“Búp bê biết khóc” hay là kẻ mộng du trên đường phố

(Đọc truyện ngắn BÚP BÊ BIẾT KHÓC rút trong tập NGỌN GIÓ QUA VƯỜN của nhà thơ Ý Nhi)

Đặng Văn Sinh

Ý Nhi với tuyển tập "Ngọn gió qua vườn"

“Búp bê biết khóc” là một truyện ngắn lạ, lạ cả về cấu trúc văn bản đến các hình thái diễn ngôn. Về mặt nội dung, đây là truyện ngắn có “chuyện”, thậm chí nhiều “chuyện” nhưng những “chuyện” này lại thuộc một hệ hình thẩm mỹ khác, một kiểu cấu trúc khác khiến người đọc nghĩ đến khuynh hướng sáng tác hậu hiện đại. Tuy nhiên, tham chiếu lý thuyết văn học hậu hiện đại thì ta cảm thấy khá nhiều điểm không tương thích. Có thể xem nhân vật không tên mà tác giả dùng danh xưng “anh” như vai trò một “trung tâm”, nơi hội tụ của tất cả các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian già nửa ngày. Chỉ nửa già ngày thôi nhưng với ông chồng biết nghe lời vợ, suốt bốn năm liền mang túi rác từ tầng bốn của một chung cư không thang máy, xuống nơi tập kết, là cả một sự thay đổi về trạng thái tâm lý. Từ một công chức mẫn cán, anh ta biến thành kẻ mộng du, lang thang khắp mọi ngõ ngách sau khi nhặt con búp bê trong thùng rác. Giả như sau khi đổ rác, anh ta không để búp bê lên ghế đá rồi tiếp tục đi bộ, mà mang ngay về phòng, rất có thể những chuyện ly kỳ tiếp theo không xảy ra. Điều khó lý giải là, con búp bê biết nói, biết khóc lại bị ai đó quẳng vào thùng rác kéo theo một chuỗi sự kiện vượt ra ngoài nhận thức và tầm kiểm soát của lý trí. Đến đây thì câu chuyện không còn giới hạn trong phạm vi một cá thể mà đã trở thành vấn đề xã hội. Các sự kiện nửa thực nửa hư dẫn dụ nhân vật của chúng ta vào cuộc hành trình trong thế giới vô thức. Và, cuộc hành trình trong vô thức với đầy những sự kiện hài hước ấy lại biểu hiện rất rõ thuộc tính giễu nhại của khuynh hướng hậu hiện đại.

Về mặt cấu trúc văn bản có ít nhất ba tiểu tự sự gắn liền với sự kiện con búp bê biết khóc. Hệ lụy phát sinh sau khi sau khi anh ta bị năng lượng vô hình tương tác, liên tục di chuyển trên đường phố mà không biết mình đi đâu. Từ lúc ấy, cái đầu không còn là của anh ta mà đã bị một thế lực bí hiểm nào đó chiếm dụng, điều khiển. Chi tiết ông già gác cổng chỉ tay sang bên phải hỏi anh ta nhìn thấy gì, tưởng đơn giản mà lại đầy ý nghĩa. Vì sao, tất cả những người qua cái barrie ấy đều như mắc bệnh khiếm thị mà chỉ có anh mới nhìn thấy biển? Và giấc mơ thấy mình bị lèn chặt giữa đám đông đang dịch chuyển theo quán tính trên đường phố chẳng khác gì con búp bê biết nói bị cả một khối rác ép xuống khiến anh ta nhìn thấy cô váy đỏ đi xe máy phía trước.

Rất có thể cô gái váy đỏ là một biến thể của con búp bê đã dẫn dụ nạn nhân ở chặng đầu tiên. Anh ta cứ nghĩ mình đến công sở nhưng thực chất lại đi theo bóng hồng có cặp mắt xanh giống mắt búp bê cho đến khi cô ta ngã xe rách váy, khiến khổ chủ của chúng ta phải đi mua bông băng, thuốc sát trùng xử lý vết xây xát ở chân cho người đẹp không quen biết. Đến đây lại thêm một chi tiết cần chú ý. Đáng lẽ rẽ trái về công sở thì anh ta lại rẽ phải đi theo cô váy đỏ trong trạng thái như kẻ mộng du vừa bị bùa mê thuốc lú “chài”…

