Nguyen Huy Thiep, blessures acides, Le Monde ngày 23/3/2005
Nhà văn, họa sĩ, giáo viên sử, nhà làm gốm, chủ tiệm ăn: tất cả những cuộc đời như thế đó, của Nguyễn Huy Thiệp, tạo nên một tiếng thét, một phản đối bỏng cháy, đối với những cuộc chiến mà xứ sở của ông, Việt Nam, phải chịu đựng.
Ông sinh ra giữa cuộc chiến Đông Dương: “Tôi sinh ra chỉ vài ngày là mẹ tôi phải bỏ tôi vào một cái gùi, và địu trên lưng bà, để trốn chạy bom đạn của người Pháp.” Ông có bằng tú tài trong cuộc chiến Việt Nam.
Sau những năm tranh chấp này, xã hội Việt Nam tiếp tục tự xâu xé. Bây giờ, theo Nguyễn Huy Thiệp, nó làm bại hoại tuổi trẻ của chính nó, bị xiết cổ do thiếu vắng viễn tượng, nếu có chăng, thì đó là cổ tại [lắm tiền lắm bạc] hoặc mánh mung. Một thế hệ lao vào ma túy; đánh quả, thật máu, thật bạo; và buôn lậu.
Cuộc tranh chấp âm ỉ giữa đám trẻ hư hỏng và bố mẹ, những con người oằn người vì mưu sinh, là nội dung cuốn tiểu thuyết đầu tay của Thiệp, Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu, [A nos vingt ans, nhà xb Aube, dịch giả Sean James Rose, 222 trang, 18,88 euros]. “Tôi là Khuê. Năm nay tôi 20 tuổi. Tôi muốn nói với các người rằng chẳng ai hiểu cóc khô gì. Ví dụ như gia đình tôi. Tôi có bố mẹ và một thằng anh trai ngu hết chỗ nói.”
Cậu con trai, người kể chuyện bắt đầu câu chuyện kể của cậu ta như thế đó, bằng cách khạc nhổ ra cơn căm giận, sự nổi loạn của cậu, bằng một ngôn ngữ cộc cằn, như có điện ở trong đó. Cậu ghét đám đại biểu quốc hội của xứ sở của cậu, “một đám đần độn xông mùi hôi thối”. Cậu làm quen Zip Fashion, một tiệm bán quần áo cũ nhưng có giá tại chỗ, với “những bộ đồ có tên là Sida, kiểu ăn vận vào giai đoạn hấp hối” (1). Cậu kính nể một cô bạn gái vốn rất rành về Web. “Cô có một địa chỉ email riêng, không phải thứ địa chỉ @ yahoo, tớ nghèo lắm, nhưng đây cho không!” Nói ngắn gọn, liên minh giữa giáo điều xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường làm cậu tởm đến buồn nôn.
Ẩn dụ về hoàn cảnh xứ sở, cuộc chiến, une guerre, mà nhân vật chính lao vào, cuối cùng dẫn tới suy sụp, tới ma tuý, tới những ảo tưởng đã mất, đây cũng là cuộc “nội chiến”, un combat intime, của tác giả. “Tôi viết cuốn tiểu thuyết này để kể câu chuyện thực của đứa con trai thứ của tôi, đã có thời gian, bị vướng vào bạch phiến. Hoàn cảnh này, thì cũng là tầm thường, ở đám học sinh, sinh viên. Họ bơi giữa hai dòng nước, và không thể nắm bắt được những thay đổi của xã hội”.
Nhưng chính thế hệ của ông, thế hệ đã sống sót những cuộc chiến chống chế độ thực dân và chủ nghĩa toàn trị, cũng thấy khó mà ngoi lên được. Chính là nhờ chuyện viết mà Thiệp tìm ra lối thoát. Những bản văn đầu tay của ông khởi sự vào những năm giữa thập niên 1980. Trước đó, tốt nghiệp môn sử, còn trẻ, ông được bổ nhiệm làm giáo viên tại một trường nhà binh, ẩn khuất giữa một vùng cách Hà Nội 400 cây số về phiá bắc, thời gian từ 1970 tới 1980. “Vào giữa tuổi hai mươi và ba mươi của cuộc đời của mình, tôi sống một cuộc sống ẩn dật. Tôi chẳng có một liên lạc nào với thế giới bên ngoài.” Công việc, ở nơi chốn khuất chìm như thế, thì thật là bạc bẽo. Hạnh phúc thay, một thư viện thật đầy đủ, bien fournie, đã đem đến cho ông, cõi mơ. Trong, có phần của thư viện.
Rừng, bạt ngàn, nhìn đâu cũng thấy rừng. Ông vô rừng đẵn cây, lấy củi, đem về đun nấu, sưởi ấm. Nhưng hơn thế nữa, nhờ rừng ông khám phá ra sức mạnh của thiên nhiên, điều này ánh men lên trong tất cả tác phẩm của ông.
