Thụy Khuê
Chương 5
Alexandre de Rhodes
III- Chuyện André Phú Yên tử đạo
Chuyện André tử đạo hay Anrê Phú Yên tử đạo là “chứng cớ” đầu tiên về việc “giết đạo” ở Đại Việt do một giáo sĩ người Âu công bố trước thế giới, đã để lại dấu ấn nặng nề về “tội ác” của chúa Nguyễn đối với đạo Gia-Tô.
Trong 360 năm nay, chúng ta chấp nhận “tội ác” này mà không kiểm chứng, ít nhất một lần, xem hư thực thế nào.
Chuyện André tử đạo được Alexandre de Rhodes viết trong hai cuốn sách:
– La glorieuse mort d’André (Cái chết vinh hiển của André) nguyên bản tiếng Ý, in ở Roma năm 1652, với phụ bản là bức tranh của họa sĩ Giacinto Brandi vẽ cảnh hành hình, dưới sự chỉ dẫn của Alexandre de Rhodes. Bản tiếng Pháp, in ở Paris, năm 1653.
– Divers voyages et Missions (Những chuyến du hành và truyền giáo khác nhau) in ở Paris năm 1653, 1666 và 1688; sau được cha Machault sửa lại thành chữ Pháp hiện đại hơn dưới tên Voyages et Missions (Du hành và truyền giáo), do nhà Nxb Julien, Lanier et Cie in ở Paris, năm 1854.[1]
Trong mười năm de Rhodes bị giữ lại Macao (1630-1640), tình hình Đại Việt có nhiều thay đổi. Khi ông được Bề trên cho phép trở lại Đàng Trong năm 1640, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) đã qua đời, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) cầm quyền được 5 năm.
Năm 1639, chúa Thượng ra lệnh cấm đạo khắt khe: tất cả giáo sĩ đến từ thời linh mục Buzomi tức là từ 1615, còn ở lại đến năm 1639, đều bị trục xuất về Macao.
Tại sao chúa thay đổi hẳn thái độ với đạo Gia-Tô như thế, mặc dù năm 1639 không có đại họa, hạn hán, mất mùa, hoặc chiến tranh với chúa Trịnh?
Chúng tôi tạm hiểu sự kiện này có thể liên quan đến cuộc nổi loạn Shimabara (1637-1638) ở Nhật. Đây là cuộc nổi dậy đòi “tự do tôn giáo” do Amakusa Shinõ cầm đầu, đặt bản doanh tại lâu đài Hara trên bán đảo Shimabara. Phiến quân tập hợp ở Shimabara và quần đảo Amakusa, miền đông nam Kyũshũ (một trong bốn đảo lớn của Nhật) cách Nagasaki 70 km, có chỗ ghi quy tụ tới 37.000 người với nhiều rõnin (cựu samourai hay samourai tự chủ hoặc vô chủ, vì bị khai trừ hoặc chủ đã chết), theo đạo Gia Tô, và có sự tham gia của Dòng Tên. Theo tin phương Tây, thì chính sách diệt đạo của Tướng quân Tokugawa Lemitsa (1623-1651) là nguyên nhân. Sau cuộc dẹp loạn đẫm máu, Nhật Bản cấm đạo Gia-Tô và người Âu trong hai thế kỷ (1638-1848). Chính sách này có thể đã giúp nước Nhật tránh được nạn thực dân xâm lược ở Á châu.
Về tình hình Đại Việt trong khoảng thời gian 1640-1645, chính cuốn Du hành và truyền giáo cho biết: việc cấm đạo của chúa Thượng không có gì gắt gao, vì bản thân giáo sĩ Alexandre de Rhodes, tuy bị trục xuất bốn lần, nhưng vẫn được gặp chúa Thượng ba lần và ông đã giảng đạo gần như bán công khai trong suốt thời gian 1640-1645.
Chương này sẽ chia làm hai phần:
Phần thứ nhất: Hành trình trở lại Đàng Trong (1640-1645).
Phần thứ hai: Chuyện André tử đạo.
1- Hành trình trở lại Đàng Trong (1640-1645)
De Rhodes trở lại Đàng Trong lần thứ nhất
Đầu năm 1640, de Rhodes được Bề trên gửi tới Đàng Trong. Ông viết: “Cuối cùng, Bề trên gia ân gửi tôi đi Đàng Trong để xây dựng lại xứ bộ truyền giáo đã bị tàn phá vì việc trục xuất tất cả các Cha”. Ông đến Đàng Trong với hy vọng sẽ “lấy lại được lòng tin của chúa và tái lập vương cung Chúa Jésus tại Đàng Trong[2].
Theo lời ông kể, tháng 2-1640 ông tới Faiso (Hội An) một mình, nhưng ít lâu sau, Macao gửi thêm Đức Cha (R.P.) Pierre Albert, người Bồ, đến trợ giúp. De Rhodes mua quà đút lót quan Trấn thủ Hội An[3] người Nhật, nên được cộng đồng người Nhật che chở. Cha Albert ở lại Hội An, còn ông được quan Trấn thủ Nhật đưa về kinh thành Thuận Hóa (la ville royale de Sinoa) giới thiệu với chúa [Thượng]. Ông mua quà biếu chúa bằng tiền mang đi để chi dùng cả năm (món tiền này sau được một con chiên tốt bụng hoàn lại). Quà làm chúa rất hài lòng.
Một bà lớn, tên là Marie mà “cha de Pina đã rửa tội”, thường gọi ông đến nhà, bà có một nhà thờ riêng cho những người công giáo ở đây nương tựa. Ông giảng đạo trong 35 ngày, rửa tội cho 94 người ngoại đạo, 3 bà lớn trong hoàng tộc và một vị đại sư. Sau hơn một tháng ở vùng này [không rõ vùng nào nhưng có lẽ vẫn là vùng Sinoa (Thuận Hóa)] ông trở về Hội An, tại đây ông bị Onghebo (Ông Nghè Bộ) bắt và trục xuất. De Rhodes và cha Albert phải mua một chiếc tàu nhỏ, tự lái lấy, về tới Macao ngày 20-9-1940[4].
Những điều vừa tóm tắt trên đây, tiêu biểu cho lối viết nhầm lẫn và mâu thuẫn của de Rhodes:
– Nếu Đàng Trong cấm đạo, tại sao quan Trấn thủ Hội An lại dám đưa ông về Sinoa (Thuận Hóa) giới thiệu với chúa? [Chúa Thượng đóng đô ở xã Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên].
– Ông gặp “một bà lớn, tên là Marie mà cha de Pina đã rửa tội, thường gọi ông đến nhà, bà có một nhà thờ riêng cho những người công giáo ở đây nương tựa”. Bà này chính là Minh Đức Vương Thái Phi, tên thánh là Giovanna, ở thành Quảng Nam, nhưng de Rhodes luôn luôn kể như ông gặp bà ở Thuận Hoá.
– Dường như ông lẫn lộn nhiều việc với nhau: Ông lầm thành Quảng Nam với Thuận Hóa, ông không biết cha Buzomi đã rửa tội cho bà Minh Đức khoảng 1615-1616, với tên thánh là Giovanna, nên ông kể rằng cha de Pina rửa tội với tên thánh là Marie.[5]
Cách viết rối rắm và mâu thuẫn này kéo dài trong giai đoạn (1640-1645) đang khảo sát ở đây: một mặt, ông tả đạo Chúa bị đàn áp, ông luôn luôn bị Onghebo truy nã; một mặt, ông khoe vẫn gặp chúa, giảng đạo gần như công khai và đạt những kết quả tốt đẹp.
Điểm đáng chú ý trong đoạn này là lần đầu tiên ông nói tới nhân vật Onghebo và ông xác nhận Ông Nghè Bộ là Trấn thủ Quảng Nam, bằng câu: Ông Nghè Bộ, Trấn thủ Quảng Nam (Onghebo, gouverneur de la province de Cham) (trang 149). Điều này rất quan trọng, chúng ta cần nhớ để hiểu những điều de Rhodes viết trong các đoạn sau.
Trở lại Đàng Trong lần thứ hai – Giảng đạo thành công
Ba tháng sau, de Rhodes từ Macao trở lại Đàng Trong với Đức Cha (R.P) Benoit de Matttos, người Bồ, vào dịp lễ Noël 1940 và được giáo dân Đà Nẵng đón tiếp hết sức nồng hậu. Cùng lúc, Đức Cha Ruben, trên đường đi Phi Luật Tân để đến Nhật Bản tử đạo cùng với các giáo sĩ khác, bị bão, táp vào Cửa Hàn, cha ở lại bốn tháng rưỡi, vinh danh cho nhà thờ Đà Nẵng. Nhờ hồng phúc này, cha Mattos và tôi [de Rhodes] đã rửa tội được cho 1937 người nữa.[6]
Kẻ thù lớn của Chúa là Onghebo nghe tin, bất ngờ gửi thám tử đến nhà các tín đồ chủ chốt, tịch thu hình ảnh, thánh giá, và đồ đạc thiêng liêng; khám nhà tín đồ kỳ cựu André, nơi có tiểu giáo đường, lột hết ảnh tượng, bắt ông ta và hai con; rồi đến nhà một vị quan tòa người công giáo đi vắng, bắt trói người vợ tên Eulalie, tịch thu cây thánh giá ngà và các chứng tích khác. De Rhodes viết:
“Tên vô đạo này [Onghebo] tưởng là miếng mồi béo bở vớ được ở một thành phố thù địch nào đó, lập tức huy động một đội binh lớn (Il assembla incontinent une grande troupe de soldats), ầm ầm gửi ngay đến Cửa Hàn nơi các Cha trú ngụ. Y đi đầu đoàn quân điên cuồng này, đến trước nhà chúng tôi, nơi Đức Cha [Ruben] trọ cùng với mấy Cha khác, để họ chứng kiến lễ tế khốn nạn mà y sẽ làm: y cho đem [nạn nhân] đến đây, ra lệnh đánh đập ông André và hai con, Eulalie và mẹ chồng, rồi nhóm lửa lớn, đốt hết tất cả hình ảnh đạo cùng cây thánh giá.
Cha Ruben, tim tràn đầy tình yêu Chúa, vô cùng đau đớn, như bầy tôi trung thành thấy chủ bị lăng nhục. Cha cầu khẩn tên dã man, khóc lóc, quay tứ bề, đe dọa dùng võ lực, nhưng vô hiệu. Đức cha lui ra, chỉ còn biết trông cậy vào trái tim tội nghiệp chìm trong khốn khổ của chính mình.”[7]
Tuy bị Onghebo tức Ông Nghè Bộ là Quan Cai Bạ (quản trị việc thuế khoá) đem “quân” đến “đàn áp dữ dội” như vậy (việc này sẽ nói đến sau), nhưng đầu năm 1641, de Rhodes vẫn tiếp tục giảng đạo ở vùng Quảng Nam, nơi có nhiều người Bồ, Hoa và Nhật đến buôn bán và đạo Chúa được truyền giảng rộng rải, nhưng cũng có nhiều ma quỷ xúi bẩy con người làm điều xằng bậy.
Việc truyền giáo đạt những kết quả không ngờ: Đức Cha Benoit de Mattos đi về phiá Bắc, giảng đạo ở vùng Sinoa (Thuận Hóa) và Quoamben (Quảng Bình); Cha de Rhodes giảng đạo ở phía Nam, vùng Quanglia (Quảng Nghiã tức Quảng Ngãi), Quinhin (Quy Nhơn) và Ranran (Phú Yên); trong sáu tháng, ông rửa tội được 13.005 người.[8]
De Rhodes đi hết ba tỉnh, sống một mình và mượn một người theo đạo, tên thánh là Jérôme, có học, nhưng không phải thầy tu, trợ giúp. Ông kể: khi tới làng Baobam [?] Jérôme định bỏ ông nên xin phép về nhà thăm vợ con, đêm ấy y chèo thuyền về nhà, “bỗng y nghe thấy một giọng ghê gớm chưa từng nghe thấy bao giờ, dọa nếu không theo phò cha thì sẽ chết. Y sợ quá, bèn quay ngược đường trở lại đến quỳ dưới chân tôi xin tha cho tội đã ngã lòng, và hứa sẽ vận hết can đảm, để làm trái ý con quỷ đã xúi y hèn nhát định bỏ tôi.”[9]
Những việc quỷ sai khiến như thế rất nhiều trong tập ký sự.
