Hai khuôn mặt
Vâng, chị có một người bạn. Người đó không phải như chúng ta đâu. Ông ta luôn đến chị bằng hai khuôn mặt đối nghịch, hai khuôn mặt của một người, trên những khúc quanh quan trọng nhất đời chị. Các em cứ thắc mắc đi… Ông ta không phải là một người bằng xương bằng thịt đâu. Một bóng ma? Một huyễn ảnh? Thú thật chị không rõ nữa. Tuy nhiên, khi nhắc tới ông ta, một niềm an ủi ấm áp phủ nhẹ lên trái tim chị, như một tia nắng mơn vờn trên thớ lụa mịn màng vậy. Và xuyên qua cảm giác mềm mại kia, chị như thấy chập chờn đâu đó, trên cõi chúng ta sống, những thế giới khác lồng vào nhau, trùng trùng như đan võng…
Hồi lên bảy, chị bị chứng sốt thương hàn trầm trọng. Ba má chị đưa chị vào nhà thương Mỹ Tho để điều trị. Riêng bà ngoại chị thì đi cầu đồng cốt để biết tính mệnh chị ra sao. Một bà đồng ở cuối xóm tự xưng là xác cốt của cậu Hoàng Năm bảo:
– Không hề gì, con nhỏ có một cái “vong cô” lành phù hộ nó. Chẳng những nó tai qua nạn khỏi phen này, mà từ đây cho đến cuối đời, cái “vong cô” đó cũng giúp nó mỗi khi nó gặp tai ương.
Một bà đồng khác ở Rạch Miễu (từ tỉnh Mỹ Tho muốn đi Rạch Miễu phải dùng đò máy) tự xưng là xác cốt của bà Chúa Xứ, lúc lên đồng, bảo:
– Con nhỏ này căn tánh lộn lạo tâm địa điên đảo. Bởi đó, cái “vong cô” theo nó cũng phức tạp lắm. Vong cô đó khi thì ma khi thì Phật, lúc thương lúc ghét con nhỏ. Bà nên cầu Đức Phật Bà cho nhiều. Khi con nhỏ khỏi bịnh, bà nên dạy nó học thuộc lòng “Bạch Y Thần Chú” và “Quán Âm Linh Cảm Chơn Ngôn Thần Chú” thì họa may cái “vong cô” kia không bao giờ thù ghét nó để giúp đỡ nó luôn luôn.
Kỳ đó, chị khỏi bệnh. Bà ngoại chị bắt chị học thuộc lòng hai thần chú kia, để khi gặp tai nạn cầu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (người bình dân mình ưa gọi là Đức Phật Bà) cứu độ. Tại trung đường, bà ngoại còn lập bàn thờ vị Đại Bi Bồ Tát kia, và bắt em Ngọc Nga của chị và chị đêm đêm thắp hương, cúng nước, vái lạy.
Chị còn nhớ rõ năm đó, chị lên mười ba tuổi. Nhà chị ở tại Ngã Ba Trung Lương, cách tỉnh Mỹ Tho bốn cây số. Đó là một ngôi nhà, mái lợp ngói âm dương rộng thênh thang, nằm giữa vườn mận hồng đào. Thuở đó, vào khoảng năm 1946, 1947 thì phải, lúc mà Việt Minh đã ký một thỏa hiệp án với chính phủ thực dân Pháp. Cuộc chiến tranh Việt Pháp bớt sôi động. Ba của chị vẫn còn đi theo phe kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại chị, má chị và chị em của chị phải ở lại Ngã Ba Trung Lương để săn sóc vườn mận hồng đào cùng gia viên điền sản do bà nội chị để lại. Căn nhà vắng đi người chủ gia đình nên trống trải lắm. Bốn mẹ con bà cháu sống trong cảnh nghèo nàn, ăn những bữa cơm đạm bạc; hai chị em chị mỗi đứa chỉ có hai bộ quần áo bằng vải ta, một thứ vải thô tháp dệt bằng thứ chỉ to sợi.
