Trần Thùy Mai
Ảnh: Minh Tự
Ngày tôi còn nhỏ, trước nhà cũng có cây hoàng mai. Gọi là hoàng mai, là để phân biệt với cây mai tứ quý ở sân trong. Mai tứ quý dễ trồng, có hoa quanh năm. Cây cũng đẹp, nhưng không được yêu bằng cây hoàng mai, có lẽ vì hoàng mai mỗi năm chỉ nở một lần. Cứ đến tháng Chạp, mưa vừa ngớt thì chị em tôi đã ra vườn trẩy lá mai, phải trẩy sạch lá thì đến Tết hoa mới nở đều, nở đẹp. Nếu việc nấu chè hạt sen bọc nhãn lồng đòi hỏi tỉ mỉ, nhẹ nhàng bao nhiêu, thì trẩy lá mai cũng phải nâng niu gần gần như vậy. Trẩy làm sao ngắt bỏ hết lá già, mà không làm kinh động những đầu cành mảnh khảnh, không làm giật mình những nụ hoa mới thập thò nhú ra dưới lớp vỏ cây.
Sau này khi chị em tôi đã có chồng con, cứ đến cuối đông, các cháu gái, cháu trai vẫn tụ về nhà ngoại để trẩy lá. Hồi đó hầu như nhà ai cũng có vườn, vườn nào cũng trồng mai để có hoa chưng Tết. Về sau thành phố phát triển, nhiều con đường mở rộng lấn vào tận hiên, lại thêm một số nhà đã được giải tỏa. Nhiều cây cảnh đã ra đi. Bởi thế, khi đọc cái tựa sách “Trước nhà có cây hòang mai” chắc nhiều người cũng như tôi, chợt nhớ lại những năm tháng của tuổi thơ, tưổi xuân; một cảm xúc xôn xao, bồi hồi khó tả.
Từ cây mai của Minh Tự, mà tôi dần dần theo hết 36 tản văn trong toàn tập. Nói là dần dần, vì cuốn sách này không thể đọc một lèo trong vài ngày. Nó ôm giữ một lượng thông tin quá nhiều, phải nhẩn nha để thẩm thấu từng phần nhỏ. Dù đã sống ở Huế hơn nửa đời người, đôi khi vẫn phải dừng lại để bấm google tìm hiểu thêm về một tên người, tên đất. Mỗi bài viết là một “file nén” để kích hoạt cả quá trình cảm nhận, chứ không chỉ là những chữ im lìm trên trang giấy.
Cũng bởi vậy, các bạn đọc của “Cây hoàng mai” tỏ ra rất chủ động. Lâu nay, đó đây trên cõi mạng cũng như trong đời thực, đã xuất hiện những tranh cãi thú vị chung quanh cuốn sách: Thế nào là ăn hai lần trên một tô bún Huế? Bún bò giò heo có từ bao giờ, trong tô bún ấy bò có trước hay heo có trước? Những đồng tiền cổ đang chảy đi đâu? Có nên trồng mai trên đường phố Huế?
Có chuyện nho nhỏ như để nói cho vui lúc trà dư tửu hậu, cũng có chuyện quan trọng đến tầm quốc kế dân sinh, tất cả những cái lớn nhỏ ấy đều là thành tố của một khái niệm nghiêm túc và rộng lớn: văn hóa Việt; từ chiếc áo ta mặc, chiếc nón trên đầu, hạt chè sen thơm trên đầu lưỡi, cho đến những ước mơ dài lâu cho quê hương, đất nước.
Sự xuất hiện của những tác giả mới như Lê Phi Tân, Nguyễn Khoa Diệu Hà, và bây giờ sự thành công của Minh Tự với “cây hoàng mai” làm tôi nhận ra mình đã lầm. Trước nay tôi cứ nghĩ thể loại ký với đề tài Huế đã được nhiều tác gia tên tuổi khai thác hết sạch rồi, không có gì về Huế mà chưa được viết ra. Hóa ra, cái nguồn mạch ấy vẫn chưa cạn, mà cũng chưa cũ; Bởi vì, những tác giả ngày nay cũng viết về Huế, nhưng viết khác.
Vâng, Minh Tự viết khác những nhà viết ký đi trước. Rất giản dị, không thiên trọng sự óng chuốt của câu văn, không đào sâu điển cố sự tích, nhưng rất súc tích về sự kiện và luôn khởi động những vấn đề. Anh có được sự tham gia tích cực của người đọc, một phần vì cách dựng ý của anh cũng rất “động”. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả viết “Trước nhà có cây hoàng mai”, chứ không phải là “Cây hoàng mai trước nhà”. Đối tượng của anh không phải một vật tĩnh tại để mô tả, mà là một hiện thực đang diễn ra, đang sống, người viết đang nhìn theo, đi theo để kể những câu chuyện về đời cây. Rất nhiều những nhan đề “động” như vậy trong toàn tập: “Người Huế ăn mè xửng” “Huế không mưa có còn là Huế?” “Còn ai đội nón?” “Hoàn hảo như sen” “Chỉ một cơn mưa là thành mùa đông” “Sách không người đọc là sách chết”…
Minh Tự vốn là một nhà báo kỳ cựu. Nghề báo cho anh cái thế mạnh của một người đi nhiều, biết nhiều, tiếp xúc nhiều. Bởi vậy, trong tập văn này, ta cũng qua anh mà gặp rất nhiều người: những chủ thể làm ra “ lối Huế”. Câu chuyện về bộ sưu tập tiền Việt Nam – không thiếu tiền của một triều đại nào – gắn với ông Nguyễn Văn Cường, người đam mê đến độ chịu bán máu để mua tiền cổ. Câu chuyện về những cây lão mai vài trăm năm tuổi gắn với cuộc đời bác sĩ Đoàn Chí Thiện, xuất sắc trong nghề Y, chăm sóc tốt cho con người nhưng đồng thời cũng tận tình chăm sóc cỏ cây, và trở thành bậc thầy của ngành cây kiểng Huế. Với những người hâm mộ sách xưa, không thể không nghiêng mình trước hai “thầy Phan” mà tác giả nêu danh, thầy Hồ Tấn Phan và thầy Nguyễn Hữu Châu Phan… Thành thử, cuốn sách này là một dàn đồng ca rất lớn, không chỉ có phần lĩnh xướng solo của tác giả mà còn có sự cộng hưởng vang dội của nhiều, rất nhiều giọng hát.
Huế của Minh Tự không chỉ dừng lại ở chiều sâu của Huế xưa, mà còn là những gì đang diễn ra, là cái đang hiển hiện. Sách chứa đựng nhiều điều mà ngay những người Huế, kể cả những vị thường tự xưng là “Huế cột cờ” cũng chưa biết đâu. Giống như một ngã tư, ngã năm nhiều lối rẽ, nó sẽ cho bạn nhiều hướng tiếp cận, nhiều bảng chỉ đường để tiếp tục đi. Nó gợi ý những phác thảo, những dự định mới cho những ai muốn tìm hiểu Huế, thưởng thức Huế hay góp phần vào di sản của Huế. Quả vậy, cuốn sách của Minh Tự là một dẫn chứng sống động cho nhận định của Samuel Johnson: “Nhà văn bắt đầu cuốn sách, và người đọc hoàn thành nó”.
T. T. M.