Nguyễn Thị Tịnh Thy
Tại hôn lễ của mình vào năm 1687, Sarah Harrison Blair ở bang Virginia (Mỹ) được hỏi như thường lệ: “Cô có hứa vâng lời chồng không?”. Sarah trả lời: “Không vâng lời”. Người mục sư lặp lại câu hỏi thêm hai lần nữa, nhưng cô vẫn tiếp tục lặp lại “Không vâng lời”.
Cuối cùng, buổi lễ đã kết thúc theo ý của cô dâu – từ chối cam kết “vâng lời” theo cách truyền thống, vốn chỉ áp đặt riêng cho người vợ.
“Không vâng lời” của Sarah không phải là sự bướng bỉnh, ngang ngược của một cá tính, mà là kết quả từ ý thức sâu sắc về giá trị của mình trong hôn nhân – giá trị của người vợ. Đó là câu chuyện được kể lại trong cuốn sách LỊCH SỬ VỢ của Marilyn Yalom (Nguyễn Thị Minh dịch, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2024).
1. VỢ LÀ MỘT PHẠM TRÙ CÓ TÍNH LỊCH SỬ
“Lịch sử vợ” (nguyên tác tiếng Anh: A History of the Wife) là cuốn sách công phu khảo cứu lịch sử làm vợ của phụ nữ Âu Mỹ từ thời cổ đại cho đến hết thế kỷ XX. Đây không phải là những câu chuyện thân phận của nhi nữ thường tình, mà là một bách khoa toàn thư về vợ. Nó cho thấy vợ là một phạm trù có tính lịch sử.
Xem vợ là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, từ vô số nguồn tư liệu thuộc nhiều lĩnh vực: kinh thánh, sách khoa học, văn học, nhật ký, hồi ký, thơ ca, thư từ, tranh ảnh, cờ vua, âm nhạc, bệnh án, báo chí, phim ảnh, thông cáo, hồ sơ tòa án, khế ước hôn nhân…, Marilyn Yalom đã dày công khảo sát muôn hình vạn trạng các kiểu vợ trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại với những tuổi tác, cảnh ngộ, trạng thái khác nhau và tất cả những gì liên quan đến họ: hôn lễ, nhẫn cưới, của hồi môn, động phòng, trinh tiết, ly thân, ly hôn, huỷ hôn, tái hôn, tài sản, thừa kế, bạo hành, cho con bú, làm mẹ đơn thân, ngừa thai, phá thai, hôn nhân đồng giới… Từ đó, bà cho thấy rằng lịch sử vợ có mối liên hệ rất phức tạp với lịch sử tôn giáo và chính trị.
2. LỊCH SỬ VỢ LÀ LỊCH SỬ NỮ QUYỀN
Lịch sử vợ cũng chính là lịch sử nữ quyền. Đó là quá trình phụ nữ từng bước thoát ra khỏi những đè nén của thần quyền, phụ quyền, nam quyền; thoát ra khỏi những ràng buộc định giới và tự định giới để khẳng định chất “người” của mình, trước khi là “người vợ”.
Trong quan niệm từ xa xưa của nhân loại, vợ là phái yếu; là vật sở hữu, vật phụ thuộc; là phương tiện để người đàn ông có được con cái hợp pháp; là “tài sản” của chồng, cùng với gia súc và nô lệ của anh ta; là sinh vật thấp kém hơn chồng, nên phải do người chồng cai trị. Các giáo sĩ, bác sĩ và nhà luân lý học đều đồng ý rằng “Chúa Trời đã tạo ra phụ nữ trong tình trạng phụ thuộc và do đó họ phải phục tùng”. Vì vậy, vợ có nghĩa vụ phục vụ tình dục, sinh nở, chăm sóc con cái, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược và vật nuôi. Vợ thần, vợ người, vợ vua, vợ nô lệ, vợ mục sư, vợ dân thường…; người vợ – bất kể địa vị xã hội như thế nào – cũng đều phải phục tùng chồng. “Chồng và vợ là một người, và người đó là người chồng”. “Trở thành một người vợ hợp pháp, cũng giống như thành nô lệ”. Kết hôn nghĩa là quyền kiểm soát phụ nữ được truyền một cách tự nhiên từ cha sang chồng.
