Cuộc sống, nhục dục, cái chết… Philip Roth từng nói vậy

Le Point, 23-5- 2018

Nguyên Ngọc dịch

Philip Roth.

Châm biếm, ông từng biết. Cái chết, ông từng buộc nó nán chờ. Trở lại với những tuyên bố thật đẹp của Philip Roth, vừa ra đi ngày 22 tháng năm 2018.

Về nhục dục

“Ta biết mọi sự, ta mưu toan đủ kiểu, ta sắp đặt đủ cách, ta nhào trộn đủ chiều, ta nghĩ đến mọi chuyện, nhục dục (le sex) vẫn là bất khả kháng. Đấy là một trò chơi rất mạo hiểm. Ta có thể tránh được hai phần ba các rắc rối của nó nếu ta không vượt quá các cọc tiêu cảnh báo để mà giao hợp. Chính nhục dục gây lộn xộn cho cuộc sống chỉn chu của ta lúc bình thường”.

“Tôi, nhục dục thôi đã đủ phù phép tôi rồi. Đàn ông có còn thấy đàn bà quyến rủ đến thế nếu giữa họ không có nhục dục?”

“Tôi thích viết về nhục dục. Đề tài thật mênh mông! Nhưng phần lớn các sự kiện được kể trong các tiểu thuyết của tôi chẳng bao giờ là có thật (dù phải có đôi yếu tố thật nào đó) để bắt đầu hư cấu…”.

Về thế giới

“Duy có điều nguy hiểm trong chuyện thù hận, là khi ta đã bắt đầu thì nó dâng lên gấp trăm lần ta muốn”

“Nghe đây, tất cả những gì những người cộng sản nói về chủ nghĩa tư bản, đều đúng. Và tất những gì các nhà tư bản nói về chủ nghĩa cộng sản, đều đúng. Chỉ có điều khác nhau, là hệ thống (tư bản chủ nghĩa) của chúng ta vận hành được bởi nó dựa trên một chân lý: thói ích kỷ của con người; còn hệ thống của họ không trôi chảy được bởi nó dựa trên một câu chuyện thần tiên: tình bác ái của con người”.

“Khi thế giới không còn tin ở Thượng đế, thì đấy sẽ là một chốn thần tiên”.

“Cậu biết không, đối với bệnh ngốc, không có thuốc”.

Về tâm thần học

“Tôi không tin phân tâm học cũng chẳng tin có một vô thức dắt dẫn chúng ta trong các lựa chọn của mình. Ta chỉ may hay rủi trong các cuộc gặp gỡ nào đó rồi sẽ là tốt hay xấu cho ta”.

Về cuộc đời

“Thậm chí đây là cách ta biết là ta còn sống: ta nhầm”.

“Vấn đề đối với cuộc đời là không thể biết đó có thật sự là một tiến trình suy thoái hay không. Vấn đề đối với cuộc đời là thật không thật sự biết được chút nào tất cả những gì đang diễn ra”.

“Tôi đã đạt đến phát triển tuyệt đỉnh của đời tôi: hôm nay tôi biết là tôi không biết”.

“Con đường địa ngục lát dày những công việc đang làm”.

Về viết

“Viết, là lúc nào cũng sai lầm”.

“Đối với tôi, cuốn sách đáng kể – cả những cuốn sách của tôi – là cuốn sách trong đó nhà văn tự buộc tội mình. Nếu không, nhọc sức viết làm gì?

Về văn học

“Tôi có thể báo trước cho các bạn rằng ba mươi năm nữa, nếu không sớm hơn, ở Mỹ sẽ có số người đọc văn học chân chính đúng bằng số người đọc thơ bằng tiếng la-tinh hôm nay”.

“Văn học không phải là một cuộc thi sắc đẹp đạo đức”.

“Tôi mô tả văn học. Nó cũng gây tò mò. Nó nói rằng cuộc sống nó mô tả không phải là cuộc sống thật. Nó nói rằng có một điều gì đó ở ngoài kia hình ảnh ta tìm cách nghĩ về mình”.

Về cái chết

“Bởi vì trải nghiệm mãnh liệt nhất, nhiễu loạn nhất về sự sống, là cái chết. Bởi vì cái chết là quá đỗi bất công. Bởi vì một khi ta đã được nếm trải cuộc sống, thì cái chết thậm chí không còn là tự nhiên”.

“Tôn giáo, ông tuyên bố, chủ yếu là bắt nguồn từ nỗi sợ – sợ cái không biết, sợ thất bại, và sợ chết. Nỗi sợ, Bertrand Russel bảo, sinh ra sự độc ác, vậy nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên từ bao thế kỷ nay, độc ác và tôn giáo vẫn đi đôi”.

“Cái chết đến để hóa giải tất cả. Những hoài nghi, những trạng thái tâm hồn, những do dự, quét sạch tất bới người san bằng vĩ đại là cái chết”.

Comments are closed.