Giải Thơ Văn Việt 2020: Một dấu ấn đậm màu của Thi Ca Việt

Trịnh Y Thư (Thành viên Ban Xét Giải Thơ Văn Việt lần thứ năm)

clip_image002

Được anh chị trong Văn Đoàn Độc Lập mời đứng chung trong Ban Xét Giải Thơ Văn Việt năm 2020, tôi xem đấy là một vinh dự không nhỏ, và đã hoan hỉ nhận lời mà không hề nghĩ đến khó khăn nào có thể xảy ra sau đó. Khó khăn đó đến sau khi tôi đọc thơ của những nhà thơ tên tuổi được tuyển vào chung khảo để Ban Xét Giải bỏ phiếu cho giải nhất: Làm sao bỏ phiếu cho một nhà thơ khi mà thơ ai cũng hay, ai cũng có cái riêng độc đáo, ai cũng là người đã có một sự nghiệp thi ca định hình rõ nét? Bỏ phiếu cho người này thì tiếc cho người kia. Cứ thế phân vân, do dự, lần lữa, nhưng rồi cũng phải xong, và sau nhiều bàn luận, tranh biện, cuối cùng tôi và các anh chị trong Ban Xét Giải chọn hai nhà thơ mà chúng tôi, một cách rất chủ quan, nghĩ là xứng đáng nhất cho giải Thơ Văn Việt 2020: Nhà thơ Nguyễn Viện và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Thay mặt Ban Xét Giải, tôi xin có đôi điều cảm nhận đơn sơ về hai nhà thơ này.

Nguyễn Viện: Kẻ tuẫn đạo thách thức với thực tại

Đọc thơ Nguyễn Viện, tôi bị chấn động ngay với ngôn ngữ thơ của ông, ý thơ không ngừng chuyển động, phản ánh ý thức mới trong cuộc sống hiện đại. Thơ hiện đại đã đành, mà còn đi ngược lại với gần như tất cả những quy phạm, mỹ học của thơ cũ vốn chế ngự thơ Việt suốt bảy, tám chục năm nay. Nó cơ hồ như muốn đập vỡ cái vòng kim cô giam hãm tâm thức người làm thơ trong tù ngục đớn hèn. Thơ Nguyễn Viện là sự đứt đoạn – hay đúng hơn, tự đứt đoạn – với quá khứ để lột xác và tìm về một tâm cảnh mới, hoàn toàn mới, nơi con người xã hội, con người lý tưởng, khúc xạ dưới lăng kính ý thức hệ, bị đem ra phơi trần để cái đạo đức giả, cái khốn nạn, cái thô bỉ, cái nhơ nhuốc, cái giảo quyệt, cái phi nhân… mà chúng ta vẫn hằng tô son điểm phấn suốt bao năm, phải lộ diện:

Tôi cũng chỉ muốn tự do với cây búa

Đập vỡ chiếc quan tài mà chúng ta đang liệm mình trong đó…

Nghe như cơn phẫn nộ ứ tràn, bởi đó là một thế giới phi nhân tính mà nhà thơ cảm thấy cần phải xóa bỏ:

Cát nóng và gai nhọn mọc quanh bàn chân

Em úp mặt vào gió và mặc cho bọn quỷ bươi móc trong huyết quản

Trong lúc lũ ruồi kéo em xuống

Một khoảng trống…

Một nơi mà nhà thơ chỉ muốn “buộc sợi dây thừng vào hai chân và kéo dốc ngược mình lên khỏi mặt đất.”

Thơ ông đậm nét hoài nghi, phủ định cái nhìn phù phiếm của trần thế, và tuy đặt niềm tin vào sinh mệnh tuyệt đối và sau cùng (là tình yêu), nhưng vẫn đầy băn khoăn, thậm chí hoang mang về một viễn ảnh không mấy tươi sáng về con người:

Dưới chân anh, mặt đất chỉ còn là một vũng bùn. Những người đàn ông vẫn rêu rao chân lý trong quán nhậu những người đàn bà cất mình trong cơn phù phiếm. Anh lặng lẽ đi về phía em với một tặng vật duy nhất là tình yêu của mình.

