Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 3)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phạm Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史

黎蝸藤

CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM

ĐÀI BẮC-2017

I.3. Người Nhật khai thác ở quần đảo Đông Sa (Pratas)

Bước vào thế kỉ 20, biển Đông cũng đột nhiên bước vào một thời kì tranh chấp. Bắt đầu với tranh chấp đảo Đông Sa (Pratas) giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Hoàng Sa và Trường Sa cũng lần lượt xuất hiện tranh chấp. Dù chủ quyền của đảo Đông Sa hiện nay không có tranh chấp (ngoài tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài Loan), nhưng việc xem xét lại giai đoạn lịch sử này sẽ giúp ích rất nhiều đối với việc nhận thức chính xác lịch sử biển Đông.

Đảo Đông Sa nằm cách Sán Đầu khoảng 250 km về phía Nam và bao gồm một đảo san hô vòng (đảo Đông Sa) và hai bãi đá ngầm tạo thành. Vào đầu thế kỉ 18 người Trung Quốc gọi là “Nam Áo Khí” (南澳氣), người phương Tây gọi là “đảo Phố Lạp Tha Sĩ” (蒲拉他士/Pú lā tā shì: Pratas Island). Có lẽ từ rất sớm nó đã là vùng hoạt động của ngư dân Trung Quốc, nhưng cho tới đầu thế kỉ 19 mới có ghi chép thành văn chính xác. Năm 1868, Tổng ti thuế vụ Hải quan Trung Quốc Hách Đức (Sir Robert Hart, người Anh) từng đề nghị xây dựng đèn biển trên đảo Đông Sa nhưng không được thực hiện. Trung Quốc mất đi cơ hội khẳng định chủ quyền đối với Đông Sa. Năm 1883, một tàu của Hà Lan bị mắc cạn ở Đông Sa, hàng hóa bị ngư dân Trung Quốc cướp sạch. Người Hà Lan đã gửi công hàm cho phía Trung Quốc để kháng nghị, nhưng chưa rõ kết quả của việc này. Trung Quốc lại một lần nữa mất đi cơ hội khẳng định chủ quyền.[16]

Vào đầu thế kỉ 20, đã xuất hiện một bên mới trong tranh chấp biển Đông đó là Nhật Bản, một cường quốc mới nổi ở Đông Á. Kể từ thời Minh Trị duy tân Nhật Bản đã đi theo con đường bành trướng ra bên ngoài. Nhưng năm 1870, lần đầu tiên Nhật Bản thôn tính Lưu Cầu (Ryukyu); năm 1880, Nhật Bản chiếm quần đảo Tiểu Lạp Nguyên (Ogasawara); năm 1895, trước tiên Nhật Bản chiếm đảo Senkaku (Điếu Ngư) rồi thông qua “Hiệp ước Mã Quan” để đoạt lấy Đài Loan và quần đảo Bành Hồ từ tay Trung Quốc; năm 1905, Nhật Bản đánh bại nước Nga để giành đặc quyền ở Mãn Châu, đồng thời giành được quần đảo Kuril và miền Nam đảo Sakhalin; năm 1910, Nhật Bản chính thức thôn tính Triều Tiên. Trong các lần bành trướng, Nhật Bản đã nhanh chóng đánh bại và thay thế Trung Quốc trở thành nước lớn ở khu vực Đông Á. Bản thân Nhật Bản là một quốc đảo, sự bành trướng của nước này cũng là bắt đầu từ các đảo. Các đảo nhỏ nằm rải rác ở khu vực Đông Á, đặc biệt là “đảo không người” trở thành đối tượng hàng đầu trong sự bành trướng của Nhật Bản. Sau khi giành được quần đảo Ogasawara và đảo Senkaku, dựa vào uy danh sau Chiến tranh Giáp Ngọ, người Nhật Bản bắt đầu mở rộng sự chú ý đến biển Đông. Lấy đảo Senkaku và quần đảo Ogasawara làm ví dụ, mô thức thông thường của Nhật Bản là xua tư nhân hành động trước: đầu tiên tư nhân thăm dò và khai thác sau đó nhà nước xác nhận là đảo không người, cuối cùng thôn tính.[17] Các đảo biển Đông cũng không là ngoại lệ.

Năm 1901, một tàu do người Nhật là Tây Trạch Cát Thứ (Yoshiji Nishizawa) mua trên đường đi từ Nhật Bản đến Cơ Long thuộc Đài Loan đã đi nhầm đường đến phía Nam Ryukyu, cuối cùng tàu dạt đến “đảo không người”. Đảo này chính là đảo Đông Sa, nhưng khi đó các thuyền viên đều không biết đến đảo này, cũng như không biết rõ vị trí chính xác của đảo. Thuyền viên lưu lại trên đảo 2 ngày, phát hiện trên đảo không có cư dân, nên đã lấy một ít mẫu bùn cát về Cơ Long làm hóa nghiệm. Kết quả phát hiện đất bùn trên đảo có chứa phốt phát, có giá trị khai thác. Nishizawa quyết định tăng cường việc khai thác. Vì vậy vào năm 1902, Nishizawa đến đảo Đông Sa khảo sát, đồng thời mang về một ít quặng và hải sản. Năm 1903, ông ta lại đến đảo Đông Sa, mang theo một nhà hóa học, nhưng gặp bão không thể đến được. Sau đó, do Chiến tranh Nhật-Nga, kinh tế tiêu điều, trong tình trạng thiếu vốn, cuộc khảo sát của Nishizawa đành phải dừng lại.[18] Các mỏ phốt phát trên các đảo nhỏ ở vùng biên giới xa xôi là một trong những động lực để Nhật Bản khai thác các đảo khi đó, năm 1885 khi chính phủ Nhật Bản khảo sát đảo Senkaku, cũng đã khảo sát hàm lượng phốt phát trong bùn đất giống như vậy.[19]

Năm 1901, một người Nhật Bản khác nảy sinh hứng thú đối với đảo Đông Sa. Đó chính là nhà thám hiểm về đảo nổi tiếng Ngọc Trí Bán Hữu Vệ Môn (Tamaki Hanemon), ông ta là nhân vật chủ chốt trong khai thác phát triển đảo Đại Đông (Daito) vào nửa sau thế kỉ 19. Khác với Nishizawa, ông biết đảo Đông Sa qua hải đồ và đến thám hiểm có kế hoạch. Vào tháng 11/1901, ông hỏi Ngoại vụ tỉnh (tương đương Bộ Ngoại giao-ND) Nhật Bản đảo Đông Sa thuộc về nước nào, Ngoại vụ tỉnh không trả lời được, nên đã ra lệnh cho Lãnh sự ở Hong Kong điều tra. Chính quyền Anh tại Hong Kong trả lời: “Có vẻ không thuộc nước nào, nhà Thanh hình như đang do dự liệu có đưa nó vào lãnh thổ nhà Thanh (Trung Quốc) hay không, cần phải điều tra rõ ý đồ của nhà Thanh”.[20] Nhưng trong tình hình điều tra chưa có tiến triển, Ngoại Vụ tỉnh đã trả lời đảo này là không thuộc về nước nào. Vì vậy, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/1901, Tamaki đã tổ chức mấy chục người tiến hành thám hiểm đảo Đông Sa trong 3 tháng. Nhưng kết quả khảo sát của ông ta dường như cho thấy giá trị khai thác không lớn, vì vậy mà không có hành động tiếp theo.

Ba lần đổ bộ lên đảo như đã trình bày ở trên chính là những khảo sát ban đầu của Nhật Bản đối với Đông Sa, phía Trung Quốc đều không có phản ứng gì. Nếu như nói thời gian khảo sát của Nishizawa là tương đối ngắn, thì thời gian khảo sát đại quy mô kéo dài 3 tháng của Tamaki không thể coi là không dài. Nhưng đối với lần khảo sát này, không những chính phủ Trung Quốc khi đó không biết mà ngay đến ngư dân sau đó cũng không đề cập đến, và trong “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa” cũng không có ghi chép. Có thể thấy rằng chính phủ Trung Quốc khi đó thiếu sự quản lí đối với Đông Sa, điều này càng củng cố thêm lí do để người Nhật cho rằng đảo Đông Sa là “đảo không người”.

