Kinh thưa quí vị quan khách, kính thưa quí văn hữu,
Tôi rất tiếc không thể tham dự buổi phát giải văn học của mạng lưới Văn Việt, dù may mắn được bầu chọn nhận giải thi ca năm 2016. Tôi xin phép được cậy nhờ nhà thơ Ý Nhi đọc đoạn viết ngắn này, với mục đích cảm tạ và chia sẻ tâm tình, thuần túy trong tâm tình của người mến mộ văn chương.
Xin cho phép tôi được lược bỏ những rào đón rườm rà, những quy tắc lễ phép xã giao không cần thiết, vì hầu như những chuyện đó giả dối và vô nghĩa trong giới nghệ thuật. Xin cho tôi được thành thật nói lên đôi điều dù thô thiển hoặc khó nghe.
Trước hết, tôi xin cảm tạ mạng lưới Văn Việt đã thành lập những giải văn học với tấm lòng yêu mến văn chương Việt, dù quí vị phải cưu mang một truyền thống xã hội văn chương tương tế đầy phức tạp và một hệ thống chính trị văn chương đầy áp lực. Cảm ơn những văn hữu mà tôi không biết tên, đã bầu chọn thơ Ngu Yên, dù loại thơ này, hiện nay, còn rất xa để đến mức thành đạt. Đây không phải là lời nói khiêm nhường. Có ai trong chúng ta có thể tự nhận bản thân đã thành đạt văn chương?
Tiếp theo, tôi xin hết lòng cảm ơn những ai còn đọc thơ, giữa lúc thơ, từ gần cuối thế kỷ 20, đã được dời sang một thế giới khác, không được ca ngợi như thế giới thần linh, không được xem trọng như thế giới vật chất, không được sợ hãi như thế giới ma quỷ, không được ưu ái như thế giới đàn bà, trẻ em, đàn ông và chó.
Cảm ơn quí vị còn đọc thơ, vì đọc thơ là chuyện tôi muốn hỏi quí vị và các văn hữu trong cuộc độc thoại này. Câu trả lời sẽ thành đối thoại không cần nói ra, chỉ giữ lại để cảm thông vì sao thơ đang than khóc trong thế giới bên kia.
Có đúng không, khi thi sĩ Wislawa Szymborska nói rằng, “Có lẽ, trong một ngàn người, chỉ được hai người đọc thơ”? Đó là chuyện của thế giới. Trong đời sống người Việt, bao gồm hải ngoại và quốc nội, có phải trong mười ngàn người, may ra có vài người đọc thơ? Trong bài Thiểu Số Thích Thơ, bà Szymborska còn nghĩ rằng, những người đọc thơ, đa số thích thơ như thích phở gà, như thích lời khen, như thích khăn quàng cổ … Còn chúng ta? Đọc và thích thơ như thế nào? Đa số chúng ta thích thơ như thế nào, đa số sáng tác sẽ nghiêng về hướng ấy. Đáng quan tâm hơn, nếu chúng ta có vị trí hoặc cơ hội phát tán thơ đến người đọc, hãy gửi thơ đi như thế nào mà lòng không ái ngại khi đọc lại. Thơ không cần nhiều, vì người đọc chẳng ai cần gặp nhiều người chết. Họ muốn gặp những người sống độc đáo và thú vị. Thơ sống dĩ nhiên khan hiếm. Một trong những lý do, tại sao một ngàn người chỉ có hai người đọc thơ? vì một ngàn bài thơ chỉ có hai bài sống và 998 bài chết.
Vào đầu thế kỷ 21, thơ toàn cầu lâm trọng bệnh, và càng nan y hơn trong xã hội người Việt, dù người sáng tác khắp nơi vẫn hồ hởi, nhưng người đọc khắp nơi tự nhiên, tự động tìm sang lãnh vực khác: xem facebook thấy khoái hơn, xem youtube học hỏi nhiều hơn, xem phim ảnh vừa thỏa mãn tâm tình vừa thỏa mãn trí tuệ, còn đọc thơ? Có gì để đọc? Nếu nghĩ xa hơn, những thế hệ tương lai, với văn minh tiến bộ lũy thừa, cón bao nhiêu người sẽ đọc thơ? Lúc đó, thơ sẽ là thứ gì? Tại sao thi sĩ Allen Ginsberg nói rằng: “Thơ là một nơi mà con người có thể nói ra từ trí óc nguyên thủy của nhân loại. Đó là lối thoát cho con người để phát biểu trước đám đông những gì chỉ một cá nhân được biết.” Liệu những gì hiểu biết cá nhân của người làm thơ có nguyên thủy, nguyên bản, có thú vị, độc đáo như trên facebook, youtube và điện ảnh? Thơ dù có giá trị đến mức nào, không có người đọc, là thơ bị bỏ rơi.
Câu chuyện này chỉ có thể gợi ý vì lý luận dông dài cũng chỉ vô ích, vô nghĩa, khi nhu cầu thơ đã thay đổi, khi giá trị của thơ chưa được xét lại, khi tác dụng của thơ đã mất hiệu nghiệm, dù hành trình tang liệm thi ca sắp bắt đầu. Lời nói của thi sĩ Paul Valery sẽ được lập lại để kết thúc những lời chia sẻ của cá nhân tôi gửi đến quí vị và các văn hữu. Ông nói, “Một bài thơ không bao giờ chấm dứt, chỉ bị bỏ rơi.” Phải chăng, không chỉ người đọc bỏ rơi thơ, mà chính người làm thơ đã bỏ rơi thơ?
Xin cảm tạ quí vị, quí văn hữu và xin gửi lòng cảm kích đến tất cả người đọc.
Ngu Yên. Houston, ngày 26 tháng 3 năm 2017.