Cửu Long cạn dòng biển Đông dậy sóng (kỳ 14)

Ngô Thế Vinh

CHƯƠNG XVIII

NGÀY HỘI CÁ PLA BEUK NƠI VŨNG SÂU LUANG PRABANG

Extinction is forever, Endangered means we still have time

Sea World – San Diego

CH 18_ Cá Pla Beuk trên dòng Mekong

Cá Pla Beuk trên dòng Mekong

Ngay sau Hội Nghị “Sông Mekong Trước Những Nguy Cơ” lần đầu tiên tổ chức ở Mỹ với tham dự của cả đại diện International River Network và Cam Bốt tạo được một số tiếng vang, Cao lại bận bịu cho một chuyến đi tiếp theo sang Thái Lan theo lời mời của tiến sĩ Chamsak. Chamsak cũng là một trong số những người đầu tiên gửi điện thư từ Bangkok hậu thuẫn “Tuyên Ngôn Sông Mekong”.

Sau lần gặp Chamsak cách đây 4 năm, như từ bao giờ ông ta vẫn luôn luôn là một chiến sĩ bảo vệ môi sinh bền bỉ. Cùng với ngư dân ở Chiang Khong, chính tiến sĩ Chamsak là người chủ xướng vận động tổ chức cuộc hội thảo của WildLife Fund of Thailand với tham dự của 4 nước thành viên trong Ủy Hội Sông Mekong gồm Thái Lan Lào Cam Bốt và Việt Nam với mục tiêu gần là bảo tồn cá Pla Beuk và xa hơn là bảo vệ con sông Mekong.

Cho tới nay câu chuyện cá Pla Beuk vẫn cứ luôn luôn là huyền thoại. Cá Pla Beuk – Mekong Giant Catfish, là loại cá bông lau khổng lồ chỉ có ở sông Mekong, tên khoa học Pangasianodon gigas, thuộc bộ Siluriformes, họ Pangasiidae, có con dài tới 6m cân nặng tới 340kg, chính thức đã được các nhà ngư học – ichthyologist Tây Phương khảo sát từ những năm 30. Nhưng thực sự cá Pla Beuk đã được nhà thám hiểm người Anh James McCarthy nhắc tới sớm hơn nhiều trong cuộc hành trình của ông từ Xiêm qua Lào trong khoảng thời gian 1881 và 1893.

Trong cuốn Surveying and Exploring in Siam xuất bản năm 1900, McCarthy đã kể lại chính ông đã “giúp ngư dân kéo một con cá Pla Beuk nặng 130 cân Anh, dài 7 bộ và vòng thân mình đo được là 4 bộ 2 tấc và đuôi 1 bộ 9 tấc Anh.” Ông cũng mô tả rất chính xác là “cá Pla Beuk không vẩy và miệng không răng.” McCarthy cũng nói tới trứng cá Pla Beuk giống như trứng caviar cá tầm – sturgeon tuyệt ngon nên trong các phẩm vật triều cống của Luang Prabang sang Trung Quốc luôn luôn có món trứng cá Pla Beuk.

Pla Beuk là một chủng loại hiếm hoi trong số 25 loại cá bông lau Á Châu sống trong sông hồ nước ngọt, hình dạng đặc biệt với lưng dẹp bụng cong, không vẩy, hai mắt rất thấp, miệng không răng và ăn tạp.

Chỉ có thể so sánh với cá Pla Beuk là loại cá bông lau trên con sông Danube có tên gọi là Wels có con dài tới 4m nặng tới 180kg.

Tiến sĩ Chamsak nói:

— Tôi nghĩ cá Pla Beuk là một trong những chủng loại đang có nguy cơ bị tiêu diệt / endangered species.

Nguy cơ là còn thời gian cứu vãn chứ tiêu diệt là mất đi vĩnh viễn. Ý tưởng đó như ăn sâu trong trí nhớ Cao nhân chuyến thăm Sea World – San Diego đã rất xa với Bé Tư ngày nào.

Các chuyên viên ngư học Ủy Hội Sông Mekong thì cho rằng cá Pla Beuk sống ở khúc dưới sông Mekong trong lãnh thổ Cam Bốt và khi nhiệt độ nước sông thay đổi thì cá Pla Beuk rủ nhau từng đoàn vượt thác Khone bơi ngược dòng qua Ubon Ratchatani, Nong Khai, Luang Prabang, qua Chiang Khong rồi Chiang Saen, qua bang Shan của Miến Điện trước khi vào Trung Hoa – một chặng đường dài hơn 3000km lên tới hồ Nhĩ Hải – lake Erhai bên cổ thành Đại Lý gần thượng nguồn sông Mekong để đẻ trứng tức là vào khoảng tháng Tư và tháng Năm.

Chỉ cách đây ít năm thôi trước nguy cơ cá Pla Beuk sắp bị diệt chủng, các nhà sinh học Thái Lan đã tìm cách cứu nguy giống cá bông lau khồng lồ này bằng phương pháp gây giống nhân tạo _ artificial breeding. Cá Pla Beuk đực và cái được chích kích thích tố, sau đó lấy tinh dịch của cá đực trộn với mớ trứng của cá Pla Beuk cái trung bình từ 8 – 10 kg trứng cá. Cá Pla Beuk nhỏ – fry được nuôi trong hồ cho tới khi đủ lớn để có thể tự kiếm ăn nuôi sống thì chúng được đem thả xuống sông Mekong. Trong 7 năm qua có khoảng 20 ngàn cá nhỏ Pla Beuk được tạo giống như vậy. Vấn đề tiếp theo đặt ra là sinh cảnh – habitat sông Mekong còn đủ trong lành tới bao lâu để cá Pla Beuk còn có thể sống được.

Nhưng với ngư dân địa phương cả ở Lào và Thái thì lại cho rằng cá Pla Beuk sống ở vũng hang sâu trên khúc sông Mekong gần Luang Prabang và họ cũng tin rằng không phải chỉ có cá Pla Beuk mà có cả thần linh ra khỏi hang vào ngày Songkhran – tết Thái Lan cũng vào khoảng giữa tháng Tư.

