Thơ Thiền

Cao Huy Thuần

Nguyễn Duy qua chơi Pháp, mang theo quyển sách “Thơ Thiền Lê-Nguyễn” anh vừa xuất bản cùng với Nguyễn Bá Chung và Sam Hamill. Sách in mỹ thuật, giấy láng, bìa cứng, ảnh đẹp, sang trọng, cầm trên tay chỉ muốn nâng niu. Lời giới thiệu ở đầu sách, dưới ngòi bút của thầy Thích Phước An, xứng tầm với sách, đầy đủ trong nội dung, đạo vị trong lời lẽ, tưởng khó nói gì thêm. Được tặng sách, tôi chỉ biết cảm động, nói lên vài lời cảm tạ tác giả, cốt để cùng chia sẻ với nhau một cái mê chơi sách đẹp, sách quý.

Thiền sư Ryokan (1758-1831) của Nhật nói về thơ của mình như sau:

Ai bảo thơ của tôi là thơ?

Thơ của tôi không phải là thơ

Một khi đã biết thơ của tôi không phải là thơ

Khi đó ta có thể bàn luận về thơ

Các ông thiền sư làm thơ mà không nghĩ rằng mình là thi sĩ. Các ông làm thơ mà không nghĩ rằng mình làm thơ. Và thơ thiền thường là như vậy. Chỉ là một phút xuất thần ngộ đạo. Nhưng “ngộ” như thế nào, thấy cái gì, nói ra ai hiểu, mà chính mình nói ra cũng không được, vì cái mà mình thấy vượt lên khỏi ngôn ngữ, không diễn ra được bằng lời. Cho nên phải mượn thơ vì thơ có khả năng vượt lên khỏi ngôn ngữ. Trong thơ có hồn, hồn ấy đi thẳng vào trực giác của người đọc, không phải ai cũng cảm nhận được và cũng không phải ai cũng cảm nhận giống ai. Có lẽ thơ hay nào cũng vậy, nhưng thơ thiền nhắm thẳng vào tâm linh và tâm linh thì chỉ có thể cảm nhận sâu sắc qua trực giác. Dù là cùng nhìn cảnh cả, và dù nhà thơ nào cũng “đối cảnh sinh tình”, cảnh trong thơ thiền không phải là vô tình mà chính là cái tâm của sự vật hòa làm một với cái tâm của người ngắm. Đối tượng của thiền không có gì khác hơn là tâm gặp tâm, cái tâm nguồn cội sáng trong nói trong câu thơ của thiền sư Chân Nguyên:

Liễu liễu bản lai vô nhất vật

Chân nguyên trạm tịch phục hoàn nguyên

Nguyễn Duy dịch thơ:

Xưa nay vạn pháp vô thường

Chân nguyên sẽ trở về nguồn lặng trong

“Vạn pháp không hoa giai bất thực”, câu đầu của bài thơ là như vậy: mọi vật có đấy nhưng có cũng như hoa đốm giữa hư không, có mà không có thực. Biết như vậy rồi thì cái tâm vắng lặng của nguồn cội hiện ra. Câu thơ chứa đựng tính triết lý.

Rất nhiều khi câu thơ chẳng có gì triết lý, chỉ là cảnh vặt thôi, nhưng thiền vị bay lên như bướm thoát ra khỏi kén, và trực giác chợt sáng lên trong tâm của người đọc. Những phút xuất thần như thế thường nằm nơi câu cuối của bài thơ. Chẳng hạn: giữa làn mây trắng có hòn núi xanh. Thì có gì lạ đâu, cảnh vặt vẫn thấy hàng ngày. Vậy mà, lạ thật, tâm quyện lấy Phật, Phật quyện lấy tâm như núi với mây:

Phật tức tâm hề tâm tức Phật

Thanh sơn chi tại bạch vân trung

Nguyễn Bá Chung dịch thơ:

Dứt duyên đời thật thong dong

Lòng thanh tịnh sắc không chẳng lầm

Tâm là Phật, Phật là tâm

Ẩn trong mây trắng rạng tầm núi xanh

Câu thơ có thể hiểu như vậy, nhưng cũng có thể cảm nhận một cách khác, “thiền” hơn: mây trắng là mây trắng, cái ẩn sau mây trắng là núi xanh, sự vật hiển lộ như sự vật vốn thế, cái thấy không bị lăng nhăng chi phối là cái thấy thật, thấy sự vật như là sự vật. Cái thấy ấy, chính là thấy Phật. Chẳng có chữ nào là triết lý, nhưng học cả đời mới hiểu thế nào là cái tâm nhìn sự vật qua hai chữ sắc không.

Bác nông phu già nằm ngủ dưới gốc tùng, không nghe tiếng chuông chùa buổi trưa: thì có gì nhiệm mầu? Nhưng ôi, tĩnh yên, vắng lặng, cái tâm không vọng động của Nguyễn Khuyến lắng lại trong giấc ngủ buổi trưa, cả tiếng chuông cũng lắng:

Dã lão vị tri chung hưởng ngọ

Phóng ngưu sơn lộc tọa tùng miên

Nguyễn Bá Chung dịch thơ:

Lão nông đâu tiếng chuông khai

Thả trâu dưới gốc nằm say giấc nồng

Nguyễn Khuyến nằm trong quyển sách là quá đúng, vì thơ ông thấm đẫm thiền vị. Và thơ thiền, dù ở Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Hoa, không phải là chỉ của các thiền sư. Có hai mùi vị trong thơ thiền: một là để nói lên chứng đắc của mình, như một số bài thơ của các thiền sư; hai là để diễn tả cảm giác đượm chất tâm linh như phần đông thi tứ của các thi hào. Cảnh chùa thường gợi lên thi tứ như thế, cho nên trong tuyển tập của Nguyễn Duy, nhiều bài thơ được làm khi các nhà thơ viếng chùa. Người đọc giật mình khi thấy trong số các nhà thơ đó có cả bà chúa của “cõi tục” là Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương cũng làm thơ thiền? Thì hãy xem bà leo lên núi Đông Sơn. Bà thấy gì ngoài mây khói sông nước và cò trắng?

