Francis Fukuyama
Chấn Minh chuyển ngữ
Đám đông cố trèo lên Bức tường Berlin vào ngày 10 tháng 11 năm 1989, buổi sáng sau khi lần đầu tiên bức tường bị chọc thủng. Ảnh: Getty
Hai mươi lăm năm sau sự số Thiên An Môn và sự sụp đổ của bức tường Berlin, chế độ dân chủ mở vẫn không có đối thủ.
Hai mươi lăm năm về trước, tôi đã viết bài “Sự chấm dứt của lịch sử?” cho một tạp chí nhỏ có tên là “National Interest” (Quyền lợi Quốc gia”). Lúc đó là vào mùa Xuân năm 1989 và với chúng tôi, những người đã bị cuốn hút vào những tranh luận chính trị và thức hệ lớn của Chiến Tranh Lạnh, thời khoản đó thật không thể tưởng tượng được. Bài viết ấy xuất hiện vài tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, đúng vào lúc các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ xảy ra tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh, và ngay khi một làn sóng chuyển tiếp vào thể chế dân chủ dâng lên tại Đông Âu, Châu Mỹ Latin, Châu Á, và Phi Châu ở phía dưới sa mạc Sahara.
Tôi lý luận rằng Lịch Sử (trong ý nghĩa triết học lớn) đã vận hành rất khác với những gì các nhà tư tưởng cánh trái đã tưởng tượng. Quy trình hiện đại hóa kinh tế và chính trị đã không đưa đến chủ nghĩa cọng sản, như những nhà Mácxít đã khẳng định và Liên Xô đã thề thốt, nhưng đã đưa đến một hình thái dân chủ mở và kinh tế thị trường nào đó. Đỉnh cao của lịch sử, tôi đã viết, hình như là tự do: những nhà nước dân cử, các quyền cho con người, một hệ thống kinh tế trong đó tư bản và lao động luân lưu dưới sự giám sát tương đối nhẹ nhàng của nhà nước.
Vào lúc này, khi nhìn lại bài viết đó vào thời điểm này, hãy bắt đầu từ một điểm hiển nhiên: Năm 2014 xem ra rất khác với năm 1989.
Nước Nga, một nước có một chế độ độc tài thông qua bầu cử và đang sống nhờ tiền bán dầu hỏa, nay đang tìm cách đe dọa và uy hiếp các nước láng giềng để lấy lại các đất đai đã mất khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Trung Quốc vẫn còn là một nước độc tài nhưng nay là một nước có một nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới và nhiều tham vọng mở mang bờ cõi tại Nam Hải và Biển Đông. Như ông Walter Russell Mead, một nhà phân tích chính sách ngoại giao đã viết mới đây, địa chính trị của một thời xa xưa đã hùng dũng trở lại, và nền ổn định toàn cầu đang bị đe dọa từ cả hai đầu của lục địa Âu-Á.
Vấn đề của thế giới hôm nay không những là các nhà nước độc tài đang chuyển động tiến lên mà còn ở tình hình không mấy tốt đẹp lắm tại các nước dân chủ đang hiện hữu vào lúc này. Hãy lấy Thái Lan, nơi mà cơ cấu chính trị không lành lặn cho lắm nay đã nhường chổ cho một cuộc đảo chánh quân sự, hay là Bangladesh, nơi mà hệ thống nhà nước vẫn còn bị dằng co níu kéo bởi hai bộ máy chính trị thối nát. Nhiều quốc gia hình như đã chuyển tiếp thành công vào thể chế dân chủ – Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Nicaragua – nay lại đang tụt hậu và trở về lại với các tập quán độc tài. Tại nhiều nước khác, kể cả các thành viên mới của Liên hiệp Âu Châu như Romania và Bulgaria, nạn tham nhũng vẫn còn lan tràn như một cơn dịch.
Và thêm vào đó là những nước dân chủ đã phát triển. Cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu đã kinh qua nhiều khủng hoảng tài chánh trầm trọng trong thập niên qua, có nghĩa là tăng trưởng èo uột và thất nghiệp cao, đặc biệt cho những người trẻ. Dù rằng vào lúc này kinh tế Hoa Kỳ đang bắt đầu tăng trưởng trở lại, các phúc lợi vẫn chưa được chia sẽ đồng đều, và hệ thống chính trị Hoa Kỳ nay đang bị phân cực và chia rẽ theo các lằn ranh đảng phái. Và vì thế, Hoa Kỳ nay khó lòng có thể được xem như là là một ví dụ sáng ngời cho các nước dân chủ khác.
