“Phù thủy” nhìn người “Trượt chân trên tầng cao”

Xuân Phượng

1. Đọc xong gần ba trăm trang tập truyện “Trượt chân trên tầng cao”, sau tiếng hét của chị vợ không cho thằng cu sắp đi thi học kỳ ăn bánh chuối vì sợ bị trượt vỏ chuối, tôi hình dung có thể viết được một kịch bản phim bao trùm toàn bộ ấn tượng về quyển sách này. Mở đầu, xin chia sẻ đề cương kịch bản này với bạn đọc:

Toàn cảnh: một tay Phù Thủy Chữ tung hứng hàng ngàn con chữ lên không trung. Một cái phẩy tay, các con chữ từ từ ngoan ngoãn hạ cánh, xếp thành hàng lối, thành cốt truyện. Vượt thời gian, vượt không gian, chỉ qua một cái vẩy bút trên trang giấy hoặc tiếng lách tách gõ bàn phím trên máy laptop, lập tức hiện ra những tình tiết bi hài, cười mà đắng mà cay mà muốn rơi nước mắt.

Nương theo đà bay của các con chữ, ta len lỏi vào các công sở, vào chiếc ghế massage ế khách, vào một tờ báo ngành với cô Hương Công Nông trở thành tổng biên tập. Những con chữ không ngừng uốn lượn nhập vào một anh chàng sính sưu tập danh thiếp, vào một nhà sư trang phục xơ vin dân sự đi mua quần bơi, vào một cuộc họp lớp của các bà trên dưới tuổi bảy mươi cùng với bà ô sin quần ni lông xếp nếp như lò xo, nguyên là một hoa khôi với bông hoa xanh biếc trên ngực v.v… và v.v…

Tiếng động nền:

– Tiếng ngâm thơ sang sảng.

– Tiếng vỗ tay. Tiếng cười nói hát hò tếu táo của các buổi họp lớp.

Cận chân dung chàng phù thủy: đôi bàn tay điêu luyện vờn múa hoặc cần cù lướt trên bàn phím máy laptop. Một cái nhìn sắc sảo, không khoan nhượng, pha chút giễu cợt và thâm trầm cám cảnh cho những tấn trò đời.

Kết phim: toàn cảnh quyển sách bìa xanh chữ đen. Nổi bật dòng chữ: Khóc cười trong thế giới chữ của Hồ Anh Thái.

2. Tôi nhâm nhi từng trang tập truyện “Trượt chân trên tầng cao” (tác giả Hồ Anh Thái, NXB Phụ Nữ Việt Nam 2024), đọc mà thầm nghĩ cái bồ chữ này sẽ gây ra những bất ngờ gì đây?

Ngay từ câu chuyện đầu “Rác và yêu”, ba nhân vật cô Vợ là Trạng Hít, Chị Hàng Xóm và Chồng đã làm bật lên tiếng cười sảng khoái.

Chồng trốn vợ, dám leo lên tầng ba của cùng một khu tập thể để yêu bội thực năm ngày liền với nàng Hàng Xóm. Vô lý mà vẫn chấp nhận được, chấp nhận từ chi tiết cô Trạng Hít và miếng vỏ chanh lai chấp to như quả cam, da vàng ươm, trở thành công cụ xóa sạch dấu vết vụng trộm. Rốt cuộc, cô Trạng Hít vô phương tìm tòi vì mùi chanh át cả khả năng hít ngửi của Trạng.

Biến cái vô lý thành cái có lý, buộc người đọc phải chấp nhận dù biết rằng thắp đuốc cũng không tìm đâu ra một anh Chồng gan góc, liều lĩnh như vậy trong đời thật.

Ở truyện “Trong muốn ra ngoài muốn vào”, tác giả đưa ta vào những ác mộng về cái nhà xí công cộng của những năm bao cấp. Bảo đảm khi nhắc đến hai chữ nhà xí công cộng, những người đọc từ lứa tuổi năm mươi trở lên, những bậc cao niên tóc bạc gậy chống từng ở Hà Nội những năm 1950 đến 1980, không ai nén khỏi rùng mình. Ác mộng từng giờ từng ngày từng tháng từng năm của một tập thể hàng ngàn người chỉ vỏn vẹn có mười cái hố xí. Oái ăm thay là cánh cửa nào cũng bị phá tung.

Vậy mà qua cảnh đánh ghen với những lời chửi chao chát, móc máy, nanh ác, mày cướp chồng bà, có vần có điệu, có trao qua đổi lại như một khúc hát giao duyên đắng hơn mật gấu, không nín được tiếng cười, ta quên cái cảm giác rùng rợn trong một hố xí lộ thiên, bên ngoài là một hàng dài nam thanh nữ tú, áo quần nhàu nát đang vặn vẹo chờ đợi.

