Người Mỹ không mang lại tự do cho Hàn Quốc – người Hàn đã tự làm điều đó

Kap Seol, Jacobin ngày 25/6/2020

Trường An dịch

Lời trước bài:

Cuộc nổi dậy Gwangju (Gwangju: Quang Châu “Thành phố Ánh sáng”) là một cuộc đấu tranh dân chủ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 27 tháng 5 năm 1980. Mặc dù quân đội dưới sự chỉ đạo của Chun Doo-Hwan đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình với hơn 2000 người bị tàn sát, người dân Gwangju vẫn chiến đấu kiên cường và giành được quyền làm chủ thành phố trong năm ngày. Khác với các cuộc biểu tình đấu tranh dân chủ ở nhiều nước, nơi giới trí thức và sinh viên đại học là nòng cốt, trong cuộc nổi dậy ở Gwangju hàng chục ngàn người lao động bình thường nhất đã tích cực tham gia và hy sinh. Mặc dù với quy mô và ý nghĩa rất to lớn, do các yếu tố chính trị, chủ yếu do các chính quyền Hàn Quốc và chính quyền Mỹ muốn ỉm đi sự kiện, cuộc nổi dậy ở Gwangju không có được chỗ đứng xứng đáng của nó như Thiên An Môn năm 1989. Tháng 5 năm nay là kỷ niệm 40 năm cuộc nổi dậy (và thảm sát) ở Gwangju. Bài viết của Kap Seol vừa có ý nghĩa tri ân những con người dũng cảm đã ngã xuống vừa mang tính cảnh tỉnh cho mọi người trong xã hội hiện đại: Ai có thể mang lại công bằng và dân chủ cho chúng ta ngoại trừ chính chúng ta? (ND)

Nước Mỹ thường tuyên bố rằng họ đã chiến đấu để bảo vệ nền dân chủ ở Hàn Quốc. Trên thực tế, chính người Mỹ đã khai sinh cho một loạt chế độ độc tài ở Hàn Quốc. Nhân dân Hàn Quốc chỉ giành được tự do hàng thập kỷ sau chiến tranh thông qua các cuộc đấu tranh quả cảm chống lại các chính quyền độc tài quân sự do Mỹ chống lưng như trong Cuộc nổi dậy oai hùng ở Gwangju năm 1980.

Vào ngày 18 tháng 5 năm 1980, người dân Gwangju nổi lên chống quân đội. Ảnh: Kho lưu trữ phong trào ngày 18 tháng 5 / Wikimedia Commons

Đối với Hàn Quốc, cuộc nổi dậy chấn động thành phố Gwangju vùng Tây Nam trong mười ngày năm 1980 là một khoảnh khắc lịch sử. Cái thành phố đưa ra thế giới ban nhạc BTS và tác phẩm Ký sinh trùng của Bong Joon-Ho đã từng trải qua sự đè nén của bao chế độ độc tài. Cho tới trước năm 1992, các chế độ ở Hàn Quốc chỉ thay đổi thông qua nổi loạn và đảo chính quân sự. Cuộc Nổi dậy Gwangju đã đánh dấu bước đầu cho sự cáo chung của chế độ toàn trị độc tài ở Hàn Quốc và giờ đây, một nền dân chủ non trẻ đang tự mình vươn lên và thể hiện mình không chỉ trong các phòng bỏ phiếu mà cả trên từng đường phố.

Hai trong ba cuộc đảo chính trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại đều do Park Chung-hee tiến hành, lần thứ nhất để nắm quyền lực năm 1961, và sau đó để duy trì quyền lực năm 1972. Hai cuộc đảo chính này tương đối ít đổ máu hơn so với cuộc thứ ba. Park đã tiên hạ thủ bằng cách bắt hàng ngàn nhà hoạt động và bịt miệng giới truyền thông. Chun Doo-hwan, một tướng trẻ do Mỹ huấn luyện, đã áp dụng các kỹ thuật học được của quân đội Mỹ để thực hiện cuộc đảo chính thứ ba và cũng là cuộc đảo chính cuối cùng vào tháng 5 năm 1980.

Trong khi cả nước lặng lẽ cúi đầu, Gwangju đã phản kháng cuộc đảo chính đó trong thời gian mười ngày. Những người dân Gwangju đã chiến đấu chống lại lực lượng tinh nhuệ nhất với trang bị hoàn hảo nhất để không cho chúng áp đặt thiết quân luật. Những người nổi dậy đã giành được quyền kiểm soát thành phố trong năm ngày cho tới khi một cuộc thảm sát đặt dấu chấm hết cho phong trào.

Cuộc nổi dậy thực sự mang tính đại chúng theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Mặc dù sinh viên đại học – luôn là nòng cốt của các cuộc đấu tranh giành dân chủ ở Hàn Quốc – khởi xướng cuộc nổi dậy, nhưng chính những người dân bình thường của Gwangju mới là người lãnh đạo của phong trào. Con số thương vong của người dân Gwangju cho tới nay vẫn bị giấu kín. Chính quyền Hàn Quốc đưa ra con số chính thức là 196 người chết nhưng lại đồng ý bồi thường cho 288 nạn nhân. Ít nhất trên 81 người không được tính đến. Dù tính cách nào đi nữa, thì số người lao động bị giết hại vẫn cao hơn số sinh viên, bởi họ đảm nhiệm vai trò chính yếu trong cuộc nổi dậy này.

 

Những năm khôi phục

Sau khi nắm quyền lực vào đầu những năm 60, Park Chung-hee khởi xướng công nghiệp hóa nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu. Đây chính là phiên bản cực đoan nhất của mô hình tư bản can thiệp (dirigiste capitalism) khi toàn bộ các nguồn lực được điều động tập trung tăng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Trong phần lớn thời gian Park nắm quyền từ 1962 tới 1979, nền kinh tế tăng trưởng một cách ngoạn mục. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình GNP và xuất khẩu lần lượt là 9,3% và 33,3%. Thu nhập bình quân đầu người thực tế tăng 20 lần từ 87 đô la Mỹ năm 1962 lên 1.744 đô la Mỹ năm 1979.

