-
Lược dịch từ bài: 14 Independent News Sites Changing Cuban Journalism, đăng ngày 4/4/2018 trên website của Mạng lưới Báo chí Điều tra Toàn cầu.
Phạm Minh Trung
Quang cảnh buồn của thành phố Santiago de Cuba, nhiều người cho rằng báo chí độc lập của Cuba cũng đìu hiu như vậy. Ảnh: Chưa rõ nguồn.
Người ta thường lầm tưởng Cuba là đất nước mà người dân không thể lấy tin tức từ đâu khác ngoài bộ phận tuyên giáo của chính phủ và đảng cầm quyền. Đúng là quốc đảo này có một hệ thống truyền thông nhà nước kiên quyết chống bất đồng chính kiến. Song sự xuất hiện của các trang thông tin, báo chí mạng được đề cập trên đây cho thấy hệ thống truyền thông quốc gia Cuba phức tạp và đa dạng hơn nhiều người nghĩ.
Bất chấp những hạn chế gặp phải, một thế hệ truyền thông mới phi nhà nước ra đời trong giai đoạn 2001 đến 2017 là một thành quả sáng tạo lớn và đã mang lại tác động đáng kể cho tình hình tự do báo chí tại đây.
-
Đưa tin về các vấn đề mà báo chí nhà nước phớt lờ hoặc kiểm duyệt;
-
Luôn tìm tòi thử nghiệm với các thể loại báo chí với phong cách mới;
-
Đa dạng hóa không gian phân phối nội dung;
-
thiết lập liên minh với các phương tiện truyền thông quốc gia và quốc tế khác trên thế giới;
-
được các tổ chức, công ty và chính phủ quốc tế vinh danh và công nhận. .
Từ năm 2001 đến 2017, 14 tổ chức truyền thông đã ra đời tại Cuba và đang từng bước gây dựng ảnh hưởng trong và ngoài hòn đảo. Hầu hết đội ngũ phóng viên, biên tập viên của những tờ báo và trang tin này đều dưới 12 người, và nhiều người trong số các nhà báo là những tình nguyện viên của các tổ chức quốc tế. Tất cả các trang truyền thông này đều có phóng viên làm việc ở thủ đô Havana, nhưng đến một nửa có văn phòng hoặc phòng tin tức ở các thành phố nước ngoài, chẳng hạn như Miami, Mexico City và Valencia ở Tây Ban Nha.
Các tờ báo độc lập này chủ yếu đưa tin và bình luận về các vấn đề liên quan đến: chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế, công nghệ, văn hóa và thể thao. Trong khi một vài tờ báo có mô hình kinh doanh vững chắc, một số khác thậm chí vẫn chưa bắt đầu nghĩ về việc làm thế nào để tạo ra doanh thu. Độc giả của 14 tờ báo độc lập này nằm rải rác trên internet, bao gồm cả những người Cuba sống trên hòn đảo bị hạn chế về quyền truy cập internet, những người Cuba sống ở hải ngoại và những người nước ngoài muốn tìm hiểu về Cuba.
Các nhà báo tại văn phòng trang tin độc lập 14ymedio. Ảnh: 14ymedio.
Các tổ chức truyền thông này đang đổi mới và sáng tạo lại báo chí truyền thống theo cách mà chính họ cũng không nhận biết mình đang thực hiện rất thành công . Họ phát triển các ứng dụng để khi độc giả tải bài viết xuống đọc dần phòng trường hợp không có kết nối mạng internet. Họ đồng thời tích cực gây quỹ trong các cộng đồng, sản xuất podcast và tạo các mối quan hệ đối tác.
14 tổ chức truyền thông phi nhà nước này đang thách thức Hiến pháp Cuba vốn nghiêm cấm sự tồn tại của phương tiện truyền thông tư nhân.
