Lại Nguyên Ân
Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771
Chiều ngày 29/1/1988
Trụ sở Hội Nhà Văn VN, phòng khách tầng 2. Họp Hội đồng Lý luận phê bình của Hội (mở rộng), tiếp theo phiên họp buổi sáng.
HOÀNG XUÂN NHỊ: Tôi không tán thành anh Hoàng Trung Thông về vấn đề tha hóa. Không phải chỉ là “tiêu cực”. Nguy cơ biến chất con người vẫn có trong CNXH.
NGUYỄN KHẢI: Nói về các ý kiến buổi sáng: đã chỉ ra những cái không dùng được nữa.
BÙI CÔNG HÙNG: Bên cạnh đánh giá lý luận phê bình, các khái niệm cũ, còn phải làm những việc khác: theo sát diễn biến văn học hiện nay, các xu hướng của nó. Tình hình rất tốt. Các vấn đề đặt ra nhiều. Mình không nên cãi nhau về khái niệm; đời sống văn học đang đặt ra thế nào.
– Không có chỗ nào đủ sách báo toàn quốc để theo dõi. Ta không nắm được đời sống thực của văn học, không biết người ta đọc thế nào.
Nên thảo luận những tác phẩm đang có nhiều dư luận: Thời xa vắng, Hồn Trương Ba da hàng thịt…
LẠI NGUYÊN ÂN: – Chỉ nên tập trung kiểm lại: những ý kiến riêng, không kiểm lý luận trong nhà trường, lý luận “hàn lâm” (và dịch), chỉ kiểm phê bình, lý luận gắn phong trào, của phòng trào văn học.
– Phê bình đang bám quá trình văn học, nhưng phương tiện không phát triển kịp: thời các báo chỉ có “điểm sách”; điểm sách đang dễ biến thành quảng cáo; ngoài “Văn nghệ” thì tạp chí “Tác phẩm văn học” không có phê bình.
– Đồng ý với Nguyễn Đức Nam: không lấy lý luận bao cấp đánh giá thực tiễn bao cấp. Cảnh giác với khẩu hiệu “đổi mới không được phủ nhận thành tựu” – chủ ý đằng sau là gì?
Sản phẩm bao cấp: kiểu nhà văn viên chức.
BÙI HIỂN: – Ta chưa có văn học thực sự.
– Nhà văn có thực tế, không phải nhà văn viên chức đâu.
TẾ HANH: Tôi phục anh phê bình: cái mình nói được 1 phút, họ nói cả 1 ngày;
Chỗ không thích: phê bình nói không trúng.
– Hiện giờ có bùng nổ: sáng tác, phê bình đang chuyển động.
– Phê bình trẻ luôn có cái ấu trĩ, cái cơ hội. Ngay thời chống Pháp đã thấy ấu trĩ.
– Bài đề dẫn của anh Nguyên Ngọc (9) nên đăng lại.
– Trong văn học XHCN có tệ sùng bái: sùng bái Đảng, cách mạng, lãnh tụ. Người ta chứng minh thơ công xã Paris hay, tôi đọc không thấy hay. Ta lấy ngày thành lập Đảng làm mốc; các tuyển văn, thơ theo mốc ấy −> không đúng, do sùng bái. Hoặc việc chia dòng: lãng mạn, hiện thực, cách mạng. Khi làm tuyển khó thật, vì không hiểu thơ nào thuộc dòng hiện thực? Hoặc anh Hồng Chương bảo thơ cách mạng hay không kém thơ mới, tôi không thấy thế, tôi cãi. Ta đẻ ra lối cho rằng thơ văn cách mạng hay hơn mọi thơ văn khác, quên ý Marx…; mà Marx cũng chỉ khai triển, chứ ông không có thì giờ bàn mỹ học, ông thua Hegel.
Cá nhân tôi, khi làm số cuối “Tác phẩm mới” (10) xong, ông Diệu trực tạp chí bảo cứ đưa cả 4 cái lên thờ: thơ Bác, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, mỗi người một bài. Sau bỏ Xuân Thủy chỉ vì ông ấy thôi ban bí thư…
Có anh phê bình hay nói: tư tưởng quyết định, nội dung quyết định, chức năng giáo dục quyết định, mà không thấy nói gì đến thẩm mỹ, nghệ thuật. Có thứ lý luận thế này: tư tưởng người sáng tác quyết định sáng tác, vậy thì ông ở trong bộ chính trị, tư tưởng cao nên tác phẩm hay hơn!