Chính quyền Park Chung-hee lên án việc kêu gọi tự do chính trị và bảo vệ quyền của người lao động, coi đó là biểu hiện không yêu nước và thậm chí là phản quốc. Mặc dù một số nghiệp đoàn do chính quyền bảo trợ vẫn hoạt động, các nỗ lực xây dựng những nghiệp đoàn tư nhân bị dập tắt thô bạo. Nguồn nhân lực dồi dào và rẻ mạt là hạt nhân của sự thịnh vượng của nền kinh tế tư-bản-hướng-xuất-khẩu của Park, vốn dĩ yếu kém về công nghệ cũng như tài chính.

Park đặt cho cuộc đảo chính thứ hai của ông ta vào tháng 10 năm 1972 là "Yushin", có nghĩa là "Duy tân" – một thuật ngữ mượn của phong trào cải cách của Minh Trị Thiên hoàng ở Nhật Bản. Cuộc cải cách này bản chất là một cuộc đảo chính tiến hành bởi tầng lớp samurai vào năm 1868 để thúc đẩy hiện đại hóa đất nước và ngăn ngừa mối đe dọa bị thuộc địa hóa bởi khối tư bản phương Tây. Park, nguyên sĩ quan quân đội Mãn Châu quốc, triều đình bù nhìn của Nhật Bản, trong những năm 30-40, đã mô phỏng theo giới tinh hoa của hiệp sĩ đạo Nhật Bản. Ông ta khởi sự bằng việc xây dựng một nền công nghiệp nặng, đồng thời trấn áp các ý kiến đối lập bằng chiêu bài vì lợi ích tối thượng quốc gia: tăng trưởng kinh tế và thống nhất, chống lại sự đe dọa quân sự của Bắc Triều Tiên. Viên độc tài Yushin đã xé nát những nguyên tắc luật pháp rơi rớt lại và điều hành đất nước thuần túy thông qua các sắc lệnh hành pháp.

Trong bối cảnh này, giới tư sản Hàn Quốc vào cuộc và giành giật lấy những phần béo bở nhất trong phúc lợi quốc gia, như nhà kinh tế học Mác Martin Hart-Landsberg mô tả trong cuốn Phát triển hối hả (Rush to Development). Số lượng người nghèo – những người có thu nhập thấp hơn một phần ba thu nhập bình quân trong nước – đã tăng lên từ 5% năm 1970 lên 14% năm 1978.

Năm 1979 nền kinh tế của Hàn Quốc khựng lại đột ngột khi các ngành công nghiệp nặng theo định hướng xuất khẩu đã bão hòa đầu tư trở thành nạn nhân của giá dầu tăng vọt và khối nợ chồng chất. Trong năm tiếp theo, lần đầu tiên từ năm 1962, tổng sản lượng quốc gia (GNP) giảm gần 2%. Chính quyền Park Chung-hee không thể tiếp tục dựa vào con bài phát triển kinh tế để bao che cho tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng và các cuộc trấn áp chính trị hà khắc.

 

Sự sụp đổ của Park

Một nhóm nữ công nhân trẻ chính là những người đào nhát cuốc đầu tiên chôn vùi chính quyền suy yếu của Park Chung-hee. Tháng 8 năm 1979 những người phụ nữ làm việc cho hãng xuất khẩu tóc giả YH Trade đã trú ẩn trong trụ sở trung tâm đảng đối lập tại Seoul. Trước đó cảnh sát đã tống họ ra khỏi nhà máy nơi họ được trả 220 won cho một ngày lao động [khoảng 1,67 đôla Mỹ theo tỷ giá hiện nay – 39.000 đồng Việt Nam] từ một ông chủ Mỹ gốc Hàn, kẻ đã đột ngột bay về Mỹ sau khi bán toàn bộ công ty và quịt công nhân nhiều tháng lương. Những người này trú ngụ tại trụ sở đảng đối lập được hai ngày. Sau đó lực lượng cảnh sát đã xông vào tòa nhà, giết chết một người và làm nhiều người khác bị thương.

Sự sụp đổ của chế độ Park Chung-hee tăng tốc chính từ sự kiện này. Vào tháng 10 các cuộc biểu tình của sinh viên đã phát triển thành những cuộc đấu tranh lan rộng ở Masan và Busan, hai trung tâm công nghiệp thuộc tỉnh Gyeongsam vùng Đông Nam, khu vực kinh tế trọng yếu của chế độ. Nhà cầm quyền đưa lực lượng đặc nhiệm vào nhằm khủng bố nhân dân hai thành phố này, một màn "duyệt trước" cho những gì sẽ diễn ra ở Gwangju bảy tháng sau.

Cuộc nổi dậy ngay trong vùng trọng điểm của chế độ đã góp phần đưa tới cái kết cục chóng vánh của Park Chung-hee. Cùng tháng đó, giám đốc tình báo của Park, Kim Jae-gyu đã bắn chết viên độc tài. Kim nói rằng ông ta làm vậy để ngăn ngừa một cuộc tàn sát đẫm máu mà Park và các tướng lĩnh dự tính sẽ trút lên đầu những người chống đối và dân thường.

Cái chết của Park Chung-hee tạo điều kiện cho Chun Doo-hwan, kẻ khi đó là giám đốc cơ quan tình báo quân đội. Y nhanh chóng vọt lên thang bậc cao nhất trong quân đội Hàn Quốc vào tháng 12 năm 1979. Chun lập tức tiến hành bắt bớ và thanh trừng hàng loạt tướng lĩnh cao cấp.

Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để những người bất đồng về chính trị đẩy mạnh các yêu cầu của họ về một bản hiến pháp mới và các thể chế tự do. Đó cũng là cơ hội cho giới lao động biểu tình phản kháng về đồng lương thấp và điều kiện sống tồi tệ. Căn cứ theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, chỉ trong bốn tháng đầu năm 1980 đã có 720 vụ tranh chấp lao động, chủ yếu do việc giới chủ nợ lương người lao động, so với chỉ 105 vụ trong suốt năm 1979. Vào tháng Tư, một cuộc bạo loạn nổ ra trong ba ngày liên tiếp ở một cộng đồng khai thác mỏ than ở Sabuk, Đông Bắc Hàn Quốc, sau khi một chiếc xe Jeep của cảnh sát phóng thẳng qua hàng người biểu tình. Cuộc bạo động chấm dứt khi hàng loạt thợ mỏ bị bắt giam. Sau khi nghe những đồn đoán về việc lực lượng đặc nhiệm chuẩn bị cho một cuộc đàn áp, các lãnh đạo nghiệp đoàn phải rút vào ẩn lánh.