Có lẽ bởi thế ông đã quả quyết phải vứt bỏ tất cả mọi hệ lụy quá khứ để đi về một “nơi không thật.”

Tôi sẽ đưa em đến một nơi không thật

để thấy một sự thật khác

những cái răng nhọn…

Chỉ tại “nơi không thật” đó, nhà thơ mới tìm ra Sự Thật.

Thơ Nguyễn Viện cho thấy nhà thơ sẵn sàng tách thoát ra khỏi cái “công chúng” để lẩn mình vào cái “riêng tư.” Đây chính là điểm vượt thoát của thơ Hiện đại mà Nguyễn Viện là tiêu biểu. Nhờ thế, chúng ta được giải phóng ra khỏi những biến tấu gần như bất tận của những cảm xúc công thức, sáo mòn, nhàm chán đến tận óc của rừng thơ hôm qua và phần nào cả hôm nay. Chỉ ở cái “riêng tư” ấy, Nguyễn Viện mới là ông thật sự; thơ trở nên “riêng tư” và “phi-quy-chiếu – non-referential,” hai trong những thuộc tính của thơ Hiện đại.

Ông thích đưa hai thi ảnh tréo ngoe liền kề nhau, môt thủ pháp khá thông dụng trong thơ cách tân, nhưng nói chung thơ Nguyễn Viện không là thơ “trừu tượng,” mặc dù có nhiều thi ảnh và ẩn dụ mới lạ như:

Điều tôi có thể làm là cởi thân xác ra khỏi linh hồn

Trút bỏ mọi ký ức

Và ngậm lấy môi cô ấy

Như gìn giữ một hạt sương

Thơ Nguyễn Viện không đoạn tuyệt với hiện thực, nó chỉ đoạn tuyệt với cái xấu xí của hiện thực. Trong bộ từ vựng thi ca của Nguyễn Viện không hề có những từ, dù chỉ ám chỉ xa gần, liên quan đến bộ mặt mĩ miều trá ngụy của đời sống. Ông bóc vỏ tất cả rồi dùng luồng sáng cực mạnh soi giọi vào cái ẩn mật của sự vật hiện sinh, cho chúng ta thấy rõ từng tế bào ung rữa cần phải thanh tẩy tận cùng. Để làm như thế Nguyễn Viện đã phải vận dụng một thao tác quyết liệt đến cùng kiệt mà nhà thơ Vũ Thành Sơn gọi là “phạm thánh.” Nhưng nếu chúng ta đồng quan điểm với ông nhà văn George Bernard Shaw người Ireland, “Tất cả Sự Thật đều bắt đầu bằng sự phạm thánh,” thì phải chăng “phạm thánh” như Nguyễn Viện đã và đang làm là cần thiết, thậm chí bắt buộc, để đạt điều mong muốn. Mong muốn cái gì thì có lẽ mọi người chúng ta ai nấy đều đã rõ.

Nguyễn Viện không chủ trương làm thơ-triết, mặc dù thi thoảng, ông ném vào thơ một vài tư duy như:

Ngọn lửa cứ làm việc của ngọn lửa và sự vĩnh cửu không nằm ở chỗ chúng ta có nhìn thấy nó hay không

Một khẳng định về tính toàn nguyên, bất hoại của chân lý? Một suy niệm triết học, siêu hình nhưng cũng thật hiện thực bởi nó chính là kim chỉ nam cho một khảo hướng truy tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Nguyễn Viện nhiệt tình tin vào sự cứu chuộc linh hồn. Với ông, chỉ ngọn lửa của giàn hỏa thiêu mới giúp cứu chuộc được linh hồn, và ông sẵn sàng nhận lãnh số mệnh kẻ tuẫn đạo ngước mặt lên trời điềm tĩnh bước lên giàn hỏa thiêu ấy.

