Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Muốn bền bỉ được trong nghệ thuật, cần phải có một cái gì khác hẳn và hơn hẳn một thiên tài phú bẩm: những mê say, những đau khổ tràn đầy cuộc sống, làm cho cuộc sống có một ý nghĩa. Nếu không, người ta không sáng tác, người ta chỉ soạn sách.
H. Ibsen(1)
Kiệt tác Truyện Kiều khi vào đoạn kết có hai câu:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…
Chữ Nghiệp mang sắc thái đạo Phật đó được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học phân tích khá kỹ lưỡng, xoay quanh thuyết Thiên mệnh hay Định mệnh, thuyết Nghiệp báo – Nhân quả chủ yếu để nói về thân phận nhân vật nàng Kiều. Nhưng thiết nghĩ, hai câu thơ ấy, đầu tiên phải vận dụng ngay cho chính tác giả của nó. Cái Nghiệp đó, đối với Nguyễn Du, từ thời trai trẻ, đã được ông coi như “án phong lưu” mà ông phải tự nguyện mang tới suốt đời! (Phong vận kỳ oan ngã tự cư)(2). Nghiệp gì vậy? Có điều gì hệ trọng và thống thiết buộc Nguyễn Du phải bật lên lời tự vấn về giá trị sự tồn tại của ông trong cõi đời phù du này khiến nhiều thế hệ người Việt Nam phải xúc động và gắng tìm hiểu nguyên do: Trước khi chết còn lo mãi chuyện nghìn năm (Thiên tuế trường ưu vị tử tiền. Mộ xuân mạn hứng) – Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai là người khóc Tố Như? (Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Độc tiểu thanh ký).
Tìm sâu trong cả ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, may ra chúng ta sẽ lý giải được phần nào thắc mắc trên.
Trong cuốn “Khảo luận về Kim Vân Kiều”(1943), học giả Đào Duy Anh đã đưa vào phần phụ lục ba tập thơ chữ Hán với nhận định: “Về hình thức cũng như về nội dung, tôi tưởng thơ Nguyễn Du có thể để cùng hàng với thơ Cao Bá Quát và có thể đem so sánh với thơ Đường”.(3) Nhưng, như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã có dịp làm một cuộc “kiểm kê” và kết luận: “Xưa nay nói đến Nguyễn Du, mọi người nghĩ ngay tới Truyện Kiều… Theo như Mai Quốc Liên, thì đừng vì đã có Truyện Kiều mà ra lòng rẻ rúng thơ chữ Hán. Bên cạnh Kiều phần thơ này cũng là một toà lâu đài sang trọng.”(4)
Về mảng thơ chữ Hán của Nguyễn Du, dù với số lượng công trình nghiên cứu không nhiều, song một số vấn đề cơ bản về nội dung & nghệ thuật đã được đặt ra, bước đầu được giải quyết khá thấu đáo – đặc biệt là với tập Bắc hành tạp lục. (Đã có một Hội thảo Khoa học riêng: “200 năm BHTL”). Tuy vậy, hầu hết các bài thơ chữ Hán cụ thể, kể cả những bài đặc sắc nhất cũng mới chỉ được điểm xuyết, hoặc nếu được phân tích bình luận khá sâu thì cũng chỉ dừng ở góc độ giảng văn. Còn toàn bộ thơ chữ Hán Nguyễn Du với tư cách là những chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh, theo cách nói hiện đại, là kết quả của “hành vi giải thoát”, “một sự cứu vớt tinh thần… sau cơn ác mộng kéo dài”(5), đồng thời như một tuyên ngôn về nghệ thuật văn chương, một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ nghệ thuật đồ sộ, một kho “nhật ký tinh thần” phong phú làm nguồn tư liệu đáng tin cậy cho việc nghiên cứu tâm lý học sáng tác, nghiên cứu tiểu sử tác giả cùng nghiên cứu phê bình văn học theo hướng liên ngành và áp dụng các lý thuyết hiện đại… về di sản của Nguyễn Du với tư cách là Nhà văn-Nghệ sĩ thiên tài, thì hầu vẫn là một vỉa quặng quý to lớn chưa được khai thác là bao.
Đã có một số nhà nghiên cứu đề cập tới vấn đề mà chúng tôi đang trăn trở, như GS. Nguyễn Đình Chú: “Từ gốc rễ bền chặt cao độ của tình cảm và tư tưởng như thế, thiên tài Nguyễn Du đã tỏa sáng phi thường cũng theo đúng quy luật nghiêm ngặt nhất của văn chương”(6); như GS. Trần Đình Sử: “Trong số các nhà văn trung đại Việt Nam có lẽ Nguyễn Du xứng đáng nhất với danh hiệu nghệ sĩ.”(7); như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Nguyễn Du cho chúng ta thấy “hình ảnh một loại nghệ sĩ xưa nay hiếm… Là con người của những suy tư, ông mải nghĩ hơn mải sống, đúng hơn với ông, nghĩ là hình thức tốt đẹp nhất của sự sống. Nghĩ bằng thơ, cố nhiên.”(8); như nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang: “Sáng tạo nghệ thuật, đối với Nguyễn Du, đó là con đường gian truân trong sự hoàn thiện tài năng, học vấn và nhân cách, đó là sự lựa chọn chỗ đứng của người nghệ sĩ…”(9) Trên hai mươi năm trước, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương có lẽ là người đầu tiên nói tới sáng tác văn chương-nghệ thuật của Nguyễn Du với tư cách là một sự nghiệp: “Ý thức rõ nét về tài năng văn chương của mình, Nguyễn Du cũng cảm nhận một cách thấm thía cái thân phận khốn cùng mà người có tài văn chương phải cáng đáng. Tuy nhiên, xét đến cùng, ông đã coi văn chương là một lối mở thông giữa cái hữu hạn của kiếp người cụ thể với sự tiếp biến vô cùng của đời sống.”(10)
Vốn được may mắn “đứng trên vai những người khổng lồ” trong lĩnh vực Nguyễn Du học – Kiều học, trong khi ấp ủ làm bộ phim truyện điện ảnh về Tuổi trẻ Nguyễn Du, chìm đắm trong các bài thơ chữ Hán của ông, chúng tôi càng thấm thía rằng: ngành Nguyễn Du học cần phải tiếp tục “bơi” trong vùng trống mênh mông này nhiều hơn nữa, và phải bằng những cách tiếp cận mới.