Vượt qua đêm trường trung cổ, trầm luân cùng những cuộc chiến tranh và cách mạng thời cận – hiện đại, phụ nữ đã từng bước thay đổi địa vị của mình. Bằng nhiều cách khác nhau, phụ nữ đã tranh đấu để thoát khỏi cái danh xưng chức năng là vợ, “vợ của”, để sống và cảm thấy mình trước hết là một con người, cần được nhìn nhận với những giá trị tự thân do mình nỗ lực, thay vì nấp dưới những quyền lợi do định chế gia trưởng ban cho, và hãnh diện, thoả mãn vì những quyền lợi ấy. Họ không còn dễ dàng “vâng lời” nữa, không chấp nhận “chỉ là vợ”, mà trở người cộng tác rất nhiều trong sự nghiệp của chồng, hoặc độc lập trong sự nghiệp của mình. Hôn nhân đã chuyển từ quan hệ sở hữu đến quan hệ đối tác có giới hạn. “Hôn nhân đồng hành”, “cách mạng công việc”, phong trào nữ quyền, “vấn đề phụ nữ mới , “tính dục mới”, “hợp pháp hóa quan hệ bạn đời đồng giới”… đã đưa người phụ nữ vượt xa căn bếp, phòng khách và khu vườn. Từ người vợ phụ thuộc, “người vợ mệt mỏi”, phiền muộn, bất hạnh, nhiều con cháu Eva đã trở thành những “người vợ hạnh phúc”.
3. “CÁCH MẠNG VỢ” VẪN LÀ CUỘC CÁCH MẠNG CHẬM CHẠP
“Lịch sử vợ” trích dẫn hồi thứ ba trong vở kịch “Ngôi nhà búp bê” lừng danh của Ibsen. Vợ chồng Helmer và Nora có một cuộc đụng độ căng thẳng. Anh nói với cô: “Trước hết, em là một người vợ và một người mẹ”. Cô trả lời: “Em tin rằng trước hết, em cũng là một con người – cũng như anh vậy… hoặc bằng mọi giá em sẽ cố gắng trở thành một con người”. Nora đã cất lên tiếng nói nhân quyền và nữ quyền cho thời đại của mình và mọi thời đại, mọi-phụ-nữ.
Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XXI, dẫu nhiều Nora đã “là một con người” mà không cần phải cố gắng; dẫu cho bàn thay đồ của trẻ sơ sinh xuất hiện trong nhà vệ sinh nam ở sân bay trên toàn nước Mỹ như một dấu hiệu của thời đại, thì “cách mạng vợ” vẫn là “cuộc cách mạng chậm chạp”. Nhân loại vẫn chưa từ bỏ di sản hôn nhân phụ thuộc mấy ngàn năm, nhiều phụ nữ vẫn còn tự hạ thấp bản thân và những người cùng giới với mình. Và như thế, dù trải qua những cơn đau đẻ dữ dội nhưng xã hội vẫn chưa hoàn thành quá trình sinh ra “người vợ mới”.
Lịch sử vợ gợi nhớ câu nói của Simone de Beauvoir: “Chúng ta không sinh ra là đàn bà, chúng ta trở thành đàn bà”. Vậy phụ nữ ngày nay muốn trở thành mẫu đàn bà như thế nào, đang là và sẽ là kiểu vợ nào; chúng ta muốn để lại phiên bản vợ, di sản vợ như thế nào cho mai sau? Cuốn sách của Marilyn Yalom không chỉ khiến bạn đọc day dứt, trăn trở mà còn thôi thúc họ hành động để thay đổi. Bởi vì, phải chăng, thay đổi vợ là thay đổi thế giới?!
4. CUỐN SÁCH GÂY KINH NGẠC
Trong hơn 600 trang sách của Marilyn Yalom, lịch sử vợ hầu như là lịch sử chống đối đầy gian nan của những người vợ đối với các định chế hôn nhân và phận người. Nhiều luật lệ khiến ta ghê tởm, nhiều bất công khiến ta bất bình, nhiều khổ đau khiến ta xa xót, nhiều trớ trêu khiến ta phẫn nộ, nhiều kiên cường khiến ta cảm phục, nhiều hạnh phúc khiến ta mừng vui… Văn phong khoa học rắn rỏi nhưng bay bổng và sống động, cảm thông đúng nơi, tung hứng đúng chỗ và giàu cảm xúc bi hài của Marilyn Yalom được lột tả qua bản dịch rất tốt của Nguyễn Thị Minh đã duy trì sức hấp dẫn từ đầu đến cuối tác phẩm.
Bạn đọc hẳn chưa quên công trình độc đáo của Marilyn Yalom được xuất bản năm 2022 có tên “Lịch sử vú” cũng của bộ đôi tác giả và dịch giả này. Quả thật, họ đã làm nên những cuốn sách gây kinh ngạc! Đồng thời, việc Marilyn Yalom dừng phạm vi khảo sát về vợ ở phương Tây còn là gợi dẫn nghiêm túc và thú vị cho những ai quan tâm đến vợ ở phương Đông với những luật tục nghiệt ngã, định chế khắt khe của Nho giáo, Hồi giáo, Hindu giáo…