Do đó trước khi lưới cá Pla Beuk ngư dân đều có lễ cúng để được thần cho phép và sau đó là lễ tạ ơn khi đã lưới được cá. Họ tin rằng vào đúng vào ngày ấy đoàn cá Pla Beuk tụ hội ở vũng sâu Luang Prabang để bầu chọn xem chị cá Plabeuk nào sẽ được tiếp tục lên hồ xa đẻ trứng, con nào sẽ tự nguyện hy sinh ở lại làm mồi cho ngư dân.

Hàng năm cứ vào tháng Tư tức là trước ngày lễ Tết Pimai khoảng một tháng, dân làng hai bên bờ sông Mekong thuộc tỉnh Chiang Rai phía Thái và bắc Luang Prabang phía Lào đều có tổ chức ngày hội cá Pla Beuk.

Riêng làng Had Krai huyện Chiang Khong cho tới nay vẫn là địa điểm đánh cá Pla Beuk nổi tiếng nhất vì ở vào một khúc sông không có những khối đá lớn mà đáy sông lại phẳng nên không làm vướng và rách lưới.

Truyền thống xưa của Had Kai là vào mùa cá Pla Beuk dân làng chia toán đứng canh trên những cầu sông từ sáng tới tối để phát hiện gợn sóng của cá Pla Beuk đi qua, toán nào hên thấy cá thì dùng lưới “mong lai” loại lưới rà đã có cách đây hàng thế kỷ để bắt cá.

Ngư dân làng Had Kai vẫn giữ nguyên nghi lễ Brahmin của ngày Hội Cá Pla Beuk trên từng chiếc ghe chài của họ. Người chủ ghe sẽ bốc một nhúm gạo, nếu là số hạt chẵn có nghĩa là thần chài muốn được cúng heo, nếu số hạt lẻ thì cúng gà. Khi bắt được cá Pla Beuk thần chài sẽ được cúng một bữa ăn thịnh soạn với mâm xôi gà hoặc heo và cả rượu đậu nữa. Vui hơn nữa là có cả thi hoa hậu và đua thuyền giữa các ngư nhân Lào và Thái hai bên bờ sông Mekong sau các buổi lễ cúng quải ấy.

Dân làng Had Kai biết rất rõ khi nào cá Pla Beuk lội qua khúc sông này để đón lưới. Những năm gần đây do cạnh tranh, họ không còn kiên nhẫn chờ cho Pla Beuk đi qua mà đã chèo thuyền xuống tận dưới xa để tranh lưới với ngư dân làng khác.

Bất kể là ngư dân Thái hay Lào họ đều tin Pla Beuk là loài linh ngư và năm nào mà bắt được cá Pla Beuk mà trên lưng có nhiều đốm đen thì năm đó sẽ rất hên và được mùa cá.

Vào năm 1990, chỉ riêng dân làng Had Krai thôi họ đã lưới được tới 69 con cá Pla Beuk và con số đó đã tụt xuống thê thảm chỉ còn 1 con vào 8 năm sau và con cá duy nhất lưới được ấy thì trên lưng cũng chẳng có đốm vằn nên lượng cá đánh được trên sông Mekong càng ngày càng ít đi.

Trước đây dòng sông Mekong vốn rất yên tĩnh tới mức ngư dân làng Had Krai có thể thấy những gợn sóng của các đoàn cá đi qua nay thì không, do có vô số tàu bè lớn nhỏ trên sông lại có trang bị cả máy dò siêu âm và các loại lưới lớn hiện đại quanh năm lùng bắt mọi loại cá kể cả Pla Beuk.

Với các khu rừng mưa ngày càng bị phá hủy rộng rãi, rồi các con đập khổng lồ Vân Nam ngăn chặn nước, còn phải kể tới kế hoạch của Trung Quốc dùng chất nổ Dynamite phá và khai quang những khối đá nơi các ghềnh thác và dưới lòng con sông Mekong để mở đường cho tàu lớn từ bắc xuống nam. Tất cả tác động tích lũy như một chuỗi phản ứng dây chuyền – chain reactions, cá không những không còn hang đá làm tổ đẻ trứng, lại thêm sự thay đổi quá mức đột ngột về tốc độ và cả nhiệt độ dòng chảy khiến nhiều giống cá không thể sống được và hậu quả là giảm số lượng cá một cách nghiêm trọng trên sông mà ai cũng biết đó là nguồn protein chính của cư dân sống hai bên bờ con sông ấy. Có thể nói Lúa Gạo và Cá là xương sống của nền kinh tế sông Mekong.

Chỉ mới khoảng cách đây 5 năm thôi, nhìn vào rổ cá ngoài chợ của một ngư dân, người ta có thể đếm được tới 6-7 loại cá tươi ngon khác nhau, nay thì không những rổ cá đã ít hơn và cả hiếm gặp những loại cá ngon của mấy năm trước. Lượng cá sút giảm mà kỹ thuật đánh cá thì càng ngày càng tối tân hơn. Người ta dùng tàu lớn lưới lớn gần chắn ngang cả dòng sông mà mắt lưới thì nhỏ như lưới muỗi nên không thoát con cá nào. Một lối đánh cá “lùng và diệt” như vậy thì chẳng mấy lâu sông Mekong – con sông Danube Châu Á không còn cá mà chỉ còn rác rưởi phế thải từ các khu nhà máy kỹ nghệ Vân Nam.

Tuy chỉ mới có một con đập Manwan chưa phải là lớn nhất chặn ngang sông Mekong mà mực nước đã xuống thấp hẳn. Tình hình sẽ ra sao khi tất cả các con đập trên thượng nguồn xây xong.

Cá Pla Beuk chỉ có thể sống dưới độ sâu tối thiểu là ba thước. Nếu không có biện pháp cứu nguy thì trong một tương lai không xa cá Pla Beuk trở thành sự kiện của quá khứ. Không phải chỉ có Pla Beuk mà tất cả các loại cá khác và cả cư dân sông hai bên bờ sông Mekong đang đặt vận mệnh mình vào tay người láng giềng vĩ đại Trung Quốc.

Ngày xưa khi có mùa hạn hán thì có lễ Cầu Đảo mong mưa nay thì chúng ta phải thường xuyên Cầu Nước xả ra từ các con đập phương bắc.