Ông kể: Ở Phú Yên, có một thầy thuốc giỏi, rất mộ đạo, tên thánh là Emmanuel, bị bệnh nặng khó qua khỏi, người thân quỳ xuống quanh giường cầu kinh, thấy Emmanuel đã trút hơi thở cuối cùng. Mấy tiếng đồng hồ sau, Emmanuel tỉnh lại, khoẻ mạnh, như không ốm đau gì, kể chuyện được Chúa cho lên thiên đường, thấy đẹp tuyệt vời, lại được gặp những người theo đạo đã khuất, tất cả đều sung sướng. Thế là từ đó Emmanuel, chỉ mơ được trở lại thiên đường, không thiết ăn uống gì nữa, vài tháng sau ông chết, chết trong hạnh phúc (trang 167-168).
Phú Yên không chỉ có một mình Emmanuel “nhìn thấy thiên đường”, một người mộ đạo khác, cũng “nghe thấy Chúa gọi”, mời dự tiệc trên thiên đường, nhận lời và từ đó không ăn bất cứ thứ thịt thà nào nữa, ít lâu sau qua đời, ngậm trong miệng cái gu tuyệt hảo của thiên đường nơi ông đã được dành sẵn một chỗ (trang 169).
Và cũng ở Phú Yên, de Rhodes đã làm lễ trừ tà cho hai người đàn bà bị quỷ ám, nói những thứ tiếng không học bao giờ, hoặc làm những việc không biết làm bao giờ, người thứ nhất được giải thoát sau những câu thần chú và lễ rửa tội của de Rhodes. Người đàn bà thứ hai, vì làm nghề đồng bóng đã lâu, được thầy pháp cho quỷ nhập vào miệng nói ra những bí mật không ai biết trong hồn người đã chết. Trường hợp này khó khăn hơn, vì “con quỷ” không chịu rút lui, ông phải làm nhiều phép trừ tà liên tiếp trong nhiều ngày, “con quỷ” vẫn giữ vững, ông bèn bỏ qua, làm thẳng lễ rửa tội, mới trục xuất được “con quỷ” ra khỏi người đàn bà này (trang 171-172).
Tóm lại, ông tố cáo sự mê tín dị doan của dân chúng nhưng chính ông cũng tin dị doan và trừ tà ma như các thầy pháp, nhưng với những dụng cụ khác.
Rồi Trấn thủ Quảng Nam lại tìm ra ông và bắt ông lên tàu rời Quảng Nam. Ông phải ra đi ngày 2-7-1641, đến Bolinao, Phi Luật Tân ngày 28-7-1641.[10]
Tới đây, de Rhodes kể thêm một truyện lạ nữa: Đến Phi Luật Tân, ông biết được vụ có hai người Hòa Lan, nguồn cội sự tàn sát đẫm máu đạo Chúa ở Nhật. Số là có hai tên Hoà Lan cầm chiếc bản đồ chỉ cho Nhật Hoàng tất cả lãnh địa mà bọn Bồ và Ý đã chiếm, tức là cả thế giới chung quanh nước Nhật, khiến Nhật Hoàng nổi giận ra lệnh tàn sát đạo trong suốt 40 năm trời. Đạo Chúa từ thủa khai sinh, trong 16 thế kỷ, chưa bao giờ bị tàn sát như thế, cho nên ông quyết xin đi Nhật để được tử đạo; nhưng Bề trên vẫn lại chỉ cho ông đi Đàng Trong.[11]
Trở lại Đàng Trong lần thứ ba: thiết lập “đội ngũ chiến sĩ”
Sáu tháng nghỉ ở Phi không làm de Rhodes hài lòng, ông chỉ mong được trở lại Việt Nam.
Tháng 1-1642, ông trở lại Đàng Trong. Lần này, ông tìm đến quan Trấn thủ Quảng Nam, người đàn áp chúng tôi mạnh nhất (le gouverneur de Cham, notre plus grand persécuteur). Ông mua quà biếu xén rất hậu, nên Trấn thủ Quảng Nam để ông yên trong hai năm[12].
Ông viết: “Rồi tôi đến gặp chúa, với ý mong chúa có thiện cảm [với tôi]; tôi trình chúa vài chiếc đồng hồ mới có ghi bằng chữ Hán, chúa rất thích và giữ tôi ở lại trong triều, trong khi người Bồ trở lại với hàng hóa của họ.Thời gian này, ban ngày tôi ở bên chúa còn ban đêm tôi về với giáo dân của tôi, họ tụ tập trong những ngôi nhà mà tôi chỉ định cho họ. Tôi giảng cho chúa vài bí ẩn của toán học và giảng cho con chiên những lẽ huyền bí trong đức tin của chúng tôi. (J’expliquais au roi quelques secrets de la mathématique, et aux chrétiens les mystères de notre foi).
Điều này không kéo dài như tôi mong muốn. Chúa, sau vài ngày chiều đãi và cho quà, lại gửi tôi về với người Bồ và từ chối điều tôi mong mỏi nhất, là cho tôi ở lại trong thành phố lớn này để phụng sự chúa Giê-su”[13]
Nhưng khi thuyền Bồ trở về Macao, ông trái lời chúa, ở lại Đàng Trong (vì Trấn thủ Quảng Nam đã nhận quà nên không truy nã ông). Ông đi khắp xứ, thường nằm võng cáng, để ban ngày có thể ngủ suốt dọc đường, tối thức làm việc. Trước tiên đi về phía Nam, đến tận biên giới Chàm (Phú Yên), rồi quay lại đi về Bắc, đến biên giới Đàng Ngoài (Quảng Bình).
Trong hai năm, ông tập hợp được một đội ngũ 10 người trẻ, từ 15 tuổi trở lên, huấn luyện cho họ thành thầy giảng. Ông gọi họ là chiến sĩ (soldat) của Chúa Giê-Su. Người đầu tiên tên là André, ở Phú Yên, rồi đến Ignace, người Bắc, lớn tuổi hơn cả, có trình độ, biết chữ Hán, đã học luật và từng làm quan. Ông phong Ignace làm Đội trưởng (Capitaine), từ khi rửa tội, Ignace không bao giờ xa ông nữa. Người thứ ba là Vincent gốc Quảng Ngãi, đội phó; cùng với bẩy người còn lại đều là chiến sĩ xả thân cho đạo Chúa.[14]
Sau hai năm hoạt động yên lành, ông trở lại Quảng Nam đón tàu Bồ. Và tổ chức một lễ lớn công khai giã từ Đàng Trong để về Macao, trong ngày thánh Ignace, ông tấn phong 10 đệ tử chính thức làm thầy giảng, trong nhà thờ, trước đông đảo giáo dân. Ông chia họ làm hai tiểu đội (escadrons); bổ nhiệm Ignace làm Bề trên và trưởng đoàn, cùng với André phụ trách tiểu đội thứ nhất, truyền đạo từ Quảng Nam đến biên giới phiá Bắc; tiểu đội thứ hai, gồm nửa số thầy giảng còn lại, phụ trách giảng đạo phía Nam tới biên giới Chàm (Phú Yên). Mọi chuyện xảy ra tốt đẹp. Ông lên tàu về Macao tháng 9-1643[15].
Trở lại Đàng Trong lần thứ tư: André tử đạo
Cuối tháng 1-1644, de Rhodes trở lại Đàng Trong, mừng rỡ gặp lại các đệ tử tại căn nhà chung ở Cửa Hàn. Ông kể:
“Tôi đến triều đình cùng với mười nhà truyền giáo của tôi (je m’en allai à la cour avec mes dix prédicateurs). Bề ngoài là để tặng quà và tỏ lòng tôn kính chúa, nhưng thực ra là để thăm giáo dân, mới, cũ cùng với Ignace dũng cảm của tôi, mà lúc đó tôi gọi là thầy (maitre) để cậu được thêm tín nhiệm và tôi cho cậu mặc áo choàng lễ màu trắng khi ra trước công chúng, để người ta kính trọng cậu hơn.
Tôi đến gặp chúa, chúa rất thân ái với tôi và nhận quà tôi tặng với nhiều thịnh tình. Ngày hôm sau, chúa còn mất công đến thăm tôi trên thuyền. (Je vis le roi, qui me fit de grandes caresses, et recut mes présents avec beaucoup de démonstrations d’amitié. Le lendemain il prit la peine de me venir visiter dans ma barque…”[16]
Lần trở lại này, ông bình thản dẫn 10 nhà truyền giáo của ông (mes dix prédicateurs) đến triều đình, nhưng ông không nói rõ triều đình ở đâu, tạm coi vẫn ở Kim Long nơi chúa Thượng đóng đô. Và tại đây, ông tiếp tục truyền đạo, có đêm ông giảng đạo và rửa tội tới 200 chiến sĩ mới của Chúa Giê-su phần lớn là binh lính cùng gia đình họ.[17]
Cũng tại triều đình ông đến thăm bà Marie [Minh Đức] nhiều lần, giảng giáo lý cho bà và rửa tội cho nhiều người trong hoàng tộc. Trong triều có nhiều người tin nhảm rằng nếu bà tìm được đất để đúng huyệt chôn người thân thì dòng họ của bà sẽ phát. Chúa rất ghen tỵ việc này nên ông phải đến nhà bà ban đêm, vì sợ chúa biết, nghi ông tìm đất tốt để mộ bà, cho dòng họ của bà phát lên ngôi báu (!)[18].
Đoạn này, tích chất hư cấu hơi cao vì hai lẽ: thứ nhất, bà Minh Đức ở Quảng Nam chứ không ở Kim Long và thứ hai, khi kể chuyện này, de Rhodes không biết rằng: Trước khi qua đời, chúa Sãi đã gọi em út là Nguyễn Phước Khê và con thứ hai là Nguyễn Phước Lan tới bên giường: chúa muốn trao quyền cho em vì thấy con “chưa tiện phó thác việc quân cơ”, Nguyễn Phước Khê khóc, thề một lòng trung thành phò cháu, tức là chúa Thượng Nguyễn Phước Lan[19] và ông Khê đã giữ lời thề cho tới khi qua đời. Vậy không có lý gì bà Minh Đức, mẹ ông Khê, lại tìm đất tốt chôn mình, để cho dòng ông Khê được lên ngôi báu!
De Rhodes trở về Quảng Nam vào dịp lễ Phục sinh, làm việc ngày đêm để rửa tội cho giáo dân mới. Khi có trận bão lớn gây nhiều thiệt hại trong vùng, ông bí mật trở lại triều đình, trú trong dinh bà Minh Đức tám ngày và rửa tội cho một số đông người nữa trong hoàng tộc[20].
Ra Quảng Bình giảng đạo: Rồi de Rhodes cùng 10 nhà truyền giáo trẻ đi dọc biển, lên phiá bắc, đến vùng Quanbin [Quảng Bình], nơi có lũy cao [Đồng Hới] ngăn chia ranh giới Nam Bắc. Ông được quan Trấn thủ Quảng Bình tiếp đón niềm nở. Tại đây ông gặp lại một sồ tín đồ ngày trước và một số mới gia nhập. Giáo dân trong vùng Bochin [Bố Chính], nghe tin ông đến, viết thư “mời ông vượt tuyến” ra Bắc giảng đạo. Ông định đi nhưng lính gác biên bảo nếu ông sang bên địch thì họ sẽ báo cáo chúa. Ông đành phải ở lại và gửi Ignace ra Bắc giảng đạo. Bên kia bèn cử 10 con chiên đại diện vượt lũy Đồng Hới sang gặp ông. Khi nhìn thấy họ, ông vô cùng cảm động, như “người mẹ nhìn thấy con mình”[21].
Đoạn này cũng rất lạ, giống như ở thời điểm 1954-75 có một linh mục dám ra cầu Hiền Lương, gửi thầy giảng vượt sông Bến Hải sang bên kia vĩ tuyến giảng đạo!
Sau chuyến đi này, de Rhodes trở về kinh thành (la ville royale), và được một ông quan là hàng xóm và bạn của Onghebo, mời đến nhà giảng đạo. Bước vào, ông thấy cử tọa toàn người ngoại đạo, có nhiều “thầy tu mê muội” mà họ gọi là Says [Sãi].
Ông thuyết phục được nhiều người nhưng cũng có người đặt câu hỏi. Buổi diễn thuyết gây tranh cãi, de Rhodes gọi Ignace ra đối chất, không ngờ lại gây thêm phiền phức, nhiều người ghét Ignace, bèn bẩm báo với một bà mà chúa coi như vợ, trước đây là vợ của người anh [ chỉ Tống thị].[22]
Tháng 7-1644, Trấn thủ Quảng Nam từ triều về, được lệnh bà hoàng đi lùng bắt Ignace giết đi. Nhưng Ignace không có nhà, bọn lính không muốn trở về tay không, bèn bắt André và André bị Trấn thủ Quảng Nam tức khắc tuyên án tử hình không cho biện bác gì cả.[23]
De Rhodes tiếp tục truyền giáo và bị trục xuất vĩnh viễn
Sau khi André bị xử tử, de Rhodes không nói đến Trấn thủ Quảng Nam mà dùng chữ Onghebo. Ông tiếp tục truyền đạo cùng chín thầy giảng còn lại mặc sự truy nã của Onghebo.