Ngộ đạo cao tăng huề tích khứ

Hiển thân cổ Phật đáo kim truyền

Đăng lâm độc bộ cao sơn thượng

Thừa hứng lâm lưu nguyệt mãn thuyền

Nguyễn Duy dịch thơ:

Cao tăng cầm gậy viên thông

Hiện thân Phật tổ giữa lòng thế gian

Một mình dạo núi Đông Sơn

Trào dâng thi hứng, trăng tuôn đầy thuyền

Nếu hồn thơ của các nhà thơ lớn Việt Nam ở các thế kỷ trước cũng đầy thiền vị như thế thì đúng là mùi thiền đã đi vào hồn dân tộc và văn học Việt Nam như hương hoa sen lan khắp mặt hồ.

Cái thú đọc thơ thiền chữ Hán khiến tôi thông cảm với cái khó dịch thơ, nhất là dịch thơ ra tiếng nước ngoài. Tôi chỉ lấy một trong nhiều ví dụ: dịch thế nào cho đúng nghĩa và thật gọn từ “vô vi” gặp nhiều lần trong sách? Trong đạo Lão, “vô vi” không phải là không làm gì, mà là “vô vi nhi vô bất vi” , nghĩa là “không làm gì nhưng không có cái gì là không làm”. Trong đạo Phật, “vô vi” là làm mà “vô chấp”, “vô trụ”, làm trong trạng thái an nhiên, tự tại, không vướng mắc, xa lìa mọi nhân duyên tạo tác. Chỉ nói tóm tắt như vậy mà đã khó dịch, huống hồ là tìm cho được một từ, hai từ, để đưa vào cho đúng một câu thơ? Dịch là “non-doing” như trong sách là dịch chữ chứ không đúng nghĩa, dịch là “non-forcing” như Alan Watts e đạt hơn chăng?

Cao Bá Quát cũng có một câu thơ khó dịch khi dường như ông đem tích “niêm hoa vi tiếu” của thiền tông vào thơ. Trong một hội chúng ở núi Linh Sơn, đức Phật cầm một bông hoa đưa lên, chẳng ai hiểu Phật muốn nói gì, chỉ một mình Ca Diếp mỉm cười. Thiền tông lấy tích đó làm nguyên tắc, thiền đạo không truyền bằng lời, chỉ “tâm truyền tâm”. Cao Bá Quát lên chơi núi Sài buổi chiều sau cơn mưa, đề thơ trên vách đá:

Bình sinh lãng tích na trùng vấn

Thủ bả liên hoa tiếu tự tri

Nguyễn Duy dịch thơ:

Dấu xưa chi hỏi nhiều lời

Cầm sen mình tự mỉm cười với sen

Buổi chiều, mưa tạnh, mây núi giăng bốn phía, ông phải vạch rêu tìm dấu chân của người xưa, gọi thắp đèn để đọc văn bia còn đó, vậy hoa sen nào trong tay mà cầm? Mà cười? Ông cười mà tự biết. Ông biết cái gì? Ông cười với ai? Với ông? Hay với Ca Diếp? Ôi, khổ thay, ngôn ngữ đã hạn hẹp, mà ý thiền thì bao la, người nước ngoài làm sao thấm được câu thơ của ông Quát khi dịch ra tiếng nước ngoài?

Khép lại quyển thơ, tôi trở về với băn khoăn khi mở sách, đọc bài thơ đầu của Nguyễn Trãi, Du Nam Hoa Tự, với hai câu cuối dính với gốc thiền:

Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy

Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần

Nguyễn Duy và Nguyễn Bá Chung dịch thơ:

Tào Khê tuôn chảy một giòng

Tẩy cho muôn kiếp sạch bong bụi trần

Tào Khê là tên con suối chảy qua chỗ Lục tổ Huệ Năng ở. Thế còn “Nam Hoa Tự”? Chú thích trong sách: Nam Hoa là một ngôi chùa lớn ở huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hồi nhỏ, tôi học sử, ghi tạc trong lòng câu nói của Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi, khi bị quân Minh bắt giải qua Tàu. Đến ải Nam Quan, thấy Nguyễn Trãi đi theo, khóc lóc, Phi Khanh nói: “Con trở về, báo thù cho cha, rửa nhục cho nước, đi theo khóc lóc mà làm gì?” Vậy Nguyễn Trãi đi qua Tàu lúc nào mà viếng Nam Hoa tự?

Câu hỏi thuộc về lịch sử và văn bản học, không dính đến thiền nữa, tôi khép quyển sách đẹp và mong mỏi được các nhà chuyên môn về sử chỉ cho.

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/tho-thien

Comments are closed.