Như thế thì, giả thuyết tôi của tôi về sự chấm-dứt-của-lịch-sử đã được chứng minh là sai hay chưa, và nếu không sai, có cần hiệu đính lại nhiều không? Tôi tin rằng ý tưởng gốc của giả thuyết đó chủ yếu vẫn còn đúng, nhưng vào lúc này tôi hiểu nhiều hơn về bản chất của phát triển chính trị, một điều mà tôi đã chỉ thấy được một cách không rỏ ràng lắm vào những ngày bồng bột trong năm 1989.
Người dân Tusinia tập hợp để chống lại sự cai trị của nhà cầm quyền, 27/1/2011. Ảnh: AFP/Getty
Khi quan sát các xu huớng lớn của lịch sử, điều quan trọng là không bị mê hoặc bởi các phát triển ngắn hạn. Dấu ấn của một hệ thống chính trị kiên cố là tính bền vững trong dài hạn, chứ không phải là hiệu suất đạt được trong một thập niên nào đó.
Trước tiên, hãy xem xét các hệ thống kinh tế và chính trị đã thay đổi một cách đáng kể như thế nào trong hai thế hệ qua. Về mặt kinh tế, sản lượng của nền kinh tế thế giới đã tăng lên rất nhiều, gấp bốn lần trong thời khoản giửa đầu các năm 1970 và cuộc khủng hoảng tài chánh vào các năm 2007-2008. Cho dù cuộc khủng hoảng này là một bước lùi lớn, các mức độ thịnh vượng trên toàn cầu đã tăng truởng rất mạnh mẽ tại tất cả các lục địa. Điều này đã xảy ra vì thế giới đã đan kết lại vào nhau trong cùng một hệ thống mậu dịch và đầu tư mở. Ngay cả tại những nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, ưu thế thuộc về các quy luật thị trường và sự cạnh tranh.
Nhiều thay đổi lớn lao cũng đã xảy ra trong lãnh vực chính trị. Vào năm 1974, theo chuyên gia ngành dân chủ học Larry Diamond tại Viện Đại học Stanford, chỉ có 35 nước có chế độ dân chủ theo bầu cử, số nước này đại diện cho dưới 30% các nước trên thế giới. Đến năm 2013, con số những nước này đã lên đến 120 nước, hay 60% tổng số các nước trên thế giới. Năm 1989 đánh dấu sự gia tốc của một khuynh huớng lớn mà một nhà chính trị học đã quá cố của Viện Đại học Harvard, ông Samuel Huntington, đã gán cho nhãn hiệu là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa, một làn sóng đã bắt đầu từ phía Nam của Âu Châu và Châu Mỹ Latin khoảng 15 năm trước và sau đó sẽ lan ra Phi Châu dưới sa mạc Sahara và Á Châu.
Sự xuất hiện của một trật tự kinh tế dựa trên thị trường toàn cầu và sự lan rộng của dân chủ là hai hiện tượng có liên kết rõ rệt. Dân chủ luôn luôn dựa trên một giai cấp trung lưu dày rộng, trong khi đó thì đội ngũ những công dân trù phú có sở hữu tài sản đã tăng vọt lên tại mọi nơi trong thế hệ vừa qua. Tại những nước mà người dân giàu có và được giáo dục tốt hơn, họ thường hay đòi hỏi các nhà nước phải làm nhiều hơn cho họ – và vì họ trả thuế, họ cảm thấy họ có quyền buộc nhưng quan chức nhà nước phải biết chịu trách nhiệm. Một số lớn trong các pháo đài kiên cố nhất của chủ nghĩa độc tài là những nước giàu-vì-có-dầu-hỏa như Nga, Venezuela, và các chế độ tại Vịnh Ba Tư. Tại đó, “lời nguyền rủa của tài nguyên”, như người ta đã gọi, cho các nhà nước này những nguồn thu nhập khổng lồ mà không cần đến sự đóng góp của người dân.