Ông kể: Onghebo tăng cường đán áp, ra lệnh phá ba nhà thờ ở vùng Quy Nhơn. Nhưng giáo dân can trường chống lại, họ tranh nhau để được tử đạo, can đảm đứng lên chống đối.
Noël năm ấy (1644) de Rhodes và Ignace bị bắt ở Qui Nhơn. Bị giam và hỏi cung, qua sáu ông quan toà, đều hỏi tại sao chúa Thượng đã cấm đạo mà vẫn tiếp tục giảng đạo, ông cãi rất hay, quan toà đuối lý phải thả. Và ông lại tiếp tục giảng đạo. Thu thập thêm các thầy giảng trẻ, bấy giờ ông có tới 12 thầy giảng giống như 12 vị tông đồ của Chuá.[24]
Ngày 23-5-1645, ba hôm trước lễ Hiện xuống (Pentecôte) de Rhodes cùng đội ngũ tám[25] thầy giảng, lấy thuyền đi về hướng bắc (Quảng Bình), gặp ba chiến thuyền của đội lính tuần trên sông biển, bị nghi là thám tử của chúa Trịnh gửi vào, cả đoàn bị bắt giải về triều[26].
Vài ngày sau, de Rhodes bị chúa tuyên án tử hình. Nhưng một ông quan lớn, trước là thầy dạy chúa, đứng ra can: “Nếu chỉ vì tội truyền giáo mà giết họ thì không đúng, vì đạo này không làm gì xấu xa. Nếu không có tội gì khác, mà giết họ, thì đây không phải là luật pháp, mà là sự tàn bạo, giết người”. Nghe những lời này, chúa nguôi giận, nói: “Vậy thôi, thầy đã nói thế, thì ta rút lại lời lúc nãy, ta cho tên tu sĩ Bồ này (ce prêtre portugais) sống sót với điều kiện y phải ra khỏi đây vĩnh viễn, không bao giờ được trở lại.”[27]
Câu này, chứng tỏ chúa Thượng không biết de Rhodes là ai, chúa coi ông như một giáo sĩ Bồ vào lậu, vậy chuyện ba lần ông gặp chúa ở trên, và ông từng giảng cho chúa những bí ẩn của toán học, không biết hư thực thế nào.
Trong 22 ngày bị giam ở Hội An, de Rhodes vẫn tìm cách ban đêm lẻn ra ngoài giảng đạo, truyền phúc âm cho 82 người, và gửi tin tức và tiền bạc về Thuận Hoá cho chín thầy giảng trẻ đang ở tù[28]. Ngày 3-7-1645, ông bị chính thức trục xuất khỏi Đàng Trong.
De Rhodes tới Macao ngày 23-7-1645.
Và ngày 20-12-1945, ông lên đường về La Mã.
2- Chuyện André Phú Yên tử đạo
Chuyện André Phú Yên tử đạo là bản án đầu tiên kết tội chúa Nguyễn giết đạo, được lưu truyền tới ngày nay, đã trở thành “sự thật lịch sử”, cũng là nội dung cuốn sách Cái chết vinh hiển của André và là phần chính của tác phẩm Du hành và truyền giáo.
Vì tầm quan trọng của văn bản, chúng tôi trích dịch những đoạn chính viết về chuyện André tử đạo trong sách Du hành và truyền giáo, từ trang 236 đến trang 245, cắt thành 7 đoạn ngắn, đánh số, từ số 1 đến số 7; chỗ nào cần thiết, in cả nguyên bản tiếng Pháp.
1- Quyết định bắt Ignace
“Tháng 7 năm 1644, quan Trấn thủ Quảng Nam từ triều về, với lệnh, không phải của chúa, bởi vì chúa vẫn thân thiện với tôi, mà của bà hoàng này [cette reine] rất thù người công giáo, như tôi đã nói, nhất là bà thề sẽ tiêu diệt Ignace. Viên Trấn thủ vui lòng nhận lệnh bởi vì ông không thích chúng tôi từ lâu. Đầu tiên ông ta bắt giam ông già tên André, rồi gửi một đội lính đến nhà chúng tôi, bắt Ignace, nhất định đem giết”.
(Ce fut donc en Juillet de l’an 1644 que le gouverneur de la province de Cham revint de la cour avec ordre, non pas du roi, qui m’avait témoigné beaucoup d’amitié, mais de cette reine, qui avait de la haine contre les chrétiens, comme j’ai dit, et qui avait juré la perte principalement d’Ignace. Ce gouverneur prit volontiers cette commission, parce qu’elle était conforme à la mauvaise humeur qu’il nous avait témoignée depuis longtemps. Il commenca par un bon vieillard, nommé André, qu’il fit prisonnier; puis envoya une commpagnie de ses soldats en notre maison, pour y prendre Ignace, qu’il était résolu de faire mourir”.[29]
Trích đoạn trên đây rất quan trọng, xác định hai thủ phạm chính trong vụ bắt giết người, là:
– Bà hoàng: “bà hoàng này (cette reine) rất thù người công giáo, bà thề sẽ tiêu diệt Ignace”.
– Và Trấn thủ Quảng Nam: thi hành lệnh của bà hoàng, đi lùng bắt Ignace để giết.
2- Bắt hụt Ignace
Khi Trấn thủ Quảng Nam cho lính đến nhà de Rhodes ở với các thày giảng, để bắt Ignace, thì de Rhodes và Ignace không có nhà:
“Nhưng tôi [de Rhodes] may không có nhà, tôi đang ở với Ignace và các thầy giảng khác tại nhà kho của thiếu niên tên André, để trông nom bốn người bạn của cậu ta đang bị ốm. Tôi đến chào ông Trấn thủ, không biết rằng ông đang âm mưu chống chúng tôi, chỉ khi đến cửa dinh, một quý tộc Bồ báo cho tôi biết việc vừa xảy ra và khuyên tôi nên về ngay đưa các thầy giảng đi trốn.
Tôi giải tán tất cả những thanh niên này, mặc dù họ chẳng muốn gì hơn là được tử vì đạo, và tôi vào gặp ông Trấn thủ, làm như chưa biết việc gì đã xảy ra. Ông ta nói với tôi giọng rất xẵng, tôi biết xin cũng bằng thừa. Tôi vào nhà tù thăm ông già André, cổ đeo thang (lối gông cùm ở đây), nhưng thấy ông rất vui vẻ như đang ở trên cung [trăng]. Tôi muốn ở lại bên ông suốt đêm nhưng gác tù không cho, bèn lui về chiếc thuyền nhỏ nơi các thầy giảng đang chờ”[30].
3- André tự nhận tội, bị bắt và bị kết án tử hình
“Tuy nhiên, bọn lính phá nhà chúng tôi. Chúng xông vào, tìm kỹ Ignace, nhưng André đứng ra tự xưng rằng mình cũng có đủ các tội giống như bạn cậu, bọn lính xấu hổ nếu trở về không, không làm tròn bổn phận, nên chúng bắt André, trói dẫn đi, sau khi đã lục soát khắp nơi và ăn cắp hết ảnh, tượng, trang hoàng nhà thờ.
(Cependant les soldats faisaient bien du dégât en notre maison. Ils y étaient entrés de vive force; ils y avaient cherché fort soigneusement Ignace; mais André leur ayant dit qu’il avait tous les même crimes pour lesquels ils en voulaient à son compagnons, ils eurent honte de s’en retourner sans avoir rien fait de ce que portait leur commision; ils prirent André, l’amenèrent bien lié, après avoir fouiller partout et volé toutes les saintes images, avec tous nos ornements d’église).
André hoan hỷ đi theo, miệng cầu cho những kẻ bắt cậu tránh được địa ngục để lên thiên đàng.
Điều này chọc tức bọn lính hơn là cải hóa chúng. Chúng đi ngang chỗ thuyền chúng tôi đậu, hỏi có biết Ignace ở đâu không? Trời tối nên chúng không nhìn thấy.
André bị dẫn đến trước quan Trấn thủ, bị kết tội là người công giáo và giảng đạo, rồi tức khắc bị dẫn vào giam cùng với ông André già. Họ cùng nhau qua một đêm mà cả hai tưởng là đêm cuối cùng, an ủi nhau và hẹn ngày mai gặp lại trên trời.
Sáng ra, viên Trấn thủ muốn cho tội ác của mình có chút màu mè, bèn làm bộ như xử án, đưa hai kẻ vô tội ra trước toà, và tức khắc tuyên án [tử hình] không nghe biện bác gì cả. Rồi họ đưa hai người trở lại nhà tù, quả quyết rằng bản án sẽ thi hành ngay ngày hôm ấy.
(Le matin étant venu, le gouverneur, voulant donner couleur à son crime, asssembla une forme de jugement; on fit comparaitre ces deux innocents, que l’on condamna incontinent, sans même les avoir ouis. Puis on les ramena dans la prison, prétendant que l’exécution de l’arrêt serait le même jour).
Tôi chạy vội lại nhưng bản án đã tuyên, tôi cùng những người Bồ đến xin Trấn thủ nhiều lần, vừa quấy nhiễu vừa đe dọa, nhưng ông ta giữ nguyên quyết định và nói với tôi: ta tha cho tên già vì thương con nó, còn tên trẻ hợm hĩnh này, nó đã nhận theo đạo công giáo, có chết cũng không bỏ đạo, vậy nó sẽ chết như lời nó nói, để làm bài học cho những kẻ dám trái lệnh chúa”.[31]
4- André bị hành hình
“Khi thấy không thể cứu được André, tôi quyết định bài trí cái chết của cậu thành cái chết của người công giáo tuẫn đạo thực thụ.
(Quand je vis qu’il était hors de mon pouvoir de sauver la vie de mon bon André, je me résolus de le disposer à la perdre en vrai chrétien et en vrai martyr).
Tôi không kể ra đây những gì tôi đã làm với cậu trong nhà tù vì quá dài. Khi nhìn thấy tôi, sau khi nghe tuyên án tử hình, cậu trở sang trạng thái rạng rỡ hoan hỷ tuyệt vời, cậu nói với những người theo đạo có mặt, tất cả những điều mà thánh Laurent nói khi ông sắp bị thiêu. Cậu xưng tội, rồi cầu nguyện, nói lời vĩnh biệt tất cả, và cậu hoan hỷ đi theo đội bốn mươi người lính, đến một cánh đồng cách thành phố nửa dặm.
Tôi vẫn theo sát cậu, mặc dù họ đi rất nhanh và cậu bị đóng gông (thang) trên cổ. Khi tới nơi vinh hiển, cậu quỳ gối ngay, để có can đảm chiến đấu. Bọn lính bao quanh cậu, đuổi tôi ra ngoài, nhưng người đội trưởng cho phép tôi trở lại đứng cạnh cậu. Cậu vẫn quỳ, đôi mắt ngước lên trời, miệng mở, gọi tên chúa Jésus.
Một tên lính đến từ phiá sau, ném thương đâm thủng người cậu, lưỡi lao lòi ra trước ngực ít nhất hai gang tay; André thân ái nhìn tôi như vĩnh biệt, tôi bảo cậu hãy nhìn lên trời, nơi cậu sẽ đến với Chúa Jésus đang đợi cậu. Cậu ngước lên trời và không cúi xuống nữa. Vẫn tên lính đó rút thương đâm thêm hai lần nữa, như muốn trúng tim.
