Phan Châu Trinh, qua một cuộc triển lãm

Nguyễn Văn Xuân

Đầu năm 1972 vào húy nhật ông Phan Châu Trinh và cũng nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà ái quốc, nhiều nơi có làm lễ kỷ niệm.

Riêng trường Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng, ông hiệu trưởng cùng nhiều giáo sư nhân một đại lễ của nhà trường đã có sáng kiến là mở một cuộc triển lãm lớn về những tài liệu cũ có liên quan tới chí sĩ họ Phan cùng tổ chức những cuộc diễn thuyết(11) ngay tại phạm vi nhà trường.

Cuộc triển lãm này tổ chức chu đáo, có nhiều tài liệu chưa được công bố của Phan chí sĩ và rất được quần chúng đủ mọi giới hâm mộ suốt mấy ngày liền, gây một hoạt động về văn hoá có tầm mức quan trọng ở thị xã Đà Nẵng.

Về tài liệu, người ta có thể thấy đủ loại: những sách do ông Phan viết và những sách báo người ta viết về ông; những giấy tờ bằng chữ Hán, Nôm, Pháp, do chính ông viết ra; những di ảnh của ông lúc ở trong nước. Ở hải ngoại cùng với di ảnh nhiều chí sĩ khác có hoặc không liên quan tới công việc vận động Duy Tân, những hình ảnh – khá nhiều – về đám ma ông cùng những liễn đối (chép lại) phúng điếu nhân này tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong đám hình ảnh, có một cái được xem là tài liệu vô giá của ông Nguyễn Tất Thành (sau đổi là Nguyễn Ai Quốc) gởi cho ông(12). Đó là tôi chưa kể những bức thư ông đã viết, những bức hoạ ông đã vẽ… Tôi tin là hiện nay, ít có một nhà chính trị cũ nào thuộc lớp ông mà còn lưu nhiều tài liệu đến thế để cho những ai nghiên cứu về ông, đời ông, công cuộc hoạt động của ông, có thể dùng một cách khá chân xác.(13)

Tôi đã theo dõi cuộc triển lãm một cách vô cùng kỳ thú và sau đó tôi đã được ông hiệu trưởng Thái Doãn Ngà, quí vị giáo sư Nguyễn Quân, Nguyễn Đình Trọng, Đỗ Viết Lê, Đinh Tráng, v.v. ở thư viện nhà trường cho mướn một số ảnh tiêu biểu, dự tính sẽ giới thiệu cùng độc giả Bách Khoa: “Phan Châu Trinh qua hình ảnh” trong số này. Tiếc rằng hình ảnh, tự nó đã không được rõ vì đều là hình chụp lại nên nếu làm bản kẽm, in typo, với kỹ thuật thông thường về ấn loát của Bách Khoa, e rằng lúc in ra độc giả cũng sẽ không nhìn ra được nét chữ, nét vẽ, hay những hình người qúa nhỏ trong những tấm ảnh lịch sử này. Bởi vậy tôi chỉ cho in lại để giới thiệu một vài mẫu thư từ của ông Phan Châu Trinh và sau cùng là một vài hình ảnh liên quan đến đám tang của ông, còn những hình ảnh tiêu biểu nói trên, tôi sẽ cho in ra trong dịp khác.

Người ta vẫn tự hỏi: Trình độ Pháp văn của ông Phan Châu Trinh ra sao? Ông có học tiếng Pháp không và học thế nào? Tôi có một bản phóng ảnh (photo-copie) một trang chữ viết tiếng Pháp của ông, nhưng làm bản kẽm sợ không rõ vì ông viết trên giấy kẻ ô vuông. Trang này chắc là ông ghi lại những câu tiếng Pháp ông học ở bên Pháp – có thể là lúc ông bị cầm tù vì có câu “on leave la celule regulierement le dimanche” (người ta thường lau rửa phòng giam vào Chủ nhật). Câu ông viết trên đây có ba lỗi chính tả. Những lỗi chính tả này chúng ta nhận thấy khắp trang giấy nhưng cũng thông cảm là ông không được học một cách đàng hoàng mà “gặp đâu xâu đó”, vì cả trang, bên cạnh những câu nói về bốn mùa thì lại những câu nói về ăn uống. Nhưng chắc ông chú ý nhiều nhất tới chính trị vì nhiều câu toàn thuộc loại tranh đấu. Chúng tôi cho in giống hệt như trang viết tay, cả những lỗi chính tả hay những chữ viết hoa trong câu như: “d/étre Gracier”. Ngoài ra trang này có những chữ Pháp ông ghi ngay nghĩa tiếng Việt ở trên hay dưới như: bois (cây gỗ), hay động từ leave (laver:

