Đọc thơ 40: Hoàng Vũ Thuật, phía sau hiện thực

Nguyễn Đức Tùng

 

 

clip_image002

 

Hoàng Vũ Thuật

Có một điều gì đã xong và một điều gì chưa xong trong thơ Hoàng Vũ Thuật, tựa như sự thăng bằng đạt được hôm qua, hôm nay biến mất. Vì vậy, anh trở đi trở lại nhiều lần trước một sự vật, nhìn chúng dưới những góc cạnh khác nhau, làm cho sự thật hiện lên trong những ánh sáng khác, khi cằn cỗi, khi tinh khôi.

 

anh quay lại khi anh không còn nữa

bước vào nhà và sẽ

gọi tên em

 

Thơ Hoàng Vũ Thuật thân mật và phóng khoáng, nhiều chất hiện tại. Thơ của những khoảnh khắc. Nhân vật của anh cũng không đứng yên mà chuyển động, các câu chuyện kể lại được giải thích khác nhau. Bên dưới, anh có một nỗi buồn dịu dàng, không phải là thứ sầu muộn chết người, nhưng đủ làm day dứt. Chúng ám ảnh thơ anh từ trang viết này qua trang viết khác, từ lâu, trở thành chiêm nghiệm.

 

tôi đo ánh sáng mặt trời chiếu
xuống trái đất
bóng tối phủ trảng cát câm
đường đi một đời
tấm tã lót sơ sinh cỗ quan tài dải băng tang
trắng

mảnh vườn mẹ nuôi tôi lớn xanh
rặng tre trước mặt
thân cau trổ quả hoàng hôn
khói thơm lên từng cụm
sợi gàu dai kéo rộng cánh đồng

tôi đo hơi thở người
yêu dấu
bầu ngực đôi chân đôi mắt
chiếc lưỡi
mềm
trên giường ngủ

tôi đo tượng đá hoa cương
đơn chiếc nơi mặt bàn lạnh
bức tĩnh vật đôi mẩu thuốc bình hoa khô
chữ trong sách ô kéo trong ngăn tủ
cuốn lý lịch không số

tôi đo giấc mơ đêm đêm hiện về
nhện vắt dây qua mùa đông khắc khoải
cánh hoa từ nở
đến tàn
từ không
đến có

thì ra mọi thứ
dài
và ngắn
hơn tôi tưởng

 

Hoàng Vũ Thuật là người biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nói của chính mình, của lịch sử đã mất, tiếng nói của thượng đế, dù anh ít đề cập đến niềm tin tôn giáo. Sự lắng nghe ấy làm nên nguồn cảm hứng. Thơ là phương tiện được chọn để mô tả và truyền đi cảm nghĩ sâu xa nhất, không lời, từ sự lắng nghe ấy: thương tiếc, tình yêu, tan vỡ. Thế giới hỗn loạn. Xứ sở suy tàn. Lòng người điên đảo. Thơ ở đâu?

 

Rao giảng điều vô bổ
Huyên thuyên thuyết giáo cũ mèm
Ba chân trời
Ba gốc cây
Ba chiếc bóng

Người ta chối bỏ sao anh đắm mê
Cơn nắng giận hờn
Cơn nắng đắng nghét
Phi ngọn roi tê dại lên mặt
Da thịt rộp phồng sần chai
Ướt sũng thân thể

Rao giảng điều vô bổ
Không tín đồ không giáo hữu
Ngôn từ hẫng hụt phù du
Chân trời gốc cây chiếc bóng
Ghép mãi chẳng thành.

(Phù phiếm)

 

Thơ đương đại bị xé thành nhiều mảnh vỡ. Nhưng chúng cũng ngày càng suy tưởng, và vì vậy, xa rời cảm xúc nguyên thủy. Tìm cách kết hợp hai thứ ấy là công việc khó khăn. Bài thơ tồn tại trong thời gian, trong sự sắp đặt các nhịp liên tiếp nhau thành chuỗi, ở đó hình ảnh được gieo xuống trở thành ý tưởng và ngược lại. Chỉ khi nào các ý tưởng cũng là các hình ảnh, tự khắc chúng trở thành mô tả trữ tình đối với thế giới.

 

anh ôm bóng anh hằng đêm

hà hơi lên tóc lên trán hà hơi vào mắt vào môi

hà hơi xuống ngực

hà hơi

bóng biết nói biết đùa bỡn biết tự bảo vệ

đôi khi vượt qua giới hạn

anh yêu bóng anh như yêu người đàn bà

vừa thánh thiện vừa ác quỷ

 

Ngôn ngữ Hoàng Vũ Thuật trong bài như trên là một thứ ngôn ngữ hậu lãng mạn – siêu thực.