Sau Chiến tranh Nga-Nhật, Nishizawa tiếp tục ý định khai thác đảo Đông Sa. Tháng 8/1906, Nishizawa chỉ huy nhân viên điều khiển tàu “Trường Phong Hoàn” đổ bộ lên đảo Đông Sa lần thứ hai, mang về một lượng lớn mẫu vật. Mùa hè năm 1907, Nishizawa chỉ huy 120 người đổ bộ lên đảo Đông Sa lần thứ 3. Lần này Nishizawa có sự chuẩn bị khi đến, mở đường xây nhà, treo cờ Nhật Bản trên đảo, đặt tên đảo là đảo Nishizawa (Tây Trạch), sau đó lại chiêu mộ thêm nhiều nhân viên từ Nhật Bản và Đài Loan, bao gồm thầy thuốc và nhà hóa học, chính thức khai thác phốt phát.[21] Theo báo chí, trước khi chính thức khai thác Nishizawa cũng đã hỏi ý kiến của nhiều cơ quan liệu đảo này có thuộc về nước nào hay không, bao gồm “Sứ quán nhà Thanh tại Nhật Bản, Lãnh sự các nước ở Yokohama, Quan đạo Thượng Hải, Phòng chính trị Hong Kong Anh”, câu trả lời cuối cùng đều là “hoàn toàn không thuộc nước nào”, và cuối cùng đã được Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản cho phép mới tiến hành.[22] Nếu điều này là đúng thì nó càng chứng tỏ thêm rằng khi đó Trung Quốc không biết về đảo này.

Không có ghi chép nào về người Trung Quốc trong hồ sơ của Nishizawa, nhưng trong lời kể của ngư dân Trung Quốc sau đó, được ghi chép lại có nêu việc người Nhật Bản xua đuổi người Trung Quốc như thế nào. Ví dụ ngư dân Lương Thắng khai rằng: đầu tiên người Nhật xua đuổi ngư dân, không cho phép họ đánh cá ở vùng phụ cận, sau khi bị từ chối liền phá huỷ thuyền tam bản; người Nhật còn phá huỷ miếu Đại Vương và nơi ở trên đảo, thậm chí còn đào bới các ngôi mộ trên đảo, đốt xương rồi ném xuống biển, vì vậy anh ta không dám quay lại đảo Đông Sa.[23]

I.4. Việc điều tra của Trung Quốc

Việc Nishizawa khai thác Đông Sa (Pratas) được truyền thông Nhật Bản đưa tin đầu tiên. Báo chí Nhật Bản xem đây là một sự tích vinh quang khi “phát hiện đảo không người”, “vĩ đại như việc Columbus tìm ra lục địa mới châu Mĩ”.[24] Sau đó truyền thông Hong Kong đăng lại việc này mới thu hút sự quan tâm. Phản ứng của chính phủ Trung Quốc cho thấy thiếu sự quản lí chính thức đối với đảo Đông Sa. Quan chức Trung Quốc đầu tiên chú ý đến vấn đề này là tổng đốc Lưỡng Giang (Giang Tây, Giang Nam) Đoan Phương. Ông biết được việc này qua báo chí, vào tháng 9/1907 ông gửi điện cho Bộ Ngoại vụ nhà Thanh yêu cầu điều tra.[25] Ngày 11/10, Bộ Ngoại vụ chỉ thị Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn, một mặt chỉ ra rằng “người Hoa sợ khó cầu an, ít có người đến (đảo này)”, mặt khác lại cho rằng “Người Mân (Phúc Kiến), Việt (Quảng Đông) nào mà sành sỏi đi biển và có hiểu biết sâu rộng về địa lí, đều biết đảo này thuộc nước ta, ở địa phương chắc có bản đồ thư tịch có thể tra cứu”, và yêu cầu Lưỡng Quảng nghiên cứu xem “Tên gọi cũ của đảo này là gì? Có người cư trú hay không? … Có đúng là có việc (người Nhật Bản khai thác) hay không? ”[26]

Từ bức điện của Bộ Ngoại vụ thấy rằng cái gọi là “… đều biết đảo này là thuộc nước ta” có lẽ là lời kể trong bức điện của Đoan Phương hoặc là lời lẽ của báo chí Hong Kong, Bộ Ngoại vụ thật ra không hề biết rõ tình hình của đảo này. Mô tả ban đầu về kinh vĩ độ vị trí của đảo cũng sai (viết thành 14° 422’’ vĩ Bắc, 116° 4214’’ kinh Đông).[27] Lỗi này có thể cũng từ bức điện của Đoan Phương.

Trương Nhân Tuấn sau khi nhận được lệnh, cùng với các ti tiến hành khảo sát, gửi điện trả lời vào ngày 15/10. Dựa theo kinh vĩ độ (sai) của đảo, trong bức điện có nhận định rằng “dường như không thuộc quyền quản lí của tỉnh Quảng Đông”, nhưng vẫn chưa biết tình hình đảo này. Cuối cùng yêu cầu rằng “nghe nói nơi này sóng to gió lớn, tỉnh Quảng Đông lại không có quân và tàu lớn, rất khó điều tra tận nơi, không biết có nên mời quý Bộ chuyển điện tín đến [hạm đội] Nam Dương, đưa thuyền lớn đi điều tra hay không?[28]

Trả lời của Trương Nhân Tuấn đã cho thấy hai tình trạng. Thứ nhất, nhận thức ít ỏi của nhà nước Trung Quốc về đảo Đông Sa, ngay đến tên gọi và vị trí của đảo cũng không biết, phía Quảng Đông cũng không biết việc người Nhật Bản chiếm đảo Đông Sa. Thứ hai, tỉnh Quảng Đông thiếu thuyền đến đảo Đông Sa tuần tra, phải nhờ thuyền của thuỷ quân Nam Dương, điều này cho thấy rằng thuỷ quân Quảng Đông không có khả năng tuần tra bình thường ở đảo Đông Sa. Kết hợp với các bằng chứng khác,[29] điều này chứng tỏ rằng phạm vi tuần tra biển của thuỷ quân Trung Quốc thời kì cuối Thanh giới hạn ở vùng biển gần bờ, ngay đến tuần tra đảo Đông Sa thuỷ quân cũng không có khả năng, chứ đừng nói đến quần đảo Tây Sa và Nam Sa.

Trong khi chờ thuỷ quân Nam Dương chi viện, Đoan Phương hỏi Lãnh sự quán Nhật Bản ở Nam Kinh, Lãnh sự Nhật Bản trả lời rằng “đảo này trên thực tế ở phía tây nam Đài Loan, phía đông nam Hong Kong, cách Hong Kong hơn 170 hải lí, tức đảo Phố Lạp Tha Sĩ trong Tân dịch Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ thuyết”.[30] Đoan Phương theo đó tra cứu “Tân dịch Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ thuyết” (新譯中國江海險要圖說),[31] cuối cùng phát hiện ra rằng trong hải đồ phương Tây đảo này được đặt tên là “đảo Phố Lạp Tha Sĩ” (Pratas)[32] và biết vị trí chính xác của nó, cũng từ những tư liệu của người Anh ông biết thêm rằng “thuyền cá Trung Quốc đến tránh bão ở cảng này”, và nhận định rằng nơi này “đích xác thuộc sự quản lí của Quảng Đông”.[33] Ông gửi những kết luận này cho Trương Nhân Tuấn trong một bức điện ngày 4/11, đồng thời nhờ Trương Nhân Tuấn tìm kiếm những bản đồ trước đó, vì lúc đó những thứ ông ta có thể tìm đều là bản đồ mới đo mới vẽ, không đủ để chứng minh chủ quyền một cách thuyết phục. Trương Nhân Tuấn gửi điện trả lời “tìm khắp sách vở bản đồ của tỉnh Quảng Đông, đều không có bằng chứng xác thực ghi chép về đảo này”.[34] Vẫn cần điều tra thực địa để đưa ra kết luận.