Lúc gia đình túng hụt thì một hôm nọ, có một bà khách trạc ba mươi ngoài ăn mặc sang trọng, trang điểm sắc sảo từ chợ Mỹ Tho vào thăm. Hỏi ra đó là cô Yến Tuyết, người em một cha khác mẹ của ba chị, hồi cô 18 tuổi, bị ông nội từ, vì cô bỏ nhà đi theo người nhân tình Tây lai. Cô Yến Tuyết sau mấy phen thay đổi nhân tình, sau ba lần ly dị chồng, giờ đây là nhân tình một y sĩ trong quân đội Pháp, với chức vụ Đại úy. Cô Yến Tuyết bây giờ giàu có, có một biệt thự ở ngoài chợ Mỹ Tho. Chung quanh biệt thự trồng nhiều thứ bông, đặc sắc nhất là đủ loại hồng, đủ loại hoa hortensia. Trong nhà, cô bày nhiều bàn ghế bằng gỗ cây nu, gỗ cầm lai, nhiều lọ cố, chén bát bằng sứ Tàu, bằng pha lê Tây phương, bằng bạc, bằng ngà, bằng sừng tê giác. Cô Yến Tuyết còn có tiệm cầm đồ ở ngoài chợ, còn có thêm nghề cho vay ăn lời cắt cổ, còn hùn hạp mở nhà chứa… Cô đẹp lộng lẫy, mà lối xóm bảo rằng chị giống cô ấy hơn là giống mẹ. Cô bỏ ra một số tiền để cho má chị mở tiệm cơm ở tại Ngã Ba Trung Lương… Và một ngày Tết Nguyên Đán nọ, má chị dắt hai chị em chị ra chợ Mỹ Tho chúc Tết cô Yến Tuyết. Tại đây, má con được ăn một bữa cơm với các bạn cô và với cô. Hôm đó có cô Ngọc Sương, khá đẹp, mắt hơi trố, ánh mắt hung dữ. Cô Yvette Hương, cũng đẹp, nhưng cặp môi có vẻ buồn và quạu, dù cô hay pha trò cũng như cô Ngọc Sương và dù cô thường ăn nói nhỏ nhẹ. Đang lúc ăn uống thì có một người đàn bà lớn tuổi, dung nhan tiều tụy bước vào xin tiền cô Yến Tuyết. Cô đối xử với mụ ta rất ân cần mềm mỏng, lấy tiền cho mụ, mời mụ ngồi cùng bàn để dùng cơm cùng với mọi người. Mụ hầu như ăn mãi ăn hoài mà vẫn chưa xong chén cơm. Mụ lải nhải kể lại cuộc tình của mụ với một ông thương gia ở Sài Gòn cho má chị nghe, rồi khóc lóc, chửi rủa. Và khi cơn điên nổi lên, mụ tuột áo, bạch ngực phô bày một thân thể héo khô, đôi vú teo tóp… Hỏi ra, thì đây là nạn nhân của một cuộc tình phụ. Nhưng trước kia, mụ đã giúp đỡ cô Yến Tuyết nhiều nên giờ đây mụ được cô giúp lại.
Má của chị lén lút bà ngoại đưa chị em chị ra Mỹ Thi thăm cô Yến Tuyết luôn. Lúc về, chị em chị luôn có quà hậu hĩ. Và chị thường chứng kiến những cảnh cô của chị chửi rủa con nợ, đánh đập tôi tớ, và những cô gái ăn sương dưới tay cô. Lại còn những cảnh cô dụ dỗ các cô gái sa cơ lỡ vận vào nghề buôn phấn, buôn hương. Giọng nói của cô lúc nào cũng ngọt ngào, mềm mỏng, thái độ của cô lúc nào cũng âu yếm niềm nở, riêng đối với má con chị. Vậy mà lúc đòi nợ, lúc đày đọa hành hạ tôi tớ, các cô gái ăn sương, cô hiện thân là con chó “bẹt dê” dữ dằn mà cô nuôi trong nhà. Cả hai cô bạn kia cũng thế, lúc họ kể những vụ bắt ghen, vụ giành khách, mắt trố của cô Ngọc Sương càng rực ánh hung ác, cái miệng cô Yvette Hương càng thêm quạu quọ, càng chửi rủa tục tằn, hăng hái hơn.
Chiến tranh càng lúc càng lan rộng trên đất nước. Các cuộc chạm súng giữa Việt Minh và Pháp thường xuyên hơn. Bà ngoại chị thường dắt chị em chị đi chùa, để nghe tụng kinh Cầu An và kinh Dược Sư. Viện chủ trụ trì chùa Phổ Hương là một vị đại đức 40 ngoài, nụ cười thật hiền. Hai chị em Sa di Phước Điền và Phước Huệ lúc nào cũng trầm lặng nhưng vui vẻ, dung quang thật đoan phương, diện mạo thật đoan nghiêm. Mỗi kỳ rằm và mỗi kỳ ba mươi, Ngọc Nga và chị hái bông trang, bông điệp đem đến chùa cho các chú cúng Phật, được các chú cho bánh trái…
Cảnh nhà cô Yến Tuyết hay cảnh chùa Phổ Hương đều mê hoặc chị cũng như cảnh nhà. Trong trí óc ngây thơ của chị, các cô Yến Tuyết, Ngọc Sương, Yvette Hương cũng tử tế như vị sư viện chủ và hai chú sa di…
Hơn bốn mươi năm qua, tuy nhiên, chị vẫn còn nhớ rõ khung cảnh thơ mộng, tràn ngập màu xanh và bóng cây râm mát ở Ngã Ba Trung Lương. Trong vườn nhà chị lại có nhiều ao, đầm, mương, lạch, nước trong leo lẻo, ăn thông ra con lạch yểu điệu lượn trước nhà. Nơi đây, rau hoang dại mọc lan tràn, chẳng hạn như rau tập tàng hoặc rau cải trời mềm mại, những chùm rau sam tím đỏ, những cây rau dền mang từng chum hột xanh lợt và nhuyễn như cám, những khóm ngò gai xum xuê… Vào những mùa ổi chín, hoặc mùa mận, lũ chim chìa vôi, chim áo dà, chim manh manh cùng bọn quạ, se sẻ kéo về làm náo nhiệt khu vườn. Trong khu vườn đó, chị cùng Ngọc Nga hái rau hoang dại, bông điệp, bông trang đem cúng dường trên chùa. Chị và Ngọc Nga hái ổi, mận, cùng hoa huệ, hoa lài tặng cô Yến Tuyết. Cả hai quên đi sự vắng mặt của cha và cảnh lửa đạn đang phủ trùm đất nước.
*
* *
Hôm đó, vào ngày hăm ba đưa ông Táo về Trời, dùng cơm sáng xong, chị ra vườn đi hái rau. Đầu óc chị lởn vởn về chuyện vong cô (mội oan hồn chưa đi đàu thai, cứ quanh quẩn theo ai đó để phù hộ hoặc quấy phá) qua sự bàn bạc giữa bà ngoại chị và các bà lối xóm.