Bên lề Hội Nghị, tiến sĩ Chamsak giới thiệu với Cao ông Boonrean Jinarat, 52 tuổi không xuất thân từ trường đại học nào, chẳng phải là kỹ sư ngư nghiệp, chỉ là một ngư dân làng Had Kai nhưng từ năm 40 tuổi đã có sáng kiến lập ra Câu Lạc Bộ Bảo Tồn Cá Pla Beuk khi thấy có nguy cơ loài cá hiếm quý ấy bị tiệt chủng. Chính Jinarat là nguồn cảm hứng cho tiến sĩ Chamsak đi tới hình thành buổi hội thảo hôm nay.

Jinarat tâm sự là cứ nghĩ tới con sông Mekong không còn cá Pla Beuk là điều mà chỉ cách đây ít năm anh không thể nào tưởng tượng được. Và cũng là điều mà anh cho là không thể chấp nhận nếu như thế hệ con cháu anh không thấy và không biết Pla Beuk là gì ngoài những huyền thoại về con sông Mekong.

Năm 1996 Jinarat được sự tiếp tay của tiến sĩ Chamsak, đã mở chiến dịch quyên được hơn 2 triệu baht – khoảng 5000 đôla mua lại 5 con cá Pla Beuk mà ngư dân lang Had Kai lưới được để thả xuống sông Mekong với niềm tin ngây thơ rằng những con cá được phóng sinh ấy sẽ sinh sản thêm nhiều cá Pla Beuk. Trên thực tế những con cá ấy đã lại làm mồi cho những mẻ lưới khác chỉ ít lâu sau đó.

Jinarat còn táo bạo vận động đào một hồ lớn bên bờ sông Mekong để nuôi những con cá Pla Beuk mua được mong gây giống và sinh sản – ý tưởng tạo một sinh cảnh kiểu giống như Sea World ở Mỹ chỉ mới có giá trị đẹp đẽ trên lý thuyết. Bởi hồ vừa không đủ lớn và chứa không đủ nước nên cặp cá nào sống sót trong hồ ấy cũng trở thành vô sản – sterile.

Xưa kia dân làng Had Krai đánh cá Pla Beuk như một truyền thống lễ hội và chỉ để ăn. Từ những năm 80 đám con buôn tham lam từ xa đổ tới đây lùng kiếm mua cá Pla Beuk với giá ngày một cao hơn tới 500 baht – gần 30 đôla một kilô nhằm cung cấp cho các tiệm ăn nổi tiếng về các loại thú hiếm quý ở Bangkok. Nhu cầu tiêu thụ tăng và tăng giá bao nhiêu cũng có người mua lại càng kích thích ngư dân đổ xô đi đánh cá Pla Beuk.

Nhưng rồi như Cao dự đoán, Hội Nghị 4 nước – tấu khúc bộ bốn / quartet ở Chiang Khong đã mau chóng biến thành cung đàn lỗi nhịp. Khi Janaret đại diện của dân làng Had Kai Thái Lan đưa ra ý kiến đặt quotas – chỉ tiêu số cá Pla Beuk được bắt mỗi năm thì bị ngay Lào phản đối trong khi Việt Nam chỉ thụ động tham dự với tính cách quan sát.

Và kết quả cuộc hội thảo nhiều mong đợi ấy chỉ có trên giấy là dự án thành lập tại Chiang Khong một “Trung Tâm Nghiên Cứu và Khảo Sát Cá Pla Beuk và Cá sông Mekong_ Research & Study Centre of Mekong Giant Catfish and Fish in the Mekong River”

Theo tiến sĩ Chamsak thì chính quyền cấp nhà nước Thái Lan đã chẳng quan tâm gì tới vận mạng cá Pla Beuk. Ngư dân thì chia rẽ, như Jinarat muốn bảo vệ cá Pla Beuk thì cứ làm, ai muốn đánh cá Pla Beuk thì vẫn cứ tiếp tục. Nghĩa là tự do kiểu luật rừng.

Khi nhắc tới phái đoàn Việt Nam, tiến sĩ Chamsak nói giọng chua chát:

— Tại sao Việt Nam chỉ tham dự với tư cách quan sát? Phải chăng cho là Pla Beuk không có trong Đồng Bằng Sông Cửu Long? Thì cũng giống như chúng tôi bảo rằng các Cánh Hạc Đông Phương và bầy Sếu Cổ Đỏ chỉ có nơi các tràm chim của Việt Nam.

Chamsak tiếp:

— Tôi cho rằng cá Pla Beuk, cá Dolphin, các đàn Hạc đàn Sếu Tam Nông không phải của riêng ai nhưng phải được coi đó là những “chỉ số an toàn cho hệ sinh thái của con sông Mekong” trong đó có cả Đồng Bằng Sông Cửu Long. Phải cùng nhau bảo vệ con sông Mekong như một toàn thể chứ không thể theo kiểu đèn nhà ai nhà nấy rạng.

Rồi Chamsak đưa ra một cái nhìn thực tiễn không hạn chế trong biên giới một quốc gia mà cho toàn vùng :

— Như ở Việt Nam, để bảo vệ các tràm chim, đâu phải chỉ có biện pháp hành chánh cấm những nông dân thiếu ăn vào khai thác; cũng như vậy đâu có thể cấm ngư dân Lào Thái đánh cá Pla Beuk như tiếp tục một truyền thống từ đời cha ông họ.

Không phải chỉ có phê phán, là một giáo sư kinh tế Chamsak luôn luôn đề ra giải pháp:

— Sẽ không công bằng nếu cứ ngồi ở văn phòng Bangkok đổ lỗi cho ngư dân ở Chiang Khong Had Krai là thủ phạm tiêu diệt cá Pla Beuk. Vấn đề là phải giúp họ, có gì bù đắp cho họ khi họ chấp nhận chỉ đánh cá Pla Beuk 2 tháng trong năm, số cá bắt được không quá bao nhiêu con và kích thước không dưới một mét chẳng hạn.

Chắp cánh cho giấc mơ của Jinarat, Chamsak say sưa nói về dự án tương lai:

— Trung Tâm Bảo Tồn cá Pla Beuk với cả Aquarium – hồ nuôi cá không phải chỉ có Pla Beuk mà cả Dolphin – cá heo mõm ngắn và các chủng loại cá khác rất phong phú của con sông Mekong, một thứ River World sẽ rất hấp dẫn đối với du khách; như vậy sẽ có tiền để đền bù cho ngư dân, ngoài ra họ sẽ được hưởng thêm phần lợi tức khác như bán đồ kỷ niệm, mở quán ăn phục vụ cho du lịch… Tôi nghe nói có một sáng kiến tương tự như vậy đã được một kiến trúc sư trẻ Việt Nam ở Mỹ nêu lên trên Internet Mekong Forum là làm thế nào để cứu nguy cho Tràm Chim Tam Nông bằng cách biến nơi đó trở thành một tụ điểm du lịch.