Hải quân Nam Dương mãi không thể điều tàu đến được, vì vậy gần một năm sau đó cũng không có tiến triển. Lúc này, trái lại người Anh có đôi chút sốt ruột, họ sợ sau khi Nhật Bản chiếm đảo Đông Sa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Anh ở Quảng Đông và biển Đông. Khá lâu không thấy phía Trung Quốc có phản ứng gì, tháng 8/1908 Lãnh sự quán Anh tại Quảng Châu gửi thư cho Uỷ viên Dương vụ Quảng Đông rằng: “Đảo này không có cư dân, rõ ràng là đất không thuộc về ai. Nhưng hàng năm đều có thuyền cá Trung Quốc đến đảo. Vào năm 1882 và 1902 chính phủ Anh đề nghị xem có nên xây một đèn biển trên đảo này hay không. Sau đó vì không thể phán đoán đảo này thuộc nước nào, và nên do ai xây dựng, do đó không tiến hành nữa. Nay tuân theo chủ trương của Bộ Ngoại giao nước chúng tôi, tình hình đảo này và nước mà nó thuộc về cần được điều tra chi tiết… Vì vậy dùng công hàm đặc biệt này thỉnh cầu tra xét tường tận từ trong hồ sơ của dinh tổng đốc xem đảo này có thuộc về Trung Quốc hay không, chính phủ Trung Quốc có văn bản tuyên bố rõ ràng hay không. Xin chỉ rõ từng điểm một.”[35] Uỷ viên Dương vụ Quảng Đông trả lời rằng “đảo này đúng là đảo thuộc về Trung Quốc”.[36] Thái độ của ông này khác với Trương Nhân Tuấn, đại khái khi đó phía tỉnh Quảng Đông đã có ý nhận định đảo Đông Sa thuộc về tỉnh mình, và mặc dù nội bộ vẫn tìm kiếm bằng chứng để tiện giao thiệp với Nhật Bản, nhưng với Anh thì vẫn khẳng định rõ chủ quyền.

Đoan Phương sau khi biết chuyện, ngày 14/9/1909 vội vàng gửi thư cho đề đốc Nam Dương Tát Trấn Băng, đốc thúc phải nhanh chóng phái tàu điều tra. Để tiện việc giao thiệp với Nhật Bản, ông cho rằng Anh “trước tiên nói [không] thuộc Trung Quốc. sau đó nói có thuyền cá Trung Quốc đến đó hàng năm, ngụ ý đảo này thuộc Trung Quốc. Sau đó nói chính phủ Anh muốn xây dựng đèn biển, có hỏi phía Trung Quốc đảo này có phải thuộc Trung Quốc hay không”.[37] Vì vậy, có thể suy đoán rằng phía Anh “biết rõ đảo này bị quân Nhật chiếm, thấy phía Trung Quốc không lên tiếng truy hỏi, do đó dùng lời bóng gió, ngầm nhắc nhở ta phải tuyên bố và liệu định cụ thể hơn”.[38]

Tuy nhiên, việc điều tàu vẫn còn gặp trở ngại, mãi cho đến ngày 1/2/1909 thuỷ quân Nam Dương mới phái “tàu Phi Ưng” từ Hong Kong ra đi, ngày 2/2 đến được đảo Đông Sa. Trong khi điều tra ở đó, Trung Quốc mới biết rõ lần đầu rằng tên tiếng Trung của đảo này là đảo Đông Sa. Đồng thời qua quan sát họ cũng thấy rằng trên đảo khi đó không có người Trung Quốc mà chỉ có người Nhật hoạt động, và cũng đề cập đến việc người Nhật Bản phá huỷ miếu Thiên Hậu và xua đuổi thuyền cá của Trung Quốc.[39] Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước Trung Quốc đến được Đông Sa. Báo cáo của chuyến đi lần này rất sơ sài, có thể thấy là cuộc khảo sát không được tỉ mỉ. Vì vậy, Trương Nhân Tuấn phái tàu Phi Ưng và một tàu bắt buôn lậu (tàu do người Anh quản lí) đến đảo Đông Sa lần nữa để khảo sát chi tiết.

Hai tàu lại đến đảo Đông Sa ngày 19/2. Lần khảo sát này chi tiết hơn lần trước rất nhiều, khi lên đảo họ được người Nhật tiếp đãi. Mặc dù khi đó Nishizawa không có trên đảo, người Nhật vẫn rất hợp tác khi trả lời các câu hỏi, bầu không khí rất tốt, tiếc là người phụ trách không biết nhiều về ngọn nguồn của đảo này. Sau đó, nhân viên khảo sát cũng đã đi viếng toàn đảo và hỏi han ngư dân xung quanh, cuối cùng viết thành “Báo cáo của uỷ viên” tương đối tường tận, trong đó có nội dung hỏi đáp với người Nhật và lời khai của ngư dân.[40] Trong báo cáo này có mấy điểm đáng chú ý: thứ nhất, hoạt động khai thác của Nishizawa mang tính chất tư nhân, hoàn toàn không có sự tham dự trực tiếp của chính phủ Nhật Bản; thứ hai, vào năm 1909, Toàn quyền Đài Loan (Nhật Bản) từng phái người đến thị sát, điều này cho thấy chính phủ Nhật Bản sau đó đã biết việc Nishizawa khai thác ở Đông Sa; thứ ba, những người Nhật này hoàn toàn không biết đảo này thuộc nước nào; thứ tư, người Nhật thường xuyên xua đuổi thuyền cá của Trung Quốc ở đó, và phá huỷ các kiến trúc có trước của Trung Quốc trên đảo; thứ năm, ngư dân Trung Quốc thường xuyên hoạt động tại đó chịu tổn thất rất lớn nhưng không biết phải báo cáo cho ai.

Cho đến lúc đó, chính quyền và xã hội Trung Quốc mới biết về sự việc trên đảo Đông Sa. Sau khi nắm vững những tư liệu này, ngày 15/3 Trương Nhân Tuấn đã xin ý kiến của Bộ Ngoại vụ về việc Bộ Ngoại vụ hay tỉnh Quảng Đông sẽ đứng ra để giao thiệp với Nhật Bản.[41] Ngày 13/5, Bộ Ngoại vụ điện trả lời Trương Nhân Tuấn, quyết định để tổng đốc Lưỡng Giang Đoan Phương đứng ra giao thiệp với Nhật Bản trước. Nhưng Trương Nhân Tuấn đợi không thấy thư trả lời của Bộ Ngoại vụ, nên ngày 17/3 đã gửi công hàm cho tổng lãnh sự Nhật Bản ở Quảng Châu Lại Xuyên Thiển Chi Tiến (Asanoshin Laikawa), giao thiệp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về Đông Sa mở đầu từ đó.

I.5. Việc giao thiệp giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Ngày 17/3/1909, Trương Nhân Tuấn gửi công hàm cho tổng lãnh sự Nhật Bản tại Quảng Châu nói: “Hiện kiểm tra mặt biển Huệ Châu có đảo Đông Sa mà xưa nay là nơi thuyền cá các cảng của Phúc Kiến, Quảng Đông đi đánh cá cập bến, đó chính là đất đai của Quảng Đông. Gần đây có doanh nhân của quý quốc thuê công nhân khai thác phốt phát ở đây, tự ý kinh doanh, là việc bất hợp pháp, nhờ quý quan lãnh sự ra lệnh doanh nhân này lập tức rút lui, điều tra xử lí để giữ tình hữu nghị”.[42] Lãnh sự Nhật Bản trả lời rằng đang gửi điện cho Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản để tìm hiểu tình hình. Thời gian này, công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản là Hồ Duy Đức thấy báo chí Nhật Bản đưa tin về việc này nên hỏi Trương Nhân Tuấn. Trương Nhân Tuấn và Bộ Ngoại vụ quyết định tiến hành theo hai hướng cùng một lúc, giao thiệp giữa tỉnh Quảng Đông với Lãnh sự Nhật Bản và giữa Công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản với Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản.

Ngày 21/3, Laikawa gặp Trương Nhân Tuấn, xác định rằng “đảo này vốn không thuộc Nhật Bản, chính phủ ngài cũng không có ý chiếm đóng, chỉ nên xem là đảo hoang vô chủ, nếu Trung Quốc cho rằng đảo này là vùng đất của mình, thì cần phải có sách địa phương chí và bằng chứng xác thực đảo này do quan nào, doanh nghiệp nào quản lí, để đem những bằng chứng này gửi điện về cho Bộ Ngoại vụ giải quyết”.[43]

Trương Nhân Tuấn chỉ ra rằng: (1) Ngư dân Trung Quốc đánh cá ở đây; (2) Trên đảo trước đây có miếu thờ thần biển do Trung Quốc xây dựng, hiện nay tuy bị Nhật Bản phá dỡ nhưng vẫn có dấu tích có thể xác nhận được; (3) Đất đai của các nước không cứ nhất định phải có người cư trú mới có thể có quyền quản lí.