 

Anh biết thứ ngôn ngữ đã làm em thức tỉnh

Không thể thay bằng cơn mưa chợt đến thường khi

 

Cái nhìn sắc sảo, phê phán, tinh tế:

 

Trước nhà thờ Đức Bà Paris

 

đàn chim không biết sợ hãi

chúng sà xuống hồn nhiên

giữa lòng bàn tay

ăn mẩu bánh mì

hình như không biết tôi đến từ xứ sở mà chim

là đặc sản

 

ở đó loài chim bị chém ngang tiếng hót

vặt trụi lông

thiêu trên bếp than rừng rực

ở đó chim không có quyền bay vào trời rộng

bơi giữa hồ xanh trong

chim chỉ biết mua vui yến tiệc

 

Hoàng Vũ Thuật là giọng nói của một nền văn hóa. Đó là văn hóa hồi phục. Là sự phối hợp giữa các giá trị dân gian truyền thống, phong cách cổ điển, và hiện thực nửa sáng nửa tối ở đó anh lớn lên. Hoàng Vũ Thuật là một trong những người cuối cùng của thế hệ có khuynh hướng lãng mạn tiền chiến mà vẫn hiện đại. Một thế hệ “mắc kẹt” trong lịch sử.

 

Chúng ta mắc kẹt trong bể nước cạn khô

chúng ta sẽ chết cháy

hỡi mùa hè khắc nghiệt

nhiều khi màu da trời đánh lừa như những cú lừa ngoạn mục

phải không không ai trả lời cả nghĩa là chúng ta sẽ chết cháy

lòng điềm nhiên vẫn tin dòng sông sẽ mang mùa xuân về mát rượi

thói quen từ lâu rồi thói quen chịu đựng

 

nhưng anh không thể đánh lừa em

 

Một trong những đặc tính của thơ là khả năng mở ra những cánh cửa khác nhau, khả năng mang lại cho người đọc kinh nghiệm khác nhau trong những lần đọc khác. Hoàng Vũ Thuật là người có trí tưởng tượng dồi dào, nặng về mô tả chi tiết, nhưng cũng nghiêng về duy mỹ.

Những câu với phép tu từ:

 

Mặt hồ

Tấm gương dựng đứng

Ánh sáng đang thở

 

Anh cũng có những câu giản dị, thẳng thớm:

 

Anh tin em mỗi ban mai bật thêm nụ biếc

 

Chữ bật gây ấn tượng cúc áo. Chữ làm thay đổi con người. Chúng thức dậy mỗi ngày, đánh thức chúng ta, nhớ lại đêm hôm trước. Nhớ lại cuộc cãi lộn hay nụ hôn cuối hành lang. Ngôn ngữ dẫn chúng ta đi qua ngã rẽ đời sống, của ký ức, giữ lại cảm xúc nguyên thủy, sờ mó, va chạm, tiếng gầm rú của xe cứu hỏa, bàn chân trên cát. Một bài thơ trữ tình thành công bao giờ cũng có khả năng mang bạn trở lại với hai thứ: ký ức ban đầu và ký ức cuối cùng.

 

Nỗi buồn đau anh từng thấu rõ
Nhưng vì sao phượng đỏ sang hè?
Em chợt đến giữa ngày đông giá
Anh nhận ra màu lửa ấy nhiều khi

 

Nhiều năm sau anh sẽ viết khác, mới hơn:


Chỉ tiếng khóc vỡ òa tồn tại
Đứa bé
Rời bụng mẹ bước ra ngoài
                    Như chiếc lá khan buồn mất ngủ
Trên nhành cây cạn kiệt thân hình
Ta ngù ngờ u mê ương dại
Thế giới là ai

 

Một bài thơ dừng lại ở giác quan và cảm xúc, vừa tìm cách vượt qua chúng, mang người đọc đi xa hơn, phía sau cánh cửa, đi tìm ý nghĩa của tiếng nói. Nhà thơ T. S. Eliot từng viết: Thơ không phải là sự buông thả của cảm xúc, nhưng là sự vượt thoát khỏi chúng; nó không phải biểu hiện của tính cách, nhưng là sự vượt thoát khỏi tính cách”. Khuynh hướng gần đây của Hoàng Vũ Thuật là vượt qua xúc cảm của mình. Giữa những người cùng thế hệ, anh là người đi từ cái chung trở về với đời sống cá nhân. Nhưng sự riêng tư cá nhân đó không thuần túy là riêng tư, đó là cái riêng tư gặp ở mỗi người, cái riêng- chung. Anh cô đơn nhưng không lạc lõng, đứng một mình nhưng không sợ hãi như kẻ lạc đường.


Tại sao
Tại sao
Tại sao
Hoa không được khoác cho mình chiếc áo than
Dưới trận mưa bom
Từ những cái đầu bạo cuồng rải xuống
Hoa bật dậy
Tại sao tại sao

Kẻ mộng du dò từng bước một
Những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình
Tiếng khóc vỡ trên cát
Nước mắt thấm trên cát
Không đủ sức hồi sinh làn da non

Tại sao
Tại sao
Tại sao
Hoa không được quyền đen
Anh không được quyền yêu em tận cuối con đường


Hoàng Vũ Thuật không phải là nhà thơ tâm linh, nhưng cảm giác hư vô bàng bạc trong thơ anh. Cái nhìn vừa ngoại cảnh, vừa nội tâm. Thế giới của anh là sự tương tác giữa bên trong và bên ngoài, giữa các sự vật trong giao thoa quá khứ và hiện tại. Đời sống thật không dễ dàng, anh đã đi qua chiến tranh, những năm khó khăn, nhưng hòa bình còn khó khăn hơn. Hoàng Vũ Thuật không đi tìm giải thoát. Anh chấp nhận cuộc đời như chính nó, trở đi trở lại với sự mất mát và nỗi buồn của mình, tìm kiếm ở đó lòng tin. Anh là một nhà thơ của lòng tin và, ngược lại, của sự truy vấn đối với nó.

