Chủ nghĩa Makeno và tương lai Việt Nam

Vũ Quốc Ngữ

clip_image002

“Mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo”

Matin Luther King, lãnh tụ đấu tranh nhân quyền từng nói “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

Hôm nay, trong lúc giải lao ở công ty, tôi vào facebook và đọc status của một facebooker khá nổi tiếng là Tony Buổi Sáng (https://www.facebook.com/TonyBuoiSang) về một chuyện người Việt Nam sản xuất hoặc chế biến theo hai cách: cách để gia đình mình ăn thì không dùng hóa chất độc hại; còn cách thứ hai, tức là sản xuất hàng hóa để bán thì xài hóa chất thoải mái. Người nông dân dành một phần đất để trồng rau không bón hoặc bón ít phân, không phun hoặc phun ít thuốc bảo vệ thực vật để gia đình mình dùng, còn phần còn lại thì phun, bón thoải mái, có thể hôm nay phun mai cắt đi bán luôn. Tương tự là người trồng chè, hay người bán phở, bán loại riêng biệt không có hóa chất cho người quen biết còn khách qua đường thì xài loại chế phẩm đặc biệt có nguồn gốc từ Trung Quốc, vừa rẻ, tiện lợi mà lại dậy mùi.

Chuyện thì không mới, và kết quả là cả ông nông dân, bà trồng chè hay cô bán phở gặp nhau với tư cách là bệnh nhân ở bệnh viện K. Họ đều không hiểu tại sao mình lại có mặt ở đây khi mà người thì ăn rau sạch, người thì chỉ uống chè sạch còn người kia không ăn phở có hại.

Anh bạn Tony Buổi Sáng này dẫn một nguồn tin rằng ở Việt Nam mỗi năm có 160.000 người mắc ung thư vì do ăn thức ăn độc hại và môi trường ô nhiễm. Thế nhưng, con số này có lẽ không dừng lại, vì cách sản xuất, chế biến của người dân không thay đổi, còn các cơ quan nhà nước phụ trách về an toàn thực phẩm, cán bộ thị trường hoặc không làm xuể, hoặc chỉ làm qua quít và nhận phong bì và cho qua.

Và rồi hàng Trung Quốc không được kiểm nghiệm ùn ùn tràn vào Việt Nam.

Tôi cũng đồng ý với kết luận của Tony Buổi Sáng, rằng có một nguyên nhân chính, đó là nếp nghĩ “lợi ích của mỗi cá nhân”, vì chủ nghĩa Makeno.

Tôi có may mắn là được học một thời gian hai năm ở Hà Lan, và trong thời gian đó, có đi thăm một số nơi ở các nước xung quanh như Đức, Bỉ và mấy nước ở Bắc Âu. Điều ấn tượng nhất là môi trường ở các nước này sạch sẽ và được bảo vệ nghiêm ngặt. Ở nhiều nơi, thiên nga bơi lội tung tăng ở các hồ mà không bị ai bắt.

Nơi tôi học là một thành phố nhỏ Wageningen nằm ở giữa trung tâm Hà Lan. Ở đây có khá nhiều mương rạch và chính quyền địa phương thường xuyên cử người nạo vét. Ở những nơi này, có rất nhiều cá và vịt. Tuy nhiên, không ai được bắt vịt, còn muốn câu cá thì phải có giấy phép. Tôi nghe kể, có một sinh viên Việt Nam không biết nên nhặt trứng vịt hoặc tìm cách bắt vịt, và bị người dân gọi cảnh sát đến xử lý. Vì mỗi người dân đều có ý thức, nên họ bảo vệ được thiên nhiên và môi trường.

clip_image004

hàng trăm người vui vẻ cướp bia, hôi của ở Đồng Nai

Thế còn ở Việt Nam? Chẳng ai quan tâm đến việc một ông nông dân mang kích điện ra bắt cá ở ngoài sông hồ. Không ai gọi điện báo cảnh sát khi thấy người khác đổ phế thải ra đường, và có báo thì cảnh sát cũng không tới.