Các tờ báo độc lập đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế và được quốc tế công nhận, chứng thực chất lượng nội dung của họ. Chẳng hạn, năm 2017, Jorge Carrasco của tờ El Estornudo đã trở thành nhà báo Cuba đầu tiên nhận Giải thưởng Báo chí Gabriel García Márquez (Gabriel García Márquez Journalism Award) và đội ngũ nhân sự trang tin Postdata đã lọt vào chung kết Giải thưởng Báo chí Dữ liệu (Data Journalism Awards).
Những tờ báo độc lập này đã gây xôn xao đến nỗi tại một cuộc họp với các quan chức Đảng Cộng sản Cuba vào đầu năm 2017, phó Chủ tịch Đảng này đã nói: “Trang tin OnCuba là một nền tảng chống phá quyết liệt Cách mạng Cuba và chúng ta sẵn sàng khiến chúng phải đóng cửa. Nếu chúng muốn gây chuyện, chúng ta sẽ chơi tới cùng, dù có phải mang tiếng là những kẻ kiểm duyệt”.
Một phân tích về 14 tờ báo truyền thông phi nhà nước ở Cuba cho thấy tất cả đều có một điểm chung: mục tiêu chính của họ là tạo nên báo chí độc lập. Họ bao gồm: Periodismo de Barrio (thành lập vào năm 2015), Cachivache Media (2016-2017), 14ymedio (2014), Cibercuba (2014), El Estornudo (2016), Diario de Cuba (2009), El Toque (2014), Hypermedia Magazine (2014), La Joven Cuba (2010), Negolution (2016), OnCuba(2012), PlayOff (2015), Postdata (2016) và Progreso Semanal (2001).
Một ấn phẩm của trang tin OnCuba. Ảnh: OnCuba.
Ai đang tạo ra báo chí tự do ở Cuba?
Câu trả lời là những người trẻ tuổi, các nhà hoạt động xã hội và các nhóm nữ quyền.
Cụ thể, có khoảng 30% các tổ chức truyền thông độc lập ở Cuba là do một cá nhân nào đó đứng ra thành lập; 70% còn lại là do các nhóm từ hai đến tám nhà báo chung tay, như tờ 14ymedio, El Estornudo, PlayOff, Cachivache Media và Postdata. Trong những tờ báo mạng độc lập này, có đến 40% người sáng lập là phụ nữ.
Những ai đang tìm đến báo chí không kiểm duyệt ở Cuba? Và họ đọc bằng cách nào?
Độc giả của 14 tờ báo độc lập khác nhau đáng kể. Có những trang tin chỉ có hơn 4.000 người truy cập mỗi tháng, trong khi những trang khác có đến 4 triệu người.
Một đặc điểm thú vị là những con số nói trên là số người truy cập trang web chứ không phản ánh tổng số bạn đọc thực tế của các trang báo. Do truy cập internet tại Cuba bị hạn chế, bạn đọc thân thuộc của các tờ báo này đã quen với việc tìm đọc báo thông qua các phương tiện truyền thông khá sáng tạo như email, tạp chí PDF được xuất bản ngoại tuyến hoặc trong cái gọi là Paquete de la Semana (một gói tổng hợp tin tức và giải trí số hàng tuần được phân bổ rộng rãi khắp Cuba thông qua thẻ nhớ, USB).
Mặc khác, dù nội dung của các báo này nhằm vào dân Cuba trong nước, người dân đang sinh sống tại Cuba chỉ chiếm khoảng 41% người đọc của các tờ báo nói trên. Hiển nhiên đây không phải là một con số tồi. Hơn 50% lượng người đọc còn lại đến từ Hoa Kỳ, đặc biệt là cộng đồng người Cuba đông đúc tại Miami. Lượng độc giả khác đến từ Venezuela, Uruguay, Tây Ban Nha, Chile, Ecuador, Mexico, v.v.
Điện thoại đương nhiên là một phương tiện truy cập tin tức rất phổ biến, tương tự với xu thế chung của thế giới, đặc biệt với sự hiện diện của Facebook. Tờ CiberCuba dù bị nhà nước Cuba chặn, cơ chế “bài viết tức thời/chớp nhoáng” trên Facebook (Facebook Instant Articles) giúp cho tờ báo thu hút đến 70-79% độc giả.
