Tưởng nhớ Võ Hồng nhân 100 năm ngày sinh

Thụy Khuê – Nguyễn Huệ Chi

Nhân 100 năm sinh nhà văn Võ Hồng, trong điều kiện không có tài liệu trong tay và cũng không đủ thì giờ để viết một bài thật nghiêm túc về nhà văn mà tôi dành nhiều ưu ái khi bắt đầu tìm hiểu về văn học miền Nam vào một năm sát trước thời điểm 1975 cũng như sau đó – một nhà văn có trong sáng tác của mình đôi mắt nhìn đời nhân hậu và khả năng khai thác những góc khuất éo le trong cảnh ngộ tầng lớp trí thức trung lưu, đứng trước dòng thời cuộc bão tố 1945-1975 ở một vùng đất nghèo miền Trung, đặc biệt trong đó là một ít người được đưa đẩy đến với cuộc cách mạng và kháng chiến mà không xốc nổi, dù chịu bao nhiêu sóng gió xiêu liêu vẫn đọng lại trong tâm hồn một thứ ánh sáng riêng khó lẫn với những lớp người khác – tôi xin chuyển đến trang Văn Việt mục từ cô đọng về Võ Hồng của nhà nghiên cứu Thụy Khuê viết chung với tôi trong Từ điển văn học bộ mới (Nxb. Thế giới, 2004). Phần đóng góp của Thụy Khuê trong bài là chính, tôi chỉ được phân công viết về truyện dài Hoa bươm bướm có liên hệ đến Như cánh chim bay của ông.

Theo hiểu biết của bản thân mình thì cho đến hôm nay tiểu luận ngắn này vẫn là tiếng nói sau cùng về văn nghiệp Võ Hồng.

Hy vọng đây là một chút của tin gửi đến hương hồn nhà văn, mặc dầu sách xuất bản khi Ông còn tại thế.

Nguyễn Huệ Chi

VÕ HỒNG

(Sinh 5.V.1921). Nhà văn Việt Nam, giấy tờ ghi ngày sinh như trên nhưng ngày sinh thật là 21.I.1922. Ngoài tên thật thỉnh thoảng dùng bút danh Võ An Thạch, sinh tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Con ông Võ Hiển điền chủ và bà Lê Thị Cận. Thuở nhỏ học trường làng (1929-32) sau lên trường quận Tuy An học một năm, rồi trường tỉnh Sông Cầu (1933-36). 1936-40 vào Trường trung học Quy Nhơn rồi ra Hà Nội tiếp tục học (1940-43). Thời Chính phủ Trần Trọng Kim*, làm Bí thư Tòa Tổng đốc (bốn tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Bình Thuận và Ninh Thuận), đóng tại Đà Lạt. Trong thời kháng chiến, làm Hiệu trưởng Trường trung học Lương Văn Chánh ở Phú Yên. Kết hôn với cô giáo Phan Thị Diệu Báu. Sau 1954, ở lại thành phố Nha Trang, vừa dạy học, vừa viết văn. Võ Hồng viết rất sớm, truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy (Tân dân, Hà Nội) từ 1939, ký tên Ngân Sơn. Nhưng mãi 20 năm sau, tác phẩm đầu Hoài cố nhân mới ra mắt người đọc. Võ Hồng đã cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn, Văn hữu, Mai, Giáo dục phổ thông, Giữ thơm quê mẹ, Tin văn, Tân văn,… Hiện ông sống tại Nha Trang.

Tác phẩm đã in: Truyện ngắn có: Hoài cố nhân (Ban mai, Sài Gòn, 1959), Lá vẫn xanh (Thời mới, Sài Gòn, 1962), Vết hằn năm tháng (Lá bối, Sài Gòn, 1965), Con suối mùa xuân (Lá bối, Sài Gòn, 1966), Khoảng mát (An Tiêm, 1966), Bên kia đường (Mặt trời, 1968), Những giọt đắng (Lá bối, 1969), Nhánh rong phiêu bạt (Lá bối, 1970; Hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa tái bản, Tp. Hồ Chí Minh, 1989), Trầm mặc cây rừng (Lá bối, 1971), Trong vùng rêu im lặng (tuyển chọn lại 11 truyện ngắn trong các tập cũ, Hội Văn học nghệ thuật Nha Trang xuất bản, 1988). Tiểu thuyết có: Hoa bươm bướm (Lá bối, 1966; Nxb. Trẻ tái bản, TP. Hồ Chí Minh, 1989), Người về đầu non (Văn, Sài Gòn, 1968), Gió cuốn (Lá bối, 1968; Nxb. Long An tái bản có sửa chữa, 1989), Như cánh chim bay (Lá bối, 1971), Thiên đường ở trên cao (viết 1974, Sở Văn hóa thông tin Nghĩa Bình xuất bản, 1987). Võ Hồng còn có hai tập thơ: Thời gian mây bay (Nxb. Đồng Nai, 1996), Hồn nhiên tuổi ngọc (thơ cho trẻ, Nxb. Trẻ, 1983) và một tập ghi những châm ngôn chọn lọc từ các tập nhật ký: Trầm tư (Nxb. Trẻ, 1995).

Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người. Ông kể chuyện đời cũng như kể chuyện mình: trầm tĩnh, thận trọng và khiêm nhường. Một số những nhân vật trong truyện, ít nhiều, đều như có nét của tác giả: trầm mặc, lặng lẽ nhìn dòng đời trôi qua với chút chán nản, không làm gì để "xoay trở" tình thế. Võ Hồng viết về những người trung lưu, tầm thường, họ là một khối lớn trong xã hội nhưng lại dễ chìm trong đám đông, sống trôi theo dòng đời và ngậm ngùi nhìn thấy có mình trong đó. Võ Hồng viết về những người dân quê, những người ít học, thật thà, trung thành với đất đai, với giỗ tết, họ là những chân dung "bản sắc dân tộc" bằng xương bằng thịt.

Về tiểu thuyết, hai tập truyện dài Hoa bươm bướm (1966) và Như cánh chim bay (1971), viết về những năm đầu kháng chiến chống Pháp, gợi lại một quá khứ rất đáng cho người đọc nhớ và nghĩ, nó là những chân trời thơ mộng của lớp tuổi trẻ đã dấn thân quên mình. Hai tiểu thuyết nhưng cũng có thể xem như một tự truyện. Luân, vai chính, có nhiều nét giống tác giả, một thanh niên miền Trung ra Hà Nội học, làm Bí thư Tòa Tổng đốc tại Đà Lạt, không thật sự dấn thân, nhưng rồi cũng trôi vào dòng cách mạng, làm nhiệm vụ của mình trong công tác bình dân học vụ. Bên cạnh Luân là Quỳ, cô gái xuất thân từ một gia đình trưởng giả miền Nam, học trường đầm, ưa nói tiếng Tây, đi theo cách mạng nhưng có mua giúp thực phẩm cho một nữ sinh người Pháp cùng lớp học hồi Nhật đảo chính nên bị nghi ngờ, bị giam giữ, sau mới được minh oan. Cả hai gặp nhau trong kháng chiến, lúc đầu có những hiểu lầm khó chịu, dần dần thấy mến nhau. Bên cạnh hai nhân vật chính còn có Mai Trang, thiếu nữ tân thời miền Nam, ra Hà Nội học Trường Dòng, lấy chồng Tham tá, người Bắc, nhưng không có con. Gia đình chồng bắt phải cưới vợ lẽ cho chồng để có người nối dõi. Mai Trang ly dị, theo Việt minh, làm cán bộ nội thành ở Đà Lạt. Gặp được một trí thức thành thực và tự trọng như Luân, Mai Trang yêu tha thiết. Nhưng hoàn cảnh đẩy Luân lại với Quỳ. Mai Trang biết thế nên trong một cuộc bố ráp của Pháp đã nhường cái hầm bí mật cho hai người trốn nấp, tự nhận phần thua thiệt về mình. Rồi Luân và Quỳ vượt vòng vây về vùng Phú Yên tự do, làm quen với cuộc sống kham khổ thời chiến và cưới nhau (Như cánh chim bay). Qua bối cảnh một chuyện tình tay ba là khung cảnh những năm đầu cách mạng 1945-46, với những khổ đau mất mát của con người, lồng trong những bức tranh hiện thực: tổ chức văn nghệ gây quỹ cứu trợ nạn đói năm Ất dậu, không khí Hà Nội dưới còi báo động, cảnh tản cư về quê, cảnh bom đạn chiến tranh miền cao nguyên Đà Lạt (Hoa bươm bướm). Rồi tổ chức Bình dân học vụ từ tỉnh đến xã ở Phú Yên với những lớp học i, tờ, những cuộc khảo hạch 24 chữ cái ngay trên các con đường vào chợ, vai trò của những thanh niên trí thức không đảng phái trong guồng máy chính quyền cách mạng, những mối quan hệ mới giữa dân và cán bộ dần dần nẩy nở, rồi lệnh toàn quốc kháng chiến, cao trào đoàn thể: phụ nữ, phụ lão, thanh niên, nhi đồng cứu quốc, chính sách tiêu thổ kháng chiến (Như cánh chim bay). Võ Hồng có tham vọng gói trọn chiều dài và chiều rộng của lịch sử trong hai tập tiểu thuyết này với bao nhiêu hoài niệm về những gì chính mình đã sống, nhưng tiếc rằng những nhân vật chính như Luân, Quỳ, Mai Trang chưa có được độ dày tâm lý như mong đợi. Riêng Như cánh chim bay, nhiều vụ việc, nhiều nhân vật rắc rối đan cài khiến người đọc không sống ở thời ấy khó tiếp nhận mạch diễn biến của tác phẩm.