Một trong những cách tiếp cận đó mà chúng tôi thấy khá tâm đắc, là phương pháp phê bình tâm lý của Charles Mauron và các khái niệm mới (hoặc làm phong phú thêm các khái niệm cũ của Phân tâm học), như: “ám ảnh”, “mạng lưới”, nhất là “huyễn tưởng dai dẳng” – hay là HUYỀN THOẠI CÁ NHÂN, “là một ám ảnh luôn luôn ở phía sau tư duy của người sáng tạo”. Ông viết: “Huyền thoại cá nhân thể hiện những quá trình tâm lý sâu xa, nó tiết lộ một chức năng tưởng tượng có liên quan tới thời gian mà người sáng tạo đã sống qua.” Và đặc biệt, ông áp dụng phương pháp “chồng lên nhau những bài thơ và tìm ra những liên tưởng, những ẩn dụ được lặp đi lặp lại như một ám ảnh.”(11) Rõ ràng là Mauron đã đưa ra một nội hàm mới của Giấc mơ, của Ám ảnh, của Biểu tượng trong hoạt động tinh thần của người nghệ sĩ mà yếu tố trải nghiệm dưới ánh sáng của trí tuệ được coi là yếu tố hết sức quan trọng, như nhà bác học người Bun M. Arnaudov trong công trình Tâm lý học sáng tạo văn học đã nhấn mạnh: từ những Biểu tượng trong giấc mơ tới những bức tranh của tưởng tượng sáng tạo là cả một hố sâu ngăn cách.(12) Đọc các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng ta có thể nhận thấy ông đã cố gắng đến thế nào để lấp đầy cái “hố sâu ngăn cách” đó, bằng kiến thức sách vở, bằng sự nghiền ngẫm đời sống & lịch sử, đào sâu vào tâm hồn mình với tư cách là một nghệ sĩ ngôn từ. Mauron cho rằng “cái Tôi xã hội” của một nhà nghệ sĩ bao gồm tất cả những chức năng không thuộc về hành động sáng tạo, như những quan hệ và hành động trong đời sống riêng tư cũng như trong đời sống xã hội. Người nghệ sĩ có những mối quan hệ mới “nối liền cá tính với những đồ vật nghệ thuật, những đồ vật này là tác phẩm của kẻ khác rồi cái Tôi, cái Tôi đến lượt mình trở nên người sáng tạo.”(13) Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, “cái Tôi xã hội” biểu hiện qua hình ảnh Tráng sĩ, Lãng tử, Du tử, Cô lữ, Chinh nhân, Kẻ tha hương, Ông quan (với các biệt danh Thanh Hiên, sư Chí Hiên, Phi tử, Tố Như tử, Nam Hải điếu đồ, Hồng Sơn liệp hộ… cùng các hình ảnh tượng trưng: Kiếm dài chống trời xanh, Thanh gươm yên ngựa, Áo xanh…); còn “cái Tôi sáng tạo” thì biểu hiện qua hình ảnh Thi nhân, Tố Như, Người đọc sách, nhất là Người suy tưởng cô đơn với mái tóc trắng (Có gì tương tự với bức tượng Le Penseur – Người suy tư của nhà điêu khắc Pháp lừng danh Auguste Rodin). “Cái Tôi xã hội” bị dày vò, buồn chán, u uất, kìm nén bởi ngoại cảnh, quan hệ xã hội không êm thắm, sự xa cách mất mát người thân, sự bất mãn với thời cuộc, cảnh ngộ cơ hàn… Trong khi đó thì “cái Tôi sáng tạo” lại âm thầm lớn lên trong tâm thức, giúp ông vượt qua mọi hoàn cảnh não lòng. Nguyễn Du không chỉ một lần bộc bạch: Ta có một tấc lòng không thể bày tỏ cùng ai (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ. My trung mạn hứng), Trăm nỗi u buồn chưa một lần được giải thoát (Bách chủng u hoài vị nhất sư. Bát muộn), Biết cùng ai bày tỏ niềm cảm xúc từ trong đáy lòng (Trung tình vô hạn bằng thùy tố. Hoàng Hạc lâu)… Nhưng điều đó không làm ông bớt đi chút nào sự quan tâm đến sự sống quanh ông. Nhà nghiên cứu Trương Chính đã từ quê hương, gia cảnh của Nguyễn Du mà “giải thích tại sao Nguyễn Du thuộc vào giai cấp thống trị mà trong thơ ca lại có mối đồng tình thắm thiết với những người vốn thuộc giai cấp khác.”(14) Chàng trai Chiêu Bảy thuộc hàng ngũ “các chàng trai tài giỏi nhất thời đại” (Phan Ngọc) được học võ thuật từ nhỏ, và giao du với một số quân ưu binh có quan hệ thân với gia đình thương thư bộ lại Nguyễn Khản, để mong họ giúp đỡ thêm về các ngón kiếm thuật. Trong khi giao du với họ, ông biết được rõ thêm về nội tình phức tạp của cung vua, phủ chúa, với các âm mưu bẩn thỉu tanh mùi máu của các thế lực chính trị. Ông dần dần hiểu ra một điều: thanh kiếm chỉ làm tăng thêm máu chảy đầu rơi, chỉ là phương tiện để củng cố quyền lực và hỗ trợ cho cái ác; trong khi đó cuộc đời lại đang cần biết bao những vẻ đẹp và sự đồng cảm từ văn chương… Tuổi trẻ Nguyễn Du trưởng thành giữa bao ly loạn, tang thương; xót xa, đau đớn cho những người thân và đồng loại, ông tìm đến văn chương như một phương tiện hữu hiệu nhằm cứu giúp cuộc đời. Và tình thương trĩu nặng đối con người- đặc biệt đối với những người phụ nữ tài hoa bất hạnh, đã chung đúc nên bản lĩnh tâm hồn ông với tư cách là một nghệ sĩ vĩ đại từ tuổi thanh xuân… Tình yêu thương chân thành từ tận đáy lòng Nguyễn Du chính là phẩm chất nghệ sĩ đáng quý nhất. Ông không bao giờ làm khách qua đường hững hờ, dửng dưng quan sát. Có thể gọi ông là thi sĩ của tình thương và lòng trắc ẩn. Bất kỳ câu chuyện thương tâm nào của người đời mà ông chứng kiến hay nghe được cũng đều có thể khiến ông rớm lệ, và thốt lên những dòng thơ nghẹn ngào. Nguyễn Du là kiểu nghệ sĩ có khả năng đánh thức trong ta tình yêu thương trân trọng con người, đánh thức khát vọng về những điều tốt đẹp, cao thượng cần có trong cuộc đời. Ngay trong thời thanh niên, khi thốt lên: Tráng sĩ đầu bạc bùi ngùi ngẩng nhìn trời, hùng tâm sinh kế đều mờ mịt cả hai (Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên), Nguyễn Du vẫn không bỏ rơi mối quan tâm của ông đến số phận mong manh của những con người thấp bé, cho cả đến cỏ cây, động vật trước những bất công, phi lí của