Nhưng Laikawa phản bác rằng đánh cá ở đây chỉ có thể xem là hoạt động của tư nhân, thứ miếu thờ thần biển nếu đã không còn thì khó mà kiểm tra chi tiết được, chỉ có bằng chứng quản lí thật sự mới có thể thuyết phục phía Nhật Bản.[44] Khi công sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Hồ Duy Đức giao thiệp với Ngoại vụ tỉnh Nhật Bản, ông cũng nhận được câu trả lời tương tự.[45]

Theo báo Nhật Bản đưa tin: “Chính phủ Nhật Bản biểu thị rằng đảo Đông Sa hiện tại tuy không biết thuộc về nước nào, nhưng Nhật Bản quyết không chiếm làm của mình. Hơn nữa, Nhật Bản cũng có thể thừa nhận đảo này thuộc về Trung Quốc, nếu Trung Quốc có thể đưa ra bằng chứng đích xác”.[46] Khi được truyền thông Hong Kong hỏi, lãnh sự Nhật Bản tại Hong Kong bày tỏ rằng ông không rõ việc này, và cũng đã phủ nhận việc này do chính phủ Nhật Bản làm.[47] Nói như vậy là mâu thuẫn với việc Nishizawa được Ngoại vụ tỉnh chấp thuận trước đó, có thể giải thích điều này là do khi đó Lãnh sự Nhật Bản tại Hong Kong chưa chắc đã biết về sự đồng ý của Ngoại vụ tỉnh, nhưng cũng có thể khi đó Nhật Bản đã quyết định không tranh đoạt đảo này, lãnh sự muốn không dính dáng với nó trước nhà Thanh.

Trương Nhân Tuấn cảm thấy phía Nhật Bản ngang ngược và vô lí. Nhưng công bằng mà nói, thái độ của Nhật Bản không phải là quá tệ: ít nhất Nhật Bản cũng thừa nhận đảo này vốn không thuộc lãnh thổ Nhật Bản, chỉ cần Trung Quốc đưa ra bằng chứng quản lí thực chất, thì Nhật Bản sẽ đồng ý từ bỏ tranh chấp; mà bằng chứng về quản lí thực chất mà phía Nhật Bản yêu cầu cũng hợp tình hợp lí, còn xa mới đạt đến yêu cầu về bằng chứng quản lí mà các thành viên tòa trọng tài đưa ra phán quyết sau này (năm 1929) trong vụ kiện tranh chấp đảo giữa Palmas Mĩ và Hà Lan. Ví dụ, Nhật Bản cho rằng chỉ cần đưa ra bằng chứng như bản đồ, sách vở… là có thể đồng ý rồi, nhưng trong vụ kiện đảo Palmas bản đồ rất khó để trở thành bằng chứng.[48]

Về phía Nhật Bản chỉ có toàn quyền Đài Loan bày tỏ ý kiến, cho rằng đảo Đông Sa là đảo phụ thuộc của Đài Loan, được Trung Quốc cắt nhượng cho Nhật Bản trong Chiến tranh Giáp Ngọ.[49] Nhưng lập luận như vậy không có chút căn cứ, chính phủ Nhật Bản hiển nhiên cũng không đồng ý với cách lập luận này.

Thái độ này của Nhật Bản có thể liên quan với tình hình quốc tế. Khi đó Chiến tranh Nhật-Nga vừa kết thúc, và Nhật Bản đã thu hút sự chú ý của Anh, Pháp, Hoa Kì … Để bảo vệ lợi ích truyền thống của họ ở biển Đông (3 nước đều có thuộc địa ở biển Đông), 3 nước này đương nhiên không muốn Nhật Bản mở rộng thế lực đến khu vực biển Đông. Việc Anh bóng gió gợi ý với Trung Quốc việc xây dựng đèn biển ở Đông Sa chính là một ví dụ. Sau chiến tranh Nhật Bản cũng cần phục hồi và giấu mình chờ thời. Sau khi xảy ra sự kiện tàu “Nhị Thần Hoàn” (Tatsu Maru) năm 1908, tinh thần chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc dâng cao, tranh chấp đảo Đông Sa không khác gì đổ thêm dầu vào lửa (xem phần sau). Ngoài ra, việc khai thác ở đảo Đông Sa của Nhật Bản từ đầu đến cuối chỉ là sự khai thác mang tính chất tư nhân, Nishizawa thậm chí còn chưa thành lập công ti. Mặc dù toàn quyền Đài Loan ủng hộ việc thôn tính đảo Đông Sa, và quan chức địa phương Đài Loan cũng từng đến đảo khảo sát, nhưng Đài Loan chỉ là thuộc địa, không thể đại diện hoàn toàn cho thái độ của Nhật Bản. Hơn nữa, Đài Loan cũng không chính thức ủng hộ hành vi của Nishizawa, ví dụ như không đưa đảo Đông Sa vào khu vực hành chính của Đài Loan, cũng như không chính thức quản lí nó. Như vậy, chính phủ Nhật Bản can thiệp vào vụ này không sâu, cũng không hề cố hết sức để chiếm lấy đảo Đông Sa. Vì thế, ngay từ đầu chính phủ Nhật Bản đã chỉ thị cho Laikawa không cần phải khăng khăng cho rằng đảo Đông Sa là của Nhật Bản, chỉ cần yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra bằng chứng, nếu phía Trung Quốc không thể đưa ra bằng chứng mới xem xét đưa ra đối sách tiếp.

Như vậy, mọi thứ đơn giản hơn nhiều. Trương Nhân Tuấn bắt đầu bắt tay vào việc tìm kiếm bằng chứng, nhưng bằng chứng lại không hề dễ tìm. Nguyên nhân chủ yếu là mặc dù ngư dân hoạt động nhiều ở đảo Đông Sa, nhưng chính phủ Trung Quốc trên thực tế không có bằng chứng vững chắc về đảo Đông Sa. Gần hai năm sau sự việc, chính phủ Trung Quốc vẫn mơ hồ về vị trí của đảo Đông Sa, ví dụ vào ngày 24/3, Bộ Ngoại vụ Trung Quốc còn gửi thư yêu cầu Trương Nhân Tuấn xác minh kinh vĩ độ và xem đảo Đông Sa có phải là “đảo Bích Liệt Tha” (碧列他) không.[50] Ngày 27/3, Trương Nhân Tuấn trả lời:

Ngày 6 tháng 9 năm Đinh Mùi nhận được điện của Bộ Binh (鈞部: Quân bộ) nói có một vùng đảo thuộc quyền quản lí nằm ở 14° 42’ 2” vĩ Bắc, 116° 42’ 14” kinh Đông. Tra hải đồ của Anh, nơi này chỉ toàn là biển, không có đảo nào. Cách Quảng Đông quá xa, tự thấy khó nói là đất của Quảng Đông. Quảng Đông cũng không có tàu thuyền lớn nào có thể đi xa để khảo sát ngoài biển, không khỏi nhìn biển mà thở dài. Tiếp đó nhận điện Ngọ Soái, đảo này ở 20° 42’ vĩ Bắc, 116° 43’ kinh Đông. Tra lại hải đồ của Anh mới biết tên đảo này là Bồ Lạp Tha Sĩ (蒲拉他士/Pú lā tā shì: Pratas), tức đảo Đông Sa thuộc Quảng Đông, đó không phải là đảo bị người Nhật chiếm ở 14° vĩ Bắc. Hiện đã tra rõ đảo sau cách biên giới biển Quảng Đông rất gần và có tên là đảo Tây Sa ở vùng biển Hải Nam, đã phái người đến đảo Tây Sa và thuê tàu của Hải quan đến điều tra để có thêm bằng chứng. Truy kĩ từ Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ (中國江海險要圖), chỉ rõ đảo này thuộc Quảng Đông cách Ma Cao 13 lí, có thể quả quyết là thuộc Quảng Đông, dựa vào đó để đấu tranh. Bộ Binh tra cứu bản đồ thấy có tên đảo là Bích Liệt Tha, đó phải là phiên âm của đảo Bồ Lạp Tha Sĩ (Pratas). Người Nhật gần đây đổi tên thành Tây Trạch (Nishizawa) mưu đồ cắt bỏ tên gọi Đông Sa của nước ta, bản đồ nước ta tường tận về đất liền mà sơ lược về biển, thiên về khảo chứng phương hướng xa gần, lâu nay ít đo đạc ghi chép thực tế, có nhiều sai sót. Các đảo ven bờ thường chỉ có tên đất mà không có hình vẽ, ghi chép chi tiết. Đành chịu không thể khảo cứu trong sách cũ. Vẫn phải dựa vào hải đồ của Anh. Các bằng chứng khác hiện đang cố gắng thu thập, chủ yếu không nằm ngoài ngư nghiệp. Nhu viễn kí [柔遠記], Giang hải hiểm yếu đồ thuyết có ghi chép nhiều mặt, đem dùng để đấu tranh không phải là không có hiệu quả”.[51]

