"Nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai" cùng TS Lê Kiên Thành

(Rút từ facebook của Lưu Trọng Văn)

Gã đang lang thang Vân Hồ cùng Dự án Thiên đường hoa, trong biển mù sương tới mịt mùng, mở mạng, đập mắt gã bài viết của ts Lê Kiên Thành.

Mời đây gã có bài “Đôi nhời với con ông Lê Duẩn”, nhiều bạn đọc cho là gã phê ông Thành là vì bênh cha mà không dám nhìn thẳng sự thật chính cha của ông phải gánh chịu trách nhiệm về một thời trì trệ của đất nước. Điều đó có đúng đấy. gã chả chối.

Còn bây giờ khi gã đọc bài của ông Thành in trên báo “An ninh cuối tháng” của Bộ Công an với tựa đề “Sau ba mươi năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần hai” thì gã xin đại diện cho cái mồm toác rộng cũng chỉ 10 phân của gã để nói tiếng nói: Ủng hộ. Thậm chí là: Rất ủng hộ.

Gã ủng hộ điều gì?

Ông Thành viết:

“1-3-1987 có lẽ là ngày không thể quên được trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam thế hệ chúng tôi, đó là ngày mà chính phủ chính thức tiến hành giải thể các trạm kiểm soát hàng hoá trên các tuyến đường nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hoá.
30 năm sau sự kiện đổi mới đó, tôi mơ ước rằng, tôi sẽ được chứng kiến cuộc đổi mới lần thứ hai của đất nước trước khi quá muộn, với cả cá nhân tôi và với cả dân tộc này”.

Gã tán thành nhận định của ông Thành khi ông viết:

“Nói về cuộc đổi mới năm 1986, tôi cho rằng, nếu cắt nghĩa một cách đầy đủ, một cách sâu xa, thì thực ra những việc chúng ta làm không phải là đổi mới; Chúng không sáng tạo ra một cái mới và nhờ cái mới đó mà thay đổi vận mệnh của mỗi chúng ta nói riêng và của dân tộc nói chung.

Cái chúng ta làm 30 năm trước là tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình.

Ví dụ khi đổi mới, chúng ta trao lại ruộng đất cho nông dân tự canh tác: việc đó không phải là mới, đó chỉ là việc chúng ta không làm trong thời gian dài và giờ quay lại làm nó.

Khi đổi mới, chúng ta cho phép tự do giao thương: việc đó cũng là việc vốn đã tồn tại trên đất nước này cả nghìn đời”.

Gã hiểu ý ngầm sâu xa của ông Thành khi ông tinh tế chạm đến một phần khá cốt lõi của cái mà ông Nguyễn Văn An nguyên chủ tịch Quốc hội từng nói đó là lỗi hệ thống:

“Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng có tới 70% người Việt là nông dân và đang nghèo.
Năm đó, khi thực hiện những cải cách về kinh tế, chúng ta đã tạo ra nền kinh tế thị trường, xu hướng tất yếu của một xã hội vận động. Nhưng vấn đề là kinh tế thị trường ấy động chạm đến những lý thuyết cốt lõi mà chúng ta đã lựa chọn cho con đường đi của đất nước.

Lúc nền kinh tế thị trường ra đời, có những người băn khoăn về chuyện đổi mới đã nhắc lại câu nói của Mac: “Chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra CNTB”. Hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép CNTB hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước XHCN này.”

Gã đồng tình với ông Thành là cái vốn mà đất nước “ăn” sau ba mươi năm gọi là cời trói, gọi là đi theo quy luật kinh tế mà cả thế giới đã theo kia, đã cạn kiệt rồi. Theo gã không những thế mà do những đổi mới chính trị, hệ thống quản lí nhà nước, thượng tôn pháp luật không theo kịp với đổi mới kinh tế thị trường, đất nước còn xuống hố âm về những giá trị văn hóa, tinh thần, đạo đức. tinh thần tự hào dân tộc, vể cả ý chí chủ quyền quốc gia.

Vì vậy lời kêu gọi của ông Thành- một thái tử đảng là đúng đắn và cấp thiết:

“30 năm sau đổi mới, không thể không thừa nhận những gì mà chúng ta đã cùng nhau đạt được, nhưng cũng không thể không thẳng thắn và sòng phẳng nói rằng, đây là thời điểm mà chúng ta phải nghiêm túc nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ 2 – và cuộc đổi mới này – giống như 30 năm trước cũng sẽ phải là mệnh lệnh!”

Vậy theo ông Thành thì cuộc Đổi mới lần thứ hai là đổi mới cái gì?

Trong lĩnh vực kinh tế thì ông Thành cho rằng vai trò KTNN phải xem xét lại một cách nghiêm túc nhất. Ông viết:

“Khi đổi mới, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu về một nền KTTT định hướng XHCN. Với định hướng đó, chúng ta tìm cách phát triển các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và định hướng nó trở thành mục tiêu chủ đạo của nền kinh tế.