Cho dù có chấp nhận việc các nhà chuyên chế tại những nước giàu vì dầu hỏa có khả năng chống lại các đổi mới, kể từ năm 2005 chúng ta đã là nhân chứng của một hiện tượng TS Diamond gọi là một “sự suy thoái dân chủ” toàn cầu. Theo tổ chức Freedom House (Nhà Tự Do), một tổ chức thuờng công bố một báo cáo được sử dụng rộng rãi, số lượng và chất lượng các nhà nước dân chủ – đo lường được qua các chỉ số như bầu cử không gian lận, tự do báo chí, v.v.) đã giảm xuống liên tục trong vòng tám năm qua.
Nhưng hãy nhìn sự suy thoái dân chủ này từ một quan điểm khác: cho dù chúng ta đang âu lo về chiều hướng độc tài tại Nga, Thái Lan, hay Nicaragua, vào các năm 1970, tất cả những nước đó đều là những nước độc tài. Bất chấp những ngày cách mạng đầy cảm hứng tại Quảng trường Tahrir ở Cairo vào năm 2011, Mùa Xuân Ả Rập hình như đã không mang lại được một nền dân chủ đích thực tại bất cứ nước nào khác ngoài nước tại đó nó đã xuất phát: Tunisia. Tuy vậy, sau Mùa xuân Á Rập và trong dài hạn, chính trị tại các nước Ả Rập sẽ có khả năng đáp ứng bén nhạy hơn. Việc kỳ vọng chuyện này sẽ xảy ra một cách nhanh chóng là một điều hết sức không thực tế. Chúng ta quên là sau cuộc cách mạng 1848 – “Mùa Xuân Của Các Dân Tộc” của Âu Châu, dân chủ đã cần thêm đến 70 năm nữa mới củng cố được.
Trên lãnh vực tư tưởng, hơn thế nữa, nền dân chủ cởi mở không có bất cứ cạnh tranh đích thực nào. Nước Nga của Vladimir Putin và nước Iran của các giáo chủ Hồi giáo (Ayatollah) ca ngợi những lý tưởng dân chủ trong khi trong thực hành chúng chà đạp lên các lý tưởng đó. Nếu không phải là như thế, tại sao lại trưng cầu dân ý giả mạo về “quyền tự quyết” tại miền Đông nước Ukraine? Một số người Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông có thể mơ về một Vương quốc Hồi giáo, nhưng đây không phải là sự lựa chọn của tuyệt đại đa số những người đang sống tại các nước Hồi giáo. Ở ngoài, hệ thống độc nhất có thể xem như có khả năng cạnh tranh về mọi mặt với các nước dân chủ cởi mở là cái gọi là “mô hình Trung Quốc”, một mô hình xáo trộn một nhà nước chuyên chế với một nền kinh tế thị trường bán phần và một trình độ quản lý hành chánh kỹ thuật và quản lý kỹ thuật và có năng lực cao.
Tuy thế, nếu có ai hỏi tôi muốn đánh cuộc, là 50 năm sau, Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ giống Trung Quốc hay ngược, lại tôi sẽ chọn ngược lại mà không do dự gì cả. Có nhiều lý do để nghĩ rằng mô hình Trung Quốc không bền vững được. Tính hợp pháp của hệ thống và độc quyền cai trị của đảng dựa trên tăng trưởng ở mức độ cao, mà điều này, nói cho gọn, sẽ không thể nào xảy ra khi Trung Quốc tìm cách vươn lên từ một nước với lợi tức trung bình để trở thành một nước có lợi tức cao.
Trung Quốc đã tích lũy những món nợ ngầm khổng lồ khi để độc chất ngấm vào đất đai và khí trời. Dù cho khả năng ứng xử vụ việc của nhà nước Trung Quốc vẫn nhanh nhẹn hơn đa số các hệ thống chuyên chế khác, giai cấp trung lưu đang tăng trưởng của Trung Quốc không chắc gì sẽ chấp nhận hệ thống phụ quyền quan liêu hủ bại hiện hành một khi thời thế trở nên khó khăn. Trung Quốc nay không còn rao truyền một lý tưởng phổ cập nào ở ngoài biên giới của mình, như đã từng làm trong những ngày cách mạng dưới ông Mao. Khi mà các mức độ bất công và lợi thế lớn lao của những người có kết nối chính trị ngày càng gia tăng, “giấc mơ Trung Quốc” chỉ là biểu tượng của một phương pháp làm giàu của một số người tương đối nhỏ chứ không là gì khác.