 

Mắt trân trân ngó lên trần nhà
Trần nhà màu đen
Con thằn lằn tặc lưỡi ba tiếng

Tôi quay sang trái
Đen và đen và đen
Tôi quay sang phải
Đen và đen và đen


Nhận thức là điểm mạnh trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Khi ta nhận thức một thế giới không có nghĩa ta ôm chầm lấy nó. Đối với Hoàng Vũ Thuật, làm thơ là phương thức sống. Nhà thơ chấp nhận cái không thể chấp nhận được. Sự bao dung, tính rộng lượng trong thơ anh làm cho ngôn ngữ trở thành căn nhà ấm áp. Cảm giác của tôi khi đọc anh là nhìn thấy một kẻ thường xuyên tìm đường, luôn luôn đi giữa thương tiếc và hạnh phúc hiện tại. Anh đến đây để nói với chúng ta về tình yêu ấy, sự cô đơn trống trải, nhận thức, tha thứ. Cách duy nhất để đi qua cuộc đời là đi qua hết buồn vui của nó, chân thành, mẫn cảm, giản dị. Nhiều bài thơ của anh thật buồn, buồn như Chiều mưa, Bếp lửa, Người bạn.

 

Giã từ mưa lũ miền trung
Lạ thay đất đá nở bùng lau bay
Thiên nhiên trong trẻo phô bày
Miên man gió nắng lấp lay bốn bề
Người đi, đi mãi chưa về
Ngàn lau xào xạc nói gì hỡi lau
Trắng từ xưa tới mai sau
Thời gian không tuổi nên lau không già
Núi ngồi, núi đứng gần xa
Núi con, núi cháu, núi bà, núi ông
Qua trảng bom, lại trảng bom
Diết da màu trắng không mòn người ơi
Cái màu trắng tựa mây trôi
Bồng bềnh trên đất cuối thời chiến tranh
Ở đâu đồng bãi biếc thanh
Ở đâu ngọn khói chiều xanh hỡi chiều
Đâu con đường của tình yêu
Tím màu hoa tím rất nhiều… là đâu?
Mà đây lau nối mùa lau
Ứa từ sông thấp núi cao chẳng ngừng
Cầm cành lau trắng rưng rưng
Nhớ con sông lạ, cánh rừng chưa quen
Bao người xuôi ngược không tên
Dấu chân như nấm mọc lên tới giờ
Để thành lau trắng ngẩn ngơ
Ngày đêm óng ánh xa mờ hoàng hôn

(Lau t rắng)

Một bài lục bát hay, xúc động. Anh viết khi vào Nam, sau cuộc chiến tranh.

Ngày càng nhiều nhà thơ quan tâm đến thiên nhiên, hoàn cảnh sống, mối quan hệ giữa con người và cỏ cây muông thú. Giữa những người ấy, Hoàng Vũ Thuật là tiếng nói đặc biệt. Anh là người quan sát, vừa như một nhà thơ trữ tình vừa như một người ghi chép các biến đổi thời tiết, sự phá hủy môi trường. Mối quan tâm của anh là của một người sống gần với thiên nhiên, trong lòng nó, chịu ảnh hưởng  khí hậu ở đó. Cái nhìn của anh không quá ảm đạm, không bi quan. Anh cũng không lý tưởng hóa thiên nhiên như các nhà thơ lãng mạn đầu thế kỷ hai mươi. Anh quan tâm nhiều hơn đến liên kết giữa đời sống nội tâm và sự vận động của hoàn cảnh. Sự cảnh tỉnh có mặt ở nhiều bài thơ.

 

Bông hoa xấu xí đặt trong chiếc bình đêm

thứ nghệ thuật sau cùng tôi trau chuốt

thưa ngài chủ nhân của bóng tối

vệt sẹo che chắn không ai có thể nghi ngờ

với nỗi đau thắt nút

 

khoảng trống mênh mông càng mênh mông

bầu sương bi kịch Hăm Lét

tôi hình dung gương mặt thanh thản người đàn bà 

cuộn trong tấm áo choàng đen thoáng hiện đôi chân trần

cánh hoa đỏ rũ rượi đính lên tường lặng thinh

 

hơi thở lóng xương khô đáy huyệt

mạng nhện đã tỏa hình rễ cây

lạnh buốt

tiếp sức cùng ánh chớp thanh gươm

 

tôi nói với giọng trầm của núi

đứng thẳng bằng sự độ lượng

người ấy là ai

nhìn mơ hồ mà không thể hỏi thưa ngài

để mỗi khi âm thầm nhớ

nàng hiện.

(Bi kịch Hăm Lét)

 

Hạnh phúc trong thơ Hoàng Vũ Thuật là một tấm gương phản chiếu ước mơ. Anh có khả năng nói về những điều làm ta kinh ngạc mà vẫn giữ giọng dịu dàng. Tôi không thấy anh lớn tiếng bao giờ. Đôi khi quá buồn, anh cũng hát, nhưng đó là bài hát an ủi. Những người quen với cách nói trực tiếp, ầm ĩ, khô khốc, sẽ khó nhận ra tiếng nói của họ trong thơ anh. Hoàng Vũ Thuật chứng kiến nhiều mất mát, nhưng chất giọng vẫn thế, trầm, tư lự, dí dỏm.  Trong nghệ thuật, sự hòa nhã vừa là ưu điểm vừa là khuyết điểm.