Nhưng qua năm tháng, thay vì biến thành trụ cột, thì chính những DNNN này lại đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất cuả nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất.

Thay vì trở thành trụ cột, DNNN lại là gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền KTTT của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh.

Ngoài sự méo mó đó, chúng ta cũng đối mặt với sự bất công, bất bình đẳng, sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, mà đó vốn là những điều thuộc về lý tưởng của chúng ta, là lời hứa của Đảng và Nhà nước với nhân dân”.

Các bạn face của gã nên nhớ rằng những gì ông Thành viết không có gì mới mẻ với các bạn vì các bạn hiểu và biết tất cả từ lâu rồi, các bạn còn đi xa hơn nữa đến những giá trị tiên tiến theo quy luật của sự phát triển của nhân loại, các bạn có quyền ngoảnh lại nhìn những gì ông Thành nói như một sự buồn cười. Nhưng xin thưa với các bạn, chúng ta đang ở thời điểm với những thực tại này của đất nước thì những lời của ông Thành viết và đặc biệt được công khai trên một tờ báo của ngành An ninh nước nhà thì gã nghĩ đấy là một sự kiện không nhỏ. Nó đồng thời là những tín hiệu rất quan trọng được phát ra để thấy rằng đang có những làn sóng chuyển dịch trong những thế lực cầm quyền quốc gia.

Vâng. không dễ gì, một tờ báo của Bộ Công an lại lên tiếng ủng hộ các nhận định thực tại chua xót này của đất nước trong khi có rất nhiều kênh chính thống khác suốt ngày ra rả về thành tựu hơn bao giờ hết? Điều đó chứng tỏ rằng có một bộ phận quan trọng của đất nước đã dám nhìn thẳng vào sự thật của đất nước. Không nhìn thẳng sự thật thì không thay đổi được.

“Giờ nước ta đang là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, nhưng người nông dân lại là những người khổ nhất trong xã hội này, đó là điều không công bằng. Việc 70% người Việt Nam là nông dân và đang nghèo hơn phần còn lại là không công bằng; việc con em của 70% này không được tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất, không được hưởng thụ sự chăm sóc y tế đầy đủ nhất, chính là không công bằng.

Chúng ta cũng phải đối mặt với sự không dân chủ thể hiện trong rất nhiều vấn đề: Như việc những cán bộ phường, xã không do người dân trực tiếp bầu ra, trực tiếp lựa chọn, mà những cán bộ đó là những người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống thường nhật của họ; ở nhiều nơi trên đất nước này, công lý đang không thuộc về những người có lẽ phải, mà thuộc về những người có tiền, có quyền.”

Ở trên, ông Thành tuy biết rõ không chỉ cán bộ phường xã không do dân trực tiếp bầu ra nhưng việc ông và tờ báo An ninh chỉ đề cập sự thật cấp thấp này thôi thì tất cả những ai đọc nó đều dễ dàng hiểu rằng ẩn ý của ông và tờ báo là gì, vì thực tế việc bầu bán ở VN thực trạng thế nào ai cũng biết.

Không chỉ dừng ở những vấn đề cốt lõi kinh tế, giáo dục,dân chủ, mà ông Thành và đặc biệt tờ báo An ninh lần đầu tiên công khai về những quyền cơ bản của con người mà đã đến lúc cần được tôn trọng.

Ông Thành viết:

“Cho đến giờ chúng ta mới đang xem xét dự án Luật Biểu tình. Luật Biểu tình đã bị lỗi hẹn tại các kỳ họp Quốc hội từ lần này sang lần khác.

Sẽ là không quá nếu chúng ta nói rằng, dù đã có những thay đổi về kinh tế, nhưng chúng ta đang tồn tại nhiều vấn đề về công bằng, dân chủ, văn minh.”

(Gã tiếc là Luật quan trọng nhất để thúc đẩy dân chủ đó là Luật thành lập hội vì lí do nào đó đã không được ông Thành đề cập tới.)

Khi kêu gọi cuộc Đổi mới lần hai cho đất nước ông Thành đã mạnh dạn phân tích những khó khăn trở ngại của nó hơn so với khi Đổi mới lần một, mà theo ông đó là;

“Vì năm đó khi chúng ta đổi mới, đó là lúc Đảng, Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng. Khi đó xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn bây giờ rất nhiều, nhưng chúng ta trong sáng hơn bây giờ rất nhiều.

Ngày xưa xã hội chúng ta không nhiều tật xấu như bây giờ, không nhiều tệ nạn như bây giờ. Ngày xưa, chúng ta đổi mới vì hiểu rằng đói nữa thì đổ. Giờ thì nếu những người có chức có quyền giàu lên nữa thì đất nước này sẽ đổ. Đó là những nghịch lý mà chúng ta đang phải đối mặt bây giờ.

