Mai Thanh Sơn
Hồi học lớp 8 (hệ 10 năm), có lần tôi hỏi cô giáo dạy văn của mình về nhân vật “thằng Bờm” trong bài ca dao mà hầu như người Việt nào cũng biết. Cô giải thích khá dài dòng, nhưng tựu trung lại, có ý cho rằng đó là “một nhân vật được biết đến như một người khờ khạo, vụng về và chất phác”. Không thỏa mãn lắm với sự giải thích của cô, tôi mang chuyện đó hỏi ông cậu áp út. Ông là con nhà nông dân, sớm mồ côi mẹ và từ nhỏ đã phải sống khá tự lập. Bên cạnh kỹ năng sống rất thuần thục ở môi trường nông thôn, ông còn có một trí nhớ siêu đẳng và lối tư duy thực chứng rất đáng nể.
Ông kiến giải: “Nói rằng Bờm được biết đến như một người khờ khạo, vụng về và chất phác là mới chỉ hiểu một nửa về nhân vật này. Thằng Bờm chính là hình ảnh của người nông dân. Người nông dân sáng tạo ra nhân vật Bờm để tự giễu mình, nhưng cũng là để tự khẳng định sự minh triết trong một lối tư duy rất thực tế. Và cháu nên nhớ, chỉ những người thực sự rất thông minh mới có khả năng tự trào. Đọc bài ca dao Thằng Bờm, cháu phải mường tượng được một hoạt cảnh, một lớp kịch có 2 nhân vật: Bờm và Phú ông. Cháu hãy hình dung đến một ngày hè oi nồng, vào quãng quá trưa, Phú ông đi ăn cỗ ở đâu đó về ngang qua nhà Bờm thì thấy cậu đang chơi ở đầu ngõ, tay phe phẩy cái quạt mo. Cơm no, rượu say, Phú ông thấy trong người nóng nực nên nhìn thấy cái quạt mo thì thèm. Ông ta bèn nghĩ kế để Bờm cho mình mượn cái quạt. Và một cuộc mặc cả đã diễn ra như bài ca dao miêu tả. Ngày trước, ở nông thôn, khi đi ăn cỗ bao giờ người ta cũng lấy phần nắm xôi về chia cho trẻ con ở nhà. Phú ông cũng vậy. Khi Phú ông vẽ ra bao nhiêu thứ từ ba bò chín trâu, bè gỗ đến ao sâu hay con chim đồi mồi, Bờm vẫn làm ngơ. Vì sao vậy? Đó là vì tất cả những thứ đó đều ở trên giời. Chỉ có nắm xôi trên tay Phú ông kia mới là thực. Vì thế, khi ‘Phú ông khiến đổi nắm xôi’ thì Bờm mới cười. Như vậy là Bờm không ảo tưởng vào những thứ bánh vẽ. Bờm biết Phú ông có gì. Bờm hiểu rõ giá trị của cái quạt mo và biết rằng nó có thể đổi lấy cái gì của Phú ông. Và rõ ràng là Bờm không khờ khạo, vụng về và chất phác tý nào. Đây là một nhân vật biết tư duy dựa trên thực tế và có chút láu lỉnh. Đó cũng là biện chứng của người nông dân.”
Sau này, khi học đại học, tôi cũng được nghe GS Trần Quốc Vượng lý giải tương tự về nhân vật “Thằng Bờm”. Tôi tin vào cách lý giải của ông cậu cũng như của Thầy tôi. Tôi thấy yêu Bờm hơn.
Có điều, bây giờ ngồi ngẫm lại, tôi thấy đa số người Việt mình ngày nay đã khác xa so với “thằng Bờm” ngày xưa. Nghĩa là, không ít người trong số chúng ta đã đánh mất cái bản năng “tư duy thực chứng”, toàn mơ mộng những chuyện trên trời mà quên mất hiện thực. Lý tưởng cộng sản và CNXH vẫn chỉ là giấc mơ xa vời, không hình không ảnh. Còn chủ quyền dân tộc/quốc gia, đất đai, biển đảo, Nhân quyền mới thực sự là “nắm xôi” có thực mà mỗi người cần phải góp công giữ lấy, kể cả có phải đánh đổi bằng sinh mạng như những người lính “ngực áp sát cột biên cương đỏ máu/mà môi cười tha thiết Việt Nam ơi” (thơ Hoàng Nhuận Cầm).
Nguồn: FB Mai Thanh Sơn