Trong một báo cáo mật đưa ra bốn tháng trước vụ ám sát Park Chung-hee, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có nhận xét rằng các nhân vật nòng cốt của phe tiến bộ đối lập chủ yếu là nhóm trí thức trung lưu và sinh viên đại học. Trong giai đoạn hậu Park Chung-hee cho tới trước cuộc nổi dậy ở Gwangju, đánh giá này về cơ bản là chính xác. Làn sóng những tranh chấp về lao động vẫn thiếu tầm nhìn mang tính toàn quốc. Đầu tháng 5, khi những sinh viên đại học – những người thường được mệnh danh là "lương tri của quốc gia" do những cuộc đấu tranh ngoan cường chống chế độ độc tài – đổ ra đường phố Seoul yêu cầu một lộ trình rõ ràng cho cuộc cải cách dân chủ, phần lớn người dân vẫn giữ thái độ thờ ơ của người ngoài cuộc.

Sau khi những cuộc tuần hành đường phố đạt đến cao trào, ngày 15 tháng 5 các sinh viên đại học quyết định tạm ngưng, một phần vì họ cho rằng họ không thể có được sự ủng hộ của đại chúng, và một phần vì lo ngại sự đàn áp của quân đội. Hai ngày sau, vào đêm ngày 17 tháng 5, lực lượng của Chun Doo-hwan tấn công. Chúng bao vây và bắt giữ trên hai ngàn sinh viên và người phản kháng, trong đó có Kim Dae-jung, một lãnh tụ phản kháng, người sau này nhận giải Nobel Hòa bình năm 2001. Ngày 18 tháng 5, dân Hàn Quốc thức dậy trong một cuộc thiết quân luật hà khắc nhất. Trên thực tế, nó là một cuộc đảo chính.

 

Gwangju

Gwangju, thủ phủ của tỉnh Jeolla ở Tây Nam Hàn Quốc là thành phố lớn duy nhất nơi sinh viên tiến hành các cuộc biểu tình liên tục cho đến ngày 16 tháng 5 và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân địa phương. Đêm ngày 16 hơn 30.000 cư dân địa phương trong khu vực có dân số 730.000 người xuống đường tham gia cuộc biểu tình cuối cùng và cũng là cuộc lớn nhất. Họ tập trung kín quảng trường trước Tòa Thị chính để phản đối lệnh giới nghiêm của chính phủ. Vào ngày 17, khi lực lượng đặc nhiệm chiếm đóng toàn bộ các trường đại học lớn trên cả nước, chỉ có sinh viên Gwangju đương đầu với binh lính để ngăn chặn việc đóng cửa.

Gwangju và Jeolla là biểu hiện tồi tệ nhất của mặt trái chủ nghĩa tư bản ở Hàn Quốc. Nơi vốn là vùng đất nông nghiệp trù phú đã suy vi nhanh chóng dưới chế độ Park Chung-hee. Chính quyền ép giá nông sản để giảm chi phí sống ở các vùng đô thị và cùng lúc, dụ dỗ các dòng nhân lực giá rẻ từ các vùng nông thôn nghèo đói sang các khu công nghiệp. Trong khi những người đàn ông và phụ nữ trẻ từ Jeolla phải bán mình cho các khu công nghiệp bát nháo và các khu đèn đỏ trong các thành phố lớn, tỉnh Gyeongsang nổi lên như một trung tâm sản xuất thu hút các nguồn tài chính cấp quốc gia bởi các đặc tính tự nhiên nổi trội.

Nhân dân Gwangju và Jeolla đặt toàn bộ hy vọng vào Kim Dae-jung, nhân vật trẻ tuổi theo chủ nghĩa tự do, người lẽ ra đã đánh bại Park Chung-hee trong năm 1971 nếu cuộc bầu cử không bị CIA ở Hàn Quốc gian lận. Trong suốt thời kỳ Yushin, Kim Dae-jung bị giam lỏng tại nhà và sống sót sau vô số âm mưu ám sát ông bởi các tay chân của Park. Để hạn chế ảnh hưởng của Kim Dae-jung, chế độ Park Chung-hee đã chính thức áp dụng sự đối xử mang tính kỳ thị với Jeolla và sau đó tước quyền bầu cử của tỉnh này. Cho tới đầu những năm 1990, tập đoàn Samsung công khai không tuyển sinh viên tốt nghiệp từ Jeolla.

Người lao động ở Gwangju chỉ nhận được nửa mức lương so với những người làm cùng công việc ở các vùng khác. Mặc dù Gwangju là trung tâm lắp ráp xe tải và quân khí, cả tỉnh chỉ có sáu nhà máy với trên 10.000 công nhân. Gần hai phần ba số người lao động ở Gwangju chỉ có công việc tạm thời trong ngành dịch vụ. Tuy nhiên, Gwangju vẫn là tỉnh trung tâm về giáo dục với một số lượng lớn trường đại học và cao đẳng. Gần một phần năm dân số của tỉnh là sinh viên.

 

Mang cuộc chiến về nhà

Sự căng thẳng ở Gwangju lên đến tột đỉnh vào sáng ngày 18 tháng 5 khi biệt kích tấn công vào một cuộc biểu tình tự phát quy mô nhỏ chống lại việc đóng cửa trường Đại học Quốc gia Chonnam, cái nôi của phong trào đấu tranh của sinh viên trong khu vực. Khoảng gần một trăm sinh viên thoát khỏi bắt bớ chạy vào trung tâm thành phố, nơi những người dân phẫn nộ đang phân vân không biết phải làm gì với cuộc đảo chính mới và việc bắt giam đứa con yêu Kim Dae-jung của họ.

Tới buổi chiều những cuộc tuần hành hòa bình trên phố đã biến thành một loạt các cuộc hỗn chiến với quy mô chưa từng thấy. Lực lượng biệt kích càng lúc càng lạm dụng bạo lực. Trong năm ngày đầu tiên của cuộc nổi dậy, trước khi nhân dân giành được quyền kiểm soát thành phố, binh lính đánh đập, đâm chém và bắn chết vô số người. Quân lính lột hết quần áo của những người bị bắt – đàn ông và phụ nữ – để làm nhục họ và khủng bố tinh thần những người xung quanh.