La pucee (bu chét) est dificile a atrapper

il y a quatre terme (mùa) dans lannée

Le printemps il fait ni froid ni chaud,

Leté il fait bien chaud,

Lautomne il fait la méme temperature

Lhivere il fait (qu/au printemps) biên froid a la campagne

on lave (laver) la celule regulierement le dimanche

Quand jaurais plus rien à manger. Je piquerais les Megots

au gardin des plantes, on eleve (nuôi), beaucoups dAnimeaux

Les condemné a mort ont lespoire détre Gracier

Vous vous lévẻ tout les matin a sept heure

Le gouvenerment demande beaucoups dimpots au pauvres travailleurs

Mon fils ma aporter quatre saucisse chinoise

Les joueurs de Courses nont jamais de benefice

Je doute (douter) quil y a de justice sur cette Terre

Je ne crois pá à la religion (tôn giáo) cretiénne,

On mange leau chaude avec une cuillére en bois (cây gỗ) ici

Il y a en chine encor des Foret (rừng rậm) vierge

***

Tài liệu sau đây nặng tính chất tranh đấu chính trị và ông Phan đã viết khi ở ngục Santé. Ai không biết ông, tưởng chỉ cần đọc qua bức thư này vài đoạn cũng đủ hiểu rõ tính khí của ông ra sao khi theo đuổi mục đích chính trị của mình và thật xứng đáng với hai chữ “khí phách”, “uy vũ bất năng khuất” (Thư số 5, gởi quan ba Caron, Chánh án Toà án mặt trận)

Ngày 9 tháng 5 năm 1915

Juge 1er Conseil de Guerre

Monsieur le Capitaine Caron

Quan lớn

Cái thơ tôi viết hỏi quan lớn ngày 27 tháng 4 và ngày 2 tháng 5, đến bữa nay đã lâu lắm rồi nếu có gịch (dịch) thì chắc đã gịch rồi, quan lớn đã xem rồi, sao chẳng thấy quan lớn trả lời, mà lại còn cố ý giam tôi đây, thì tôi lấy làm lạ quá, hay là người ta cho quan lớn tiền bạc gì nhiều lắm, thuê quan lớn cố ý làm hại tôi, nên bảo quan lớn bắt tôi thì quan lớn bắt, bảo giam tôi thì quan lớn giam, bảo đánh khảo lôi kéo tôi, nộ nạt giậm dọa tôi, quan lớn cứ làm theo nấy, bữa nay tôi nắm lưỡi vặn họng quan lớn tôi hỏi lại, quan lớn cứng họng câm mồm không thể trả lời được phải không? Vậy mà quan lớn chẳng lo bổn phận quan lớn, còn giam tôi nữa sao?

Tôi viết thư hỏi lắm cũng mỏi, tôi chỉ hỏi quan lớn một lần này nữa thôi, tôi buộc quan lớn không trả lời cũng không được với tôi,”

Điều phải thán phục ông Phan là ở bên Pháp mà viết thư bằng Quốc ngữ cho quan tòa một cách ngang nhiên rồi buộc phải dịch ra (vì có câu trong thư “nếu có gịch thì đã gịch rồi”) chớ không theo lối tầm thường là biết bao nhiêu chữ Pháp thì ráng viết bấy nhiêu (không đủ ý) hoặc mượn người viết hộ (sai ý mình).

Những việc làm nhiều khi vô tình của một chính trị gia, không ngờ lại đúng với lối bảo vệ quốc thể và là quốc thể một nước độc lập mà người sau sẽ theo đó mà khai thác.

***

Phần sau đây là một vài hình ảnh về đám tang nhà chí sĩ họ Phan, được xem như quốc táng, không chỉ Sài Gòn mà toàn quốc đều cử hành vô cùng long trọng. Có nơi học sinh còn bãi khoá nữa để gây một xúc động tâm lý trong mọi giới đồng bào. Hiện nay, gia đình còn giữ được Lời Đạt của Hội đồng trị sự lo đám tang cụ Phan Châu Trinh, đạt cho đồng bào ta ở Sài Gòn và khắp cả Trung, Nam, Bắc kỳ. Nhờ lời Đạt đó, ta thấu hiểu ảnh hưởng của ông đối với quốc dân và những nhà ái quốc đã nhân cơ hội “tiêu cực” nầy để “tích cực” vùng lên chống nanh vuốt thực dân.

Lời Đạt mở đầu:

Hỡi anh em chị em.

Hỡi ôi: Trời gieo hoạ lớn cho non sông Việt Nam ta, cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài, nay mới về đây, chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm hờn nơi chín suối.

“Ấy là cụ Phan Châu Trinh tạ thế.

Cụ Phan Châu Trinh là một người đã bước thứ nhất lên con đường cải cách chính trị của quốc dân ta, trong 20 năm, cụ đã bỏ nhà cửa, vợ con bị đày bị tù, để cầu cho dân ta được mau tiến hoá. Công nghiệp ấy lớn biết dường nào! Nhất là trong nước suy kém, trò đời đảo điên mà được một người có nhân cách cao thượng, khí tiết hùng hào như cụ, thì thật là vẻ vang cho dân tộc ta lắm. Dẫu cho kẻ thù của Cụ kiếm cách mà vùi giập cụ đến thế nào đi nữa. Cụ cũng đứng đầu hàng trong cuốn Việt Nam Phục Hưng sau này.