Nhưng André không rung động gì cả, thực đáng khâm phục. Sau cùng, một tên lính khác thấy ba nhát thương chưa làm cho cậu ngã ra đất, bèn lấy mã tấu chặt cổ, cũng không đứt, hắn đưa mã tàu lần thứ nhì, mạnh quá đến nỗi y cắt đứt họng, đầu rơi sang phải, chỉ dính chút da. Nhưng liền khi tôi nghe rõ tiếng đầu lìa khỏi cổ, thì tên chúa Jésus không còn phát ra từ miệng cậu, mà phát ra từ vết chém, cùng lúc đó linh hồn cậu bay lên trời, thân cậu rơi xuống đất.”[32]
5- Thu lượm Thánh tích
Linh mục de Rhodes thu nhận đầu André làm thánh tích để đưa về Rome:
“Bọn lính rút đi, để lại cho chúng tôi thánh tích quý báu, chúng tôi mở rộng vòng tay đón nhận, rồi đặt vào trong chiếc hòm đẹp, lượm tất cả máu cậu, để làm tang lễ, không huy hoàng mà thành kính cho vị thánh tử đạo. Tôi đem hòm thánh tích về thuyền, nơi tất cả các bạn đồng hành của cậu đang chờ. Khi họ nhìn thấy tôi với thi hài người bạn đã về trời, họ nổi sùng, vừa đau thương vừa hạnh phúc. Tôi gửi thi thể về Macao, thi hài đã được tu viện tiếp đón vô cùng trọng thể; rồi sau, tôi làm một biên bản với 23 nhân chứng hiện diện trong buổi hành hình, nhưng tôi giữ cái đầu lại cho tôi, và Thượng đế đã giúp tôi mang được về Rome.”[33]
6- De Rhodes sắp đặt “mưu toan”:
“Để che đậy mưu toan của mình (Pour mieux dissimuler mon dessein), tôi lên tàu Bồ – con tàu sắp đi Trung Quốc – cho cả tỉnh Quảng Nam nhìn thấy, nhưng tôi đã dặn trước các thầy giảng, trốn ở dưới thuyền, chèo ra đợi tôi cách bờ ba dặm, tại đó tôi sẽ xuống tàu, để lại thi hài thánh tử đạo cho họ đem về Macao, còn tôi trở về thuyền, lòng mừng như được ở nhà vàng: cùng 9 thầy giảng sống ở đấy như những thiên thần, chúng tôi ngày đêm lo truyền đạo. Việc cấm đạo càng tăng thì những người theo đạo càng quyết tâm chống lại những kẻ bạo tàn”.[34]
7- Thành phố xử tử hình André bị đốt cháy
Thành phố giam giữ và hành hình André, bị thiêu rụi:
“Ba ngày sau khi André chết; lửa trở lại đốt cháy thành phố này, nơi André bị kết tội, đốt nhà tù đã giam André, đốt cháy con đường André đi qua, và nhiều đền thờ thần tượng.
(Aux trois jours qui suivirent cette mort, le feu reprit en cette ville où André avait été condamné; il brula la prison où il avait été enfermé, toute la rue par où il avait passé, et plusieurs temples d’idoles).
(…) Và từ khi tôi ở Paris, có bốn người bệnh nặng cầu vị Thánh vừa tử nạn, đều khỏi bệnh.”[35]
Chúa Thượng “hỏi cung” và “kết án”
Vẫn theo lời kể của de Rhodes, ba ngày sau khi ông về tới Macao, chúa Thượng ra lệnh cho gọi chín thầy giảng trẻ, cổ đóng gông, đến triều đình để chúa “thuyết phục” họ bỏ đạo:
“Để cho họ phục, chính chúa hỏi: Có phải các ngươi theo đạo không? Và nếu đã trót theo, thì bây giờ ta bảo phải bỏ đạo. Ignace nói thay mọi người: Tất cả mấy anh em tôi đều theo đạo, và nhờ ơn đức Chúa Trời, sẽ theo đạo đến chết. Nếu nói dối sẽ phải tội ngay.
Lời nói tự do này làm chúa nổi giận: nếu đã bị tuyên truyền mà dám trái lời ta, thì thử xem có đủ nghị lực để chịu đớn đau không. Ignace trả lời rằng chúng tôi yếu đuối, nhưng phép chúa Jésus-Christ cao dày hơn tất cả các vua trên thế giới. Rằng đây không phải là lần đầu tiên phép Chúa Jésus thắng tất cả mọi sức mạnh nhất trên đời. Cuộc đấu khẩu này (ce combat de paroles) kéo dài khá lâu. Ignace nói liên miên, Vincent cũng phụ họa, cả bọn còn lại gật gù hay mỉm cười tán thành. Nhiều quan trong triều cất lời khuyên họ nên tuân theo lệnh chúa nếu không sẽ bị khốn khổ. Ignace trả lời: Khốn khổ! Không bao giờ một người công giáo thực thụ bị khốn khổ. Kẻ đã nhìn thấy trời, không lẩn tránh cái chết, và kẻ khinh thường cái chết, không có gì để sợ.
Chúa không thể tiếp tục nghe những lời tự do như thế, truyền cho Ignace và Vincent, vì nói thay các bạn, bị chém đầu. Bẩy người còn lại bị chặt một ngón tay.
Họ sung sướng, cổ đóng gông, chạy như bay ra pháp trường như có cánh, những người chỉ bị chặt một ngón tay không hài lòng vì không được chém đầu (…) Ignace, khi đầu rơi xuống đất, cổ còn còn hô to ba lần tên chúa Jésus.”[36]
Những lời đấu khẩu can đảm và hùng hồn của Ignace với chúa Thượng trên đây, dẫn người đọc đến thắc mắc: Lúc đó de Rhodes đã ở Macao, làm sao ông biết rõ đến cả những lời lẽ can trường của đệ tử ở trong triều? Ai đã tham dự và “ghi âm” cuộc đấu khẩu của Ignace với chúa Thượng để chuyển sang Macao cho de Rhodes?
Bà hoàng Tống thị
Chuyện André tử đạo nổi lên hai nhân vật chính, thủ phạm những bạo hành, đàn áp đạo Chúa. Trước tiên là bà hoàng, người đã ra lệnh cho Trấn thủ Quảng Nam tức Onghebo, tìm giết một thầy giảng tên là Ignace. Việc này là đầu mối sự đàn áp đạo Chúa tại Đại Việt.
Vậy trước hết, ta cần điều tra xem bà hoàng này là ai?
Câu trả lời nằm ở trang 222 sách Du hành và truyền giáo, de Rhodes viết: “một bà mà chúa coi như vợ, ngày trước là vợ của người anh” (une dame que le roi tenait comme sa femme, encore qu’auparavent elle eut été à son frère)[37].
Với câu này, de Rhodes xác nhận bà hoàng là Tống thị.
Tống thị là một nhân vật ly kỳ, có tên trong sách sử. Nguyễn Khoa Chiêm trong Nam triều công nghiệp diễn chí cho biết: Tống thị là một người đẹp, con cai cơ Tống Phúc Thông, là vợ lẽ của Thế tử Kỳ [mất năm 1631]. Tháng hai năm Kỷ Mão (tháng 3-1639), Tống thị vào triều, chúa Thượng say mê, bỏ bê triều chính, xây dựng đền đài, ăn chơi quá độ. Nguyễn Khoa Chiêm viết về chuyện này khá dài như tiểu thuyết[38]. Về sau, Đại Nam Thực lục Tiền biên tóm tắt những ý chính như sau:
“Kỷ mão, năm thứ 4 [1639], mùa xuân, tháng 2, vợ lẽ cố Tôn Thất Kỳ là Tống thị vào yết kiến. Tống thị có vẻ xinh đẹp, khéo ứng đối, từng nhân việc vào ra mắt, đem tình trạng đau khổ kêu xin và xâu một chuỗi [ngọc] bách hoa để dâng. Chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần có người can, nhưng chúa không nghe.[…]
Bấy giờ chúa thấy biên cương không có việc gì đáng lo, thường chăm yến tiệc vui chơi, xây dựng cung thất công dịch không ngớt. Nội tán Phạm (bấy giờ gọi là Vân Hiền hầu) can rằng: “Thần nghe bực vương giả dùng người hiền làm cột, lấy đức tốt làm thành […] Chúa nên lo lắng siêng năng, xem xét thời cơ, mở mang bờ cõi, nếu không nghĩ điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần chưa biết như thế có nên không”. Chúa nghe, đổi sắc mặt mà nói: “Đấy đều do người ta xu nịnh bày ra, thực không tự ý ta”. Tức thì ra lệnh đình bãi các việc.”[39]
Nội tán là một trong bốn tứ trụ triều đình: Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu, do chúa Thượng đặt ra, trực tiếp dưới quyền chúa, giúp chúa trong việc cai trị[40].
Nguyễn Khoa Chiêm, cho biết chuyện Tống thị khởi đầu từ tháng ba năm 1639, kéo dài trong năm 1640, nhưng sang năm 1641, ông chuyển qua những chuyện khác.
Đại Nam Thực lục Tiền biên cũng ghi chuyện này vào năm 1640, và sang năm 1641, cũng kể sang các việc khác. Như vậy, ta có thể coi chuyện Tống thị chỉ kéo dài trong hai năm 1639 và 1640. Sau khi quan Nội tán Vân Hiền hầu họ Phạm, can chúa, bà bị thất sủng.
Tiền biên ghi thêm: năm 1648, Tống thị liên lạc với chúa Trịnh mưu làm phản [năm 1648 cũng là năm chúa Thượng mất, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần lên ngôi, không rõ việc này xảy ra trước hay sau khi Phước Tần lên ngôi].
Năm 1654, Tống thị tư thông với Chưởng dinh Tôn Thất Trung, xúi ông làm phản. Tôn Thất Trung là con thứ tư chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, và là chú của chúa Hiền Nguyễn Phước Tần; ngày trước ông Trung đã định diệt Tống thị khi bà ta mê hoặc chúa Thượng, anh ông. Hơn mười năm sau, chính Tôn Thất Trung lại bị Tống thị mê hoặc.
Lần này, dưới triều chúa Hiền, Tống thị bị xử tử và tịch thu tài sản, nhưng chúa Hiền không nỡ giết chú, nên ông Trung chỉ bị tù, sau chết trong tù[41].
Khi de Rhodes đến Đàng Trong năm 1640, Tống thị đang lộng hành, nhưng sang năm 1641, Tống thị đã bị thất sủng.
De Rhodes đưa Tống thị vào năm 1644, tức là ba, bốn năm sau khi bà ta bị thất sủng, và lại cho bà ta quyền sai bảo một nhân vật khác, rất quyền uy là Trấn thủ Quảng Nam đi giết người.
De Rhodes tố cáo sáu tội của Trấn thủ Quảng Nam
Vậy trước hết, Trấn thủ Quảng Nam là ai?
Câu trả lời đầu tiên đến từ chính de Rhodes, ở trang 149, Du hành và truyển giáo, ông viết:
“Một Onghebo, Trấn thủ Quảng Nam, thấy chúng tôi vẫn còn ở lại, mặc lệnh cấm, nhất định đuổi” (Un certain Onghehbo, gouverneur de la province de Cham, voyant que nous étions demeurés malgré qu’il en eut, s’obstina à nous chasser)”[42].
Với câu này, Alexandre de Rhodes xác định: Onghebo và Trấn thủ Quảng Nam, là một.
Tuy nhiên, Trấn thủ Quảng Nam và Onghebo (Ông Nghè Bộ) là hai chức vụ hoàn toàn khác nhau, hai người này không thể là một, như ta sẽ thấy ở dưới.
Bản cáo trạng tội ác của Trấn thủ Quảng Nam và Onghebo của de Rhodes có thể xếp theo thứ tự thời gian như sau:
– Lần thứ nhất: Trấn thủ Quảng Nam là thủ phạm “đại họa” 1639. De Rhodes viết:
“… đầu năm 1639, là năm đại họa cho đạo Chúa: một ông quan Trấn thủ Quảng Nam (un certain Gouverneur de la Province de Cham), kè thù công khai của người công giáo, rất được lòng chúa và rất ghét các Cha… Ông này tịch thu Thánh giá mà các cha sùng bái giữ gìn, đem đến trình chúa và bịa đặt ra trăm điều xỉ nhục cây Thánh giá, làm chúa kinh tởm. Chúa liền hạ lệnh đốt Thánh giá, và ông cha nào đeo thứ rồ rại này ở đây sẽ bị giết. Người Bồ, có tiền, chuộc được Thánh giá, nhưng họ không cản được việc chúa đuổi các cha khỏi Đàng Trong.”[43]
Vậy theo de Rhodes: thủ phạm vụ chúa đuổi các giáo sĩ năm 1639, là do Trấn thủ Quảng Nam bịa đặt ra trăm điều sỉ nhục cây Thánh giá, làm chúa kinh tởm.
Câu chuyện này rất giống những câu chuyện bậy bạ về cây Thánh giá, thường được các giáo sĩ, trong đó có de Rhodes, kể đi kể lại, với những chi tiết khác nhau, với mục đích khá lộ liễu: muốn chứng tỏ vua chúa phương Đông cấm đạo vì ngu xuẩn, tin những lời đồn nhảm.
– Lần hai: Tháng 9-1640, Onghebo bắt de Rhodes và trục xuất.
– Lần ba: Năm 1641, Onghebo, ầm ầm gửi đến nhà các cha ở Cửa Hàn, một đội binh lớn để bắt bớ đánh đập gia đình ông André và đốt hết các hình ảnh đạo cùng cây thánh giá…
– Lần bốn: Tháng 7 năm 1644, Trấn thủ Quảng Nam từ triều về, theo lệnh “bà hoàng” bắt Ignace để giết.