Vài tuần sau cuộc đàn áp những người biểu tình, Cục Tình báo Quân đội Mỹ nhận xét rằng sự dã man của lực lượng đặc nhiệm một phần là do "kinh nghiệm ở Việt Nam", dẫn nguồn từ một nhân chứng Mỹ ẩn danh so sánh Gwangju với cuộc thảm sát ở Mỹ Lai. Không nhiều người nước ngoài biết rằng Hàn Quốc đã đưa lính tới tham chiến ở Việt Nam với tài trợ của Mỹ trong những năm từ 1966 tới 1973. Vào đỉnh điểm, khoảng 50.000 thủy quân lục chiến và lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc tham chiến tại chiến trường Việt Nam và trong nhiều trận đánh họ áp đảo quân đội Bắc Việt về quân số. Đội quân này khét tiếng về tính tàn bạo.

Những đơn vị đặc nhiệm này xả đạn hơi cay vào những người biểu tình, cũng cùng thứ hơi cay chúng vẫn dùng để lùa Việt cộng từ các hầm trú ẩn. Chúng sử dụng đạn xuyên (full metal jacket bullet), cũng loại đạn chúng dùng ở Việt Nam, loại đạn thường gây thương tật trầm trọng và vĩnh viễn khi đầu đạn vỡ ra thành các mảnh xé nát xương thịt người. Một hạ sĩ biệt kích vừa vung chiếc lưỡi lê súng trường vừa gào vào mặt những người bị bắt "Tao đã cắt vú bốn mươi con Việt cộng bằng chiếc lưỡi lê này."

 

Leo thang

Sự tàn bạo của quân đội làm người dân Gwangju tin rằng đấu tranh phi bạo lực là vô nghĩa. Họ đánh trả, đầu tiên bằng bất cứ thứ gì lọt vào tay họ: đá lát đường, ống sắt, dao làm bếp, v.v. Rất nhanh sau đó họ bắt đầu sản xuất chai cháy (Molotov cocktail) và dựng chiến lũy trên phố. Để đối phó với các cuộc tấn công liên miên của quân đội, lực lượng phản kháng tựa hồ một quả bóng khổng lồ không thể chọc thủng: phình to, xẹp xuống, lại phình lên – đám đông phân tán chỉ để sau đó lại tập hợp và trở lại trạng thái ban đầu một lần nữa.

Vào tối 20 tháng 5, hai trăm ngàn người đã xuống đường. Nhân dân Gwangju kiểm soát phần lớn khu trung tâm thành phố, trừ vài điểm chiến lược hay hậu cần như đường cao tốc, nhà ga xe lửa, và Tòa Thị chính, nơi tạm biến thành trung tâm chỉ huy của quân đội. Các cuộc đụng độ leo thang nhưng cuộc chiến không còn một chiều nữa và các binh lính bắt đầu lo sợ cho sự an toàn của họ.

Cùng đêm đó, các tài xế taxi quyết định bỏ thái độ trung lập và ủng hộ những người biểu tình. Họ là những người va chạm nhiều nhất và thường xuyên bị binh lính đánh đập vì chuyên chở những người dân bị thương tới nơi an toàn. Rạng sáng, một cuộc tranh luận tình cờ nổ ra giữa các tài xế giao ca tại một quảng trường nhỏ trước sân vận động và họ quyết định sử dụng xe taxi lao qua rào cản quân sự tại Tòa Thị chính. Những người biểu tình chia ra trên 200 chiếc taxi và xe buýt chắc chắn nhất, theo đại lộ Kumnam tiến về Tòa Thị chính.

Quân lính đã chặn được mũi tấn công này bằng cách xịt hơi cay tràn ngập toàn bộ đại lộ. Chúng đập vỡ kính xe, bắt giữ tài xế và đánh đập họ tàn bạo. Những người biểu tình phẫn nộ đã phóng hỏa đốt sở thuế và những dãy nhà của hai hãng truyền thông. Họ cho rằng thuế phải dùng để phục vụ nhân dân chứ không phải để mua vũ khí cho những kẻ đảo chính giết hại nhân dân. Còn các hãng truyền thông của nhà nước làm người dân tức giận vì chúng không mảy may đưa tin về những cuộc bắn giết đang diễn ra.

Cuộc tấn công của giới tài xế taxi làm những người biểu tình thêm can đảm và họ bắt đầu đột kích vào các bãi xe chính phủ với mục đích lấy xe và xông qua các hàng rào lính. Tại nhà ga xe lửa, một cứ điểm hậu cần quan trọng của quân đội, người biểu tình đánh bật binh lính ra ngoài. Lực lượng tiếp viện của quân đội chỉ chiếm lại được nhà ga bằng cách bắn xả vào đám đông. Đây là lần đầu tiên quân đội dùng đạn thật. Chúng giết tại chỗ ít nhất năm người và làm vô số người bị thương.

Nổi dậy

Cuộc đối đầu tiếp diễn trong ngày hôm sau, 21 tháng 5, khi các cuộc biểu tình phát triển thành cuộc bạo động vũ trang quy mô. Vào buổi sáng những người biểu tình từ khu công nghiệp bên cạnh đụng độ với một sư đoàn bộ binh mới được đưa vào thành phố tại cổng thu phí đường cao tốc. Khoảng 10 giờ sáng binh lính bắt đầu bắn đạn thật để tiêu diệt những chiếc xe định phóng xuyên qua các công sự quanh Tòa Thị chính. Người biểu tình chiếm được hàng trăm xe jeep và xe bọc thép chuyển quân của quân đội từ hãng Asia Motors – hãng Kia ngày nay – nhà thầu quân đội của thành phố.

Khoảng 1 giờ chiều, không hề cảnh cáo, binh lính xả đạn vào đám đông. Vào năm 1995 chính phủ Hàn Quốc thống kê số người bị bắn chết tại chỗ là 54 và hơn 500 người bị thương. Bất chấp việc bắn giết tàn khốc này, đám đông càng lúc càng lớn và họ quá giận giữ để có thể bị giải tán.