Giống như cảnh tượng liêu trai, nhân vật của chúng ta vẫn trong tình trạng mộng du chạy xe đến một nơi giống như công viên nhưng không phải công viên, ngồi dưới gốc cây muỗm dại tiếp tục thả hồn vào thế giới ảo tưởng bằng một giấc ngủ chập chờn. Ở đây anh ta đuổi bắt con kỳ nhông rồi gặp người câu cá. Người này ngồi bất động nhưng câu được con cá nào lại thả xuống hồ. Ông già như một kỳ nhân, am hiểu nhiều lĩnh vực xã hội, nhạy cảm, tinh tế và có khả năng nắm bắt được tâm lý người khác đã mời khách ở lại dùng cơm chay. Đương nhiên đây lại là một không gian khác, không gian ngoài trung tâm nằm trong trục hệ hình để phù hợp với đại lượng thời gian bị co giãn vượt khỏi giới hạn 24 giờ. Có điều, khác với liêu trai, không gian và thời gian ở đây đa chiều, chỉ có giá trị định tính bởi tính chất kết hợp và chuyển đổi như ma phương. Nó có cấu trúc biến hình, không ổn định và rất dễ bị “giải cấu trúc”. Thế nên, vừa chia tay ông già bí hiểm, anh ta lại trượt đi trên đường phố rồi cũng bất ngờ dừng lại ở một quán cà phê cóc. Nơi đây là vùng đất tranh chấp, quán chỉ là căn lều tạm của người phụ nữ trẻ có ba con. Chị ta thuộc thành phần kinh doanh “chui” vì kế sinh nhai. Nhưng thật ra hành trình vẫn chưa chấm dứt nếu ta tính đến cả sự kiện “hết xăng”, nhân vật “anh” phải dắt xe một đoạn khá dài trước khi ra khỏi “giấc mộng Nam Kha”.

Sau ba sự kiện khá điển hình trong chuyến “trôi dạt” theo đám đông đường phố anh ta ngẫu nhiên nhìn thấy lối về khu chung cư mà điểm nhận diện là bà cụ già ngồi trên ghế đá nơi buổi sáng mình đã đặt con búp bê lên đó.

Như vậy, anh ta đi một vòng qua các ngả đường trong trạng thái mộng du, thế giới ấy vốn nằm sâu trong tiềm thức, bỗng chốc được kích hoạt bắt đầu từ một con búp bê. Thật tình, đọc truyện này, nếu chỉ lướt qua, ta sẽ khó nhận ra đâu là thật đâu là giả do ảo giác dẫn dắt vào những sự cố vụn vặt rất dễ bắt gặp trong sinh hoạt đời thường nhưng lại có vẻ như không bình thường. Từ đó có thể thấy nền văn minh kỹ trị là nguyên nhân gây nên trạng thái rối loạn tâm lý con người biến con người thành một thứ đồ vật trôi nổi theo đám đông cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hiện tượng dòng ô tô, xe máy ken nhau trên đường phố bụi bặm tạo ra thói quen chuyển động liên tục kể cả những lúc cần phải dừng lại là nét phổ quát của tâm lý đám đông đô thị.

Thật ra, con búp bê chỉ là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân sâu xa vẫn là sự dị biệt của mô hình xã hội hiện đại được bảo trợ bởi một nền văn hóa khuyết tật. Vì thế, mọi tư duy con người đều phụ thuộc vào đám đông, nhìn thế giới quanh ta trong tình trạng mê muội triền miên. Thế nhưng dường như có một nghịch lý, vào những thời điểm gặp sự cố thì những ảo giác xuất hiện như chiếc phao cứu sinh. Hình ảnh ông già câu cá bên hồ, cô váy đỏ bị ngã xe hay quán cà phê của người phụ nữ đều là sản phẩm tưởng tượng nhưng lại hiện hữu như một thực thể có thể sờ nắn được. Chỉ cần định vị được ba điểm này, người đọc có thể nhận ra, cách xử lý cốt truyện của tác giả rất bài bản. Đến đây thì ta không còn nghi ngờ gì nữa, yếu tố hậu hiện đại của loại truyện hiện thực huyền ảo Mỹ Latin ít nhiều đã lộ diện ở văn bản truyện.

Về mặt ngôn ngữ, cho dù có sự thay đổi hệ hình thẩm mỹ, nhưng diễn ngôn của “Búp bê biết khóc” vẫn tinh tế, sang trọng bởi lớp từ vựng luôn được tu sức tạo nên những câu văn đa nghĩa. Yếu tố giễu nhại ở đây hầu như ít bắt nguồn từ mô hình câu phá vỡ nguyên tắc ngữ pháp, hay sử dụng lớp từ thông tục luôn được cập nhật, mà là hình ảnh nhân vật hoặc bối cảnh xảy ra những tiểu tự sự tạo nên tiếng cười. Chẳng hạn, nhân vật chính bị đám đông các loại kéo đi trên đường phố đông nghẹt người không thể dừng lại, cô váy đỏ ngã xe rách váy, ông già ngồi bất động câu cá chỉ để quẳng trả lại hồ hay người gác cổng chỉ cho qua nếu ai trả lời được “bên phải là gì”. Phần kết câu chuyện cũng vẫn mang dáng dấp giễu nhại khi mà tòa chung cư bị phá, “anh ta” được giải nghệ bởi ở nơi tái định cư có hệ thống xả rác thẳng từ căn hộ chung cư xuống hầm.

Vậy cuối cùng, vấn đề đặt ra là, anh ta thuộc loại người nào trong nấc thang đẳng cấp xã hội? Một công chức mẫn cán, một ông chồng an phận biết nghe lời vợ hay một kẻ mộng du mang trong mình hội chứng đám đông, và nếu cần lại sẵn sàng “xuống đường”?

Chí Linh, 04.01. 2020

Đ.V.S.

Comments are closed.