Ta không cực đoan, nhưng phải là mình thì mới viết được chứ.
Không thể nghĩ như cũ.
Nguyễn Du có đẻ ra Từ Hải, nhưng cũng đẻ ra Sở Khanh.
Có rất nhiều chuyện cụ thể.
Trong phê bình hay có suy diễn, làm cho khó nói chuyện.
Về thơ Tố Hữu, tôi nói anh là nhà thơ xuất sắc, nhưng tôi chỉ thấy thích Từ ấy, Việt Bắc, sau đó thì có bài hay có bài không hay. Nhưng có đồng chí chứng minh càng về sau Tố Hữu càng hay.
Bây giờ khi ta nhận định có khủng hoảng của CNXH, ta mới thấy những cái sùng bái, những lầm tưởng: tưởng đã làm được cuộc cách mạng lớn thế này thì làm gì cũng được, thế là phủi hết những cái khác. Ta lại tưởng lầm cách mạng ta có một nền văn học nghệ thuật tuyệt mỹ mà nơi khác thời khác không có. Không đúng đâu. Mình đánh giá sai. Phải nhìn lại.
Có người đi cách mạng, nhưng thơ không hay bằng trước, thế không có nghĩa là không yêu cách mạng. Chỉ là do buồng trứng không hoạt động…
NGUYỄN KHẢI: – Tắt kinh rồi!
TẾ HANH: – Như ông Nguyễn Công Hoan, thời sau không hay bằng trước. Cho nên mới cần những người trẻ. Phê bình cần thấy sáng tác rất phức tạp. Nếu nhà văn nhà thơ trong cải tổ đổi mới viết không được thì không phải là họ chống cải tổ, đổi mới.
PHONG LÊ: Hiện trạng phê bình rất lạc hậu. Chúng ta đang tìm. Có người đi tiên phong (như bài anh L.N.Ân), những người khác đều đang truy cầu chân lý. Không có gì đáng phải căng thẳng cả.
Về quá khứ, không có gì không bị hạn chế lịch sử cả. Những bộ sách lý luận của Abramovich, Nubarov, Timofeev đúng là đã hòa vào đời sống văn nghệ ta. Ta cũng đã học tư tưởng văn nghệ Mao. Chính anh Hồ Ngọc đã dịch tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông. Hạn chế lịch sử là khó vượt.
Ta thường bình chứ không phê. Bình chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không khí ưu ái, êm ái.
Nhưng khi nào phê là có chuyện, là thành vụ thành việc. Làm sao trong ẩu đả lại tránh được đòn thừa? Có anh còn xông vào đánh hôi. Thành kiến phương Đông mà. Có anh thui chột vì thế. Anh Ân nói đúng.
Tôi muốn hỏi trong quá khứ trước đây, trong hoạt động phê bình, có tư cách nhà phê bình không?
Người lên tiếng phê bình là gắn với chức trách. Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Hồng Chương… đó là những chức trách: người thì đại diện báo “Văn nghệ”, người thì Viện trưởng Viện Văn học, người thì đứng đầu Tạp chí Cộng sản…
Tôi sẽ nói cái “phê bình quyền uy” anh Lại Nguyên Ân nói là có cơ sở của nó. Nhà phê bình thời bao cấp, hắn viết là có ai đó, tổ chức nào đó sau lưng. Tôi viết về Vỡ bờ, người ta bảo: cậu viết là có Viện đằng sau, là nói ý kiến Viện. Đó là không khí phê bình của thời đại. Vậy tư cách phê bình là ai? Không phải với tư cách cá nhân mà là tư cách chức vụ. Còn tư cách cá nhân anh là gì, − không đáng kể. Đấy là không khí thời đại, anh mà thở khác thì chạy trời không khỏi nắng. Có ai là chức trách phê bình chuyên nghiệp?
Đến khi hỏi trách nhiệm cá nhân thì ai cũng trốn được: tôi nói là nói ý kiến viện tôi, tổ chức của tôi. Ý kiến phê bình được nói ra không phải với tư cách nhà phê bình. Người hành nghề chuyên nghiệp cực ít.