Chế độ Park Chung-hee đã quân sự hóa xã hội Hàn Quốc và vô tình cung cấp cho người dân phương thức đánh trả lại sự đè nén của chính quyền. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc ba năm, những người đàn ông đủ sức khỏe sẽ được đưa vào những đơn vị quân dự bị tại nơi sinh sống hoặc làm việc. Vũ khí khá sẵn. Trong vài tiếng đồng hồ sau đó, người biểu tình đã lấy được hàng ngàn khẩu súng trường, hàng trăm lựu đạn cùng vô số súng máy. Những người thợ mỏ gần đó cũng mang thuốc nổ tham gia cuộc nổi dậy.

Những người biểu tình mang vũ khí tập trung tại công viên bên Tòa Thị chính. Bất kỳ ai cũng có thể nhận một khẩu súng trường, kể cả các thiếu niên. Một trong những thiếu niên này là Han Sang-gyun, người sẽ được bầu làm chủ tịch Tổng Nghiệp đoàn Lao động Hàn Quốc ba thập niên sau. Một số sĩ quan dự bị, thường là các sĩ quan về hưu không lương, tổ chức những người nổi dậy thành các đơn vị – họ tự gọi mình là Shimingun [Thị dân quân] (Quân đội "Thường dân").

Ngay cả khi những người nổi dậy có các đơn vị bán quân sự vũ trang, nhân dân Gwangju vẫn không thể áp đảo trung đoàn đặc nhiệm, đơn vị có hỏa lực mạnh hơn một sư đoàn bộ binh thường. Những người biểu tình liên tục bị giết và bị thương. Kho dự trữ máu trong những bệnh viện đông nghẹt người cạn kiệt nhanh chóng. Tuy nhiên những người nổi dậy lại thể hiện sự kiềm chế tốt hơn hẳn lực lượng đặc nhiệm được huấn luyện tốt nhất trong cả nước.

Nhóm nổi dậy đặt hai khẩu súng máy trên mái bệnh viện đối diện Tòa Thị chính. Mặc dù có thể tấn công trực diện vào đại bản doanh của quân thù, họ không bắn mà chỉ dùng hai khẩu súng máy như một sự răn đe về hỏa lực. Trog số toàn bộ hai mươi ba binh sĩ bị giết trong suốt cuộc nổi dậy, chỉ tám người chết do đụng độ với những người nổi dậy – số còn lại là nạn nhân của "quân mình".

 

Công xã Gwangju

Đầu ngày 21 tháng 5 quân đội buộc phải rút lui để Gwangju nằm dưới quyền kiểm soát của nhân dân địa phương. Sức mạnh của những người nổi dậy không phải nằm trong những khẩu súng cướp được mà chính là trong sự đoàn kết, tính kiên cường và số lượng lớn những người tham gia. Trong năm ngày, nhân dân Gwangju đã đổ nước mắt và máu để đánh bật quân chính phủ ra khỏi thành phố.

Quân đội vây hãm Gwangju, chặn bắt những chiếc xe vượt qua phạm vi thành phố. Và chúng không bắt sống ai. Những cuộc phục kích đẫm máu chỉ được biết đến do vài người may mắn sống sót kể lại. Tuy nhiên trong thành phố bình yên đã được tái lập khi quân chính phủ rút đi. Nhân dân Gwangju nhận ra họ đang sống trong một công xã nơi mọi thứ đều được chia xẻ với nhau – một công xã mà họ đã cùng xây nên khi chiến đấu chống lại quân chính phủ. Trong năm ngày sau đó, Gwangju duy trì sự bình tĩnh bất chấp nỗi lo lắng rất có cơ sở về một cuộc tấn công mới của quân đội.

Không hề có cướp phá hay đầu cơ hàng hóa trong thành phố. Một số viên chức nhà nước đã hợp tác với những người nổi dậy và tuồn gạo từ kho dự trữ của thành phố ra ngoài. Sau cuộc thảm sát ở Tòa Thị chính, mọi người bắt đầu hiến máu với số lượng lớn đến mức các kho dự trữ máu của bệnh viện nhanh chóng quá tải. Những cô gái trong các khu đèn đỏ kéo đến Bệnh viện Hồng Thập tự để hiến máu. Khi bị từ chối vì những lý do liên quan đến nghề nghiệp của họ, những cô gái trẻ này đã vừa òa khóc vừa van nài "Máu chúng tôi cũng sạch mà".

Những cô gái điếm, phần lớn trong độ tuổi thiếu niên hoặc lớn lắm là ngoài hai mươi, là một trong những nhóm không phải sinh viên tích cực tham gia cuộc nổi dậy. Nhiều người trong nhóm tình nguyện chăm sóc, tắm rửa cho những thi thể, thường bị biến dạng do đạn bắn hay đánh đập, trong một võ đường Judo nơi các nạn nhân được mang đến để người nhà tới nhận. Tuy nhiên định kiến xã hội đã khiến cho sự đóng góp của những người con gái này vào cuộc nổi dậy bị phớt lờ và lãng quên.

 

Bốn xu hướng

Công xã bao gồm bốn lực lượng xã hội chính. Nhóm đầu tiên, những người dân Gwangju, đã biến những thiết chế xã hội truyền thống thành phương tiện cho cuộc kháng cự. Ví dụ: những người bán hàng ngoài trời, chủ yếu là phụ nữ trung niên, đã sử dụng gye, một hình thức truyền thống tập trung công xã, để tổ chức bếp ăn chung cho lực lượng bán quân sự và người biểu tình. Sinh viên đại học tham gia việc vận hành công xã hàng ngày như phân phát thức ăn, kiểm soát giao thông, và tổ chức tang lễ. Những sinh viên này tự gọi là Ủy ban Điều hành Sinh viên (Student Settlement Committee SSC) mặc dù có nhiều nhân viên nghiệp đoàn và dân thường cùng tham gia với họ.