Chiều nay em quay nghiêng làm chi
Cái dáng ngôi tháp cổ
Mái tóc hay vầng mây quá khứ nghìn xưa không tuổi lại bay về
Tôi đã quên mình thu mình từ lâu giống con ốc sên trong rừng hoang mệt mỏi
Không muốn sống kiếp người trầm luân xô đẩy
Tôi cạn kiệt cơn mê
Cạn kiệt những giấc mơ cạn kiệt
Đời chật hệt căn nhà bộn bề trăm thứ tiện nghi
Tôi tự ném mình qua cửa sổ
Như quả chanh vắt
Khô
(Tháp nghiêng, trích)

Một bài thơ hay đánh thức trong chúng ta ngọn lửa buổi đầu đời, sự hiếu kỳ, cái đẹp hồn nhiên. Thơ mang chúng ta trở lại với tuổi thơ không còn nữa, một xứ sở thanh bình ngay trong chiến tranh, cái đẹp chưa bị nền văn hóa thực dụng thời nay phá hủy. Thơ Hoàng Vũ Thuật làm mới lại một hiện thực đã có, đã mất, ngày ngày tạo lập. Anh cũng có cách nói duyên dáng, kịch tính:

 

bạn bè tôi vơi đi gần hết

viết

làm ăn

bới đào

lừa đảo

cầu may đúng ngày chín tháng chín năm chín

giữa các phương trời tức ngực

đã có nhiều cuộc

cãi lộn mắng chửi khước từ

vô duyên

về cuộc đời này vốn đã

có nhiều tiếng khóc không thành tiếng

rượt đuổi nhau trận lốc thân xác

nhoáng

nhoàng

sau lưng

tưng tửng đùi non

 

Ngôn ngữ của chúng ta không dừng lại. Các câu văn ngày một trở nên phức tạp. Con người ngày một thông minh hơn khi sử dụng ngôn ngữ. Các chữ thường xuyên được trao cho ý nghĩa mới. Thế thì công việc của nhà thơ ngày một khó khăn hơn chăng? Điều đó chỉ đúng với những nhà thơ không sống cùng với thời đại của mình. Như một người có trái tim đập cùng nhịp với đất nước, anh tìm thấy sự diễn đạt trong thơ và câu chuyện đương thời, và vì vậy người đọc dễ tìm thấy tiếng nói của họ ở nhà thơ ấy.

 

Không ngọn gió nào như gió ở đây
Bảy mươi tư cuộc đời bảy mươi tư kiểu gió
Gió ngầm gió nổi gió cuốn chiếu gió ngang dọc
Gió trầm hùng gió quả cảm gió kiên trung gió bền chặt
Gió chủ quyền
Gió xoáy óc
Gió đòi nợ gió giữ nhà
Gió giành lại đất
(Hoàng Sa)

 

Thơ anh có những phút trầm tư. Sự im lặng tạo ra nhiều diễn dịch khác nhau đối với thế giới. Sự chú ý của anh đối với cuộc đời thật chạm tới hai thái cực, cái hiểu biết và cái không hiểu biết. Giữ được sự thăng bằng giữa hai điều này, tôi nghĩ, là một trong những bí mật lớn nhất của các nhà thơ. Thực ra không có một bài thơ nào là hoàn toàn im lặng. Vào một lúc nào đó, trong một giờ khắc bất an, giữa các cuộc chiến tranh, sự im lặng bắt đầu lên tiếng. Những bài thơ xuất sắc giữ chặt sự im lặng ấy, nén chúng lại như những khoảng tối, chờ đợi.

Thiên nhiên công bằng đối với con người, nó ban tặng cho chúng ta tình yêu lớn rộng, nhưng mỗi người nhận được khác nhau tùy cách họ chọn lựa. Thơ tự do xuất hiện khi người làm thơ đứng lùi lại, nhường cho chữ. Chữ có đời sống riêng của chúng, vượt ra ngoài ý định của người viết, trở thành ẩn dụ của thời đại, sự biểu hiện của vô thức, dự báo. Điều đó không có nghĩa là trong thơ tự do, âm nhạc không quan trọng. Trái lại đó là một âm nhạc khó khăn, chính nhà thơ phải tự tìm lấy khuôn mẫu của mình. Trong thơ Hoàng Vũ Thuật, có một niềm thất vọng khôn nguôi đối với hiện thực, nỗi cô đơn tận cùng, nhưng đằng sau những tâm trạng ấy vẫn chiếu sáng một lương tâm tỉnh thức, các câu hỏi về văn hóa, sự trầm tư về các giá trị dân tộc. Thay vì than khóc những căn cước rời bỏ chúng ta, về thiên nhiên nguyên vẹn bị đánh cắp, nhà thơ đương đại phát triển truyền thống khác, tìm cách chiếu rọi một cách ý thức vào mọi góc cạnh của nhầm lẫn, nâng cao thái độ phê phán của người đọc và nhờ thế, một cách trực tiếp, kêu gọi sự phê phán ấy. Thơ anh có nhiều giai thoại, những câu chuyện kể, chúng được kể lại một cách dễ dàng, tự nhiên. Ngôn ngữ ấy mới, mà tâm hồn là truyền thống.