Hoàng Vũ Thuật: Kẻ trữ tình mê mải đứng bên bờ Hư vô

Giữa Nguyễn Viện và Hoàng Vũ Thuật là sự tương phản khá rõ rệt, mặc dù ngôn ngữ và thi pháp thơ của cả hai thi sĩ đều thuộc dòng thơ Hiện đại. Nếu thơ Nguyễn Viện phóng chiếu ngoại tại, trừng mắt, rất nhiều khi phẫn nộ nhìn vào hiện thực, thì Hoàng Vũ Thuật hướng nội, thâm trầm sâu lắng tìm kiếm một lý giải cho cái phi lý của kiếp sống con người. Sự tương phản còn nằm ở điểm, trong lúc Nguyễn Viện chỉ tạt ngang mảnh đất triết học, đảo mắt nhìn quanh, buông vài câu vu vơ rồi bỏ đi, thì Hoàng Vũ Thuật, với tất cả nhiệt tình, với lòng hăm hở và hành trạng của kẻ lên đường, vận dụng tất cả giác quan mình, tìm tòi, hỏi han, xét nét xem ý nghĩa đời sống ở đâu, là gì.

Ba câu thơ sau (trong một bài thơ đề tặng nhà văn Nam Dao): “cái thẻ bài nhà tu hành nói với tôi/ anh là anh không là ai khác/ chính anh đã làm nên cuộc sống của mình,”phải chăng chính là tuyên ngôn của Triết học Hiện sinh:

“… Đời sống thực sự của cá nhân mới đích thực là cái cấu tạo nên ‘chân bản thể’ của hắn, chứ không phải một bản thể do kẻ khác tùy tiện áp đặt lên hắn, định nghĩa hắn là gì. Do đó, con người, xuyên qua ý thức bản thân, kiến tạo nên giá trị cho chính mình và định hình một ý nghĩa cho cuộc sống…”

Ở đây nhà thơ đã đội mũ triết gia.

Cùng bài thơ, ngay câu mở đầu, thi sĩ buông một câu nghe như lời phán quyết cuối cùng của quan tòa với bị cáo đang gục mặt bên dưới chờ nhận lãnh bản án chung thân:

tất cả chúng ta

đã bị dẫn vào hẻm cụt từ lúc chưa sinh

Với câu thơ trên, từ Hiện sinh, Hoàng Vũ Thuật đẩy suy tư sâu thêm vào cầu vực của Hư vô Hiện sinh, nơi cuộc sống con người bị xem là không hề có một ý nghĩa hay giá trị nội tại nào. Con người cá thể, hay tổng thể (toàn thể nhân loại) đều thế, có nghĩa là chẳng ai có tí ti trọng lượng, chẳng ai có mục đích sống, và mọi người hoàn toàn bất lực, không thể thay đổi chính mình bên trong cái rọ status quo đang là. “Bị dẫn vào hẻm cụt từ lúc chưa sinh” chỉ có nghĩa là: Mỗi cá thể trước khi sinh ra đã bị cách ly, và thắc mắc tại sao tôi sinh ra không hề được giải thích.

Tính hư vô của con người/ cuộc sống được Hoàng Vũ Thuật khẳng định:

Tôi chỉ là bong bóng bước ra từ cuống họng

bay vô dịnh

& tan cũng vô định

bởi giữa tôi & em hai thân thể hai ngọn lửa chỉ cần một que diêm

là đến bờ hố đen

tâm trí tôi sở hữu của đám mây nhẹ bổng

những nghi ngờ mọc từ trong giọt máu

cuồng loạn

nơi hang động trầm tích nhiều thiên niên kỷ

đang vỡ

Sự trống vắng hiu quạnh ghê rợn của kiếp người:

chiều qua nắng đỏ rực

đột ngột mùa đông quay lại giữa hè

chạy trốn mãi bao giờ thì thôi không chạy trốn nữa

cõi phật từ bi

sao nỗi cô đơn kéo dài vô tận

Thậm chí, cái đẹp cũng không thể tồn tại:

những cánh mai hoàng yến sẽ tàn

hương của nó bay đi không thể níu kéo

Thơ Hoàng Vũ Thuật là một chuỗi dài băn khoăn về cái Hư vô, nhiều đến nỗi tôi ngờ ông bị nó mê hoặc. Nhưng có tia sáng hy vọng nào xoi thủng màn đêm Hư vô trong thơ Hoàng Vũ Thuật không?

