Hàm Châu
Trước Cách mạng Tháng Tám là tổng đốc tỉnh Thái Bình, cụ Vi Văn Định, người Tày bản Chu (Lạng Sơn), có ba chàng rể là ba nhà trí thức lớn người Kinh, giữ cương vị cao trong guồng máy giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Đông Dương.
Đó là tiến sĩ văn khoa – cử nhân luật khoa Nguyễn Văn Huyên, ủy viên thường trực Trường Viễn Đông Bác Cổ; bác sĩ y khoa Hồ Đắc Di, người bản xứ đầu tiên và duy nhất – trước năm 1945 – trong toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp được toàn quyền Decoux phong chức danh giáo sư đại học; và bác sĩ y khoa Tôn Thất Tùng, dòng dõi hoàng tộc, giảng viên đại học, người mà tính đến năm 1945 đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông, được nhà cầm quyền Pháp bổ nhiệm làm trưởng khoa Ngoại Trường đại học Y Hà Nội năm 1940, khi mới 28 tuổi.
Điều diệu kỳ gì đã khiến cả ba con người có cuộc sống sang trọng, đầy đủ tiện nghi trong lòng chế độ thực dân, phong kiến ấy nhẹ nhàng từ bỏ tất cả để đi theo cách mạng, giã từ Hà Nội “vàng son” lên núi rừng Việt Bắc tham gia kháng chiến?
Chàng rể Nguyễn Văn Huyên
Ngày 17-2-1934, Nguyễn Văn Huyên trở thành người Việt Nam (VN) đầu tiên bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ văn khoa tại Đại học Sorbonne, Paris. Luận án chính, Hát đối của nam nữ thanh niên ở VN, và luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á. Chủ tịch hội đồng chấm luận án, giáo sư Vendryès, coi đó là “một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Sorbonne” Hai bản luận án được chủ nhiệm khoa văn Đại học Paris R. Delachoix và chủ tịch Viện Hàn lâm Paris S. Charléty tự mình xem lại, duyệt in và ngay sau đó được Nhà xuất bản Paul Geuthner in thành sách. Cuốn sách nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các tạp chí nhân văn ở Pháp, Đức, Hà Lan.
Thi hào và là nhà toán học Pháp nổi tiếng Paul Valery đánh giá rất cao công trình của nhà bác học VN trẻ tuổi. Ông viết: “Tất cả những gì Nguyễn Văn Huyên nói về đối xứng, cân bằng, những nhóm gây cho tôi hứng thú đến cao độ (…). Tôi lấy làm vui lòng được đọc những gì mà tôi tin là đúng đối với mọi thơ ca, nhưng ở đất nước chúng tôi lại rất ít biết đến hoặc hiểu thấu”.
Trên tờ Orientalische Literature Zeitung (Tạp chí Văn học phương Đông) số 11, 1935, H. Jensen cũng viết: “Công trình mà tác giả của nó là một người VN đã từng làm giảng viên Trường Ngôn ngữ phương Đông ở Paris là một đóng góp rất có giá trị để hiểu biết về VN”.
H. Jensen cho rằng công trình mang lại nhiều điều mới mẻ cho các nhà dân tộc học, phôn – clo học và ngôn ngữ học.
Tuy nhiên, theo giáo sư Hà Văn Tấn, người đánh giá cao nhất đối với công trình này là Jean Przyluski. Trong một bài trên tờ Journal de Psychologie Normale et Pathologique (Tạp chí Tâm lý học bình thường và bệnh lý) số 9-10, 1934, J. Przyluski viết: “Từ tiếng hát đơn điệu không rõ lời của một số bộ lạc trong khi lao động đến bản sử thi Iliade của Homère là một khoảng cách mênh mông, và con người đã vượt qua khá nhiều giai đoạn. Thay vì nhắc đi nhắc lại tiếng “ô! ô! ô!” theo nhịp đều đều, làm sao mà một ngày kia người hát lại lắp ráp thành những từ, những hình tượng có sức biểu cảm? Đó là vấn đề thi hứng. Vấn đề cốt lõi mà tính phức tạp sẽ hiện ra rõ ràng hơn khi chúng ta có được những chuyên khảo miêu tả thi ca của những dân tộc còn giữ được năng khiếu ứng tác”.
Sau khi phân tích kỹ nội dung công trình của Nguyễn Văn Huyên, J. Przyluski kết luận: “Bản chuyên khảo quí báu của ông Nguyễn Văn Huyên dẫn dắt chúng ta đến lời giải đáp cho những vấn đề quan trong nhất: Người ta đã chuyển từ một loạt tiếng kêu sang bài hát cấu âm như thế nào? Nhịp điệu đưa như thế nào vào sự sôi động gây ra bởi tiếng ồn, đám đông và sự giao duyên nam nữ? Và cuối cùng, nhịp điệu sản sinh như thế nào ra ngôn từ đẹp, tạo khả năng cho tiến bộ của tư duy?”.
Bản luận án phụ Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á cũng gây tiếng vang rộng rãi trong giới học thuật quốc tế.
