Cái ác hợp pháp

Tuấn Khanh

Trong một tweet của Hoàng Chí Phong gần đây, anh gửi lên một tấm ảnh về lực lượng trấn áp mặc áo đen, có chỉ dấu riêng. Đây là lực lượng bị nhiều người Hồng Kông thắc mắc vì đó là những người đánh đập người biểu tình tháng 6 năm 2019, hết sức tàn bạo. Đánh đến mức mà cảnh sát áo xanh quen thuộc của Hồng Kông phải chạy đến can.

Tấm ảnh trên twitter của Hoàng Chí Phong, cho thấy nhân vật trấn áp nở nụ cười khoái trá. Nó kỳ lạ và khác biệt với hàng trăm ngàn người biểu tình đang xao xuyến trước tương lai mơ hồ của họ.

“Loại người gì mà chĩa vũ khí vào dân chúng mà cười như vậy?”, Hoàng Chí Phong đặt một câu hỏi, có vẻ ngạc nhiên, và pha lẫn sự tức giận.

Nhưng câu hỏi đó, không phải chỉ người Hồng Kông biết, mà thậm chí những người Việt Nam cách một bờ đại dương, cũng biết. Nụ cười đó quen thuộc lắm. Nụ cười thỏa mãn của cái ác hợp pháp. Nụ cười có hình dáng con người, nhưng thật ra, đó là một giống loài khác.

Nụ cười đó, nhắc nhiều người Việt Nam nhớ những ngày tháng họ xuống đường đòi một môi trường trong lành, đòi một chính sách của lòng dân, đòi kẻ thù xâm chiếm quê hương phải biết rõ sự căm hờn đang dồn nén… thì cũng là lúc những lực lượng đàn áp cũng xuất hiện các nụ cười như vậy. Những kẻ cầm bộ đàm oai phong trong trận càn với quân thù, những nhân vật ngồi quan sát… họ có chung một nụ cười ấy, của cái ác hợp pháp.

Ở công viên Tao Đàn, mùa hè năm 2018. Có những người rất trẻ, họ cũng cười như vậy và đánh đến nôn ra máu, đánh đến hôn mê những người có tuổi như chị, như mẹ, như anh của họ. Những trận đòn thay phiên và hả hê thú tính ấy, như muốn chứng minh rằng cái ác hợp pháp, hay cái ác mặc áo lý tưởng ấy chính là đỉnh cao của cách mạng.

Những người bạn trẻ ở Hồng Kông cũng góp bình luận của mình vào tweet của Hoàng Chí Phong bằng những đoạn video quay được các lực lượng lạ lùng ấy rượt đuổi, và khi bắt được một ai đó thì tất cả bu bám và đánh bằng dùi cui không hề thương xót. Ngăn cản một cuộc biểu tình có vẽ như là chuyện phụ, nhưng thỏa mãn thú tính, mới là chuyện chính.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Lía, một nguyên lão của đạo Hòa Hảo Thuần Túy khi đi dự lễ tưởng niệm thầy vắng mặt ở An Giang. Ông bị chận ở một ngã ba đường vắng. Nơi đó nhiều đệ tử của Hòa Hảo đi dự lễ đã bị đánh và nằm quằn quại trên đường. Viên công an chỉ huy nói ông phải quay lại, nếu không sẽ bị đánh như vậy. Thấy mình tuổi cao sức yếu, và cũng không thể vượt qua được hàng hàng lớp lớp công an hung hăng đó, ông Lía quay về, nhưng đi chưa được mười bước, chính viên công an đó đã xông lại đạp ông ngã chúi xuống mương lộ. Đạp xong, viên công an ấy cười.

Tháng 6 năm 2018, Chánh trị sự Hứa Phi, nguyên lão của Đạo Cao Đài Chơn Truyền ở Lâm Đồng, vào chiều tối khi nghe có người gõ cửa tìm, ông ra đón thì hơn chục người của nhà cầm quyền đạp cửa xông vào đánh đập ông đến bất tỉnh. Những người đó thay phiên lấy kéo, dao cạo… cắt râu và cắt tóc của ông, và cười.

Năm 2019, nhà báo tự do Thư Lê đột nhiên bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ khi cô đang ở Tây Ninh, vu khống cô vượt biên giới. Những công an viên vây quanh, tra vấn, cho lột đồ khám xét. Viên công an ở Đồng Nai cợt nhã ve vuốt cô, khi bị phản ứng lại trừng mắt đe dọa. Sau đó tài sản cá nhân của cô nhà báo tự do nghèo khó bị cướp sạch. Viên công an Đồng Nai khi rời khỏi phòng thẩm vấn, nhìn cô và cười.

Cũng như gương mặt cười của tay đặc vụ Trung Quốc được cử sang Hồng Kông để đánh đập, để vui niềm vui dã thú… những nụ cười ấy cũng xuất hiện ở Việt Nam. Và tất cả, chắc chắn đều phải có chung một cảm giác rất đặc biệt về cái ác hợp pháp. Họ – dù khác quê hương và tiếng nói, ắt cũng đều cảm thấy chung một sự khác biệt với con người.

Trong Animal Farm của George Orwell, những con heo nhỏ bị bắt đi. Được dạy và sống theo một lý tưởng mới, khi quay lại, chúng là sức mạnh và nụ cười của kẻ ác cầm quyền. Vẫn có hình dáng là heo, nhưng chúng đã là một thứ súc sanh khác.

Những cái ác hợp pháp vẫn xuất hiện ở Việt Nam, khắp nơi. Từ sau các chấn song nhà tù ở những vùng khắc nghiệt nhất, cho đến tiếng xua đuổi tại vườn rau Lộc Hưng, hay tiếng máy xúc ở chùa Liên Trì. Trong câu chuyện kể về vụ cướp đất của dân tại Thủ Thiêm, những người có nụ cười ấy cũng đã hỏi người dân rằng “muốn đất hay muốn mất mạng?”.

Sẽ rất vô nghĩa khi chúng ta bàn về luật pháp, nói về tòa án… hay nói về tương lai của một dân tộc, khi cái ác hợp pháp đang là điều hiển nhiên được hậu thuẫn từ nhà cầm quyền. Câu chuyện Hồng Kông là một ví dụ rõ – những lời kêu gọi yêu thương, chia sẻ và góp sức cho chính quyền xây dựng đất nước… sẽ luôn chỉ là phần biếm họa của sách giáo khoa lịch sử, về triều đại hợp pháp của cái ác.

Nguồn: FB Tuấn Khanh

Comments are closed.