Tuy nhiên, những điều đã nói ở trên không có nghĩa là chúng ta không cần làm gì cả và mãn nguyện với hiệu suất của dân chủ trong hai thập niên qua. Giả thuyết lịch-sử-chấm-dứt của tôi không bao giờ có ý đồ làm một lời tiên đoán xác định hay giản đơn cho sự toàn thắng không tránh được của nền dân chủ mở trên khắp thế giới. Các chính thể dân chủ chỉ sống sót và thành công khi người dân sẵn sàng chiến đấu cho pháp quyền và các nhân quyền, và đòi hỏi những người làm chính trị phải chịu trách nhiệm cho những gì họ làm. Những xã hội như thế dựa trên lãnh đạo, khả năng tổ chức, và may mắn tuyệt đối.
Vấn đề lớn nhất và độc nhất của những xã hội muốn dân chủ hóa là không thành công khi tìm cách cung ứng thực chất những điều người dân mong muốn từ một nhà nước: an toàn cá nhân, được dự phần khi kinh tế tăng trưởng, và các dịch vụ công cộng cần thiết (đặc biệt là giáo dục, y tế, và hạ tầng cơ sở) để đạt được cơ hội cá nhân. Các nhà tranh đấu dân chủ, vì những lý do dễ hiểu, chú tâm vào việc giới hạn quyền lực các nhà nước chuyên chế hay ăn cướp. Nhưng họ không dành nhiều thời gian suy nghĩ về việc cai trị một cách có hiệu năng. Những người đó, theo lời của Woodrow Wilson, quan tâm nhiều hơn về việc “kiểm soát thay vì làm cho nhà nước sinh động hơn.”
Ở đó chính là sự thất bại của Cách Mạng Cam vào năm 2004 tại Ukraine, một cuộc cách mạng đã lật đổ được Viktor Yanukovych lần đầu tiên. Các nhà lãnh đạo nắm được chính quyền qua các cuộc chống đối đó – Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko – đã phí phạm năng lực của họ khi lao đầu vào những gây gổ nội bộ và những thỏa thuận mờ ám. Nếu có được một chính phủ dân chủ và hữu hiệu lên nắm chính quyền, nếu dọn sạch được thối nát và tham nhũng ở Kiev, nếu tạo dựng lại niềm tin vào các cơ quan chính phủ, nhà nước đã có thể xác định và thiết lập được tính hợp pháp của mình trên toàn cõi nước Ukraine, kể cả miền Đông nói tiếng Nga, rất lâu trước khi Putin có đủ sức mạnh để can thiệp. Thay vào đó, các lực lượng dân chủ đã tự đánh mất uy tín, và lót đường cho sự trở về của ông Yanhkovych vào năm 2010, để mở màn cho sự bế tắc căng thẳng và đẫm máu trong những tháng vừa qua.
Ấn Độ đã bị kềm hãm bởi một khiếm khuyết về hiệu suất tương tự khi so sánh với Trung Quốc. Việc Ấn Độ vẫn không tan rã sau khi được thành lập như là một nước dân chủ vào năm 1947 là một điều rất ấn tượng. Nhưng nền dân chủ Ấn Độ, cũng như kỹ thuật làm dồi thịt, không có gì hấp dẫn khi nhìn từ gần. Nhà nước đầy rẫy tham những và bao che bè cánh; theo Hiệp Hội Cải Cách Dân Chủ Ấn Độ, 34% những người đắc cử vào những kỳ bầu cử gần đây là những tội phạm hình sự đang bị truy tố vì đã sai phạm các trọng tội như giết người, bắt cóc, và tấn công tình dục.
Chế độ pháp quyền có mặt ở Ấn Độ, nhưng luật pháp chậm và có hiệu năng thấp đến mức nhiều người đi kiện chết trước khi được đơn kiện của họ được tòa án xét xử. Tối Cao Pháp Viện Ấn Độ có trên 60 mươi ngàn trường hợp chưa cứu xét đến, theo báo Hindustan Times. So với một Trung Quốc chuyên chế, nhà nước một nước dân chủ lớn nhất thế giới hoàn toàn bó tay khi tìm cách cung cấp cho người dân những hạ tầng cơ sở hiện đại hay những dịch vụ cơ bản như nước sạch, điện lực, và giáo dục cơ bản.