Nhóm thứ hai bao gồm những lãnh đạo chính trị và tôn giáo của thành phố, những người muốn cuộc nổi dậy kết thúc một cách nhanh chóng và hòa bình. Họ lập nên một Ủy ban Hòa giải (Settlement Committee SC) tại Tòa Thị chính để thương lượng với phía quân đội. Nhóm thứ ba, các đơn vị vũ trang bán quân sự, đặt dưới sự chỉ huy của Park Nam-sun, một tài xế xe tải tự do. Yune Seok-ryu, một người làm công nhật, tổ chức những đơn vị phản ứng nhanh từ các nhóm vũ trang nhằm hỗ trợ cho các đơn vị đóng ở ven thành phố. Các nhóm vũ trang của hai người này chiếm một phần Tòa Thị chính.

Cuối cũng là nhóm của Yun Sang-won đóng rải rác trong Wildfire, một trường học ban đêm cho người lao động. Yun vốn là một nhà hoạt động sinh viên. Anh đã bỏ công việc trong ngành ngân hàng ở Seoul để trở về tổ chức những người lao động ở Gwangju. Anh điều hành trường học ban đêm tại trung tâm của khu công nghiệp. Sau cuộc thảm sát ngày 21 tháng 5, khi các đồng chí của anh tìm cách tự vũ trang, Yun quyết định tập hợp một nhóm sinh viên và giáo viên để xuất bản tờ báo-một-trang có tên là Bản tin Chiến sự. Họ ra được cả thảy 10 số báo.

Tờ báo của Yun được đại bộ phận người dân tín nhiệm với những lập luận chính trị rõ ràng chống lại việc giao nộp lại vũ khí cũng như những lời khuyên thiết thực về phương hướng hành động. Ví dụ, trong số 2, ngày 22 tháng 5, tờ báo khuyến cáo mọi người tập trung theo quận cư trú của mình để diễu hành về Tòa Thị chính. Số báo kế tiếp kêu gọi các thiếu niên giao nộp lại súng cho các nhóm vũ trang của người lớn và đồng thời kêu gọi chính phủ từ chức. Nhóm của Yun tổ chức các cuộc tuần hành hàng ngày nhằm gây áp lực lên nhóm Ủy ban Hòa giải và giữ vững tinh thần cho những người nổi dậy.

 

Đàn áp

Ủy ban Hòa giải chỉ nhắm tới mục đích xin ân xá cho những người nổi dậy và những người bị bắt giữ trong cuộc nổi dậy. Để đạt được thỏa thuận, những người ủng hộ Ủy ban Hòa giải tìm cách lấy lại súng ống từ những nhóm vũ trang của quân nổi dậy. Nhờ sự giúp đỡ của nhóm này, một điệp viên của quân đội đã hủy ngòi nổ khối chất nổ cài dưới tầng hầm Tòa Thị chính. Thực ra không ai trong nhóm nổi dậy có ý định cho nổ Tòa Thị chính nhưng việc phá hỏng khối thuôc nổ làm họ mất đi một lợi thế quan trọng trong thương lượng với bên quân đội.

Nhóm của Yun có mục đích tiếp tục cuộc nổi dậy cho tới khi các thành phố và thị trấn khác cùng đứng lên chống lại chính quyền Chun Doo-hwan. Họ được sự ủng hộ từ các nhóm vũ trang và nhóm Ủy ban Điều hành Sinh viên. Vào ngày 26 tháng 5, các cuộc điều đình giữa nhóm Ủy ban Hòa giải và quân đội thất bại. Nhóm của Yun, hai chỉ huy các nhóm vũ trang Park và Yune, cùng một số thành viên Ủy ban Điều hành Sinh viên chiếm Tòa Thị chính. Đối với họ, không có bất cứ lý do nào để họ hạ vũ khí và rời bỏ Tòa Thị chính theo lời đề nghị của nhóm Ủy ban Hòa giải. Họ cho rằng một hành vi như vậy là một thất bại nhục nhã và là sự phản bội đối với những người đã ngã xuống trong cuộc nổi dậy.

Thông qua trung gian của Henry Scott Stokes, một phóng viên New York Times có mặt tại Gwangju hai ngày trước đó, Yun yêu cầu Đại sứ Mỹ William H. Gleysteen làm trung gian cho một thỏa thuận "ngừng bắn" với Chun Doo-hwan. Gleysteen từ chối vì chính quyền Hàn Quốc đã thông báo cho ông ta họ sẽ chiếm lại thành phố vào ngày 27 tháng 5.

Khoảng năm mươi ngàn người tham gia vào cuộc diễu hành cuối cùng. Những người tổ chức khuyến nghị họ rời khỏi quảng trường sau đó nếu họ không muốn chết. Yun và các đồng chí của anh thuyết phục được hầu hết phụ nữ rời khỏi Tòa Thị chính. Một nhóm vũ trang nhỏ cắm lại Tòa Thị chính để phòng ngự tuyến chiến đấu cuối cùng trong khi các nhóm khác tản ra khắp thành phố.

Cuộc tấn công bắt đầu trước bình minh với một sư đoàn bộ binh và ba lữ đoàn đặc nhiệm. Quân lính đã giết một số (không được biết chính xác) thành viên các nhóm vũ trang, bao gồm cả Yun. Thân xác cháy một nửa của anh được tìm thấy với một khẩu súng ngắn trong tay phải và tấm danh thiếp của nhà báo Stokes trong túi áo – người lãnh đạo hai mươi chín tuổi bị giằng xé giữa hai lựa chọn: chiến đấu đến người cuối cùng hay thương lượng để ngăn chặn việc đổ máu những người vô tội.

Dấu ấn Washington

Cuộc nổi dậy và tàn sát diễn ra ngay trước mắt Tổng thống Jimmy Carter, người được bầu dựa trên nền tảng của chính sách ngoại giao nhân quyền. Vào năm 1980, Mỹ duy trì một lực lượng gồm bốn mươi ngàn lính bộ ở Hàn Quốc và họ nắm quyền kiểm soát phần lớn quân đội Hàn Quốc – trừ lực lượng đặc nhiệm được tung vào Gwangju.