Kiến trúc sư ấy không xa lạ gì với Cao, đó là Điền anh Ba của Bé Tư. Cao không cảm thấy bị xúc phạm nhưng cũng đã có chút hổ thẹn trước những nhận xét gay gắt của tiến sĩ Chamsak.

Ông chuyển sang giọng tâm sự:

_ Thật là đáng buồn khi những loài cá Pla Beuk, Dolphin, những đàn Hạc Đông Phương những đàn Sếu Cổ Đỏ trên sông Mekong không còn nữa. Nhìn xa hơn thì sự lâm nguy của chúng là “báo động đỏ” về sự sa sút của toàn hệ sinh thái mong manh của con sông Mekong xuyên suốt từ Tây Tạng ra tới Biển Đông.

Và Cao đã rất tâm đắc với câu phát biểu của tiến sĩ Chamsak tuy nghiêm trọng nhưng vẫn toát ra vẻ lạc quan, kết thúc hội nghị cá Pla Beuk:

Does Mekong have a future? Yes! Even time is running out but if all of us together should conserve the Mekong River.

“Tất Cả Chúng Ta” đây phải là 60 triệu cư dân đang sinh sống trong lưu vực con sông Mekong.

Cuộc Hội Thảo WildLife Fund of Thailand, đã để lại cho Cao và cả Bé Tư những ấn tượng sâu sắc. Chứng kiến sự năng nổ của những ngư dân nông dân Thái Lan Lào và Cam Bốt qua hội nghị, Cao có ý nghĩ đã tới lúc chính những người nông dân ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long phải đứng lên và có tiếng nói tích cực bảo vệ dòng sông và vùng châu thổ quê hương họ.

Trước khi về Mỹ, Cao trở lại thăm Lào 4 năm sau đúng vào dịp Tết Pimai và chặng đến đầu tiên không phải thủ đô Vạn Tượng mà là Luang Prabang. Cũng vẫn ông già Khắc nhà báo cho rằng chưa thể nói thực sự ăn Tết Lào nếu không phải là ở cố đô Luang Prabang, giàu tính lịch sử nhưng không nhuốm vẻ vương giả xa cách. Luang Prabang hay Mường Luông từ thế kỷ 14 được vua Fa Ngoum chọn làm kinh đô cho Vương Quốc Lan Xang – xứ triệu thớt voi. Prabang là tên bức tượng Phật được coi như thiêng liêng nhất của người dân Lào cũng như Fa Ngoum khuôn mặt huyền thoại là vị vua đầu tiên vĩ đại nhất của họ.

Tương truyền Fa Ngoum nguyên là Hoàng tử Lào sang lánh nạn bên triều đình Angkor nhưng luôn luôn nuôi ý chí phục quốc. Fa Ngoum đã chỉ huy một đội quân Khmer trở về chinh phục và thống nhất được tất cả các bộ lạc ly khai và sáng lập nên vương quốc Lan Xang hùng mạnh.

Chawa hay Java, tên nguyên thủy của Luang Prabang là một vùng cây cối xanh um với phong phú những cây trái nhiệt đới, nằm bên bờ khúc quanh của con sông Mekong nơi con sông Nam Khan là một phụ lưu đổ vào, cao hơn mặt biển khoảng 300 mét, với ngọn đồi Phousi ở trung tâm. Khí hậu Luang Prabang có thể nói là không giống một nơi nào trên đất Lào. Bầu trời lúc nào cũng như có một chút mù xương tuy rất loãng. Người ta giải thích đó là lớp khói do đốt rừng làm rẫy của những người Lào Thượng, Lào Núi, vốn là dân du canh. Nhưng cũng để bù lại luôn luôn có những cơn gió ẩm mát với hơi nước từ con sông Mekong thổi vào tạo cảm giác hơi se lạnh.

Hình như cái gì ở tỉnh Luang Prabang cũng có vẻ đặc biệt – để có thể đem tiến vua, sản phẩm đồ dệt đẹp nhất, cây trái rau cỏ cũng ngon hơn nơi khác do chất đất và nước nơi khúc sông Mekong có tới ba phụ lưu lớn đổ vào: các con sông Nam Ou, Nam Sang và Nam Khan. Cả cát của khúc sông này cũng có vàng nữa.

Vào mùa khô, mực nước xuống thấp tới mức để trơ ra phần của lòng sông với những bãi cát lớn, đây là dịp dân làng kéo nhau tới đãi vàng, thứ vàng vụn có dính lẫn với cát. Có cả những cô gái Lào xinh đẹp ngâm nửa mình dưới nước quần áo ướt dính sát làm nổi lên những đường cong khỏe mạnh mềm mại và khêu gợi. Cát dính vàng được mấy chú Chệt thu mua sau đó dùng thủ thuật đặc biệt để tách ra. Cát lẫn vàng được đem trộn với thủy ngân, cho vào vuông vải vắt kiệt thành viên rồi dùng đèn hàn hun cho thủy ngân bốc hơi chỉ còn lại là phần vàng. Một người phải suốt ngày ngâm mình dưới nước, nếu may mắn cũng kiếm được khoảng 600 kip tiền Lào – chưa tới một đôla nhưng đã lại gấp 6 lần lợi tức bình thường của họ.

Cách đây hơn 130 năm khi đoàn thám hiểm Pháp Francis Garnier/ Doudart de Lagrée rời Vạn Tượng đi Luang Prabang – nơi mà Henri Mouhot đã được tiếp đón nồng hậu sáu năm trước đó. Họ khởi hành ngày 04-04-1867, di chuyển bằng đường sông với hơn 150 km dọc theo con sông là đồi núi trắc trở di chuyển thật khó khăn cả với những thác ghềnh, chỉ trông vào sức người kéo thuyền đi ngược dòng, có nơi họ phải rỡ đồ xuống để khuân vác trên bộ nhưng rồi cuối cùng họ cũng tới được Luang Prabang hơn 20 ngày sau đó gần như kiệt sức với dày dép rách bươm và những bàn chân vấy máu. Đoàn thực sự được nghỉ ngơi giữa một kinh đô Luang Prabang en fête – vui như tết, lúc đó bị đang bảo hộ bởi cả hai triều đình Huế và Bangkok và được mô tả là một thị trấn rất phát triển về thương mại.

