Inrasara
Giải thưởng thường niên Vanviet, riêng về thơ, đã xảy ra sự vụ phê bình “gây xôn xao dư luận”. Xôn xao này cần nhìn từ hai mặt, sáng và tối. Sáng, khi nó phần nào đó gợi tò mò cho độc giả văn chương và ngoài văn chương ngoảnh về thể loại kén độc giả này nhiều hơn. Tối, khi nó nguy cơ đẩy thơ thụt lùi về thuở Hậu-Thơ Mới.
Là sự thể rất đáng bàn.
Tiếc là hai năm qua tôi không còn hào hứng với phê bình văn chương nữa, nên tạm trích đoạn vài ý mang tính gợi mở cho một loài phê bình lành mạnh hơn.
Inrasara.
1. Phê bình “đi vào trong”
Inrasara.com, 2006:
“Phê bình [như là] lập biên bản” là hình thức phê bình “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó.
Trước một văn bản cụ thể, với tư cách người làm phê bình, tôi cố gắng ‘đi vào trong’ hệ mĩ học của nó – dù nó thuộc loài thơ cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại – để nhận ra cái ‘hay’, cái ‘đẹp’ của nó. Chứ nhà phê bình mà chỉ ưa thích cái ‘hay – đẹp’ của sáng tác thuộc hệ mĩ học mình ưa chuộng, thì vừa bất lực trước văn bản thơ lạ lẫm, vừa không tránh khỏi phân biệt đối xử với loài thơ khác mình. Đây là điều diễn ra hằng ngày, trên văn đàn, mươi năm qua.”
2. Khác biệt về hệ mĩ học sáng tạo
Trích: Song thoại với cái Mới (NXB Hội Nhà văn, 2006):
“Tại sao các thế hệ thơ [thuộc hệ mĩ học khác nhau] không thể chấp nhận nhau, dù họ đều là trí thức hàng đầu ở thời đại họ? Nhà thơ hàng đầu nữa! Huỳnh Thúc Kháng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Linh cho đến tận hôm nay: Lý Đợi, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đòi nọc Lưu Trọng Lư ra đánh roi; và trong lúc Xuân Diệu không cho thơ Nguyễn Đình Thi là thơ, thì Tố Hữu chẳng chút ngần ngại khi thò tay sửa nát bét bản thảo tập thơ thi sĩ tài hoa đậm tính cách tân này. Cũng chớ quên vụ nhà thơ Trần Mạnh Hảo kêu đích danh thơ Nguyễn Quang Thiều là loại “thơ giả cầy, thơ dịch” mà dịch rất tồi! Đinh Linh là nhà thơ Việt hải ngoại sáng giá, thế mà không ít nhà thơ trong nước kêu chữ nghĩa anh không phải là thơ. Cứ thế, tiếp tục chương trình…”
3. Kiến thức nền tảng và gu thưởng thức nghệ thuật
Báo Người Lao động, 8-2006
“Lôi kéo độc giả chung chung về phía mình để tạo thế lép cho đối phương là việc làm lập lờ thiếu trung thực và sự sạch sẽ tinh thần.
Một tiến sĩ Việt Nam không hiểu tranh Lập thể hoặc một kĩ sư điện giỏi không nghe lủng một bản giao hưởng là chuyện rất bình thường. Bởi ngay nhà phê bình thơ bậc thầy như Hoài Thanh hay nhà thơ tài hoa như Xuân Diệu cũng bất lực trước sáng tác thuộc hệ mĩ học Siêu thực (hoặc phần nào Tượng trưng) của Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh sống cùng thời cơ mà! Đó là lí do Nguyễn Hưng Quốc cho Hoài Thanh “chỉ thắng ở ván bài hiện tại mà lại thua, hơn nữa, thua đậm ở ván bài tương lai”.
Không ai dám cho là Hoài Thanh thiếu kiến thức về chủ nghĩa Tượng trưng hay Siêu thực. Khía cạnh này, có thể viện đến não trạng hay cái gu thưởng thức thơ của mỗi người.”
4. Để vượt qua sáng tạo thuộc hệ mĩ học trước đó
Phongdiep.net, 26-4-2008
Thời Thơ Mới, Hoài Thanh đã phải đọc cả vạn bài “thơ mới” để chọn ra hơn trăm bài “hay”. Nghĩa là ông đã loại bỏ 98,6 bài [thơ giông giống thơ mới, thơ mới không hay, chưa đạt] để lấy 1 bài thơ mới hay!
“Các nhà thơ hậu hiện đại Việt, tôi đã làm thao tác vứt bỏ rất nhiều để lưu lại vài cái đáng lưu. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì càng. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó bị tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó”
Trả lời phỏng vấn báo An ninh Thủ đô, số 4200, 6-9-2014
“Lâu nay, ngoài thiếu tư thế tự do và hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho… phê bình (không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng) là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/ chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết (khen hay chê) thiếu vật chứng ấy sinh ra bao hệ lụy.
Một tác phẩm mới lạ nào bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở trọn vẹn.”