Sự ủng hộ thực tế của Mỹ đối với Chun Doo-hwan diễn ra rất sớm. Vào ngày 14 tháng 12 năm 1979, hai ngày sau khi Chun Doo-hwan nắm quyền kiểm soát quân đội, Gleysteen đã có cuộc gặp mặt với nhà cai trị mới tại nhà riêng trong khu sứ quán Mỹ. Giám đốc chi nhánh CIA Robert G. Brewster đã thu xếp cuộc gặp mặt này theo yêu cầu của Gleysteen. Cuộc gặp của đại sứ và viên tướng, kẻ vừa thực hiện một hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất kỷ luật quân đội, hoàn toàn chệch khỏi các nguyên tắc ngoại giao, về địa điểm cũng như thời điểm. Cuộc gặp này cũng hoàn toàn khác biệt so với cuộc gặp đầu tiên của Kim Dae-jung với đại sứ Mỹ. Mãi đến tháng 7 năm 1987, mười sáu năm sau lần tranh của tổng thống năm 1971, Kim Dae-jung – một trong vài nhà lãnh đạo Hàn Quốc có tư tưởng bất mãn với Mỹ – có thể chính thức bước vào sứ quán của đồng minh thân cận nhất.

Với Chun Doo-hwan, việc Gleysteen nhanh chóng gặp ông ta có lẽ còn quan trọng hơn nội dung cuộc gặp mặt vì đó là sự công nhận ngầm của chính quyền Mỹ với phương cách bạo lực mà Chun sử dụng để lên nắm quyền. Sau cuộc gặp mặt, Gleysteen điện cho Bộ Ngoại giao Mỹ để rút lại lời nói "bất cẩn" của ông ta trước đó mô tả việc nắm quyền của Chun Doo-hwan là "đảo chính toàn diện trừ cái tên". Ông ta khuyên Bộ Ngoại giao không chính thức sử dụng cụm từ đó "Bất kể các sự kiện đã diễn ra thế nào, chúng cũng không phải một cuộc đảo chính cổ điển vì cơ cấu chính quyền cũ về bản chất vẫn được giữ nguyên." Gleysteen tin rằng nước Mỹ phải chấp thuận phương án sử dụng quân đội linh hoạt của Chun để ngăn ngừa Hàn Quốc rơi vào tình trạng "hỗn loạn hoàn toàn".

Theo John A. Wickham Jr., tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc lúc đó, Chun Doo-hwan nói với các thuộc cấp của ông ta rằng ông ta sẽ tận dụng mối quan hệ với Brewster, giám đốc CIA tại Hàn Quốc, để kéo đại sứ Mỹ đứng về phía mình. Sau khi Chun Doo-hwan lên nắm quyền, Brewster nói với Wickham rằng Chun là "con ngựa duy nhất trong trấn", kẻ mà Mỹ phải bắt tay cộng tác ngay cả khi không có quan hệ tốt đẹp.

Sự ủng hộ của Mỹ lên tới đỉnh điểm khi Nhà Trắng triệu tập khẩn cấp cuộc họp nhằm xem xét lại chính sách vào ngày 21 tháng 5 ngay sau vụ thảm sát ở Gwangju. Mười hai quan chức cao cấp cùng ba tướng lĩnh đã nhất trí "ưu tiên việc tái lập trật tự tại Gwangju thực hiện bởi giới chức Hàn Quốc". Tướng Wickham hạ lệnh cho hai sư đoàn bộ binh tới hội quân với binh sĩ Hàn Quốc để dập tắt cuộc nổi dậy. Chính phủ Mỹ cũng điều một tàu sân bay, tàu Coral Sea, từ Ấn Độ Dương tới vùng biển Hàn Quốc để đề phòng mọi khiêu khích từ Bắc Triều Tiên.

Năm 1996, nhà báo chuyên về phóng sự điều tra Tim Shorrock tiết lộ rằng chính phủ Mỹ đã biết trước kế hoạch của Chun Doo-hwan về việc dùng lực lượng đặc nhiệm đối phó với dân thường ở Gwangju. Washington biết được bao nhiêu – và vào lúc nào – về cuộc tàn sát ở Gwangju thì vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Những người tham gia cuộc họp ngày 21 tháng 5 chắc chắn đã được thông báo về cuộc thảm sát tập thể một ngày trước đó ở Gwangju – với ít nhất sáu mươi người bị giết. Hai ngày sau, ngày 23 tháng 5, một bản ghi nhớ nội bộ của Hội đồng An ninh Quốc gia ghi lại bởi quan chức cao cấp Michel Oksenberg thừa nhận rằng Washington đã biết trước về các động thái của quân đội Hàn Quốc cũng như "cuộc nổi loạn trong khu vực".

Tất cả những điều này đều không mảy may ảnh hưởng tới thái độ của Mỹ với Chun Doo-hwan. Ở các cấp ra chính sách, từ trung tâm CIA tại Hàn Quốc cho đến Nhà Trắng, nước Mỹ không chỉ ủng hộ mà còn hỗ trợ cho kẻ lãnh đạo cuộc đảo chính tồi tệ chống lại chính nhân dân của hắn.

"Cuộc đời là một đám tang"

Bốn tháng sau cuộc thảm sát, vào tháng 9 năm 1980, Chun Doo-hwan tuyên bố ông ta chính thức trở thành tổng thống Hàn Quốc sau một cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri bù nhìn. Ông ta tiếp tục cai trị đất nước cho đến năm 1987 khi một cuộc biểu tình toàn quốc diễn ra suốt một tháng gây sức ép buộc chế độ của Chun tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống tự do. Tuy nhiên, người kế nhiệm do Chun Doo-hwan chọn đã thắng cử nhờ sự chia rẽ của phe đối lập.

Sự hy sinh tập thể của những người nổi dậy ở Gwangju truyền đi một thông điệp cho tương lai rằng mọi mưu toan của nhà cầm quyền về việc sử dụng vũ lực đều dẫn đến nguy cơ đổ máu khủng khiếp. Cuộc nổi dậy ở Gwangju cũng làm nảy sinh một thế hệ mới những nhà hoạt động chiến đấu không ngừng nghỉ chống lại chế độ độc tài quân sự. Cái cảm giác rất gần với mặc cảm của những người sống sót [survivor’s guilt] đã làm cho họ mạnh mẽ hơn. Trong Human Acts, một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc nổi dậy, nhà văn Hàn Quốc Han Kang- bản thân bà là dân Gwangju – đã mô tả một cách súc tích tâm trạng "Sau khi anh chết tôi không thể tổ chức tang lễ, và chính vì vậy cuộc đời tôi là một đám tang."