Đoạn trả lời này có mấy điểm đáng chú ý là:

Thứ nhất, “14° 42’ 2” vĩ Bắc, 116 ° 42’ 14” kinh Đông” nằm ở khoảng 100 km về phía tây bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham). Nơi này được tổng đốc Lưỡng Quảng miêu tả là “cách Quảng Đông quá xa, tự thấy khó nói là đất của Quảng Đông”.

Thứ hai, Tổng đốc Lưỡng Quảng thừa nhận địa lí học của Trung Quốc “tường tận về đất liền mà sơ lược về biển, thiên về khảo chứng phương hướng xa gần, lâu nay ít đo đạc ghi chép thực tế, có nhiều sai sót. Các đảo ven bờ thường chỉ có tên đất mà không có hình vẽ, ghi chép chi tiết. Đành chịu không thể khảo cứu trong sách cũ.” Đây chính là lí do vì sao Trung Quốc khó mà đưa ra bằng chứng thực tế.

Thứ ba, đến cuối cùng vẫn phải dựa vào hải đồ của Anh, mà “Giang hải hiểm yếu đồ thuyết” lại là bản dịch từ hải đồ của Anh.

Thứ tư, chính phủ Trung Quốc còn thiếu các bằng chứng quản lí nó.

Thứ năm, bản đồ tìm được khi đó tương đối gọi là do Trung Quốc vẽ nằm trong “Quốc triều nhu viễn kí” (1881) của Vương Chi Xuân, phần dư đồ ven biển trong đó có địa danh Đông Sa, thật ra có không ít bản đồ của Trung Quốc ghi tên “Nam Áo Khí”, nhưng nhà nước không biết, do đó đây là bản đồ duy nhất có thể tìm thấy.

Thứ sáu, vấn đề Tây Sa được đề cập ở đây sẽ còn được thảo luận ở chương tiếp sau.

Ngày 29/3, Trương Nhân Tuấn mang mấy tấm bản đồ đến giao thiệp với Laikawa. Laikawa rất thẳng thắn bày tỏ rằng: “Dựa trên bằng chứng cho thấy đảo này thuộc về Trung Quốc, dù chưa hoàn chỉnh, nhưng theo lời của tổng đốc Quảng Đông, thì có vẻ như không thể phủ nhận, tuy nhiên phải đảm bảo cho ổn thỏa, nếu không chính phủ vẫn xem là đảo vô chủ”.[52] Ở đây, phía Nhật Bản biểu thị rằng chỉ có bằng chứng bản đồ như vậy vẫn chưa đủ. Nói như vậy đúng ra vẫn chưa hạ thấp, thật ra hải đồ của Anh chỉ là hải đồ chứ không có liên quan đến vấn đề chủ quyền. Và bản đồ trong“Quốc triều nhu viễn kí” cũng thiếu đánh dấu biên giới quốc gia rõ ràng. Theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thật sự khó mà chứng minh Đông Sa thuộc Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản khi đó hoàn toàn không có ý tranh đoạt Đông Sa với Trung Quốc. Do đó, chủ đề thảo luận nhanh chóng chuyển sang vấn đề bồi thường.

Trương Nhân Tuấn hỏi Laikawa: lấy gì để đảm bảo ổn thỏa? Laikawa đáp rằng: “Việc kinh doanh Nishizawa rất tốn kém, môt khi rút đi tất tổn thất nhiều – sau khi rút đi, của cải của ông ta như nhà cửa, mấy đoạn đường sắt… cần phải có biện pháp thích hợp”.[53] Ý của phía Nhật Bản là chỉ cần phía Trung Quốc chịu bồi thường cho Nishizawa, Nhật Bản sẽ bằng lòng rút khỏi cuộc tranh chấp về đảo Đông Sa. Trương Nhân Tuấn thì lấy tổn thất của ngư dân Trung Quốc ra để phản bác. Hai bên đồng ý sẽ đàm phán tiếp về vấn đề này.

Đến đây, các trở ngại trong tranh chấp đảo Đông Sa đã được loại bỏ hết. Trong mấy tháng đàm phán sau đó, hai nước Trung-Nhật triển khai đàm phán xung quanh vấn đề bồi thường và trao trả như thế nào, nhưng không còn là vấn đề cơ bản nữa.[54] Những vấn đề này bao gồm: (1) Nhật Bản yêu cầu Nishizawa vẫn có thể khai thác khoáng sản trên đảo, Trung Quốc nhất quyết muốn thu mua tất cả tài sản; (2) Nếu Trung Quốc nhất quyết thu mua thì giá tài sản của Nishizawa được định là bao nhiêu? Nishizawa có cần nộp thuế đối với hải sản và khoáng sản mà ông khai thác trong mấy năm qua không? (3) Tổn thất của ngư dân Trung Quốc và tổn thất của ngôi miếu bị phá huỷ là có thật hay không, định giá bao nhiêu?

Cuối cùng, vào ngày 11/10, hai bên kí thỏa thuận, phía Trung Quốc thu mua tài sản của Nishizawa, định giá 160 000 đồng tiền bạc; Nishizawa trả lại các khoản tiền về thuế, tàu cá, miếu thờ… được định là 30 000 đồng. Sau khi Nishizawa giao cho phía Trung Quốc tài sản và số phân chim hiện có theo danh sách cho phía Trung Quốc, trong vòng nửa tháng phía Trung Quốc sẽ giao khoản tiền cho lãnh sự Nhật Bản tại Quảng Đông.[55] Trong thỏa thuận này, từ góc độ luật quốc tế, điều đáng chú ý là câu chữ về các khoản thuế. Các khoản thuế này đồng nghĩa với việc Nishizawa phải nộp thuế cho phía Trung Quốc theo thu nhập trước đó, và có nghĩa là Nhật Bản thừa nhận đảo Đông Sa trước đó không phải là đất vô chủ mà là đảo do chính phủ Trung Quốc quản lí. Ngày 15/11, đại biểu hai nước Trung, Nhật cùng đến đảo Đông Sa, tiến hành kiểm kê và chuyển giao tài sản. Tranh chấp Đông Sa chính thức kết thúc.