Đọc những trang viết về tình cảnh này, tôi có thể lý giải một cách chính xác tại sao trong tập thể trên một ngàn người mà tôi đã sống ba mươi mốt năm liền không bao giờ có một đám cưới giữa hai trẻ cùng ở trong một khu nhà. Còn gì là đẹp, còn gì là thơ mộng những cô gái chàng trai mỗi sáng chạm mặt nhau trước dãy nhà xí.

Cuộc ngoại tình nhường nhau chỗ ị đã xuyên qua khổ đau thời bao cấp để sang thời kinh tế thị trường. Cái kết thật bất ngờ. Đứa trẻ sinh ra và lớn lên của mối tình vụng trộm giữa nàng ca sĩ và chàng họa sĩ trở thành kiến trúc sư nội thất. Có lần anh ta kinh hoàng mơ thấy mình ngoi ngóp mà không sao thoát ra được trong một cái nhà xí công cộng thời bao cấp. Buộc ta phải chấp nhận cái kết luận của nhà văn quá đáo để: không chỉ năng khiếu mà ngay cả những giấc mơ cũng có thể di truyền.

Cứ thế tập truyện đưa ta đến những truyện ngắn đa dạng, đủ mọi đề tài. Khi thì dựa vào việc tặng một cái sim điện thoại chưa dùng hết ở Thái Lan đến nỗi “Chia sim rẽ dế” đến câu chuyện “Chờ động đất” tận một đảo quốc phía nam Thái Bình Dương. Rồi “Mr. Nem người vận chuyển”, “Diễn”, “Pháo nổ pháo nang”, ở vị trí của mình, với vốn sống thực tế qua nhiều nước, tác giả đã tạo nên những trang viết giễu nhại, sát sạt và không khoan nhượng. Mặc kệ những con người bần tiện, giả dối ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội, những con chữ đã trở thành nét mổ sắc gọn làm vỡ tung những u nhọt lặn sâu trong cơ thể.

Truyện “Lọt sàng xuống nia” thì đưa ta vào một mê cung văn chương trong đó một ông chánh văn phòng hội văn nghệ bị một cô đồng thơ ngày nào cũng đến ám quẻ. Ông ta đẩy cô sang gặp một ông nhà thơ nổi danh, rồi cô lại bị đẩy vào phòng của ông Sáng Tác kém danh hơn nhưng gặp ai làm thơ cũng khen tuyệt vời, ôi tuyệt vời. Xuýt xoa “ngậm ô mai” với bất kỳ ai. Ba chữ “ngậm ô mai” đủ gây tác động dịch vị cho người đọc.

Cũng trong câu chuyện này, nàng dịch thơ lạc vào một mùa kết nạp hội viên loạn cào cào, tố cáo nhau, nịnh hót nhau. Tài tình ở chỗ không nêu đích danh ai nhưng sao vẫn thấy nhang nhác một ai đó ta đã quen đã biết hoặc đã nghe truyền miệng. Phải bao nhiêu bản lĩnh, phải quyết liệt và chuyên nghiệp đến thế nào mới có thể miêu tả con người đủ hình hài, đủ tính cách, mà không cần cho người đọc biết đến tên tuổi của nhân vật.

Sang đến truyện “Xuống dòng”, ta lạc vào cuộc sống nhốn nháo của thời kỳ tập trung cách ly dịch Covid. Một chú xe ôm nhận chuyển một quyển sách dịch của một cô biên dịch đến một bạn văn lớn tuổi. “Sách hay lắm cả 300 trang không một lần xuống dòng”. Tác giả sắp xếp tình huống chú xe ôm và một anh chàng từ bên nước Anh chạy dịch về – anh bạn Luân Đôn. Cả hai bị tống vào trong khu cách ly dịch vi rút viêm phổi. Cả hai cùng đọc quyển sách dịch hơn 300 trang mà không một lần xuống dòng. Cứ như nhảy xuống một dòng nước xiết, bị cuốn đi. Cảm giác mù mịt hỗn độn tối tăm, không kịp thấy hết, nhớ hết những gì trôi qua…

Thật là tinh quái. Nếu không phải là một anh chàng năm này sang năm khác nghiêm túc, cần mẫn gò mình biên tập giúp cho hàng trăm bản thảo thì khó có thể tạo dựng được hình ảnh một quyển sách lỗ chỗ cao thấp những nét móc nét ngoặc kỳ dị, khôi hài đến vậy. Và cũng không thể làm cho người đọc khóc cười qua từng câu chuyện độc đáo, đầy cá tính văn chương như vậy. Những câu chuyện rải rác đây đó, có khi tưởng như bé nhỏ, có khi tưởng như nghiêm trọng lớn lao, khi tập hợp lại trong một cấu trúc nhất quán, đã thực sự tạo ra một ấn tượng mạnh về những tấn trò đời.

Nguồn: Tuổi Trẻ cuối tuần 11-8-2024

— —

Xuân Phượng: Nữ đạo diễn, 95 tuổi, nổi tiếng với những bộ phim tư liệu chiến trường và hành trình sưu tập, phát triển thị trường hội họa Việt Nam.

Comments are closed.