đời; và ông đã tìm thấy trong cái mờ mịt của tương lai đó cái lý do tồn tại chính của đời mình: Văn chương. Mặc dù ông không chỉ một lần cảm thán: Văn chương nào đã dùng được việc gì cho ta? Đâu ngờ phải đói rét để người thương (Văn tự hà tằng vi ngã dụng/Cơ hàn bất giác thụ nhân liên. Khất thực), Cuộc đời trăm năm, kiết xác với văn chương (Bách niên cùng tử văn chương lý. Mạn hứng2), Một đời chuyên về từ phú, biết là vô ích. Sách đàn đầy giá, chỉ mình làm ngu mình (Nhất sinh từ phú tri vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự ngu. Mạn hứng), dù thế, ông vẫn coi đó là cái “nghiệp” không thể rời bỏ của đời mình, bởi chuyện kim cổ gợi lại bao nhiêu điều thương tâm day dứt trái tim nghệ sĩ (Vô cùng kim cổ thương tâm xứ, Mạn hứng2), và cũng bởi cũng có chút ngang tàng, muốn vẫy vùng cho phỉ chí (Tản phát cuồng ca tứ sở chi). Và ông vẫn mê mải đọc sách: Thì giờ đi trên đường gió bụi, một nửa là dành đọc sách (Khách lộ trần ai bán độc thư). Với ông, đọc sách, mà đọc rộng hiểu sâu (bác quan, chữ của Lưu Hiệp) là cánh cửa dẫn đến tự do nội tâm, tới chiều sâu bề rộng của văn chương mà nhà thơ ấp ủ từ thủa hoa niên. Sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với nàng Tiểu Thanh chính là xuất phát từ điểm này: cần phải trả cái món nợ của “án phong lưu”, cái nợ “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”, ông không lúc nào nguôi niềm ước vọng trả hận cho mối sầu Kim Cổ trót mang theo bên những góc trời lận đận… Nguyễn Du từng than thở là “tiếu đề tuẫn tục” nghĩa là phải chiều theo đời, trong cả tiếng cười tiếng khóc, nhưng ông lại được tự do suy nghĩ, sống với nội tâm mình, tự do thả tâm hồn đến với thiên nhiên mà ông đắm đuối – nhất là Núi: Ta vốn có tình yêu núi đến độ say mê (Túc hữu ái sơn tích. Tiềm sơn đạo trung), sau đó là những dòng sông… Qua nhiều năm tháng, đầu bạc rồi mà dấu chân còn in khắp núi sông (Bạch đầu túc tích biến sơn xuyên. Hàm Đan tức sự), trong bao giấc mơ của người nghệ sĩ đã chất chứa những giấc mơ của một Nhân quần lớn – khát vọng san bằng mọi bất công và xóa bỏ bất hạnh cho con người, để tạo một môi trường sống mà ở đó sự trung nghĩa được đối xử xứng đáng, không còn cảnh thù hận giết chóc, huynh đệ tương tàn bởi quyền lợi danh vọng… Nguyễn Hành, người cháu ruột, tri kỷ tâm giao của Nguyễn Du khi khóc ông đã hiểu rõ niềm khắc khoải của ông trong cuộc hành trình tìm người “cùng hội cùng thuyền” ở miền “sinh ký”, nhất là, đã hiểu hơn ai hết chất nghệ sĩ nơi ông: Nhất thế tài hoa…
Một tiểu luận khá công phu về Nguyễn Du có đoạn viết: “Đó là con người đi giữa cuộc đời cảm thấy cái gì cũng tạm bợ, dở dang, lỡ làng, bế tắc, chân bước đi mà lòng cứ ngập ngừng, muốn dấn thân lại cứ quay đầu về chốn cũ, muốn làm việc lớn, cái nhỏ nhặt đời thường cứ níu lấy. Tự mình cảm thấy như bị bỏ rơi, bị đày ải, bị lãng quên… sinh ra chán chường, âu lo, tuyệt vọng.”(15) Nhận xét này đúng, song mới dừng ở bề nổi, ở cái được biểu hiện của sự vật & hành động do chính tác giả bộc bạch, miêu tả. Thực ra, chân dung tinh thần nổi bật nhất, rõ nét nhất của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán chính là sự cố “ghìm hãm”, “kìm giữ”, “chế ngự” theo kiểu Phân tâm học đối với nỗi buồn, sự bất mãn với những điều bất như ý đã/ đang diễn ra quanh ông, để âm thầm đi tìm sức mạnh của văn chương, để nghiền ngẫm ý tưởng và dùi mài từ ngữ, nói như nhà phê bình phân tâm học người Pháp G. Bachelard: “nhằm tìm thấy bí mật của sự mơ mộng… bằng một sức mạnh Phân tâm học.”(16) Và C. G. Jung, nhà phân tâm học nổi tiếng người Thụy Sĩ đã như viết riêng về thi hào Nguyễn Du: “Từ sự không thỏa mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thương và què quặt của tinh thần hiện đại”… Người nghệ sĩ mang “Mặc cảm tự trị sáng tạo”(17) để dẫn tới “Sự trở về huyền bí”(18) và sau đó trở thành “người giáo giáo dục của thời đại mình.”(19) Bởi không tìm hiểu, khám phá thơ trữ tình Nguyễn Du một cách kỹ càng thấu đáo, lại vận dụng phân tâm học một cách vội vã, nên một nhà nghiên cứu trước đây tuy đặt được một cột mốc mới trong việc nghiên cứu Nguyễn Du từ con người hữu thức đến con người tiềm thức, đã miêu tả ông như “một kẻ tuỳ thời, ích kỷ, nhút nhát thích an nhàn, mơ giàu sang, sợ biến cố và tranh đấu, an phận thủ thường.”(20)
Trở lại với phương pháp chồng văn bản của Mauron đã giới thiệu trên, chúng tôi nhận thấy cái “ám ảnh cố định”(21) trong thơ chữ Hán Nguyễn Du có thể hệ thống thành các “cụm hình tượng” và “mạng lưới liên tưởng” chủ yếu như sau: 1. Người lữ thứ cô đơn, phiêu bạt. 2. Sông. 3. Núi. 4. Cảnh thú điền viên, hành lạc. 5. Đầu bạc. 6. Lo nghĩ chuyện mưu sinh. 7. Những nấm mộ, đền thờ. 8. Hoạt động sáng tạo văn chương. (Chúng tôi sẽ quay lại chủ đề này trong các dịp khác với việc chồng văn bản một số tác phẩm thơ chữ Hán của Nguyễn Du). Ở đây không chỉ là các đề tài, những đề tài phần lớn vốn quen thuộc trong thơ ca phương Đông qua đó làm cái cớ cho Nguyễn Du gửi gắm suy tư cảm xúc, mà chúng còn làm nên nội dung trực tiếp của một loại thơ ca tránh xa sự ước lệ, tính chất thù tạc, tụng ca, ngâm vịnh; nếu có gì “ngôn chí” thì chỉ có cái khát vọng lớn nhất, âm ỉ dai dẳng trong tâm hồn nhà thơ: cái lưu lại với lịch sử, cái để lại của một đời người sẽ là gì?