Hàn Quốc duy trì chế dộ dân chủ với nhiều mâu thuẫn. Ba năm trước, năm 2017, đất nước này đã cho thấy sức mạnh của nền văn hóa dân chủ khi một loạt cuộc biểu tình hòa bình và các quá trình luận tội đã phế truất Park Geun-hye, con gái của Park Chung-hee, khỏi cương vị tổng thống. Chính quyền của Park Geun-hye đầy rẫy các vấn đề về tham nhũng và yếu kém năng lực. Phong trào đưa đến sự chấm hết cho chính quyền này được gọi là Cuộc Cách Mạng Ánh Nến nhằm chỉ việc vô số ánh nến thắp trong những đêm tuần hành.

Tuy nhiên, về bản chất những cuộc đấu tranh này chỉ vừa đủ bù đắp cho những khiếm khuyết của nền dân chủ khi không có được những cải cách có tính căn bản. Một thỏa hiệp mang tính chiến thuật giữa phái chủ trương tự do ôn hòa và những thành phần bảo thủ cốt cán đã tạo nên cái nền móng ốm yếu của chính trường ọp ẹp của Hàn Quốc.

Một ví dụ minh họa chính là số phận của Chun Doo-hwan dưới nền dân chủ. Viên cựu độc tài xuất hiện trên trang nhất báo chí khắp thế giới khi ông ta bị xét xử và kết tội tham nhũng và phản quốc. Tuy nhiên, tôi danh phản quốc chỉ bao gồm vai trò của Chun trong việc đàn áp chiến lũy cuối cùng tại Tòa Thị chính. Không có bất kỳ cáo buộc nào về cuộc đảo chính cũng như chín ngày thảm sát ở Gwangju dưới mệnh lệnh của ông ta.

Một năm sau, Chun Doo-hwan được ân xá theo yêu cầu của tổng thống khi đó là Kim Dae-jung. Kim muốn lấy lòng phe bảo thủ, những người vẫn coi ông là tả khuynh. Chun Doo-hwan, hiện đã 89 tuổi, vẫn sống trong một khu vực sang trọng ở Seoul.

Di sản của Cuộc Nổi dậy

Sự nhất trí của khối cầm quyền đã bóp nghẹt tầng lớp lao động có tổ chức và các phe chính trị cánh tả ở Hàn Quốc. Luật pháp bầu cử thiên lệch tước quyền bầu cử của các đảng phái thiểu số tả khuynh và giúp duy trì mô hình chính trị lưỡng đảng mô phỏng theo mô hình ở Mỹ. Truyền thông trên thế giới có thể ca ngợi việc hạn chế thành công đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong năm 2019 Hàn Quốc có số tai nạn lao động chết người cao thứ ba trong các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), chỉ sau Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những quyền dân chủ mà người dân Hàn Quốc đã hết sức vất vả giành được, bao gồm cả quyền tự do thể hiện, đã góp phần tạo nên môi trường mà trong đó tác phẩm Ký sinh trùng ra đời và giành được bốn giải Academy Award cho việc lên án châm biếm sự bất bình đẳng ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, không cần phải nói ra, tác phẩm cũng không làm được gì mấy cho những bất bình đẳng mà nó nêu ra. Một người lao động Hàn Quốc làm việc trung bình hơn 2000 giờ một năm – cao thứ hai trong các nước OECD.

Chương trình nghị sự về tự do do Moon Jae-in, nguyên luật sư nhân quyền và nhà hoạt động sinh viên, người đã được đẩy vọt lên cương vị tổng thống trong cuộc Cách Mạng Ánh Nến, trở nên yếu ớt khi đề cập tới các vấn đề bất công xã hội. Vào tháng 7 năm 2017, chính phủ nâng mức lương tối thiểu luật định 16,4% lên 7.530 won (khoảng 6,5 USD), bất chấp sự phản đối từ các tập đoàn. Tuy nhiên, chính phủ cùng lúc xác định rằng tiền thưởng mùa vụ (seasonal bonuses) và một số quyền lợi có thể tính bằng tiền cũng được tính vào lương. Cách tính này làm mất gần hết ý nghĩa của việc cải cách [mức lương tối thiểu].

Trong khi tổng thống Moon dùng mọi nguồn lực có thể để chống Covid-19, gói kích thích kinh tế hậu dịch bệnh – được gọi là "Thỏa thuận Mới Hàn Quốc" – là một một hình thức khuôn sáo kiểu tân tự do (neoliberal). Về bản chất gói kích thích này đã xóa bỏ hết những cam kết của Moon về một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững.

Bốn thập kỷ sau cuộc nổi dậy ở Gwangju, nhiều yêu cầu của những người nổi dậy vẫn chưa được đáp ứng và những bất công đã đẩy họ xuống đường vẫn sừng sững ở đó. Đối với nhiều người cấp tiến ở Hàn Quốc, cuộc đời vẫn là một đám tang; như Yun Sang-won và những đồng chí đã ngã xuống của anh, họ vẫn còn Tòa Thị chính để bảo vệ./.

*************

Kap Su Seol là một nhà văn Hàn Quốc sống ở New York. Cùng với Nick Mamatas ông đã biên dịch và biên tập tác phẩm Nhật ký Gwangju: Đằng sau cái chết, Đằng sau sự Tối tăm của Thời đại (Gwangju Diary: Beyond Death, Beyond the Darkness of the Age). Đây là một tác ghi lại lời kể của những nhân chứng trực tiếp có mặt trong cuộc nổi dậy ở Gwangju. Sách có thể download miễn phí.

Lời cuối bài

Các độc giả có nhu cầu tìm hiểu thêm về Cuộc Nổi dậy Gwangju 1980 có thể download miễn phí tác phẩm Nhật ký Gwangju: Đằng sau cái chết, Đằng sau sự Tối tăm của Thời đại (Gwangju Diary: Beyond Death, Beyond the Darkness of the Age) tại đây.

Ngoài tác phẩm nổi tiếng Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho đề cập đến trong bài viết, độc giả có thể tìm xem những bộ phim rất hay về phong trào đấu tranh giành dân chủ tại Hàn Quốc, đặc biệt dưới chế độ Chun Doo-Hwan như Hai mươi sáu năm sau (26 years/2012), Tài xế Taxi (A taxi driver/2017), Luật sư (The Attorney/2013).

Comments are closed.