 

Dáng chị thanh thanh

ánh mắt quỳ xuống cỏ dại

đám rau cải thánh thót giọt mồ hôi rơi đêm khuya khoắt nồng chát

cuộc người giống mảnh vườn

mảnh vườn là thế giới được mất trong cuộc đời kiếm tìm hạnh phúc

mảnh vườn chiếc đu quay

mùa xuân líu ríu hoa vàng mùa hạ hoa muống li ti từng cụm trắng

chị nhặt chưa hết lá mùa thu

đông đã tới

 

Trong bài tiểu luận “Sự tối tăm khó hiểu của nhà thơ”, “The obscurity of the poet”, Randall Jarrell, nhà thơ và nhà phê bình nổi tiếng, nhấn mạnh đến tính chất khó hiểu của một nhà thơ hiện đại: thế giới hôm nay không phải là bất khả đối với các nhà thơ, mà là đối với thơ ca, và các nhà thơ có thể sử dụng sự khó khăn trở ngại của nó, và như vậy thơ hay vẫn được viết mỗi ngày. Điều đó đúng cho các nhà thơ Việt Nam bây giờ. Hình ảnh của anh:

 

đen và đen và đen

tấm ra trải giường điệp điệp

không màu

còn tôi

màu gì

con thằn lằn bò quanh chờ điều gì đấy

 

Sự liên kết giữa thằn lằn và đêm chưa rõ lắm. Nhưng ở những bài khác, không dụng ý, anh lại bộc lộ tư duy hình ảnh sâu hơn, deep image, cay đắng, thi vị:

 

đi trọn một năm vẫn không
ra khỏi vùng ám tượng
lưỡi hái thần chết
đốn ngã linh hồn
đố kỵ mờ xa gương mặt
chữ nghĩa đánh bóng mạ kền
bày bán cùng
hoa
thử bóc từng cánh áo
đến tận ruột mà xác xơ hương

 

Tôi nghĩ thơ cần những khoảng trống, cái lặng lẽ, cái giản dị, cái mơ hồ rộng rãi. Sự giản dị trong thơ Hoàng Vũ Thuật vừa là sự giản dị chất phác (simplicity), vừa là sự giản dị hóa (simplification). Trong một số bài thơ không nhiều của anh, tính chất thiêng liêng, bí mật, trở đi trở lại. Đó là chất xúc cảm cá nhân, chân thành.

Sự chân thành của một người viết và tài hoa của anh ta là một mối quan hệ phức tạp. Thơ không quan tâm lắm đến xúc cảm của tác giả, nhưng quan tâm nhiều hơn đến xúc cảm của người đọc. Chọn lựa giữa việc quan sát một thế giới bên ngoài và quan sát chính đời sống bên trong không phải là một chọn lựa dễ dàng, nhưng các nhà thơ cần ý thức về điều ấy. Cũng như vậy, đối với khoảng cách giữa nhà thơ và đời sống, có những người đứng quá xa, có người đến quá gần. Hoàng Vũ Thuật có lẽ là trường hợp thứ hai. Tôi nhìn thấy ở đó sự xúc động, nhưng tôi cần một điều gì khác nữa, sự mô tả đôi khi lạnh lùng hay châm biếm, đối với một thực tại tan vỡ, một nền văn hóa băng hoại, sự đề kháng trước cái xấu, sự sai lầm.

Ở thơ Hoàng Vũ Thuật, sự phẫn nộ của lương tâm và ý thức công dân là kín đáo, mặc dù chúng có mặt. Ngược lại, tình yêu thuần khiết của anh đối với con người, sự bao dung, lòng thương xót, tạo ra một khí quyển gần giống với lãng mạn cổ điển, nhưng vẫn tươi tắn đầy sức sống. Đó là lý do vì sao anh đến gần với chủ nghĩa siêu thực, nhưng không mấy khi vượt qua các ranh giới thực tại. Ngôn ngữ của anh có chất văn xuôi hay gặp trong trường ca hoặc thơ xuôi:

 

Ta bên nhau hai ngọn đèn sáng tối

mùa thay lá cũng nói về khoảnh khắc trong rừng cây khi hạ về chín mẩy

hẹn nhau một đời để chờ một giờ

năm 2077 sẽ đến

đường ranh giới có những khoảng mơ hồ đóng băng

 

Quan điểm lịch sử, sự quan sát thế giới và tình yêu tạo nên các áp lực thơ ca. Áp lực ấy không sinh ra phong cách hài hước, châm biếm, mà chuyển thành sự cảnh giác, sự lên tiếng báo động, sự phán xét. Nhân đây tôi cần nhấn mạnh rằng chủ nghĩa hậu hiện đại chứa trong nó sự phán xét triệt để đối với hiện tại. Đó là một tính chất cốt lõi của chủ nghĩa hậu hiện đại mà các nhà phê bình và các nhà thơ nên chú ý.