Tại một vài tiểu bang Ấn Độ, 50% các thầy giáo không đi làm việc, theo kinh tế gia và nhà hoạt động Jean Drèze. Narendra Modi, một người theo chủ nghĩa quốc gia Ấn Độ Giáo với một quá trình khoan dung đáng lo ngại đối với các hành vi bạo lực chống lại người Hồi giáo, vừa được bầu làm Thủ tướng bởi một đa số đáng lưu ý, vì người ta hy vọng là bằng cách này hay cách khác ông sẽ vượt qua được các tranh cãi vô bổ của chính trị Ấn Độ để thực sự làm được việc.
Hơn nhiều người khác, Người Mỹ thường không hiểu được sự cần thiết của một chính phủ có hiệu năng và chỉ chú tâm vào việc giới hạn quyền lực của các cơ quan thẩm quyền. Vào năm 2003, chính phủ của ông George W. Bush hình như đã tin rằng hai cơ chế – một nhà nước dân chủ và một nền kinh tế thị trường – sẽ tự phát trỗi lên tại Iraq sau khi nước Mỹ đã loại bỏ được chế độ độc tài Saddam Hussein. Họ đã không hiểu rằng hai cơ chế kể trên chỉ có thể hình thành thông qua các tương tác giữa nhiều định chế phức tạp – các đảng phái chính trị, các tòa án, các quyền sở hữu, sự chia sẻ cùng một ý thức dân tộc – đã hình thành và phát triển tại các nước dân chủ tiên tiến qua nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ.
Không may thay, Hoa Kỳ cũng là một trong rất nhiều nước không có khả năng cai trị một cách có hiệu năng. Hiến pháp Hoa Kỳ, dựa trên một mô hình do Madison đề xuất, khi tìm cách ngăn chặn chế độ độc tài bằng cách đặt ra rất nhiều chặn kiểm soát và cân bằng ở mọi cấp nhà nước, đã biến nhà nước thành một chế độ của quyền phủ nhận. Trong tình trạng phân cực – hay nói rõ hơn, tàn độc – của nền chính trị hiện nay tại Washington, nhà nước Hoa Kỳ đã chứng minh được là không còn có khả năng đi tới hay đi lùi một cách có hiệu năng được nữa.
Ngược lại với các lời kêu la quá khích của cả hai bên, vấn đề tài chính dài hạn và rất trầm trọng mà nước Mỹ đang đối đầu vẫn có thể giải quyết được qua những thỏa hiệp chính trị hợp tình hợp lý. Thế nhưng Quốc hội Mỹ chưa thông qua một ngân sách, theo chính những quy định của Quốc hội, trong nhiều năm qua. Mùa thu năm ngoái, đảng Cộng Hòa đã đóng cửa toàn bộ nhà nước chỉ vì không thể tìm được đồng thuận trong việc nhà nước trả các nợ cũ. Cho dù nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn cội nguồn của các phát kiến kỳ diệu, rất khó lòng xem nhà nước Hoa Kỳ như là một nguồn cảm hứng cho thế giới vào lúc này.
Hai mươi lăm năm sau, sự đe dọa lớn nhất đối với giả thuyết lịch-sử-chấm-dứt không phải là sự kiện ở một nơi nào đó và vào một ngày nào đó, sẽ hình thành một mô hình lớn hơn, tốt hơn và có khả năng vượt qua và thay thế mô hình chế độ dân chủ mở; chủ nghĩa thần quyền Hồi giáo hay chủ nghĩa tư bản Trung Quốc cả hai đều không có khả năng đó. Khi các xã hội bước lên được cái thang tự động đi lên của kỹ nghệ hóa, cơ cấu của các xã hội đó sẽ bắt đầu thay đổi theo chiều huớng ngày càng gia tăng các đòi hỏi tham gia chính trị. Nếu các nhà lảnh đạo chính trị thích ứng được với các đòi hỏi này, chúng ta sẽ tiến đến một phiên bản nào đó của dân chủ.