I.6. Trung Quốc củng cố chủ quyền đối với đảo Đông Sa và việc gia tăng ý thức phòng thủ biển ở Trung Quốc

Sau khi tranh chấp đảo Đông Sa kết thúc, Trung Quốc lập tức tăng cường sự quản lí đối với đảo Đông Sa. Các biện pháp bao gồm:

(1) Khảo sát. Ngày 13/2/1910, Tri phủ dự khuyết Quảng Châu Thái Khang dẫn đầu đoàn nhân viên khảo sát đảo Đông Sa. Sau khi trở về, viết thành báo cáo “Trù tính về tiếp nhận mời gọi doanh nhân đảm nhận việc sản xuất trên đảo”, đề xuất nhiều biện pháp như mời gọi doanh nhân khai thác phốt phát, thu hoạch hải sản, đảm nhận làm nghề cá ở đảo; mộ người bảo vệ, sửa chữa tàu thuyền; mời Ti quan thuế vụ Cửu Long phái thuyền đến đo đạc, vẽ bản đồ…[56]

(2) Mời gọi doanh nhân. Dựa trên kiến nghị này, Đạo Khuyến nghiệp, Cục Thiện hậu và Ti Bố chính tỉnh Quảng Đông kết hợp đưa ra thông báo mời gọi đầu tư. Tiến hành mời gọi đầu tư vào phốt phát và nghề cá. Để thuận tiện cho việc khảo sát của doanh nhân, vào ngày 27/3, Thái Khang và hơn 20 doanh nhân đến đảo Đông Sa khảo sát thực địa, thế nhưng điều kiện khắc nghiệt trên đảo làm giảm bớt nhiều ý muốn khai thác của doanh nhân, việc mời gọi đầu tư kết thúc mà không có kết quả.[57]

(3) Nhà nước khai thác. Sau khi mời gọi đầu tư thất bại, Trung Quốc quyết định kinh doanh đảo Đông Sa theo hình thức nhà nước điều hành. Vào tháng 6/1910 chương trình quốc doanh được thông qua, cho phép Thái Khang mời kĩ sư Nhật Bản và mộ công nhân Trung Quốc. Tháng 7, thành lập “Uỷ ban quản lí đảo Đông Sa”. Hai tháng sau đó, Uỷ ban tổ chức cho nhân viên thu lấy một lô phốt phát, nhưng nguồn tiêu thụ không tốt, thu lợi rất ít, không thể tiếp tục làm được, cuối cùng vào cuối tháng 9 quyết định ngừng công việc.[58] Ngày 20/11, Ti sự đảo Đông Sa Hồng Niệm Tông tiến hành nghiệm thu tài sản trên đảo.[59]

(4) Trung – Nhật hợp tác khai thác. Sau khi khai thác quốc doanh thất bại, Trung Quốc đành phải hợp tác với Nhật Bản một lần nữa. Năm 1911, qua sự trung gian giới thiệu của lãnh sự Nhật Bản Laikawa, Đạo Khuyến nghiệp tỉnh Quảng Đông và Thương hội Osawa đã kí hợp đồng, cho doanh nhân Nhật Bản tiến hành khai thác hải sản (như ốc biển…) của đảo Đông Sa, Trung Quốc được 60% lợi nhuận, Nhật Bản được 40%. Nhưng lợi nhuận của doanh nhân Nhật Bản rất ít, nên đã tuyên bố ngừng công việc vào tháng 10 cùng năm.[60]

(5) Ngư nghiệp và quản lí ngư dân. Vào năm 1910, tỉnh Quảng Đông ra thông cáo, báo cho ngư dân Huệ Châu biết rằng họ có thể đến đánh cá ở vùng phụ cận đảo, nếu trên biển có sóng gió hoặc sự cố, có thể lên đảo sẽ có người đóng trên đảo tiếp đãi. Cũng có thể xây dựng lại miếu, nhưng cần trình báo và được nhà nước cho phép mới có thể tiến hành.[61] Sau đó, tỉnh Quảng Đông còn thử soạn thảo chương trình ngư nghiệp chi tiết hơn, nhưng vì đã cho Nhật Bản nhận thầu nên chương trình không được dùng.[62]

(6) Tuần tra và quản lí. Trong thời gian hợp tác Trung–Nhật, Ti sự đảo Đông Sa Hồng Niệm Tông nhiều lần đến đảo tuần tra, báo cáo sự tiến triển của các hạng mục trên đảo. Trong báo cáo còn miêu tả trên đảo có một “uỷ viên quản lí sự vụ trên đảo, một người quản lí công nhân, một dũng mục, một thầy thuốc, 13 lính canh, trông coi tài sản trên đảo” trực thuộc sở Khuyến nghiệp tỉnh Quảng Đông.[63]

Mặc dù Trung Quốc không thành công trong việc khai thác đảo Đông Sa, nhưng thông qua một loạt hành động như kể trên, Trung Quốc đã thực thi đầy đủ chủ quyền đối với đảo Đông Sa. Sau năm 1909, đảo Đông Sa đã xuất hiện phổ biến trên nhiều bản đồ của Trung Quốc và của tỉnh Quảng Đông (xem phần II.8). Điều này cho thấy quyền quản lí của Trung Quốc đối với đảo Đông Sa đã chính thức được thiết lập. Sau thời Dân quốc, Sở Thực nghiệp tỉnh Quảng Đông lại đưa ra thông báo chiêu thương đối với đảo Đông Sa. Điều này đã cho thấy sự liên tục trong việc kiểm soát đảo Đông Sa thời Dân quốc.

Trong sự kiện đảo Đông Sa, phản ứng của người dân Trung Quốc rất thú vị. Một mặt, khi ngư dân bị xua đuổi khỏi đảo Đông Sa vào năm 1907, họ căm giận mà không biết kêu ai, cũng không thấy bất cứ tờ báo nào đưa tin. Mặt khác, khi Trung Quốc và Nhật Bản giao thiệp vào năm 1909, báo chí bắt đầu đưa tin và tình hình của quần chúng sôi sục xuất hiện. Ví dụ, thượng tuần tháng 3/1909, Hội nghiên cứu Tự Trị Huệ Châu cử đại biểu đến Quảng Châu,[64] tổ chức họp chung với Hội nhân sĩ doanh nhân tỉnh, hợp sức để đưa ra bằng chứng trong “Hải quốc văn kiến lục” cho thấy rằng Trung Quốc đã biết đến Đông Sa từ lâu. Lại có Quan Tả Điền từng đi đến Đông Sa chỉ ra “hai ba chục năm trước, có học giả Hồ Duy Đồng ở Nam Hải dâng thư lên quan, miêu tả tỉ mỉ vùng đảo nơi này, rất quan trọng. Vẫn chưa thể tìm thấy nguyên văn tờ trình này”.[65] Hội Tự Trị tỉnh Quảng Đông dưới sự lãnh đạo của nhân sĩ Chu Khổng Bác lại tập hợp nhiều người cùng bàn luận về vấn đề đảo Đông Sa, quyết định áp dụng ba bước để giải quyết: (1) Nhanh chóng công bố cho trong và ngoài nước biết để tạo áp lực dư luận; (2) Trình thư lên chính phủ, yêu cầu chính phủ đảm bảo chắc chắn lợi ích của ngư dân; (3) Tranh đấu đến cùng.

Ngày 11/4, Chu Khổng Bác lại tổ chức hội nghị, đề xuất việc gửi điện cho chính phủ, yêu cầu bảo vệ lợi ích ở đảo Đông Sa. Sau đó, liên tục có người gửi thư cho tổng đốc Quảng Đông và tổng đốc Lưỡng Giang, yêu cầu bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.[66] Lúc này, “chủ nghĩa dân tộc” ở Quảng Đông dâng cao. Vào tháng 2/1908 xảy ra vụ án Nhị Thần Hoàn (Tatsu maru) giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Tàu Nhị Thần Hoàn chở vũ khí đang dỡ hàng tại vùng biển bên ngoài đảo Lộ Hoàn của Ma Cao, bị thuỷ quân nhà Thanh bắt được. Hai bên tranh cãi liệu sự việc xảy ra ở vùng biển của Trung Quốc hay ở vùng biển của Bồ Đào Nha, liệu thuỷ quân Trung Quốc có quyền truy bắt buôn lậu ở Ma Cao hay không. Cuối cùng, nhà Thanh thừa nhận vùng biển này thuộc Ma Cao, đồng thời xin lỗi và bồi thường cho Nhật Bản. Sự việc này dẫn đến cao trào chống Nhật ở Quảng Đông.

Trong cuộc đàm phán phân chia ranh giới ở Ma Cao năm 1908-1909 ngay sau đó, phía Trung Quốc cũng có sự nhượng bộ đối với Ma Cao. Đồng thời, ở Đông Bắc còn có tranh chấp đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì vậy thời gian này ở Quảng Đông đã dấy lên cao trào chống Nhật, bài ngoại như tẩy chay hàng hóa của Nhật…. Lúc đó lại thêm tranh chấp đảo Đông Sa, càng khiến tình cảm quần chúng ngày càng sôi sục. Truyền thông Nhật Bản nhận định rằng sự kiện đảo Đông Sa “đang lúc lòng người bị kích động, khí thế hừng hực, sợ không thể ngăn chặn được. Và vấn đề đột nhiên nẩy sinh bị lợi dụng như một cái cớ để xúi giục tẩy chay, thật đáng lo ngại. Các cấp thẩm quyền ngoại giao phải công bằng vô tư, điều tra rõ sự thực và nhanh chóng giải quyết”.[67] Vào thời gian này, Trung Quốc cũng đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và Pháp cũng quyết định không lên tiếng vì sợ kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc.

