chia. Thuyền bứt đứt dây neo rồi, mà sao còn lơ lửng mãi. Mà sao còn luyến tiếc mãi, một vòng ôm. Lá xào xạc hay tiếng lòng anh đang khóc. Cội khóc cây chiều hay ta khóc vì ai.

**

(2)

Chiều chưa thôi trìu mến, lá chưa buông chết chìm

Hồn ta như vụt biến, bay vờn trong đời tiên.

Chiều vẫn còn, em ạ. Chiều vẫn còn đây, trìu mến. Lá vẫn đương buông, lá chưa lúc nước chìm. Nên hồn anh, cũng vẫn đầy quyến luyến, bay chập chờn hoài trong sương khói đời tiên.

Cuộc đời này, mãi mãi với Phạm Duy, là cuộc đời tiên cảnh. Dù có buồn, dù có sầu, dù có đau, dù có khổ, nhưng Phạm Duy cũng vẫn cứ yêu nó rất nhiều. Chưa một ngày nào, ông phí phạm. Chưa một ngày nào, ông vứt bỏ yêu thương.

**

Lá vàng êm, lá vàng êm

Như mũi kim mềm, sẽ khâu liền, kín khung cửa tình duyên

Lá vàng khô, lá vàng khô

Như nét môi già, đã nhăn chờ, lên nẻo đường băng giá

Ba mươi bảy tuổi thôi, mà Phạm Duy đã mường tượng ra được cái chết, rất rõ và rất thật. Cái chết của một đời người, rồi ai mà không đến lúc. Chỉ có thể là thiên tài, một thiên tài nghệ sĩ, mới có thể hình dung ra cõi chết vừa buồn vừa êm dịu đến vậy.

Lá vàng sẽ là mũi kim mềm, khâu kín cửa tình duyên, và chúng không làm đau ta đâu, em ạ. Chiếc lá vàng khô, khô như nét môi răn, đương chờ, như ta chờ, lên nẻo đường băng giá.

**

Chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ

Để những lệ buồn, cánh khô rơi rớt từ một cõi mơ

Nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ

Tới rồi em ơi, đã tới rồi em ơi, giờ phút thiêng liêng ấy. Chiều không còn chiều nữa và đêm cũng đã lần lữa thế chỗ vào. Chẳng thể thương, chẳng thể nhớ thêm được nữa rồi. Nghe như những giọt lệ buồn, nghe như những cánh lá khô còn rơi rớt trong cõi mơ. Tất cả, đã phía sau, đã trở thành cõi mơ của anh rồi. Và quanh anh, giờ đây, chỉ toàn lời ru hững hờ, đất gọi.

**

Còn rơi rụng nữa, cành khô và lá, thành ngôi mộ úa

Chờ đến một trận gió mưa, cho rữa tình già xác xơ

Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ

Vẫn chưa ngừng rơi, cả cành khô và lá, chúng chất chồng lên nhau thành ngôi mộ úa. Và chúng chờ, chờ một một trận gió mưa, trút xuống, cho rữa nấm mộ tàn, lấy đất, vun bón cho tình sau, ngày sau.

Tôi ngưỡng mộ ông Phạm Duy quá. Ngưỡng mộ tài năng ông đã đành, tôi còn ngưỡng mộ cả quan niệm về nhân sinh của ông. Sống, thì sống hết mình, sống không phí uổng. Lúc phải chết, cũng xin xác thân rữa nát này thành nhựa sống nuôi tình thơ.

Tình thơ hay người thơ. Cả hai. Nuôi dưỡng cho kiếp sau, đời sau, luân hồi, tiếp nối, không dứt, không dừng.

**

Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời

Hồn ta như gò mối, đang chờ phút đầu thai.

Rỗng rang rồi, thảnh thơi rồi, em ơi, anh nhẹ nhõm rồi. Buổi chiều đã tan trọn vẹn vào con đường đêm màu tối. Anh rã rời đây. Hồn anh, giờ trong gò mối, đang chờ, chờ phút đầu thai. Nghe tiếng hát như trút ngàn gánh nặng. Nghe tiếng hát như đã tròn trách nhiệm, bổn phận mình.

Kiếp người hay kiếp lá. Khác gì nhau!

******

V. TÌNH YÊU, SỰ ĐAU KHỔ VÀ CÁI CHẾT

Phạm Duy từng cho rằng: “Đối với tôi, chỉ có ba điều quan trọng, tình yêu, sự đau khổ và cái chết”.[1]

Những điều quan trọng này, trong hơn nửa thế kỷ sáng tác của ông, ông đã đưa vào, lần lượt, hơn một ngàn ca khúc.

Viết Đường chiều lá rụng, Phạm Duy tâm sự: “Tôi […] đã mon men đến siêu thực khi đả động đến cái chết. Tôi nói đến cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá tấp xuống để thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình. Tôi nhìn chiếc lá vàng bay, giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi, giống như chút hơi người, giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối”[2].

Đả động đến cái chết, còn nằm trong các sáng tác khác của ông như: Tạ ơn đời, Nắng chiều rực rỡ, Những gì sẽ đem theo vào cõi chết.

******

VI. PHẠM DUY VIẾT VỀ CÁI CHẾT: BÌNH TĨNH, AN NHIÊN

Không hiểu sao, cứ mỗi lần nghe Đường chiều lá rụng, là trong tôi lại dậy lên một nỗi buồn ghê gớm.

Nhìn ra ngoài kia, ngó lại đời mình, thấy những phút giây vì lợi danh mà mình phải cố gắng, thấy những được mất hơn thua mà mình từng đã trải qua trong đời – nói ra thì hơi kỳ, hơi phủ nhận, hơi bạc bẽo – chớ thiệt là nó vô nghĩa gì đâu.

Phạm Duy thì khác, ông viết Đường Chiều Lá Rụng trong một tâm thế rất bình tĩnh, nếu không muốn nói là rất an nhiên. Cái chết, với ông, không đáng sợ như người đời vẫn hằng luôn nghĩ về nó. Tuy có buồn, nhưng đó là nỗi buồn tâm lý, khi phải ly biệt những gì mình iu ấp lâu nay.

Ai rồi chẳng phải chết. Ai rồi chẳng phải đến lúc, bỏ chiếc thân tàn lại, để đưa hồn mình về bến mới, để chờ một khởi đầu mới.

Một khởi đầu thơ, trẻ thơ, tình thơ, kiếp sau!

Sài Gòn 03.05.2025


[1] Hồi ký Phạm Duy, https://phamduy.com/vi/viet-ve-pham-duy/nua-the-ky-pham-duy-xuan-vu/5827-chuong-15-tinh-yeu-hanh-phuc-kho-dau-tim-cho-ra-mai-toc-ngay-tho-do

[2] Hồi ký Phạm Duy, https://phamduy.com/vi/download/file/5-hoi-ky-pham-duy-phan-3

This entry was posted in Nghệ thuật and tagged . Bookmark the permalink.