Thi thành thảo thụ giai thiên cổ
(Bài thơ làm xong, cây cỏ nơi này cũng trở thành bất tử)
Khi Nguyễn Du viết: “Đầu bạc chỉ lo chuyện cơm áo” (Bạch đầu sở kế duy y thực. Dạ tọa) thì ta không thể hiểu một cách đơn giản như thế, mà cần hiểu ông còn phải lo điều lớn hơn nhiều, nó khiến ông rất thẹn trót lỗi thề với khóm trúc tảng đá, để đêm khuya băn khoăn một mình đối bóng” (Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh/Trù trướng thâm tiêu cô đối ảnh. Tống nhân); ông thẹn bởi đã sống giữa các con oanh đẹp ở vườn thượng uyển hay ghen ghét nhau vì sắc (Thượng uyển thanh kiều đa đố sắc) mà đôi lúc quên đi cái điều thường vẫn “dùi mài một thân”… Khi ông bảo: Bệnh cũ mười năm không ai thăm hỏi (Thập niên túc nhật vô nhân vấn), hiểu như cách giải thích của người làm sách là nói về chí phục quốc của ông(22), theo chúng tôi là rất sai lệch! Bệnh ấy, chính là nỗi trăn trở về văn chương, mà cũng trong bài Ngọa bệnh ông đã nói rõ: chưa từng có chuyện văn chương gây nghiệp chướng, miễn là không để cho bụi bặm lẫn vào nơi trong sạch (Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng/ Bất dung trần cấu tạp thanh hư)- tức là không để thói đời xấu xa quấy đảo, lấn át tâm tư chí hướng mình. Hiểu thế, nên ông hết sức thanh thản, dù thần ôn vào nhà muốn bắt vía người, chuột đói leo giường găm sách vở (Lệ thần nhập thất thôn nhân phách/ Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư), bởi tinh thần đã về chỗ hư không (Điểm điểm tinh thần du thái sơ). Dễ hiểu vì sao ông cảm phục người Văn chương lưu truyền muôn đời, cũng là bậc thầy của muôn đời, mà bình sinh bái phục không lúc nào xa rời. Dù chúng ta ở hai thời đại khác nhau, nhưng thương nhau, luống lơi lệ; ông cùng khổ đến thế phải chăng là do thơ hay? (Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư)/Bình sinh bội phục vị thường ly/Dị đại tương liên không sái lệ/Nhất cùng chí thử khởi công thi? Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ1). Nhưng Thơ hay đâu phải vì cùng khổ, mà bởi đã thực hiện một cách kỳ diệu quá trình kết hợp tâm hồn “tràn đầy năng lượng” (Jung) với sự thật khách quan dù cay đắng, trần trụi, tàn nhẫn đến đâu (thần dữ vật du)- như Lưu Hiệp đã yêu cầu trong Văn tâm điêu long. Ông tự coi là người “đồng bệnh tương liên” với tác giả Sở từ – áng văn chương hay nhất tới nghìn đời sau (Sở từ vạn cổ thiện văn chương): Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình. Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào? (Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh/Tứ phương hà xứ thác cô trung. Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu2). Đi qua sông Tương, Nguyễn Du lại rưng rưng nghĩ về Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương. Nghìn thu vạn thu trong suốt thấy đáy. Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm (Khuất Nguyên tâm, Tương giang thuỷ/Thiên thu vạn thu thanh kiến để/Cổ kim an đắc đồng tâm nhân. Biện Giả).
