Giáo dục khai phóng nhìn từ hiện tượng Chu Ngọc Quang Vinh

Lê Học Lãnh Vân

1) Khái niệm Giáo dục Khai phóng xuất hiện từ xa xưa. Nội hàm chính của Giáo dục Khai phóng là đào tạo con người với các ý nghĩa cao thượng và luôn hướng thiện. Cho dù có biến thiên qua các thế kỷ, thậm chí qua các thiên niên kỷ, nội hàm đầy tính nhân văn cao cả này luôn được giữ gìn vun đắp thêm. Ta có thể hiểu Giáo dục Khai phóng là truyền lại kiến thức, tinh thần, phương pháp học các kiến thức khoa học, tự nhiên và xã hội, mà người tiếp thụ có thể dùng chúng một cách tự do, nhân bản. Nói một cách khác, Giáo dục Khai phóng nhằm giải phóng trí tuệ con người trong đó sứ mạng tạo con người có nhân cách quan trọng hơn con người có nghề nghiệp. Sự nghiệp giáo dục ấy cần trách nhiệm của cả người dạy lẫn người học.

Ý nghĩa đó thực nhân văn, hiểu theo đó ta thấy Giáo dục Khai phóng tại Việt Nam không chỉ là sự nghiệp của các mái trường từ tiểu học, trung học lên đại học, mà còn là sự nghiệp chung của cả xã hội trong đó hệ thống chính trị giữ vai trò then chốt vì sự phân quyền trong xã hội Việt Nam rất giới hạn do độ đậm đặc của tính toàn trị.

2) Thời xưa ấy người ta cho rằng Giáo dục Nhân cách cần dựa nhiều vào sách vở. Điều này cũng tương đồng với quan niệm của nền Giáo dục Tứ thư Ngũ kinh của Trung Quốc. Thời ấy, kiến thức về nhân cách được cho là tách biệt với kiến thức về khoa học.

Sự tiến bộ ngày càng nhanh chóng của Khoa học, bắt đầu từ thế kỷ thứ mười bảy (thế kỷ XVII, thế kỷ Cách mạng Khoa học), khiến nền Giáo dục được dần dần lôi khỏi lô cốt giáo điều. Các trường đại học nâng dần tầm quan trọng của khoa học tự nhiên và chính xác. Những quan niệm về nhân cách con người được xem xét lại, được soi rọi dưới ánh sáng phê phán của tinh thần khoa học. Người ta nhận thấy tính chính xác của khoa học và lý tính cũng mang lại vẻ đẹp nhân văn vì đem tới những hiểu biết mới, giải phóng con người khỏi những hủ tục, định kiến, lầm lạc. Xin chú ý rằng vẻ đẹp nhân văn không chỉ là vẻ đẹp “vị nghệ thuật”, vẻ đẹp ấy rất “vị nhân sinh”! Các giá trị đạo đức luôn là nền tảng cho xã hội ấm no, tiến bộ. Đây chính là nền tảng của thế kỷ thứ mưới tám (thế kỷ XVIII), thế kỷ Khai sáng.

Trung Quốc từng là một nền văn minh với các khám phá khoa học xuất sắc, phải chăng do con người nhân văn núp quá kỹ trong lô cốt giáo điều khiến khoa học chính xác không thể xâm nhập và Trung Hoa chìm trong chậm tiến khoa học kỹ thuật hàng mấy thế kỷ?

3) Nền Giáo dục Khai phóng hiện đại không đối lập giáo dục nhân văn với giáo dục khoa học, nhưng trong khi vẫn coi trọng giáo dục nhân văn thì cho rằng tất cả các kiến thức cần được đặt câu hỏi về tính chính xác. Trí tuệ con người cần được giải phóng khỏi tất cả mọi áp lực giáo điều. Do đó mọi câu hỏi về tính chính xác của bất kỳ loại kiến thức nào cũng được khuyến khích, hoan nghênh, cá nhân và xã hội cần đón nhận những câu hỏi đó với tinh thần cởi mở, thái độ thực sự cầu thị. Không chỉ đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của người, ta cũng đặt câu hỏi với kiến thức, lập luận của ta. Nếu chưa thể đặt câu hỏi cho chính ta, ta cũng cần luôn sẵn sàng cho những câu hỏi đó từ người khác, luôn tự đặt mình trong tư thế có thể sai. Tinh thần Hoài nghi Khoa học là điều kiện không chỉ cho sự tiến bộ của khoa học, tri thức, mà cho cả sự tiến bộ, văn minh của xã hội. Một xã hội thiếu tinh thần hoài nghi ấy sớm muộn gì cũng chìm vào u mê, chậm tiến.

4) Sự việc anh Quang Vinh cho chúng ta những suy nghĩ. Tôi tin chắc rằng ở xứ văn minh, tiến bộ, một người có ý kiến như anh Quang Vinh được quý trọng. Xã hội văn minh khuyến khích các phát hiện mới, cách đặt vấn đề mới. Không có câu hỏi nào, ý kiến nào là ngu dốt, câu nói ấy đã thành khẩu hiệu! Tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt thấm sâu tới mức khi nghe một phê phán trực tiếp người ta lắng nghe, suy ngẫm chứ không vội đáp trả. Nếu không đồng ý với ý kiến khác biệt, cách trả lời cũng hòa nhã và gợi sự tranh luận cầu thị. Tiếp nhận và suy nghĩ thấu đáo các phê phán đã thành nếp ứng xử trí thức, văn minh! Tuyệt đối không chụp mũ vì chụp mũ là giết chết tinh thần và lý trí phê phán, điều chỉ có ở những người trí thức xứng danh!

Phản ứng của không ít người, kể cả một số người có trách nhiệm giáo dục, cho thấy tầm tri thức và sự thù địch của xã hội ta đối với tinh thần phê phán.

Tuy nhiên, không như nhiểu người bi quan về mặt tối của xã hội Việt Nam, tôi thấy trong sự việc những điểm sáng hy vọng.

Trước hết là tinh thần phê phán không vắng mặt trong xã hội vì được thể hiện trên mạng xã hội.

Trong một giới hạn nhất định, chính quyền cao cấp không tỏ thái độ thù địch hay trù dập phê phán trái chiều.

Tôi tin rằng nếu giới hữu trách cấp cao của Việt Nam tìm thấy nguồn lực của sự minh triết nằm trong tinh thần Hoài Nghi Trí Thức, khuyến khích và xiển dương tinh thần ấy, người Việt sẽ cho thấy trí tuệ của mình.

Các phản ứng ồn ào vùi dập ý kiến của anh Quang Vinh những ngày qua, tôi tin rằng, chỉ là ồn ào xuất phát từ cách quản trị xã hội chưa thích hợp. Đó là tiếng ồn ào của những người nhào ra tranh miếng ăn giữa chiếu làng, không phản ánh đúng tầm vóc của lực lượng trí thức Việt. Khi không còn miếng mỡ để tranh nhau, những tiếng ồn ào sẽ tự tắt đi. Đó là lúc những tiếng nói trí thức có trách nhiệm cất lên!

Xã hội nào không cần trí thức? Tôi tin rằng chính quyền nào rồi cũng thấy cần trí thức chân thành…

Ngày 4 tháng 9 năm 2024

Comments are closed.