Trở về nước sau khi tốt nghiệp tiến sĩ văn khoa và cử nhân luật khoa, Nguyễn Văn Huyên không nhận lời ra làm quan Nam triều, mà tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học tại Trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1938, ông được cử giữ chức ủy viên thường trực của cơ quan nghiên cứu nổi tiếng này. Ông tiếp tục công bố hàng loạt công trình mới rất có giá trị. Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Georges Coedès viết về Nguyễn Văn Huyên với lòng cảm phục:
“Cùng với sự đào tạo đại học vững chắc mà ông đã nhận được ở Pháp tại khoa văn và khoa luật của Đại học Paris, ông Nguyễn Văn Huyên còn có ưu thế vô song là nắm được các sự kiện xã hội VN bằng kinh nghiệm bản thân và bẩm sinh, có khả năng tiếp cận trực tiếp và tức thì với chất liệu xã hội học và có thể đi sâu tiến hành những khảo sát mà những nhà nghiên cứu châu Âu không thể nào thực hiện được. Những con chủ bài đó đã cho phép ông tiến hành và hoàn thành tốt đẹp nhiều nghiên cứu về đời sống tôn giáo, tinh thần, xã hội của dân quê VN”.
Chỉ trong vòng 11 năm (1934-1945), Nguyễn Văn Huyên đã công bố 46 công trình, hầu hết bằng tiếng Pháp, tổng cộng khoảng 2.000 trang in. Ông nghiên cứu về tục thờ cúng thần tiên, thờ thành hoàng ở VN, lễ hội Phù Đổng, các bài cúng trong lễ tế Nam Giao, rồi những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng, sự ra đời của Nội Đạo Tràng ở VN, tết Trung thu, tết Đoan ngọ, lễ xá tội vong nhân, tiết thanh minh và việc giữ gìn mồ mả. Ông viết cả một tập sách dày dặn về văn minh VN (bản dịch tiếng Việt dài 270 trang).
Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Huyên đã cho rằng môn học cổ điển Á Đông phải được phổ cập ở bậc trung học. Ông cũng đánh giá rất cao vai trò của “ông đồ nho”, tức tầng lớp sĩ phu trong xã hội VN xưa.
Sống trong nước, được bạn bè giới thiệu, Nguyễn Văn Huyên làm quen với người con gái của cụ Vi Văn Định là tiểu thư Vi Kim Ngọc, một khuê nữ công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn. Trong một cuốn nhật ký (hiện còn giữ được), bà Vi Kim Ngọc ghi về mối tình duy nhất của mình: “Lúc tôi còn là một thiếu nữ, nhiều chàng trai đã tỏ ý muốn kết duyên Châu Trần. Nhưng tôi thờ ơ, đối với ai cũng từ chối. Tôi đợi chờ một người xứng đáng, có đức, có tài, có thủy, có chung. Tôi ao ước gặp được một Hoàng Phủ Thiếu Hoa để tôi làm Mạnh Lệ Quân. Trai tài, gái sắc thì mới thỏa lòng (…). Có anh bạn đưa ảnh cho tôi xem, ca tụng anh Nguyễn Văn Huyên là tiến sĩ văn khoa, lại có thêm bằng cử nhân luật khoa. Khi đó anh Huyên còn đang ở đô thành Paris. Tôi nghe thoảng qua, cũng chẳng nghĩ đến anh nhiều. Khi anh Huyên từ Paristrở về nước, bạn anh đưa anh xuống Thái Bình thăm nhà chúng tôi. Cha mẹ tôi mời các anh ở lại ăn cơm. Tôi và anh Huyên biết nhau từ đấy”.
Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Mạnh Tường là hai bạn thân từ thời còn du học tại Pháp. Cả hai đều đỗ tiến sĩ, trở thành “ông nghè Tây” và sau khi trở về nước đều không chịu ra làm quan, chỉ làm những “nghề sạch sẽ” như dạy học, nghiên cứu khoa học. Này, tôi dặn cậu nhé – Nguyễn Văn Huyên giao hẹn với bạn – hễ đến chiều thứ bảy là cậu không được đi đâu cả! Cứ phải theo tôi xuống Thái Bình!
“Trở về Hà Nội một thời gian, anh Huyên dành dụm được ít tiền mua chiếc ô tô Renault màu xám nhạt và bắt đầu tập lái, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường vui vẻ kể. Đã có lần hai bánh xe bên phải leo lên trên vỉa hè một quãng dài rồi mới chịu trở lại lăn giữa lòng đường! Anh Huyên lái xe chưa lấy gì làm thạo, thế mà cứ vào buổi chiều thứ bảy, khi tôi vừa dạy học xong ở Trường Bưởi là anh ấy lại lôi tôi lên ô tô phóng một mạch xuống tận thị xã Thái Bình gặp ý trung nhân của anh ấy! Tại nhà quan tổng đốc thỉnh thoảng có mở hội khiêu vũ, đám tri huyện, tri phủ tân học kéo đến cùng nhảy nhót với hai “ông nghè Tây” chúng tôi”.
Ngày 12-4-1936, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên kết hôn với tiểu thư Vi Kim Ngọc, 20 tuổi. Trước đó một năm, bác sĩ Hồ Đắc Di đã kết hôn với người em gái của bà Vi Kim Ngọc là tiểu thư Vi Kim Phú, 17 tuổi. Và sau đó, vào năm 1944, bác sĩ Tôn Thất Tùng kết hôn với người cháu nội của cụ Vi Văn Định là tiểu thư Vi Nguyệt Hồ, 15 tuổi.
H.C
Nguồn: Hà Nội Tri Thức