Khi chị tới ngôi miếu hoang thì bỗng có tiếng súng nổ lẻ tẻ từ đám dừa nước rậm rạp dầm mình trong bãi bùn lầy gần khu vườn. Rồi thì tiếng súng nhặt hơn, từng tràng dài. Đạn bay veo véo trên đầu chị. Chị toan về nhà, nhưng không kịp nữa. Tiếng súng gần hơn, lẫn tiếng thét giận dữ. Chị nằm sát trên nền sân gạch tàu, ngoài ngôi miếu, tâm thần hoảng hốt lắm. Chị đọc hai câu thần chú nhật tụng. Chị nghĩ đến khuôn mặt từ bi của Đức Quan Thế Âm trong tranh thờ. Chị nghĩ đến nụ cười hiền dịu của nhà sư viện chủ chùa Phổ Hương. Chị nghĩ đến phong thái ung dung và trầm lặng cùng dung quang đoan phương của hai chú sa di. Tự dưng, cơn sợ hãi lắng xuống. Nhưng vừa khi chị ngẩng đầu lên, một viên đạn bay phớt qua đầu chị. Cảm giác đau thốn, nhưng chị không dám cục cựa. Khi tiếng súng vừa im, chị cảm thấy cơn váng vất kéo đến làm cho não cân chi tê mê. Máu đã từ vết thương chảy xuống nền gạch.
Một bàn tay khẽ nâng chị dậy. Chị cố nhướn mắt lên. Một người đàn ông mặc Âu phục xám, trạc ba mươi ngoài (cỡ tuổi viện chủ chùa Phổ Hương), vẻ mặt trầm tĩnh giống chú sa di Phước Điền, ánh mắt dịu dàng âu yếm như mắt chú Phước Huệ, và vầng trán cao đúng là vầng trán nhà sư viện chủ. Ông khách lạ nhìn chị với vẻ xót thương vô hạn, rồi nở một nụ cười bùi ngùi:
– Tố Nga, em bị thương nặng lắm. Để tôi đưa em về nhà.
Chị khóc nức lên:
– Tôi muốn gặp ngoại tôi, má tôi và em tôi.
Người đàn ông rút chiếc khăn tay sực nức mùi hương cay cay, đúng là mùi nhang quỷ thường bán trong các tiệm Chà ngoài chợ Mỹ Tho, mà vào các kỳ rằm lớn, viện chủ chùa Phổ Hương thường thắp lên chánh điện. Ông khách lau nước mắt cho chị, vỗ về:
– Đúng vậy, em phải gặp họ chứ. Để tôi dìu em nhé, hay thôi để tôi bế em, em kiệt quệ như thế này thì làm sao về đến nhà được chứ? Tố Nga em có đau lắm không?
Tuy mệt lả, chị cố hỏi lại:
– Thưa ông, ông là ai?
Người đàn ông trầm giọng:
– Tôi là bạn của em, hồi xưa, xa lắm rồi em ạ. Em không thể nào hiểu được đâu.
Cơn chóng mặt đến cùng với cơn nôn quặn thắt. Chị mửa lai láng và mê đi. Khi tỉnh dậy chị thấy mình nằm trong lòng má chị, trên chiếc xe thổ mộ chạy lọc cọc ra nhà thương tỉnh Mỹ Tho. Mắt đẫm lệ, má chị kể lại:
Bọn lính partisan đi ruồng bố, bắt được một liên lạc viên của phe kháng chiến, nhưng tới đám dừa nước gần bên miếng vườn của mình, thì người liên lạc vùng chạy để thoát thân. Bọn lính đuổi theo, bắn xả vào đám dừa nước. Trận nổ súng vừa im thì má thấy con lết về tới sân, máu chan hòa khắp vai áo.
Chị thều thào:
– Còn người khách lạ đưa con về?
Má chị lắc đầu:
– Má cũng chẳng thấy ai cả.
Chị cố cãi lại:
– Khi bị đạn lạc, con đuối sức rồi. Làm sao con có thể lết từ ngôi miếu về tới nhà cho được?
Má chị trầm ngâm:
– Có thể là ông ta đưa con về nhà trước khi má chạy tới sân.
Chị không nói gì thêm vì chị mệt quá đỗi. Vết thương trên đầu chị dù được bà ngoại chị dùng lá lưỡi cọp để cầm máu, nhưng mảnh đạn hãy còn ghim vào xương sọ của chị. Cơn chóng mặt dệt một tấm màn đen phủ xuống chị và chị lại thiếp đi.
Tết năm đó chị nằm trong căn phòng thí, tầng lầu của nhà thương Mỹ Tho. Bác sĩ giám đốc của nhà thương không ai xa lạ là viên đại úy y sĩ, nhân tình của cô Yến Tuyết. Cô của chị đến thăm chị hằng ngày, khuôn mặt không giấu nổi sự lo âu buồn bã. Căn phòng của trại ngoại thương với những chiếc giường sắt kê hai hàng dài, chăn nệm cũ kỹ, sàn gạch sực nức mùi thuốc khử trùng. Đôi khi tỉnh táo, chị có thể nhìn ra hàng cây cao cao vút ngoài vòng rào bệnh viện. Vào những đêm trăng, bọn chim cú mèo kéo về đậu trên ngọn cao rúc lên những tiếng ma quái.