Dựa trên những quan sát của các nhà phân tích, Facebook là mạng xã hội được các tổ chức truyền thông này sử dụng nhiều nhất. Tất cả 14 tờ báo độc lập này đều sử dụng Facebook, tiếp theo là Twitter (chiếm khoản 92%), YouTube (78%) và Instagram (57%). Họ rất hạn chế sử dụng các ứng dụng yêu cầu kết nối internet ổn định và liên tục, chẳng hạn như Snapchat, Telegram hoặc WhatsApp. Ngoài ra, trong trường hợp trang mạng 14ymedio, người sáng lập Yoani Sánchez có đến hơn 700.000 người theo dõi trên Twitter trước khi cô thành lập tờ báo, lý giải lý do vì sao 14ymedio lại rất chú trọng phát triển mảng báo chí trực tuyến.
Báo mạng Periodismo de Barrio thì có một nhà báo làm việc bán thời gian từ năm 2017 để phát triển chiến lược truyền thông xã hội của mình. Một trong số những đổi mới thành công nhất của tờ báo này là việc đăng hơn 10 bức ảnh trên Instagram mỗi tuần và cách tờ báo đưa 10 tin tức trong một post mà chỉ cần ba phút để đọc hết.
Ba trong số 14 các tổ chức truyền thông phi nhà nước ở Cuba đã phát triển ứng dụng trên điện thoại di động.
CiberCuba đạt thành quả ấn tượng nhất, với khoảng 100.000 lượt tải xuống và 30.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng. Vì trang web của trang mạng này bị chặn tại Cuba nên ứng dụng của tờ báo trên điện thoại di động là cách thức rất hay để những người Cuba trong nước tiếp cận.
Một số ấn phẩm của Tạp chí độc lập Negolution ấn tượng và bắt mắt không thua kém các tạp chí chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ. Ảnh: Medill Reports Chicago.
Một số thành công quan trọng nhất trong những năm gần đây của báo chí độc lập Cuba có thể kể đến
Hiểm nguy
Hầu như tất cả các phương tiện truyền thông độc lập mới nổi tại Cuba đều là mục tiêu của các hình thức quấy rối khác nhau do chính quyền Cuba đứng sau tác động. Những người đang cư trú tại Cuba thì đối mặt với việc bị bắt giữ và thẩm vấn bởi Cục An ninh Nhà nước; những người đang cư trú ngoài quốc gia thì bị tấn công cá nhân trên các phương tiện truyền thông xã hội bởi các tài khoản giả mạo hay ẩn danh.
Vào cuối tháng 12 năm 2014, 14ymedio thông cáo rằng một số nhân viên của tờ báo đã bị bắt giữ.
Reinaldo Escobar bị bắt khi vừa ra khỏi một tòa nhà, bị còng tay và đưa đến một chiếc xe tuần tra đang chờ ở gần đó.
Một phóng viên khác của 14ymedio là Víctor Ariel González cũng đối mặt với những mối đe dọa tương tự. Trước khi bị bắt giữ một ngày, một sĩ quan đã đến nhà của Luz Escobar để cảnh cáo rằng cô không được đến Plaza de la Revolución, nơi nghệ sĩ Tania Bruguera đã lên kế hoạch cho một sự kiện với chủ đề đấu tranh đòi tự do ngôn luận. Cùng ngày hôm đó, một biên tập viên khác của tờ báo là Yoani Sánchez cũng bị quản thúc tại gia.
Việc thiếu sự công nhận pháp lý cản trở sự phát triển nói chung của báo chí ở Cuba.
Ngoài ra, một số nhà báo trung lập đóng góp cho cả hai phía truyền thông độc lập và truyền thông nhà nước thì bị sa thải hoặc ít nhất cũng bị xử phạt.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/06/14-trang-tin-doc-lap-dang-thay-doi-bao-chi-cuba/