Câu hỏi cần nêu lên là có thể nào tất cả mọi quốc gia chắn chắn sẽ bước lên được cái thang tự động đó hay không. Vấn đề nằm trong sự gắn bó giữa chính trị và kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đến mức độ cất cánh được đòi hỏi phải có một số định chế tối thiểu ví dụ như khả năng buộc người ký khế ước tuân thủ nó và những dịch vụ hay tiện ích công cọng luôn luôn có khi cần. Thế nhưng, việc thiết lập những định chế này rất khó khăn trong các hoàn cảnh như nghèo khổ cùng cực và chia rẻ chính trị. Trong lịch sử, nhiều xã hội đã thoát ra được “cái bẫy” trên qua những tai nạn lịch sử, theo đó những điều xấu (như chiến tranh) thông thuờng lại sinh ra những điều tốt (như những nhà nước hiện đại). Tuy nhiên, một điều không ai có thể biết rỏ là mọi việc tất yếu sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Vấn đề thứ nhì mà tôi đã không đề cập đến 25 năm về trước là sự suy thoái chính trị, tự nó là một thang tự động đi xuống.Trong dài hạn, mọi định chế đều có thể suy thoái. Vì chúng thường cứng nhắc và bảo thủ; các phương pháp ứng xử dành cho những yêu cầu của một thời đại lịch sử không nhất thiết sẽ đúng khi các điều kiện bên ngoài thay đổi.
Hơn nữa, các định chế hiện đại được thiết kế một cách máy móc và với thời gian thường hay bị những tác nhân chính trị nhiều quyền lực thu gom vào tay họ. Vì việc thích tưởng thưởng gia đình hay bạn bè là một ý muốn tự nhiên hiện diện và vận hành trong bất kỳ hệ thống chính trị nào, các tự do sẽ thoái hóa và trở thành đặc quyền. Tại các nước dân chủ (hãy nhìn xem luật thuế má tại Hoa Kỳ vào lúc này) điều này cũng đúng không kém gì tại các nước độc tài. Trong những điều kiện đó, nguời giàu có khuynh hướng trở nên giàu hơn không nhất thiết hoàn toàn vì lợi nhuận trên tư bản cao hơn, như kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty đã tranh luận, nhưng bởi vì họ còn có khả năng tiếp cận hệ thống chính trị và có thể dùng các quan hệ họ có để cổ động cho quyền lợi của họ.
Khi bàn về các tiến bộ kỹ thuật, điều khó tiên đoán được là ai sẽ thụ hưởng các lợi ích của chúng. Những sáng chế mới như kỹ thuật truyền thông giúp trải rộng quyền lực vì chúng làm cho các thông tin ít tốn kém và dễ tiếp cận hơn, thế nhưng chính các kỹ thuật đó cũng xói mòn số lượng các việc làm không đòi hỏi một trình độ kỹ năng cao, đồng thời đe dọa đến sự hiện hữu của một giai cấp trung lưu dày rộng.
Không một ai nay đang sống trong một chế độ dân chủ đã được thiết lập từ lâu có quyền tự mãn về sự sống sót của chế độ đó. Bất chấp các thăng trầm ngắn hạn của nền chính trị thế giới, sức mạnh của các lý tưởng dân chủ vẫn là vô hạn. Chúng ta thấy sức mạnh đó trong những cuộc biểu tình lớn và đông người vẫn đã dấy lên một rất cách bất ngờ từ Tunis đến Kiev hay Istanbul, tức là tại những nơi mà người dân đòi hỏi nhà nước phải công nhận họ có phẩm giá ngang hàng vì họ cũng là con người. Chúng ta cũng thấy sức mạnh đó trong hàng triệu người đang tuyệt vọng tìm mọi cách đi ra khỏi các nơi như Guatamala City và Karachi để đến Los Angeles hay London.
Dù cho chúng ta có đặt nhiều câu hỏi về việc còn bao lâu nữa thì tất cả mọi người sẽ đến đó, chúng ta phải không có bất cứ nghi ngờ gì về hình thái của xã hội sẽ hiện diện khi Lịch Sử chấm dứt.
Fukuyama là một nhà thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Ông là tác giả cuốn “Trật tự chính trị và điêu tàn chính trị: Từ cách mạng công nghiệp dến toàn cầu hóa dân chủ” sẽ xuất bản vào ngày 1 tháng 10 năm nay bởi Farrar, Strauss và Giroux.
Nguồn (bản gốc tiếng Anh): http://online.wsj.com/articles/at-the-end-of-history-still-stands-democracy-1402080661
Nguồn (bản tiếng Việt): http://www.vietthuc.org/francis-fukuyama-khi-lich-su-cham-dut-dan-chu-van-se-con-do/