Một tuần lễ trôi qua. Đến ngày thứ tám, ông bác sĩ giám đốc mới chịu giải phẫu vết đạn trên đầu chị. Trong thời gian tuần lễ ở nhà trường, chị cứ mê sảng luôn, những cơn mê dài mù mịt, thiếu mạch lạc. Mỗi khi tỉnh dậy chị bắt gặp khuôn mặt chan hòa nước mắt của bà ngoại chị, của má chị và của em Ngọc Nga. Trong lúc chị tỉnh táo, bác sĩ bắt chị phải cử động tay chân, và phải nhắc cho ông ta rõ tên tuổi và quê quán của chị. Đó là cách ông ta thử coi mảnh đạn có phá hủy một trung khu thần kinh nào trên đầu chị hay không? Khi thấy chị có thể cử động và chưa mất hết tri giác, ông ta mới chịu cho chị được giải phẫu.
Trước ngày chị lên bàn mổ, cô Yến Tuyết có đến thăm chị. Cô mặc chiếc áo the nổi bông nhung màu hồng dịu, đeo kim cương, ngọc thạch, trân châu choáng lộn. Cô hôn lèn trán chị:
– Rán dưỡng sức cháu nhé. Chừng cháu mạnh, cô sẽ tặng cho cháu cây kiềng vàng này.
Cô vừa nói vứa chỉ cây kiềng vàng trên cổ của cô sáng loé ánh hoàng kim giữa ánh kim cương, màu ngọc thạch và màu trân châu. Suốt ngày hôm đó, lúc tỉnh táo, chị cứ bần thần mơ tưởng tới cây kiềng vàng của cô Yến Tuyết cùng cảnh đời giàu sang, huy hoát của cô.
Hôm sau vừa lên bàn mổ, chị vùng vẫy ghê lắm. Nhưng khi thuốc mê xông vào lỗ mũi chị… thần trí chị như bị hút sâu vào cơn xoáy đen mù mịt, rồi như chìm sâu tận một đáy vực muôn trượng dưới mặt nước. Khi cơn xoáy tan chị như được nâng lên dần, và bị hất lên trên một bãi cát lấp lánh trong ánh sáng trắng ớn lạnh như lạc lõng. Chị bơ vơ, tâm thần dao động, cố tìm một phương hướng để đến nhà cô Yến Tuyết. Ở đó, chắc chắn sẽ có bàn ăn trải khăn trắng, và xếp đầy những dĩa thức ăn ngon, những dĩa bánh trái đắt tiền, và sẽ có một cái hộp nhung đựng cây kiềng vàng lóe sáng ánh hoàng kim chờ chị.
Bỗng một mụ đàn bà trần truồng, thân thể gầy guộc, cặp vú khô héo giống như thân thể mụ điên mà chị đã gặp ở nhà cô Yến Tuyết. Mắt mụ hung dữ giống hệt cặp mắt cô Ngọc Sương. Cặp môi mụ quạu và buồn như cặp môi cô Yvette Hương, vẻ mặt cô khắc bạc, giống như vẻ mặt cô Yến Tuyết lúc đi đòi nợ. Điều hơi khác là tóc mụ buông xõa chấm gót, như tóc mấy con mụ tội nhân trong cuốn Ngọc Linh Minh Kinh (sách nói về cảnh mười cửa địa ngục). Và trời ơi, khi nhăn nhở cười mụ để lộ hai chiếc răng nanh và cái lưỡi đỏ như dính máu. Mụ rít lèn:
– Hãy theo tao!
Bàn tay lạnh buốt của mụ chụp vào vai chị. Chị cố vùng vẫy, nhưng mụ cười gằn:
– Mày đứng hòng thoát khỏi tay tao. Chúng mình cùng trẩy đò qua bên kia, mau!
Theo ngón tay chỉ của mụ, chị thấy một khoảng sông rộng, nước đen như mực, sóng bủa lao xao. Mỗi một lượn sóng dâng lên là có tiếng kêu than thảm thiết. Còn bờ bên kia là một vòm trời rực lửa, lố nhố những chiếc bóng đen quay cuồng, hỗn loạn.
Chị lắc đầu:
– Cháu muốn về nhà.
Mụ đàn bà giận dữ:
– Đừng hòng mà về nhà. Chiếc cầu từ đây về nhà đã gãy rồi.
Chị bướng bỉnh:
– Cháu không tin thế đâu. Thế nào cháu cũng về nhà cháu. Và nếu không, cháu sẽ tìm về nhà cô Yến Tuyết của cháu.
Mụ đàn bà không thèm nói nữa, xô chị xuống đò, nắm tóc chị bắt chị ngồi yên. Đò vừa tới mé đất, chị run rẩy khi nhìn biển lửa cháy hừng hực, tàn tro bay bổng, tiếng củi nổ lốp bốp. Chị cầu nguyện Đức Quán Thế Âm, cố quán tưởng đến đôi mắt từ bi của Ngài. Bỗng có hai bàn tay ấm áp nắm lấy tay chị. Chị ngước lên, ô kìa, ông khách lạ hôm nọ. Thân hình mảnh dẻ và rắn chắc của ông chỉ choàng sơ sài một tấm khăn trắng ngang bụng. Nụ cười của ông hiền lắm. Cái nhìn của ông lúc nào cũng tràn ngập thương xót, cảm thông. Từ nhân dáng, thân thể ông như toát ra một lớp hào quang bình lặng và thanh khiết, gợi cho người đối diện một niềm an lạc vô bờ bến. Ông bảo:
– Tố Nga. Thôi để tôi đưa em về nhà là hơn.