Cũng giống như tác giả bài viết đã dẫn trên, nhiều nhà nghiên cứu khác nói rất kỹ, rất sâu sắc và rất hay về sự bơ vơ, lạc lõng, bế tắc, tuyệt vọng, những hành trình nhọc nhằn và khắc khoải của Nguyễn Du, song hầu như đều bỏ qua nỗi đau đớn nhất của ông khi vì một lý do gì đó khiến ông phải rời xa tạm thời cái “thiên khải” lúc nào cũng bừng cháy thôi thúc tận đáy hồn ông, ít nhất là khiến ông mất sự thanh thản để quan sát đời sống, quan sát bản thân mình để rút ra cái đẹp của Văn chương từ ngay trong những nhốn nháo của thế sự, từ cuộc đời trăm năm biết bao nhiêu chuyện thương tâm (Bách niên đa thiểu thương tâm sự. Giang đình hữu cảm). Bởi, nhìn ra thời cuộc và ngẫm về thân thế mình sau những bôn ba lấm bụi hồng, tuyệt vọng và lẩn tránh trong đạo thần tiên đều chẳng dẫn tới điều gì có ý nghĩa, ông mỗi lúc một thấm thía: cuộc vui buồn trăm năm bao giờ mới hết? Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng vừa (Bách niên ai lạc hà thời liễu? Tứ bích đồ thư bất yếm đa. Tạp ngâm1), rồi tự động viên mình: Được nghe đạo lý rồi chết cũng cam, Ham mê sách còn hơn đắm đuối vì hoa (Văn đạo dã ưng cam nhất tử, Dâm thư do thắng vị hoa mang. Điệp tử thư trung). Có lúc, ta thấy tinh thần ông thực sáng láng, niềm vui không phải tự “gồng” mình lên, còn tự trào bằng nụ cười hóm hỉnh, như phần nào tạm thỏa mãn tâm lý sáng tạo trong cái lẽ sống văn chương đã “ngộ” được trong chốn bần hàn: Đầu sông Long Vĩ có một căn nhà, Người ẩn ở đó đang buồn cực độ, bỗng trong lòng thấy vui. Cõi lòng người khoáng đạt, sáng tỏ như vầng trăng. Trước cửa nhà ẩn dật toàn là núi xanh. Cạnh gối, có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật. Trước đèn, uống chén rượu cho sắc mặt tiều tuỵ tươi tỉnh lên. Suốt ngày, bếp không đỏ lửa, Ngoài cửa sổ, đoá cúc vàng tươi tốt có thể ăn được (Long Vĩ giang đầu ốc nhất gian/cư sầu cực hốt tri hoan/ Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt/Xử sĩ môn tiền thanh giả san/ Chẩm bạn thúc thư phù bệnh cốt/Đăng tiền đấu tửu khởi suy nhan/Táo đầu chung nhật vô yên hoả/Song ngoại hoàng hoa tú khả xan. Tạp ngâm 2). Tháng tám, cảnh thu già lặng lẽ. Khí trời mênh mang, nửa râm, nửa nắng. Bụi trúc cao, gió thu thổi, tiếng sáo trời nổi lên. Hoa cúc sau trận mưa, rơi xuống như rắc vàng trên mặt đất. Khí lạnh ở rặng núi xa thấm vào giấc mộng người du tử. Nước đầm trong vắt như lòng chủ nhân. Ra cửa, bước thong thả, ngắm sắc thu. Thấy một nửa ở trên giải rừng phong mé đầu sông (Mạc mạc thu quang bát nguyệt thâm/Mang mang thiên khí bán tình âm/Thu phong cao trúc minh thiên lại/Linh vũ hoàng hoa bố địa câm (kim)/Viễn tụ hàn xâm du tử mộng/Trừng đàm thanh cộng chủ nhân tâm/Xuất môn từ bộ khan thu sắc/Bán tại giang đầu phong thụ lâm. Tạp ngâm3). Ba bài Tạp ngâm đặc sắc này (hầu như mới chỉ được nhắc qua trong các bài viết về thơ trữ tình của Nguyễn Du) đều có nói về sách vở, về lòng ham đọc sách và ham viết, về tình yêu thiên nhiên như cái trụ đỡ chắc chắn giúp ông thấy vầng trăng sáng, bầu trời thu trong vắt lặng lẽ in đáy nước như nó vốn thế và soi tỏ tâm hồn ông, tựa một nguồn sức mạnh tinh thần không bao giờ vơi cạn. Đến thành Lạng Sơn, chuẩn bị cuộc Bắc hành gian khổ, Nguyễn Du không hề có cảm giác biên tái lạnh lẽo từng quen thuộc trong thơ ca nhiều thời, mà ngược lại, Mây đá Đoàn thành chiều hôm nay như có ý đợi ta (Ðoàn thành vân thạch tịch tương hậu). Và nghĩ tới quê nhà Hồng Lĩnh, Nguyễn Du thốt lên: Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt, bởi trong tráp đã có ngọn bút sắc như đao (Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn/Khuông trung huề hữu bút như đao. Lạng thành đạo trung). Tình cảm quê hương dù nồng thắm, Nguyễn Du cũng tạm gác lại, dồn cả tinh thần vào ngọn bút với tư thế hăm hở sẵn sàng cho một cuộc chiến không phải bằng gươm giáo mà bằng nghệ thuật ngôn từ.
Các nhà văn thế giới xưa nay đã nói rất nhiều đến sự thôi thúc sáng tạo có tính sống còn, chắc chắn là hết sức gần gũi với sự sáng tạo văn chương của Nguyễn Du, chỉ xin đưa vài ví dụ: “Thi sĩ chỉ được quyền làm thơ khi anh ta chìm ngập trong cái tình cảm đang không để cho anh ta yên ổn và đe dọa tiêu diệt anh ta, nếu nó không được bộc lộ ra. Hepben”(23)– “Đối với người nghệ sĩ tác phẩm nghệ thuật trước hết là một sự giải thoát (délivrance). Nghệ sĩ là con người mà trong suốt cuộc đời mình đã tích lũy được cảm xúc, song không có chỗ dùng trong các công việc của mình. Các cảm xúc này bóp nghẹt anh ta, làm ngập tâm hồn anh ta tới mức tột cùng…Đối với anh ta, nghệ thuật là một phương tiện bộc lộ. A. Mauroir.”(24)