Tiếc thay từ ngày cụ về ở Sài Gòn đến nay, chưa thi thố gì được mấy, thì thọ bệnh càng ngày càng nặng. Chúng tôi đã lo hết phương cứu chữa song không thể khỏi được. Cụ đã ly trần ngày 24 tháng 3 năm 1926 lúc 21 giờ rưỡi.

Chúng tôi đã lập sẵn ban Hội đồng này để lo việc tang của Cụ và đã khâm liệm Cụ một cách rất long trọng ấy là tỏ chút lòng tôn kính một người ái quốc của chúng ta.

Chúng tôi gởi tờ báo tang này khắp cả ba kỳ, thỉnh cầu đồng bào ta thi hành theo như chương trình sau này:

Phần tiếp theo là những điều khoản khá tỉ mỉ cho mọi người, mọi giới, mọi đoàn thể và chúng ta đã thấy cả ba kỳ răm rắp tuân theo.

Trong lời Đạt, đoạn gần cuối có mấy câu tỏ ý chống lại nhà cầm quyền Pháp rất khôn khéo: “… đối với người có công, chúng ta há chẳng nên biểu dương và sùng bái hay sao. Nếu cụ Phan Châu Trinh mà không được hưởng cái lễ long trọng này thì những người như Cụ sống đây ai còn thiết gì đến chúng ta nữa. Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc, chánh phủ chẳng hề ra lệnh cấm dân ta ái quốc, miễn là chúng ta hành động một cách có trật tự.”

Tờ Đạt do những nhân vật tiếng tăm nhất Sài Gòn thời bấy giờ đứng tên: Bùi Quang Chiêu, Phan Văn Trường, Lê Quang Liêm, Nguyễn Văn Thinh, Trần Văn Đôn (cha), Nguyễn Phan Long… Trong số những tên kế tiếp, chúng ta thấy có cả tên Trần Huy Liệu.

***

Những hình ảnh của mọi giới đồng bào đi đưa, trong cuộc triển lãm nói trên, có thể nói là rất nhiều.

Người ta để ý trước nhất là trụ sở chính ở đường Pellerin, số 54, nơi ông Phan an giấc lần cuối cùng, có treo nhiều câu phúng điếu. Đó là một dấu tích lịch sử.

Có nhiều đoàn thể đi đưa, nhưng đoàn thể khiến chúng ta phải quan tâm nhất là Thanh niên Đảng. Lực lượng này là tổ chức chính trị công khai, đã góp phần không nhỏ vào việc huy động quần chúng làm lễ quốc táng này.

Báo chí góp phần không nhỏ vào công cuộc vận động quốc táng này. Bàn phúng của Đông Pháp thời báo là một chứng cớ cho thấy báo giới đã có thiện cảm như thế nào với người quá vãng.

Nhiều nhất và chắc thời nào cũng sẽ như thế, là lực lượng học sinh. Phải nói ngay là các trường lớn đều có đi đưa. Có những trường khiến chúng ta phải quan tâm như trường Sư Phạm là một loại trường con cưng của Pháp, học viên tham dự có thể bị mất chỗ học, tức là mất một cái ghế chắc chắn để mưu sinh no đủ suốt đời. Lại có các giới nữ lưu Nam kỳ cũng tham gia hăng hái và cũng như nam giới, họ đều mang băng tang ở tay (trắng hay đen) và đi theo đội ngũ.

Ngoài ra còn có các trường Chassloup Laubat, trường Nguyễn Phan Long v.v… đã đóng góp một sĩ số rất lớn khiến đám tang có một ý nghĩa sâu sắc đối với giới trẻ.

Một số hình còn cho thấy ở các tỉnh cũng có lễ truy điệu số rất lớn và nhân dân đã hưởng ứng nhiệt liệt bất kể nguy hiểm.

Với những hình ảnh trình bày trong cuộc triển lãm nói trên đây, chúng ta có thể thông cảm là cuộc đời và hoạt động của nhà chí sĩ họ Phan đã có ảnh hưởng sâu xa đến tinh thần nhân dân Việt Nam ra sao. Và lễ quốc táng long trọng, ngùn ngụt những người từ Sài Gòn rải khắp toàn quốc đã có tác dụng đáng kể đối với lịch sử tranh đấu chống đế quốc, phong kiến và phong trào xây dựng dân chủ ở Việt Nam trên con đường Duy Tân vậy./.

(Nguồn: Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn, 1974)


(11) L. T. S. Đã có hai cuộc diễn thuyết do:

a/ Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trình bày: Phan Châu Trinh dưới mắt nhìn 1972

b/ Nhà văn Duy Lam: Nghĩ về Phan Châu Trinh

(12) LTS: có in lại trên Bách Khoa số này, trang 26

(13) Trong gia đình còn giữ hai bộ áo quần trắng và màu may ở bên Pháp

Rút từ bản thảo bộ sách “Tác phẩm Nguyễn Văn Xuân”, do Nxb. Hội nhà văn, chi nhánh miền Trung tại Đà Nẵng thực hiện.

(Tài liệu do Lại Nguyên Ân cung cấp)

Comments are closed.