Tôi nói: có hạn chế lịch sử chung. Nếu phủ định gay gắt thì không thể tình. Tôi không phải không đủ dũng cảm để phủ định mình. Chỉ buồn thôi chứ không tiếc đâu. Anh Khải, anh Châu còn dám phủ định, chúng tôi đã là gì…
PHAN CỰ ĐỆ: Trong nghị quyết Bộ chính trị nói ta có 3 cái mạnh (truyền thống, anh hùng,…), 3 cái yếu (dân chủ, khoa học, quốc tế). Tôi thì muốn nói 3 cái rơi rớt:
1/ Tư duy phong kiến −> sách vở, gia trưởng, quyền uy (nhưng tôi không tán thành nhận định cho rằng quyền uy phổ biến; chỉ có tính tương đối thôi). 2 cứ liệu: một, trong vụ Vũ Trọng Phụng: ý Hoàng Văn Hoan không thành; người bênh vẫn dám bênh khi ai đó phát hiện “Ấm B” là “anti-bolshevich”. Anh em phê bình không cúi đầu hết cả đâu, dù quyền uy cũng ghê; hai, Trường Chinh nói Truyện Kiều là hiện thực phê phán −> có ý kiến Viện Văn −> Tr. Chinh bỏ ý kiến này.
Ta chỉ trách người ta, nhưng cũng phải trách ta.
Ngay với văn nghệ sĩ, họ cũng có tự vệ, có phẩm chất, không phải ai cũng cúi đầu cả.
Ngày nay đổi mới tư duy cũng chưa hết rơi rớt phong kiến. Từ bây giờ đã có nhiều người mời anh Trần Độ in sách.
2/ Ảnh hưởng tư duy tư sản: quan điểm vị nghệ thuật; quan điểm xã hội học dung tục (Nhân văn, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Minh Tranh…); quan điểm chủ nghĩa Mao (Maoism).
3/ Lối suy nghĩ tiểu tư sản, cực nọ chạy sang cực kia.
– Đổi mới tư duy phải có chuẩn bị, có sự bàn bạc.
– Về đánh giá: có hạn chế lịch sử, hạn chế cá nhân.
Nhất trí 2 quan điểm: – quan điểm lịch sử
– tự đổi mới tư duy
Chú trọng tính mức độ, nếu không sẽ có tác động xã hội không mong muốn. Nên nhớ hồi 1979, phê Hoàng Ngọc Hiến là Trần Độ, Hà Xuân Trường, Lê Đức Thọ (không phải ông Thọ không khen).
Phải tính xem lớp trẻ nghĩ thế nào. Trong sách giáo khoa các vấn đề đều được nói bằng giọng khẳng định như thế từ trước đến giờ. Phải tính.
Có anh em bảo nhân cởi trói, thừa thắng xông lên. Nhưng nên đề phòng “sốc”.
Sáng nay anh Mạnh nhận xét bài tôi, tôi cũng chịu, nhưng bài ấy được Liên Xô dịch 2 lần. Tất nhiên chúng tôi còn phải nghĩ để nâng cao.
Tôi thấy phải có thái độ đúng mức, không thì không đi lên được. Dù chỉ một vấn đề, không phải một mình chúng tôi giải quyết được. Đọc lại bài phê bình Đống rác cũ, tôi không ân hận, chỉ có câu “đề nghị không lưu hành” là do báo thêm vào, nhưng tôi cũng phải chịu.
Tôi nghĩ, từ sau 1975, nếu để lớp trẻ không thấy có gì đáng học trong truyền thống thì chúng ta có tội.
– Về văn nghệ – chính trị: Tôi rất thích bài anh Lê Ngọc Trà, nhưng nói “sinh mệnh văn nghệ dài hơn chính trị” thì không chính xác. Thật ra những gì tiến bộ đều tồn tại: Tuyên ngôn nhân quyền Mỹ, Bình Ngô đại cáo. Có một chi tiết: coi chính trị là mặt trước (tấm huy chương), văn nghệ là mặt sau, tôi không tán thành lắm. Văn nghệ chú ý con người toàn diện hơn, văn nghệ có thể đưa ra tòa cái mà chính trị không lên án.