Các nhà nghiên cứu thường tìm tâm sự thời cuộc của Nguyễn Du qua thơ chữ Hán (và Truyện Kiều), và gần đây hầu như đều đã thống nhất rằng: Nguyễn Du xét cho cùng chẳng băn khoăn gì nhiều về sự lựa chọn minh chúa, hay triều đại theo lối “trung thần bất sự nhị quân” trong thời buổi đảo điên các giá trị. Mối băn khoăn thường trực trong nhiều lúc yên lặng, ngồi một mình chỉ là Mối sầu kim cổ khó hỏi trời được cứ trôi như dòng nước đêm ngày (Kim cổ nhàn sầu bất trú lưu. Đồng Lung giang), về sự Sang – Hèn, về cái Giá trị và vô Giá trị, về sự Bất tử và cái Thoáng qua, về cái Hữu hạn và Vô hạn của đời người – những câu hỏi nhiều khi siêu hình của một triết gia mang tâm hồn nghệ sĩ. Ông “đem cái bệnh của thời đại làm cái bệnh của chính mình” (Xuân Diệu). Đôi khi ông tạo ra cái vỏ bọc là người ưa thanh nhàn của đạo sĩ, thích săn bắn, câu cá, rong chơi, thì để che dấu cái chí hướng âm ỉ bên trong. Nếu ông có than vãn cảnh phù sinh vất vả, thì cũng là lời than vãn theo thói quen, không làm phiền đến ai. Hơn thế, sự long đong vất vưởng của ông trên mọi nẻo đường, cũng là một cách để “tinh thần rong chơi nơi tám cõi, tâm hồn bay bổng chốn vạn tầng”, để khi cầm bút sẽ có chất liệu cho “trí tưởng tượng trôi nổi, có lúc thanh thản bồng bềnh, có khi ngụp lặn tắm táp nơi đáy suối… trong giây lát có thể quán thông kim cổ, trong chớp mắt có thể bốn biển rong chơi.”(25) Có điều, dù đường danh lợi đã làm luỵ đến sự khóc cười của ông (Danh lợi doanh trường luỵ tiếu tần), nhưng mỗi khi ông quan tâm đến những điều có liên quan tới các giá trị Nhân bản, đến Cái Đẹp đồng nghĩa với sự Tử tế, sự Cao cả đang bị cái xấu cái ác đe dọa, mỗi khi có niềm “phẫn hận” và mong “đánh giá lại các giá trị” như nhà thơ-triết gia Nietsche, thì trong ông bao giờ cũng xuất hiện một người cầm bút chuyên nghiệp tầm vóc ngang thi bá Đường Tống kết hợp với cái nhìn sắc sảo của sử gia cỡ Tư Mã Thiên: Thành quách còn đây, nhân dân đã khác. Bụi bặm mù bay làm dơ bẩn quần áo. Ra ngoài thì ruổi xe, vào nhà ngồi chễm chệ, đứng ngồi bàn bạc như hai bậc hiền thần Cao, Quỳ, không để lộ vuốt nanh sừng và nọc độc, thế mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường! (Thành quách do thị, nhân dân phi/Trần ai cổn cổn ô nhân y/Xuất giả khu xa, nhập cứ toạ/Toạ đàm lập nghị giai Cao, Quỳ/Bất lộ trảo nha dữ giác độc/Giảo tước nhân nhục cam như di. Phản chiêu hồn). Suốt đời trái tim đen tối của nó chứa đầy nọc độc. Nghìn năm cục sắt sống kia phải chịu mang nỗi oan ức thật lạ lùng! (Nhất thế tử tâm hoài đại độc/Thiên niên sinh thiết phụ kỳ oan. Tần Cối tượng2). Cái tính chất “phân tích tâm lý tàn nhẫn” (Phan Ngọc) trong Truyện Kiều phải chăng cũng xuất phát từ cách cảm thụ và phán xét của sử gia – nghệ sĩ như vậy?
Rõ ràng, Nguyễn Du đã tâm đắc sâu xa với quan niệm của nhà tư tưởng tiến bộ Cố Viêm Vũ đầu đời Thanh: “loại văn chương làm sáng đạo lý, ghi chính sự, xét dân ẩn, vui nói điều thiện của con người là loại văn chương vĩnh viễn tồn tại ở đời.”(26) Dù chỉ là hơi tàn, còn văn chương thì mảnh như sợi tơ (Văn chương tàn tức nhược như ty. Chu hành tức sự), dù sống trong cảnh phải dựa tấm thân bệnh tật lên chồng sách vở, nghĩ về những đứa con “xanh tựa rau”, ông vẫn không ngừng suy xét sự đời, chất vấn mình, vẫn tỉnh táo minh bạch để phân biệt thứ văn chương xu thời, làm dáng phù phiếm, với thứ văn chương Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương. Âu Dương Văn Trung Công mộ)- thứ văn chương mà ông âm thầm vất vưởng và say mê theo đuổi: Tạng phủ chim công có chất độc, lỡ ăn nhầm, không có thuốc chữa. Bề ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong giấu chất giết người. Người ta khen bộ nó đẹp, ta thì tiếc cho bộ lông kỳ lạ của nó. Con hạc biển cũng biết múa, nhưng chẳng để ai thấy (Khổng tước phủ hoài độc/ Ngộ phục bất khả y/Ngoại lộ văn chương thể/Trung tàng sát phạt ky/Nhân khoa dung chỉ thiện/Ngã tích vũ mao kỳ/Hạc hải diệc hội vũ/Bất dữ thế nhân tri. Khổng tước vũ). Ông thuộc loại người cầm bút như Bạch Cư Dị, “chẳng để tâm vào việc tìm chữ cho thật tân kỳ, mà chỉ viết về nỗi thống khổ của người dân” (bất vụ văn tự kỳ, duy ca sinh dân bệnh).(27) Với trải nghiệm đời mình và cảnh ngộ gia đình mình, ông càng xót thương, thông cảm sâu sắc với những người dưới đáy xã hội- ở trong nước cũng như ngoài biên giới (Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả, Trở binh hành… Cũng nên kể thêm cả bài thơ Nôm Văn tế thập loại chúng sinh). Ông nâng niu trân trọng những người phụ nữ tài hoa mà bất hạnh và dành cho họ những vần thơ rung động nhất: cô Cầm ở Long thành, người ca nữ đất La Thành, cô hầu cũ của em trai, nàng Tiểu Thanh, hai bà phi, Dương Quý Phi, Ngu Cơ… Ông kính trọng dựng lên những bức “tượng đài’ kỳ vĩ mà gần gũi xúc động về những bậc hiền tài nhưng long đong, không ít người trong số đó phải chịu oan khuất đau đớn: Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Cù Các Bộ, Liễu Hạ Huệ, Lạn Tương Như, Liêm Pha… Và cũng phẫn nộ dựng lên những bức “tượng đài” kẻ xấu kẻ ác cho muôn đời căm ghét phỉ nhổ: Minh Thành Tổ, Tô Tần, Tần Cối, Vương Thị… Đồng thời, với tư cách là một nghệ sĩ ngôn từ đủ sức đại diện cho lương tri nhân loại, ông đưa ra những phán xét, luận bàn, đánh giá đầy chân xác và hùng hồn về sự thật, về nhân cách sống, về lẽ phải trái trong đời. Tài – Tình vốn đã hòa quyện sẵn trong con người ông, mà nhờ quan sát đời sống và suy tư đã chung đúc thành những nỗi khắc khoải dường bất tận về thân phận của con người. Ông đối diện với sách vở, với sương khói mịt mù của lịch sử và với thực tế trần trụi gay gắt trong cái tâm thế thường xuyên của người cầm bút nghệ sĩ; và cũng bởi chất nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng phi thường, cộng với lao động chữ nghĩa căng thẳng, ông đã khám phá tới chiều sâu của sự thật vốn có, đồng thời khái quát thành những hình tượng nghệ thuật có sức lay động lòng người.