– Lần năm: Trấn thủ Quảng Nam đưa hai kẻ vô tội ra trước toà và tức khắc tuyên án tử hình không nghe biện bác gì cả.
– Lần sáu: Sau khi André bị xử tử, Onghebo tăng cường đán áp, phá ba nhà thờ ở Quy Nhơn.
Như vậy, tác giả sáu tội ác trên đây, tức Trấn thủ Quảng Nam, là ai?
Trấn thủ Quảng Nam là ai?
Ở thời đó, không ai hỏi như vậy, bởi vì hỏi vậy cũng giống như hỏi: Thủ tướng hiện giờ là ai? Chúng ta ở thế kỷ XXI, nên mới hỏi câu này. Và đây là câu trả lời cho người thời nay:
Trong giai đoạn 1639-1644, Trấn thủ Quảng Nam chỉ có thể là một trong hai người:
– Người thứ nhất là Bùi Huy Lương, được thăng Trấn thủ Quảng Nam năm 1635.
Năm 1635, Chúa Sãi băng hà, Thế tử Nguyễn Phước Lan lên ngôi, tức chúa Thượng. Thấy cha chết, Nguyễn Phước Anh, Trấn thủ Quảng Nam, muốn cướp ngôi anh, đắp luỹ Cu Đê ra đến biển để cố thủ. Phước Lan cầu cứu chú, Phước Khê sai Hùng Lương hầu Bùi Huy Lương và Triều Phương, chỉ huy quân thủy; Yên Vũ và Hùng Uy chỉ huy quân bộ, tiến vào Quảng Nam, bắt sống Phước Anh đem về trị tội. Bùi Huy Lương, được thăng Chưởng dinh, làm Trấn thủ Quảng Nam.[44]
– Người thứ hai là Thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phước Tần.
Sử gia Phan Khoang viết:
“Năm 1643, người Hà [Hà Lan] định phối hợp thủy quân mình với lục quân chúa Trịnh để đánh chúa Nguyễn: Tàu Hà đánh mặt thủy còn mặt bộ thì giao cho chúa Trịnh. Năm chiếc tàu Hà từ Đài Loan sang dự chiến, nhưng viên chỉ huy tàu thấy rằng bộ binh chúa Trịnh chưa chỉnh tề, nên cho tàu đi thẳng về Batavia.
Mấy tháng sau, Đô đốc Hà là Pieter Back chỉ huy ba chiếc tàu chiến từ Batavia sang Quảng Bình để gặp quân chúa Trịnh, khi đi ngang qua biển cửa Hàn, gặp mấy chiếc ghe chiến của Thế tử Dũng-lễ-Hầu (tức chúa Hiền vương sau này) bấy giờ làm Trấn thủ Quảng Nam, điều khiển; đổ ra vây đánh. Chiếc tàu lớn hơn của người Hà bị ghe Việt xông vào đánh phá, Pieter Back và thuỷ thủ đều tử trận, 2 chiến thuyền kia thua, bỏ chạy ra Bắc.
Năm sau, người Hà lan cho tàu qua định tàn phá bờ biển Đàng Trong, nhưng vì chúa Nguyễn phòng thủ cẩn thận, tàu Hà phải đi thẳng qua Đài Loan.”[45]
Việc Thế tử Nguyễn Phước Tần làm Trấn thủ Quảng Nam, năm 1643, giải thích tại sao ông có thủy binh trong tay, sẵn sàng chủ động đánh tàu Hòa Lan.
Lúc ấy Alexandre de Rhodes có mặt ở Đàng Trong. Cho nên, ông đã lựa hai nhân vật nổi tiếng nhất thời ấy là Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phước Tần và “bà hoàng” Tống thị, làm nền cho câu chuyện André tử đạo.
Ở đây cũng xin nhắc lại mấy dòng lịch sử:
Nhà Nguyễn có hai vị chúa lớn, chúa Sãi và chúa Hiền, là hai ông cháu.
Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), sinh năm 1563. Năm 22 tuổi (1585) đã đánh 5 chiến thuyền của Hiển Quý tặc[46] ở Cửa Việt. Trở thành chúa Sãi (1613) ông xây dựng nền móng một nhà nước kỷ cương, quân đội hùng mạnh, đồng hóa dân Chàm thành dân Việt trong hòa bình, biến đất Chiêm thành đất Việt từ Quảng Nam đến Phú Yên.
Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), cháu nội chúa Sãi, sinh năm 1620. Năm 23 tuổi (1643) khi còn là Dũng Lễ hầu, Trấn Thủ Quảng Nam, đã đánh tan ba tàu Hòa Lan, làm “chấn động dư luận”, khiến quân Hòa Lan, làm chủ vùng Đông Á lúc bấy giờ, không động đến bờ cõi Đàng Trong nữa. Trở thành chúa Hiền, bốn lần thắng Trịnh (1648, 1655, 1661, 1672). Ông chiếm Chiêm Thành đến Khánh Hoà và chiếm một nửa Chân Lạp, lập ra vùng Biên Hoà-Gia Định. Cho người Minh tỵ nạn, khai khẩn vùng Biên Hoà, lập Chợ Lớn. Mặc dù ngày nay, sự chinh phục không được chấp nhận, nhưng ta không thể phủ nhận quá khứ: Chúa Hiền đối với Việt Nam như Napoléon đối với nước Pháp, nhưng khác nhau ở chỗ: Nguyễn Phước Tần mở đầu việc “nhân đôi” diện tích Đàng Trong cho Đại Việt, trong khi Napoléon không giữ lại được mảnh đất nào cho nước Pháp, mà còn bị cầm tù.
Khi de Rhodes rời Đàng Trong, ông chỉ mới biết chiến công đầu tiên của Nguyễn Phước Tần. Sự lựa chọn của giào sĩ không phải vô tình mà có lý do chính đáng.
Ông Nghè Bộ là ai?
Khi Nguyễn Hoàng vào Nam, các quan vẫn do ngoài Bắc chỉ định. Chỉ từ năm 1627, sau cuộc chiến đầu tiên với chúa Trịnh, chúa Sãi mới quyết định “độc lập” và tổ chức bộ máy hành chính trong Nam, tương đối còn sơ sài, lúc đó chỉ có ba Bộ.
Chúa Sãi đặt ra Tam ti (ba Bộ): Xá sai ti (kiện tụng, văn án) có quan Đô tri, Ký lục cầm đầu, Tướng thần lại ti (thuế khoá, lương thực) có quan Cai bạ cầm đầu, Lịnh sử ti (tế tự, tết nhất, cấp lương cho quân ở chính dinh) có quan Nha úy cầm đầu.
Chúa Thượng đặt thêm: Nội tả, Ngoại tả, Nội hữu, Ngoại hữu, là tứ trụ triều đình, giúp chúa cai trị dân[47]. Năm 1640, quan Nội tả họ Phạm tức Vân Hiền hầu răn chúa không nên say mê Tống thị, và chúa đã nghe lời. Năm 1645, chúa định xử tử de Rhodes, chắc cũng nhờ một đại quan trong tứ trụ khuyên can, nên chúa đã giảm án tử hình thành trục xuất.
Onghebo, phiên âm từ Ông Nghè Cai Bạ, là quan Cai bạ đỗ ông Nghè, tức Tiến sĩ, trông coi Bộ thuế khóa, tương tự như Bộ trưởng Tài chính ngày nay.
Dĩ nhiên Bộ trưởng Tài chính không có “nhiệm vụ” huy động một đội binh lớn (une grande troupe de soldats) đi đánh đập người và đốt phá nhà dân, việc này hoàn toàn tưởng tượng.
Onghebo hiện chúng tôi chưa tìm được là ai. Dù là ai chăng nữa, thì ông quan Cai Bạ không thể “cầm quân” tàn sát dân lành. De Rhodes cho biết Onghebo chết già năm 1648 (trang 244).
Tại sao buộc tội Trấn thủ Quảng Nam tức Onghebo?
Như chúng tôi đã viết trong chương 1: Địa phận hành chính của dinh Quảng Nam, bao gồm cả Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Chức Trấn thủ Quảng Nam, vì thế, rất lớn, tương đương với chức thủ tướng bây giờ. Quan Trấn thủ Quảng Nam thường là Thế tử, bắt đầu với Nguyễn Phước Nguyên (1602-1613), đến Nguyễn Phước Kỳ (1613-1631), Nguyễn Phước Anh (1631-1635) Bùi Huy Lương (1635-1643), Nguyễn Phước Tần (1643-1648)…
Khi de Rhodes đến Đàng Trong lần đầu, năm 1624, ông đã được ở trong dinh Quảng Nam, tất ông biết rõ uy quyền của quan Trấn thủ, lúc đó là Thế tử Nguyễn Phước Kỳ, người đã cho phép các giáo sĩ ở lại đưa đám tang cha de Pina, trong khi chúa Sãi, đã ra lệnh trục xuất.
Vậy việc de Rhodes tố cáo Trấn thủ Quảng Nam giết André Phú Yên và tàn sát đạo Chúa, không phải vô tình mà có chủ đích:
– Bởi vì chức Trấn thủ Quảng Nam là nhân vật thứ hai trong chính quyền, sau chúa.
– Bởi vì Thế tử Nguyễn Phước Tần, đang là “ngôi sao sáng”, “uy thế lừng lẫy”, ghép với Tống thị một nhân vật đã từng “nổi tiếng” cách khác, tạo ra câu chuyện kỳ thú có trọng lượng.
– Bởi vì de Rhodes về La Mã, không thể tố cáo một nhân vật vô danh, mà cũng không dám bịa chuyện chúa Thượng đi rong ruổi truy lùng de Rhodes khắp nơi và giết người vô tội, nên ông đã “dùng” nhân vật thứ hai trong triều là Thế tử, Trấn thủ Quảng Nam, cho nhân vật này giết André, rồi ông mang thủ cấp André về La Mã làm chứng, xin Giáo hoàng can thiệp, để chận đứng việc “tàn sát đạo Chúa” ở Đàng Trong.
– Việc đồng hóa Trấn thủ Quảng Nam với Onghebo, cũng là chiến lược, bởi vì de Rhodes không thể để cho vị Thế tử quyền uy này, chạy đi lùng bắt một giáo sĩ vô danh vào lậu, nên ông phải “dùng” đến nhân vật thứ ba là Onghebo cho đi lại ngược xuôi suốt dọc Đàng Trong, truy nã de Rhodes và triệt hạ giáo dân, như một thứ Néron-James Bond thời Trung Cổ.
Việc de Rhodes cho Trấn thủ Quảng Nam làm phận sự một tên cận vệ, tuân lệnh bà hoàng, bắt giết một thiếu niên mà không xét xử; và dã man, vô nhân đạo đánh đập người vô tội… như một tên đồ tể, chứng tỏ ông tin chắc rằng ông có quyền viết bất cứ điều gì về cái xứ chỉ biết “tôn thờ ma quỷ” này, cũng như ông bịa đặt chuyện Thích Ca một cách vô tội vạ, miễn sao Tòa Thánh động lòng, thúc đẩy vua Pháp đem quân chinh phục phương Đông.
Những điểm vô lý trong chuyện André tử đạo
Chuyện André tử đạo, cho đến ngày nay, vẫn được người ta thành kính tin tưởng, như một thứ “thánh kinh” của Á đông; theo Cadière, không ít người thuộc lòng từng chi tiết chuyện này, theo Roland Jacques, sách André tử đạo được chép lại trong nhiều thứ tiếng.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ta thấy có những chi tiết vô lý sau đây:
1- André bị bắt vì lý do gì?
De Rhodes viết: “Bọn lính xấu hổ, nếu trở về không, không làm tròn bổn phận, nên chúng bắt André” (ils eurent honte de s’en retourner sans avoir rien fait de ce que portait leur commision; ils prirent André) (trang 327). Câu này chứng tỏ: André bị bắt vì bọn lính xấu hổ nếu về tay không. Chưa có thứ lính nào kỳ dị như vậy, dù trong tưởng tượng. Việc này không liên quan gì đến việc cấm đạo.
2- Lý do André bị xử tử?
De Rhodes kể lại lời quan Trấn thủ: “nó đã nhận theo đạo công giáo, có chết cũng không bỏ đạo, vậy nó sẽ chết như lời nó nói” (trang 239).
Câu này trái ngược với câu ông vừa viết ở trang trước (trang 238): “Trấn thủ… đưa hai kẻ vô tội ra trước toà, và tức khắc tuyên án tử hình không nghe biện bác gì cả”.
3- Tại sao André và Ignace không có tên Việt?