Chị thều thào:
– Còn mụ đàn bà trần truồng đâu rồi?
Người khách hôm nọ chỉ về phía lửa đỏ:
– Bà ta đã vào trong đó rồi. Còn em, chỗ đó không phải của em đâu. Em ngây thơ, hiền dịu lắm. Em phải về nhà sum họp với bà ngoại em, với má em và Ngọc Nga chứ.
Chị lại hỏi:
– Ông có về cùng với em không?
Người khách lạ lắc đầu:
– Tôi chỉ đưa em đến cổng nhà em thôi. Chưa phải lúc tôi theo em.
Chị nắm tay ông khách lạ:
– Nhưng ông hãy hứa rằng ông sẽ đến thăm em thường, ông nhé.
Người đàn ông lạ mặt hôn lên mái tóc chị, chỗ vết thương. Hơi thở của ông ta ngát hương cay cay. Chị cảm thấy vết thương hết đau ngay, ông ta dịu dàng bảo:
– Tôi đã nói với em rằng tôi là bạn của em thưở xưa, xa lắm. Được rồi, thỉnh thoảng, tôi sẽ đến thăm em.
Ông khách lạ đưa chị đến soi mặt vào ao nước xanh biêng biếc, gờn gợn những khóm rong dài tha thướt, có những con cá sặc bướm tím hồng, những con cá bãi trầu xanh lam đang lội tung tăng. Chị nhìn vào đáy ao, vụt thấy cái cổng nhà chị với giàn hoa “ti gôn” trắng, chen hồng, cùng cây trắc bách diệp lá nhỏ lăn tăn.
Người khách lạ nói:
– Em về nhà nhé. Không thôi sẽ muộn mất, Tố Nga ạ.
Ông ta xô chị xuống ao. Chị hoảng hốt giật mình tỉnh dậy, bắt gặp mình nằm trên giường. Xung quanh chị ánh đèn trắng xóa. Ngoại chị, má chị và em Ngọc Nga ngồi chung quanh giường, ai cũng lộ vẻ lo âu, buồn bã. Bà ngoại chị, giọng đầy nước mát:
– Tạ ơn Trời Phật, nó tỉnh dậy.
Má chị mừng rỡ:
– Con có mệt lắm không, Tố Nga?
Chị nói nhanh:
– Ông khách hôm nọ… Con vừa nằm mơ thấy ông ta.
Má chị lau nước mắt:
– Con đừng nghĩ quẩn. Họ vừa giải phẫu, lấy miếng đạn ra khỏi xương sọ của con rồi. Con sẽ bình phục Tố Nga ạ.
Chị nhắm mắt lại. Chung quanh chị như còn phảng phất mùi hương cay cay như mùi nhang tẩy uế của người Chà Và.
*
* *
Chị lớn lên khi chiến tranh Việt-Pháp chấm dứt. Lúc nào, khuôn mặt người khách lạ cùng mùi hương kỳ dị vẫn lởn vởn trong ký ức của chị. Ông ta không hề đến trong cuộc sống lẫn trong cơn chiêm bao của chị nữa.
Khi lên mười sáu tuổi, chị luôn luôn là một cô gái trầm tư, thích sống một cuộc đời khuất lánh. Các bạn của chị thường bảo chị:
– Tố Nga lúc nào cũng như nghĩ ngợi xa xôi. Nét đăm chiêu của Tố Nga gợi một vẻ đẹp riêng khó phân tích, nhưng chắc chắn làm cho bao người phải mê hoặc.
Thế mà các em ạ, nghiệp chướng nào đó đã đưa đẩy chị đi quá xa. Năm 19 tuổi chị bị một tên đại úy không quân quyến rũ. Khi biết mình bị tình nhân bỏ rơi với chiếc bào thai ba tháng trong bụng, chị liền uống lọ xạ chồn hương để tống cái di tích cuộc tình oan nghiệt ra ngoài. Cơn đau quặn thắt ruột gan. Mồ hôi lạnh vã ra. Trong căn phòng trần trụi, chỉ có một chiếc giường sắt, chị lăn lội rên siết. Ba má chị và bà ngoại chị thì ở Ngã Ba Trung Lương. Đây là căn nhà trọ tại xóm Bàn Cờ mà chị đã thuê để cùng ở chung với em Ngọc Nga. Nhưng giờ đây Ngọc Nga đã đi Tái Thiêu thăm người bạn cùng lớp vì hôm đó là chiều thứ bảy. Có lẽ chiều mai Ngọc Nga mới về. Cơn băng huyết tuôn ra như vắt khô cả sinh lực chị. Chị nằm bất động, đợi cái chết chầm chậm đến. Không hy vọng mảy may có ai đến cứu chị. Trong cơn kiệt quệ chị cầu nguyện Đức Quán Thế Âm hãy ban bổ cho chị một phút lâm chung bừng sáng để chị nghĩ đến cảnh giới trong sạch, một tâm hồn trong sạch, nhìn thấu suốt cơn ác mộng dàn trải suốt quãng đời tình ái ngắn ngủi của mình. Chị cầu mong, nếu đây là quả báo của cái nghiệp xấu, hãy để cho chị giờ đây chịu đau thêm, chịu lâu dài hơn, để rửa sạch cái mầm mống ác nghiệp, đừng để nó hiện hành ở kiếp sau…
Bỗng một bàn tay ấm áp sờ lên vầng trán giá lạnh của chị. Chị cố mở mắt ra thì gặp ông khách lạ. Mười năm qua có lẻ, nhưng ông ta không già chút nào. Vẫn cặp mắt tử ái của Đấng Cứu Rỗi, hay của Đấng Đại Bi. Vẫn mái tóc bồng bềnh như sóng và óng mượt như nhung che bớt đi vầng trán cao.