Văn nghệ phục vụ chính trị, − xã luận Tạp chí Cộng sản − là đúng, thực chất là phục vụ Đảng chính trị của giai cấp. Vấn đề là Đảng phải hiểu văn nghệ.
Chẳng có ai bằng lòng với cái cũ đâu. Tôi chắc Nguyễn Minh Châu hăng lên nêu nói như trong bài vừa rồi,(11) chứ nếu tôi đem lý luận của anh áp dụng vào nhiều tác phẩm của anh thì có khi anh không chịu. Có anh bảo người nói “không được phủ nhận thành tựu” sợ mình bị phủ nhận. Nhưng cái ta phải suy nghĩ là thành tích của cả nền văn học, làm sao phủ nhận được nó.
“Tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình” như trong Nghị quyết Bộ chính trị nói, tôi rất thích. Có anh nói hồi Mặt trận bình dân (12) tự do hơn bây giờ, không đúng đâu. Phải đấu tranh nhiều lắm mới được một thời gian thôi, sau nó lại khép lại ngay.
Vị trí phê bình trong Hội quá kém. Phê bình khép nép nhiều. Nhiều đồng chí trong Ban thư ký trong bụng coi thường phê bình.
Ta phê thiếu dân chủ thì phải tạo dân chủ, tạo tác động qua lại giữa giới phê bình và giới sáng tác.
THIẾU MAI: Sáng tác, phê bình đều cần đổi mới, ngay nhà văn cũng thấy cần đổi mới. Một số bài vừa qua (của Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân) khi nói yếu kém của phê bình thì cũng hàm ý cả yếu kém của mình, nói ra là biểu hiện muốn tiến bộ. Có một số người sợ phủ nhận cả nền. Phải thấy văn học có đóng góp, nhưng không thể viết như cũ.
Nói như anh Đệ trong bài vừa rồi (trên Văn nghệ quân đội) là không được, là chưa đổi mới. Phê bình quyền uy là có. Ví dụ ngay xung quanh chuyện bàn về Cù lao Tràm. Có chứ.(13)
Cũng có vấn đề nhân cách nhà phê bình: hoặc không thấy tác phẩm kém, hoặc thấy kém nhưng vẫn khen. Phê bình quyền uy thống trị trên báo, dù không thống trị ở từng người. Bây giờ phê và tự phê là cần.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH: Tôi đồng ý với anh Đệ: không nên nói quá. Nhưng chính bài anh Đệ vừa rồi là nói quá. Anh nói “có khuynh hướng phủ nhận” là chụp mũ, vu khống. Cách phê bình của anh vẫn là quyền uy. Anh lấy Đảng để dọa: Tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân, Nghị quyết Đại hội 6, cái lối ấy không đúng. Có chỗ anh còn quy kết “phủ nhận quá khứ”. Tôi nghĩ Đảng không dọa ai cả. Anh viết như thế nhưng lại lấy giọng “đồng chí”, làm ác nhưng nói vẻ hiền lành, thế là không trung thực. Tôi có nói những bài tổng kết chung chung, sơ lược. Liên Xô in hoặc khen hay thế nào tôi không biết, nhưng bài kém. Tôi cũng nhận xét như thế về cả bài anh Khải tại Đại hội 3.(14)
PHAN CỰ ĐỆ: Về chuyện đánh giá vụ 79, một số đồng chí phổ biến thiếu trách nhiệm. Tôi khẳng định sự phê phán của các đồng chí Trần Độ, Hà Xuân Trường, Lê Đức Thọ. Một số đồng chí hiện nay không thấy trách nhiệm còn rống lên, ví dụ bài Trần Văn Giàu trên Văn nghệ.
Nếu nói quá sẽ gây tác động phủ nhận.
NGUYÊN NGỌC: Đừng coi thường thanh niên và lớp trẻ, không phải nói dối mà lừa được họ.
HOÀNG TRUNG THÔNG: Ta có một nền văn học, một nền phê bình, không phủ nhận được.
LẠI NGUYÊN ÂN: – Vụ 79 cần được nhìn lại
– Cơ chế tabou. “Phủ nhận” là một tabou. (15)
HÀ XUÂN TRƯỜNG: Có ý kiến bảo văn nghệ ta chính trị quá nên sơ lược. Không phải thế: Chính văn nghệ sau 75 xa chính trị quá nên sơ lược. Văn nghệ thế giới sát chính trị lắm.