Không phải vì de Rhodes không biết tên Việt của các giáo dân ngoan đạo, vì trong Du hành và truyền giáo, ông ghi tên Việt của nhiều người, như: Antoine Té [Tê, Tế] (trang 247), [Antoine Ngu [Ngữ hay Ngũ] (trang 248), Pierre Lao [Lào, Lão] (trang 257), Jérome Giap [Giáp] (trang 260), Nicolas Hao [Hào, Hảo] (trang 262), v.v.
Riêng hai đệ tử trung thành nhất, được ông thương yêu nhất, đã sống chung với ông nhiều năm nhất, và đã chết thảm khốc, ông lại không biết tên họ, tại sao?
De Rhodes chỉ ghi độc có hai câu rất mơ hồ về gốc gác André và Ignace:
– Về André: “Cậu André tử tế đến thăm tôi tại tỉnh Ranran (Phú Yên)” (le bon André me vint voir en la province de Ranran) (trang 187).
– Về Ignace: “Là một vị thánh đích thực, xuất thân từ một tỉnh miền Bắc” (C’était un vrai saint, sortit d’une province septentrionale) (trang 187).
Cadière đưa ra tên André Lý, nhưng không biết ông lấy ở đâu? Và tên này cũng không được người ta dùng.
Vậy de Rhodes ngại gì mà không viết tên thật, tên tiếng Việt của André và Ignace, như đối với một số người ngoan đạo?
4- Tạo sao thành phố bị đốt cháy không có tên?
De Rhodes viết: “Ngày thứ ba sau khi André chết, lửa trở lại đốt cháy thành phố này, nơi André bị kết tội, đốt nhà tù đã giam André, đốt cháy con đường André đi qua, và nhiều đền thờ thần tượng”.(Aux trois jours qui suivirent cette mort, le feu reprit en cette ville où André avait été condamné; il brula la prison où il avait été enfermé, toute la rue par où il avait passé, et plusieurs temples d’idoles)[48].
Đúng là sự trừng phạt của Thượng đế trong Thánh Kinh. Nhưng “Sodome và Gomorrhe- Đàng Trong”, thế kỷ XVII, ở chỗ nào? Thành phố nào đã bị lửa thiêu?
Vì Trấn thủ Quảng Nam là “chủ nhân tội ác”, nên sau đó thành Quảng Nam phải bị Thượng đế trừng trị là điều hiển nhiên. Nhưng tại sao lại không viết rõ tên thành phố ra, ông sợ gì?
5- Tại sao ngày ra tòa, ngày hành hình André, không được ghi lại trong sách?
Ngày André bị ra toà, chỉ có một câu:
“Sáng sau, Trấn thủ muốn cho tội ác của mình có chút màu mè, bèn làm bộ như xử án, đưa hai kẻ vô tội ra trước toà, và tức khắc tuyên án tử hình không nghe biện bác gì cả.”[49]
Chính de Rhodes là người chứng kiến vụ hành hình, cũng không nhớ ngày và nơi chém đầu André. Ông thường ghi chép rất kỹ ngày tháng, đi tới đâu, ngày nào, có sự gì xảy ra, hầu như không bỏ sót gì cả. Ông lại luôn luôn ở bên cạnh André trong những ngày bị bắt và bị hành hình. Sau đó chính ông mang thủ cấp André vể La Mã. Một người cẩn thận ghi chép như de Rhodes, tại sao lại có những sơ hở này? Xin nói rõ lại, trong cả hai cuốn sách, ông không hề ghi lại ngày tháng những sự kiện vừa nói.
De Rhodes thừa biết Đàng Trong có pháp luật, có quan tòa, bị cáo, theo cấp độ nặng nhẹ mà xử ở phủ, huyện hay ở tỉnh. Vì vậy, nếu André, Ignace và các thầy giảng bị bắt vì tội giảng đạo, thì chỉ có thể được xử trong cấp phủ, huyện, bởi vì chính bản thân de Rhodes, khi bị bắt ở Qui Nhơn, cùng với thầy giảng, và bị 6 ông thẩm phán tra hỏi về đạo Chúa[50] cũng chỉ ở cấp phủ huyện, chưa được đưa lên Đô tri. Nhưng ông đã dàn cảnh thiếu niên André bị Trấn thủ Quảng Nam bắt và tức khắc tuyên án không nghe biện bác gì cả.
Màn Ignace đấu khẩu với chúa Thượng, cũng rất lạ lùng:
“Cuộc đấu khẩu kéo dài khá lâu. Ignace nói liên miên, Vincent cũng phụ họa, cả bọn còn lại gật gù hay mỉm cười tán thành.”[51] De Rhodes cho Ignace tự do đấu khẩu với chúa Thượng, như trong một quốc hội dân chủ.
Tất cả chỉ để chứng tỏ: triều Nguyễn không ra thể thống gì: Thế tử giết người vô tội vạ và các thày tu trẻ, ăn nói phạm thượng với chúa, công khai tỏ sự khinh mạt triều đình, bởi vì ông nhìn thấy xã hội Việt Nam ở một trình độ rất thấp: không có luật pháp, không quan tòa, không tôn ti, trật tự, chúa ngồi xử tội như thời Salomon.
6- Chúa Thượng có thực sự cấm đạo tàn bạo hay không? Đàng Trong cấm đạo, vậy mà bốn lần de Rhodes đến xứ này, ba lần ông được gặp chúa Thượng và được tiếp đãi ưu ái:
Lần thứ nhất trở lại Đàng Trong, được quan Trấn thủ Hội An đưa về triều. Ông mua quà biếu chúa. Khiến chúa rất hài lòng.
Lần thứ ba trở lại Đàng Trong: Ông biếu chúa vài chiếc đồng hồ mới.. “chúa rất thích và giữ tôi ở lại trong triều… ban ngày tôi ở bên chúa… Tôi giảng cho chúa vài bí ẩn của toán học…”
Lần thứ tư trở lại Đàng Trong: “Tôi đến triều đình cùng với mười nhà truyền giáo của tôi… chúa rất thân ái với tôi. Ngày hôm sau, chúa còn mất công đến thăm tôi trên thuyền.”
Tại sao chúa tử tế với ông như vậy? Vì quà đút lót chăng? Trừ vài cái đồng hồ biếu chúa trong dịp trở lại lần ba, còn hai lần khác, ông đã mua những quà gì tặng chúa khiến chúa “quên” việc cấm đạo, và đón tiếp ông nồng hậu? Tại sao ông không ghi rõ danh sách những món quà quí báu này? Vì khi ra Bắc năm 1627, ông ghi rất chi tiết những thứ biếu chúa Trịnh Tráng.
Ông thân với chúa như vậy, nhưng khi ông bị bắt lần cuối, chúa lại bảo: “Ta cho tên tu sĩ Bồ này (ce prêtre portugais) sống sót với điều kiện y phải ra khỏi đây vĩnh viễn”.
Vậy chúa Thượng không nhận ra de Rhodes, kể cả chuyện ông biết nói tiếng Việt? Và những ngày ông đã “giảng cho chúa vài bí ẩn của toán học”?
Phải chăng những chuyện đó chỉ có trong tưởng tượng? Hoặc nếu có thật, thì lại chứng minh rằng: sau khi ra lệnh đuổi hết các giáo sĩ năm 1939, chúa Thuọng không còn lưu tâm đến việc cấm đạo nữa.
7- De Rhodes bài trí cái chết của André thành tuẫn đạo
De Rhodes viết:
“Khi thấy không thể cứu được André, tôi quyết định bài trí cái chết của cậu thành cái chết của người công giáo và tuẫn đạo thực thụ (Quand je vis qu’il était hors de mon pouvoir de sauver la vie à mon bon André, je me résolus de le disposer à la perdre en vrai chrétien et en vrai martyr.”[52]
Đoạn này cho thấy quyết tâm bài trí cái chết oan của André thành cái chết tuẫn đạo, và giúp chúng ta hiểu tại sao de Rhodes viết sách kể lại cái chết tuẫn đạo này với những nhân vật và tình tiết kỳ lạ, như một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, không ăn nhập gì với thực tế lịch sử.
Tuy vậy, nội dung cuốn sách lại vô tình bộc lộ cho thấy sự cấm đạo ở Đàng Trong chỉ là hình thức: mỗi lần vào lậu, de Rhodes chỉ cần đem quà biếu chúa là xong chuyện.
Đến đây ta có thể trả lời ba câu hỏi:
– Tại sao André và Ignace không có tên Việt?
– Tạo sao thành phố bị đốt cháy không có tên?
– Tại sao ngày ra toà, và ngày hành hình André, không được ghi trong sách?
Bởi vì: Alexandre de Rhodes không muốn người ta điều tra sự thật, tìm đến tận nơi, xem sự thực đã xảy ra như thế nào, những nhân vật trong sách của ông là ai?
Phạm Đình Khiêm và Hồng Nhuệ chế biến và che đậy những sơ hở của de Rhodes
Nhưng de Rhodes có hai đệ tử trung thành ở Việt Nam và là hai tác giả nổi danh nhất về Alexandre de Rhodes, đó là nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm và dịch giả Hồng Nhuệ. Thay vì tìm hiểu và đào sâu sự thực lịch sử, thì họ lại che đậy những sơ hở của de Rhodes và chế biến thêm nhiều điều giả trá khác.
Biết rằng việc de Rhodes buộc tội quan Trấn thủ Quảng Nam giết André, là chuyện động trời, và thành Quảng Nam bị đốt cháy, năm 1645, là chuyện động đất, nếu để nguyên như thế in ra quảng bá thì sẽ bất lợi cho de Rhodes.
Cho nên Phạm Đình Khiêm, trong cuốn Người chứng thứ nhất[53] đã thay Trấn thủ Quảng Nam bằng Ông Nghè Bộ, vô danh, an toàn hơn, không mấy ai để ý. Ông lại còn “sáng tạo” thêm những đoạn về tiểu sử André, không có trong sách của de Rhodes:
“Đúng 03 năm trước khi chết, mẹ thầy [André] dẫn thầy đến cho tôi [de Rhodes] và tôi được hạnh phúc rửa tội cho thầy” (trang 56)
“Anrê Phú Yên là một trong 90 người được cha Đắc Lộ (de Rhodes) rửa tội trong dịp tĩnh tâm 4 ngày liền tại nhà nguyện của bà Madelêna Ngọc Liên trong dinh Trấn biên Phú Yên” (trang 56)
“Tôi [de Rhodes] giao thầy Anrê cho một trong những thầy giảng khác của tôi là Inhaxiô [Ignace], là người rất khôn ngoan, thông thái để học văn chương Trung Hoa; Anrê học hành có kết quả đến nỗi Inhaxiô phải nói với tôi rằng: trong tất cả các môn sinh, không một người nào đọ kịp trí tuệ của Anrê, thầy linh lợi thông minh, đọc đâu hiểu đó” (trang 79).
Hai cuốn sách của Phạm Đình Khiêm về Minh Đức Vương Thái Phi và Người chứng thứ nhất đều có lối viết như thế, nên có rất ít điều tin được.
Dịch giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, cũng thấy “nguy cơ” của việc de Rhodes kể tội Trấn thủ Quảng Nam giết André, nên ông đã thay Trấn thủ Quảng Nam bằng Quan trấn tỉnh Phú Yên[54] mặc dù trong sách, de Rhodes phân biệt rất rõ: ông gọi Trấn thủ Quảng Nam là Le gouverneur de Cham hay Le gouverneur de la province de Cham là kẻ tàn ác nhất, và Trấn thủ Phú Yên là Le gouverneur de la province de Ranran, chồng bà Marie-Madeleine, ân nhân của đạo Chúa. Như vậy không thể nào lầm được.
Hồng Nhuệ sửa vì tưởng là lô-gic: André Phú Yên thì phải do Trấn thủ Phú Yên xử tội! Lại tránh được bốn chữ Trấn thủ Quảng Nam. Ông còn đổi chữ trấn thủ (gouverneur) thành quan trấn, cho nhẹ nghiã, nhưng Việt Nam không có chức gì là quan trấn cả. Để cho đúng lô-gic, ông còn phải chuyển dịch việc này về Phú Yên, như sau:
“Vào tháng 7 năm 1644, quan trấn tỉnh Phú Yên, từ phủ chúa về, đem theo sắc lệnh không phải của chúa, vì chúa vẫn tỏ thịnh tình với tôi… Quan trấn này tự nhận công việc vì hợp với ý xấu ôm ấp từ lâu. Ông bắt đầu bắt giam một ông già cũng tên là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà chúng tôi để bắt Inhaxu đem giết.”[55]
Vì đã đổi Trấn thủ Quảng Nam thành Trấn thủ Phú Yên, nên phải “dọn nhà” cho de Rhodes và đệ tử từ Đà Nẵng về Phú Yên. Nhưng ông lại không để ý đến chú thích số 1, do chính ông ghi ở cuối trang 197, như sau:
“Tóm tắt niên biểu vị tử đạo Anrê Phú Yên: sinh năm 1625, rửa tội năm 1641, khấn thầy giảng năm 1643 ở Hội An, hoạt động 1643-44, bị bắt ở Hội An và tử đạo ở dinh trấn Thanh Chiêm hay dinh Chiêm”.