Tóm lại, sau sự kiện đảo Đông Sa, chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề các đảo ở biển Đông. Các đảo ở biển Đông không còn là các đảo không quan trọng, mà là lãnh thổ cần phải tuyên bố rõ ràng. Năm 1909, việc Trung Quốc giành được Đông Sa và tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa đều phản ánh ý thức về quyền lợi biển của Trung Quốc đang tăng lên.

Đảo Đông Sa là đảo được giải quyết vấn đề chủ quyền sớm nhất trong số các đảo ở biển Đông. Sau khi bước vào thời Dân quốc, Trung Hoa Dân quốc tiếp tục tăng cường sự quản lí ở Đông Sa, khuyến khích doanh nhân Trung Quốc khai thác Đông Sa, không cho phép doanh nhân nước ngoài (người Nhật Bản) khai thác. Người Nhật Bản vẫn quan tâm đối với hải sản trên đảo như trước, đặc biệt là một thứ hải sản loại tảo tên là hải nhân thảo (rong biển). Năm 1926, một công ti ở Quảng Đông được cấp giấy phép độc quyền khai thác rong biển, lại lén cho người Nhật kinh doanh rong biển, bị chính quyền tỉnh Quảng Đông phát hiện, giấy phép của công ti này đã bị huỷ bỏ. Năm 1927, một công ti khác có được quyền kinh doanh hải sản ở đảo Đông Sa, nhưng liên tục xảy ra xung đột với ngư dân Nhật Bản đến thu hoạch trộm rong biển, năm 1932 còn gây thành vụ án đẫm máu.

Năm 1933, doanh nhân Nhật Bản đổ bộ trái phép lên đảo, chiếm kho tàng và thiết bị trên đảo, dẫn đến sự giao thiệp ngoại giao Trung-Nhật. Tranh chấp về rong biển mãi đến khi bùng nổ chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 vẫn chưa kết thúc.[68] Tuy nhiên, trong những tranh chấp này, chính phủ Nhật Bản đều không thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với Đông Sa. Tổng thuật về những tranh cãi đó có thể tham khảo chuyên luận của tác giả khác,[69] không trình bày chi tiết trong cuốn sách này.

I.7. Kết luận: Bình luận về tranh chấp đảo Đông Sa

Tranh chấp đảo Đông Sa là cuộc tranh chấp đầu tiên về các đảo biển Đông từ khi lịch sử được ghi chép lại đến nay. Nhật Bản là một cường quốc biển mới nổi trước đây đã khuấy động biển Đông vốn yên tĩnh trước đây. Từ mấy chương tiếp theo có thể thấy rằng trong suốt nửa đầu thế kỉ 20, các tranh chấp ở biển Đông đều có liên quan đến Nhật Bản. Sự xuất hiện của Nhật Bản, một mặt đã làm bừng tỉnh ý thức quyền lợi biển và tình cảm chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, mặt khác cũng đã đụng chạm đến lợi ích của các nước Anh, Pháp, Mĩ…, khiến họ càng chú ý tới tình hình biển Đông. Có thể nói, cho đến Hòa ước San Francisco được kí kết năm 1951, Nhật Bản là trục chính trong vấn đề biển Đông, và vấn đề biển Đông sau chiến tranh cũng có dính dáng đến Hiệp ước San Francisco vốn có chỗ mập mờ.

Trong toàn bộ sự kiện đảo Đông Sa, có mấy điểm có thể giúp ích cho việc nhận thức vấn đề luật quốc tế về các đảo ở biển Đông.

Thứ nhất, Đông Sa nằm trong vùng biển gần của Trung Quốc, và sự việc ngư dân Trung Quốc phát hiện và khai thác nó sớm nhất là điều đáng tin cậy. Vì vậy, căn cứ luật quốc tế, Trung Quốc có các quyền ban đầu đối với nó. Hơn nữa, trước khi người Nhật khai thác đảo này, không có bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền đối với nó. Ví dụ, các nhà hàng hải phương Tây đã biết đến từ rất sớm, vẽ lên trên bản đồ và đù vẽ đảo này, nhưng không tuyên bố nó là của họ. Năm 1883, Hà Lan kháng nghị với Trung Quốc vì có tàu bị va vào đá ngầm, đây có thể xem là sự thừa nhận của quốc tế đối với chủ quyền của Trung Quốc ở Đông Sa (nhưng phía Trung Quốc dường như không biết việc này). Vì vậy, với sự kiện đảo Đông Sa, không có quốc gia nào có quyền lịch sử có thể sánh được với Trung Quốc. Tình huống hoàn toàn khác với tình huống của Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa đều khó có thể khẳng định rằng chúng đã được người Trung Quốc phát hiện ra,[70] quần đảo Hoàng Sa có bằng chứng về sự kiểm soát của Việt Nam;[71] quần đảo Trường Sa luôn có bằng chứng về hoạt động hàng hải và đo vẽ của các nước.[72] Theo các ghi chép đáng tin cậy, người Trung Quốc chỉ mới đến đến đánh cá ở biển Đông vào khoảng những năm 1860,[73] các nước khác hoàn toàn không có quyền lịch sử.

Thứ hai, trước tranh chấp đảo Đông Sa, chính phủ Trung Quốc thiếu sự quản lí đối với đảo Đông Sa. Điều này thể hiện một số mặt sau đây: đầu tiên, sau khi bị xua đuổi, ngư dân Trung Quốc hoàn toàn không có bất cứ kênh nào để phản ánh, chính quyền địa phương không hề hay biết. Chính phủ Trung Quốc phải qua tổng đốc Lưỡng Giang vốn không có quan hệ trực tiếp mà chỉ thông qua báo chí mới để ý đến việc này; thứ hai, chính phủ Trung Quốc thiếu nghiêm trọng các thông tin về vị trí và những điều liên quan khác về đảo Đông Sa, phải dùng tư liệu do lãnh sự Nhật Bản cung cấp và mất đến hai năm để xác minh nhiều lần mới biết được vị trí chính xác, tên gọi chính xác và tên mà người Trung Quốc thường gọi của đảo này; thứ ba, chính phủ Trung Quốc thiếu năng lực quản lí thường xuyên đối với đảo Đông Sa, khi kiểm chứng khẩn cấp tình hình thực tế của Đông Sa, hải quân Quảng Đông không có tàu có thể đi xa đến Đông Sa mà phải đợi tới một năm rưỡi mới có thể mượn tàu của hạm đội Nam Dương để đến thăm dò. Cuối cùng, sau khi xảy ra sự việc thì chính quyền Trung Quốc mới tìm kiếm tư liệu khắp nơi để “chứng minh” đảo này thuộc Trung Quốc, và cuối cùng bằng chứng chủ yếu vẫn là bản đồ hàng hải của Anh.

Thứ ba, Nhật Bản mới đầu nhận thức đảo Đông Sa là đảo không người (đất vô chủ), điều này có căn cứ nhất định. Trước hết, năm 1901 Nhật Bản đã hỏi ý kiến chính quyền Anh ở Hong Kong về sự quy thuộc của đảo Đông Sa, nhưng nhận được câu trả lời “có vẻ không thuộc về ai”. Thứ hai, năm 1901, Tamaki Hanemon tiến hành cuộc khảo sát 3 tháng trên đảo nhưng không hề bị Trung Quốc kháng nghị. Thứ ba, năm 1906 khi Nishizawa khai thác đảo Đông Sa có hỏi “công sứ nhà Thanh tại Nhật Bản, lãnh sự các nước tại Yokohama, Quan đạo Thượng Hải, chính quyền Anh ở Hong Kong”, câu trả lời cuối cùng đều là “hoàn toàn không thuộc nước nào”. Có thể thấy, nhận thức của nhiều nước trên thế giới lúc đó đều xác định rằng đảo này hoàn toàn không thuộc về nước nào (có thể Hà Lan là ngoại lệ duy nhất). Cuối cùng, ngay đến công sứ nhà Thanh ở Nhật Bản cũng cho rằng đảo này không phải của Trung Quốc.