Cũng trong chuyến đi này đoàn thám hiểm Pháp đã tìm ra nơi vùi nông xác Henri Mouhot sáu năm trước đó, cách bản Phanom khoảng 2km nơi bờ dốc cao của con sông Nam Khan. Bản Phanom với khoảng hơn một trăm nóc gia đình thuộc sắc tộc Lu phía đông Luang Prabang, là một làng đan dệt truyền thống vẫn vậy từ suốt 300 năm, nổi tiếng với những chiếc khăn san – pha biang và sarong pha sin kết bằng lụa hay bông vải với những màu sắc và hoa văn rực rỡ. Ngày xưa muốn tìm mua một chiếc khăn san thì phải chờ tới phiên họp chợ, nay do Đổi Mới đã có những quầy hàng mọc lên hai bên đường và cũng không thiếu cả những món hàng giả nhập từ Thái Lan Trung Quốc để đánh lừa du khách.

Ngược dòng thời gian, theo bước chân thám hiểm đơn độc của Mouhot xuyên qua những khu rừng già của Lục Địa Á Châu với cả một vùng sông nước của con sông Mekong đã khiến Mouhot đầy cảm xúc viết : “Bấy lâu nay tôi đã say khướt với nước của con sông ấy, cũng bấy lâu con sông ấy đã nuôi dưỡng và cả thử thách sức kiên nhẫn của tôi nữa.” Mouhot trong khi vô rừng đi lùng kiếm các loài côn trùng hiếm, ông đã bàng hoàng khi bất chợt khám phá ra cảnh đổ nát huy hoàng của Angkor vào năm 1860 mà ban đầu Mouhot không tin Angkor lại có thể là di sản của những người Khmer thô bạo kém cỏi mà ông đã từng gặp tiếp xúc và ghi lại cảm tưởng “Những con người Khmer mà bạo lực như có sẵn ở trong máu và hình như họ chỉ biết có phá hoại mà không bao giờ biết tái thiết.”

Từ Angkor Mouhot tiếp tục đi về phía bắc dọc theo con sông Mekong sang địa phận xứ Lào. Ngày 15 tháng 10 năm 1961 vẫn không xa bờ sông Mekong, Mouhot tiếp tục cuộc hành trình đầy quyết tâm nhưng vô cùng đơn độc trong các khu rừng mưa – rainforest vẫn nguyên hoang sơ với voi đàn cọp rống, với tiếng chim kêu đêm và ban ngày vượn hú. Nhà sinh học Pháp – tay mạo hiểm trẻ tuổi ấy đã không hề có ảo tưởng về kết thúc một chuyến đi có hậu. Mouhot đã viết ra những dòng tiên tri trong cuốn nhật ký : “Nếu tôi phải chết ở đây, nơi mà bao kẻ phiêu lưu đã gửi nấm xương tàn, tôi sẵn sàng cho cái giờ phút sẽ tới ấy !”

Và cái giờ phút định mệnh ấy đã đến. Không bao lâu sau Mouhot bị những cơn sốt rừng tấn công – thực ra là cơn sốt rét ác tính. Ở thời kỳ mà các căn bệnh lạ nhiệt đới chưa có có trong giáo trình của trường Đại học Y khoa Paris và viên thuốc Ký Ninh thì chưa hề được biết tới; mắc phải sốt rét ác tính thì chỉ có thác. Mấy dòng chữ cuối cùng rời rạc một ngày trước khi Mouhot chết, ngày 10 tháng 11 năm 1861: “Bị cơn sốt rừng… và rồi bốn ngày sau đó – Thương cho tôi Chúa ôi !”

Xác Mouhot chỉ được vùi nông bên bờ con sông Nam Khan hoang vắng với bạn đồng hành duy nhất là con chó trung thành Tine-Tine vẫn không ăn không chịu rời xa nấm mộ chủ và vẫn tru lên những tiếng kêu thảm não.

Phải chờ tới 6 năm sau khi có đoàn thám hiểm Pháp Francis Garnier / Doudart de Lagré đi qua vào năm 1867, mới có được một ngôi mộ cho Mouhot. Một truy niệm cho người chết và cũng là một sinh niệm cho sáu người trong đoàn, bởi vì họ biết rất rõ cái chết như Mouhot thì quá ư gần gũi.

Thực vậy đã có 2 trong số 6 người đứng bên nấm mộ Mouhot hôm ấy cũng đã chết trong vòng mấy năm sau đó. Doudart de Lagré trưởng đoàn bỏ mạng trên đường đi vì chứng amibe áp-xe gan – một căn bệnh nhiệt đới khác. Riêng Francis Garnier tuy sống sót qua cuộc thám hiểm sông Mekong nhưng cũng lại bị giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết một năm sau đó ở Ô Cầu Giấy gần Hà Nội.

Điều ngạc nhiên thú vị cho đoàn là họ gặp lại con chó Tine-Tine của Mouhot còn sống trong một gia đình Lào ở Luang Prabang, nó không cần biết những ông Tây da trắng bạn của chủ nó là ai tới thăm nên cứ thẳng thừng nhe răng xông ra cắn…

Nhưng rồi nấm mộ Mouhot cũng lại bị quên lãng một thời gian dài nữa do hơn nửa thế kỷ chiến tranh loạn lạc và chỉ mới được trùng tu vào năm 1990 – với thêm một tấm plaque từ Montbéliard tên thị trấn nhỏ nơi sinh của Mouhot, với dòng chữ đơn giản nhưng đầy ý nghĩa: “Hãnh diện về đứa con của chúng tôi”.

Và nay ngôi mộ Mouhot là tụ điểm du lịch hấp dẫn đối với các đoàn du khách.