Ông khách nở một nụ cười thân ái:
– Tố Nga, em đau lắm phải không?Tôi đến đây để đưa em đi bác sĩ.
Trong một thoáng, chị nhớ lại buổi gặp gỡ bên ngôi hoang miếu và nhất là cơn chiêm bao hôm chị nằm trên bàn mổ. Chị nghẹn ngào:
– Ông đến đây muộn rồi, có phải? Em sắp chết đây. Giá hồi xưa, ông cứ để cho cái mụ trần truồng bắt em đi luôn.
Người khách lạ lấy khăn tay chặm nước mắt cho chị, mùi hương cay cay tỏa rộng, thơm ngát căn phòng. Ông ta an ủi:
– Không đâu Tố Nga. Em phải sống nốt cuộc đời của em. Mỗi một bước vấp ngã là một kinh nghiệm sống quý báu cho em. Đời em sẽ phong phú là nhờ những kinh nghiệm đã qua và những kinh nghiệm sắp tới em ạ.
Chị vẫn nhắm mắt lại, dòng lệ nóng trào ra hai khóe mắt và chị thiếp đi. Khi tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trong bịnh viện tư của bác sĩ Ánh, một người quen biết nhiều về gia đình chị. Bác sĩ cho chị biết:
– Tối hôm qua có một người đàn ông đưa cháu đến đây, xưng là chồng của cháu, ông ta nói rõ nguồn cơn bệnh hoạn của cháu, rồi ông ta đi luôn tới nay. Hồi ông ta mới đưa cháu tới, có ghi tên tuổi, địa chỉ của ông ta ở quyển sổ. Vậy mà, sáng hôm qua lật quyến sổ xem lại, người thư ký tiếp tân chỉ thấy tên tuổi của cháu, còn tên tuổi của ông ta bay đi đâu mất. Trang giấy của quyển sổ vẫn nguyên hàng gạch, không có dấu vết bôi xóa. Tôi có kiểm điểm tiền bạc mà ông ta gửi cho tôi, thì vẫn là tiền thật.
Thế là chị thoát chết bởi cơn băng huyết. Từ đó, chị lao thân vào hố sâu trụy lạc, mất niềm tin, tâm hồn đầy bi quan, lòng tự ái bị tổn thương trầm trọng. Nhờ khôn ngoan và chịu khó quan sát mọi việc, trong ít lâu chị trở thành gái bao các tay doanh thương, các hạng quý tộc, trưởng giả. Chị nhìn đời qua khía cạnh lọc lừa, không hề tin tưởng bất cứ giá trị đạo đức nào. Chị không trả thù cuộc đời, nhưng nhìn cuộc đời với sự thách thức hết sức hỗn láo, với tấm lòng kiêu hãnh vô biên. Ấy vậy, mà chị vẫn tạo cho mình một tủ sách, trong đó có một ngăn chất đầy kinh Phật. Mua sắm sách để làm dáng trí thức thôi, chứ ít khi chị xem qua. Nhưng một hôm, giở cuốn Kinh Duy Ma Cật, chị bắt gặp câu nói của Phất Sa Bồ Tát trong phần thứ 9 nói về Pháp Nhập Bất Nhị Pháp Môn: Cái lành và cái chẳng lành là hai. Nếu lòng chẳng khởi việc lành, và việc chẳng lành, vào cõi không tưởng, thì thấu suốt các pháp. Thế là vào pháp môn màu nhiệm có một chẳng hai. Các em ạ, không hiểu tại sao trong đầu óc chị như chập chờn tia sáng. Còn một cái gì thao thức, toan hiển lộ, lại tắt ngay. Chị rùng mình trong phút dao động chớp lóe trong tâm linh. Chị lấy giấy bút chép câu nói đó vào một mảnh giấy rồi nhét vào tập hồi ký, đúng ngay đoạn chị kể lại hôm lên bàn mổ, giấc chiêm bao mà chị đã gặp mụ già lõa thể và người đàn ông hiền từ. Và chị bỏ quên cuốn hồi ký vào ngăn chứa kinh sách mãi đến 10 năm sau, chị mới tìm lại nó.
Rồi một hôm chị gặp lại người khách lạ trong một hoàn cảnh lỡ khóc lỡ cười. Số là, chị bắt tình với một ông Trung Tá Phòng Chinh Huấn của một quân đoàn. Cuộc dan díu vụng trộm kéo dài chừng một năm. Bà vợ của ông ta, sau thời gian phăng được tung tích của chị, cùng năm bảy mụ nặc nô tới tận tiệm mà chị thường lui tới để đánh ghen. Chị bị họ lột truồng và đánh đập tàn nhẫn. Chị ngã gục mê man. Trong cơn mê sảng, chị thấy lại mụ trần truồng trong cơn ác mộng năm xưa. Mụ từ đám lửa chạy ra, nghiến răng:
– Ngày xưa, tao bắt mày theo tao quá sớm. Bây giờ, tao gặp mày đúng lúc. Mày hãy nhìn vào đám lửa kia, sẽ thấy cái bản mặt hiện tại của mày.