Năm xưa, chúng ta e ngại KTTT vì lo sợ KTTT sẽ kéo theo đó những mặt xấu nhất của CNTB vào đất nước của chúng ta. Nhưng đáng buồn là, trong khi nhiều nước CNTB đang tự hoàn thiện mình và thay đổi được những gì vốn thuộc về bản chất xấu xí nhất của họ, thì đất nước chúng ta giờ lại đang giữ trong lòng mình những gì xấu xí nhất của CNTB trước đây, cộng hưởng với những tiêu cực do định hướng XHCN chưa rõ ràng đưa lại.

Đó vừa là lý do chúng ta phải đổi mới, nhưng cũng đồng thời là những thứ sẽ thách thức chúng ta nếu muốn đổi mới lần 2.”

Nhưng ai sẽ là người cầm trịch cuộc đổi mới này?

Xin các bạn face của gã đừng vội chồm chồm lên vì gã hiểu có khoảng cách nào đó giữa những bạn quá am tường về xã hội dân chủ mà người dân quyết đinh vận mệnh của mình với một xã hội như xã hội chúng ta đang chung sống, đòi hỏi những tiến trình thực tiễn hơn. Vậy thì xin các bạn hãy tôn trọng ý kiến của ông Thành và của ai đó đang ủng hộ một tư tưởng, một khát vọng thay đổi theo hướng tiến bộ hơn, ích nước lợi dân hơn cho đất nước hiện nay.

Ông Thành viết;

“Khi tôi hình dung về cuộc đổi mới lần 2, tôi vẫn luôn tự hỏi một điều: ai sẽ là người khởi xướng và lãnh trách nhiệm lãnh đạo cuộc đổi mới lần 2, nếu cuộc đổi mới này diễn ra trong thời gian tới?

Trong cuộc đổi mới năm 1986, người khởi xướng chính là những người lãnh đạo. Họ kêu gọi đổi mới vì sự bức thiết của xã hội và vì sự trong sáng, không mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân họ.

Nhưng đến hôm nay, chính một bộ phận trong lực lượng này có lẽ sẽ không sẵn sàng cho đổi mới nữa, vì với những cơ chế đang tồn tại này, nhờ sự bất cập của họ mà họ đã có trong tay rất nhiều lợi ích. Và tôi e rằng họ chính là những người sẽ ngăn cản đổi mới, vì đổi mới sẽ khiến cho nhóm lợi ích của họ bị thiệt thòi. Đổi mới sẽ khiến những lợi ích mà họ có được nhờ những kẽ hở của xã hội sẽ vì thế mà mất đi.

Đổi mới lần này, chúng ta sẽ phải đứng về một phía chống lại 1/3 chúng ta, mà 1/3 này là những người vừa có tiền vừa có quyền, những người đang được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện giờ. Vì lẽ đó, lực lượng hưởng ứng tích cực cuộc đổi mới lần 2, tôi tin là sẽ ít hơn 30 năm trước, sẽ khó khăn hơn 30 năm trước, nhưng bằng cách này hay cách khác, họ sẽ được ủng hộ.

Cuộc đổi mới lần 2 tuy cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng, chúng ta sẽ thực hiện được cuộc đổi mới ấy, như nguyện vọng của tất cả những người yêu nước và tha thiết mong đất nước này lớn mạnh”.

Ở khía cạnh trên gã có cách nhìn khác hơn ông Thành, gã xin được trao đổi với ông, đó là:

Ông cho rằng có 1/3 trong chúng ta vì quyền lợi của mình chống lại đổi mới, gã nghĩ không hề có 1/3 ấy đâu nếu “chúng ta” ở đây là dân tộc VN.

VÂNG GÃ KHẲNG ĐỊNH RẰNG CẢ DÂN TỘC GẦN 100 TRIỆU NGƯỜI VN ĐỀU MUỐN ĐỔI MỚI KHÔNG CHỈ LẦN HAI MÀ LẦN QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG CHO CON ĐƯỜNG ĐI CỦA DÂN TỘC.

Còn, do thực tế phải chia giai đoạn cho từng bước đổi mới để dẫn đến đổi mới cơ bản quyết định lựa chọn của dân tộc thì cuộc đổi mới lần hai này cũng sẽ được ủng hộ của toàn dân.

Bọn chống lại chỉ là số rất ít không hề ở trong dân mà chỉ ở trong chính bộ phận được hưởng lợi bởi nền kinh tề bẩn, ở nền thực thi pháp luật chưa minh bạch, ở những bổng lộc và quyền lực mua bán, cướp đoạt của nhân dân, và ở trong một số người gọi là đồng chí của ông Thành có não trạng mu muội về những thứ lí thuyết bảo thủ xa vời nào đó.

Tuy vậy, mặc dù là số ít, rất ít chỉ khoảng 100.000 người là tối đa, nhưng chúng lại đang nắm rất nhiều tiền và quyền lực.Chúng có sức mạnh ghê gớm. Nhưng chúng sẽ chả là thá gì nếu những người giương cao cớ đổi mới toàn diện cho đất nước thực sự đứng về phía nhân dân thực sự vì lợi ích của dân tộc và nhân dân.

Gã cám ơn những tâm huyết của tiến sĩ Lê Kiên Thành.

Comments are closed.