Cảm giác hạnh phúc khi đọc “Sơn Trà – rừng trong phố biển”

Quế Hương

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, văn bản và ngoài trời

Lydie Vander Beeken, nhà sáng lập tổ chức Heart for Primates, giới thiệu “Sơn Trà – rừng trong phố biển” với tiêu đề: “Quyển sách mang hoang dã vào phòng khách bạn”. Không chỉ là phòng khách, nó mang “hoang dã” vào tận lòng tôi, một người đàn bà sống đời chật hẹp trong bếp nhà, sau ngưỡng cửa.

*

Quyển sách dày 150 trang song ngữ Việt-Anh, gồm ảnh và ký. Với nhiếp ảnh, vẻ đẹp, niềm vui, buồn đau được kể bằng hình ảnh. Thế nhưng Vĩnh Quyền là một nhà văn cầm máy. Khi cảm xúc trào dâng ngôn ngữ lên tiếng. Ký và ảnh vì thế xuất hiện bên nhau, nói giùm nhau và đều kiệm lời.

Tôi tin mỗi quyển sách chứa đựng một thế giới. Đọc nhiều sách đời không chật hẹp vì thế giới rộng mở muôn chiều.

Hạnh phúc vì biết ngay trong thành phố tôi sống, ngoài xô bồ huyên náo đặc thù của một đô thị lớn, còn có mảnh rừng tuyệt đẹp, một miền hoang dã hiếm hoi bên triền phố thị. Một nhà báo Mỹ gốc Nhật nói: “Các bạn hạnh phúc khi được tự nhiên ban tặng một ngọn núi lớn, một cánh rừng đẹp như Sơn Trà ngay trong lòng thành phố của các bạn”. “Rừng vốn quý, quý hơn khi rừng gối biển, quý hơn nữa khi rừng cùng biển nằm sát thành phố giữa cơn lốc đô thị hóa như Đà Nẵng”.

Nhà văn Vĩnh Quyền, sau bảy năm vắt kiệt sức mình với cuốn tiểu thuyết “Debris of Debris” viết bằng tiếng Anh, trải bao truân chuyên để được xuất bản tại Hoa Kỳ, tại Anh, được lưu trữ trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, bản tiếng Việt “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” nhận giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc thi tiểu thuyết năm 2011-2015, rồi tiếp đó là tiểu thuyết “Trong vô tận”, ông cảm thấy mình rỗng, kiệt sức, cần ra khỏi “ngục thất chữ nghĩa” mà ông “tự lưu đày” (chữ của nhà báo Lê Thanh Phong). Đó là lý do ông đến với khu bảo tồn Sơn Trà. Chỉ mất 30 phút đi xe gắn máy từ trung tâm thành phố ông đến một thế giới khác. “Ở đó tôi biết thế nào là thở thực sự với lá phổi rừng xanh bốn mùa… Ở đó tôi bầu bạn với đàn voọc vá chân nâu. Chúng chỉ xuất hiện ở ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia.”

Tưởng rằng thư giãn, ông lại rơi vào một nỗi đam mê khác. Lần này cả nhà báo, nhà nhiếp ảnh trong nhà văn Vĩnh Quyền đồng loạt ngất ngây như bị ám bởi vẻ đẹp hoang dã của đàn voọc chân nâu, vẻ mỹ miều độc đáo của hơn trăm loài chim kể cả những cánh chim băng ngàn dặm bay từ Bắc Á, Đông Á về Sơn Trà trú đông.

“Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, chàng thư sinh trong truyện Bồ Tùng Linh đắm mê sách vì tưởng tượng trong sách có mỹ nữ nhan như ngọc. “Rừng trong phố biển” chỉ có chim muông, hoa rừng vẫn làm người đọc không rời được sách. Một địa đàng có thật phơi trên từng trang ảnh. Với máy ảnh chuyên nghiệp, đôi mắt tâm hồn tinh tế, trái tim rung động sâu sắc bởi các loài chim và linh trưởng, với nỗi đam mê mang cốt cách ông hoàng, mỗi bức ảnh là một tác phẩm. Người đọc được thấy cô voọc trẻ hoang dại bình yên trong vòng tay tin cậy của chồng. Gia đình voọc hạnh phúc bên nhau. Vũ điệu trên không khi chúng chuyền cành. Gương mặt trầm tư, gai góc của đại đế chân nâu… Không chỉ hoa hậu người mới đẹp. Hãy nhìn bộ cánh rực rỡ hài hòa tạo hóa ban tặng cho voọc vá chân nâu khi chúng trưởng thành: “mặt hồng tươi; mình xám mướt; râu, cánh tay, đuôi trắng tinh; đỉnh tóc, bàn tay, bàn chân đen bóng; đặc biệt từ gối đến cườm chân nổi bật màu đỏ sẫm.” Chúng xứng đáng được phong Nữ hoàng linh trưởng với bộ cánh năm màu ấy, với đôi mắt đen muồi lóng lánh in bóng Sơn Trà. Ngắm vẻ đẹp, sắc thái biểu cảm hạnh phúc, buồn lo của chúng để nhận ra rằng trái đất này là của muôn loài. Mỗi loài mang một vẻ đẹp khác biệt và chúng có quyền được sống, được hạnh phúc trong ngôi nhà chung quả đất.

Ngắm chúng qua những bức ảnh tuyệt vời của ông tôi hiểu vì sao lắm kẻ cam chịu “bị voọc hành”, lặn lội vào rừng sáng trưa chiều muộn, phát cuồng vì vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã của chúng, hạnh phúc, âu lo cùng chúng. Hiểu vì sao Lydie viết: “Trái tim tôi rung động sâu sắc bởi các loài linh trưởng. Không gì làm cho một ngày hoàn hảo hơn bằng quan sát và chụp ảnh chúng hàng giờ”. Vĩnh Quyền cũng vậy, ông hạnh phúc và hạnh phúc ấy lan tỏa đến tác phẩm, truyền qua người đọc như tôi.

VÀ NHỮNG CÁNH CHIM TRỜI…

Đất lành chim đậu. Sơn Trà có 104 loài chim vừa bản địa vừa di trú. Có những đôi cánh mỏng manh vượt ngàn dặm bay, đôi khi mất sáu tuần, đến Sơn Trà trốn tuyết. Cành Cạch từ Hy mã Lạp Sơn; Hoét mặt đỏ hiếm quý từ Nhật Bản; Oanh cổ đỏ từ Siberia… và rời đi khi mùa xuân đến để lại nỗi buồn tạm biệt. Những lúc như thế, ngôn ngữ nhà văn hỗ trợ nhà nhiếp ảnh: “Tuần cuối mùa chim di trú, tôi đánh bạn với một Oanh họng đỏ… Tôi mang cho chim những con sâu gạo béo thơm. Sau vài ngày quen hơi, chỉ cần nghe bước chân tôi, nó đã ló ra từ bụi sim rậm. Chưa bao giờ tôi chụp ảnh chim trời với khoảng cách gần gũi như thế, chỉ chừng hai mét. Ngày cuối năm âm lịch, Oanh quay về cố xứ, nơi mùa xuân đang đến, để lại khoảng trống nơi rừng sim Sơn Trà và cả trong lòng tôi…” (tr. 108, 109). Những bức ảnh về chim của ông xuất thần vì ông không chỉ chụp mà còn gửi tâm tình vào đó. Ông buồn khi chúng quay về cố xứ. Ông ái ngại cuộc hành trình đơn độc và quá dài của những cánh chim mỏng manh. Ông mong ngóng và mừng vui khi tái ngộ.

Những ngày cõi người xôn xao vì Coronavirus, ngột ngạt trong khẩu trang, người sợ người thì ông vẫn chiếc moto, máy ảnh hít thở bầu không khí trong lành, ngắm voọc, đợi chim, ghi nhận những khoảnh khắc tuyệt đẹp của chúng. Oanh cổ trắng vui tắm chiều chiều. Vũ điệu tình yêu của Nhàn (tr. 102, 103). Vẻ đẹp của Cành Cạch Hy Mã Lạp Sơn trong mùa thầu đâu ở Sơn Trà (tr. 104, 113)… Ảnh của ông nắm bắt sắc thái các loài chim. Sẻ bụi mái giữa hai cơn mưa núi, phấn khích xòe cánh, dướn thân, đẹp như vũ nữ trời xanh. Hơn nghìn shot trong một tuần để được bức ảnh chim hút mật bên cành vọng cách, cánh xòe, chân duỗi, mỏ hôn hoa. Ông phơi nắng hai giờ để có bức ảnh chim hút mật họng đỏ bên hoa vọng cách lục bảo. Bức ảnh trong veo “màu thiên đường” và “nắng thủy tinh”. Sáng sớm, chiều muộn, xuân hạ thu đông, qua ống kính télé và đôi mắt tâm hồn, ông săn tìm những khoảnh khắc xuất thần, hiển lộ vẻ mỹ miều của những cánh chim trời nhỏ bé. Chỉ tình yêu mới thấu hết vẻ đẹp. Chỉ nghệ thuật mới lưu giữ được vẻ đẹp của những khoảnh khắc. Tôi cho là thế.