 

ánh nắng ló từ khuôn ngực
từ âm thanh tiếng Việt đa sắc
từ vầng trán đóng đinh bật máu môi anh

đó là ảo ảnh phía sau hiện thực

giờ thì anh trồng thêm gốc cây
thuộc loài bạch dương chờ đông sang phủ tuyết
nào có gì ổn định

Tính tự sự mang lại sự sống động trong cái nhìn đối với cuộc đời, nhưng một khi chúng vận động nhanh quá, bài thơ lạc lối. Chọn lựa giữa cách nói dàn trải như nhiều nhà thơ đương đại, và sự tiết kiệm chữ của các nhà thơ cổ điển, bao giờ cũng cần thiết. Tôi biết anh chọn lựa kỹ. Nhưng sự thống khổ của con người vẫn là một trong những quan tâm lớn của Hoàng Vũ Thuật. Để chống lại nó, anh không than khóc, không kêu gọi, như nhiều nhà thơ khác. Nhà thơ vừa phải tự mình làm người làm chứng vừa là người lên tiếng tố cáo. Họ tố cáo điều gì? Sự dối trá.

 

Tất cả chúng ta

đã bị dẫn vào hẻm cụt từ lúc chưa sinh

đêm nay không trăng

chúng ta lấy làm hoan hỉ ôm nhau trong bốn bức tường 

một ngôi nhà ánh đèn vừa đủ cho lối đi

sao khỏi va vào nhau không nhầm lẫn lần đầu gặp

 

chán ngán chuyện ô uế hàng ngày diễn ra trên tờ báo to

đứa trẻ vừa bị kẻ hãm hiếp nơi ngã ba thành phố

muốn đi tìm lại cái bản mặt thật mình

cho ngày mai kịp đến với cõi thiền ngôi chùa cổ

những viên ngói mở mắt nhìn

 

đêm rơi từng mảng bồ hóng

chúng ta không thoát khỏi sự lừa phỉnh chặng cuối

như cốc rượu làm vặn vẹo ý nghĩ

hớp từng ngụm khí trời

ám ảnh về cơn mê

 

cái thẻ bài nhà tu hành nói với tôi

anh là anh không là ai khác

chính anh đã làm nên cuộc sống của mình            

còn bạn thì sao

hỡi người bên kia nửa trái đất

bạn học được gì khi sự xảo trá đang ngự trị

lên mỗi sợi tóc trắng chúng ta.

 

(Sự x ảo trá đang ngự trị lên mỗi sợi tóc trắng – Thân tặng nhà văn Nam Dao N.M. Hùng)

 

Thơ anh chưa hẳn là thơ thế sự. Sự chú ý của thi sĩ đối với cuộc đời chạm tới hai thái cực, ngôn ngữ trữ tình và sự im lặng. Thực ra không có một bài thơ nào là hoàn toàn im lặng. Vào một lúc nào đó, trong một giờ khắc bất an, giữa các cuộc chiến tranh, sự im lặng bắt đầu lên tiếng. Những bài thơ xuất sắc của anh giữ chặt sự im lặng ấy, nén chúng lại như những khoảng tối, chờ đợi. Chúng cần được chiếu sáng và sẽ chiếu sáng. Chữ có đời sống riêng của chúng, vượt ra ngoài những ý định của người viết, trở thành thứ ẩn dụ của thời đại, sự biểu hiện của vô thức, dự báo. Điều đó không có nghĩa là trong thơ tự do, âm nhạc không quan trọng. Trái lại đó là một âm nhạc khó khăn, chính nhà thơ phải tự tìm lấy những khuôn mẫu của mình.

Có nhiều cách để đọc một bài thơ. Một bài thơ hay là một ngôn ngữ tự nhận thức và nhận thức về sự vật chung quanh. Thơ bao giờ cũng được xem là một hình thức tổ chức các ý tưởng thông qua âm nhạc. Nếu thế thì những bài thơ tự do của Hoàng Vũ Thuật, trong những trường hợp thành công, thể hiện được điều ấy. Bài nào cũng có một ý tưởng chủ đạo, và tuân thủ nguyên tắc về âm nhạc, sự nối kết giữa các bài thơ của anh khá rõ. Khi bạn đọc lớn một bài thơ của anh, các câu thơ vang dội trở lại vì chúng có một âm nhạc nền.

Mặc dù thơ có nhiều yếu tố thời cuộc, ở đó vẫn có sự chuyển hóa của một con người. Anh giữ lại cho riêng mình những bí mật riêng tư nào đó, sự lãng quên bất thường, bởi vậy trong thơ dường như có một lời kêu gọi mở rộng đối thoại, giữa các xung đột.

 

Ông đã vẽ trang trọng và
Mực thước
Chằng chịt đường gân thớ thịt căng phồng
Lửa đèn tắt sáng nụ cười trên môi
Thời sủng ái

Cái thời
Trên gương mặt ấy
Chân lý đường cong
Cái nhíu mày
Đủ cho người ta đi thụt lùi ra cửa
(Xuân Sách)

 

Trong thơ anh, nơi chốn là ẩn dụ, hoàn cảnh xã hội là bằng chứng, và nhà thơ là người làm chứng. Bài thơ hay giúp người đọc sống tự do hơn những khoảnh khắc của đời mình. Làm thế nào để chúng ta có thể sống tự do trong hoàn cảnh khắc nghiệt khi đứng trước sự thật? Thơ không phải là các liều thuốc chữa bệnh, không phải là bản chỉ dẫn hay câu trả lời. Thơ sinh ra từ nguồn suối của đời sống, nơi một người biết lắng nghe có thể kể lại câu chuyện của người khác, của một cộng đồng hay một dân tộc. Tất cả chúng ta đều từng thương tiếc một điều gì đó. Tất cả chúng ta bị nó đánh bại. Nhưng vào giây phút của tan vỡ, gãy đổ, bạn tìm lại chính mình.