Lửa từ phía sau lưng mụ hung ác, sáng như một tấm gương soi mặt, chiếu rõ khuôn mặt chị. Ôi, chị xanh xao mệt mỏi, mắt sâu hoắm, hung tợn, răng dài sắp biến thành nanh, vóc mình lõa lồ, héo hắt. Đây là hình ảnh của một kẻ tội lỗi. Ôi chị lạc đường tìm về hạnh phúc, đi sâu vào một tâm cảnh phiền não. Thôi, hãy chấp nhận lấy cái cảnh giới phừng phừng lửa cháy. Tâm đã bị thiêu đốt bởi lửa kiêu căng, phẫn nộ, thì cảnh giới lửa kia phải chăng là cảnh giới tương ứng. Tâm nào, cảnh ấy. Chị nghĩ thầm như thế và chi biết cầu xin Đức Quán Thế Âm giúp chị sự kham nhẫn, sự không biết khiếp sợ để nhận lãnh hình phạt kia.
Bên tai chị, tiếng mụ trần truồng the thé:
– Mày giống tao rồi, có phải? Tao đợi mày quá lâu. Chúng ta hãy vào đám lửa kia, mau!
Chị ngoan ngoãn theo mụ, và cầu nguyện Đức Quán Thế Âm. Bỗng một bàn tay lôi chị ra xa đám lửa. Bàn tay mềm mát, chuyền cái hơi mát chạy khắp huyết quản, châu thân chị. Rồi bên tai chị văng vẳng một giọng nói dịu như dòng mật rót nhẹ vào ly:
– Tố Nga, tôi đến giúp em đây. Tội nghiệp cho em. Em đã đi quá xa.
Chị tỉnh dậy. Đám đánh ghen đã đi đâu mất. Chỉ còn lại một đám đông hiếu kỳ đang nhìn chị diễu cợt và soi bói. Người khách lạ dìu chị vào xe, sau khi trao cho chị chiếc áo măng tô xám nhạt ngát hương cay nồng.
Trong xe taxi, chi khóc trên vai, “người bạn” của chị, cảm thấy cái đau đớn của thân xác và tâm hồn dịu lần… Chị năn nỉ:
– Ông ạ, em muốn xa lánh thành phố này. Hoặc là ông cho em theo ông với. Hoặc là ông bằng lòng theo em.
Người khách lạ lắc đằu:
– Chúng ta ở hai cảnh giới khác nhau, thì làm sao mà chúng ta đi chung với nhau một đường, hả Tố Nga? Nhưng tôi tin rằng khi rời xa thành phố này, em sẽ làm một cuộc hành hương.
Chị lại hỏi bằng một giọng hậm hực:
– Ông ạ, mụ già kia là ai? Sao mụ cứ thù ghét, đeo đẳng em mãi? Thấy mặt mụ thôi, em đã lượm giọng.
Ông khách nhìn chị. Trong cặp mắt hiền từ bỗng lóe một chút ánh sáng hung ác, lạnh lùng. Nhưng chỉ một thoáng thôi, ông lấy lại vẻ bình thản, ánh mắt từ bi âu yếm, nụ cười bùi ngùi, man mác… Ông chậm rãi nói:
– Tôi muốn em đừng thù ghét ai cả. Tại em thù ghét mới có mụ già kia. Tại em yêu thương cuộc đời, nhân loại từ bao kiếp trước hoặc ở kiếp này bằng cái tâm từ bi hỉ xả nên tôi mới đến em.
Khi tới nhà chị, ông khách hôn lên trán chị, âu yếm:
– Tôi phải giã từ em tại nơi đây. Em nhớ đi bác sĩ và tịnh dưỡng một ít lâu nhé.
Chị ngập ngừng:
– Cho… tới bây giờ, em vẫn… chưa biết ông là ai?
– Tôi là bạn thân của em từ một thời xa lắm. Em không sao hiểu và tin những gì tôi kể được đâu.
Ông khách toan lui gót, chị vội níu chặt cánh tay ông ta lại:
– Ông bạn yêu kính, ông không khuyên em thêm một điều gì sao?
Ông khách thoáng vẻ buồn rầu:
– Em đã sống khá nhiều rồi. Kinh nghiệm mà em đã trải qua không hữu ích thiết thực cho em hơn là những lời khuyên nhủ suông trơn của tôi hay sao? Tuy nhiên, tôi đã viết cho em một bức cẩm nang và đút nó vào ngăn sách chứa kinh Phật. Em có thể tìm thấy nó và mở ra đọc liền khi nào em thấy cần.
Từ đó tới hôm qua, bẵng đi mười năm, chị không gặp người khách lạ nữa. Chị cũng không tìm ra bức cẩm nang của ông ta khi chị lục lọi ngăn sách chứa các quyển kinh Phật. Một hôm, chị thầm nghĩ rằng chắc là trong quyển kinh có những câu gì đó khả dĩ phù hợp với đời sống và những kinh nghiệm mà chị trải qua hoặc có liên quan gì đến ông khách hiền từ cùng mụ già hung ác. Chị lôi ra từng quyển đọc và chiêm nghiệm. Vì tò mò mà chị lần lần đi vào những quyển kinh Đại Thừa như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm Duy Ma Cật, Pháp Bảo Đàn Kinh. Và chị lãnh hội ít nhiều về căn bản giáo lý của Phật. Sau cùng, chị tìm thấy tập hồi ký và mảnh giấy mà chị đã chép câu Cái lành và cái chẳng lành là hai. Nếu lòng chẳng khởi việc lành và việc chẳng lành, vào cõi không tưởng thì thấu suốt các pháp. Thế là vào pháp môn mầu nhiệm có một không hai.
