Về một câu đối chữ Hán tôi viết về cha, Phan Khôi

Phan Nam Sinh

Vào ngày Trùng Cửu năm Kỷ Mão (1999), tôi được một anh bạn đồng hương gửi tặng cuốn Bảo An – Đất và Người của Nhà Xuất bản Đà Nẵng, do tập thể tác giả Phan Nam, Lương Ngọc Châu, Phan Văn Hường, Phan On biên soạn cùng với sự cộng tác của nhiều người là con cháu tộc Phan – Bảo An đang công tác ở mọi miền đất nước. Bên cạnh một số người thuộc hàng em hoặc con ông được vinh danh như các nhà cách mạng Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Triêm, nhà báo Phan Thao; cuốn sách cũng đã dành một số trang giới thiệu tiểu sử và văn nghiệp của cha tôi, xem ông là nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức lớn của quê hương mình. Đó là điều mà hơn bốn mươi năm về trước, những ai từng đọc các bài phê phán ông không thể ngờ tới. Tôi nhận ra tên tuổi, sự nghiệp cha tôi vẫn sống và sẽ còn ở lại lâu dài với quê hương, họ hàng, con cháu cho dù đã nhiều năm người ta cố lờ đi như ông chưa từng hiện diện trên đời. Tôi lại nhớ tới câu đối tôi viết hồi ông qua đời và thế là đúng bốn mươi năm sau, tôi lại có thêm một câu đối khác cũng viết về ông. Lần này tôi viết bằng chữ Hán, với tâm trạng vui hơn nhưng vẫn thắc thỏm lo không chắc sẽ được số đông, trong đó có các anh chị tôi chấp nhận. Câu đối ấy như sau:

Nguyên văn:

潘公 眷 族 山 河 在

越 國 章 民 世 代 存

Phiên âm:

Phan công quyến tộc sơn hà tại

Việt quốc chương dân thế đại tồn

Dịch:

Cụ Phan gia quyến lưu sông núi

Non Việt Dân Văn tục vạn đời

Tôi tuy có thời gian học Trung văn theo chương trình phổ thông và có được cha tôi dạy thêm Hán văn vào những dịp hè nhưng viết câu đối bằng chữ Hán, thì chưa. Bởi vậy, tôi chọn hình thức câu đối thơ cho dễ viết. Viết xong, tự tôi thấy còn non nớt và cứ gờn gợn thế nào ấy. Hình như là có hơi lộng ngôn nhưng chữa đi chữa lại nhiều lần vẫn thấy không ổn, đành cứ để vậy.

Quả nhiên, khi đọc cho ông anh thứ hai của tôi nghe, anh chỉ mỉm cười, phán gọn lỏn hai tiếng không ổn mà chẳng nói gì thêm. Tuy vậy, không lâu sau tôi vẫn dùng bút lông viết câu đối lên tờ giấy A4. Tôi không quen viết bút lông nhưng nghĩ mình là con Cụ Tú như các bạn gọi vui, chữ dẫu cho không đẹp cũng còn hơn là nhờ người khác viết nên đã lồng khung kính treo trang trọng nơi tường nhà, ngay sát câu đối tôi viết trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội chịu tang ông. Cũng có lẽ vì tôi đã đưa được hai chữ Chương Dân, bút hiệu của cha tôi mà tôi dịch là Dân Văn vào câu đối bởi tôi hình dung ông như một nông phu, ngày đêm cặm cụi trên cánh đồng văn bút nhưng không chắc đã gặt hái được gì bởi quyền năng đâu phải lúc nào cũng thuộc về ông.

Câu đối này của tôi đã được đăng báo Tuổi trẻ cuối tuần, ra ngày 17 tháng 3 năm 2013. Ấy vậy mà lạ thay, một lần đọc trên mạng, lại thấy người ta bảo là của ai đó viết tặng Phan Khôi.

Tôi viết mấy dòng ngắn ngủi này cốt để khẳng định câu đối chữ Hán trên, dẫu không hay, thậm chí còn non nớt nhưng nó là của tôi, viết để tưởng nhớ cha tôi Phan Khôi, chứ không phải của ai khác viết tặng ông như ai đó đã nhầm!

10-1-2020

image

Comments are closed.