 

Tôi đã xa
ngẩn ngơ chiều Chương Đức
mong nhìn người đẹp ngày xưa
cánh cò làng quê bay vòng quanh Cửu Đỉnh
núi muôn nhà hợp lại dải Trường Sơn
tôi đã xa cả niềm nhớ nhung
ngày mỗi ngày lớn dậy
như cây bồ đề vụt cao trong những ngôi chùa cổ
như cơn mưa nơi ấy
kéo dài dầm dã tới nơi đây

 

Hình thức của thơ chính ra là sự triển nở của nội dung. Trong những câu chuyện kể của anh, không phải là những bài học giai thoại, mà là những đốm lửa của nhận thức. Thơ ấy cố rũ bỏ những buồn rầu, gạt qua một bên nước mắt nhân gian, nói về một điều gì khác nhưng cuối cùng chúng cũng quay lại. Đôi khi giữa những bài thơ viết nhân dịp này dịp nọ, anh có những bài trữ tình lạ như tấm gương phản chiếu tâm hồn mình.

 

Tiếng cu gù bong bóng  nổi mưa thu
Chum nước gáo dừa mẹ về lui cơn khát
Chó vu vơ sủa bóng mình trên vách
Nỗi buồn tựa cửa ngóng chờ ai

Thơ anh cũng hướng về những vấn nạn xã hội. Anh viết những câu dài và ngắn khác nhau, thay đổi cấu trúc của một bài thơ, mở rộng chúng. Khuynh hướng mở rộng mạnh hơn khuynh hướng cô độc. Những câu giữ được tính liên tục, trừ đôi khi sự phân vân lưỡng lự, những khoảng trống mà anh để lại như một người đi gấp vượt qua các chi tiết dưới chân, điều ấy làm anh gần hơn với các nhà thơ đương đại khác. Một số bài thơ của anh là những thông điệp. Như thế Hoàng Vũ Thuật vừa là người quan tâm đến ý nghĩa của bài thơ, vừa là người say đắm vẻ đẹp ngôn ngữ thuần khiết.

 

năm mươi người nhiễm dịch corona tàn phá

một trăm bảy mươi

năm nghìn

con số cứ tăng dần như nước triều dâng

như nỗi buồn của tôi kéo dài

 

những chuyến hàng từ miền Trung

những chuyến hàng miền Bắc

những chuyến hàng nối nhau không người

 

trận đánh mạnh hơn Sát Thát

tôi sẽ trở lại Sài Gòn bên bạn với ly cà phê

lóng lánh đen

như đôi mắt người mãi dõi theo tôi

 

Những bài thơ thành công là sự kết hợp giữa tính trữ tình được tăng cường và một hình thức thơ tự do được khai triển linh động, gần với vần điệu. Trong thực tế điều làm cho bài thơ của anh chuyển động, lay động người đọc, là điều anh muốn nói nhưng không nói ra, hoặc không thể nói ra được. Cấu trúc xã hội của nhóm độc giả của riêng một nhà thơ là bối cảnh sáng tạo của nhà thơ ấy. Hiện nay, khi các tương tác xã hội ngày càng tăng, nhất là ở những người sử dụng mạng xã hội như Hoàng Vũ Thuật, tác động của người đọc đối với nhà thơ là rõ ràng. Các nhà thơ không nhất thiết phải chịu ảnh hưởng của độc giả một cách trực tiếp, ví dụ sửa các bài thơ theo ý họ, nhưng một cách vô thức tương tác ấy là có thật. Trong khi trường phái “phê bình mới” chú ý đến văn bản, và loại trừ sự tiếp nhận của độc giả, thì “phê bình tiếp nhận” hiện nay quan trọng hóa sự tiếp nhận ấy. Thực ra không một nhà thơ nào không giữ gìn sự độc lập của mình, nhưng cũng không có ai hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của độc giả. Thơ Hoàng Vũ Thuật bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ những tổn thương của con người. Đôi khi thơ anh chạm tới được cõi vô thức, và trở lại với người đọc mang theo những thông điệp bí ẩn.

 

Nằm dưới kia
Một ông vua một hoàng hậu một người hầu
Một thanh gươm một tuấn mã một mê nón
Một lệnh truyền một trống giục một lời van

Nằm dưới kia
Một hộp sọ một ống xương chân một đốt lóng tay
Một trung thực một đớn hèn một điên loạn
Một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà
Một vận hạn một thức thời một nguyền rủa

Nằm dưới kia
Tất cả dưới kia
Không tan chảy không đông đặc không biến hoá
Không lắng xuống không đầy lên
Hợp duềnh bể máu

Trầm mặc thành quách
Câm lặng
Lên tiếng
Câm lặng
Bên ngách tường
Xoáy
Chùm hoa mần trầu.