Milton Osborne trong cuốn sách “The Mekong River Expedition” đã nhận xét: Mouhot, Doudart de Lagré, Francis Garnier…là biểu tượng cho một thế hệ thanh niên Âu Châu có học thức của thế kỷ 19 – được mệnh danh là thế kỷ của chịu đựng và khắc kỷ. Họ không chỉ dũng cảm và đam mê với viễn tượng các cuộc phiêu lưu tới những vùng đất mới và họ còn ngây thơ cả tin về sứ mệnh khai hóa – mission civilisatrice của nước Pháp đối với các dân tộc ở Viễn Đông mà họ cho là còn bán khai.

Đứng bên ngôi mộ Mouhot hơn 130 năm sau, bên bờ dốc con sông Nam Khan, nhìn dòng nước chảy vào sông Mekong đẫm những phù sa, Cao miên man nghĩ tới những gì đã xảy ra trên suốt dọc con sông lịch sử, con sông thời gian và cũng là con sông cuối cùng ấy. Được mệnh danh là con sông của tình ái và hạnh phúc khi thì phẳng lặng hiền hòa khi thì ghềnh thác cuộn sóng với bạo lực hủy hoại và cả nỗi thống khổ nữa. Dòng chảy con sông ấy luôn luôn mang trong nó sự sống và cả chết chóc. Nó luôn luôn và mãi mãi là một ẩn số khó hiểu và cuốn hút người ta bằng những năng lực huyền nhiệm

Con sông ấy đã bị bi thảm hóa trong suốt nửa thế kỷ chiến tranh và nay đang được thơ mộng hóa trong thời bình với kế hoạch Du Lịch Môi Sinh Năm 2000.

Theo ông Khắc người bạn vong niên của Cao thì cho rằng con sông ấy luôn luôn gợi lại nơi ông những hoài niệm về suốt chiều dài của cuộc chiến tranh trong nỗi kinh hoàng và hy vọng để thấy hai điều lớn lao nhất là tình yêu và cái chết, nói như Rudyard Kipling:

Two things greater than all things are

The first is love, and the second war.

Từ bao ngàn năm rồi Luang Prabang đã có đó, cứ mãi soi bóng trên dòng sông Mekong, cho dù kinh đô ấy đã trải qua bao thăng trầm với nhiều đợt bị ngoại xâm tàn phá.

Tới thế kỷ 18, số chùa chiền lớn nhỏ vốn cả trăm chỉ còn lại một phần ba. Ngay Hoàng Cung cũng chẳng phải là một công trình kiến trúc cổ xưa, chỉ mới được người Pháp tái thiết từ năm 1909 với kiến trúc sư người Pháp và thợ thuyền được mộ từ Việt Nam và Thái Lan qua, ngân khoản cũng là từ chánh phủ thuộc địa Pháp tặng dữ cho vua Lào.

Như vậy sự hấp dẫn của Luang Prabang với Cao có lẽ không phải nơi cung điện cổ kính mà là cả một kho báu tượng Phật chứa đựng trong đó cùng với số chùa chiền cổ chưa hề bị các cuộc chiến tranh phá hủy và còn nguyên vẹn.

Theo ông Khắc – người được mệnh danh là nhà báo của các nhà báo – thì pho tượng Phật Vàng Prabang còn có tên là Lopburi Buddha mang đậm nét văn hóa Khmer từ thế kỷ thứ 12 với dáng đứng Abhayamudra, tay phải đưa lên, lòng bàn tay hướng về phía trước biểu tượng cho sự phù hộ che chở và cả xua đi mọi bất an sợ hãi.

Năm 1975 khi cộng sản toàn chiếm nước Lào một xứ sở chỉ có 4 triệu dân với mật độ dân cư thưa nhất Á Châu (khiến Mao Trạch Đông từng có dự định đưa dân Tàu sang Lào ở), tại vùng bắc núi non có nơi chỉ có 5 người dân trên 1 km2 _ có tới 68 sắc tộc khác nhau gồm 3 nhóm chính: Lao Lum – Lào Kinh, Lao Theung – Lào Thượng hay Kha, Lao Soung – Lào Núi hay Hmong và Yao và được kể là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Khi mà nhà vua Savang Vathana – vị vua Lào cuối cùng, vốn hòa nhã và đức hạnh được dân chúng yêu mến, rất học thức từng tốt nghiệp École de Science Politique de Paris, say mê đọc sách – cùng với hoàng hậu và cả hoàng thái tử đều bị bắt đi đầy ải cho tới chết trong các trại cải tạo ở Sầm Nứa – cùng với đám quân nhân công chức chế độ cũ được mệnh danh là patikan – bọn ngụy phản động, thì chế độ quân chủ Lào coi như đã bị bức tử.

Với khẩu hiệu gần giống như “tiến lên xã hội chủ nghĩa” của đảng Cộng Sản Nhân Dân Lào – một thứ “Socialism made in Vietnam” như một nhà báo Pháp đã mỉa mai gọi như vậy – và ông Kaysone Phomvihane để chứng tỏ tự chủ đã không muốn gọi là Đổi Mới giống Việt Nam mà là Ý Mới – Chin Thanakaan, đã không muốn gọi Xã Hội Chủ Nghĩa mà là Xã Hội Lương Hảo – Sangkhom Nyom. Nhưng cho dù gọi là gì đi nữa, với nghệ thuật nói và lắp chữ tinh vi tới đâu thì cũng thì cũng không thể nào hơn các các đồng chí Kèo Đèng – Việt Cộng, và cũng không thể khác với Việt Nam, nghĩa là bức màn tre cũng đã phải rơi xuống, để cho các doanh nhân ngoại quốc dĩ nhiên có doanh nhân Mỹ với laptop nghênh ngang tự do ra vào – nơi mà trước đây ít năm họ đã phải từng cúi mặt ra đi. Một hiện tượng mà ký giả báo Le Monde đã gọi đó là “Ultime revanche des Americains – Sự trả thù tối hậu của người Mỹ”.

Để tiến tới Xã Hội Lương Hảo – Sangkhom Nyom thì cái kinh đô thơ mộng này đang bị đĩ điếm hóa để trở thành lai căng không giống ai chỉ để phục vụ cho du khách.

Và Hoàng Cung nay được cải tên thành Viện Bảo Tàng Quốc Gia, vẫn trên con đường Phothisarat chạy vòng theo bờ cao của con sông Mekong, nơi mà xưa kia khách của Hoàng gia có thể tới thăm bằng thuyền.