Đi đường, nhiều khi thấy nhiều cháu ngồi sau xe bố mẹ, mút sữa hộp hay ăn bánh kẹo rồi cứ tự nhiên vứt vỏ hộp xuống đường. Có lẽ bố mẹ các cháu không dạy hoặc không làm gương, các giáo viên chắc có lẽ cũng không dạy các cháu chỉ được vứt rác vào thùng rác, vì học sinh thường nghe lời giáo viên hơn cả bố mẹ.

Không chỉ các cháu bé không có ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố mà người lớn cũng vô tư xả rác. Không chỉ người đi xe máy hay xe đạp xả rác, mà người đi xe ôtô cũng vô tư mở cửa kính để vứt rác khi xe đang chạy trên đường phố.

Rồi thì ý thức tham gia giao thông, mạnh ai nấy đi. Một lần đang đợi đèn xanh, tôi thấy một bác khá lớn tuổi đi bộ băng qua đường mà không đi theo vạch dành cho người đi bộ ngay gần đó. Tôi có hỏi “Bác ơi bác có biết cái vạch kia để làm gì không?”, và tôi nghe thấy ông ta trả lời “Để cho người đi bộ cháu à”. Tôi lại hỏi “Thế sao bác không đi theo đó?”, và ông ta vỗ vai tôi nói tỉnh bơ “Bác không thích”. Tôi có nói với ông là bác già rồi, nên đi theo đúng luật giao thông để làm gương cho các cháu. Có lẽ lần sau ông ta vẫn băng qua đường như thế, mặc dù gần đó là vạch đường dành cho người đi bộ.

Nói rộng ra nữa là về đấu tranh dân chủ và nhân quyền hay biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển Đông. Theo nhiều người thì những vấn đề này thuộc dạng nhạy cảm và không nên tham gia, tốt nhất là cứ tập trung vào việc làm ăn, còn mọi việc khác đã có đảng và nhà nước lo. Không chỉ người dân bình thường ít học nói thế, mà cả giáo sư tiến sỹ cũng có ý nghĩ tương tự. Và ai cũng có thể thấy rằng đảo thì bị chiếm dần, còn phần biển mà ngư dân Việt có thể hoạt động tự do ngày càng bị thu hẹp.

Nhỏ thì là miếng ăn, hụm nước, lớn thì dân chủ, nhân quyền hay chủ quyền đất nước, nếu mỗi người không có ý thức, nếu ai cũng theo chủ nghĩa Makeno thì nước Việt sẽ đi về đâu?

Ngoài biển Đông thì Trung Cộng đã chiếm xong Hoàng Sa và đang xây dựng các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Gạc Ma và sân bay quân sự ở đảo Đá chữ thập ở Trường Sa. Một số chuyên gia dự báo Bắc Kinh có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông nhằm chiếm trọn vùng biển giàu tài nguyên này.

clip_image006

Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay mà Trung Quốc dự định xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – Ảnh: Yahoo! Philippines

Ở trong nước thì các ruộng lúa “bờ xôi ruộng mật” biến mất, thay vào đó là các khối bê tông hay các nhà máy FDI tha hồ xả thải ra môi trường còn lợi nhuận thì chui vào túi nhà đầu tư ngoại quốc. Đường phố thì nay ông cung cấp nước đào xới, mai ông viễn thông cày lên rồi ngày kia là ông điện lực. Vỉa hè được xây dựng đẹp đẽ để người ta kinh doanh, để xe máy còn người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường.

Đất nước ta đã, đang và sẽ bị tàn phá như thế, nếu bạn, tôi, và anh kia không cùng nhau góp một tiếng nói để yêu cầu chính phủ và chính quyền các cấp phải làm việc xứng đáng với đồng thuế của chúng ta. Đất nước này là của chung, được ông cha ta xây dựng và bảo vệ từ hàng ngàn năm nay, chứ không phải chỉ từ 1945. Bất cứ một triều đại nào không lấy dân làm gốc mà vua quan chỉ bóc lột dân thì sẽ không thể tồn tại mãi. Tuy nhiên, cái giá mà dân tộc phải trả sẽ càng lớn, nếu bạn và tôi cứ im lặng mãi trước cái xấu xa.

Matin Luther King, lãnh tụ đấu tranh nhân quyền từng nói “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt”.

http://www.ijavn.org/2014/10/chu-nghia-makeno-va-tuong-lai-viet-nam.html

Comments are closed.