 

Đôi khi anh trở thành nhân chứng của thời đại mình. Trong cả hai trường hợp ấy, nếu làm được, đó là sự thành công. Hoàng Vũ Thuật đọc nhiều, chọn tương tác với độc giả, làm thơ nhiều gần như mỗi ngày, với sức viết không mệt mỏi. Sự cô đơn, sự tìm kiếm, thường có mặt đằng sau bài thơ. Có một nỗi trống rỗng trong tâm hồn, một vắng lặng đến nghẹt thở. Không phải khi nào Hoàng Vũ Thuật cũng đi đến tận cùng điều ấy, sự cô đơn ấy, nỗi vắng lặng ấy của anh, và có lúc bài thơ bị bỏ lại giữa chừng, như những bắt đầu không được kết thúc, ngôn ngữ không có sức nặng, trôi dạt đi. Nhưng trong những trường hợp khác, khi anh đi hết con đường của mình, vượt qua những đau khổ và cô đơn riêng tư, từ bóng tối kỳ lạ của anh, ngôn ngữ bắt đầu phát sáng cuối đường. Anh viết từ một thành phố bị tan nát trong chiến tranh, một thành phố mà tôi nghĩ là ngày xưa rất đẹp, gần như thiên đường đã mất, biểu tượng của thiên đường ấy. Lời thơ của anh dịu dàng, đôi khi quá nhiều cảm xúc, nhưng hầu hết chừng mực. Khi tôi ngồi uống cà phê với anh gần nhà thờ nổi tiếng, công trình còn sót lại cuối cùng sau chiến tranh của Đồng Hới, hắt bóng lên nền trời, trước mặt là phía vịnh biển bao la, tôi thấy mình hiểu hơn thơ Hoàng Vũ Thuật. Anh nói về nỗi khó khăn của người nghệ sĩ có ý thức tự do, về những ràng buộc nhân thế, thường xuyên đi tới vùng ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, giữa nỗi thất vọng về con người và lòng yêu cuộc sống, thường xuyên trở lại, kiên nhẫn, nguyên tắc, và anh gặp giữa vùng đất khó khăn ấy những bông hoa đẹp, thứ ánh sáng kỳ ảo sẽ chiếu rọi trang giấy của anh.

 

cửa sổ mở ra gặp một mùi hương

gặp bầu trời màu mây biên giới

thu chợt đến mùa thu chờ đợi

trang sách đọc dở dang để lại trên bàn

tiếng nhạc ngựa lanh canh ngoài phố

 

Nhưng đồng thời thơ ấy vẫn là của con người Việt Nam, của những giá trị phổ biến. Có một cảm giác thiêng liêng và lòng biết ơn cuộc đời, làm rung chuyển bài thơ của anh. Niềm tin của anh về sự cứu rỗi cái đẹp, của thơ ca nghệ thuật là có thật. Đọc thơ Hoàng Vũ Thuật tôi có ấn tượng rằng ở trong anh bao giờ cũng tồn tại một hiện thực khác, không thể nhìn thấy được, chỉ thi sĩ mới có thể biết đường tới đó. Anh quan sát thế giới bên ngoài, yêu mến cái hoang dã, đất trời và vịnh biển trong vắt, xanh lơ, những đau thương, sự chia rẽ, sự hàn gắn được và sự không thể nào hàn gắn được. Anh là đứa con của những:

 

Của Cồn Chùa, Ðồng Miệu, Bãi Soi
Trong mỗi ngọn đèn đêm đêm làng thức
Có ngọn đèn thao thiết tận đời tôi


Đôi khi anh như một đứa trẻ, tung tăng hồn nhiên đi qua cõi người, đôi khi anh là ông già chậm rãi với chiêm nghiệm riêng tư, nén lại. Những dòng này là suy tư của anh, trong một bút pháp có tính siêu thực:

 

Hãy khoá trái cửa và tan thành khói sương
Chợt nhớ cơn mưa bóng mây
Đứng lên rồi ngồi xuống
Cái thùng người rỗng không
Ý nghĩ của bàn chân bước qua gạch vỡ

Thơ hiện đại đi tìm cái tôi trong cuộc đời. Việc đó thể hiện bằng cách tân ngôn ngữ, kết hợp nghệ thuật và khoa học, tin tưởng vào chân lý. Nhưng ở Hoàng Vũ Thuật, sự huyền ảo siêu thực vẫn đôi khi bất chợt lóe sáng trên các câu thơ, như từ trong vô thức.

Cùng với các nhà thơ đương thời khác, Hoàng Vũ Thuật mang lại sự mới mẻ trong cách đọc và cách viết, thái độ chống bảo thủ văn hóa, tìm cách phá vỡ định kiến thẩm mỹ. Anh cũng là người quan tâm đến nhiều vấn đề: môi trường sinh thái, các sự kiện, thời cuộc. Mặt khác, thơ hiện nay ngày càng tìm cách phá vỡ tương quan giữa ngôn ngữ và sự vật, làm thay đổi cách nhìn và cách nói. Hoàng Vũ Thuật không phải là nhà thơ nổi loạn, nhưng anh là người cách tân, với ý chí làm mới thường trực. Thực ra không có một sự làm mới nghệ thuật nào có thể tách rời khỏi nền tảng bên dưới của nó: ý thức xã hội và phán xét lịch sử, tầm nhìn triết học và lòng yêu quê hương. Những câu thơ của anh, khi chúng bắt nguồn từ cõi ấy, rung lên được nỗi thương nhớ và lòng ao ước vốn có sẵn trong mỗi con người chúng ta.

Comments are closed.