Chị đọc lại đi đọc lại câu của Phất Sa Bồ Tát trong kinh Duy Ma Cật kia. Ôi câu nói như một vết kéo bén ngót cắt tấm màn tối đen đang bủa vây đầu óc chị, nhất là khi chị đọc thiên hồi ký thuật về cuộc gặp gỡ giữa ông khách và chị, và cuộc gặp gỡ giữa mụ già và chị.
Rồi chị mê đi. Trong cơn chiêm bao, chị thấy mình nằm lõa lồ trên một bãi sông ẩm bùn. Chung quanh chị là ánh trăng tái nhợt. Chị cố tìm một phương hướng để về nhà, hay đến chỗ nào có dân cư. Nhưng vô ích. Chung quanh chỉ có sự im lặng và mông lung… Bỗng một bàn tay khô héo kéo chị đến một bãi đất phẳng, khô ráo, ngào ngạt mùi hương cay cay. Mụ già hung ác và trần truồng đó. Chị kinh hoảng toan chạy trốn. Nhưng mụ giữ chị lại, lấy tấm vải trắng quấn chung quanh chị. Và thoắt một cái, tấm vải biến thành một chiếc áo sa ri mềm dịu, loại áo của phụ nữ Ấn Độ, đem lại cho chị một cảm giác êm dịu mà chị chưa từng gặp.
Mụ già buồn rầu bảo:
– Tôi đợi bà hoài. Nhưng tôi làm công chuyện Dã Tràng xe cát biển Đông. Bà và tôi cùng đi chung đường, nhưng bà còn có những lối rẽ. Hôm nay, tôi đến từ giã bà đây. Chúng ta vĩnh viễn không gặp nhau nữa… Chúc bà vui vẻ tiếp tục đi trên lối rẽ của bà.
Bây giờ mụ đã già lắm rồi. Thân thể mụ vẫn trần truồng, nhưng tóc mụ bạc đi nhiều, sáng trắng như tuyết băng che bớt chiếc ngực trần và một phần thân thể. Khuôn mặt mụ bớt vẻ hung ác, nhưng không sao có một dấu vết tĩnh lặng, vì cái nhìn của mụ hãy còn nung nấu thù hận và cặp môi mụ hãy còn chua chát như xưa.
Chị hỏi mụ:
– Bà có biết ông khách lạ ở đâu không?
Mụ cười buồn. Chị nghĩ rằng mụ thù ghét ông ta nên không dám hỏi thêm nữa. Nhưng chị chợt thấy, trời đất ơi, nụ cười mụ bỗng dưng biến đổi, giống nụ cười của người khách lạ, hai mép môi cong hình củ ấu không còn nữa. Đây là nét mỉm cười từ ái của Đấng Cứu Rỗi hay của Đấng Đại Bi. Mụ hỏi:
– Có lẽ bà nghĩ lúc nào tôi cũng là kẻ bại trận của ông khách khi cả hai cùng đến với bà. Nhưng bà ạ, chắc bà còn nhớ câu nói của ông ta khi ông đến cứu bà trong trận đòn ghen chớ: (mụ lập lại bằng chính giọng nói êm dịu của mụ, và trời ơi, đây là giọng nói của ông khách) Tôi muốn em đừng thù ghét ai cà. Tại em ghét nên mới có mụ già kia. Tại em yêu thương cuộc đời và nhân loại từ bao kiếp trước hoặc ở kiếp này bằng cái tâm từ bi hỉ xả nên tôi mới đến em.
Thoắt một cái thân hình lõa lồ héo úa của mụ biến mất. Đây là thân hình tươi trẻ của người đàn ông, quấn chiếc khăn choàng – thân hình của ông khách. Mụ già nhắc nhở:
– Tố Nga, chắc bà ngoại của bà có thuật lại lời mụ xác cốt của bà Chúa xứ lúc lên đồng thưở trước chứ: Con nhỏ này căn tánh lộn lạo, tâm địa điên đảo. Bởi đó, cái “vong cô” theo nó cũng phức tạp lắm. Vong cô đó khi thì ma khi thì Phật, túc thương lúc ghét con nhỏ.
Mụ cười the thé trước cặp mắt kinh ngạc của chị. Tiếng cười gay gắt bỗng chuyển dần ra êm dịu, và mái tóc bạc dài gằn chấm gót của mụ biến thành mái tóc đàn ông đen mướt vẻ mặt hung ác và bất an của mụ biến thành khuôn mặt điển trai, hiền lành, khuôn mặt ông khách với ánh mắt âu yếm như ôm choàng cuộc đời.
Cứ thế, ở một con người, khi thì là hình tướng ông khách, khi thì hình tướng mụ già thay phiên nhau xuất hiện trước mắt chị. Và rồi “con người” có hai nhân dạng đố tan biến… Bên tai chị, tiếng ông khách văng vẳng lại, nhắc câu nói của Phất Sa Bồ Tát.
Nguồn: Văn Học số 7, tháng 8 năm 1986. Bản điện tử của Văn Việt