Từ cái nền văn hóa được hình thành từ những Kinh, Sử, Tử, Tập của Trung Hoa làm vốn liếng văn hóa chủ yếu cho các nhà nho VN cho đến đầu thế kỷ 19, nhiều nhà thơ nhà văn VN thời trung đại (cả hữu danh lẫn khuyết danh) đã vượt lên, tạo đỉnh lập ngôn bằng văn chương nghệ thuật mà Nguyễn Du là người nổi bật xuất sắc nhất. Nguyễn Du không hẳn thuộc loại nhà nho hành đạo, càng không phải là nhà nho ẩn dật, mà là “nhà nho nghệ sĩ”, lại là “nghệ sĩ lớn” có tố chất tài tử, mà cái tài tử này được quy định bởi chất nghệ sĩ tài năng- như xếp loại và đánh giá của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương trước kia và gần đây.(28)
Ở trên, chúng ta đã gặp khái niệm “những đồ vật nghệ thuật” của Mauron. Thực chất, “những đồ vật nghệ thuật” này là những chất liệu nghệ thuật mà nhà thơ thu lượm từ đời sống: những mảnh đời gợi thi hứng, những thi liệu trong sách sử, những từ ngữ dân gian có màu sắc mỹ học, kể cả những kỷ niệm, hồi ức, những ấn tượng và cảm xúc về thiên nhiên, về văn hóa, về lịch sử, v.v. – chúng được chọn lựa một cách vừa có ý thức vừa vô thức vào trong kho tàng của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, một khi Nguyễn Du luôn thường trực điều này: Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở (Trần thế bách niên khai nhãn mộng)… Nguyễn Du thừa nhận ông hay nói về cái mộng: Các bạn quen biết lấy làm lạ tại sao ta hay buồn và hay mộng. Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng? (Tri giao quái ngã sầu đa mộng/Thiên hạ hà nhân bất mộng trung. Ngẫu đề). Nhưng cái mộng của Nguyễn Du, mà ông thường gắn với cái buồn, khác nhiều với cái mộng của phần đông mọi người, thực chất là một sự “thanh cao hóa có tính sáng tạo đưa đến sự hình thành tác phẩm”- theo cách diễn đạt của Freud, cũng có nghĩa là “giấc mơ khi tỉnh chuyển tải một chuyện đã từng sống (un vécu) phức tạp và do đó lý thú, đặc biệt là để sáng tạo văn chương.”(29) Những giấc mộng ban đêm lẫn ban ngày của Nguyễn Du chắc chắn không phải là “một sản phẩm vô nghĩa của hoạt động bị nhiễu của tâm linh”, mà ngược hẳn lại, bộc lộ những “Giấc mơ là một thành quả Tâm lý riêng của người chiêm bao”, là kết quả của “sức chống đối giữa cái tôi đã thức tỉnh và cái vô thức bị chèn ép”(30), v.v. Những kiến giải phân tâm học chân xác và lý thú về văn chương- nghệ thuật vừa dẫn ra ở trên có thể minh chứng bằng toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du, trước hết là mảng thơ chữ Hán!
Nỗi cô đơn đến cùng cực nhuốm sầu đau, xa xót, chất chứa niềm khắc khoải vượt không gian và thời gian, cùng sự phẫn nộ của người nghệ sĩ được bùng “giải thoát” trong toàn bộ thơ trữ tình Nguyễn Du quả là không có nhiều trong thơ ca trung đại VN. (Những điều này cũng in đậm trong thơ Nguyễn Trãi). Trên cơ sở của một thứ “chủ nghĩa nhân đạo của sự hiểu” (Vương Trí Nhàn), Nguyễn Du đã đạt tới đỉnh cao của chữ Tâm, mà cốt lõi của nó Tình thương con người! Chữ tâm đối với Nguyễn Du lúc này là sự hoàn thiện cao nhất của nhân cách mà cuộc đời đòi hỏi, mà ông đã có được nhờ lăn lộn trong đời sống cần lao của dân tộc.
Nếu có lúc phải sống cảnh như ngọn cỏ bồng trong gió lốc, hay cây sậy nép ven đường thì tuy phải tạm dẹp cái cái hùng tâm tráng chí nhưng không thể mất đi khả năng suy tư căng thẳng- trong đó chứa phần lớn suy tư về sự tồn tại của văn chương mà đi tới đâu Nguyễn Du cũng không thôi trăn trở: Nay không thấy Nhà thơ nữa. Nhưng đọc thơ cũng như thấy người. Như hòn núi lớn đầy của báu. Như con hạc lẻ bay ra ngoài bụi trần (Thi nhân bất đắc kiến/Kiến thi như kiến nhân/Đại sơn hưng bảo tạng/Độc hạc xuất phong trần. Đề Vi, Lư tập hậu). Chúng ta chợt nhớ tới lời triết gia Pascal: Con người ta chỉ là một cây sậy, song là một cây sậy biết tư duy (L’ homme est un roseau, mais un roseau pensant). Nỗi cô đơn của Nguyễn Du tựa một ngọn cô phong, một ánh lửa chài, một cánh chim, một chiếc thuyền nhỏ trên sông, chỉ có điều đặc biệt là, cũng giống như Nietzsche, trong Nguyễn Du “nỗi cô đơn mang theo những dòng nước mắt”(31), nỗi cô đơn biết “làm một tấm bọt biển khi ta muốn được ôm ấp yêu thương bởi những trái tim lênh láng tràn bờ.”(32)
Có thể nói, theo lý thuyết của Mauron, Nguyễn Du đã đi từ cái “Tôi xã hội” đến cái “Tôi sáng tạo” một cách vất vả, đau đớn nhưng cũng đầy vinh quang! Khảo sát về sự sáng tạo sa sút đến vơi cạn của Baudelaire vào giai đoạn cuối đời, Mauron nhận định rằng: “người nghệ sĩ bị ông hoàng trừng phạt, một tiến hóa đi đến sự đắc thắng của cái Tôi xã hội đối với cái Tôi sáng tạo.”(33); ta có thể dùng nhận định này đảo ngược lại để nói về Nguyễn Du: “một tiến hóa đi đến sự đắc thắng của cái Tôi sáng tạo đối với cái Tôi xã hội.”