Cung điện vẫn còn đó nhưng chủ nhân thực sự thì đã vắng bóng, chỉ còn những kỷ vật của nguyên thủ các quốc gia trước đây tặng nhà vua thì nay vẫn được trưng bày nơi phòng khách: khẩu súng săn với báng nạm ngọc của Leonid Brezhnev, bộ đồ trà của Mao Trạch Đông và mẫu đá trên mặt trăng do phi thuyền Apollo 11 đem về do tổng thống Mỹ tặng … Cao thì thú vị nhất với bức tranh tường – mural, nơi Phòng Khách Sứ Thần của họa sĩ Pháp Alex de Fontereau vẽ cảnh sinh hoạt một ngày Luang Prabang êm đềm cách đây hơn nửa thế kỷ – vẻ đẹp như vẫn còn phảng phất qua mấy vần thơ của nữ sĩ Vân Đài (1942) :

Chuông chiều ngân trong gió – Tháp núi ẩn màn sương

Lầu vua thu bóng nhỏ – Chùa bụt lạnh hơi sương

Cho dù UNESCO từ 1995 đã quyết định chọn Luang Prabang là Khu Di Sản Thế Giới – World Heritage Site, nhưng rồi người ta vẫn cứ nhân danh “đem tiến bộ tới cho xứ Lào” với kế hoạch mở xa lộ mới từ Vạn Tượng qua Luang Prabang lên tới biên giới phía nam Trung Hoa tới Côn Minh thì cái viễn tượng hàng đoàn xe bus chở khách du lịch lũ lượt từ Nong Khai Thái Lan băng qua cầu Hữu Nghị Mittaphap tới Vạn Tượng trên đường tới Luang Prabang thì Cao hiểu rằng cái vẻ đẹp mong manh của nơi cố đô ấy với những mái chùa tháp lấp lánh, các nhà sư trong những chiếc áo cà sa vàng rực rỡ, những con đường rợp bóng cây xanh ngát hương thơm của hoa và nhang trầm, với rộn rã tiếng chim, với những đứa trẻ nô đùa cả trên mặt đường mà không sợ xe cộ, người dân qua lại không một ai dáng vội vã… rồi ra tất cả cũng sẽ mau chóng trở thành kỷ niệm quá khứ.

Cao chợt có ý so sánh con sông Mekong như chiếc đòn sóc mang trên vai nó suốt chiều dài của nước Lào, là cửa ngõ để Lào tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Quanh năm con sống ấy vẫn luôn luôn là mạch sống và cũng là nguồn hạnh phúc của người dân Lào – thiếu nó Lào sẽ như một cơ thể không có mạch máu.

Không phải chỉ có ở Luang Prabang mà là bất cứ đâu trong suốt chiều dài của con sông ấy, sự sống của người dân Lào như gắn liền với con sông Mekong, luôn luôn là nơi tụ hội trong những ngày lễ lớn theo chu kỳ của cả hai mùa khô lũ. Là khí hậu Á Châu Gió Mùa – climat des moussons, với mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10 và bước sang mùa khô từ tháng 11 tới tháng 4.

Vào mùa nước lớn thì có ngày Bun Xuồng Hưa – Lễ Hội Nước , dân chúng đổ nhau ra dọc hai bên bờ sông xem đua thuyền, có cả thuyền rồng của nhà vua ngày trước. Buổi tối là hội hoa đăng, trai gái rủ nhau ra thả trên sông những con thuyền nến nhỏ, hàng ngàn chiếc như vậy lập lòe theo con nước mà xuôi dòng. Vào mùa nước thấp nơi khúc sông cạn, là nơi tổ chức Bun Băng Phay – Lễ Cầu Đảo, với những giàn tre cao tới cả mười thước được dựng bên bờ sông, trai gái họp từng toán ca múa rồi khiêng những chiếc pháo tre – băng phay đặt lên giàn cao và thi nhau đốt.

Nhưng ngày hội lớn nhất trong năm vẫn là ngày Tết Bun Pimay – Lễ Mừng Năm Mới và thời điểm thì khác xa với các ngày tết Dương lịch và Âm lịch. Bởi do Lịch Lào khá phức tạp, năm thì được tính theo chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời, trong khi tháng thì lại tính theo tuần trăng. Thường ngày đầu năm theo lịch Lào rơi vào một ngày của hạ tuần tháng 11 hay thượng tuần tháng chạp Dương lịch. Nhưng điều lạ lùng và khó hiểu là tết Lào Pimay lại không tổ chức vào ngày đầu năm mà lại nhằm vào khoảng trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng cuối mùa khô nên rất ư là nóng, phải nói là nóng nhất trong năm. Lễ tưới nước tắm mát Pimai rơi đúng vào thời gian này.

Như vậy Pimay tuy gọi là tết năm mới nhưng thực ra là ăn Tết Tháng Năm_ Bun Đườn Hạ, tức là 5 tháng sau ngày đầu năm.

Cũng lại vẫn ông Khắc đưa ra lời giải thích lý thú: bản tính “xừ xừ” của người Lào hồn nhiên dung dị nhưng cũng rất ư là sâu sắc. Theo họ thì đầu năm theo lịch Lào đêm dài hơn ngày: ăn Tết vào những ngày đầu năm ấy chẳng khác nào đi sâu thêm vào bóng đêm – mà bóng tối thì tượng trưng cho sự cô đơn sầu thảm; ngược lại kể từ tháng năm theo lịch Lào thì ngày bắt đầu dài hơn đêm, người Lào chọn ăn Tết vào dịp này như để tiến tới ánh sáng hào quang – tượng trưng cho tương lai sán lạn hạnh phúc vui tươi và cả sự may mắn.

Do đó vào dịp lễ Tết Pimay mọi người trên toàn xứ Lào tự do tận hưởng vui chơi suốt ba ngày có khi lâu hơn. Và mỗi ngày trong ba ngày Tết Lào đều có mang những ý nghĩa khác nhau.

Ngày thứ nhất – Mu Sang Khan Pay, vị thần năm cũ ra đi giống như ngày 23 tháng chạp Ông Táo về trời bên Việt Nam. Ngày thứ hai – Mu Nao, là ngày bắc cầu giữa năm cũ bước sang năm mới. Ngày thứ ba – Mu Sang Khan Kune, là ngày vị thần năm mới tới nhậm chức.