Tôi băn khoăn: mình viết bình luận nhiều hơn, nhưng lại là người lãnh đạo.
Các anh xem lại xem những bài tôi trao đổi với Xuân Diệu (Trảo Nha) có dốt nát lắm không? (16)
Khi nào đó tôi sẽ viết hồi ký. Sẽ thấy tôi đấu tranh với anh Tố Hữu để bảo vệ tác phẩm như thế nào. Một tác phẩm ra được là bở hơi tai, duyệt cho ra không dễ đâu.
Những con người phê bình chúng ta còn chưa hiểu nhau. Muốn hiểu nhau phải có hiểu biết, rộng lượng, dũng cảm.
Chị Mai vừa nói về Cù lao Tràm. Tôi còn ấm ức. Tôi nói nó là sự kiện văn học, nên bàn như một sự kiện văn học. Không phải tôi quyền uy mà tỉnh ủy Hậu Giang quyền uy với nó và chúng tôi hứng chịu phê bình tại Đại hội Đảng.
Tôi từng bảo vệ phim Con chim vành khuyên, phê anh Độ hiểu thô bạo về hiện thực.
Anh em mình không hiểu nhau, thì phê nhau đi để tìm ra sự thật, để hiểu nhau.
Phải nhận rằng CNXH, chủ nghĩa Mác đang tự phê phán, mình sao không suy nghĩ. Có sai ở một số quan điểm, sai ở cơ chế. Để Đảng lên trên hệ thống chính trị là không được, phải để trong hệ thống. Nếu để trên hệ thống thế này, không mới được.
Sáng nay anh nào nói chủ đề rõ ràng, trắng ra trắng đen ra đen – đó là tư duy cũ. Nay phải nói hoặc là, hoặc là, phải nói và… và…
Tìm ở trong tâm lý xã hội cũng thấy: lãnh đạo cao nhất có quyền nói về văn nghệ hơn ai. Từ nay ai có chuyên môn hãy nói về chuyên môn.
Tôi không trách một câu hớ (trong Nghị quyết 05 của BCT): “… không đối xử thô bạo trừ trường hợp…”. Phải nói “kể cả trường hợp…” mới là tư duy mới, vì nó phụ thuộc dư luận xã hội, phụ thuộc không khí dân chủ của xã hội.
Tôi vẫn băn khoăn về hai trường hợp đối xử với Học phí trả bằng máu và Cù lao Tràm. Ngay Nguyễn Khoa Điềm cũng đánh Học phí trả bằng máu, với tác phẩm này rõ ràng cũng có trách nhiệm.
Ai đã bảo vệ Những người thợ mỏ? Chính chúng tôi xuống mỏ, gặp Đảng ủy mỏ… đồng chí Tổng Bí thư nói là quyền của đồng chí ấy thôi.
Phải chăng những thằng làm phụ trách, làm lãnh đạo là dốt cả? Không phải đâu, không phải không hiểu đặc trưng đâu! Vấn đề là vào cơ chế đó thằng hiểu biết cũng hóa ra độc đoán. Đồng chí Tố Hữu, đồng chí Trường Chinh có lúc cũng độc đoán. Bác Hồ cũng không ưa Đống rác cũ…
Khó ai nghĩ mình trong sạch.
Giá ta có điều kiện tập hợp, tổng kết, nhìn lại.
Nên để mỗi nhà văn có tuyên ngôn của mình, căn cứ vào cái anh viết ra. Thậm chí có anh nào nói tôi không viết về chính trị thì cũng cứ được, để anh ta viết xem sao. Ông Marquez nói không biết hiện thực XHCN là gì, còn tôi nói hiện thực XHCN, vẫn nói chuyện được cơ mà!
NGUYỄN KHẢI : – Cuộc họp hay.
– Nhiều ý kiến: lọc cái cũ, nhưng có yêu cầu tự phê bình; mạnh mẽ rồi, mới tự phê được.
– Hai ngày qua tôi thêm kính trọng các anh nhiều. Mình tự phê đủ thì tăng uy tín với sáng tác, với phê bình trẻ. Nó tinh khôn lắm. Tự phê bình tăng giá trị rất nhiều.
Ta bình tĩnh, công bằng để đẩy văn học đi lên.