Nhà triết học người Hung Hamvlas Béla có những suy tưởng về nhà thơ mà chúng ta có thể tham chiếu vào Nguyễn Du: “Các triều đại lịch sử, các quan điểm thế giới quan, các khuynh hứng hành vi tinh thần nhồi nhét trong vai trò của nhà thơ. Nhà thơ là kẻ sống qua toàn bộ các giai đoạn lịch sử của thế giới, rồi chắt lọc, tập hợp lại và vĩnh cửu tất cả. Vì thế, từ quan điểm lịch sử và phát triển tinh thần, sự quan trọng của nhà thơ kéo dài đến vô tận, hơn cả ách cai trị, chiến tranh hay nạn động đất. Nhà thơ là một đại diện chân chính về tinh thần của lịch sử.”(34)
Mộng Liên đường chủ nhân viết về Truyện Kiều: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. Nhưng thiết nghĩ, nhận xét về cái bút lực của con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời kia trước hết phải dành cho phần thơ trữ tình của Nguyễn Du – cha đẻ của một “quyển bách khoa toàn thư của một ngàn tâm trạng”(35), một kiệt tác của thiên cổ, và như đánh giá khái quát của chuyên gia Thi pháp học Trần Đình Sử: “Vị trí của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam là ở chỗ nó đánh dấu sự xuất hiện của thi ca nghệ sĩ, sự thăng hoa của thiên tài lên trên chủ nghĩa giáo huấn, biến văn học trung đại trở thành văn học nghệ thuật, biến tiếng Việt thành tiếng Việt văn học đích thực, biến truyện Nôm thành một thể loại nghệ sĩ… Giá trị của Truyện Kiều trước hết là một giá trị sáng tạo văn hoá, văn chương tuyệt đỉnh.”(36) Thi ca Nghệ sĩ, đó cũng là định nghĩa hoàn chỉnh và đẹp đẽ nhất về thơ chữ Hán Nguyễn Du – bộ phận sáng tác lớn góp phần quan trọng nhất để tạo ra một Huyền thoại cá nhân về đại thi hào Nguyễn Du!
_________________
1. Dẫn theo: Rômanh Rôlăng. Jăng – Krixtốp. Nhiều người dịch. NXB Văn Học 1981. Tập IV, tr. 8
2. Thơ trích trong bài đều lấy từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du do Lê Thước Trương Chính biên soạn. NXB Văn học 2012 (In lại theo bản 1965)
3. Đào Duy Anh. Khảo luận về Kim Vân Kiều. Dẫn theo: Nguyễn Du. Về tác giả và tác phẩm. Trịnh Bá Đĩnh & Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh tuyển chọn, giới thiệu. NXB Giáo dục 1999
4. Nguyễn Du. Thơ và đời. nhóm Trí thức Việt tuyển chọn, Nxb Văn học 2016, tr. 199
5. M. Arnaudov.Tâm lý học sáng tạo văn học. Hoài Lam- Hoài Ly dịch, Nxb Văn học 1978, tr. 223
6. Nguyễn Đình Chú. Nguyễn Du -Thiên tài. Vấn đề đã quen mà còn lạ. Cõi người ta, Tập 1, Nxb Hồng Đức, 2015, tr. 143
7. Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục 2002 (Lời nói đầu)
8. Nguyễn Du. Thơ và đời. Sđd (Nguyễn Du như một thi sĩ, tr. 191)
10. Trần Ngọc Vương. Loại hình tác giả văn học: Nhà nho tài tử và văn học VN. Nxb Giáo dục 1995, tr. 111
11. Dẫn theo: Liễu Trương. Phân tâm học và Phê bình văn học, Nxb Phụ nữ 2011, tr. 149,150,157
12. M. Arnaudov. Tâm lý học sáng tạo văn học, Sđd, tr. 440
13. Liễu Trương. Phân tâm học và Phê bình văn học, Sđd, tr. 158
14. Thơ chữ Hán Nguyễn Du. Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch. Nxb Văn học 2012, tr. 24
15. Lê Thu Yến. Kiểu tác gia Nguyễn Du và hành trình khắc khoải đi tìm mình. TC khoa học ĐHSP TPHCM số 7 (73) 2015, tr. 80
16. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật. Đỗ Lai Thúy biên soạn, nhiều người dịch. Nxb Văn hóa – Thông tin, 2000, tr. 134
17. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 82-83
18. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 77
19 Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 81
20. Ý của Nguyễn Bách Khoa, Trương Chính dẫn lại trong Lời giới thiệu Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Sđd, tr. 26
21. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 157
22. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Sđd, tr. 118
23.Tâm lý học sáng tạo văn học, Sđd, tr. 229
24. Tâm lý học sáng tạo văn học, Sđd, tr. 230
25. Lục Cơ – dẫn theo: Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, Nxb Văn học 2001, tr. 198
26. Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc. Sđd, tr.13
27. Khâu Chấn Thanh. Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc. Sđd, tr. 23
28. Trần Ngọc Vương. Loại hình tác giả văn học… Sđd & Đại thi hào dân tộc. Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Kỷ yếu hội thảo KH Kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du. Nxb Đại học quốc gia Tp HCM, 2015, tr. 22
29. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 64,78
30. S. Freud. Các bài viết về giấc mơ & giải thích giấc mơ. Nxb Thế giới, 2005, tr. 47, 197
31. F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, Nxb Văn học 1999, tr. 129
32. F. Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế, Sđd tr. 123
33. Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Sđd, tr. 159
34. Hamvlas Béla. Câu chuyện vô hình & Đảo- tiểu luận triết học, Nguyễn Hồng Nhung dịch, Nxb Tri thức 2012, tr. 219
35. Phan Ngọc. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nxb Thanh niên 2001, tr. 215
36. Trần Đình Sử. Thi pháp Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, 2002 ( Lời nói đầu)
Hà Nội 20/12/ 2018