ĐÔI LỜI CẢM NGHĨ NHÂN NHẬN GIẢI THƯỞNG THƠ VĂN VIỆT LẦN THỨ NĂM
Xin thưa với quý vị.
Tôi rất sung sướng khi được lên đây để nói với quý vị đôi lời về cảm nghĩ của mình nhân dịp được nhận giải thưởng Văn Việt năm 2019 (vào đầu tháng 3/2020). Thành thật tôi rất xúc động. Một giải thưởng hết sức bất ngờ. Bất ngờ hơn khi tôi ở ngưỡng tuổi, đối với nhiều người, xem như đã an bài, chấp nhận, thỏa thuận.
Trước đám đông, thói quen của tôi là im lặng. Hoặc nhiều khi đặt ra vài câu hỏi ngắn để được tiếp tục lắng nghe. Nghĩa là tôi xem tôi như chiếc bình ắc quy chỉ biết nạp năng lượng sống. Sự tiêu pha nguồn năng lượng chỉ xảy ra, có thể nói, khi tôi được ngồi một mình, viết lên những dòng thơ bằng chính chiêm nghiệm và nội cảm của mình. Vậy mà lúc này, trước quý vị, tôi rất hồi hộp như hồi hộp trước bài thơ đang cảm hứng với nhiều gạch xóa. Tôi cám ơn quý vị đã dành cho tôi những giây phút thiêng liêng này.
Tôi rất muốn biết vì sao quý vị lại chọn thơ tôi để trao giải? Trong khi đọc các sáng tác mới của nhiều cây bút, nhất là cây bút trẻ, tôi cảm thấy mình còn học được rất nhiều? Thú thực học như thế nào, tôi cũng không biết được, chỉ biết cảm phục sự tươi mới và giàu có ở thơ họ. Nhưng tại sao thi ca ta vẫn còn khá nhiều hiện tượng chìm đắm trong khải hoàn xưng tụng? Văn học vì con người, cho con người đang ở đâu? Hơi thở dòng đời mỏi mệt như ngắt quãng, đứt gãy từng chặng quanh ta. Mùi vị cuộc sống phả vào mặt ta, ta không thể trùm chăn, hay bó gối ngồi yên. Vì thế, đối với tôi, viết không giản đơn chỉ là sự mua vui mà viết là trách nhiệm.
Dấn thân vào sứ mệnh của thượng đế bằng cái nghiệp của chính mình, thơ sẽ hiện sinh gương mặt, tình yêu và nỗi buồn thời đại. Nhìn lại, nhiều lần tôi tự thấy mình đánh mất mình trước những thăng trầm lịch sử. Rất may, tôi kịp víu lại như người ta víu vào một tia hy vọng nào đó.
Mấy chục năm về trước, tôi đã nhận thấy:
đã lâu anh không biết có tình yêu
con người đánh nhau
chiến tranh thường nhật
chẳng ai tự lột xác mình như người ta nhắc
họ cho thơ anh khó hiểu vì không biết tung hô
(Tháng giêng)
Mình hãy là mình, viết cho chính mình, từ trái tim của mình mà đến vời mọi người.
Có lần, một cụ già rách rưới chống gậy đi qua hàng cây râm bụt vào ngõ nhỏ nhà tôi, xin ở lại. Cụ nói, để đàm đạo với anh về văn chương hiện nay. Tôi vui vẻ đồng ý. Trong đầu tôi thoáng nghĩ, thơ xưng tụng quá nhiều trên sách báo, đến như cụ già cũng không bằng lòng. Octavio Paz Mexico, tác giả đoạt giải Nobel văn học 1990, viết:
Muốn ca thì cứ ca
để quên đi
cuộc đời thực những điều dối trá,
để quên đi
cuộc đời dối trá những sự thực.
Nguyễn Trung Đức dịch từ tiếng Tây Ban Nha
Đấy là sản phẩm văn học một chiều đang thịnh hành. Một thứ cảm hứng rập khuôn. Thanh Thảo nhận xét: “Nhìn một người ta nhìn ra cả nước”.
Tôi xin cụ cho được báo với an ninh để họ biết. Người đã tuổi cao mà nghỉ lại lỡ ra có việc gì mình giải trình thế nào. Cụ không nói, lặng lẽ bỏ đi. Việc đó ám ảnh tôi bấy nhiêu năm qua. Sự ra đi của cụ có cái gì đó mơ hồ giống như bị ràng buộc qua từng bài thơ khi tôi viết. Nghĩa là anh phải viết trong một khuôn phép nhất định. Sau chuyện này, tôi thiết nghĩ, hãy tự thoát ra khỏi mình, hãy để cho thơ nói hết tâm trạng, không lệ thuộc ai cả. Nghĩa là anh nghĩ một cách tự do. Và, anh viết như anh đã nghĩ. Chỉ một đêm ngủ lại còn lo. Chỉ một câu thơ viết ra còn áy náy… thử hỏi làm sao có được bài thơ hay?
Năm năm qua, Văn Việt đã trao những giải thưởng có ích cho văn học. Tôi thấy đây là giải thưởng thật sự dân chủ, tự do cho con người và vì con người.
Xin nói thật, quý vị đang ngồi đây đều là những gương mặt tên tuổi, lai lịch đắt giá. Nhưng văn học không ăn theo lai lịch. Lý lịch để chỉ ra bạn là ai, nơi cư trú trong xã hội. Còn văn học mới là nơi an trú của tâm hồn con người. Văn học cao hơn mọi hiểu biết. Soi vào quý vị làm cho tôi tin cậy. Nếu văn học dối trá, quý vị đã không đến đây.
Xin chúc mừng quý vị và xin trân trọng cám ơn.
19/2/2020
Hoàng Vũ Thuật