Vậy Hồng Nhuệ là người biết rõ André Phú Yên nhất, biết cả năm sinh, năm rửa tội, là những điều de Rhodes không nói, lại ghi André bị bắt ở Hội An và tử đạo ở dinh trấn Thanh Chiêm hay dinh Chiêm, điều này trái với việc ông đã đổi Trấn thủ Quảng Nam bằng Quan trấn Phú Yên. Cho nên sự dịch gian cũng đưa đến những kết quả đầu Ngô mình Sở không ngờ.
Sự tìm kiếm của linh mục Đỗ Quang Chính
Mãi đến năm 1972, linh mục Đỗ Quang Chính, trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, mới cho biết: de Rhodes có viết 16 trang về cuộc tử đạo của André, đề ngày 1-8-1644 bằng tiếng Bồ, mà ông tìm thấy trong Thư viện Lịch sử Madrid, trong đó ghi:
Ngày 26-7-1644, thầy giảng André bị chém đầu tại Kẻ Chàm. Trong tài liệu này, Đỗ Quang Chính tìm thấy hai chữ Oùnghebo và Oũnghebo[56]. Rất tiếc linh mục Chính không chép lại toàn bộ văn bản này, nhưng cũng đủ để chúng ta hiểu thêm sự thật:
– André tử đạo ngày 26-7-1644, tại Kẻ Chàm, tức Thanh Chiêm hay Dinh Chàm.
– Trong tài liệu này có ghi tên Ông Nghè Bộ.
Đây cũng là tài liệu mà de Rhodes viết sớm nhất về cái chết của André, báo cáo với Bề trên ở Macao, nên không thể phóng tác như khi ông viết sách sau này. Ông tố cáo với Bề trên Onghebo, một người không nổi tiếng, khó tìm ra. Bởi vì Macao đã có kinh nghiệm về những điều de Rhodes nói và làm trước đây ở Đàng Ngoài, nên có thể kiểm chứng và trừng phạt.
Tổng kết con đường tranh đấu của de Rhodes
De Rhodes là một khối mâu thuẫn không lồ: ông luôn luôn nói trong sách là ông yêu mến giáo dân người Việt như con ông, nhưng những gì ông viết về “sự man di” của người Việt ít ai sánh kịp. Ông chống lại những điều ông gọi là mê muội nhưng chính bản thân ông sống trong một thế giới mê muội cực kỳ, pha trộn thiên đàng và địa ngục, cõi âm với cõi dương, coi việc cải tử hoàn sinh là phép lạ của Chúa Trời. Ông viết: Ignace, khi đầu rơi xuống đất, cổ còn còn hô to ba lần tên chúa Jésus. Ông kể chuyện ông và các đệ tử làm cho người chết sống lại như thế nào, những người đã được lên thiên đàng về kể lại chuyện gì? Ông chữa bệnh bằng nước thánh, trừ tà bằng cây thánh giá, nhưng lại khinh bỉ những thày pháp làm phù phép như ông với các dụng cụ khác.
Quan trọng hơn nữa là cách hành xử của de Rhodes đối với tuổi trẻ. Việc ông lập Dòng tu Thầy giảng ở Đàng Ngoài, với những thiếu niên, đã không được Macao chấp nhận. Ở thời điểm đạo Chúa bị cấm, các giáo sĩ đã rút hết về Macao, ông trở lại Đàng Trong, lập ra đạo binh cảm tử cuối cùng với chín thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành (trừ Ignace), dẫn họ vào con đường tử đạo.
Những “cậu bé” khoảng 15 tuổi này, chỉ mong được chết, để lên thiên đàng. “Họ sung sướng, cổ đóng gông, chạy như bay ra pháp trường như có cánh, những người chỉ bị chặt một ngón tay không hài lòng vì không được chém đầu”. Nhưng tuổi trẻ sinh ra để sống chứ không phải để chết: Alexandre de Rhodes phải chịu trách nhiệm về cái chết của André, về sự cuồng tín của tuổi trẻ bị ông dụ dỗ, như một chủ giáo đầu xướng và gây tai họa.
Một điểm nữa, cũng quan trọng không kém, là cách ông hành xử với thể xác người chết, đặc biệt với thủ cấp của André: “nhưng tôi giữ cái đầu lại cho tôi” (mais je gardai la tête pour moi), một câu nói rùng rợn, và khinh nhờn, khó có thể hiểu ở một nhà tu hành. Ông làm như đầu André là vật sở hữu của ông. Ông giả vờ lên tàu, như sẽ đi Macao, nhưng rồi quay trở lại, đem đầu André về Đàng Trong, ở thêm một năm nữa.
Tác phẩm của ông đưa chúng ta vào một thế giới rùng rợn, không phân chia lãnh địa sống chết, chính ông ăn ngủ với thủ cấp của André trong hơn bốn năm trời và ông đã nhờ đầu lâu André “đánh tan gió bão” trên biển, cứu ông thoát nạn.
Tới Roma, ông trình thủ cấp André trước Giáo hội, như chứng cớ về “tội ác” của cha con chúa Thượng, ông bảo: vì dân chúng muốn theo đạo nhưng bị nhà cầm quyền tàn sát. Ông nói câu này mà không ngượng với những lời ông viết về việc chúa Thượng tiếp đãi ông, nhất là lần chót, ông dẫn 10 thầy giảng trẻ đến giới thiệu với chúa,”chúa rất thân ái với tôi… chúa còn mất công đến thăm tôi trên thuyền.”
Vậy mà ông nhẫn tâm đưa đầu André ra để tố cáo “tội ác” của chúa Thượng. Nhưng có lẽ không nhận được tín hiệu đồng tình từ phía Tòa Thánh, nên ông đã viết những cuốn sách tố cáo tội ác của hai chính quyền Nhật, Việt.
Trong Cái chết vinh hiển của André, tất cả phụ thuộc vào nhân chứng duy nhất là Alexandre de Rhodes.
Alexandre Rhodes là giáo sĩ đầu tiên đặt chân đến Đại Việt đã vẽ lại hình ảnh một Đàng Trong kinh hoàng ra ngoài biên giới của tưởng tượng, với thế giới bên ngoài.
Ảnh tượng học về cha de Rhodes (Iconographie du P. de Rhodes)
Linh mục Cadière là một trong những người mến mộ trung thành nhất với Alexandre de Rhodes. Những năm cuối cùng phụ trách tập san (Đô Thành Hiếu Cổ) BAVH, ông đã tìm lại dấu vết của vị giáo sĩ, trong bài nghiên cứu tựa đề Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) in trên BAVH 1938, tập 1, trang (27-61). Ông vinh tôn de Rhodes “là một trong những khuôn mặt người Âu đã sống ở Đông Dương trong thế kỷ XVII và XVIII, đặc sắc nhất, đáng yêu nhất, đáng kính nhất, vì thế nhân dịp về Pháp năm 1928-1929, ông đã cố gắng tìm kiếm một bức chân dung đích thực của vị giáo sĩ để biết ngoại hình của cha Alexandre de Rhodes như thế nào? Và ông đã thất bại, ông viết ngay trên những dòng đầu: “Nhưng tôi tin rằng chúng ta không có những nét đích thực của cha de Rhodes”. Cadière quyết tâm làm việc này vì ông bị những dòng chữ của de Rhodes ám ảnh về cái chết bi thảm của André, người thiếu niên tử đạo, vị linh mục học giả viết:
“Cha de Rhodes nói ông đã gửi thi thể của thầy giảng trẻ André, bị chặt đầu vì đạo ở Quảng Nam ngày 26 tháng bẩy năm 1644 về Macao, và “thi hài đã được đón nhận một cách hoành tráng (avec grande magnificence) tại giáo xứ”. Trong dịp đó ông đã cho vẽ một bức tranh tả cảnh tử đạo với tất cả những chi tiết. “… thi thể André tử đạo ở nước Nam đã được trưng bày trên đài Thánh Thể… nơi những thánh tích được lưu trữ cùng với thánh tích của những ngưởi tử đạo ở Nhật Bản và bức tranh người tử đạo mới [André] do thầy giảng tên là Mathieu Van [Văn, Vân] vẽ… Ông đã nói rằng ông luôn luôn ở bên cạnh André…”[57]
Vì thế, Cadière tin rằng, chắc chắn người vẽ bức tranh tử đạo ấy đã vẽ cả chân dung de Rhodes, nhất là lại do một thầy giảng bản xứ vẽ theo chỉ dẫn của de Rhodes, thì phải đúng nhất. Ông bèn viết thư cho cha Biotteaux, Quản lý Hội thừa sai Hồng Kông, nhờ làm trung gian, và ông đã nhận được thư trả lời của Giám mục Macao:
“Ngày nay, chúng tôi không biết gì về những thánh tích của Thánh tử đạo [André Lý][58] và Giám mục Macao cho biết thêm: Những gì các cha Dòng Tên lưu trữ trong nhà thờ St Paul, đến ngày 26-1-1835, nhà thờ này bị cháy, nên đã chuyển sang nhà thờ St Antoine, rồi sang Thánh đường (la Cathédrale), rồi sau đó lại có những biến cố khác xảy đến, cho nên ngày nay không còn lại gì[59]. Cadière bèn tìm lối khác, ông biết rằng trong những ấn bản cuốn sách André tử đạo, có phụ trang in lại bức tranh vẽ cảnh André tử đạo.
Tranh André tử đạo của Giacinto Brandi, Roma (1652)
Ở dưới Cadière ghi dòng chữ: Một chân dung giả cha de Rhodes: Cảnh André Lý tử đạo.
Cadière đã có cái nhìn học giả, khi ông phân tích rất kỹ về bức tranh này như sau:
“Một trong những ấn bản sách “André tử đạo”, có kèm theo bức in tranh khắc lớn, vẽ lại cảnh này. Trước tiên, tôi đã tin rằng tôi nắm bắt được chân dung [đích thực] của cha de Rhodes trong bức tranh này. Nhưng hỡi ơi, tôi hoàn toàn thất vọng như độc giả có thể chứng giám cho tôi.
Đúng là loại tranh “pompier” [ông chơi chữ, pompier nghiã là chữa cháy mà cũng đồng âm với “pompeux” nghiã là gồng, thổi]. Với đầy đủ lệ bộ, không thiếu thứ gì, kể cả mũ đội! Người lính thứ tư bên trái, hiên ngang đội “cassis”, là loại mũ sắt có chỏm (cimier) nhưng không gắn chùm lông (panache), với gờ che trán (frontal) lật lên. Người lính thứ ba bên phải, cũng đội mũ sắt với gờ che trán và chóp mũ (crête) đơn giản. Người đầu tiên phiá trái che chân bằng “caligoe” [xăng-đan xưa], đế sắt, khâu thêm dây da, thành một mạng lưới xung quanh gót chân và bàn chân, cuốn quanh mắt cá; hoặc “compagi”, là một loại xăng-đan, với dây buộc hai bên nối nhau bao bọc mu bàn chân. Những giầy này cùng với mũ, thông dụng cho chiến sĩ thời cổ đại, là những dụng cụ của một phòng tập vẽ. Còn xăng-đan thêm vào vì họa sĩ sợ bị mang tiếng rằng mình để người Annam thế kỷ XVII ăn mặc tồi tàn lố lăng. Quần áo và vũ khí cũng vậy. Tất cả những thứ đó mang mầu sắc thượng cổ La mã rất nực cười.
Còn biết nói gì về cha de Rhodes? Đó là một thầy tu trẻ không có râu, mà họa sĩ gặp đầy đường ở Roma, trùm chiếc áo thầy tu mốt mới nhất, xếp thành lớp rất uy nghi, có cử chỉ dữ dội trỏ tay lên trời, mà cái măng-tô như có phép lạ, vẫn dính yên trên vai, dù không cài, móc. Còn cha de Rhodes, năm 1644, rõ ràng ông đã 52 tuổi, thêm những nhọc nhằn đã trải qua trong 24 năm nhiệm vụ, ông có vẻ trẻ hơn tuổi, nhưng hẳn ông phải có râu như trong các bức chân dung khác, và cũng suy ra từ những chân dung khác này, là ông đã mặc y phục An Nam hay gần giống như thế”[60].
Cadière kết luận: với bức tranh này thì không thể nào tìm thấy chân dung đích thực của de Rhodes được, “cũng không nên trách de Rhodes tại sao không bỏ công ra chỉ cho họa sĩ vẽ đúng với thực tế”. Mà người họa sĩ vẽ bức tranh này là ai?