Người về đầu non (1967) và Gió cuốn (1968) có phần nổi trội hơn. Người về đầu non là một thứ hồi ức về thời trẻ của tác giả nhưng phản ánh được phần đời của nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm khởi đi từ làng Ngân Sơn, nơi tác giả sinh trưởng, từ những cuộc sống đạm bạc gắn bó tình người, với sức lao động, đất đai làng mạc; rồi cậu bé lớn lên, ra Quy Nhơn, lên Hà Nội. Người về đầu non là hành trình của một người, nhưng biết bao người có thể tìm thấy mình trong đó, những người không tên và những người có tên như Xuân Diệu*, Võ Phiến*… cũng đã đi qua hành trình này và khi trở về thấy làng xóm đã khác hẳn. Gió cuốn là một thành công khác của Võ Hồng, viết về những đổ vỡ của Thuyên (nhân vật chính) và gia đình, qua đó là sự xuống cấp của xã hội Việt Nam thời chiến, mà thế lực và tiền bạc đã trở thành những giá trị "không thể chối cãi được" trong cuộc sống mỗi ngày một leo thang xuống dốc. Gió cuốn có thể đọc như một cuốn tiểu thuyết về xã hội chiến tranh hôm qua, nhưng lại cũng có thể đọc như một tác phẩm viết về xã hội thanh bình hiện thời mà những ảo ảnh "kinh tế thị trường", "hiện đại hóa", "toàn cầu hóa" đang hiện ra với tất cả vẻ hấp dẫn nhưng cũng chứa đựng bên trong bao nhiêu là hiểm họa. Võ Hồng viết Thiên đường ở trên cao cũng với một khả năng dự báo như thế, bên cạnh lời tố cáo những hậu quả chiến tranh do người Mỹ đưa tới.

Về truyện ngắn, tác phẩm đầu Hoài cố nhân (1959) chưa có gì chứng tỏ một tài năng, với Lá vẫn xanh (1962) tác phẩm thứ nhì, lối dựng truyện đã chặt chẽ hơn, lối viết đã thoát khỏi cách viết "lưu bút" của tập trước. Nhưng phải đến tác phẩm thứ ba, Vết hằn năm tháng mới thật sự xác định bản chất Võ Hồng: một cách viết mực thước, không ưa sự cầu kỳ, một lối tả thực có phong cách riêng. Trong tập truyện này, Võ Hồng dùng nhân vật Đỗ Cúc Những bí mật của anh Đỗ Cúc để gián tiếp định nghĩa tác phong văn chương của mình. Văn cũng là người, văn sáo thì người rỗng: Đỗ Cúc, khi đi học, làm luận viết văn màu mè thì khi ra đời sống không có ý kiến, không có thực chất, dựa vào vợ như một thứ bìm bìm. Ba truyện ngắn đặc sắc của Võ Hồng là Thế giới Năm Nhiều, Tình yêu đất (trong tập Vết hằn năm tháng Dấu chân sa mạc (Con suối mùa xuân). Trong hai truyện đầu, Võ Hồng đưa ra hai chân dung nông dân Năm NhiềuLão Túc. Năm Nhiều gìn giữ và bảo tồn những ngày giỗ, tết một cách tự nhiên như ăn như ngủ, như thể tất cả những "thứ" đó có sẵn trong huyết quản, không cần phải suy nghĩ, tính toán. Năm Nhiều là "bản sắc dân tộc", là "truyền thống dân tộc" nguyên chất, chưa bị chế biến, pha loãng, khuếch đại thành lời. Lão Túc là một chân dung nông dân khác. Lão Túc gắn liền với đất. Lão là người của đất. Đối với lão, đi làm nương về mà được hỏi: "Ở dưới đất về đó hả?" là lão "mát bụng". Lão thương yêu, cưng chiều, thờ phụng "đất" như một chân lý tuyệt đối. Đứa con lão bỏ làng theo gái, lão nguyền rủa thị thành. Lão ngậm tất cả những cực nhọc trong cuộc đời mà vẫn vui vì tình yêu đất. Lão Túc đồng hóa mình với đất. Lão chết cũng vì đất, vì con rắn hổ mang sổ từ lòng đất. Tiếng nói cuối cùng của lão cũng dành cho đất. "Miếng đất gò Đình… thằng…". Truyện Dấu chân sa mạc, Võ Hồng viết về cuộc đời Cô Ba Hường, một người đàn bà góa, xinh đẹp, giàu có, keo kiệt, khôn ngoan quá mức. Cô Ba Hường là một nàng Kiều hiện đại, với tất cả những nét xấu và tốt của con người. Ba Hường phải tranh đấu với tất cả những thủ đoạn, những ham muốn, những ghen tuông, dị nghị của người làng. Và cuối cùng, Ba Hường thua cuộc, nhan sắc tàn phai, cô chết trong sa mạc cô đơn và nghèo khổ. Chết ngồi bệt xuống đất, đầu ghếch lên một góc tường. Chết cứng hồi nào không ai biết. Dấu chân sa mạc là truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng. Ở đây, vẫn lối viết ôn hòa, bình dị, lặng lẽ, ông đã tìm đến những nỗi đớn đau sâu khuất trong con người bị dằn vặt trong một thế giới nhân sinh không bao dung và ngấm ngầm tội ác.

Comments are closed.