Bạn ông Khắc, nhà báo Phạm Trọng Nhân một cây bút của báo Bách Khoa trước 1975, từng là Đại sứ Việt Nam ở Lào đã dí dỏm nhận xét là không hề có “lễ bàn giao” giữa hai ông thần năm cũ và năm mới vì bị cách ly bởi một ngày Mu Nao trung gian.

Cũng giống như phong tục Việt Nam, trước ngày Tết, mọi người chăm sóc lau chùi dọn dẹp nhà cửa cho thật sạch sẽ như muốn gột rửa cho hết bụi bặm tối tăm của năm cũ để chuẩn bị đón mừng một năm mới hạnh phúc thanh khiết và sáng lạn hơn.

Trong ngày Tết Pimai ai cũng chọn mang những bộ áo mới đẹp nhất để đi chùa dự Lễ Tắm Phật với nước có tẩm hoa thơm đồng thời cầu cho được một năm mới an khang và làm ăn thịnh vượng. Rồi người ta dành thì giờ đi thăm viếng chúc tụng lẫn nhau và bất cứ ai dù có nỗi buồn riêng gì đi nữa thì cũng cố giữ vẻ mặt thật hân hoan vui vẻ.

Sang tới ngày thứ hai thì mọi người tụ họp vui chơi tập thể, gõ trống thổi khèn và các chàng phoubao các nàng phousao – đám trai gái hát hò chọc ghẹo tưới nước vào nhau nếu có xàm xỡ thì cũng không sao và dễ dàng cho qua trong mấy ngày Tết:

Ơ Sáo, Ơ Sáo / Ới Nàng, Ới Nàng

Sáo dù bản đáy / Nàng ở làng nào

Ải khó xị đè…/ Cho anh ấy… với!

Gặp đám con trai cỡ ấy thì các cô gái chỉ biết có sung sướng đỏ mặt mà làm bộ trốn đi. Rồi người ta rủ nhau ra bờ sông làm lễ phóng sinh: thả cá chậu xuống sông hay thả chim lồng cho tung cánh tự do bay vào bầu trời nắng mới. Cũng trên bờ sông ấy, họ thi nhau đắp những lâu đài cát xong gắn lên đấy hình con vật biểu tượng cho năm mới với lời cầu nguyện cho được mạnh khỏe sống lâu và tiền bạc thì vô dồi dào như cát trên dòng sông Mẹ – Mae Nam Khong…

Và cũng không kém phần long trọng là lễ rước gia tiên – Pou Gneu Gna Pneu, được coi như tổ tiên của người dân Lào. Trên đường phố có cả đám rước Nang San Khan – Hoa Hậu Năm Mới với đoàn người mang mặt nạ nhảy múa cùng với đầu lân và sư tử . Khi có nhà vua đi qua thì tất cả quỳ xuống cung kính chúc thọ. Sau đó thì vua cũng được thần dân tưới nước và hoàng thái tử cũng bị các nàng thiếu nữ Phou Sao trẻ đẹp nghịch ngợm xông tới xé áo trong không khí cảm thông hòa đồng tươi vui và cùng hớn hở. Riêng ông Khắc năm đó cũng không tránh được đôi bàn tay xinh đẹp của một thiếu phụ Lào bôi lọ nồi lên má nhưng chưa bị nàng xé áo.

Có lẽ người dân Lào không bao giờ quên được những ngày Tết Luang Prabang khi còn nhà vua của họ. Còn đâu những đoàn voi kiệu uy nghi diễn hành trên đường phố; với nhà vua hiền từ cùng Hoàng gia với đoàn tùy tùng đi tới chùa Vat May làm lễ tẩy trần cho tượng Phật được đưa từ trên bệ cao xuống sân chùa nơi con rồng Hang Lin phun nước thơm lên pho tượng.

Hang Pak Ou cũng là nơi được nhà vua tới thăm trong dịp lễ Pimay. Hang gần nơi bờ sông phía bắc cách Luang Prabang khoảng hơn 20 km. Từ dưới sông phải leo lên những bậc thềm đá dốc để tới được khu hang lúc nào cũng ẩm ướt dịu mát. Hang gồm hai tầng Tham Thing – Hang Dưới, Tham Phum – Hang Trên chứa cả mấy ngàn tượng Phật với những vóc dáng khác nhau.

Tương truyền rằng vào thế kỷ 16 khi Luang Prabang bị ngoại xâm tàn phá thì trước đó dân chúng đã tự động khiêng các tượng Phật dấu vào hang Pak Ou và tới nay đã 4 thế kỷ.

Trong dịp tết Pimai, dân chúng cũng lũ lượt cả bằng đường bộ lẫn đường sông rủ nhau tới đây để tắm cho các tượng Phật bằng nước thơm – những bức tượng mang bụi thời gian hàng mấy thế kỷ không tránh được nứt nẻ và cả rêu phong duy có nụ cười an tĩnh của đức Phật thì như bất tử.

Đi tới đâu thì Cao cũng chỉ gặp những người dân Lào hiền từ đôn hậu chất phác và không ham tranh đua. Nhiều người đơn giản thì cho rằng bản chất tốt đẹp ấy như kết quả của một quá trình tôi luyện qua nhiều thế kỷ dưới ánh sáng của đạo Phật là quốc giáo của Lào.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra tiếp theo là với người Xiêm La, người Khmer thì sao? Họ cũng sống dưới bóng từ bi của đức Phật qua nhiều thế kỷ, đạo Phật cũng là quốc giáo mà người Thái thì trí trá sản sinh ra một bầy hải tặc gây bao thảm cảnh hãm hiếp thuyền nhân trên Biển Đông, còn người Miên thì bạo động tàn ác cứ có dịp là cáp duồn chặt đầu vô số người Việt. Mùa Thổ Dậy luôn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người Việt sống ở các tỉnh gần biên giới Việt Miên.

Câu hỏi tự đặt ra chưa có ngay lời giải đáp nhưng Cao hiểu rằng không thể chỉ đơn thuần dựa theo yếu tố tôn giáo mà phải kể tới những hoàn cảnh lịch sử, sắc thái nhân chủng để tạo nên cái vô thức tập thể – inconscient collectif, nói theo Carl Gustav Jung như một bản năng thứ hai không dễ gì mà thay đổi ấy.

Comments are closed.