Thứ tư, mặc dù Nhật Bản khuyến khích cá nhân khai thác đảo vô chủ ở hải ngoại, nhưng ít ra điều đó hoàn toàn không phải không coi trọng đạo lí vào thời đó. Ngay khi đàm phán Trung-Nhật mới bắt đầu, Nhật Bản đã quyết định chỉ yêu cầu Trung Quốc đưa ra bằng chứng ở mức độ thấp nhất thì có thể coi như chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Đông Sa đã được chứng minh. Ví dụ này có thể dùng để luận chứng cho tình hình đảo Senkaku (Điếu Ngư), Trung Quốc thường nói rằng đảo Senkaku bị Nhật Bản “cướp đoạt” trước và sau khi “Hiệp ước Mã Quan” được kí kết, cũng nói rằng vì Đài Loan đã được cắt nhượng rồi nên Trung Quốc không thể nói đến việc của đảo Senkaku.[74] Nhưng sự việc đảo Đông Sa cho thấy Nhật Bản không ngang ngược đến như vậy.

Thứ năm, tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết thông qua đàm phán chứ không qua Tòa Trọng tài quốc tế. Điều này cho thấy vấn đề luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền đảo Đông Sa chỉ có tác dụng là tiền lệ cho hai bên trong đàm phán chứ chưa phải là tiền lệ và có hiệu lực ràng buộc đối với bên thứ ba.

Thứ sáu, trong sự kiện đảo Đông Sa Trung Quốc biểu hiện ra sự thiếu hiểu biết và thiếu bằng chứng về sự kiểm soát của mình (ví dụ thiếu bản đồ, sách vở, không có sự quản lí thường xuyên, ngư dân bị xua đuổi không biết báo cáo với ai, nhà nước không có kênh thường xuyên chính thức để biết tình hình trên đảo…), thực tế cho thấy “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, bãi Scarborough và quần đảo Trường Sa ở xa hơn càng yếu hơn, càng không cần nói đến sự kiểm soát đối với vùng biển. Điều này giúp ích rất nhiều trong việc lí giải chính xác “bằng chứng lịch sử” của Trung Quốc khi phân tích luật quốc tế về các đảo đó.

Thứ bảy, thực tế cho thấy chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc thật sự có thể ảnh hưởng đến sự quy thuộc chủ quyền các đảo ở một mức độ nhất định. Các đảo ở biển Đông trước đây vốn được nhiều người coi là đảo không người, nếu một nước khác có thái độ không kiên quyết thì có thể họ cần phải cân nhắc cân bằng lợi ích của các đảo này với tổn thất gây ra bởi chủ nghĩa dân tộc gây ra. Điều này có thể giúp lí giải thái độ của Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa khi đó.


[16] Lịch sử bị bóp méo của biển Đông, tr. 439-491.

[17] Xem thêm “Đảo Điếu Ngư là của ai”, Chương III.

[18]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.52 .

[19]Đảo Điếu Ngư là của ai”, Chương IV.

[20]Lịch sử tranh chấp quốc tế”, tr. 147-148.

[21]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.53.

[22]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, Đông phương tạp chí, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.63.

[23]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr. 66.

[24] Trích dẫn từ “Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, Đông phương tạp chí, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.63.

[25] Bức điện gốc của Đoan Phương không được lưu giữ trong “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”.

[26]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.4. “Tuyển tập sử liệu”, tr. 108.

[27]biển Đông cuối thời Thanh”, tr. 125..

[28] Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr 4-5.

[29]Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr. 455-460

[30]Sử liệu ngoại giao thời Thanh”, ngày 27 tháng 8 năm Tuyên Thống thứ nhất, tập 4, tr. 10, trích dẫn từ “Tổng hợp sử liệu”, tr.145.

[31]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr. 6.

[32] Bản đồ hàng hải xem “Tân dịch Trung Quốc giang hải hiểm yếu đồ thuyết”, bản đồ thứ 10 và bản đồ thứ 41 quyển 1. Quảng Văn thư cục ấn hành, năm 1900, tr.10, tr.49.

[33] Câu này không có trong “Hiểm yếu đồ thuyết”, The China Sea Directory là một tác phẩm thuần túy về thuỷ văn, không có liên quan đến vấn đề chủ quyền thuộc về ai. Xem “Đảo Điếu Ngư là của ai”, tr.89-91. Ở đây Đoan Phương suy ra từ việc đảo này là một bộ phận của bản đồ ven biển Quảng Đông.

[34]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.6.

[35]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.7. .

[36]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.8.

[37]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.8

[38] 38Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.8.

[39]Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.9.

[40] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.12-18. “Tuyển tập sử liệu”, tr.110.

[41]Tuyển tập sử liệu”, tr. 109.

[42] Như trên, tr. 20.

[43]Sử liệu ngoại giao triều Tuyên Thống thời Thanh”, quyển 2, dẫn từ “Sử liệu ngoại giao thời Thanh”, Nxb Văn Hải, 1963, quyển 7, tr. 39.

[44]biển Đông cuối thời Thanh”, tr. 138-139.

[45]biển Đông cuối thời Thanh”, tr. 138-139.

[46] Theo “Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, trích dẫn từ “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.67.

[47]Sử liệu ngoại giao triều Tuyên Thống thời Thanh”, quyển 2, dẫn từ “Sử liệu ngoại giao thời Thanh”, Nxb Văn Hải, 1963, quyển 7, tr. 6-7. Xem thêm “Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, trích dẫn từ “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.67.

[48] Giới thiệu và thảo luận về vụ kiện đảo Palmas, có thể xem thêm “Đảo Điếu Ngư là của ai”, tr. 415-428.

[49]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, “Tạp chí Đông phương”, số 5 năm thứ 6, 1909, tr.136.

[50] 50Sử liệu ngoại giao triều Tuyên Thống thời Thanh”, quyển 2, tr.4, “Sử liệu ngoại giao thời Thanh”, Nxb Văn Hải, quyển 7, 1963.

[51]Điện Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn trả lời Bộ Ngoại giao đảo Đông Sa là tên cũ được ghi chép trong các bản đồ của nước là có căn cứ”, “Sử liệu ngoại giao triều Tuyên Thống thời Thanh”, quyển 2, tr.47-48, “Sử liệu ngoại giao thời Thanh”, Nxb Văn Hải, quyển 7, năm 1963.

[52] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.28-29.

[53] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.28.

[54] Sau đó, đại biểu Trung Quốc đã thay đổi người là Tổng đốc Lưỡng Quảng mới Viên Thụ Huân.

[55] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.59. “Tuyển tập sử liệu”, tr.111.

[56] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.78-87.

[57] “biển Đông cuối thời Thanh”, tr.232.

[58] “biển Đông cuối thời Thanh”, tr.221-232.

[59] “biển Đông cuối thời Thanh”, tr.232.

[60]biển Đông cuối thời Thanh”, tr.232-239.

[61] “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.107-109.

[62] “biển Đông cuối thời Thanh”, tr.235.

[63] Báo cáo ngày 28 tháng 9 của Hồng Niệm Tông, “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”, tr.210.

[64]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.67-69.

[65]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông tục biên”, “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.135.

[66]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.67.

[67]Ghi chép về vấn đề đảo Đông Sa tỉnh Quảng Đông”, “Tạp chí Đông phương”, số 4 năm thứ 6, 1909, tr.68.

[68] Xem thêm “Tổng hợp hồ sơ đảo Đông Sa”.

[69] Lã Nhất Nhiên: Khái luận thời Cận đại chính quyền và nhân dân Trung Quốc bảo vệ chủ quyền các đảo ở biển Đông, Nghiên cứu Lịch sử Cận đại, số 3 năm 1997, tr. 3-41.

[70]Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr.93-100.

[71]Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, Chương IV.

[72]Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr.426-429.

[73]Lịch sử bị bóp méo của biển Đông”, tr.431.

[74] Xem thêm “Đảo Điếu Ngư là của ai”, tr.181-197.

Comments are closed.