– Phải dân chủ. Tôi cũ để tôi nói cái cũ. Tôi đọc bài anh Đệ tôi nói “Thôi chết, ông này mở miệng rồi”. Khác ý kiến là bình thường chứ. Cứ đòi nhất trí thì 4 ông cách mạng lại nện nhau.
– Nhiều vấn đề mở ra: cần tiếp tục thảo luận. Tạp chí Tác phẩm văn học phải xông vào các vấn đề văn học.
– Chưa hiểu nhau lắm đâu. Có thể gặp nhau, thể tất. Nhưng quan niệm thì phải dứt khoát.
Tôi nghe các anh tôi hiểu hơn. Các anh có nịnh không? Có, tôi cũng có. Nịnh là bẩm sinh mà (cười).
(9) Chỗ này nhắc tới bài của Nguyên Ngọc, với tư cách bí thư Đảng đoàn, phó tổng thư ký Hội Nhà Văn VN, đọc đề dẫn tại Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học, họp trong 3 ngày: 10 – 12/3/1979. Một số ý trong bài này đã bị phê phán trên báo chí văn nghệ những năm 1980-83 (tuy không trích dẫn và nêu đích danh), cùng đợt việc phê phán bài báo của Hoàng Ngọc Hiến (Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua // Văn nghệ, H., s. 23, ngày 9. 6. 1979) và một vài ý kiến khác. Một phần bài đề dẫn này của Nguyên Ngọc đã được đăng tải trên tạp chí Langbian của Hội VHNT Lâm Đồng năm 1987.
(10) Chỗ này nhắc đến tạp chí “Tác phẩm mới” năm 1975 dành làm tuyển văn thơ gọi là các số chuyên đề: Chuyên đề thơ VN 1945-75 (TPM, s. 52, tháng 8/1975), Chuyên đề tuyển truyện ngắn 1945-75: tập I (TPM., s. 53, tháng 9/1975), tập II (TPM., s. 54, tháng 10/1975); sau các số tuyển này, tạp chí Tác phẩm mới còn ra đến số 58 (tháng 2/1976) rồi mới ngừng hẳn để chuyển thành nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (tháng 5/1976).
(11) Chỗ này muốn nói tới bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của Nguyễn Minh Châu (Văn nghệ, H., s. 49+50, ngày 5. 12. 1987)
(12) Hồi mặt trận bình dân: Ý nói thời kỳ 1936-39, khi Mặt trận bình dân Pháp thắng cử lên nắm chính phủ ở Pháp, có tác động nới lỏng cho các thuộc địa, trong đó có Đông Dương; ví dụ việc chính quyền thuộc địa thả tù chính trị phạm, giải tán cơ quan kiểm duyệt từ đầu năm 1935.
(13) Chỗ này ý muốn nói bài Mấy ý kiến về đổi mới tư duy trong lý luận phê bình văn học (Văn nghệ quân đội, H., s. 12/1987), cho rằng trong các phát biểu về đổi mới ngay gần đây cũng bộc lộ “khuynh hướng phủ nhận” thành tựu văn nghệ cách mạng. Trong các thảo luận về Cù lao Tràm (1984, tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn), giới nhà văn nhà báo nhận thấy các cán bộ chính trị như Hà Xuân Trường, Hoàng Tùng muốn đề cao tác phẩm này, do vậy không muốn các báo nói đến mặt yếu, chưa thành công của tác phẩm; một số bài phê bình xuất hiện muộn hơn về tác phẩm này (của các tác giả Phùng Quý Nhâm, Nguyễn Ngọc Lượng trên Văn nghệ Tp.HCM.) đã phản ứng lại việc này.
(14) Bài anh Khải tại ĐH 3: Ý nói bài báo cáo bổ sung của Nguyễn Khải: Văn xuôi, một chặng đường, 1963-1983, đọc tại đại hội lần thứ 3 Hội Nhà Văn VN (26 – 28/9/1983); xem trong sách: Văn học trong giai đoạn cách mạng mới, H.: Nxb. Tác phẩm mới, 1984, tr. 61-76.
(15) tabou (Pháp) hoặc taboo (Anh): húy kỵ.
(16) Chỗ này có lẽ nhắc đến một số bài báo từ thời kháng chiến ở Việt Bắc.