Vào năm 1980, ông trở lại Hà Nội. “Như tất cả mọi người, tôi phải xoay sở đủ thứ nghề, để sống.” Trong mười năm, ông giảng dạy, làm và bán đồ gốm, đi đây, đi đó, thăm các miền đất nước. “Tôi nhìn thấy nhiều, quan sát nhiều, tôi đo đạc, cắng đắng nỗi đau, sự khốn cùng. Đụng vào cái thực, tôi thấy tất cả những trang sách chính thức mà tôi đọc trước đó, bay tơi tả. Tôi bắt đầu viết về xã hội này, cái xã hội đóng chặt, kín mít, không không gian, không cửa mở, không lối thoát.”
Khi Đảng Cộng Sản đưa ra nghị quyết đổi mới, vào năm 1986, nhà văn bắt đầu cho in những tác phẩm của mình. Tập truyện ngắn đầu tay của ông, Tướng Về Hưu [bản tiếng Pháp Un géneral à la retraite, nhà xb L’Aube-Poche], vừa ra mắt là đã được sốt sắng đón nhận, và là một thành công đối với công chúng.
Về phía chính quyền, ngưòi ta coi ông là một tay “ly khai”. Trong những năm 1990, sự mở cửa về kinh tế như giậm chân tại chỗ, những nhà đầu tư tư nhân ngoại quốc rút ra. Để qua cơn khủng hoảng, Thiệp mở một quán ăn.
Đối với một tác giả muốn cắm mình vào trong thực tại xã hội, quán ăn đúng là một cái mỏ, của những câu chuyện. Liền tức khắc, khách ùa tới, không chỉ vì lối nấu nướng địa phương, “những thực đơn gia đình”, giản dị là vậy, nhưng mà còn là để tâm sự với chủ quán, về những âu lo, những trắc trở trong cuộc sống và hy vọng ở nhà văn, một kẻ sĩ, một lời khuyên.
“Ở Việt Nam, có những quán ăn người ta tới để tìm gái đi theo. Ở đây, người ta tới, là để cận kề Thiệp”, ông châm biếm.
Bây giờ, nhà văn bỏ mấy cái lò nấu nướng rồi. Bản dịch những tác phẩm của ông ra nhiều ngôn ngữ (tiếng Pháp, Nga, Đức, Nam Dương, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Thái…), đã cho phép ông dành hết thời giờ cho việc viết – những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, và tiểu luận văn học.
Với kiểm duyệt, ông tưng tửng. “Tôi là hội viên của Hội Nhà Văn. Tôi đâu phải là một tác giả bị cản [prohibé]. Những tác phẩm của tôi không bị cấm [interdit], liền tức khắc Nhưng những nhà xuất bản, thì tất cả đều là của nhà nước, đôi khi tôi phải chơi cái trò cho sách xuất bản ở nước ngoài, như đặt nhà nước vào một chuyện đã rồi, khiến họ phải quyết định làm giống như thế, nếu không muốn bị mất mặt. Thỉnh thoảng, họ đề nghị tôi bỏ một đoạn vì những lý do chính trị.” Ba cuốn phim, chuyển thể từ những truyện ngắn được nhiều người biết của ông, đã được rất nhiều người coi ở Việt Nam, nhất là phim Thương Nhớ Đồng Quê, của nhà đạo diễn Đặng Nhật Minh. Phim này, giới phê bình ở Pháp rất khen ngợi.
Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu, viết năm 2003, đã không được xuất bản ở Việt Nam. Và chỉ có ở trên lưới toàn cầu. Đây là một mưu mẹo được những nhà văn [ở trong nước] sử dụng. Những người khác sử dụng những bút hiệu khác đi, hay là tuồn vào trong những cuốn đã được kiểm duyệt và đã xuất bản, những cái mới viết, trong lần tái xuất bản.
Tám kịch bản của Nguyễn Huy Thiệp chẳng được in mà cũng chẳng được dàn dựng, để đem ra trình diễn. “Chỉ những học sinh, sinh viên ngành kịch nghệ là chơi chúng, trong khi học, để nghiên cứu, và để tìm ra những cách viết đương đại”. (2)
Cuốn tiểu thuyết thứ nhì của ông, chưa được in ở Pháp, là dựa vào một câu chuyện thực, về một ông thứ trưởng, sau khi biển thủ 65 ngàn đô la, để “trả tiền mua trinh tiết của một em bé gái mười ba tuổi”, đã bị bắt đưa ra tòa và bị kết án. “Tôi thật muốn in nó ở Việt Nam, nhưng làm vậy, là phải phịa ra một cái tên dởm”, ông nói.
(1) Zip Fashion là một tiệm quần áo cũ mà dân Hà Nội vẫn gọi là hàng Sida. Ở đó treo đầy những bộ đầm, áo phông và áo sơmi được lấy ra từ những thùng quần áo cũ gửi từ Đông Âu về.
[Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu, chương 14]
(2) Bảy vở kịch của Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản ở hải ngoại, nhà xb Thời Mới, do Nguyễn Tiến Văn chủ trương, dưới nhan đề: Hoa Sen Nở Trong Ngày 29 Tháng Tư.
NQT dịch và chú thích.
Nguồn: FB Nguyễn Quốc Trụ