ĐẠI TIỆC SẮC MÀU …

Sơn Trà là một mảnh rừng nhiệt đới. Từ cuối tháng ba đến trung tuần tháng năm mỗi năm, Sơn Trà đón mùa hoa rừng, bày đại tiệc màu sắc ngẩn ngơ những tay máy. Đẹp đến nổi “ảnh không cất chứa được hết mà cần thêm chữ” – nhà văn viết.

Mở đầu là vàng lim… “Khóm rừng lim xẹt trở thành vườn mai khổng lồ với chiều cao ngót ba mươi mét. Hoa lim rất giống hoa mai từ hình dáng đến màu sắc” (tr. 132). Vàng lim chưa kết thúc, thàn mát tím đã “nhuộm tím Sơn Trà trong gần hai tuần lễ. Và ngay trước thời điểm hoa nở, lá rừng phô diễn bảng maù hoành tráng, rực rỡ với những mảng xanh lam-xanh lục, vàng chanh-vàng cam, đỏ tươi-đỏ thắm đan xen trùng điệp ngút ngàn, phối cùng xanh dương biển rộng, xanh lơ trời cao… (tr. 133). Cả màu trắng tinh khiết như tuyết của loài hoa trên đỉnh Sơn Trà mà ông cụ địa phương trả lời khi hỏi tên hoa: Hoa Khiết Bông. Khi biết tên rồi ông vẫn tiếc cái tên mà ông cụ dí dỏm nói lái – Hoa Khiết Bông là Hoa không biết! Sơn Trà mùa hoa rừng bày đại tiệc màu sắc của một địa đàng có thật. Vẻ đẹp của địa đàng ấy khiến cho sinh thể sống ở đó càng rực rỡ sắc màu. Bởi vậy, “theo các nhà động vật học, màu sắc của voọc vá chân nâu ở Sơn Trà đẹp nhất trong đại gia đình của chúng.” (tr. 27).

Mỗi nhà văn thông qua tác phẩm bộc lộ bản ngã văn chương, thế giới tâm hồn. “Sơn Trà – rừng trong phố biển” chuyển tải thông điệp về tình yêu cuộc sống nhẹ nhàng mà tinh tế qua vẻ đẹp của những trang ảnh và câu chữ ấm áp của nhà văn. Người đọc sẽ nảy sinh lòng yêu thương muôn thú như tác giả, muốn bảo vệ loài linh trưởng quí hiếm nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên chỉ sinh sống ở ba nước Đông Dương. Tôi tin nếu đã đọc tác phẩm, người có thẩm quyền sẽ không nỡ cấp giấy phép mở rộng xây dựng ở Sơn Trà để giữ một mảnh địa đàng nguyên sơ hiếm hoi kề bên phố biển mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng.

Voọc không có tiếng nói để tự vệ. Ông cảm thấu nỗi lo và đôi khi cả giận dữ trong ánh mắt voọc khi rừng động và ông đã lên tiếng thay chúng. Lydie đã viết: “Cuốn sách này làm chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần bảo toàn tình trạng nguyên sơ của Sơn Trà. Nếu mảng rừng tuyệt đẹp này bị hủy hoại, thiệt hại sẽ không thể bù đắp. Động vật hoang dã sẽ mất sinh cảnh và voọc vá chân nâu có thể không sống sót… Thay mặt những người yêu linh trưởng trên thế giới, tôi cám ơn Vĩnh Quyền, cùng những người như ông, vì những nỗ lực gìn giữ từng chút một cho thiên nhiên, là ngôi nhà và cũng là vườn địa đàng của linh trưởng.”

“Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới” (văn hào Dostoevsky). Cái Đẹp sẽ cứu Sơn Trà khỏi cơn lốc đô thị hóa, trước những thách thức của xu thế phát triển kinh tế và du lịch.
Tháng Ba – 2020

Comments are closed.