“Là Giacinto Brandi, sinh năm 1623, họa sĩ nổi danh, nhờ nhiều bức tranh đặc sắc ông đã vẽ “nhưng vì ông ham ăn chơi, tiêu xài, nên đôi khi vẽ ẩu…. phần lớn tranh của ông, họa đồ thường vẽ sai” và bức tranh mà chúng ta đang xem thuộc vào loại vẽ vội đầy sơ suất ấy.”
“Trong số những tác phẩm chính của ông phải kể đến bức Le couronnement de la vierge (Lễ đăng quang Đức mẹ đồng trinh) ở nhà thờ Gesù, Rome, vẽ năm 1652. Và có thể khi ông đang vẽ bức tranh này thì Alexandre de Rhodes đến nhờ ông vẽ bức André tử đạo, để dâng vị Thủ lãnh của Dòng Tên thời đó là Cha Gosuvino Nickel.
Cha de Rhodes, vì vậy, chắc chắn đã giúp họa sĩ vẽ bức tranh này.
Một chứng cớ hiển nhiên là có cái gông cổ bằng gỗ, bào và lắp kỹ, chứ không phải thứ gông tre làm vội như ta thường thấy. […] Và chắc vị giáo sĩ đã giảng cho họa sĩ biết về công dụng của chiếc gông trong sự tra tấn, để họa sĩ thể hiện dụng cụ này lên tranh”[61].
Tiếp đó, Cadière trích lại đoạn de Rhodes tả cảnh hành hình (đã chép ở trên), nhưng chỉ giữ những lời chủ yếu, tin được:
“Cậu quỳ gối ngay… Bọn lính bao quanh cậu, đuổi tôi ra ngoài, nhưng người đội trưởng cho phép tôi trở lại đứng cạnh cậu. Cậu vẫn quỳ, đôi mắt ngước lên trời… Một tên lính đến từ phiá sau, ném thương đâm thủng người cậu, lưỡi lao lòi ra trước ngực ít nhất hai gang tay; André thân ái nhìn tôi như vĩnh biệt, tôi bảo cậu hãy nhìn lên trời… Cậu ngước lên trời và không cúi xuống nữa. Vẫn tên lính đó rút thương đâm thêm hai lần nữa, như muốn trúng tim… Sau cùng, một tên lính khác thấy ba nhát thương chưa làm cho cậu ngã ra đất, bèn lấy mã tấu chặt cổ, cũng không đứt, hắn đưa mã tấu lần thứ nhì, mạnh quá đến nỗi y cắt đứt họng, đầu rơi sang phải…”
Rồi Cadière so sánh những lời này với bức tranh của Brandi, ông viết:
“Bây giờ nếu chúng ta liếc qua bức tranh của Brandi, ta sẽ thấy họa sĩ theo đúng từng bước những lời chỉ dẫn của giáo sĩ. Người lính đầu tiên đang đâm lại cái thương lần nữa: vũ khí xuyên từ vai trái sau lưng, qua gần tim và lòi ra phía trước. André đưa mắt nhìn vị cha tinh thần lần cuối, và giáo sĩ, bằng một cử chỉ quyết liệt chỉ cho cậu bầu trời. Tay đao phủ thứ nhì cắt họng người tử đạo. Không thiếu chi tiết nào, tất cả đều được trung thành vẽ lại.
Brandi có lẽ không đọc đoạn văn trong sách Du hành và truyền giáo [….] Nhưng thực tế có thể là: Cha de Rhodes lòng đầy tưởng nhớ André, và biết là mọi người có thể thuộc lòng từng chi tiết về cái chết của đứa con tinh thần rất mộ đạo của ông, nên ông đã hướng dẫn bàn tay họa sĩ vẽ đúng như câu chuyện ông kể, ít nhất về những dữ kiện chính của biến cố đã xảy ra.
Hởi ôi! Tại sao cha de Rhodes lại không nói với họa sĩ: “Tôi ăn mặc thế này, mặt mũi tôi thế này. Hãy vẽ giống như thế”? Chúng ta sẽ mãn nguyện được nhìn thấy ông như trong đời thực!”[62]
Sự thất vọng của vị học giả không chỉ dừng ở đây; trong phần chính bài viết rất dài sau đó, Cadière còn nói không thể tìm lại một bức chân dung đích thực vẽ diện mạo de Rhodes.
Sự nghiên cứu đưa ông tới những kết quả sau đây: 6 bức chân dung mà ông tìm được, trong các cơ sở đạo Chúa ở Bỉ và Pháp, không có bức nào có thể gọi là bản gốc, vẽ lúc de Rhodes còn sống, mà chỉ là những bức chép lại những ấn bản đã chép lại. Tại sao?
Cadière cho rằng: Dự trình xin gửi các giám mục Pháp đi Viễn Đông và sự vận động quyết liệt của de Rhodes ở Rome và ở Pháp, đã làm cho giáo đoàn Bồ Đào Nha ganh tị và nổi giận, dẫn đến việc de Rhodes bị cách chức (limogé) và gửi đi Ispahan ở Ba Tư. Cadière nhất quyết như vậy: việc đi Ba tư là bị cách chức, để trừng phạt và trong bối cảnh như vậy, không ai nghĩ đến chuyện vẽ tranh truyền thần cho một kẻ bị đi đày.
Vậy de Rhodes chỉ có thể được vẽ tranh sau khi đã qua đời, vào khoảng 1660-1670, tức là sau khi de Rhodes rời La Mã từ 10 năm đến 20 năm. Những người vẽ không nhìn thấy de Rhodes từ lâu rồi, hoặc không nhìn thấy bao giờ cả, do đó họ vẽ phỏng chừng và sau đó người nọ chép lại người kia, tạo nên những kết quả như vậy[63].
Sáu bức chân dung Alexandre de Rhodes do Cadière sưu tầm:
Số 1: Planche II: Chân dung ở Nhà Dòng Tên tại Florennes (Bỉ)
Số 2: Planche III: Chân dung ở Hội Thừa Sai Paris (Collection A.Salles)
Số 3: Planche IV: Chân dung ở Hội Thừa Sai Paris (Collection H.A.Sy)
Số 4: Planche V: Chân dung ở Triển lãm Thuộc điạ Marseille.
Số 5: Planche VI: Chân dung ở Bảo tàng Calvet, Avignon.
Số 6: Planche VIII: Chân dung do cha Hamy tặng Phòng trưng bày tranh ảnh của Dòng Tên.
Tóm lại, Alexandre de Rhodes không còn để lại dấu vết gì:
Câu chuyện ông kể Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phước Tần giết thầy giảng André có tính chất hoang tưởng. Không ai tìm được dấu vết André và Ignace ở Đàng Trong.
André được xin phong thánh từ năm 1649 (khi de Rhodes về tới La Mã) nhưng đến năm 1988 vẫn không có tên trong danh sách 117 vị thánh tử đạo ở Việt Nam.
Bức tranh Alexandre de Rhodes thuê danh họa Giacinto Brandi, ở Ý, năm 1652, vẽ cảnh André tử đạo, là một bức tranh vẽ cảnh lính thượng cổ La Mã hành hình một người Âu.
Đến cả tác giả câu chuyện André tử đạo là Alexandre de Rhodes cũng không có được một bức truyền thần vẽ diện mạo đích thực của chính mình.
(Còn tiếp)
[1] Cuốn Divers voyages et Missions (Những chuyến du hành và truyền giáo khác nhau), đến giữa thế kỷ XIX, được cha Machault sửa lại theo cách viết tiếng Pháp hiện đại và soạn thêm phần tiểu sử và danh sách tác phẩm, theo những ghi chép của de Rhodes, và đổi tên thành: Voyages et Missions (Du hành và truyền giáo) do nhà Nxb Julien, Lanier et Cie in ở Paris, năm 1854. Chúng tôi dùng bản Voyages et Missions, in năm 1854, và có đối chiếu với La glorieuse mort d’André; trừ một số chi tiết không quan trọng lắm, nội dung hai văn bản tương tự như nhau.
[2] Du hành và truyền giáo, trang 145.
[3] Ở Hội An, chúa cho phép người Tàu và người Nhật có quan Trấn thủ riêng của họ.
[4] Du hành và truyền giáo, trang145-150.
[5] Sau này linh mục Cadière trong bài Une Princesse chrétienne à la Cour des Premiers Nguyễn: Madame Marie (Một vị Công nương công giáo đầu triều Nguyễn: Bà Marie), sẽ viết thành câu chuyện như sau: năm 1625, de Pina và de Rhodes, rửa tội cho bà và đặt tên thánh là Marie, để chuyển công của cha Buzomi về cho de Rhodes. Rồi các sách tiếng Việt cứ thế chép lại (xem Chương 3- Borri, phần 2: Minh Đức Vương thái phi).
[6] Du hành và truyền giáo, trang 152-153.
[7] Du hành và truyền giáo, trang 153-154-155.
[8] Du hành và truyền giáo, trang 161-162.
[9] Du hành và truyền giáo, trang 164.
[10] Du hành và truyền giáo, trang 173-174-175.
[11] Du hành và truyền giáo, trang 175- 177-182.
[12] Du hành và truyền giáo, trang 184-185.
[13] Du hành và truyền giáo, trang 185-186.
[14] Du hành và truyền giáo, trang 186-188.
[15] Du hành và truyền giáo, trang 192-193-194.
[16] Du hành và truyền giáo, trang 201.
[17] Du hành và truyền giáo, trang 202.
[18] Du hành và truyền giáo, trang 204-205
[19] Nam Triều Công nghiệp Diễn chí, trang 193-194, Thực lục Tiền biên trang 51.
[20] Du hành và truyền giáo, trang 206, 212, 213.
[21] Du hành và truyền giáo, trang 213, 214, 216, 217, 218, 219.
[22] Du hành và truyền giáo, trang 220- 222.
[23] Du hành và truyền giáo, trang 236, 237, 239.
[24] Du hành và truyền giáo, trang 245-261.
[25] Du hành và truyền giáo, trang 302, de Rhodes ghi tám thầy giảng, nhưng ở trang 322, ông ghi chín thầy giảng.
[26] Du hành và truyền giáo, trang 303-304.
[27] Du hành và truyền giáo, trang 309-310.
[28] Du hành và truyền giáo, trang 322.
[29] Du hành và truyền giáo, trang 236.
[30] Du hành và truyền giáo, trang 236-237.
[31] Du hành và truyền giáo, trang 237-238-239.
[32] Du hành và truyền giáo, trang 239-241.
[33] Du hành và truyền giáo, trang 241.
[34] Du hành và truyền giáo, trang 245.
[35] Du hành và truyền giáo, trang 241- 242.
[36] Du hành và truyền giáo, trang 331-332-334.
[37] Du hành và truyền giáo, trang 222.
[38] Xem Nam Triều Công nghiệp Diễn chí, chuyện Tống Thị, các trang 206, 207, 214, 215, 216, 217.
[39] Đại Nam Thực lục Tiền biên, Nxb Giáo dục, trang 54-55.
[40] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1928, trang 66.
[41] Tiền Biên, trang 57 và 63.
[42] Du hành và truyền giáo, trang 149.
[43] Du hành và truyền giáo, trang 143.
[44] Nam Triều Công nghiệp Diễn chí, trang 196-199. Thực lục Tiền biên, trang 52-53.
[45] Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Sống Mới, Sài Gòn, 1961, trang 20.
[46] Nguyễn Thị Oanh và Trịnh Khắc Mạnh, trong bài “Thêm một số tư liệu hiện hữu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản”, xác định Hiển Quý là Bách Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki).
[47] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1928, trang 65-66.
[48] Du hành và truyền giáo, trang 241-242.
[49] Du hành và truyền giáo, trang 238.
[50] Du hành và truyền giáo, trang 269.
[51] Du hành và truyền giáo, trang 331.
[52] Du hành và truyền giáo, trang 239.
[53] Phạm Đình Khiêm, Ngưòi chứng thứ nhất, Tinh Việt văn đoàn, Sài gòn, 1959.
[54] Hành trình và truyền giáo, bản dịch Hồng Nhuệ, Hồng Đức, Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, 2020, trang 197.
[55] Hành trình và truyền giáo, bản dịch Hồng Nhuệ, trang 197.
[56] Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 47.
[57] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 28.
[58] Trong bài này, Cadière đưa ra tên Việt của André là Lý, không biết ông dựa vào đâu.
[59] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 29.
[60] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 29-30.
[61] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 31.
[62] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 31-32.
[63] Cadière, Iconographie du P.de Rhodes (Ảnh tượng học về cha de Rhodes) BAVH 1938, tập1, trang 52- 53.