Mượn lời Jean-Paul Sartre, người phát biểu câu, “Hữu thể phải có trước bản thể,” tôi nghĩ Hoàng Vũ Thuật đã mấp mé chạm đến cốt lõi của sự vật khi ông viết tiếp những câu thơ sau:

có một con chim trên tóc em vẫn hót

khi mặt trời khôi phục lại ánh sáng của ngày

rút từ đêm xỏa trắng

mặt trời trong mắt em bừng thức

bấy giờ mới nhận ra anh cùng cái bí ẩn từ một búng tay

em nói cuộc chạy trốn trên những chiếc gai nhọn

đã kết thúc.

Con người sinh ra, hiện hữu trong vũ trụ sẽ chẳng là gì, chỉ một con số zero to tướng, cho đến khi hắn định nghĩa được chính hắn. “Ý nghĩa của Hiện tồn nằm ở hệ quả của sự dấn thân.” Sartre nói rõ như thế.

Muốn thành thật, con người phải biết đối diện với cái phi lý của cuộc sống, phải hiểu rằng sau cùng mình sẽ chết, rằng tôn giáo và siêu hình chẳng qua chỉ là kết quả của lòng sợ chết, rằng không có lý do nào mình không dám đương cự lại thực tại cuộc sống vốn lúc nào cũng hung hiểm, bạo tàn.

Thơ Hoàng Vũ Thuật còn có cái nhìn nhân bản về lịch sử mà tôi vô cùng tâm đắc:

vết sẹo lịch sử

chẳng thể liền

những xác ướp trong bảo tàng

mắc nợ

người chết

không sống lại

dù đến nghìn năm sau

Những câu thơ viết từ trái tim thi sĩ, giản dị, chân thành, chẳng cần suy diễn, đi thẳng vào tim người đọc. Ám ảnh quá khứ là một ám ảnh khôn nguôi, nó thường xuyên hiện về xé nát tâm tư người làm thơ, bởi nó mang dấu ấn của một vận hạn thê lương, điên loạn:

nằm dưới kia

một hộp sọ một ống xương chân một đốt lóng tay

một trung thực một đớn hèn một điên loạn

một ngọn lửa một đêm tối một chiều tà

một vận hạn một thức thời một nguyền rủa

Quá khứ dĩ nhiên không có đường về, nó chỉ hiện hữu trong tâm tưởng:

không ai dọc bờ sông chảy xiết

con thuyền ngày xưa trôi về đâu

gió nghẹn ngào

hắt từng nhịp thở

bầu trời trống rỗng sang thu

mặt trời đỏ như hòn máu

Tôi đọc thơ Hoàng Vũ Thuật với nhiều cảm hứng thú vị. Thơ ông là thơ-triết, nhưng vì là thơ nên tính trữ tình thấm đẫm, dễ đi vào lòng người, và ông đã chứng tỏ khả năng điều khiển chữ nghĩa đưa thi ca đến một biên vực mới. Thơ ông đưa ra câu hỏi nhiều hơn là câu trả lời, nhưng chúng ta đừng đòi hỏi hơn thế từ người làm thơ, và như thi hào T.S. Eliot có lần phát biểu, “Thơ hay là thơ cho chúng ta cái nhìn ảo giác về cuộc sống,” tôi cảm nhận những dòng thơ của Hoàng Vũ Thuật với một ảo giác: Làm sao để sống như một con người.

Comments are closed.